David Hawkins
Phạm Nguyên Trường dịch
CHƯƠNG 5
Nghe có vẻ dễ. Suy cho cùng, phó thác có nghĩa là buông bỏ và không phải
làm bất cứ việc gì. Còn gì dễ hơn? Trên thực tế, phó thác là một trong những bước
khó khăn nhất trên con đường dẫn đến chứng ngộ, vì những xúc tu của bản ngã,
ngay cả những xúc tu có khuynh hướng tâm linh nhất, đều chui sâu và bám rất chắc.
Tuy nhiên, sau khi đọc chương này, bạn sẽ hiểu tại sao cam kết với quá trình
phó thác hoàn toàn xứng đáng với những yêu cầu đặt ra.
Sự
sẵn sàng phó thác những phần thưởng của bản ngã cho phép bạn buông bỏ bằng cách
trải nghiệm mọi thứ khi nó vừa phát sinh. Bao gồm phần thưởng của đau buồn, giận
dữ, oán giận hoặc hận thù. Phó thác là bạn phải lựa chọn. Bạn phó thác cái gì
cho Thiên Chúa bằng cách buông bỏ? Sùng kính có nghĩa là gì? Tôi yêu Thiên
Chúa. Tôi yêu niềm vui thoát khỏi lòng hận thù, thoát khỏi độc ác, thoát khỏi
nhục nhã, thoát khỏi mặc cảm tội lỗi, thoát khỏi ước muốn trả thù. Bạn chỉ có
thể hoặc là yêu Thiên Chúa hoặc là yêu trả thù. Bạn không thể yêu cả hai. Bạn
chỉ có thể hoặc bạn yêu Thiên Chúa hoặc là thích than thân trách phận. Bao giờ
cũng là lựa chọn. Tôi có sẵn sàng từ bỏ thái độ này vì tình yêu Thiên Chúa hay
không? Muốn chứng ngộ thì sức mạnh bên trong phải mạnh mẽ. Bạn phải sẵn sàng từ
bỏ mọi thứ vì Thiên Chúa. Và ý tôi là
mọi thứ. Là vì vào phút chót trước khi trải nghiệm tối thượng tự mặc khải (hay
đúng hơn phải nói là tình trạng đó bao trùm lên bạn), bạn sẽ được yêu cầu phó
thác chính đời sống của mình.
Bản ngã cho rằng nó vẫn là nó, nhưng nó đã chứng ngộ. “Tôi vẫn là tôi, nhưng tôi sẽ là người đã chứng ngộ”. Không, bạn sẽ không còn là bạn nữa. Trách nhiệm của tôi là chuẩn bị cho bạn đón nhận khoảnh khắc cuối cùng này, vì mọi người ở đây đều sẽ đi tới khoảnh khắc cuối cùng này. Nếu chưa được nghe sự thật, bạn sẽ không biết phải làm gì. Vì vậy, với lương tâm trong sạch, tôi tuyên bố mình đã nói sự thật. Trong khoảnh khắc cuối cùng này bạn sẽ nhận được, “Hãy bước thẳng về phía trước, dù xảy ra bất cứ chuyện gì”. Chết cho Thiên Chúa. Và khi bạn buông bỏ đời sống của mình, đau đớn của chết chóc sẽ phát sinh (rất đau đớn và bạn chết). Và lúc đó, trước mặt bạn sẽ xuất hiện những cảnh tượng tráng lệ. Cái mà bạn từng nghĩ là đời sống hoàn toàn không phải là đời sống. Nhưng vì nó rất thật nên bạn sẽ hiểu vì sao bạn lại bảo vệ nó trong bao nhiêu kiếp sống. Nó đáng tin đến mức bạn có thể nhầm lẫn nó với cuộc đời thực. Bạn tưởng rằng nó là cội nguồn của đời sống của bạn. Bản ngã rất, rất mạnh mẽ, nếu không nó sẽ không thể tồn tại được trong tất cả những kiếp sống này. Trong khoảnh khắc cuối cùng này, nó nói với bạn, hoặc bạn cảm thấy rằng đó chính là cội nguồn của đời sống và bạn đang buông bỏ. Đúng lúc đó, tôi đang nói với bạn rằng, phó thác là an toàn. An toàn, nhưng bạn phải biết rằng phó thác là an toàn. Bạn phải nghe, bạn phải biết nó. Bạn phải có nó trong hào quang của mình. Và rồi từ nơi vô tăm tích, nó đến với bạn và bạn đi thẳng về phía trước. Câu nói của Thiền sư về việc dũng cảm bước vào nỗi sợ hãi, bất chấp mọi thứ, đã giúp tôi vượt qua khó khăn. “Bất chấp mọi thứ” có nghĩa là không giới hạn, kể cả đi tới chết chóc, bất chấp mọi thứ. Tôi nhắc lại lời thầy, thầy của tôi lúc đó: bất chấp mọi thứ.
****
Trong giai đoạn đầu, bản ngã đồng nhất với hình tướng. Làm sao bản ngã biết? Vì nó ghi nhận hình tướng thông qua nhận dạng. Bạn sẽ nhận thấy rằng hoàn toàn không có một “tôi” nào đang suy nghĩ. Chỉ có người quan sát/trải nghiệm. Trong thiền định hoặc chiêm nghiệm, nếu bạn tập trung vào trường, bạn sẽ nhận thấy rằng việc chứng kiến đang diễn ra một cách tự phát.
Vì vậy, việc đầu tiên bạn ghi nhận về ý thức là nó diễn ra một cách tự động. Tia sáng của ý thức là tự động. Nó thể hiện như là người theo dõi, người quan sát, người trải nghiệm thông qua nhận thức. Bạn chạm tới cội nguồn của khả năng đặc biệt, bạn sẽ thấy đó là khả năng vô nhân xưng. Không có con người cá nhân nào quyết định trở thành người nhận thức một cách có ý thức. Chứng kiến đang diễn ra theo cách của nó. Vì vậy, trong thiền định, bạn tách ra khỏi việc đồng nhất với nội dung – Tôi là cái này, tôi đã làm việc đó, và tất cả những thứ vớ vẩn đó; tất cả đều là câu chuyện sai lầm - và bạn nhận ra rằng con người mà tôi đang là người chứng kiến tất cả những suy nghĩ, cảm xúc và bức tranh toàn cảnh đó. Tôi gọi nó là ảo ảnh.
