January 16, 2017

Điểm nóng tiếp theo của môi trường Việt Nam

Chưa đầy một năm sau vụ ô nhiễm lớn, rắc rối đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Minh Quang

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong khi chờ đợi xem Hà Nội xử lý cuộc khủng hoảng môi trường ở tỉnh Hà Tĩnh như thế nào, cũng cần nhìn về phía Nam để xem chính phủ và người dân Việt Nam đang phản ứng như thế nào với những rủi ro về môi trường gây ra bởi khu liên hợp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc và nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá nằm dọc theo tuyến đường thủy quan trọng nhất - nguồn cung cấp nước ngọt duy nhất cho những cánh đồng trồng lúa và các thành phố đông dân ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những tuần gần đây, mối lo ngại của cộng đồng về ô nhiễm môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long, gây ra bởi các cơ sở công nghiệp, khu chế xuất nằm dọc theo những con sông lớn trong khu vực, dường như như đã bị lu mờ bởi những thông tin liên quan đến cơ quan chịu trách nhiệm về xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài. Đầu tháng 12 năm 2016, một cuộc tranh luận nóng bỏng trong giới truyền thông Việt Nam về những việc được cho là vi phạm liên quan đến việc tuyển dụng và sắp xếp cho một người 26 tuổi, mới tốt nghiệp đại học, không có kinh nghiệm làm việc, ông Vũ Minh Hoàng, vào vị trí nhiều quyền lực là Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư.

Câu chuyện bổ nhiệm Vũ Huy Hoàng gây ra những cuộc tranh cãi, làm người ta nhớ tới những bước thăng tiến cấp tập của Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, cũng là người được bổ nhiệm quản lý đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh này. Trịnh Xuân Thanh hiện đang bị truy nã quốc tế vì làm tổn thất tới 3,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 146 triệu USD) ở một công ty quốc doanh mà ông từng làm giám đốc. Việc bổ nhiệm bất thường Vũ Huy Hoàng và Trịnh Xuân Thanh cho thấy những đặc quyền đặc lợi mà họ có thể đã được hưởng nhờ họ hàng và các mối quan hệ. Việc họ nhảy qua tất cả các quy trình tuyển dụng và thăng chức là nguyên nhân căn bản gây ra sự bất bình của xã hội, nó cũng cho thấy sự thiếu minh bạch và mức độ tham nhũng cao trong lĩnh vực dịch vụ công ở Việt Nam.

Với những vụ bê bối liên quan đến việc tuyển dụng và bổ nhiệm trong các cơ quan nhà nước phụ trách về công nghiệp và đầu tư nước ngoài, người ta có thể hiểu được lý do vì sao và làm thế nào mà những nhà sản xuất nước ngoài có khả năng gây ô nhiễm cao đã được phê duyệt một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho họ hoạt động ở vùng nông nghiệp giàu có của Việt Nam, đặc biệt là trong khu vực màu mỡ nhất và dễ bị tổn thương nhất - đồng bằng sông Cửu Long. Rõ ràng là, Việt Nam đang rất cần những người có tài để phục vụ cho việc phát triển và hội nhập kinh tế. Nhưng, thiếu minh bạch trong vấn đề nhân sự trong các cơ quan nhà nước, đến lượt nó, có thể dẫn đến thiếu minh bạch ở những lĩnh cực khác, trong đó có quá trình cấp giấy phép đầu tư ở cấp tỉnh. Như vậy là, sự bất bình và giảm sút lòng tin của đối Đảng Cộng sản cầm quyền và chính phủ có thể là hiện tượng không thể tránh khỏi. Nói cho cùng, an ninh môi trường của đất nước đang bị đe dọa.
Thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung

Điều đó trở nên rõ ràng vào đầu năm 2016, khi nhà máy thép Formosa của Đài Loan ở Việt Nam đã lén xả hóa chất độc hại vào vùng biển nước sâu dọc các tỉnh ven biển phía Bắc miền Trung, gây ra một trong những thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử của Việt Nam. Vấn đề còn trầm trọng thêm, khi Formosa đã buộc phải xin lỗi vì những lời nói khó lọt tai của một quan chức rằng cá chết hàng loạt do hậu quả của vụ tràn dầu. Tháng Tư năm 2016, Chu Xuân Phàm, đại diện văn phòng Công ty Formosa Hà Tĩnh ở Hà Nội, nói với các phóng viên: “Các bạn muốn cá hay các nhà máy thép? Các bạn phải lựa chọn!”

