VI. Kế hoạch hóa và Chế độ Pháp quyền
Các nghiên cứu mới nhất về xã hội học pháp lý một lần nữa khẳng
định rằng,chỉ trong giai đoạn tự do cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản thì mới có
thể áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp lý hình thức – nguyên tắc, theo đó, mỗi
trường hợp phải được phán xử theo các quy tắc duy lý phổ biến, càng ít ngoại lệ
càng tốt và cho phép chứng minh rằng trường hợp nào thì phải xử theo quy tắc cụ
thể nào.
Karl Mannheim
Việc
tuân thủ một trong những nguyên tắc vĩ đại nhất gọi là chế độ pháp quyền là
điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa một đất nước tự do với một đất nước nằm dưới
quyền cai trị của một chính phủ độc đoán. Bỏ qua các chi tiết kĩ thuật, điều
này có nghĩa là mọi hoạt động của chính phủ đều phải tuân thủ các quy tắc đã
được ấn định và tuyên bố từ trước – các quy tắc cho phép người ta dự đoán được
một cách chắc chắn cách thức chính phủ sử dụng lực lượng cưỡng bức trong những
hoàn cảnh cụ thể nào đó và lập kế hoạch cho các công việc của cá nhân trên cơ
sở những hiểu biết như thế[1]. Và, mặc dù
không thể thực hiện được hòan tòan lý tưởng này vì các nhà lập pháp và những
người thừa hành pháp luật cũng là những con người có thể sai lầm, nhưng điều
cốt yếu đã được thể hiện một cách rõ ràng: lĩnh vực mà cơ quan hành pháp có thể
tự ý hành động phải được giảm thiểu đến mức tối đa. Mọi luật lệ đều hạn chế, ở
một mức độ nào đó, quyền tự do cá nhân vì nó tìm cách tước bớt các phương tiện
mà dân chúng có thể sử dụng nhằm đạt được các mục đích của mình, còn pháp quyền
không cho chính phủ can thiệp một cách ad
hoc (tùy tiện) vào các họat động
của cá nhân. Trong khuôn khổ của luật chơi đã biết, cá nhân được tự do theo
đuổi các mục tiêu và ước mơ của mình, tin chắc rằng chính phủ sẽ không tuỳ tiện
dùng quyền lực nhằm ngăn chặn các nỗ lực của anh ta.
Như
vậy, sự tương phản mà chúng tôi đã chỉ ra trước đây giữa việc tạo ra một khung
luật pháp có giá trị lâu dài, cho phép các cá nhân tự đưa ra các quyết định và việc
quản lý nền kinh tế bằng một cơ quan trung ương thực ra là một trường hợp đặc
biệt của sự tương phản căn bản giữa Chế độ Pháp quyền và chính phủ độc đoán.
Trong trường hợp thứ nhất, chính phủ chỉ làm một việc là đặt ra các điều luật
quy định điều kiện sử dụng các nguồn lực hiện có, còn mục đích sử dụng thì để
cho các cá nhân tự quyết định. Trong trường hợp thứ hai, chính phủ quản lý tất
cả các lĩnh vực kinh tế, từ phương tiện sản xuất cho đến mục đích cuối cùng của
sản xuất. Trong trước hợp thứ nhất, các luật lệ có thể được xác lập từ trước, dưới
dạng các luật lệ mang tính hình thức,
không nhằm đáp ứng nhu cầu hay ước muốn của những người cụ thể nào. Đấy chỉ là
công cụ cho việc theo đuổi các mục đích cá nhân khác nhau của người dân mà
thôi. Đấy là những luật lệ lâu dài hoặc phải lâu dài để không thể nào biết được
chúng có giúp một số người cụ thể nào đó hơn giúp một số người khác hay không. Có
thể coi chúng là một loại công cụ sản xuất, giúp người dân dự đóan hành vi của
những người mà họ sẽ phải cộng tác, chứ không phải là phương tiện nhằm thỏa mãn
các nhu cầu đặc biệt nào đó.
Kế
họach hóa kinh tế theo kiểu chủ nghĩa tập thể nhất định sẽ sinh ra một cái gì
đó hòan tòan ngược lại. Cơ quan lập kế họach không thể bằng lòng với việc cung
cấp các cơ hội rồi để mặc cho những người xa lạ muốn sử dụng thế nào cũng được.
Cơ quan này không thể tự trói mình vào những luật lệ tổng quát và mang tính
hình thức - dùng để ngăn chặn những hành động độc đóan. Cơ quan này phải đáp
ứng nhu cầu thực tế của người dân, mỗi khi nhu cầu xuất hiện, và sau đó cân
nhắc xem nhu cầu nào cần đáp ứng, nhu cầu nào không. Nó phải thường xuyên giải
quyết những vấn đề mà các nguyên tắc hình thức không thể trả lời nổi, và, trong
khi ra quyết định, nó phải xác định nhu cầu nào và của ai là xứng đáng được đáp
ứng trước. Khi chính phủ phải quyết định cần nuôi bao nhiêu lợn hay cần cho bao
nhiêu xe bus, mỏ than nào cần được khai thác, hoặc đôi giầy giá bao nhiêu –
không thể tìm được các quyết định đó từ những quy tắc hình thức và cũng không
thể quyết định một lần là xong. Chắc chắn các quyết định phải phụ thuộc vào
hoàn cảnh của từng thời điểm, và, trong khi ra quyết định người ta phải cân
nhắc quyền lợi của các cá nhân và các nhóm người khác nhau. Cuối cùng, một
người nào đó sẽ phải quyết định lợi ích của ai là quan trọng hơn và, quan điểm
của người đó sẽ phải trở thành một phần của luật pháp, đấy chính là sự phân
biệt đẳng cấp mới, do bộ máy cưỡng bức của chính phủ áp đặt lên nhân dân.