Bà cố của tôi thường chuẩn bị món thật đặc biệt cho chúng tôi trong ngày sinh nhật, bà gọi là quái vật Polyfeme. Và bà đặt nó ở dưới gầm bàn; bà nói, “Đó là một con quái vật Polyfeme”. Ví dụ bộ gậy chơi bi hoặc thứ gì đó. Quái vật Polyfeme. Vậy là toàn bộ ảo ảnh này đi qua tâm trí của bạn. Người đã ngồi thiền đều biết điều đó - ký ức, ý nghĩ, tưởng tượng, hình ảnh. Bạn nhận ra rằng con người mà bạn đang là là nhân chứng không cố ý. Bạn không tình nguyện làm nhân chứng. Bạn là nhân chứng. Không có công trạng gì trong chuyện này. Chẳng cần xấu hổ vì nó là tự động. Ý thức tự động biết những thứ xảy ra xung quanh nó vì đó là bản chất của nó và là phi cá nhân. Là người có ý thức là một phần di sản mang tính nghiệp lực của bạn.
Cho nên người ta bắt đầu đồng hóa với nhân chứng, người quan sát, rồi sau đó là với ý thức, rồi người ta thôi đồng hóa với ý thức mang tính cá nhân, rồi người ta thậm chí còn vượt lên trên cái hiển lộ và nhận ra rằng cái tối thượng là vượt ra ngoài mọi hình tướng, vượt qua hiển lộ… ý thức phát sinh từ đó. Nó làm cho bạn trở thành một vị Phật.
****
Sẵn sàng buông bỏ định vị là kết quả của thái độ khiêm nhường trước Thiên Chúa, có nghĩa là người đó sẵn sàng chấp nhận khả năng là, về bản chất, con người là ngây thơ và rằng họ đang khồ sở là do vô minh và lối thoát duy nhất để thoát khỏi đau khổ là siêu việt vô minh để tìm cho ra sự thật tâm linh. Lúc đó, người đó sẽ trở thành người tìm kiếm sự thật tâm linh trong đời sống cá nhân hay thậm chí là cả trong lúc hành nghề chuyên môn của mình. Làm cho nhân loại bớt đau khổ, đấy chính là y học, tâm thần học. Đó là lý do vì sao tôi nghiên cứu phân tâm học. Mỗi ngành đều là để nâng cao năng lực hỗ trợ quá trình làm cho nhân loại bớt đau khổ - bằng dược lý học thần kinh hay hiểu được những xung đột vô thức của con người - dù những đau khổ này có diễn ra dưới bất cứ hình thức nào. Nếu tận tụy với nỗ lực đó, cuối cùng người ta sẽ vươn tới sự thật tâm linh và các chương trình đào tạo tâm linh, vì đối với nhiều tình thế tiến thoái lưỡng nan thì không có câu trả lời nào khác, tương tự như không có câu trả lời nào khác về cái chết của người thân, trừ phó thác cho Thiên Chúa và ý chí của Thiên Chúa và hiểu rằng cuối cùng, sự thật tâm linh sẽ chữa lành mọi đau đớn. Cách chúng ta vượt qua tất cả những điều đó là một lần nữa quay trở lại với sự khiêm nhường và sẵn sàng từ bỏ cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ, và cho phép sự thật tâm linh xuất hiện từ chính nó. Mọi người không nhận ra rằng khi người ta trở nên im lặng, từ sự im lặng đó, đột nhiên xuất hiện nhận thức.
Chúng ta, bằng lời yêu cầu, buộc người nào đó trả lời hoặc buộc Thiên Chúa phải trả lời. Thực chất, nhiều lời cầu nguyện chỉ là những yêu cầu mà thôi. Chúng ta cố gắng buộc Thiên Chúa phải đáp ứng yêu cầu - được ngụy trang như một lời cầu nguyện - của chúng ta. Bạn đang tìm cách ép Thiên Chúa ban cho bạn một chiếc xe Ford đời mới. Khi chúng ta thực sự phó thác cho ý chí của Thiên Chúa, đột nhiên chúng ta nhìn nó khác đi, và khi nhìn nó khác đi, chúng ta mới nhận ra rằng không có gì là mất mát hết. Nguồn gốc của đau đớn - xuất phát từ vô minh và từ cách chúng ta đang nhìn nhận nó - biến mất. Bằng cách liên tục phó thác cho Thiên Chúa, mọi việc sẽ tự động giải quyết, thậm chí cả những vấn đề tâm linh rất khó khăn và phức tạp cũng được giải quyết. Cách tốt nhất để lời cầu nguyện có một chiếc xe Ford được thực hiện là buông bỏ ước muốn của bạn về việc có một chiếc Ford. Tại sao bạn lại muốn có một chiếc xe Ford? Vì bạn nghĩ rằng hạnh phúc là cái gì đó ở bên ngoài bạn. Nếu tôi có chiếc xe Ford mới thì tôi sẽ cảm thấy thành công, rồi tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc. Vậy thì tất cả ham muốn đều liên quan với hệ thống niềm tin vô thức rằng đồ vật sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta, nhưng nó lại làm cho chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào thế giới bên ngoài. Và vì thế, hạnh phúc của chúng ta luôn luôn dễ bị tổn thương, và do đó, chúng ta luôn luôn sống trong sợ hãi, bởi vì nếu cội nguồn của hạnh phúc nằm ở bên ngoài bạn thì bạn luôn luôn ở trong tình trạng yếu thế và có thể là nạn nhân.
Nếu
cội nguồn của hạnh phúc là tự viên mãn bên
trong chính con người mình, thì không ai có thể tước đoạt, và thậm chí có
thể vươn tới thời điểm mà thể xác sống hay chết cũng thực sự không liên quan. Bạn
đang nhìn thẳng vào cái chết nhiều lần, và nếu bạn từ bỏ thế gian, thì bạn từ bỏ,
còn nếu không, thì không. Và nói thật ra, đó không phải là vấn đề lớn. Khi
chúng ta bị dục vọng bao vây, chúng ta tự chuốc lấy đau khổ, và do đó, nếu
chúng ta sẵn sàng phó thác mọi thứ cho Thiên Chúa, bất nhị sùng kính có nghĩa
là chúng ta tận tụy với sự thật và với Thiên Chúa, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi
thứ và bất cứ thứ gì, kể cả chính đời sống. Rồi nó sẽ được giải quyết và có thứ
gì đó thay thế cho nó, còn tốt hơn cả chiếc Ford mới.
