187. Exogeneity/exogenous – xem Endogeneity/endogenous.
188. Exploitation – có hai nghĩa.
1. Lợi dụng nguồn lực, ví dụ thời tiết tốt.
2. Lợi dụng ưu thế một cách bất công hay còn gọi là bóc lột người khác. Nhưng khó xác định thế nào là bất công cũng như khó xác định cách thức nắm bắt cơ hội lợi dụng ưu thế trong từng trường hợp cụ thể. Vì thế, phân tích về bất công thường liên kết chặt chẽ với phân tích về quyền lực và bất công. Người ta vẫn còn tranh cãi, đâu là bóc lột như một hình thức của bất công cũng như đâu là bóc lột như một hình thức của quyền lực, chứ không phải là hậu quả khả dĩ của bất công hay quyền lực. Vấn đề đặt biệt khó khăn nữa là định danh những giao dịch có tính bóc lột trong những vụ trao đổi có sự đồng thuận.
189. Externality – Ngoại tác/ngoại ứng. Ngoại tác là ảnh hưởng gây ra bởi hoạt động của một chủ thể kinh tế và tác động trực tiếp tới chủ thể kinh tế không phải là bên tham gia vào quyết định thực thi hành động vừa nói (tức là không thông qua cơ chế thị trường). Nếu chủ thể kinh tế chịu tác động bị tổn thất, thì gọi là ngoại tác tiêu cực (negative externality). Còn nếu chủ thể kinh tế chịu tác động được lợi, thì gọi là ngoại tác tích cực (positive externality). Ô nhiễm môi trường do chất thải của một nhà máy đối với dân cư trong khu vực là ví dụ về ngoại tác tiêu cực. Sự dễ chịu do cảnh đẹp ở vườn nhà hàng xóm tới nhà mình là ví dụ về ngoại tác tích cực. Ảnh hưởng ngoại tác tích cực thường gắn liền với hiện tượng gọi là người hưởng thụ miễn phí (free rider). Giải pháp khắc phục ảnh hưởng ngoại tác tiêu cực: Đánh thuế người tạo ra ngoại tác, buộc họ phải trả giá cho những thiệt hại mà họ gây ra và sử dụng khoản thuế này để khắc phục hậu quả. Các cá nhân cũng có thể đàm phán với nhau để giảm thiểu ảnh hưởng ngoại tác. Muốn thế thì quyền sở hữu phải được xác định rõ ràng, thông tin trên thị trường là hoàn hảo và chính xác, chi phí giao dịch giữa các cá nhân là tương đối nhỏ.
190. Extradition - Dẫn độ. Dẫn độ là tiến trình pháp lý để chuyển giao tội phạm hoặc người bị nghi là tội phạm từ nước này sang nước khác. Không có hiệp ước quốc tế về dẫn độ, vấn đề này thường được quy định trong các hiệp ước giữ hai quốc gia. Dẫn độ thường dựa trên những quan niệm chung về tội phạm nghiêm trọng và tính nghiêm khắc của hình phạt.
Không có quốc gia nào trên thế giới có hiệp ước dẫn độ với tất cả các quốc gia khác; ví dụ, Hoa Kỳ không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, Liên bang Nga, Namibia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bắc Triều Tiên, Bahrain và nhiều quốc gia khác.
Một số quốc gia từ chối dẫn độ với lý do người đó, nếu bị dẫn độ, có thể bị trừng phạt tử hình hoặc bị tra tấn. Án tử hình: Nhiều nước, ví dụ, Úc, Canada, New Zealand, Nam Phi và hầu hết các quốc gia châu Âu (trừ Belarus), không cho phép dẫn độ nếu nghi phạm có thể bị kết án tử hình. Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt hoặc hạ nhục vô nhân đạo: Nhiều quốc gia sẽ không dẫn độ nếu người được yêu cầu có nguy cơ bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo.
191. Extraordinary rendition – Bắt cóc do chính phủ tài trợ. Bắt cóc do chính phủ tài trợ là chuyển tội phạm hoặc những kẻ khủng bố quốc tế từ nước này sang nước khác mà không thông qua tiến trình pháp lý (dẫn độ) để thẩm vấn, giam giữ và tra tấn.
192. Extreme-right party – Đảng cực hữu. Các đảng cực hữu (extreme-right, radical-right) hiện thời ở phương Tây thường có những đặc điểm như dân túy, dân tộc chủ nghĩa, phát xít, nhấn mạnh lòng yêu nước cực đoan, bài ngoại, hay các xu hướng ủng hộ phân tầng xã hội cực đoan hay tôn giáo cực đoan và/hoặc chống người nhập cư. Phần lớn các đảng này đều theo đuổi chính sách chống người nhập cư. Các tổ chức sau đây được coi là cực hữu: Đảng Tự do (Áo), Mặt trận Dân tộc (Pháp), Vlaam Belang (Bỉ), Republicane (Đức), Alleanza Nationale và Lega Nord (Ý), British National Party và National Front (Anh). Trong những năm 1980 và 1990, nhiều đảng trong số này đã thu được hơn 10% phiếu bầu, nhưng từ năm 2000 trở đi sự ủng hộ của cử tri đã giảm.
bài rất hấp dẫn
ReplyDelete