*
* *
Sự phân định mà
chúng ta vừa tiến hành giữa một bên là luật pháp hay công lý hình thức và bên
kia là pháp luật nội dung (Substantive law - Pháp luật nội dung là tập hợp các điều
điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội. Pháp luật nội dung khác với
luật tố tụng - tập hợp các thủ tục để ban hành, quản lý và thi hành luật nội
dung. Luật nội dung xác định các quyền và trách nhiệm trong luật dân sự, và tội
phạm và hình phạt trong luật hình sự - ND) là cực kì quan trọng, dù rằng công
việc này rất khó chỉ ra trong thực tế. Tuy vậy, nguyên lý chung thì lại khá đơn
giản. Hai cách làm này khác nhau như việc ban hành Luật đi đường và chỉ cho
người ta phải đi đâu hay nói một cách dễ hiểu hơn là giữa việc đặt những tấm
biển chỉ đường và chỉ cho người ta phải đi theo đường nào. Các luật lệ hình
thức thông báo trước cho người dân biết chính phủ sẽ hành động như thế nào
trong những hòan cảnh nhất định – được viết bằng những thuật ngữ chung chung -
mà không nói đến thời gian, địa điểm hay những con người cụ thể nào. Chúng chỉ
nói đến những tình huống điển hình mà ai cũng có thể rơi vào; còn khi đã rơi
vào những hòan cảnh như thế, người ta sẽ sử dụng những luật lệ này để thực hiện
vô số các mục tiêu cá nhân của mình. Biết trước chính phủ sẽ hành động như thế
nào hay sẽ đòi hỏi công dân hành xử như thế nào trong những hoàn cảnh nhất định
chính là phương tiện để người dân sử dụng trong việc lập kế hoạch riêng của
mình. Như vậy là, các luật lệ hình thức chỉ mang tính công cụ theo nghĩa là
chúng có thể được những người khác nhau sử dụng cho các mục đích khác nhau của
họ và trong những hòan cảnh mà không ai có thể lường trước được. Và, vì trên
thực tế, chúng ta không thể biết
những quy tắc này sẽ gây ra những ảnh hưởng cụ thể nào, không thể biết chúng sẽ thúc đẩy những mục tiêu đặc biệt nào, hoặc
chúng sẽ giúp đỡ những người cụ thể nào cho nên chúng được diễn đạt dưới hình
thức tổng quát nhất nhằm tạo thuận lợi cho tất cả những người mà nó tác động
tới. Đấy chính là tiêu chuẩn quan trọng nhất của các luật lệ hình thức - theo
nghĩa chúng ta sử dụng ở đây. Chúng không liên quan gì đến việc lựa chọn các
mục tiêu cụ thể hay những con người cụ thể, vì chúng ta không biết ai là người
sẽ sử dụng và sẽ sử dụng như thế nào.
Trong
thời đại của chúng ta, khi mọi người đều muốn kiểm soát một cách có chủ ý tất
cả mọi thứ trên đời thì, lời tuyên bố nói rằng, hệ thống xã hội không đòi hỏi
chúng ta phải biết về tác động cụ thể của các hành động của chính phủ lại có
tính ưu việt hơn các hệ thống khác, và rằng, biện pháp kiểm soát xã hội sẽ được
coi là ưu việt hơn chỉ vì chúng ta không cần phải biết trước kết quả cụ thể của
nó dường như là ngược đời. Nhưng đây chính là nhân tố căn bản của nguyên tắc pháp
quyền của trường phái tự do. Và, khi đi sâu vào thảo luận, chúng ta sẽ thấy lời
khẳng định nói trên không còn nghe có vẻ như ngược đời nữa.
*
* *
Chúng
ta sẽ thảo luận luận điểm trên theo hai hướng. Thứ nhất là kinh tế, khía cạnh
mà chúng ta chỉ đề cập một cách ngắn gọn. Nhà nước phải tự giới hạn trong việc
sọan thảo các luật lệ áp dụng cho những tình huống chung và giành cho cá nhân
quyền tự do hành động, tùy thuộc vào hòan cảnh của thời gian và địa điểm vì chỉ
có các cá nhân mới hiểu rõ các hòan cảnh cụ thể và có những hành động phù hợp
mà thôi. Các cá nhân chỉ có thể sử dụng kiến thức để xây dựng kế họach, nếu họ
có thể đóan trước được các hành động của chính phủ có thể ảnh hưởng đến các kế
họach của họ. Nhưng, hành động của chính phủ lại chỉ có thể dự đóan được nếu
chúng được xác định bởi các quy tắc được xác lập một cách độc lập với những
hoàn cảnh cụ thể, tức là những hoàn cảnh vừa không thể lường trước được, cũng
như không thể tính toán trước được: tác động cụ thể của những hành động như thế
là không dự đoán được. Còn nếu chính phủ muốn chỉ đạo hành động của các cá nhân
nhằm đạt được các kết quả đã đề ra từ trước thì hành động của chính phủ phải
được xây dựng trên cơ sở tất cả những tình tiết hiện hữu tại thời điểm đó và
như vậy, hành động của chính phủ là không thể dự đóan được. Đấy là lý do vì sao
nhà nước càng “lập nhiều kế hoạch” thì kế hoạch hoá lại càng trở thành gánh
nặng đối với cá nhân hơn.