Chính tương lai đang tạo ra hiện tại của bạn. Bạn nghĩ đó là quá khứ của bạn đẩy bạn ra khỏi quá khứ, bạn đang bị quá khứ đẩy đi. Không, bạn đang bị hút tới tương lai của mình. Bạn đang được số phận kéo đi, vì thông qua hành động của ý chí, bạn đã chọn số phận của mình, và lúc này là sự mở ra của những thứ cần trong quá trình vươn tới nó. Vì vậy, không có lý do gì để phàn nàn, trừ khi bạn muốn phàn nàn. Đừng có mặc cảm tội lỗi khi phàn nàn.
Làm
sao siêu việt được bản ngã này? Trước hết, không có cái gọi là bản ngã. Chỉ có
xu hướng của những năng lượng này trong việc tạo thành một cơ cấu. Chỉ có xu hướng. Có thể dễ dàng xóa bỏ. Có hai
cách, thiền định và chiêm nghiệm, cùng với cầu nguyện và dâng hiến. Hãy trở
thành một với trường này. Vì vậy, nếu bạn chủ yếu nhận thức được về “trường”,
thì chứng ám ảnh cưỡng chế sẽ bị cuốn vào những thứ nhỏ nhặt ở đây, và nó sẽ
làm cho bạn phát điên. Phải biết mọi chi tiết nhỏ nhặt ở đây, mà nó hoàn toàn
không liên quan. Bạn hiểu tôi đang nói gì chứ? Bữa trưa của bạn là 1,32 đô la
hay 1,37 đô la?
Sẵn sàng phó thác tất cả cho Thiên Chúa – đến mức bất nhị sùng kính có nghĩa là tình yêu dành cho Thiên Chúa là đủ để bạn sẵn sàng từ bỏ mọi thứ cản đường, không cho bạn nhận ra sự hiện diện của thần tính, mà thần tính không phải là khác mà chính là Đại ngã. Bạn nghĩ sau này nó sẽ xuất hiện. Nhưng thực tại căn bản của tính chủ quan chính là cội nguồn của tồn tại. Chúng ta coi tính chủ quan là hiển nhiên. Chúng ta coi trường năng lượng là hiển nhiên. Chúng ta coi ý thức là hiển nhiên. Đây là những thứ chúng ta coi là đương nhiên. Đây là những thứ chúng ta cho là quan trọng. Đây là những thứ tầm thường và không liên quan, và đây chính là con người mà bạn đang là. Chúng ta lờ đi con người mà mình đang là và quay sang tập trung vào con người mà mình không là.
Ngay lúc này, 99% tâm trí bạn im lặng. Lý do bạn không nhận ra là vì bạn
đang tập trung vào 1% ồn ào. Nó giống như một nhà hát hình tròn, rộng lớn – ví
dụ một sân bóng chày rất lớn chứa được 400.000 người. Không có ai ở đó vào ban
đêm, nhưng trong một góc có một chiếc radio bán dẫn nhỏ xíu. Đó là cái bạn đang
tập trung chú ý tới. Toàn bộ nhà hát trống rỗng, không có người nào, nhưng bạn
nghĩ đây là nơi diễn ra vở kịch, cho
nên bạn tập trung vào cái vật bé tí đang thu hút sự chú ý của bạn. Vì bạn đang
tập trung chú ý vào đó, cho nên bạn nghĩ đó chính là tâm trí của mình. Đó không
phải tâm trí của bạn. Tâm trí là im lặng tuyệt đối. Nếu tâm trí của bạn không
im lặng, bạn sẽ không biết mình đang nghĩ gì. Nếu rừng không im lặng, bạn sẽ
không thể nghe thấy bất kỳ tiếng động nào.
Làm sao bạn có thể nghe thấy tiếng chim hót? Nó diễn ra trên nền là sự
im lặng. Phải có nền tảng là sự im lặng bẩm sinh của tâm trí thì bạn mới có thể
chứng kiến những điều tâm trí đang nghĩ tới. Khi nhận ra điều đó, bạn gọi là nó (it) chứ không phải tôi (me). Đó không phải là cái mà tâm
trí của tôi đang nghĩ về. Mà là cái mà nó
(it) đang nghĩ về. Cũng có nhận thức tương tự như thế về cơ thể. Khi không còn
đồng nhất với cơ thể, bạn thấy nó hoạt động theo cách của nó. Bạn không liên
quan. Bạn không bao giờ liên quan với nó. Nó là của tự nhiên, và bị nghiệp lực
thúc đẩy. Nó chỉ đơn giản làm những việc mà nó phải làm. Nó làm cho tôi vui chẳng
khác gì bất kỳ người nào khác. Tôi muốn nói là, nó chỉ là một thứ mới lạ.
Những trường nhận thức đó là gì? Khi những thứ đó sinh khởi, hãy sẵn
sàng phó thác cho Thiên Chúa. Sẵn sàng phó thác mọi thứ khi nó sinh khởi. Khi bạn
nghe thấy một nốt nhạc, nốt nhạc sinh khởi rồi biến mất. Khi bạn nghe thấy nốt
nhạc, nó đã ở trên đỉnh và nó đang biến mất. Vì vậy, phó thác là sẵn sàng buông
bỏ tất cả các định vị của mọi thứ sinh khởi khi nó sinh khởi. Không dán nhãn
cho bất cứ thứ gì, không gọi nó là gì hết, không có quan điểm về nó. Sẵn sàng
phó thác mọi thứ khi nó sinh khởi. Làm như thế sẽ tạo điều kiện để bạn vượt qua
cuộc phẫu thuật lớn mà không cần gây mê. Đúng lúc bạn chống lại cơn đau hay gọi
nó là đau, đúng lúc bạn nói, “Anh cắt đứt ngón tay cái của tôi rồi,” ngay khi bạn
bắt đầu chống lại cơn đau, thì bạn cảm
thấy càng đau hơn. Ngay khi bạn buông bỏ quan điểm thì bạn đang nằm trên lưỡi
dao, nhưng buông bỏ chống cự, bạn có thể làm cho bệnh tật biến mất ngay khi nó
vừa sinh khởi. Vì vậy, nếu bạn ngã và cảm thấy mình vừa bị trẹo mắt cá chân, bạn
không thể gọi đó là đau. Bạn không thể gọi nó là trẹo mắt cá chân. Có những cảm
giác đang nổi lên. Đừng dán nhãn cho chúng, bất cứ nhãn gì.
