Ngày 14 tháng 12 năm 2021 Phạm Đoan Trang nói trước tòa: "Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ
14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý:
chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả 6 tỷ người đều theo
cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có
một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế
là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người
không theo tôn giáo nào.
Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma
nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống
là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những
kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những
kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác
và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất
đồng chính kiến…"
Xin đưa thêm đoạn văn bất hủ này vào bài viết đã xuất bản ngày 11 tháng 2 năm 2017.
Trong lĩnh vực tinh thần, độc quyền chân lí còn tai hại hơn. Có lẽ không ai nói điều này một cách rõ ràng và thuyết phục hơn John Stuart Mill: “Nhưng cái xấu xa đặc biệt của việc bắt một ý kiến không được trình bày ra là sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau hay hiện nay, thiệt hại nhiều cho người bất đồng với ý kiến đó hơn là cho người giữ ý kiến đó. Nếu ý kiến đó là đúng thì người ta đã tước đi mất cơ hội bỏ cái sai lấy cái đúng; nếu ý kiến đó là sai thì họ mất đi một cái lợi lớn là cảm nhận được cái chân một cách minh triết hơn và ấn tượng về cái chân lí sống động hơn khi cái chân va chạm với cái ngụy”( Bàn về tự do, của J. S. Mill, Nguyễn Văn Trọng dịch, NXB Tri thức, 2007, trang 50). Minh chứng rõ nhất cho điều này là những người trong ban tuyên giáo hay các thày/cô giáo giảng dạy môn triết học Marx-Lenin. Vì không được phản biện cho nên những điều họ giao giảng trở thành xơ cứng, ngôn từ của họ chẳng khác gì những hòn đá quẳng vào tai người nghe, đến mức chính họ cũng cảm thấy nhàm chán.
Trong các lĩnh vực khác như ngôn ngữ, tôn giáo, văn học … tình hình cũng tương tư như thế.
Cấm đoán bao giờ cũng gây ra đau khổ và chi phí vô ích.
Đa nguyên làm cho xã hội trở thành sống động hơn, vui tươi hơn và ít tốn kém chi phí quản lí hơn. Như có một bàn tay vô hình điều tiết tất cả và tất cả mọi người đều tìm được vị trí của mình. Nhưng muốn làm cho xã hội trở thành nhất nguyên thì phải có sự can thiệp từ bên ngoài:
1. Lực lượng mạnh thân thiện ở bên ngoài, ví dụ, Liên Xô giàu tài nguyên bao cấp cho những nước như Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan… Khi Liên Xô không muốn hay không còn bao cấp được nữa thì các nước nhất nguyên kia tan rã.
2. Kẻ thù đầy sức mạnh ở bên ngoài: kẻ thù là lực lượng cố kết nhân tâm. Vì vậy mà các nước nhất nguyên luôn luôn nói đến thế lực thù địch, nói đến kẻ thù, thậm chí khi không có kẻ thù cũng phải tìm cho ra kẻ thù.
Không còn lực lượng thân thiện hay kẻ thù đầy sức mạnh ở bên ngoài thì các chế độ nhất nguyên sẽ không có lí do và không thể tồn tại được.
II. Đa đảng
Điều 4 Hiến pháp 2013 viết: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Xin hỏi: Có người nào hay tổ chức nào vừa đại diện cho quyền lợi của bà bán rau muống vừa đại diện cho quyền lợi của bà mua rau muống hay không? Chắc chắn là một đứa trẻ con lên 10 cũng trả lời ngay là: KHÔNG. Vì bà bán thì muốn giá cao, còn bà mua thì muốn giá thấp. Quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thì cũng thế. Cho nên trong nền kinh tế thì trường mà viết: “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” là cực kì vô lí, nếu không nói là cưỡng tình đoạt lí. Nó là thói quen độc quyền chân lí và cũng là kết quả của xã hội nhất nguyên, chuyên dùng cấm đoán để trị dân.
Khi xã hội chỉ có một mục đích, ví dụ, đánh đuổi quân xâm lược nước ngoài hoặc có nền kinh tế hướng tới một thành phần như trong thời bao cấp mà có người gọi là nền kinh tế “một nồi cháo chung” thì có lẽ nhiều đảng phái sẽ làm người ta phân tâm, nhiệm vụ chung khó có thể hoàn thành một cách mĩ mãn. Nhưng trong xã hội với nền kinh tế thị trường thì nhất định sẽ xuất hiện những nhóm lợi ích khác nhau, ví dụ, nông dân không muốn mở cửa thị trường nông sản, trong khi người tiêu dùng ở thành thị lại muốn mở cửa thị trường này; hay ngành công nghiệp lắp ráp ô tô muốn tăng thuế đánh vào ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, v.v.