Lời nhận xét ứng khẩu của ông ta ngay lập tức làm cho dân chúng náo động và châm ngòi cho những cuộc biểu tình tại thành phố lớn. Đất nước này đã thất vọng về cái được gọi là “ba trụ cột chính” trong quá trình phát triển đất nước - kinh tế, môi trường và xã hội – được ghi trong Định hướng chiến lược về phát triển bền vững. Trong khi chính phủ cam kết tăng trưởng xanh, ưu tiên hàng đầu lại là kinh tế.

Trong khi cuộc khủng hoảng môi trường do Formosa gây ra vẫn chưa được giải quyết, thì nguy cơ tương tự như thế lại xuất hiện ở đồng bằng sông Cửu Long. Hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp đã bị thu hồi và được thay thế bằng các dự án công nghiệp không bền vững, đặc biệt là nhà máy bột giấy Lee & Man Paper thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc và các nhà máy nhiệt điện nằm dọc theo những tuyến đường thủy có ý nghĩa quan trọng sống còn ở lưu vực sông Hậu và sông Tiền. Người ta tin rằng dự án nhà máy bột giấy Lee & Man đã có giấy phép sử dụng đất mà không có đánh giá tác động môi trường toàn diện nghiêm túc nào để xem nó có đáp ứng những quy định môi trường của Việt Nam hay không. Sau khi đã chứng kiến ảnh hưởng xấu mà đồng bào của họ ở Hà Tĩnh đã phải chịu đựng từ một công ty nằm dưới quyền sở hữu của Đài Loan, các nhà môi trường học và những người nông dân sống xung quanh khu vực nhà máy Lee & Man lo lắng rằng dự án này sẽ nhanh chóng gây ra nạn ô nhiễm môi trường ở khu vực này, biến làng của họ thành “làng ung thư tiếp theo ở Việt Nam”, Nguyễn Hữu Hiệp, một nông dân 56 tuổi ở tỉnh Hậu Giang, nói như thế.

Nhằm trấn an nỗi sợ hãi, trong khi vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần thể hiện tham vọng và nỗ lực trong việc xây dựng chính phủ kiến tạo, trong sạch, chính phủ hành động quyết liệt nhằm phục vụ nhân dân và phát triển đất nước bền vững. Chính phủ sẽ “không chấp nhận [một thỏa thuận] đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, ông đã nhiều lần hứa như thế. Lời cam kết này thường được trích lại trong các phát biểu của các nhà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam. Để làm cho lời hứa có thực chất hơn, Hà Nội cử nhiều cơ quan có liên quan tham gia với chính quyền địa phương để điều tra quá trình cấp phép cho dự án Lee & Man, báo cáo đánh giá tác động môi trường, công nghệ xử lý nước thải, và sự phù hợp với các quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, nhiều tháng đã trôi qua kể từ khi công ty này lần đầu tiên gây ra những cuộc tranh luận công khai vào giữa năm 2016, nhưng vẫn chưa có báo cáo về các cuộc thanh tra, mặc dù sự lo lắng của công chúng đang ngày càng gia tăng.

Trong những năm qua, ở Việt Nam, ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai đã trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở những khu công nghiệp có thiết bị với công nghệ chất lượng thấp, nhập khẩu từ Trung Quốc. Áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh quốc tế đã từng bước làm cho đất nước này trở thành môi trường đầu tư dễ dãi, khuyến khích chế xuất và những ngành công nghiệp thâm dụng lao động và ngày càng cần thu hồi nhiều đất nông nghiệp hơn cho các dự án công nghiệp. Nhằm đáp ứng nhu cầu to lớn của các nhà đầu tư nước ngoài - những người muốn đưa vốn liếng vào những lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng không thân thiện với môi trường - khai thác khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, xây dựng các nhà máy thủy điện và nhiệt điện, được phê duyệt một cách vội vàng ở nhiều tỉnh mà không cho những người quan tâm lên tiếng về các vấn đề môi trường. Tình trạng này làm cho suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng hơn và chứng minh rằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường khó mà dung hòa được với nhau.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hơn 17 triệu người đang sống dựa vào nguồn lợi thủy sản trên các con sông và lúa gạo, nạn ô nhiễm đã trở nên tồi tệ hơn sau nhiều năm tiến hành công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, làm ảnh hưởng tới điều kiện sống của người dân địa phương và gây ra những rối loạn về mặt xã hội.