Bạn không trải nghiệm cái đau; không ai có thể trải nghiệm cái đau.
Đau là một nhãn hiệu. Bạn không thể trải nghiệm bệnh tiểu đường, bạn không thể
trải nghiệm bệnh viêm phổi, bạn không thể trải nghiệm bất kỳ cái gì trong những
hiện tượng vừa nói. Đấy đều là ngôn từ, nhãn hiệu. Bạn có thể ho. Bạn thậm chí
không trải nghiệm cái ho. Đó là một từ
bạn dành cho nó. Có cảm giác. Bạn buông bỏ hoàn toàn việc chống lại cảm giác
đó. Phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, sẵn sàng phó thác mọi thứ cho Thiên Chúa
khi nó vừa sinh khởi. Vì vậy, khi nó sinh khởi, sẵn sàng phó thác sẽ đưa bạn
vào trạng thái của Vĩnh Hằng, trạng thái hiện diện của thực tại như là cội nguồn
của tồn tại.
****
Bản
ngã có xu hướng suy nghĩ theo hướng nhân quả. Nó nghĩ về mục tiêu, về thành tựu,
về việc đi đến đó và trở thành một cái gì đó vĩ đại hơn. Bản ngã không bao giờ
nhận ra rằng bạn đang bị thu hút. Không phải bạn bị đẩy đi; mà bằng cách nào đó
bạn trực nhận về định mệnh bên trong chính mình, và bạn phát hiện được rằng
mình bị lôi cuốn và quan tâm. Bạn không bị quá khứ đẩy đi nhiều bằng bị tương
lai thu hút.
Tương tự như khi bạn lùi lại và dang tay sang hai bên và nói: “Chúa ơi, con thực sự phó thác suy nghĩ, ý kiến, quan điểm, cảm giác của mình”. Và bạn kêu gọi thần tính, và lúc đó bạn mở ra thái độ tâm linh “âm” (Yin) ở bên trong, cho phép Thiên Chúa mặc khải. Trong chương trình 12 bước, thịnh hành trên toàn thế giới, mọi người đều biết sự kiện này. Bằng thiền tập, chúng ta trở thành những người có ý thức và nhận ra được ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đó là một lời cầu xin; đó là chấp nhận. Nỗ lực tâm linh đã không bị lãng phí.
Khi chúng ta nói về cầu xin, chúng ta nói về việc phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Khi chúng ta nói đến cầu nguyện, chúng ta nói đến sùng kính - những hành động sùng kính như cầu xin Thiên Chúa, xin được dẫn dắt. Có rất nhiều thông tin đã được tích lũy qua nhiều thế kỷ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho năng lực ở cùng với sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngoài ra còn có kiến thức ở bên trong. Tất nhiên là, những cuốn sách tôi đã viết có liên quan đến việc chia sẻ kiến thức có lợi và giúp người tìm kiếm tâm linh bộc lộ trạng thái đang chờ đợi ở bên trong. Trạng thái bên trong đang chờ đợi - tất cả việc bạn cần làm là loại bỏ những rào cản đối với nhận thức.
Do đó, thông tin mà tôi trình bày là tìm cách loại bỏ các rào cản thông qua kiến thức. Đó thực sự là con đường của tự biết mình. Và dĩ nhiên, cụ thể là, cái cản đường chúng ta là bản ngã. Nghiên cứu ý thức liên quan đến việc nhận ra bản chất thực sự của bản ngã bằng cách hiểu được cách thức hoạt động của nó và cội nguồn của nó. Bạn có thể bắt đầu buông bỏ nó. Nhận thức đầu tiên mà chúng ta tìm cách thực hiện là nhận ra rằng tri giác và bản chất là khác nhau. Descartes đã chỉ rõ cách đây hàng trăm năm. Có thế giới mà bạn nhìn thấy, và do đó, cách bạn nhìn nhận nó và cách bạn nghĩ về nó là quan điểm của bạn. Và còn có thế giới như nó thực sự đang là, độc lập với những suy nghĩ của bạn về nó hoặc cách bạn dán nhãn cho nó hoặc ý kiến của bạn.
Công việc tâm linh là tìm cách siêu việt tri giác và bắt đầu trải nghiệm bản chất của vạn sự vạn vật. Tôi nghĩ rằng một khi bạn đã học được cách sử dụng thang đo ý thức đã được hiệu chỉnh thì nó sẽ làm cho tốc độ tăng lên rất nhanh. Thậm chí nếu bạn nhìn danh sách tầng ý thức được hiệu chỉnh của nhiều thứ khác nhau trong thế giới của chúng ta, bạn sẽ bắt đầu trực cảm được nó. Bạn nói “Aha!” Bên dưới bộ quần áo cừu mới là thực chất. Khi vào bên trong con ngựa thành Troy thì bạn mới bắt đầu thôi yêu những kẻ dễ dãi và ngu ngốc. Và dĩ nhiên là, chúng ta đang sống trong xã hội truyền thông, trong đó tri giác làm mọi thứ bị khuất lấp đí - người ta sẽ trông như thế nào khi lên sân khấu..v.v... Ngoại hình gây ấn tượng lên khán thính giả hơn là phẩm chất và bản chất của diễn giả.
****
Khi xảy ra thảm họa lớn, tôi lo lắng về những đau đớn về tâm lý và tình cảm của những người rơi vào hoàn cảnh đó, và tôi cầu nguyện để họ bớt lo lắng và sợ hãi, vì thậm chí các cuộc khủng hoảng bao giờ cũng giống nhau, nhưng do hoàn cảnh khác nhau mà người ta cho rằng đấy là những cuộc khủng hoảng khác nhau. Thực ra là, những cuộc khủng hoảng gay gắt bất thình lình đổ ập xuống bao giờ cũng như nhau, dù hoàn cảnh có khác nhau. Người ta bị sốc và kinh hoàng, không tin là mình lại bị như thế, và giữa lúc khủng hoảng, bạn thực sự không nghĩ, bạn sẽ không thực sự đau khổ cho đến khi khủng hoảng chấm dứt. Khủng hoảng xảy ra rất nhanh, bất ngờ, và kết thúc trước khi bạn nhận ra. Sau đó sợ hãi sẽ thường xuyên xuất hiện - đáng ngạc nhiên là bạn không sợ cho đến khi toàn bộ sự kiện này chấm dứt. Sau đó, bạn sẽ nhanh chóng hồi tưởng lại và sợ hãi xuất hiện trong quá trình hồi tưởng; còn đúng lúc xảy ra tai nạn, bạn không hề sợ hãi. Bạn xử lý năng lượng cảm xúc. Bạn xử lý năng lượng chứ không xử lý bản chất của cuộc khủng hoảng, xử lý năng lượng của nó..
