November 28, 2020

Thuật ngữ chính trị (94)

 


302. Homosexuality - Đồng tính luyến ái. Đồng tính luyến ái gọi tắt là đồng tính, là thuật ngữ chỉ việc bị hấp dẫn trên phương diện tình yêu, tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau, trong hoàn cảnh nào đó hoặc một cách lâu dài. Với vai trò là một thiên hướng tình dục, đồng tính là một mô hình thể hiện sự hấp dẫn tình cảm, tình yêu, và/hoặc hấp dẫn tình dục một cách chủ yếu hoặc duy nhất đối với người có cùng giới tính. Từ những năm 1960, ở tất cả các nước phương Tây, các quy tắc đạo đức được nới lỏng dần để có được xã hội “dễ dãi”, hàm ý chính trị của đồng tính ngày càng trở nên nổi bật hơn. Từ “gay” thường được sử dụng trong các cuộc thảo luận về đồng tính và có thể đề cập đến đồng tính nam hoặc nữ, mặc dù nó thường bị hạn chế trong phạm vi đồng tính nam. Phân biệt đối xử với người đồng tính và xâm phạm quyền công dân của họ do những người dị tính gây ra, có lẽ là quan tâm lớn của người đồng thính, ước tính không dưới 10% dân số, và có thể nhiều hơn nữa. Về mặt chính trị, cùng với cuộc khủng hoảng AIDS, phong trào đồng tính có lẽ đã đạt đến độ trưởng thành. Không chỉ hầu hết các cơ quan có thẩm quyền ở phương Tây đã xóa bỏ mọi cấm đoán đối với đồng tính, mà còn có những tiến bộ đáng kể trong việc chấm dứt phân biệt đối xử vế pháp luật đối với người đồng tính.

 303. Hostages – Con tin. Bắt con tin để buộc đối phương từ bỏ một cái gì đó mà họ mong muốn là phương pháp chiến đấu ngay từ khi bắt đầu xung đột vũ trang. Trong hầu hết lịch sử, bắt con tin được coi là hoàn toàn có thể chấp nhận được và được kiểm soát bởi các quy tắc ban đầu của chiến tranh và tinh thần hiệp sĩ. Con tin trở nên đặc biệt nổi bật trên chính trường quốc tế trong giai đoạn diễn ra cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran: Tháng 11 năm 1979, các lực lượng cách mạng chiếm giữ đại sứ quán Hoa Kì và cầm tù nhân viên sứ quán, giữ họ làm con tin nhằm chống lại sự can thiệp của Mĩ vào các vấn đề nội bộ của Iran. Mãi tới tháng 1 năm 1981, các nhân viên sứ quán Mĩ mới được trả tự do, mặc dù không ai biết Hoa Kì hành động như thế nào nhằm đáp ứng đòi hỏi của phía Iran. Do vụ bắt giữ này, nhiều người trong các nhóm chiến binh ở Trung Đông có thể cho rằng bắt giữ người phương Tây, đặc biệt là công dân Hoa Kì, có thể mang lại cho họ một số lợi thế nào đó. Từ đó trở đi, và chắc chắn cho đến năm 1991, việc bắt giữ con tin đã trở thành chiến thuật được các nhóm cách mạng ở Trung Đông, đặc biệt là ở Lebanon, thường xuyên sử dụng, thường là để phản đối chính sách của Israel và nói chung là vũ khí của các nhóm Hồi giáo cực đoan nhằm phản đối các biện pháp can thiệp của phương Tây vào khu vực này. Nhiều nhóm khác nhau đã bắt và giam giữ hàng chục công dân phương Tây trong những điều kiện tồi tệ, đôi khi man rợ, trong thời gian kéo dài từ vài tháng đến hơn 5 năm. Một số con tin chết trong thời gian bị giam giữ, và một số bị “hành quyết” một cách cố ý và gần như công khai.

