February 20, 2011

Ehsan Ahrari (Asia Sentinel) - Chơi mạng cùng Chú Sam

Thủy Trúc dịch

Ý tưởng sử dụng mạng xã hội để thay đổi chính trị là sản phẩm tinh thần của những nhà đấu tranh vì tự do mạng ở Bắc Phi và Trung Đông. Sau khi nghiên cứu hiệu quả của ý tưởng này, Mỹ liền áp dụng nó một cách trắng trợn. Họ đã mở các blog riêng trên Twitter để liên hệ với người dân ở Trung Quốc, Iran và thế giới Ả-rập. Bà Hillary Clinton gần đây có bài diễn văn về vấn đề tự do Internet. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lập các tài khoản (account) Twitter bằng tiếng Ả-rập và Farsi để tiếp cận được với giới blogger ở Trung Đông. Thông qua việc sử dụng Internet, Twitter, Mỹ đang rỉ rả chuyện “lịch trình tự do”.

Sử dụng Internet và các mạng xã hội là thứ vũ khí mới để tuyên truyền tự do trên khắp các nước “cộng hòa chuyên chế”. Internet và mạng xã hội đã lật đổ hai nhà độc tài ở xứ Ả-rập, và vài kẻ chuyên quyền nữa dường như cũng đang nghiêng ngả.

Phản ứng đầu tiên của chính quyền Obama với chính biến ở Tunisia và đặc biệt ở Ai Cập có hai đặc điểm nổi bật là lưỡng lự và thay đổi mỗi ngày. Khi Husni Mubarak bị lật đổ, và khi những người Hồi giáo chưa ào ào tràn xuống đường phố Ai Cập, thì thái độ chính trị hiện hành của Washington, bắt nguồn từ thói quan liêu, bỗng thay đổi theo hướng táo bạo hơn một chút. Vì thế từ sau màn trướng, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đã ra những quyết định nói rằng Mỹ nên nhảy ra trước cơn sóng thần này để tạo thay đổi chính trị. Mỹ đang sử dụng tự do Internet như một công cụ để đem lại thay đổi chế độ ở Iran và mở cửa Trung Quốc – cả hai quốc gia đều bị Mỹ coi là đối thủ ở những mức độ khác nhau.

Chính quyền Obama cũng đang nhảy vào lĩnh vực “lập các tiểu blog giống như twitter”. Hiệu quả của những thứ này trong việc truyền tải thông tin – đặc biệt các tin tức mà một chế độ độc tài nào đó chẳng muốn thế giới được nghe được thấy – đang được chứng tỏ hàng ngày, cùng với việc bất ổn chính trị tiếp tục lan rộng ra khắp Yemen, Libya, Bahrain và Jordan.

Sở dĩ chính quyền Mỹ mê các tiểu blog là vì chúng hoạt động trên nền tảng công nghệ tốc độ cao, vốn dĩ không thể bị kiểm soát một cách hiệu quả bởi chính quyền Trung Quốc – nơi có lẽ là nước tiên tiến nhất thế giới về khả năng làm chủ trận chiến trên mạng. Quan trọng hơn, đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc đang ngày càng gắng sức tương tác với người dân Trung Quốc – một việc làm quả thật là trơ. Mặc dù Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn (block) mạng xã hội trong nước, “những doanh nghiệp bản địa như tập đoàn Sina và công ty TNHH Tencent Holdings” vẫn thu hút hàng triệu người sử dụng. Bên cạnh đó, “các website Trung Quốc đang triển khai nhiều cách sáng tạo để lọc bỏ nội dung trên blog sao cho phù hợp với quy định của chính phủ – các quy định này ít lộ liễu hơn những công cụ kiểm duyệt khác – ngay cả khi người dùng blog có nhiều cách để lách”.

