316.
Immigration – Nhập cư. Nhập cư là người dân di chuyển từ nước
này tới nước khác, nơi họ không phải là người bản xứ hoặc nơi họ không có quốc
tịch để định cư với tư cách thường trú nhân hoặc công dân nhập tịch.
Di dân là hiện tượng
thường thấy trong suốt chiều dài của lịch sử, đôi khi trên quy mô lớn và khoảng
cách rất xa. Có lẽ từ thế kỷ XVII đã diễn ra hiện tượng là công dân các nước châu
Âu – Cựu Lục Địa chuyển đến các nước vừa mới phát triển, dân cư thưa thớt, chủ
yếu ở Bắc Mĩ và Châu Úc. Mặc dù đôi khi người ta cũng áp đặt các biện pháp kiểm
soát nhập cư, nhưng hầu như cho đến năm 1945, nhập cư diễn ra tương đối tự do,
các nước tiếp nhận - cần gia tăng dân số một cách nhanh chóng nhằm phát triển
kinh tế và khai thác lãnh thổ - không chỉ được cho phép mà còn khuyến khích người
nhập cư. Ở Hoa Kì, làn sóng nhập cư có vai trò quan trọng lớn về xã hội và
chính trị. Giữa thế kỷ XX, chưa đến một nửa người Hoa Kì là người Mĩ thế hệ thứ
hai.
Thời kì vàng son của những
người nhập cư, khi họ được chào đón đã kết thúc vào khoảng những năm 1950, khi dân
số và lực lượng lao động đã đạt và vượt mức tối ưu. Sau đó, chủ yếu không còn
là những người nhập có tay nghề cao từ châu Âu, mà là những người không có tay
nghề và ít học từ Thế giới Thứ ba, đặc biệt là từ các cựu thuộc địa tới các nước
châu Âu và Bắc Mĩ/châu Úc – nhưng ít hơn hẳn. Mĩ và Úc, sau khi đạt được mục
tiêu về dân số, số người được nhập cư chỉ còn chỉ còn nhỏ giọt. Các cường quốc
thuộc địa trước đây, trước hết là Pháp và Vương quốc Anh, bắt đầu thời kỳ hậu
chiến với nhận thức rõ ràng về nghĩa vụ đối với dân chúng cựu thuộc địa của
mình. Họ cũng hy vọng thay thế những ràng buộc thời thuộc địa bằng những quan hệ
lâu dài hơn - thông qua Khối thịnh vượng chung của Anh và nhóm không chính thức
các nước nói tiếng Pháp (Francophone), cách làm như thế giúp duy trì địa vị cường
quốc thế giới của những nước này, và do đó, việc mở rộng quyền công dân cho các
thần dân trong các thuộc địa cũ của họ trở thành dường như hợp lý về mặt chính
trị. Đồng thời, ngay sau chiến tranh, các nền kinh tế này cũng cần lao động giá
rẻ. Tất cả các nước châu Âu đều như thế, Tây Đức là ví dụ điển hình nhất. Nhưng
trong các nước chưa từng có thuộc địa này, nhập cư đồng nghĩa với việc nhập khẩu
lao động, trong thời gian ngắn, từ các nước nghèo hơn, ví dụ, người Ý và Thổ
Nhĩ Kỳ tới Tây Đức làm việc không phải là những người có tư cách thường trú
nhân.
Chẳng bao lâu sau, sự
hiện diện của các nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo xa lạ bắt đầu làm cho người
Anh cảm thấy khó chịu và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm cũng đồng nghĩa với việc
nhu cầu nhập khẩu lao động giá rẻ giảm. Đầu những năm 1960, các cuộc bạo động về
chủng tộc bắt đầu bùng phát, chính phủ bắt đầu áp dụng những biện pháp hạn chế
nghiêm ngặt đối với việc nhập cư, vấn đề này tự nó đã trở thành vấn đề chính trị
nhạy cảm. Pháp cần nhiều thời gian hơn, nhưng, cuối những năm 1970, nước Pháp
cũng bắt đầu cảm thấy công dân của các thuộc địa cũ làm cho mình lúc túng về mặt
chính trị. Đầu những năm 1990, nhập cư đã thực sự trở thành hiện tượng dễ bùng
nổ về mặt chính trị ở Pháp và ở Đức, hơn là ở Anh, nơi mà sự đồng thuận giữa
các đảng lớn có thể bóp nghẹt các phong trào chính trị bài người nhập cư mang
tính phân biệt chủng tộc.