Bạn chỉ cần buông xuôi theo cảm xúc, theo chính năng lượng đó, và ngừng chống lại nó - năng lượng sẽ tự nó tan biến. Đừng quên rằng bạn còn có trí tuệ của vô thức tập thể. Nếu bạn không nhớ cách xử lý việc gì đó thì tập thể sẽ nhớ, vì nhân loại đã trải qua không biết bao nhiêu là khủng hoảng rồi. Trong nhận thức tập thể và trong ý thức của nhân loại đã có tất cả những công cụ mà bạn cần. Bạn phó thác cho nhân tính của mình và chúng ta thường làm như thế khi cầu nguyện Thiên Chúa. Đó là tất cả những việc chúng ta làm – bất ngờ vươn tới trí tuệ, chấp nhận trí tuệ của ý thức tập thể của toàn thể nhân loại, mà tất nhiên là, qua nhiều thiên niên kỷ, chúng ta đã học được cách xử lý mọi cuộc khủng hoảng có thể tưởng tượng được.
Đừng chống lại cảm xúc, thay vào đó hãy nói: “Tất nhiên là sẽ buồn. Tất nhiên là sẽ lo lắng”. Tất nhiên là bạn sẽ nói với chính mình, ‘Ồ, tôi biết làm gì bây giờ?’ Tất nhiên, sẽ hoảng loạn”. Hãy cảm thấy bình thường khi có những cảm xúc đó. Đó chỉ là những phản ứng tự nhiên. Chỉ là một phần của nhân tính mà thôi. Không cần phải dán nhãn rằng bạn đang phản ứng theo cách đó. Đó là tính người đang phản ứng. Người bình thường sẽ trải qua giai đoạn mất hết nhuệ khí, hoảng loạn, sợ hãi và sau đó, sẽ bắt đầu lập kế hoạch và thảo luận trong tâm trí mình xem phải thực hiện những bước đi nào nhằm đảm bảo sự sống, ví dụ như sau khi bị mất việc.
Nếu không, thì một trong những giai đoạn này sẽ kéo dài. Bạn sẽ bị mắc kẹt trong buồn đau, hoặc sợ hãi, hay phẫn nộ. Đó không phải là do lo lắng, sợ hãi hay tức giận. Vấn đề là mắc kẹt: vì sao bạn không muốn tiến lên?
Tôi sẽ chỉ ra cho bệnh nhân: “Ồ, bạn nhận được gì khi thường xuyên oán giận?”
Bệnh nhân bị vợ bỏ hay bị cho thôi việc hoặc một thứ gì đó, nhưng thực chất họ đang làm quá lên. Tôi muốn họ nhận ra chuyện này. Tôi nói với họ, “Vâng, chuyện đó đã xảy ra vài năm trước rồi. Đã đến lúc vượt qua thôi”. Họ đang làm quá lên, đang cung cấp dưỡng chất cho nó và sống bám vào những cảm xúc tiêu cực này. Khi nhận ra, họ bắt đầu hiểu rằng chính họ đang nuôi dưỡng thái độ oán giận trong con người mình.
Trong xã hội hiện nay của chúng ta, đang có sự cạnh tranh là để trở thành nạn nhân. Thật buồn cười là người ta tranh nhau kể về việc họ là nạn nhân khổ sở tới mức nào. Họ gần như đang cạnh tranh để xem ai là người bị đối xử bất công nhất. Giới tính nào, chủng tộc nào hay màu da nào bị thiệt thòi nhất? Ai là nạn nhân của tiền bạc, địa vị xã hội, chính trị? Mọi người đều có mặt trong cuộc thi để xem ai là người bị tổn thương nhiều nhất.
Tương tự như một cuộc thi đạo đức. Ai là người bị tổn thương nhất? Người già hay thanh niên? Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ? Ai bị đối xử bất công nhất? Thật buồn cười khi chứng kiến chuyện này. Mọi người muốn lên vô tuyến để nói rằng họ bị đối xử bất công như thế nào. Đấy là thói ái kỷ - làm quá lên những việc mà người ta có thể thoát ra được. Và cuối cùng, khi bạn nhìn thấu bản chất của vấn đề, nhận ra đó chỉ là tự nuôi dưỡng thói ái kỷ, bạn sẽ cảm thấy thương cho những người bị mắc kẹt trong đó. Khai thác khủng hoảng để thu hút sự chú ý đôi khi là việc cần làm, nhưng đến lúc phải vượt qua nó. Điều bạn muốn là giúp mọi người vượt qua nó và tiếp tục sống.
VƯƠN LÊN TẦNG Ý THỨC CỦA HY VỌNG
Tiến sĩ Hawkins nói rằng không thể giải quyết các vấn đề ở tầng mà chúng xuất hiện, mà phải giải quyết ở tầng ý thức cao hơn. Lý do được trình bày trong phần sau.
Không thể giải quyết buồn bã trên tầng buồn bã. Cần nhìn vào tầng ý thức, xem mình đang ở đâu và sau đó vươn lên tầng ý thức cao hơn. Từ tầng đau buồn, oán hận hoặc những tầng tương tự, bạn có thể vươn lên tầng chấp nhận và thôi biến nó thành chuyện riêng tư. Đó không phải là bạn; đó là bản chất của đời sống. Đó là bản chất của đời sống của nguyên sinh chất. Là bản chất của đời sống con người. Bản chất của đời sống ở đất nước này, trong thời điểm này. Tỷ lệ thất nghiệp không liên quan gì tới cá nhân bạn. Đây là những hiện tượng mang tính cá nhân. Bạn học cách tổng quát hóa vấn đề, không đổ lỗi cho bản thân mình và vươn lên tầng ý thức tiếp theo, đó là tầng của hy vọng.