Các nước khác nhau có chính sách khác nhau đối với những kẻ bắt giữ con tin: Pháp sẵn sàng đàm phán; Hoa Kì không đàm phán công khai nhưng bị nhiều người nghi ngờ rằng có những sắp xếp bí mật để một số người được thả; trong khi Vương quốc Anh kiên quyết với chính sách thậm chí không đàm phán, trên cơ sở cho rằng thành công sẽ chỉ khuyến khích các nhóm Hồi giáo thực hiện chiến thuật của mình. Tuy nhiên, tình hình chính trị đã thay đổi, Hoa Kì và các cường quốc phương Tây khác không còn tự động ủng hộ Israel như trước nữa, và, đặc biệt là sau Chiến tranh vùng Vịnh, nhiều người thừa nhận rằng có thể có thỏa thuận chung ở Trung Đông, ngay cả những kẻ bắt giữ con tin cũng hiểu rằng bắt giữ con tin là việc làm vô ích. Đặc biệt là sau khi Ayatollah Khomeini chết, Iran ngày càng trở nên ôn hòa hơn, vì Iran, dù chính thức hay không, cũng là nước ủng hộ và đôi khi là nhà tài trợ cho những kẻ bắt giữ. Ngoài ra, Syria, mới được các cường quốc phương Tây chấp nhận vì ủng hộ chiến dịch Chiến tranh vùng Vịnh được Liên hợp quốc tài trợ và do Mĩ dẫn dắt, đã thêm gây áp lực. Sau câu chuyện kéo dài về việc bắt giữ con tin và thỉnh thoảng được thả, hầu hết các con tin còn lại đã được thả trong vòng những tháng cuối năm 1991.

Khó mà biết bên nào thu được gì từ toàn bộ quá trình này, nhưng, đôi khi nền chính trị nội bộ của Hoa Kì đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới bị coi là hoàn toàn không hiệu quả, và thậm chí bị vấy bẩn bởi những chiến thuật tai hại và đáng ngờ như vụ Iran-Contra, khi vũ khí được bí mật (và bất hợp pháp) bán cho Iran, để khuyến khích nước này sử dụng ảnh hưởng của mình đối với những kẻ bắt giữ con tin nhằm trả tự do cho những người Mĩ bị giam giữ, rồi sau đó lợi nhuận lại được sử dụng để tài trợ (cũng bất hợp pháp) cho quân du kích Contra đang chiến đấu ở Nicaragua.

Dường như không có lý do gì để chiến thuật bắt giữ con tin không tái xuất hiện lại trong tương lai.

 304. House of Commons – Viện thứ dân. Viện thứ dân là Hạ nghị viện của Vương quốc Anh, cũng như Viện quý tộc (House of Lords – Thượng viện) họp ở Palace of Westminster. Viện thứ dân là cơ quan dân cử, gồm 650 nghị viên được gọi là các Thành viên Quốc hội (tiếng Anh: Members of Parliament, viết tắt MPs). Các nghị viên Viện thứ dân được bầu theo chế độ đa số tương đối (first past the post) và có nhiệm kỳ hạn chế, phục vụ đến khi Hạ Nghị viện bị giải tán (mỗi nhiệm kỳ tối đa là 5 năm). Mỗi nghị viên được bầu bởi một khu vực bầu cử và đại biểu cho khu vực ấy. Đa số các bộ trưởng trong chính phủ Anh đều từ Viện thứ dân, và từ năm 1902, tất cả các Thủ tướng đều là thành viên Viện này, trừ nhiệm kỳ rất ngắn của ông Alec Douglas-Home, năm 1963. Ông Douglas-Home được mời thành lập chính phủ lúc đang là Bá tước Home đời thứ 14, nhưng trong vài ngày, ông từ bỏ tước hiệu quý tộc và trở thành nghị viên Viện thứ dân. Chính phủ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Viện thứ dân và thủ tướng chỉ giữ được chức vụ khi còn được đa số thành viên Viện thứ dân tín nhiệm.

 

1 comment: