October 20, 2020

Thuật ngữ chính trị (77)

 


247. G8 – Các nước nhóm G8. G8 (viết tắt tiếng Anh: Group of Eight) là nhóm 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu trên thế giới: (Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Hoa Kỳ (G6, 1975), Canada (G7, 1976)) và Nga (gia nhập từ năm 1998 nhưng đến năm 2014 thì bị loại khỏi G8). Năm 2012 các nước G8 chiếm tới 50,1% GDP toàn cầu. Điểm nhấn của G8 là hội nghị thượng đỉnh về kinh tế và chính trị được tổ chức hàng năm với sự tham dự của những người đứng đầu nhà nước và các quan chức quốc tế. Việc tước tư cách thành viên G8 của Nga là đòn đáp trả từ các nước phương Tây, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Krym ở miền Nam của Ukraina. Từ đó G8 chỉ có 7 nguyên thủ quốc gia tham gia các hội nghị thượng đỉnh.

G8 xuất phát cuộc khủng hoảng dầu hoả 1973 và suy thoái trên toàn thế giới tiếp theo cuộc khủng hoảng này. Hoa Kì sau đó đã thành lập Nhóm Thư viện (Library Group) quy tụ các quan chức tài chính cấp cao của Hoa Kì, châu Âu và Nhật Bản nhằm thảo luận các vấn đề kinh tế. Năm 1975, Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing mời nguyên thủ của 6 nước công nghiệp hàng đầu tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Rambouillet và đề xuất tổ chức hội nghị thưởng đỉnh hàng năm. Những người tham dự đồng ý tổ chức họp mặt hàng năm theo chế độ chủ tịch luân phiên, hình thành nên nhóm G6 bao gồm Pháp, Tây Đức, Ý, Nhật, Anh, Hoa Kì. Hội nghị thượng đỉnh kế tiếp tại Puerto Rico, G6 trở thành G7 với sự tham gia của Canada theo yêu cầu của Tổng thống Hoa Kì Gerald Ford.

Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, năm 1991, Liên Xô và sau đó là Nga bắt đầu gặp nhóm G7 ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh chính vừa kết thúc. Từ hội nghị lần thứ 20 tại Naplé, nhóm này trở thành P8 (Political 8), hay gọi không chính thức là “G7 + 1”. Nga được cho phép tham gia đầy đủ hơn kể từ hội nghị lần thứ 24 tại Birmingham, đánh dấu sự hình thành G8. Tuy nhiên Nga không được tham dự hội nghị dành cho các bộ trưởng tài chính vì nước này không phải là cường quốc kinh tế; và “G7” được dùng để chỉ cuộc họp ở cấp bộ trưởng tài chính. Hội nghị thượng đỉnh năm 2002 tại Kananaskis (Canada) thông báo Nga sẽ là chủ nhà cho hội nghị năm 2006, và như vậy hoàn tất quá trình trở thành thành viên đầy đủ của Nga.

Vì cuộc khủng hoảng Krym 2014, các nước G7 đã từ chối không tham dự hội nghị G8 được dự định tổ chức tại Sochi, Nga, vào mùa hè năm 2014. Thay vào đó, họ dự định tổ chức hội nghị ở Brussel mà không mời tổng thống Nga Putin tại Brussel.

G8 không được hỗ trợ bởi một tổ chức xuyên quốc gia, không như Liên Hiệp Quốc hay Ngân hàng Thế giới. Ghế chủ tịch của nhóm được luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên, với trách nhiệm chủ tịch tính từ ngày 1 tháng 1. Nước giữ ghế chủ tịch tổ chức một loạt các hội nghị cấp bộ trưởng, từ đó dẫn đến hội nghị thượng đỉnh giữa các nguyên thủ trong 3 ngày vào giữa năm, cũng như việc bảo đảm an ninh cho người tham dự.

Các cuộc họp ở cấp bộ trưởng bàn về các vấn đề sức khoẻ, thi hành luật lệ và lao động, để giải quyết các vấn đề của nhóm, và toàn cầu. Nổi tiếng nhất trong số đó là G7, hiện được dùng để nói về hội nghị của các bộ trưởng tài chính của G8 trừ nước Nga, và các viên chức từ Cộng đồng châu Âu. Tuy nhiên, cũng có một cuộc họp ngắn “G8+5” giữa các bộ trưởng tài chính của G8 và Trung Quốc, México, Ấn Độ, Brasil và Nam Phi.

248. Game Theory – Lý thuyết trò chơi. Lý thuyết trò chơi là nhánh toán học ứng dụng, nghiên cứu các vấn đề về xung đột và sự hợp tác giữa các tác nhân tư lợi và duy lý với mục tiêu là tối đa hóa các kết quả mà họ hi vọng sẽ nhận được. Hai nhà toán học người Áo là von Neumann và Morgenstern đã đặt nền tảng cho nhánh nghiên cứu này trong những năm 1940 và lý thuyết trò chơi đã được áp dụng cho nhiều vấn đề trong khoa học chính trị, lý thuyết chiến lược, và thậm chí cả triết học đạo đức. Ở một mức độ nào đó, nó đã được các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng sử dụng và được áp dụng trong kinh tế học. Cốt lõi của tất cả các ứng dụng lý thuyết trò chơi là phân tích tương tác giữa các chiến lược mà các tác nhân, với ý định tối đa hóa phúc lợi của mình, buộc phải thực hiện hoặc có khả năng thực hiện, với những thông tin mà họ nắm được.