Bà Phạm Thị Thu, 41 tuổi, giáo viên trung học ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, kể về việc gia đình và hàng xóm của bà đã bị nạn ô nhiễm nước và không khí từ khu công nghiệp bên cạnh làng mình gây ra ảnh hưởng như thế nào: “Nước ngầm không còn sử dụng được nữa, không khí cũng bị ô nhiễm nặng. Chúng tôi phải đóng cửa suốt ngày. Hầu như tất cả người dân ở đây đều phải mua nước sạch từ nhà máy nước khu vực, mà nhà máy này lại sử dụng nước từ con sông mà các nhà máy được phép đổ nước thải vào”.

Có cả những lo lắng khác. Bà nói thêm: “Các nhà máy và công nhân nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc, đã làm xáo trộn và thay đổi lối sống trong ngôi làng này. Mức sống của chúng tôi hiện nay đã được cải thiện, đấy là nhờ những con đường mới mở và quá trình đô thị hóa diễn ra sau đó, nhưng đồng thời lại gây ra ô nhiễm và làm gia tăng những vấn đề xã hội, như tội phạm và xuống cấp về văn hóa”.

Kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường lịch sử ở Hà Tĩnh, chính phủ đã có những tiến bộ đáng kể trong việc làm giảm bớt tác động tiêu cực do các cụm công nghiệp gây ra, đồng thời thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính và minh bạch trong lĩnh vực dịch vụ công cộng. Khi được giới truyền thông quốc doanh hỏi, Trần Hồng Hà, Bộ trưởng tài nguyên và môi trường, giải thích rằng đã yêu cầu khẩn trương đánh giá lại báo cáo tác động môi trường của 2.000 dự án đang được xây dựng, trong đó có những dự án ở đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham vấn với các cơ quan và chuyên gia có uy tín.

Rõ ràng là, cả chính phủ và nhân dân Việt Nam đều muốn phát triển bền vững, nhưng phương pháp tiếp cận và những thiết chế hiện hành vẫn còn nhiều vấn đề và có thái độ khinh xuất. Các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ nói rằng họ rất lo về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng là do nhiều khu công nghiệp đã được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long. Trí và Lan, hai chuyên gia nông nghiệp ở Đại học Cần Thơ, khẳng định rằng đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng vì sức mạnh nông nghiệp đa dạng của nó chứ không phải là nơi lý tưởng cho các hoạt động công nghiệp. “Ảnh hưởng rõ ràng hơn gây ra bởi những đập nước ở thượng nguồn sông Cửu Long cùng với số lượng các nhà máy ngày càng gia tăng và những nguồn gây ô nhiễm tiềm tàng khác ở lưu vực con sông này sẽ tạo ra nhiều mối đe dọa đối với sản lượng nông nghiệp của nó”.

Địa điểm đặt nhà máy giấy

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu trực thuộc Đại học Cần Thơ, thể hiện mối quan tâm đặc biệt do nhà máy giấy gây ra. “Gỗ dùng cho việc sản xuất giấy ở đồng bằng sông Cửu Long là rất hạn chế, đấy là do nguồn lực tự nhiên giới hạn. Vì vậy, hầu hết các nguyên vật liệu cho các nhà máy giấy sẽ là giấy thải và bột giấy nhập khẩu từ bên ngoài để tái chế. Kết quả là, các nhà máy chế biến giấy sẽ làm gia tăng rủi ro hơn nữa đối với ô nhiễm ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Đồng bằng sông Cửu Long có thể cũng cần công nghiệp hóa, vì nó có khả năng cải thiện thu nhập trong khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bằng này và những khu vực kinh tế dẫn đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, công nghiệp hóa không bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long cuối cùng có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải là phát triển kinh tế - các ngành công nghiệp thâm dụng lao động có thể phát triển mạnh mẽ, nhưng không gắn bó với phần còn lại của nền kinh tế, dựa vào nông nghiệp địa phương, đồng thời tạo ra những bất ổn lâu dài về môi trường và xã hội.