Khi bạn mất việc, thì thay vì chán nản, tức giận, oán hận và ngã lòng, hãy vươn lên tầng trung lập. Bạn bắt đầu suy nghĩ, Mình mất việc, thì đã sao? Bạn xem danh sách việc làm trên mấy tờ báo và thấy rất nhiều việc đang cần người. Bạn đi ra phố và thấy có rất nhiều việc làm. Ở thị trấn nơi tôi sống, bạn có thể đi theo bất kỳ con phố nào trong khu thương mại và sẽ thấy biển hiệu “Cần người giúp việc”. Ngay trong khủng hoảng việc làm, gần một nửa cửa hàng đều có treo biển “Cần người giúp việc”. Ở đâu cũng cần người làm. Nhưng có thể người ta không muốn làm việc trong những giờ đó, hoặc với mức lương đó, hoặc trong những điều kiện như thế. Nhưng nếu bạn buông bỏ những suy nghĩ như thế, bạn sẽ vui vẻ đi xuống phố và mỗi ngày sẽ kiếm kha khá khi đi lau cửa sổ cho những ngôi nhà cao tầng. Chỉ cần nhận ra rằng thực ra đó không phải là vấn đề về tài chính, mà là vấn đề về lựa chọn, thực ra là bạn không muốn chuyển sang tầng của người lau chùi cửa sổ. Bạn muốn làm những việc mà bạn muốn - chơi piano, nhảy múa, vẽ tranh - và vẫn giàu có. Thay vào đó, bạn có thể hy vọng rằng đây là sự mở đầu cho một cuộc phiêu lưu mới, rất thú vị. Bạn không biết cuộc phiêu lưu đó sẽ như thế nào, và bạn không biết mình sẽ nhận được việc làm nào.
Tôi
phát hiện được rằng việc làm nào cũng thú vị. Dù bạn làm gì hay ở đâu, lúc nào
bạn cũng có thể gặp những người hoàn toàn mới lạ. Một trong những điều thú vị
khi có công việc mới là gặp gỡ những người mới, bạn sẽ làm quen và cùng làm việc
với họ. Hình thành những tình bạn mới, thiết lập những quan hệ mới, có những
người bạn mới, thú vị hoặc vui vẻ. Bạn sẽ gặp một số người vui tính hài hước,
còn một số người thì đáng sợ. Bạn biết như thế, và đó chỉ là một cuộc phiêu lưu
mới. Đời sống là chuyển từ cuộc phiêu lưu này sang cuộc phiêu lưu khác. Nó luôn
là một cuộc phiêu lưu mới, sống từng ngày một.
Một người phụ nữ nhận được bức thư nói rằng con trai bà đã mất tích trong chiến tranh và bà bị bệnh trầm cảm. Bà không nói chuyện, không ăn uống, chỉ ngồi lắc lư qua lại trên ghế bập bênh. Nói gì hay làm cũng không thể thuyết phục được bà. Bà không ăn, không nói chuyện với bất cứ người nào. Một tuần sau, bà nhận được bức thư khác, Bộ Quốc phòng thông báo rằng thư trước là sai lầm. Con trai bà vẫn còn sống. Đó là một người khác, trùng tên, chỉ khác một chữ cái. Con trai bà là Phillip với hai chữ L, còn người kia là Philip với một chữ L. Do viết sai, nên người ta thông báo sai. Sau khi người ta nói với bà rằng con trai bà chưa chết, bà hoàn toàn không có phản ứng rõ ràng nào. Mọi người đều nói với bà, “Bà ơi, bà ơi, anh ấy còn sống. Đó chỉ là nhầm lẫn thôi”. Nhưng bà vẫn ngồi trên cái xích đu, nhìn xa xăm như cũ.
Phải dùng liệu pháp tâm lý mới đưa được bà ta ra khỏi trạng thái đó. Khi rơi vào trạng thái đó, có thể nói rằng nó tháo cũi sổ lống tất cả những phiền muộn của nhiều kiếp sống, cùng một lúc chúng ập lên người bà. Một khi bị trạng thái như thế bao trùm lên, nó sẽ có một cuộc sống riêng của mình. Nó nắm quyền thống trị, và gần như bạn bị linh hồn khác làm chủ vậy. Một số linh hồn nằm phục trong vô thức của bạn giành quyền thống trị trường ý thức của bạn. Bạn cũng thấy sự kiện như thế ở những người đang oán hận. Họ căm thù và tức giận, và khi hỏi chuyện đó đã xảy ra từ bao giờ, họ sẽ trả lời, “20 năm rồi”. 20 năm trước! Đã đến lúc vượt qua. Bạn đã được nó cung cấp năng lượng trong suốt 20 năm qua. Việc cần làm là khiến người đó nhận thức được lợi ích mà họ nhận được khi bám víu vào nó, và khiến họ từ bỏ nó. Nhưng mọi người sẽ bám chặt vào những bất công; họ rất giỏi khi làm như thế đó. Họ nhận được nhiều phần thưởng do bị đối xử bất công, đến mức có cuộc cạnh tranh thực sự là xem ai là người bị đối xử bất công nhất.
LỜI CẦU NGUYỆN KHI XẢY RA KHỦNG HOẢNG
“Xin ở bên con và chỉ cho con cách thức phó thác và xử lý trải nghiệm
này”
Đây
là lời cầu nguyện rất hay. Bất kỳ lời cầu nguyện nào kêu gọi ý chí của Thiên
Chúa, cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ đều có ích. Nếu hiệu chỉnh năng lượng của sự
kiện trước và sau khi bạn cầu nguyện, bạn sẽ thấy rằng lời cầu nguyện giúp người
ta vươn lên: nó mang lại rất nhiều năng lượng chữa lành, và bạn sẽ vượt qua được
cái mà trước đó bạn không thể vượt qua được.
Thực ra, Thiên Chúa hoàn toàn không cần bạn. Bạn chỉ chứng kiến những hiện tượng đang xảy ra mà thôi. Và nếu nghiệp lực cho biết rẳng số bạn là phải rời bỏ thế gian vào lúc này, bạn sẽ bình thản rời khỏi thế gian ngay trong lúc này. Khóc lóc chẳng mang lại lợi ích gì; đấu tranh và đá bằng những ngón chân nhỏ bé của bạn vào không khí ư? Nếu bạn phải ra đi, thì hãy ra đi ngay lập tức. Nếu không phải bây giờ thì sau này. Cần phải có trải nghiệm tâm linh sâu sắc thì mới siêu việt được sợ chết: nhận thức theo lối trải nghiệm về con người mà bạn thực sự đang là, trải nghiệm Đại ngã (Self) với chữ S viết hoa, vượt ra bên ngoài cuộc đời và nhận thức được rằng chết không có bắt đầu, không có kết thúc và không được tạo ra từ cùng một chiều kích của cái có bắt đầu và kết thúc. Đó là một chiều kích khác, và biết rằng thực tại của bạn không phải là tự ngã cá nhân, mà là bản chất bên trong bạn, nó vượt trên tự ngã cá nhân, từ Đại ngã phát sinh ý thức về tự ngã cá nhân, nhưng không phụ thuộc vào tự ngã cá nhân.
Nếu làm cho bạn ngủ bằng cách thôi miên hoặc gây mê hay bằng biện pháp đó, bạn có thôi tồn tại? Không, đó chỉ là nhận thức hữu thức của bạn về mình như là tự ngã (self) với chữ s viết thường. Một khi bạn trải nghiệm Đại ngã (Self) với chữ S viết hoa, sợ hãi chết chóc sẽ biến mất mãi mãi. Con người mà bạn đang là bất sinh bất diệt. Nó luôn luôn đang là, luôn luôn đã từng là, luôn luôn sẽ là và là vĩnh cửu. Và cái mà chúng ta gọi là thần tính chính là bản chất của Thiên Chúa ở bên trong bạn. Cội nguồn của đời sống là bản chất của thần tính bên trong bạn.
Hãy tưởng tượng nếu tôi nói: “Bạn sẽ chết trong vòng năm phút nữa” và bạn nói: “Vâng, ông biết không? Tôi nghĩ hôm nay sẽ là một ngày thú vị”. Nếu bạn hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, sợ hãi sẽ biến mất. Sợ hãi không phải là điều cần thiết. Nó là thứ chúng ta tự thêm vào. Đó là thứ mà bản ngã ái kỷ đưa thêm vào. Còn gì khủng khiếp hơn đối với bản ngã ái kỷ hơn là ý nghĩ cho rằng nó sẽ không tồn tại hoặc không quan trọng?
BUÔNG BỎ SỢ HÃI
Tâm trí có thói quen tin rằng nếu nó bám vào sợ hãi, nó sẽ nhận được thứ gì đó có ích cho sự tồn tại của nó - và cảm xúc sẽ mang lại lợi ích. Lợi ích ở đây chính là cảm xúc mãnh liệt; tốt nhất là phó thác cho chính cảm xúc đó. Nếu bạn làm như thế, nó sẽ tự biến mất. Nếu như bạn tạo điều kiện cho sợ hãi áp đảo hoàn toàn con người mình và phó thác cho sợ hãi, thì chỉ trong một thời gian cực kì ngắn, sợ hãi sẽ biến mất và xuất hiện câu hỏi “Thế thì sao?” Đó là nhận thức mà bạn chỉ đạt được thông qua thiền định. Mọi cảm xúc, dù có là gì - sợ hãi, giận dữ, oán hận, mãn nguyện, tình yêu, v.v. sinh khởi. Lúc đó bạn nhận thức được nó là gì, sinh khởi từ đâu, nó phản ánh cái gì. Đó là vì bạn đang cố gắng đi qua tự ngã (self) với một chữ s viết thường – tự ngã ích kỷ, ái kỷ và vươn tới Đại ngã (Self) thực sự. Phức tạp hơn một chút. Thường thì phải thiền định trong nhiều năm liền.
Và rồi đột nhiên trong một khoảnh khắc, cái mà bạn coi là thực tại của mình đang hoạt động một cách tự động, độc lập mà không cần bạn. Cái mà bạn hãy coi là bạn thậm chí không liên quan. Thường thì, đúng lúc đó, bạn rời khỏi cơ thể hoặc bạn không còn trải nghiệm mình như là cơ thể hay trong cơ thể hoặc có cơ thể, và bạn trở thành nhân chứng của cơ thể. Và lúc đó bạn không những không đánh giá cao cơ thể của mình, nó dường như chẳng thú vị gì. Lần đầu tiên rời khỏi cơ thể, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên. Cơ thể nằm đó. Và bạn nghĩ, Trời ơi, mình hẳn sẽ lo lắng về cái đó. Nhưng không. Nó chỉ là vật vô tri vô giác nằm im ở đó. Đó là một cơ thể, nhưng không phải cơ thể của tôi, không phải tôi. Chẳng có gì thú vị.
****
Chúng
ta cảm thấy sợ hãi như là cảm xúc. Rõ ràng chúng ta là người tạo ra Nó. Tuy
nhiên, tâm trí làm như thế là do thói quen. Lẽ ra bạn phải sợ cái này, lẽ ra bạn
phải sợ cái đó. Rất nhiều sợ hãi của chúng ta thực ra là bị lập trình. Lão, bệnh,
tử, đau khổ và nghèo đói là những sợ hãi phổ biến của con người. Đấy là những sợ
hại dựa trên thực tại, bắt nguồn từ sự vô thường của đời sống con người và sự
mong manh của thể xác, do đó, đấy là những sợ hãi không hoàn toàn vô lý. Chúng
ta không nói về việc loại bỏ sự thận trọng để có thể sống sót, nhưng thận trọng
không phải là sợ hãi. Khi bạn đi trên một số đường phố ở thành phố New York, nếu
bạn không thận trọng, bạn sẽ không sống được lâu. Thận trọng là một phần của
trí tuệ. Nhưng thận trọng không phải là sợ hãi; thận trọng là hợp lẽ phải. Sợ
hãi có thể phát sinh - tất cả những người đã từng gặp ác mộng - không biết từ
đâu một cơn hoảng loạn bất ngờ ập tới.
Như chúng tôi đã nói, nếu môi trường khá nguy hiểm, thì thận trọng là kỹ thuật sinh tồn hợp lý. Sự kiện chúng ta đang bàn là sợ hãi không có cơ sở trong thực tại. Muốn vượt qua nó thì phải có lòng can đảm và sẵn sàng lao vào chúng. Tôi nghĩ một người bình thường không gặp khó khăn gì trong việc phân biệt thận trọng với sợ hãi. Với bất kỳ cảm giác nào, nếu bạn thôi trốn tránh nó và lao vào nó và nói, “Tôi muốn nhiều hơn nữa,” và để nó đi theo con đường của mình, thì cuối cùng bạn sẽ thoát ra khỏi nó. Và đôi khi bạn có thể làm như thế bằng trí tưởng tượng. Tưởng tượng rằng bạn đang sợ hãi điều gì đó và bạn để cho sợ hãi xuất hiện và bạn buông bỏ việc chống lại sợ hãi. Vâng, bất kỳ cảm xúc nào cũng đều có giới hạn. Và nếu bạn tiếp tục đi cùng với cái mà bạn sợ hãi, cuối cùng bạn sẽ hết sợ và bạn sẽ thấy gần như không thể làm cho mình sợ bằng cách nghĩ đến cái tiếp theo mà bạn nghĩ là mình sẽ sợ. Bạn có thể làm cho cảm xúc biến mất bằng cách buông bỏ việc chống lại nó - bạn giải nén nó. Rồi bạn tự hỏi, Mình còn sợ cái gì nữa? Mình còn sợ cái gì nữa? cho đến khi bạn thoát ra khỏi hết những thứ mà bạn có thể tưởng tượng là mình sợ.