Sự tương phản quan trọng nhất là giữa hai kiểu trò chơi cơ bản, tổng kết một cách khéo léo đặc điểm lặp đi lặp lại của chính trị trong đời sống thực, làm cho thuật ngữ này đi vào diễn ngôn chính trị của mọi người. Đây là tương phản giữa trò chơi có tổng bằng không và tổng khác không. Có thể nói, ví dụ, xung đột giữa người sử dụng lao động và công đoàn có tổng bằng không, nếu công ty có thể thu được một khoản lợi nhuận cố định, mà sự hợp tác giữa hai bên không thể làm gia tăng được lợi nhuận; hoặc, có lẽ, xung đột giữa các khoa của trường đại học về tài chính có tổng bằng không nếu các khoa không thể làm bất cứ việc gì để có thể gia tăng ngân sách của nhà trường. Tính chất của trò chơi có tổng bằng không là khoản được của một người chơi (giả định rằng chỉ có hai người chơi) bằng đúng khoản mất của người kia. Phiên bản tổng khác không trong những ví dụ này là tạo điều kiện để có tổng số tiền đem phân chia tăng lên nếu những người chơi hợp tác với nhau – quan hệ tốt giữa người người sử dụng lao động và công đoàn có thể làm cho lợi nhuận gia tăng, hoặc ngân sách của trường đại học có thể gia tăng khi lòng vị tha của các khoa trong trường làm cho Bộ giáo dục cảm động, v.v. Trên thực tế, hầu hết các tình huống chính trị có lẽ không phải là trò chơi với tổng bằng không, nhưng phần lớn đều được các tác nhân “chơi” như thể đấy là cuộc chơi với tổng bằng không.

Kiểm tra khả năng lựa chọn chiến lược của những người chơi độc lập có thể cho thấy tổng bằng không là kết quả có khả năng xảy ra nhất - ở nơi mà các lựa chọn duy lý, mang lại lợi ích tối đa, nếu để cho các tác nhân độc lập với nhau thực hiện thì sẽ tạo kết quả không tối ưu cho cả hai bên! Kết quả này được thể hiện rõ nhất trong trò chơi gọi là Song đề tù nhân: hai kẻ bị tình nghi là tội phạm bị cảnh sát bắt. Cảnh sát không có đủ chứng cớ để kết án, và giam riêng mỗi người một nơi. Cảnh sát gặp từng người và thoả thuận: nếu một người đổ tội mà người kia im lặng, người im lặng sẽ bị phạt 10 năm tù và người đổ tội sẽ được thả tự do. Nếu cả hai đều im lặng, cảnh sát chỉ phạt được mỗi người 6 tháng tù vì một tội nhỏ khác. Nếu cả hai đều đổ tội cho đối phương, mỗi người sẽ bị phạt 2 năm. Họ chọn phương án nào? Các thí nghiệm trong môn tâm lý xã hội xác nhận mang tính thực nghiệm về dự đoán lý thuyết rằng cả hai đều đổ tội cho người kia, chứ không tin tưởng người kia và không khai. Do đó, kết quả do tính toán duy lý tạo ra, dù không ác ý, là cả hai bên đều không nhận được kết quả tối ưu.

Một điểm quan trọng liên quan tới trò chơi song đề tù nhân và có nhiều áp dụng trong lĩnh vực chính trị là kết quả phụ thuộc chủ yếu vào bối cảnh xung quanh. Bối cảnh có thể làm thay đổi ma trận thưởng phạt. Ví dụ, giả sử rằng cả hai bị cáo đều là thành viên của một băng nhóm tội phạm, băng nhóm này sẽ trừng phạt tàn nhẫn những tên chỉ điểm sau khi họ được tha. Trong bối cảnh như thế, dự đoán sẽ thay đổi. Trò chơi càng phức tạp và muốn lập mô hình cho bất kỳ tình huống chính trị quan trọng nào đều đòi hỏi những trò chơi phức tạp hơn hẳn, dự đoán càng bất ngờ hơn, và cũng đáng ngờ hơn. Một trong những kết quả tổng quát là những hành động chính trị quan trọng của chúng ta rất ít phụ thuộc vào những lựa chọn duy lý, hoặc khả năng sử dụng tư duy duy lý là rất hạn chế, ngay cả khi phải giải quyết các vấn đề quan trọng.

 Mặc dù mới trở thành môn học chính thức trong những năm 40 của thế kỉ trước, lý thuyết trò chơi có lịch sử khá lâu dài. Có thể thấy những thành tố của tư duy lý thuyết trò chơi trong các trước tác của Plato, Hobbes, Rousseau…

 

 

1 comment: