November 30, 2015

Kinh tế học là nói về sự khan hiếm, sở hữu và các mối quan hệ

Michael J. McKay

Phạm Nguyên Trường dịch

Có lần, tôi uống cà phê với một người bạn mới, một doanh nhân đã nghỉ hưu, người đã thuê người ta làm riêng cho mình những chiếc xe sang trọng ở California. Tôi nói rằng mình vừa nghỉ làm cho công ty đầu tư của chính mình và đã nghiên cứu kinh tế học trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là trường phái kinh tế học Áo.

Tương tự như nhiều người khác, ông nói: “Tôi thực sự không chẳng hiểu gì kinh tế học hết và luôn luôn bị nó làm cho bối rối”


Tôi đã làm anh ngạc nhiên với câu trả lới: “Dĩ nhiên anh hiểu môn kinh tế; nó là quá trình tư duy mà anh vẫn sử dụng hàng ngày để đối phó với ba thứ: tình trạng khan hiếm, sở hữu và các mối quan hệ”.

 Anh tròn xoe mắt và nói: “Dừng lại! Xin nói lại một lần nữa”.

“Vâng”, tôi nói, “Tất cả mọi thứ trong cuộc sống của con người được tổ chức xung quanh cách thức chúng tôi ra quyết định về ba thứ: sự khan hiếm, tài sản và các mối quan hệ.

“Trước hết, xin nói về sự khan hiếm mà anh đã biết từ lâu - anh nhận thấy điều đó khi một cái gì đó đang biến mất hoặc sắp biến mất; đấy là cách anh quyết định khi cần đi tới cửa hàng tạp hóa, khi anh đưa quần áo tới tiệm giặt hay anh lái xe nhanh hơn để không bị trễ hẹn.

“Mỗi người đều là chuyên gia trong quá trình ra quyết định về sự khan hiếm. Đấy là cái mà tất cả chúng ta làm một cách tự nhiên mỗi khi nào chúng ta hành động và lựa chọn – đấy là việc, nhân tiện nói thêm, chúng ta luôn luôn làm, mỗi ngày, tất cả các ngày trong năm”.

Tôi mỉm cười: “Tôi có thể nói nữa. Anh có muốn nghe thêm không?”

“Có”, ông mỉm cười đáp.

“Tất cả mọi người đều quyết định hành động và lựa chọn, tức là những quyết định tự động cân nhắc những yếu tố sau đây. Kiến thức: chúng ta biết cái gì? Rủi ro và sự không chắc chắn: đánh giá về rủi ro mà chúng ta có thể đoán được? Chúng ta không biết những gì? Thời gian và ưu tiên: khi nào tôi muốn hoặc cần cái này? Và, bây giờ cái này, đối với tôi, quan trọng tới mức nào, nếu so với những lựa chọn khác? Giá trị: tôi sẵn sàng từ bỏ cái gì để có cái này ngay bây giờ?

“Đây là cách hiểu kinh tế học mang tính cá nhân; đó là quá trình ra quyết định mà mỗi người đều trải qua mỗi khi họ hành động và lựa chọn, thậm chí nếu nó chỉ là hành động và lựa chọn cho tôi, một mình.

“Nhưng có một cách khác hiểu kinh tế học quan trọng khác, đó là cách chúng ta tương tác với những người khác. Đó là lý do vì sao tôi lại nói tới tài sản và các mối quan hệ, vì đây là nơi mà quá trình ra quyết định, tôi đã nhắc tới bên trên, sẽ phải tính đến những người khác.

“Kinh tế học cũng là nói về cách chúng ta quyết định cách chúng ta sẽ suy nghĩ - và do đó, tổ chức - tài sản và các mối quan hệ của chúng ta”

Sau một hồi suy nghĩ, người bạn mới của tôi nói: “Chờ một chút. Anh chưa nói về tiền. Thâm chí tôi cũng biết rằng kinh tế học là nghiên cứu về tiền bạc”.