Một thứ bạn có thể kiểm soát là tiêu điểm. Ví dụ, bạn có thể nghĩ về mấy cái ngón chân của mình. Tôi có thể bảo một người sợ nói trước đám đông: “Khi bạn bước lên sân khấu và đứng sau diễn đàn, tôi muốn bạn nghĩ về những cái ngón chân của mình khi bạn đứng ở đó”. Vâng, nếu bạn thử làm thế, bạn sẽ phát hiện được rằng mình không thể sợ hãi vì mình đang bận nghĩ về những ngón chân của mình. Và cuối cùng, nó làm cho bạn phì cười, và ngay khi bạn cười, bạn không còn sợ nữa. Hãy nghĩ về những cái ngón chân của bạn. Thỉnh thoảng khi tôi muốn giảng bài, có một số tác giả mà tôi quên tên. Tôi hình dung những cái tên đó như được viết trên những ngón chân của tôi. Nếu không thể nghĩ ra được tên trong lúc giảng bài, tôi nhìn xuống mấy ngón chân, và liền nhớ ra.
Tôi
đã làm như thế nhiều lần với những người bị ám ảnh khi diễn thuyết trước công
chúng, rồi tôi bảo họ luyện tập ở nhà và luyện tập cùng với tôi. Ám ảnh khi diễn
thuyết trước đám đông có lẽ là nỗi ám ảnh phổ biến nhất mà tôi được đề nghị giải
quyết. Tôi đưa mọi người đi qua toàn bộ trải nghiệm - tiếp tục tưởng tượng và
buông bỏ cho đến khi họ không còn sợ hãi nữa. Bạn sẽ không sợ hãi nữa. Bao giờ
cũng có rất nhiều sợ hãi bị dồn nén lại, nhưng bạn có thể giải tỏa hoàn toàn.
Nếu
bạn sợ một điều gì đó, hãy sử dụng một kỹ thuật mà tôi gọi là “Sau đó thì sao?”
Khi bạn làm như thế, ở mỗi tầng bạn đều tiếp tục buông bỏ.
Ví
dụ, bạn nói: “Nếu tôi mất công việc này thì tôi sẽ không có đủ tiền để sống”.
Rồi
bạn nói: “Sau đó thì sao?”
“Nếu
tôi không có đủ tiền để sống thì tôi sẽ mất nhà”
Và
bạn nói, “Sau đó thì sao?”
“Vâng,
nếu tôi mất nhà thì tôi phải thuê một căn hộ ở đâu đó”
"Sau
đó thì sao?”
“Còn
sau đó, nếu tôi hoàn toàn không có tiền, tôi sẽ phải ra khỏi căn hộ đó”
“Sau
đó thì sao?”
“Tôi
sẽ không có đủ tiền để mua thức ăn”
“Sau
đó thì sao?”
“Lúc
đó tôi sẽ chết đói”
Xin
hãy tự nghĩ: Bạn sẽ làm như thế nào? Bạn
có định ngồi im trên vỉa hè và đói cho đến chết?
“Sau
đó thì sao?”
“Lúc
đó tôi sẽ giơ cao một cái ống bằng thiếc và xin tiền người qua đường”
“Sau
đó thì sao?”
“Mọi
người sẽ chế riễu tôi, coi tôi là thằng ngốc đang cầm một cái ống thiếc”
“Sau
đó thì sao?”
“Cảnh
sát sẽ tới và dẫn tôi đi”
“Sau
đó thì sao?”
“Họ
nghĩ rằng tôi điên”
“Sau
đó thì sao?”
“Họ
sẽ đưa tôi vào bệnh viện tâm thần”
“Sau
đó thì sao”
“Tôi
sẽ gặp bác sĩ tâm thần”
Tất
nhiên là, khi phó thác cho Thiên Chúa thì sự kiện nào đó sẽ xuất hiện nhanh nhất
và tột đỉnh nhất. Cầu nguyện và phó thác mọi việc cho Thiên Chúa là có sức mạnh
nhất. Tôi nhớ lần mình đứng trước một con rắn đuôi chuông. Tôi chỉ có một mình
và tôi bất ngờ chạm trán con rắn đuôi chuông, nó đã cuộn người lại và sẵn sàng
rời đi. Tôi phó thác cho Thiên Chúa ở tầng sâu nhất. Tôi buông bỏ và phó thác
cho nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, và sự bình an sâu xa phủ trùm lên
cả con rắn đuôi chuông và tôi. Tương tự như chúng tôi bị treo lơ lửng trong thời
gian, trong trạng thái tĩnh lặng thanh bình, chẳng khác gì sự kỳ diệu ở
Shangri-La.
Đương
nhiên là, cầu khẩn thần tính là biện pháp chuyển hóa mạnh mẽ nhất. Mặt khác, bạn
không thể ra lệnh cho Thiên Chúa cách bạn muốn thần tính xuất hiện. Đó là cái
mà tôi nghĩ là trước đây người ta gọi là “chỉ
thị”: bảo Thiên Chúa bạn muốn làm việc đó như thế nào, khi nào và với ai.
Khi bạn phó thác, có nghĩa là bạn phó thác kết quả và nói, “Cho dù tôi có nhận
được công việc này hay không, tôi đều phó thác cho Thiên Chúa”. Vậy thì, bạn
không thể quay lại và phàn nàn rằng mình không có việc làm. Sẽ ổn thôi nếu bạn
nhận được việc làm, và cũng ổn thôi nếu bạn không nhận được công việc. Nếu bạn
không nhận được công việc đó, thì có nghĩa là Thiên Chúa muốn bạn làm việc ở một
nơi nào đó khác. Dù sao thì bạn cũng vẫn thắng.
No comments:
Post a Comment