296.
Hegemony – Bá quyền. Bá quyền thực chất là sự thống trị hoặc
cai trị của một tác nhân này đối với những tác nhân khác, là khái niệm trong
quan hệ quốc tế, được cả học giả và các chuyên gia sử dụng. Nó có xuất xứ từ tư
tưởng lịch sử Hy Lạp, nhưng khái niệm này thường xuyên xuất hiện trong lịch sử
tư tưởng chính trị và trong nhiều truyền thống trí thức khác nhau. Ở một bình
diện, đó là ý tưởng tương đối đơn giản - bá quyền xảy ra khi một quốc gia, ví dụ,
Hoa Kì ở phương Tây trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, chiếm ưu thế lớn so với
các nước khác - trong trường hợp này là các thành viên NATO. Tuy nhiên, khái niệm
bá quyền trở nên phức tạp hơn khi đặt vấn đề về bản chất của quyền lực này, vì bá
quyền không thể chỉ dựa vào vũ lực, hoặc thậm chí có khả năng gây thiệt hại lớn
cho những kẻ thách thức. Đúng hơn, hệ thống mang tính bá quyền khi quyền thống
trị của một tác nhân được coi là đương nhiên và không bị những tác nhân mà nó nắm
quyền thống trị thách thức. Ít nhất, điều này đòi hỏi rằng các tác nhân khác, chứ
không chỉ kẻ nắm quyền bá chủ, phải gây áp lực lên những kẻ bên trong hệ thống
có ý định thách thức. Liên Xô là bá quyền đối với Đông Âu trong giai đoạn chiến
tranh lạnh được thể hiện rõ ràng trong những sự kiện xảy ra ở Tiệp Khắc, năm
1968, hơn là ở Hungary, năm 1956. Ở Hungary, cuộc xâm lăng tàn bạo của quân đội
Liên Xô đã chặn đứng những nỗ lực nhằm tự do hóa hệ thống kinh tế và chính trị
của nước này. Nhưng, năm 1968, Liên Xô đã dàn dựng cái được gọi là “cuộc xâm nhập
của các nước anh em”, vì quân đội một số nước Đông Âu, chứ không chỉ quân Liên
Xô, cùng đổ bộ vào Tiệp Khắc. Con đường chính dẫn đến bá quyền là dàn xếp sao
cho các tác nhân khác trong hệ thống, hoặc ít nhất là giới tinh hoa của những
nước đó, cùng chia sẻ một hệ tư tưởng với nước nằm quyền bá chủ, sao cho sức mạnh
thực tế của nó được tăng cường bởi sự kiện là hầu hết các tác nhân đều nghĩ rằng
quyền lợi của bá chủ cũng là quyền lợi của mình. Do đó, nói về Hoa Kì và Tây
Âu, nguồn gốc chính của vị thế bá chủ của Hoa Kì có lẽ là sự phụ thuộc ban đầu
của châu Âu vào các quỹ phát triển trong Kế hoạch Marshall, năm 1947, và sau đó
là sự phụ thuộc vào đồng đôla như một loại tiền tệ quốc tế, chứ không chỉ phụ
thuộc vào vũ khí hạt nhân của Hoa Kì.
297.
Helsinki Process - Qúa trình Helsinki. Qúa trình Helsinki ám chỉ cả những cuộc hội
nghị “Helsinki” (một số phiên họp thực sự được tiến hành ở Geneva) trong các
năm 1973-1975, dẫn đến Đạo luật cuối cùng Helsinki (The Helsinki Final Act), bao
gồm các vấn đề an ninh châu Âu, kinh tế và nhân quyền, và các hội nghị tiếp
theo và các thỏa thuận từ các cuộc họp đầu tiên. Phần quan trọng nhất của quá
trình Helsinki là thiết chế hóa ngày càng gia tăng cơ quan do nó thành lập - Hội
nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (tháng 12 năm 1994, CSCE đổi tên thành Tổ
chức An ninh và Hợp tác Châu Âu – OSCE), với ban thư ký đóng tại Praha từ năm
1991. Nguồn cảm hứng cho qúa trình Helsinki là giai đoạn giảm bớt căng thẳng ngắn
ngủi giữa Liên Xô và Hoa Kì, bắt đầu bằng việc đàm phán thành công SALT I (Các cuộc thảo luận
giới hạn vũ khí chiến lược vào năm 1972). Nó có vai trò chính trị đặc biệt quan
trọng vì liên quan đến tất cả các nước châu Âu (Albania gia nhập vào năm 1991,
và một số nước mới độc lập của Liên Xô cũ và Nam Tư cũng được tham gia), và
cũng bao gồm cả Hoa Kì và Canada là những quốc gia gắn bó chặt chẽ với nhau
trong nền an ninh Châu Âu. Sau 15 năm không đạt được nhiều thành tựu thực tế, từ
đầu những năm 1990, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, toàn bộ châu Âu chỉ còn là
một hệ tư tưởng cầm quyền - một phiên bản nào đó của chủ nghĩa tư bản tự do, các
sáng kiến của quá trình Helsinki đột nhiên có tầm quan trọng hơn hẳn. Ví dụ,
OSCE đã tham gia vào việc theo dõi ngừng bắn và theo dõi nhân quyền trong các
cuộc xung đột ở Nam Tư, và có người nghĩ rằng, do tất cả các nước châu Âu đều
là thành viên, tổ chức này có vị trí tốt hơn trong việc can thiệp vào những trường
hợp khẩn cấp của châu Âu hơn là NATO hoặc Liên minh Châu Âu.
298.
Hermeneutics - Thông
diễn học. Thông diễn học lý thuyết và phương pháp giải
thích, đặc biệt là giải thích các bản văn Thánh kinh, Ngụ ngôn, và văn bản triết
học. Nó bắt đầu như là một lý thuyết giải thích văn bản, nhưng sau đó đã được mở
rộng sang những câu hỏi về việc giải thích nói chung. Thông diễn học ban đầu được
áp dụng cho việc giải thích, hoặc chú giải Thánh Kinh. Các thuật ngữ “thông diễn”
(hermeneutics) và “chú giải” (exegesis) đôi khi được dùng thay thế cho nhau.
Thông diễn học là một môn học rộng hơn, trong đó bao gồm văn bản, lời nói, và
phi ngôn ngữ truyền thông. Chú giải tập trung chủ yếu vào văn bản. Thông diễn học
hiện đại bao gồm cả giao tiếp bằng lời và không lời cũng như ký hiệu học, giả định,
và sự tiền hiểu biết. Thông diễn học đã được áp dụng rộng rãi trong các bộ môn
khoa học nhân văn, đặc biệt là trong luật pháp, lịch sử và thần học.
bài rất hấp dẫn
ReplyDelete