December 7, 2015

Bóp nghẹt Putin, Obama, Tập Cận Bình đắc lợi


Nền kinh tế Nga của ông Putin dường như ngày càng bị bóp ngẹt giữa những lệnh cấm vận, sự hao tốn cho các cuộc tranh giành và công kích. Trong khi đó ông Obama và Tập Cận Bình từng bước củng cố vị thế tài chính. Cuộc khủng hoảng kéo dài và chưa dứt tại EU và Nga góp phần giúp đồng USD của Mỹ và NDT Trung Quốc mạnh lên.




EU Nga bất định

Ngày 3/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định hạ lãi suất đồng euro bớt đi 0,1%, xuống mức âm 0,3% và kéo dài chương trình nới lỏng định lượng (QE) thêm 6 tháng, trị giá 360 tỷ euro.

ECB cũng mở rộng đối tượng của chương trình mua tài sản bằng cách mua thêm nợ của các địa phương.

Ông Mario Draghi, chủ tịch ECB khẳng định sẵn sàng tiếp tục hành động nếu cần thiết để duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ kinh tế.
Ngay sau quyết định của ECB, tỷ giá giữa đồng euro và USD biến động khá bất ngờ, trái với lý thuyết. Thay vì giảm, euro đã tăng giá mạnh so với USD. Đồng USD đã giảm tới hơn 3% - mức giảm theo ngày mạnh nhất trong 6 năm.

Diễn biến trên là tất yếu. Giới đầu tư thực sự thất vọng với quyết định của ECB. Các nhà đầu tư (NĐT) đã giảm vị thế bán khống euro, trong khi đẩy mạnh vị thế này trên sàn chứng khoán, khiến cổ phiếu châu Âu giảm tới 3%.
Trước đó, giới đầu tư đã đánh cược vào một gói kích thích mạnh tay hơn từ ECB, bao gồm cả kéo dài thời gian và mở rộng quy mô gói mua tài sản và mức hạ lãi suất nhiều hơn so với mức -0,1% vừa thực hiện.

Nền kinh tế khu vực này chỉ tăng 0,3%, thấp hơn 0,4% trong quý trước và điều đáng lưu ý là: khu vực này đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. Gánh nặng chi phí của các nước thành viên cho cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, tác động của các biện pháp trừng phạt lẫn nhau với Nga, cuộc khủng hoảng nhập cư, sự đau đớn âm ỷ của khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, vấn đề bảo vệ môi trường…

Trên thực tế, lãi suất cơ bản âm 0,3% đã là mức thấp kỷ lục. Nó cho thấy một nền kinh tế rệu rã và thiếu động lực như thế nào. Sự loay hoay trong chính sách của ECB cũng phản ánh một tương lai bất định của khu vực này.

Hao tốn sức lực trong cuộc chiến như dầu khí, khủng bố, trừng phạt kinh tế…, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin không thoát khỏi cảnh chìm trong tình trạng ảm đạm và suy thoái.

Trước đó, hồi đầu tháng 8, Nga đã tiếp tục hạ lãi suất để ngăn suy thoái sâu trong khi vẫn phải tìm cách chặn đà giảm của đồng rúp. Giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, gồm Mỹ và EU, đã tàn phá nền kinh tế Nga, vốn kém đa dạng và phụ thuộc chính vào xuất khẩu dầu khí.

Mỹ tươi sáng, Trung tăng vị thế

Trong khi EU và Nga sa lầy vào các cuộc khủng hoảng kéo dài chưa có hồi kết, Nhật đang bên bờ vực suy thoái với tình trạng giảm phát nghiêm trọng, thì nền kinh tế Mỹ liên tục hồi phục ấn tượng trong thời gian gần đây.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen hôm 2/12 cho biết bà cảm thấy tự tin về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và phát đi tín hiệu sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 12 này.

Để tránh cho việc phải đột ngột thắt chặt có thể gây ra rủi ro phá vỡ thị trường tài chính, rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất ngay trong cuộc họp vào giữa tháng 12 tới tại Washington. Một nền kinh tế khỏe mạnh, ổn định đang giúp Fed có thể thực hiện điều này. Một chính sách thắt chặt tiền tệ để tránh rủi ro hình thành một bóng bóng trong tương lai và tạo ra một khoảng đệm để Mỹ có thể thực hiện các chính sách thắt chặt trở lại khi cần thiết.

Trái với phần lớn các nền kinh tế lớn trên thế giới, Mỹ đang có những bước đi về chính sách kinh tế khá nhịp nhàng cho dù vẫn đầy thận trọng. Trong khi đó, ở bên kia bán Đại Tây Dương, các nước châu Âu vẫn chìm ngập trong khó khăn. Nước Nga thậm chí còn ở hoàn cảnh bi đát hơn khi mà giá dầu giảm và có thể xuống dưới ngưỡng chịu đựng 40 USD/thùng.

Trong bối cảnh khó khăn ngập đầu, các nhà lãnh đạo EU vẫn có một sự thống nhất khá dễ dàng về việc duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga thêm 6 tháng bên lền Hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua.

Với nước Mỹ, tiếp tục trừng phạt Nga có lẽ không có gì phải bàn cãi. Mối đe dọa hàng đầu đối với nước Mỹ về nhiều mặt không ai khác chính là nước Nga, nhất là dưới thời ông Putin. Với EU, sức mạnh quân sự của Nga được thể hiện trên chiến trường Syria chống lại tổ chức khủng bố IS chắc chắn khiến cho khối này lo ngại. Sự lo xa, phòng ngừa có lẽ là điều đã được bàn thảo kỹ càng.

Nền kinh tế Nga đang suy yếu và càng suy yếu khi chi phí quân sự gia tăng. Khả năng giá dầu xuống 30 USD không phải quá xa vời và đây là mối đe dọa đối với ông Putin khi mà Quỹ Dự trữ của nước sắp cạn kiệt.

Nga chưa chuẩn bị cho một cú sốc giá dầu thấp hơn nữa. Tuy nhiên, ngay cả Eurozone cũng không có sự phòng bị cho những nhiều cú sốc, bao gồm cuộc khủng hoảng nhập cư, cuộc khủng hoảng tại Syria và ngay cả những cú sốc về tỷ giá của đồng NDT TQ hồi tháng 8 vừa qua.

Nước Mỹ có lẽ không chịu ảnh hưởng nhiều về các cuộc khủng hoảng nói trên. Trong khi đó, TQ cũng ở khá xa so với những bất ổn tại khu vực Trung Đông, châu Âu. Với sức mạnh về tài chính lớn, TQ đang dần ổn định và thậm chí nâng cao được vị thế đồng NDT sau khi được IMF quyết định đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ quốc tế, cùng vị thế với USD, euro, đồng bảng Anh và yen Nhật.

Trong khi nước Mỹ giữ vững được vị thế cường quốc, TQ vương lên, thì EU, Nhật và Nga không ngừng suy yếu. Các cuộc chiến vẫn tiếp dẫn, ai được, ai mất chưa thể xác định. Tuy nhiên, sức mạnh đang nghiêng về phía mạnh, người hưởng lợi thường là kẻ ngoài cuộc.

V. Minh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/277125/bop-nghet-putin--obama--tap-can-binh-dac-loi.html

No comments:

Post a Comment