Chính phủ Trung Quốc cứ lờ như điếc khi triển khai biện pháp trả đũa nhằm đối phó với mặt trận quân sự công nghệ cao rất tinh vi của Mỹ cũng như nhằm phá vỡ những bức tường lửa hùng mạnh của các cơ quan an ninh Mỹ. Họ cũng cho thấy năng lực của mình trong việc triển khai các biện pháp ngăn chặn blog. Một tiểu xảo là cho phép các blogger cứ việc thảo luận trao đổi “đồng thời tiến hành chặn những từ khóa liên quan nào có thể thu hút thêm người tham gia”. Một tiểu xảo khác nữa là “cho người dùng gửi comment (bình luận) lên các website, blog riêng của mình, nhưng ngăn chặn, không để những người khác đọc được comment đó”. Mọi người hãy cứ yên tâm rằng rất nhiều chuyên gia chiến tranh thông tin làm việc cho chính quyền Trung Quốc đang nghiên cứu kỹ lưỡng mọi kỹ thuật, tiểu xảo trên mạng của những nhà hoạt động Ả-rập, để triển khai các biện pháp đối phó.
Ngay cả trong kịch bản những thay đổi chế độ diễn ra ngày càng mau chóng ở Trung Đông và Bắc Phi – kịch bản này không thực tế lắm – cũng không có khả năng xảy ra sự kiện tương tự ở Trung Quốc. Con số ngày càng tăng những người Tunisia và Ai Cập bỏ nước sang châu Âu để tìm việc làm, kể cả sau khi các chế độ độc tài đã sụp đổ, cho thấy khó khăn kinh tế có thể là lý do lớn nhất làm tích tụ cơn phẫn nộ lan rộng của dân chúng đối với những nhà cai trị tàn bạo và hết sức kém cỏi.

Miễn là kinh tế Trung Quốc còn tiếp tục sôi sục phát triển, và miễn là mức sống ở nước này còn tiếp tục tăng, người dân chắc chắn còn chấp nhận thiếu vắng tự do. Nỗi sợ lớn nhất của các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh là sự phát triển của những khuynh hướng tụt dốc không kiểm soát được trong vận hành kinh tế. Chừng nào điều ấy không xảy ra, sẽ chỉ một số ít người Trung Quốc tham gia sâu vào các hoạt động liên quan tới tự do. Đó là vật cản lớn nhất đối với ý muốn của Mỹ, dù chỉ là mong muốn một chế độ độc tài cởi mở hơn ở Trung Quốc.
Đồng thời, cũng khó hiểu tại sao Washington lại đột nhiên xúc tiến cái lịch trình cởi mở hóa hệ thống chính trị Trung Quốc. Hành động xúc tiến một chính sách như thế trên toàn cầu có lẽ không nhằm phục vụ lợi ích cao nhất của Mỹ, vì chắc chắn nó sẽ dẫn đến thay đổi chế độ ở Bahrain, Ả-rập Xê-út, Yemen, Iran và Jordan. Trong số những nước này, chỉ duy nhất khả năng thay đổi chế độ ở Iran có thể sẽ là một sự kiện được Mỹ chào đón; chứ chắc chắn không phải là thay đổi chính trị ở Trung Quốc – điều có thể mang đến một sự bùng nổ. Một kịch bản như thế chắc hẳn cũng đưa đến bất ổn khủng khiếp ở Đông Á.

Phân tích cuối cùng: cuộc đối đầu hiện tại giữa Washington và Bắc Kinh về việc cởi mở hóa thế giới blog sẽ không đi đến đâu. Sẽ có nhiều biện pháp mới, cũng như các biện pháp trả đũa cùng đối phó mới, từ cả hai phía, nhưng dòng thông tin vẫn sẽ tiếp tục tuôn chảy. Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc không phải đương đầu với suy thoái kinh tế kéo dài, thì ngay cả một sự lan truyền thông tin liên tục không ngừng nghỉ cũng sẽ chẳng dẫn tới việc mở cửa hệ thống chính trị.

Tiến sĩ Ehsan Ahrari là chuyên gia về quan hệ quốc tế giữa các cường quốc và an ninh xuyên quốc gia. Cuốn sách mới nhất của ông về chủ đề quan hệ giữa các siêu cường có tên “The Great Powers and the Hegemon: Strategic Maneuvers”.

Đã đăng trên basam.info

No comments:

Post a Comment