Thứ
hai là đạo đức hay chính trị, luận cứ còn liên quan trực tiếp hơn đến vấn đề
đang được thảo luận. Nếu nhà nước biết trước được chính xác hậu quả của các
hành động của mình thì điều này có nghĩa là nhà nước không để cho những người bị
ảnh hưởng bất kì lựa chọn nào. Bất cứ khi nào nhà nước nhìn thấy trước tác động
của những đường lối hành động khác nhau đối với những người cụ thể thì nghĩa là
nhà nước tự đứng ra chọn lựa mục tiêu cho những người đó rồi. Nếu chúng ta muốn
tạo ra những cơ hội mới, mở rộng cho tất cả mọi người, nếu chúng ta muốn cung
cấp cho người dân những cơ may và để họ tận dụng theo ý mình thì kết quả sẽ
không thể dự đoán được. Những luật lệ chung tức là luật pháp đích thực, khác
hẳn với các chỉ thị, phải được sọan thảo sao cho chúng có thể họat động trong
những tình huống không thể biết trước được một cách chi tiết và vì vậy, ảnh
hưởng của chúng đối với những mục tiêu cụ thể hay những con người cụ thể là
không thể dự đoán được. Nhà làm luật là người không thiên vị trong và chỉ trong
ý nghĩa này mà thôi. Không thiên vị có nghĩa là không có đáp án cho những câu
hỏi mà muốn trả lời thì phải tung đồng xu. Vì vậy, trong cái thế giới khi mọi
thứ đều đã được dự báo trước thì chính phủ khó mà có thể không thiên vị trong
bất cứ việc gì.
Khi
đã biết trước tác động của một chính sách nào đó đối với những con người cụ
thể, khi nhà nước nhắm vào các kết quả cụ thể thì dĩ nhiên là nhà nước đã biết
truớc hậu quả, nghĩa là nó không thể không thiên vị. Nó không thể không đứng về
một phía nào đó và buộc tất cả các công dân phải chấp nhận cách đánh giá của
mình và đáng lẽ phải giúp đỡ họ hòan thành các mục tiêu cá nhân thì nó lại làm
cái việc là lựa chọn mục tiêu cho người dân. Nếu người ta có thể biết trước hậu
quả của bộ luật ngay từ khi nó được thông qua thì bộ luật đó không thể trở
thành công cụ được nhân dân sử dụng, mà trở thành công cụ do người làm luật sử
dụng nhằm tác động lên quần chúng nhằm phục vụ mục đích của mình. Lúc đó nhà
nước cũng không còn là bộ máy công lợi, có trách nhiệm giúp đỡ các cá nhân phát
triển tất cả các khả năng của mình mà trở thành một thiết chế “đạo lý” - nhưng “đạo
lý” ở đây không mang ý nghĩa trái ngược với một điều gì đó vô đạo, mà đơn giản
là nó buộc các thần dân phải chấp nhận các quan điểm của nó về các vấn đề đạo lý,
bất kẻ đấy là đạo lý hay hòan tòan vô đạo. Theo ý nghĩa này, chính phủ quốc xã
và tất cả các chính phủ theo tư tưởng chủ nghĩa tập thể là các chính phủ “có đạo”
còn các chính phủ theo trường phái tự do đều vô đạo cả.
Có
thể có người sẽ nói rằng sẽ chẳng có gì nghiêm trọng, vì trong khi giải quyết
những vấn đề như thế, người lập kế hoạch kinh tế sẽ không và không được dựa vào
định kiến cá nhân của mình mà sẽ dựa vào những quan niệm chung về công bằng và
hợp lý. Quan điểm này thường được những người đã có kinh nghiệm về lập kế hoạch
trong những lĩnh vực cụ thể và những người thấy rằng tìm được quyết định mà tất
cả những người có quyền lợi trực tiếp chấp nhận không phải là việc quá khó.
Nhưng, dĩ nhiên là, lý do đó chẳng chứng tỏ được điều gì, vì việc lựa chọn các
“lợi ích” liên quan trong khi lập kế hoạch chỉ giới hạn trong những ngành cụ
thể. Những người có quyền lợi trực tiếp nhất trong một vấn đề cụ thể nào đó không
nhất thiết là những người phán xét tốt về quyền lợi của toàn thể xã hội. Chỉ
cần xem xét một trường hợp đặc trưng: khi nhà tư sản và công nhân trong một
lĩnh vực nào đó đàm phán về chính sách hạn chế thì đấy chính là họ bóc lột
người tiêu dùng, và họ sẽ không gặp khó khăn gì trong việc phân chia “chiến lợi
phẩm” theo tỉ lệ cũ hay chia theo nguyên tắc tương tự nào đó. Người ta thường
bỏ qua hoặc xem xét một cách không thỏa đáng khoản tổn thất được đem chia cho
hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người. Nếu chúng ta coi nguyên tắc “công bằng”
như là công cụ lập kế hoạch thì ta phải kiểm tra sự bền vững của nó bằng cách
áp dụng cho những tình huống khi mà lợi và thiệt cùng được xem xét một cách rõ
ràng như nhau. Lúc đó ta sẽ thấy ngay rằng chẳng có nguyên tắc chung nào, kể cả
nguyên tắc công bằng, có thể giải quyết được vấn đề. Khi chúng ta phải lựa chọn
giữa nâng lương cho hộ lý hoặc bác sĩ hoặc mở rộng dịch vụ phục vụ bệnh nhân, lựa
chọn giữ cung cấp thêm sữa cho trẻ em hay nâng lương cho nông dân, lựa chọn
giữa tạo thêm việc làm cho người thất nghiệp hay nâng lương cho những người đã
có việc làm, thì phải có một hệ thống giá trị hoàn hảo và bao trùm tất cả,
trong đó mỗi nhu cầu của từng người hoặc từng nhóm người đều có vị trí xác định
một cách rõ ràng.
Trên
thực tế, kế hoạch hoá càng mở rộng thì người ta càng hay đưa những điều như
“công bằng” và “hợp lý” vào các văn bản pháp quy, nghĩa là việc giải quyết sẽ
ngày càng phụ thuộc vào ý kiến tuỳ tiện của quan toà hoặc một cơ quan quyền lực
nào đó. Đã đến lúc chấp bút viết về lịch sử suy tàn của chế độ pháp quyền và Rechtsstaat[2], thể hiện bằng
việc đưa những công thức mơ hồ này vào các văn bản pháp quy và ngành tư pháp,
sự gia tăng của những hành động độc đoán, sự bấp bênh của toà án và cơ quan lập
pháp, và hậu quả là thái độ coi thường các cơ quan này vì trong hoàn cảnh đó
các cơ quan này không thể không trở thành công cụ chính trị. Vì thế, cần phải
nhắc lại một lần nữa rằng quá trình suy thoái của chế độ pháp quyền đã diễn ra
một cách liên tục trong một thời gian dài trước khi Hitler giành được quyền lực
và chính sách hướng đến kế hoạch hoá toàn trị đã tiến khá xa, Hitler chỉ hoàn
thành nốt công việc đó mà thôi.
Không
nghi ngờ gì rằng kế hoạch hoá nhất định sẽ kéo theo việc phân biệt đối xử có
chủ ý đối với những nhu cầu cụ thể của những người khác nhau, mặt khác, nó cho
người này nhưng lại cấm người khác làm một việc gì đó. Nó ghi hẳn vào luật
người nào thì được làm gì, được có những gì hay sung túc đến mức nào. Trên thực
tế, đấy chính là sự quay trở lại với quy định về địa vị, nghĩa là bánh xe lịch
sử bị quay giật lùi vì như Sir Henry Maine đã nói: “Cho đến nay, sự phát triển
của các xã hội tiên tiến vẫn luôn đi theo hướng chuyển từ ưu thế của địa vị
sang ưu thế của hợp đồng”. Hơn cả hợp đồng, chế độ pháp quyền có thể được coi
là đối trọng của quy định về địa vị. Chế độ pháp quyền, theo nghĩa quy tắc luật
hình thức, là nhà cầm quyền không được tạo ra đặc quyền đặc lợi cho một số
người nào đó, là bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, là đối lập với chính
phủ độc đoán.
*
* *
Từ
những điều đã trình bày có thể rút ra một kết luận tất yếu, mới nghe thì có vẻ
nghịch lý như sau: quyền bình đẳng mang tính hình thức trước pháp luật mâu
thuẫn và không thể dung hợp với bất kì hành động nào của chính phủ nhằm bảo đảm
sự bình đẳng về mặt vật chất hay bình đẳng thật sự cho những người khác nhau và
bất kì chính sách nào nhắm tới lý tưởng về công bằng trong phân phối cũng nhất
định sẽ dẫn đến việc phá huỷ chế độ pháp quyền. Muốn tạo ra kết quả giống nhau cho
những người khác nhau thì phải đối xử với họ một cách khác nhau. Cho những
người khác nhau những điều kiện khách quan như nhau không phải là cho họ cơ hội
chủ quan như nhau. Không ai phủ nhận rằng chế độ pháp quyền tạo ra bất bình
đẳng về kinh tế - nhưng đấy không phải là một âm mưu nhằm tác động lên một số
người cụ thể theo những cách cụ thể nào đó. Điều đặc biệt là những người xã hội
chủ nghĩa (và quốc xã) luôn luôn chống lại pháp lý “chỉ” mang tính hình thức và
chống lại các đạo luật không ghi rõ người nào thì được phong lưu đến mức nào[3], họ luôn luôn
kêu gọi “xã hội hoá luât lệ” và thường xuyên tấn công nguyên tắc độc lập của
các quan toà, đồng thời ủng hộ các trường phái luật học như kiểu Freirechtsschule (Trường luật tự do - Tiếng Đức) làm xói mòn nền
tảng của chế độ pháp quyền.