Để có tăng trưởng toàn diện hơn, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường đầu tư vào khu vực nông thôn và thúc đẩy các ngành sản xuất thâm dụng lao động do nước ngoài đầu tư. Động thái này dường như đáp ứng được, trong ngắn hạn, nhu cầu giảm tỷ lệ thất nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng, “bài học nghiêm túc” mà Việt Nam đã học được từ vụ cá chết hàng loạt trong bốn tỉnh ven biển miền Trung vào năm 2016 dường như là lời cảnh báo cho cư dân đồng bằng sông Cửu Long về chi phí phải trả cho sự phát triển công nghiệp bằng mọi giá. Vụ cá chết hàng loạt hay thảm họa môi trường, do công ty Formosa của Đài Loan gây ra chỉ sau năm năm phát triển, chắc chắn là trở ngại trong quá trình ra quyết định và bằng chứng rất rõ ràng về sự thiếu thận trọng trong qúa trình chuẩn bị của chính phủ cho những dự án đầu tư nước ngoài ở tỉnh Hà Tĩnh. Những hậu quả tiêu cực sẽ có ảnh hưởng sâu rộng trong những thập kỷ tới, do nước biển bị ô nhiễm nặng và thiệt hại đáng kể về khai thác hải sản.

Cần ghi nhận rằng Hà Tĩnh không phải là tỉnh duy nhất ở Việt Nam bị thiệt hại, các công ty Đài Loan vi phạm một cách có hệ thống những quy định về môi trường của Việt Nam. Mấy năm về trước, đã từng xảy ra sự cố môi trường tương tự như tình hình hiện nay ở Hà Tĩnh, đấy là khi sông Thị Vải bị Công ty Vedan, cũng của Đài Loan, gây ra ô nhiễm vào năm 2008. Lúc đó, nhiều người tin rằng Việt Nam sẽ tỉnh ngủ sau khi sông Thị Vải bị giết hại. Nhưng việc lặp lại thảm họa môi trường ở Hà Tĩnh, với quy mô ô nhiễm lớn hơn nhiều và ảnh hưởng cũng nghiêm trọng hơn, cho thấy hậu quả của việc coi thường môi trường đang trở nên rõ ràng. Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam đang bị lấn át bởi những tính toán kinh tế.

Ở đồng bằng sông Cửu Long thường không có những cuộc biểu tình phản đối của quần chúng. Với gần 90% người dân làm nông nghiệp, ngư nghiệp, dân chúng thường nín lặng, theo quan niệm truyền thống cho rằng nhà nước lãnh đạo, còn mọi người phải theo. Nhưng mối quan tâm trong thời gian gần đây của công chúng cho thấy rằng những người bình thường đã có tiếng nói mạnh mẽ hơn và khẳng định sự tức giận của nhân dân trước những mối đe dọa đối với khu vực đồng bằng trù phú này. Điều này không chỉ cho thấy, những sự cố môi trường trong thời gian gần đây đã nâng cao đáng kể nhận thức và chú ý đến bảo vệ môi trường của dân chúng trong khu vực này, mà thái độ bất tuân dân sự có khả năng biến thành những hành động tồi tệ hơn, nếu các cơ quan nhà nước không thể giải quyết thấu đáo những lo lắng cũng như lợi ích của các công dân với quan điểm bao quát hơn về quá trình phát triển của đất nước. Vì lý do đó, ban lãnh đạo mới ở Hà Nội cần phải minh bạch và công bằng hơn, nhằm ngăn chặn, không để lặp lại những thảm họa môi trường năm 2016, cũng như khôi phục niềm tin của dân chúng vào chính phủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Nếu mục tiêu chiến lược dài hạn của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng, với đặc điểm là phát triển kinh tế bền vững, đa dạng sinh học, và sự tuân phục dân sự như đang diễn ra, chính phủ cần phải thực hiện cam kết về tăng trưởng xanh và cải thiện tính minh bạch, việc này có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc và Đài Loan. Trong khi, đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, lựa chọn như vậy sẽ không phải việc dễ, Hà Nội cần phải đánh giá xem, liệu những lợi ích ngắn hạn mà quá trình công nghiệp hóa đồng bằng sông Cửu Long có thực sự phục vụ cho mục tiêu kinh tế-xã hội trong dài hạn của đất nước này hay không.

Nguyễn Minh Quang là giảng viên và cây viết chuyên về các công trình nghiên cứu xung đột và chính trị ở Đại học Cần Thơ. Ông có bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Đông Nam Á. Hiện nay ông đang học tiếng Ba Lan và khóa học về văn hóa ở Đại học Warsaw, Ba Lan.

Nguồn: http://thediplomat.com/2017/01/vietnams-next-environmental-hotspot/

No comments:

Post a Comment