Thêm nữa, ngay cả những giá trị mà chúng ta tôn trọng không phải lúc nào cũng tương thích với nhau. Ví dụ, tự do và bình đẳng. Mọi người đều biết rằng muốn xã hội phát triển thì phải có tự do, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do thể hiện, tự do làm những việc mà luật pháp không cấm, tự do hợp đồng, v.v. Vì vậy mà có những người ủng hộ tự do hết lòng, thậm chí đến mức cực đoan. Nhưng tự do quá thì khoảng cách giàu nghèo sẽ rất lớn, đe dọa sự ổn định, thậm chí đe dọa sự tồn tại của chính xã hội. Vì vậy mà lại có những người ủng hộ bình đẳng đến mức cực đoạn. (Chính trường Mĩ là ví dụ điển hình cho hai trường phái này: Đảng Cộng hòa ủng hộ tự do nghĩa là thuế khóa thấp, hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế… và bất bình đẳng gia tăng. Ngược lại, Đảng Dân chủ ủng hộ bình đẳng, thuế khóa cao, đầu tư nhiều vào y tế, giáo dục… và kinh tế không thể phát triển được. Đấy là lí do vì sao hai đảng này thường luân phiên nhau cầm quyền).
Như vậy, đa nguyên, đa đảng là những hiện tượng tự nhiên của xã hội loài người trên con đường phát triển, chứ không phải là thoái hóa về tư tưởng hay đạo đức như có người nói. Ngược lại, các đảng phái, các tổ chức xã hội dân sự, các hiệp hội và các nhóm vận động hành lang… là những tổ chức hoạt động công khai (tốt hơn hẳn những nhóm hoạt động ngầm), người dân có thể tham gia hay phản biện và sử dụng những tổ chức đó làm áp lực với chính quyền. Các đảng phái mất lòng dân đang cầm quyền sẽ bị các đảng phái khác thay thế bằng biện pháp hòa bình, thông qua bầu cử. Đa đảng không làm cho xã hội hỗn loạn như một số người cố tình hiểu sai.
III. VĨ THANH
Ngày nay muốn giành hay giữ quyền lực nhất định phải dựa vào đảng phái chính trị, hay nói cách khác, người hoạt động chính trị nhất định phải cần có đảng chính trị. Ngay cả các chế độ độc tài như của “anh” Kim Jon Un hay của “anh” Saddam Hussein cũng cần có đảng chính trị. Về lĩnh vực này, các nước chỉ khác nhau ở chỗ nước thì có nhiều đảng, gọi là đa đảng, còn có nước chỉ có một đảng, gọi là độc đảng. Trong các nước độc đảng thì dĩ nhiên là cái đảng duy nhất đó chính là đảng cầm quyền, còn trong các nước đa đảng, các đảng phải cạnh tranh với nhau, còn người dân có quyền lựa chọn đảng cầm quyền, chẳng khác gì lựa chọn quán phở hay lựa chọn bà bán ra muống, theo kiểu: “Đâu hơn người lấy, đâu bằng người đợi chúng em” .
Trong khi đó, cách đây hơn 200 trăm năm, các học giả phương Tây và các nhà lập quốc Mỹ, những người hiểu rất rõ tâm lí của con người (tham lam và thích bao che cho những người thuộc phe nhóm của mình) đã nhận thức được rõ ràng rằng muốn chống tham nhũng thì những quan chức cầm quyền phải do dân bầu hay còn gọi là chế độ dân chủ và phải TAM QUYỀN PHÂN LẬP, nghĩa lả ba nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tách biệt nhau và sử dụng cơ chế KIỂM SOÁT và ĐỐI TRỌNG lẫn nhau, để không nhánh nào có quá nhiều quyền lực, đủ sức khuynh đảo nền chính trị ở trong nước, đủ sức tác oai tác quái, đủ sức làm lệch cán cân công lí, gây ra tai họa cho nhân dân. Thêm nữa, hiến pháp, tức bộ luật mẹ của đất nước còn qui định những quyền căn bản nhất của con người và đặt ra những giới hạn cho quyền lực của cơ quan hành pháp, giới hạn thời gian cầm quyền của những người đứng đầu cơ quan hành pháp. Hiến pháp cũng qui định rõ quân đội và cảnh sát là những lực lượng trung lập, không được tham gia chính trị và không được bảo vệ bất cứ đảng phái nào và phải nằm dưới sự lãnh đạo của các quan chức dân sự. Ngoài ra, còn có tự do báo chí, để báo chí có thể trình bày nguyện vọng của nhân dân và phê phán những người đang nắm quyền. Sau này cơ chế đó gọi là MINH BẠCH và CHÍNH QUYỀN CÓ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH. Tóm lại, chế độ dân chủ, tam quyền phân lập, cơ chế kiểm soát và đối trọng, tự do báo chí, đa đảng, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lực lượng vũ trang nằm ngoài chính trị và chịu sự lãnh đạo của các quan chức dân sự… là những điều kiện cực kì cần thiết để có thể có chính quyền của dân, do dân và vì dân, oan ức hiếm khi xảy ra. Chế độ dân chủ đa nguyên đa đảng là cơ chế rất phức tạp, phải viết nhiều cuốn sách mới mô tả hết được và trong hai ba trăm năm qua người ta vẫn đang và sẽ còn tiếp tục viết; ở đây chỉ phác qua vài nét chính để so sánh nó với chê độ độc đảng mà thôi.
Còn trong các chế độ độc đảng, vì cơ chế “đảng cử dân bầu”, các thành viên ủy ban bầu cử cũng là đảng viên đảng cầm quyền cho nên các cuộc bầu cử chỉ là hình thức, người ta muốn xào xáo, xuyên tác kết quả bầu cử thế nào mà chẳng được. Chế độ độc đảng lại không có tam quyền phân lập, mà chỉ có các đảng viên của cùng một đảng được phân công làm những nhiệm vụ khác nhau; lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng là đảng viên của cùng một đảng, họ lại chẳng phải giải trình trước dân mà chỉ bị phê bình trước đảng của mình. Chế độ này cũng không có tự do báo chí vì tất cả các phương tiện truyền thông đều nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền. Bộ đội, công an ở đây cũng là lá chắn, là phương tiện bảo vệ đảng… Bao che cho nhau và tham nhũng đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, chẳng có biện pháp hay phong trào học tập nào có thể chữa trị được. Vì không những không có cạnh tranh, lại thêm hiện tượng ô dù, bộ máy chỉ đưa lên trên những kẻ dễ bảo và những kẻ dám lấy tiền của nhà nước để đút lót cho cấp trên, cho nên người tài ngày càng hiếm mà những tên vô lại thì ngày càng nhiều. Đây là chế độ mà người ta gọi là “hôn nhân cận huyết”. Thiết nghĩ, chẳng cần nói thêm nữa: “Bạn đời ơi, ta đã hiểu nhau rồi”. Vì vậy, dù xuất phát điểm và ý định ban đầu của những người lập ra các chế độ độc đảng có như thế nào đi nữa, dù họ có ngụy biện là “tất yếu lịch sử” hay “sự lựa chọn” của ai đó… thì cùng thời gian - do bản chất của con người là tham (tham tiền và tham quyền) và bao che cho những người gần gũi, những người cùng nhóm với mình - các chế độ này sẽ thoái hóa dần và sẽ đưa XUỐNG HỐ CẢ NÚT. Những người lập ra những chế độ này có thể là “hổ báo”, nhưng cùng với thời gian, đã xảy ra hiện tượng “hổ phụ sinh cẩu tử”, trong các cơ quan chính quyền chỉ còn rặt một lũ linh cẩu, chỉ biết mỗi đớp và hít mà thôi.
Một số người ủng hộ các chế độ độc tài, độc đảng thường biện hộ rằng các chế độ này hữu hiệu vì không phải mất thì giờ thảo luận như các chế độ dân chủ tự do. Điều này có thể đúng, nếu đấy là những công việc ích nước lợi dân. Nhưng chỉ có trong các chế độ độc đảng độc tài mới có những việc như cải cách ruộng đất ở Việt Nam; đại nhảy vọt, đại cách mạng văn hóa vô sản ở Trung Quốc hay công xã trong chế độ cộng sản Campuchia. Còn trong các chế độ dân chủ, công việc có thể diễn ra một cách chậm chạp, nhưng có thể sửa ngay lập tức. Những người ủng hộ chế độ độc đảng còn lờ đi sự kiện là khi có quyền lực, họ có thể tự tung tự tác, có thể tác oai tác quái, vu oan giáng họa cho người mà không sợ bị trừng phạt, nhưng khi mất quyền, họ thường bị chính những đồng đảng của mình hành hạ, thậm chí giết chết: Lưu Thiếu Kỳ, Giang Thanh và bè lũ bốn tên ở Trung Quốc là những bài học nhãn tiền.
Tóm lại, chế độ dân chủ đa đảng là hình thức chính quyền ưu việt hơn chế độ độc đảng và đấy cũng là ước nguyện của nhân dân các nước, đến nỗi các chế độ độc tài nhất cũng phải tự gọi mình là dân chủ.
HẾT.
xạo quá ông ơi nhìn ly bi đi
ReplyDeleteThế sao không nhìn sang Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật... mà lại chỉ nhìn Lybi?
DeleteNếu cái đảng này không chịu cải tổ để thay đổi bản thân họ, cho phép tự do chính trị thì rồi sẽ có ngày Việt Nam cũng sẽ giống như Lybia đấy bạn, chỉ khi có tự do thật sự thì các mâu thuẫn trong xã hội sẽ được giải toả một cách hoà bình đem đến sự phát triển, bằng không chỉ có loạn lạc, chiến tranh
DeleteTo the point but very simple. It's an excellent piece of writing! But there are some typos, example 200 trăm = 2 hundred hundred... Two thumps up!
ReplyDelete