Có
thể khẳng định rằng muốn cho chế độ pháp quyền có hiệu lực thì việc không để
cho bất kì quy tắc nào có ngoại lệ khi áp dụng còn quan trọng hơn nội dung của
chính các quy tắc đó. Thường thì nội dung của điều luật không quan trọng bằng
việc điều luật này được áp dụng cho tất cả mọi người. Xin quay lại ví dụ cũ:
chúng ta có thể đi theo bên phải hoặc bên trái đường, vấn đề đó không quan
trọng, quan trọng là tất cả chúng ta phải đi cùng một bên. Quy tắc này cho phép
ta dự đoán được hành vi của những người khác và ta chỉ có thể dự đoán được nếu quy
tắc này áp dụng cho tất cả mọi trường hợp, ngay cả khi nó khiến ta cảm thấy bất
công trong một số trường hợp cụ thể.
Xung
đột giữa một bên là công lí hình thức và bình đẳng mang tính hình thức trước
pháp luật và bên kia là những cố gắng nhằm thực thi các lý tưởng của công bằng
và bình đẳng thực sự thường dẫn đến sự hiểu lầm khái niệm “đặc quyền đặc lợi”
và lạm dụng khái niệm này. Chỉ xin dẫn ra ví dụ nổi bật nhất của sự lạm dụng này
– áp dụng thuật ngữ “đặc quyền” đối với sở hữu. Trong quá khứ, sở hữu từng là
đặc quyền đặc lợi, đấy là khi, ví dụ, chỉ có qúy tộc mới được quyền sở hữu
ruộng đất. Ngay cả trong thời đại chúng ta, nó cũng là đặc quyền đặc lợi, khi
chính phủ chỉ cho một số người nào đó quyền sản xuất hoặc bán một loại hàng hoá
nhất định nào đó. Nhưng gọi sở hữu tư nhân - mà ai cũng có thể kiếm được dưới
cùng luật lệ như nhau – là đặc quyền đặc lợi chỉ vì một số người kiếm được
nhiều hơn là đã xuyên tạc ý nghĩa của khái niệm “đặc quyền đặc lợi” rồi.
Điểm
đặc biệt của luật hình thức của hệ thống tự do – tính không thể tiên đoán được
kết quả cụ thể - có thể giúp làm rõ một sự lầm lẫn nữa về bản chất của hệ thống
này, đấy là quan niệm cho rằng nhà nước tự do là nhà nước không hoạt động. Câu
hỏi nhà nước có phải “hành động” hay “can thiệp” hay không là vô nghĩa, còn
thuật ngữ laissez-faire lại làm người ta lầm lẫn vì tạo ra quan niệm mơ hồ và
sai lầm về các nguyên tắc làm nền tảng cho chính sách của phái tự do. Dĩ nhiên
là mọi nhà nước đều hành động và mọi hành động của nhà nước đều can thiệp vào
một việc nào đó. Nhưng đây không phải là điểm chính. Vấn đề quan trọng là liệu
cá nhân có thể dự đoán được hành động của nhà nước hay không và anh ta có thể dựa
vào kiến thức đó để xây dựng kế hoạch của mình hay không, kết quả là nhà nước
không thể kiểm soát cách thức sử dụng cụ thể bộ máy do nó tạo ra, nhưng các cá
nhân thì lại biết rõ giới hạn mà anh ta được bảo vệ khỏi sự can thiệp từ những
người khác và liệu nhà nước có can thiệp vào kế hoạch của anh ta hay không. Khi
nhà nước kiểm soát việc tuân thủ các tiêu chuẩn đo lường và cân đong (hoặc ngăn
chặn những cách lừa đảo khác) thì dĩ nhiên là nó có hành động rồi. Nhưng, khi
nhà nước để xảy ra những hành vi bạo lực, ví dụ từ phía những người bãi công,
thì nhà nước đã không hành động. Trường hợp thứ nhất, nhà nước đã tuân thủ các
nguyên tắc tự do, còn trường hợp thứ hai thì không. Tương tự như thế đối với
phần lớn các luật lệ chung và có hiệu lực lâu dài đối với quá trình sản xuất, ví
dụ, qui định về xây dựng hay luật về nhà máy: các quy định này có thể là sáng
suốt hoặc không sáng suốt trong những trường hợp cụ thể nào đó, nhưng vì chúng
có hiệu lực lâu dài và không thiên vị bất cứ người nào cho nên không trái với
các nguyên tắc tự do. Tất nhiên, các bộ luật như thế, ngoài những hậu quả dài
hạn không thể dự đoán trước, còn có những hậu quả ngắn hạn, có thể dự đoán được
đối với những người cụ thể nào đó. Nhưng những kết quả ngắn hạn này, nói chung,
không phải (ít nhất là không được là) tư duy mang tính định hướng khi xây dựng
các bộ luật. Còn khi những hậu quả trực tiếp và dự đoán được quan trọng hơn kết
quả trong dài hạn thì chúng ta tiến đến đường ranh giới nơi sự phân biệt, tuy
rất ràng trên nguyên tắc, nhưng lại bị xoá nhoà trong thực tế.
*
* *
Khái
niệm chế độ pháp quyền mới hình thành và phát triển một cách có ý thức trong
thời đại tự do và trở thành một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nó, đấy
không chỉ là cơ chế bảo vệ mà còn là hiện thân về mặt pháp lí của quyền tự do.