Hoa Kì, mặc dù sợ hãi và
có những biện pháp hạn chế nhập cư, vẫn tiếp tục tỏ ra hào phóng đối với các
dân tộc mà họ coi là bị áp bức, nhiều người châu Á và gốc Tây Ban Nha đã được
phép định cư và trở thành những thành viên quan trọng của xã hội Hoa Kì, trong
20 năm qua. Trong khi đó, Tây Âu áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt đối với nhập
cư. Trong những năm 1990, vấn đề lại nổi lên dưới hình thức mới, nhiều người
Đông Âu và Liên Xô cũ tìm kiếm của cải và cơ hội ở các nước tư bản phát triển.
Người ta coi đây là mối đe dọa đến mức đã tổ chức các cuộc thảo luận về khả
năng sử dụng những đơn vị chuyên trách của NATO để kiểm soát nhập cư. Cuối thế
kỷ XX lại xuất hiện vấn đề cần phân biệt những người tìm cách nhập cư, đặc biệt
là những người được coi là “nhập cư kinh tế”, với những người xin tị nạn vì bị
đàn áp ở quê nhà. Vì hầu hết các nước phương Tây có nghĩa vụ chấp nhận người
xin tị nạn theo luật quốc tế, một số người muốn trốn tránh những biện pháp kiểm
soát nhập cư ngày càng nghiêm ngặt đã tìm cách biến mình thành người tị nạn chính
trị. Ở một số nước Tây Âu, số người xin tị nạn “chân chính” và “giả mạo” này và
quá trình xử lý đơn xin ở lại đã phát triển thành các vấn đề chính trị quan trọng.
317. Immobilisme – Bất
động. Xuất phát từ tiếng Pháp, thường
được sử dụng trong Đệ tam Cộng hòa (1870-1940) và Đệ tứ Cộng hòa (1946–1958),
với đặc điểm là chính phủ trung ương không mạnh và không ổn định; tất cả quyền
lực nằm trong tay Quốc hội và đấy được coi là cản trở nghiêm trọng đối với việc
thực hiện những thay đổi nhanh chóng về kinh tế và xã hội và thích nghi về
chính trị. Do sự chia rẽ và hệ thống đa đảng của nước Pháp, tình thế như vậy đồng
nghĩa với việc chính phủ liên minh yếu, không thể thỏa thuận được về chính sách
và chương trình hành động.
318.
Impeachment - Luận tội hay Đàn hặc. Luận tội là quá trình
cơ quan lập pháp buộc tội một quan chức chính phủ nào đó. Luật pháp các nước
khác nhau có quan điểm khác nhau về định nghĩa và hậu quả của luận tội. Ở nhiều
nước, ví dụ, các nước Mĩ Latin, “luận tội” là truất quyền - tổng thống chỉ bị
coi là “bị luận tội” khi người đó chắc chắn là bị cách chức. Nhưng, ở Hoa Kì, “luận
tội” là bước đi ban đầu - là bản cáo trạng của cơ quan có thẩm quyền; Tổng thống
Hoa Kì bị Hạ viện luận tội vẫn nắm quyền trong khi Thượng viện xem xét cáo buộc,
và có thể được coi là không có tội.
Do đó, ở Hoa Kì, luận tội
tương đương với bản cáo trạng trong luật hình sự; thực chất là tuyên bố buộc tội
quan chức nào đó. Khác với một số nước, nơi quan chức tạm thời bị cách chức
ngay khi quá trình vừa mới bắt đầu, tổng thống vẫn tại vị trong suốt giai đoạn
luận tội. Một quan chức bị luận tội đứng trước khả năng bị kết tội bằng một cuộc
bỏ phiếu ở cơ quan lập pháp - và phán quyết kết tội quan chức dựa trên các điều
khoản luận tội thường dẫn đến việc quan chức đó bị cách chức hẳn.
Bởi vì việc luận tội và
kết tội các quan chức kéo theo việc lật ngược các thủ tục hiến pháp thông thường
đã đưa những người đó tới chức vụ cao (bầu cử, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm) và bởi
vì nó thường đòi hỏi đa số phiếu, nên chỉ áp dụng cho cho những người bị coi là
đã lạm dụng chức vụ một cách nghiêm trọng. Ví dụ, ở Hoa Kì, việc luận tội ở cấp
liên bang chỉ áp dụng đối với những người có thể đã phạm tội “Phản quốc, Hối lộ,
hoặc các tội ác nghiệm trọng khác”.
Luật hiến pháp nhiều nước
trong đó có Brazil, Pháp, Ấn Độ, Ireland, Philippines, Nga, Hàn Quốc, và Hoa Kì
có quy định về luận tội.
bài rất hấp dẫn
ReplyDelete