Immanuel Kant từng nói (trước đó Voltaire cũng đã nói như thế): “Theo luật chứ
không theo người, đấy chính là tự do”. Lý tưởng đó đã hiện diện từ thời La Mã
Cổ đại, nhưng trong mấy thể kỉ gần đây, chưa bao giờ nó lại bị đe doạ như hiện
nay. Quan điểm cho rằng quyền lực của nhà làm luật là vô giới hạn, ở mức độ nào
đó là kết quả của chủ quyền nhân dân và chính phủ dân chủ. Quan điểm này còn
được củng cố bởi niềm tin cho rằng khi hành động của chính phủ còn tuân theo
luật pháp thì chế độ pháp quyền sẽ vẫn được bảo toàn. Nhưng hiểu chế độ pháp quyền
như thế là hoàn toàn sai. Vấn đề không phải là về mặt pháp lý, hành động của
chính phủ có hợp pháp hay không. Hành động của chính phủ có thể hợp pháp nhưng vẫn
trái với nguyên tắc pháp quyền. Việc một ai đó được luật pháp trao toàn quyền để hành động theo cách
thức mà anh ta thích không có nghĩa là luật pháp đã cho anh ta quyền hành độc
đoán hay đã quy định rõ cách thức hành động của anh ta. Hitler đã nhận được
quyền lực không hạn chế bằng các biện pháp hợp hiến, nghĩa là tất cả hành động
của ông ta đều hợp pháp. Nhưng ai dám nói rằng ở Đức vẫn có chế độ pháp quyền?
Vì
vậy, khi chúng ta nói rằng chế độ pháp quyền không thể tồn tại trong xã hội kế
hoạch hoá thì không có nghĩa là ở đó không có luật pháp hay hành động của chính
phủ là phi pháp. Điều đó chỉ có nghĩa là hành động của bộ máy đàn áp nằm trong
tay chính phủ không hề bị giới hạn và quyết định bởi các luật lệ đã được xác
định từ trước. Luật pháp có thể và để cho việc quản lý tập trung nền kinh tế
hoạt động được thì phải hợp thức hoá các hành động độc đoán. Nếu luật pháp
khẳng định rằng một cơ quan hay nhà chức trách nào đó có thể làm bất kì cái gì
họ muốn thì cơ quan ấy hoặc nhà chức trách ấy làm bất kì cái gì cũng đều là hợp
pháp cả, nhưng đấy không phải là chế độ pháp quyền. Khi đã trao cho chính phủ
quyền lực vô giới hạn thì ngay các quy định độc đoán nhất cũng có thể trở thành
luật; và bằng cách đó chế dân chủ có thể thiết lập được chế độ độc tài cứng rắn
nhất mà người ta khó có thể tưởng tượng được[4].
Nếu
luật pháp có trách nhiệm tạo điều kiện cho chính phủ quản lý nền kinh tế thì nó
phải trao cho chính phủ toàn quyền thông qua và thực thi các giải pháp trong
những hoàn cảnh không thể lường trước được và trên những nguyên tắc không thể
phát biểu dưới dạng khái quát được. Kết quả là, cùng với việc mở rộng kế hoạch
hoá thì quyền làm luật càng được trao cho các bộ và các cơ quan khác của chính
quyền hành pháp. Ngay trước chiến tranh, nhân một vụ mà Lord Hewart, nay đã quá cố, quan tâm, thẩm phán Darling đã tuyên
bố rằng: “Theo nghị định của Nghị viện, thông qua vào năm ngoái, thì Bộ nông
nghiệp được tự do hành động và không bị bắt lỗi, ít nhất cũng như chính Nghị
viện vậy”; lúc đó lời tuyên bố như thế nghe có vẻ kì quặc. Nhưng hiện nay,
những chuyện như thế xảy ra như cơm bữa. Các cơ quan mới liên tục xuất hiện và
được trao quyền lực cực kì rộng, mà lại không bị giới hạn bởi bất kì quy tắc cố
định, trên thực tế, các cơ quan này có quyền can thiệp một cách vô giới hạn vào
hoạt động của người dân.
Như
vậy là, nguyên tắc pháp quyền đặt ra giới hạn cho việc ban hành luật pháp: nó
chỉ chấp nhận các quy tắc chung, được gọi là luật hình thức và không chấp nhận
các bộ luật hướng trực tiếp vào những nhóm người cụ thể hay cho phép một người
nào đó sử dụng bộ máy nhà nước để làm việc phân biệt đối xử như thế. Như vậy
nghĩa là, không phải mọi việc đều bị điều tiết bởi luật pháp, mà ngược lại, sức
mạnh cưỡng chế của nhà nước chỉ có thể được sử dụng trong những trường hợp đã
được luật pháp xác định trước và theo cách có thể dự đoán được. Vì thế, có thể
có những văn bản pháp quy vi phạm nguyên tắc pháp quyền. Ai phủ nhận điều này
thì sẽ phải công nhận rằng vấn đề chế độ pháp quyền ở Đức, Ý hay Nga hiện nay
phụ thuộc vào việc liệu các nhà độc tài có chiếm được quyền lực tuyệt đối một
cách hợp hiến hay không[5].
*
* *
Dù
ở một số nước, các nguyên tắc cơ bản của chế độ pháp quyền được ghi trong Tuyên
ngôn nhân quyền (Bill of Rights) hay Hiến pháp, trong khi ở một số nước khác,
các nguyên tắc này có hiệu lực đơn giản vì đấy là truyền thống; nhưng đấy không
phải là điều quan trọng. Quan trọng là các nguyên tắc này, dù được thể hiện dưới
hình thức nào, giới hạn quyền lập pháp hàm ý công nhận các quyền không thể bị
tước đọat của cá nhân, công nhận quyền bất khả xâm phạm của con người.
Những
lời phát biểu bảo vệ quyền con người đầy nhiệt huyết của H. G. Wells, một trong
những ủng hộ viên hàng đầu của kế họach hóa tập trung, làm chúng ta xúc động
nhưng đồng thời cũng chứng tỏ một cách rõ ràng rằng, niềm tin vào những lý
tưởng xung khắc nhau đã làm cho các nhà trí thức của chúng ta rối trí đến mức
nào. Quyền cá nhân mà ông Wells hi vọng bảo vệ nhất định sẽ xung đột với kế
họach hóa mà ông nhiệt tình ủng hộ. Ở một mức độ nào đó, dường như ông đã nhận
thức được vấn nạn này cho nên các điều khỏan trong “Tuyên ngôn nhân quyền” của
ông mới đầy những lời rào trước đón sau làm mất hết ý nghĩa của chúng đi như
thế. Ví dụ, khi tuyên bố quyền của mỗi người “được mua và bán, mà không bị bất
cứ hạn chế nào, tất cả những gì có thể mua và bán một cách hợp pháp” thì ông ta
lập tức làm cho tuyên bố tuyệt vời này thành vô dụng bằng cách nói thêm rằng nó
chỉ liên quan đến việc mua và bán “với số lượng và theo những điều kiện phù hợp
với phúc lợi chung”. Nhưng, vì tất cả các hạn chế từng được áp dụng cho việc
mua bán đều được người ta lấy lý do vì “phúc lợi chung” thì rõ ràng là điều
khỏan này không ngăn chặn được bất kì hành động độc đóan nào của chính quyền và
như vậy, cũng có nghĩa là không bảo vệ được bất kì quyền cá nhân nào.
Hay
xét một điều khoản khác trong “Tuyên ngôn”, trong đó nói rằng mỗi người đều “có
thể tham gia bất kì nghề nghiệp hợp pháp nào” và “có quyền được trả lương và
quyền tự do lựa chọn bất kì cơ hội làm việc nào mở ra trước anh ta”. Ở đây
không thấy nói ai quyết định là cơ hội được mở ra cho một người cụ thể nào đó
hay không, nhưng ngay lập tức ta gặp lời giải thích “anh ta có thể đề nghị làm
ứng viên cho một công việc nhất định và đơn của anh ta phải được xem xét một
cách công khai, được chấp nhận hay bác bỏ công khai”, chứng tỏ rằng ông Wells
nghĩ rằng một cơ quan có thẩm quyền nào đó sẽ quyết định người này có quyền
nhận chức vụ đó hay không và như thế, chắc chắn là trái ngược với quyền tự do
lựa chọn việc làm. Trong thế giới kế họach hóa, khi mà không chỉ phương tiện đi
lại và việc đổi tiền mà cả việc bố trí các nhà máy cũng theo kế hoạch thì làm
sao có thể bảo đảm được quyền “tự do đi lại”? Hay làm sao có thể bảo đảm được
quyền tự do báo chí khi mà không chỉ việc cung cấp giấy mà cả các kênh phân
phối sản phẩm in ấn đều nằm dưới quyền các cơ quan lập kế họach? Ông Wells cũng
như bất kì người ủng hộ kế họach hóa nào khác đều không trả lời các câu hỏi
này.
Về
khía cạnh này, đa số các nhà cải cách lại tỏ ra nhất quán hơn, ngay từ khi
phong trào xã hội chủ nghĩa mới bắt đầu, họ đã phê phán tư tưởng quyền con
người “siêu hình” và khẳng định rằng trong thế giới được tổ chức một cách hữu lí
con người sẽ chẳng còn quyền gì, chỉ còn nghĩa vụ mà thôi. Ý tưởng này đã chi
phối tâm trí của tất cả những người gọi là “tiến bộ” và cách tốt nhất để được
liệt vào hàng ngũ phản động là nói rằng các biện pháp đó vi phạm quyền cá nhân.
Ngay cả tờ Economist, một tờ tạp chí
theo xu hướng tự do, cách đây vài năm cũng đã từng đưa người Pháp ra như một
thí dụ về việc người ta đã hiểu rằng “chính phủ dân chủ cũng phải luôn luôn có
(síc!) khả năng sử dụng quyền lực in pose
(tuyệt đối) giống như chế độ độc tài,
nhưng vẫn phải giữ được tính chất dân chủ và tính chất đại diện của mình. Dù
trong bất kì hoàn cảnh nào thì trong các vấn đề hành chính mà chính phủ giải
quyết cũng không thể tồn tại những giới hạn bảo vệ quyền cá nhân mà chính phủ
không thể vượt qua. Một chính phủ được dân bầu và bị phe đối lập công khai chỉ
trích không chấp nhận bất cứ giới hạn quyền lực nào”.
Có
thể chấp nhận những chuyện như thế trong thời chiến, lúc đó dĩ nhiên là ngay cả
việc phê phán công khai và tự do cũng phải bị giới hạn. Nhưng trong câu vừa dẫn
đã nói một cách rõ ràng: “luôn luôn”. Từ đó có thể rút ra kết luận rằng tờ Economist không coi đấy là nhu cầu đáng
buồn của thời chiến. Đưa quan điểm như thế vào các thiết chế xã hội chắc chắn
là không phù hợp với chế độ pháp quyền và sẽ dẫn thẳng tới nhà nước toàn trị.
Nhưng đấy chính là quan điểm bắt buộc của tất cả những người muốn chính phủ phải
quản lý đời sống kinh tế.
[1] Theo định nghĩa kinh điển của A. V. Dicey
trong The Law of the Constitution (in
lần thứ 8), trang 198 thì Pháp quyền “trước hết là uy quyền tối cao hoạc uy thế
tuyệt đối của pháp luật hiện hành, chống lại ảnh hưởng của quyền lực độc đoán, và
không chấp nhận sự độc đoán, độc quyền hay thậm chí là sử dụng quyền lực một
cách tùy tiện trên diện rộng của một bộ phận của chính phủ”. Ở Anh, thuật ngữ
này hiện (phần lơn là nhờ trước tác của A. V. Dicey) đã mang ý nghĩa hẹp và
chuyên biệt mà chúng ta sẽ không đi sâu ở đây. Ý nghĩa rộng rãi và mang tính
truyền thống hơn của khái niệm Pháp quyền đã xuất hiện vào đầu thế kỉ XIX ở
Đức, khi người ta thảo luận về bản chất của nhà nước pháp quyền.
[3] Vì vậy không thể nói rằng Karl Schmitt, lí
thuyết gia về luật pháp của chủ nghĩa xã hội quốc gia, là hoàn toàn vô lí khi
ông ta đem lý tưởng của chủ nghĩa xã hội quốc gia về gerechte staat (nhà nước
công bằng) đối lập với nhà nước Rechsttat tự do (Pháp quyền). Chỉ có điều công
bằng đối lập với công lý hình thức thì nhất định sẽ dẫn tới phân biệt đối xử
[4] Như vậy, hoàn toàn không phải là tự do và luật pháp xung đột với nhau, như trong thế
kỉ XIX người ta đã nghĩ. Như John Locke đã chỉ rõ, không có luật pháp thì không
thể có tự do. Xung đột ở đây là mâu thuẫn giữa hai loại luật pháp, khác nhau
đến nỗi đáng lẽ ra không nên dùng cùng một thuật ngữ: Luật của nguyên tắc Pháp quyền,
tức là nguyên tắc chung được soạn thảo từ trước, là các “luật chơi” cho phép cá
nhân dự đoán được hành động của các cơ quan của chính phủ và biết chắc rằng anh
ta cũng như những người khác được làm gì hoặc buộc phải làm gì trong những hoàn
cảnh nhất định. Loại thứ hai là luật cho nhà cầm quyền được toàn quyền hành
động theo ý mình. Vì vậy, trong điều kiện của chế độ dân chủ, nếu người ta
không sử dụng các quy tắc đã được xác định từ trước để giải quyết các xung đột
quyền lợi mà giải quyết “theo bản chất của vụ việc” thì Pháp quyền sẽ không
còn.
[5] Một ví dụ nữa chứng tỏ các nhà làm luật đã vi
phạm nguyên tắc Pháp quyền, đấy là việc quốc hội tuyên bố đặt một người nào đó
ra ngòai vòng pháp luật vì đã phạm những tội ác nghiêm trọng, rất thịnh hành trong lịch sử Anh. Trong hình luật, nguyên tắc Pháp quyền được thể
hiện bằng câu Latin sau đây: nulla poena sine lege, không thể trừng phạt khi
chưa có luật quy định hình phạt đó. Bản chất của nó là điều luật phải hiện diện
dưới dạng quy tắc chung, được thông qua trước khi xảy ra trường hợp vi phạm mà
luật này áp dụng. Không còn ai dám khẳng định rằng Richard Rose, một đầu bếp
của Giám mục xứ Rochester, bị “luộc cho đến chết mà không được rửa tội” theo
nghị định của quốc hội dưới thời Henry VIII, là vụ tử hình được thực thi theo
đúng tinh thần Pháp quyền nữa. Nhưng, hiện nay, trong tất cả các nước tự do,
tinh thần Pháp quyền đã trở thành cơ sở cho việc xét xử các tội hình sự. Song,
tại các nước tòan trị, câu Latin đã dẫn bên trên, theo cách nói chính xác của
ngài E. B. Ashton, đã trở thành: nullum
crimen sine poena, nghĩa là không được bỏ qua bất kì tội lỗi nào, dù luật
đã quy định hay chưa. “Quyền của nhà nước không chỉ giới hạn ở việc trừng phạt
những kẻ vi phạm pháp luật. Xã hội thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của mình có
quyền làm tất cả mọi việc và tuân thủ pháp luật chỉ là một trong những yêu cầu
đối với thần dân của nó mà thôi”. (Ashton E.B. The Fascist. His State and Mind, 1937. p. 119). Còn “quyền lợi của
xã hội” là gì thì dĩ nhiên là do nhà cầm quyền quyết định
tiêu đề bài thấy ớn quá
ReplyDelete