Tôi trả lời: “Nghiên cứu về tiền bạc và trao đổi tiền bạc là ứng dụng hay được sử dụng nhất của lý thuyết kinh tế. Và đấy là điều mà người ta kì vọng.

“Vì sao? Là vì tài sản.

Có lẽ anh đã biết rằng tiền là phương tiện trao đổi. Nhưng chúng ta trao đổi cái gì? Chúng ta trao đổi tài sản, đổi tài sản của anh lấy tài sản của tôi.

“Có hai điều đáng suy nghĩ nhất là hai cuộc đối thoại mỗi khi diễn ra khi trao đổi, tiền bạc hay tài sản.
“Cuộc nói chuyện thứ nhất là tôi nói với mình; khi tôi bỏ ra 3 USD để mua li cà phê tôi yêu thích thì tôi nói: “Tôi cho rằng li cà phê này có giá trị hơn 3 USD nằm trong túi tôi”.

“Cuộc nói chuyện thứ hai là chủ quán tự nói với mình. Ông ta tự nhủ: “Tôi cho rằng 3 USD của anh có giá trị hơn li cà phê mà tôi đang bán”.

 “Tiền bạc là tài sản tiện dụng nhất, vì vậy, tôi không tìm cách đổi một con cá hay một con gà lấy li cà phê, nói ví dụ thế”.

Tôi nói tiếp: “Giá trị thực sự của kinh tế học thể hiện trong câu chuyện về cách thức chúng ta tự tổ chức thành những nhóm người. Chúng ta có tôn trọng một cách hòa bình tài sản của nhau hay không? Chúng ta có hợp tác một cách hòa bình với ý thức chung về những giá trị của hòa bình hay đấy là sự sợ hãi mà một nhà độc tài duy nhất hay một nhóm những kẻ độc tài ép buộc cho chúng ta. Nhân tiện nói thêm, gọi khác đi, đấy là chế độ dân chủ”.

Người bạn mới của tôi tỏ ra lúng túng và nói: “Thế hóa ra trên thực tế, kinh tế học được xây dựng trên chính trị”.

Tôi nói: “Trên thực tế, ngược lại. Nếu anh muốn, anh có thể đọc một bài tiểu luận ngắn nhưng cực kì hay, được chấp bút vào năm 1850, nói rất rõ chuyện này. Tên tác giả là Bastiat và ông giải thích rằng cơ cấu kinh tế có trước cơ cấu chính trị.

“Nói cách khác, nếu anh nhìn chính trị chỉ đơn giản là cuộc tranh luận về việc chúng ta phải tự tổ chức như thế nào, thì nó sẽ rút lại còn làm sao chúng ta biết hoặc không biết cái gì và chúng ta phải xử lí tài sản như thế nào khi chúng ta quan hệ với nhau trong đời sống và quá trình kiếm sống.

“Đây là cái mà tôi ám chỉ khi tôi nói rằng kinh tế còn là nói về các mối quan hệ. Sự liên kết giữa kinh tế và chính trị là cách chúng ta tổ chức những mối quan hệ của chúng ta và liệu “những giá trị mà chúng ta chia sẻ” có giả định rằng chúng ta có thể có (và muốn có) xã hội dựa nhiều vào sự hợp tác hòa bình hay không”.

Đã đến lúc kết luận, vì vậy tôi nói: “Vâng, Thế được rồi. Tôi đã nghiên cứu vấn đề này trong một thời gian dài. Nếu anh muốn tìm hiểu thêm, tôi có thể hướng dẫn anh tìm hiểu về những vấn đề này từng bước một”.

Tôi lấy làm ngạc nhiên khi ông ta nói: “Không, xin cứ tiếp tục. Rất thú vị. Nhưng tôi thấy áy náy. Anh nói rằng không cần luật lệ và cái gọi là “tư lợi” của chúng ta là đủ để giữ cho chúng ta, như những con người, tương tác một cách hòa bình hơn? Quá nhiều tin tức kinh hoàng về giống người, thật khó mà nuốt trôi được chuyện này”.
Tôi đáp: “Vâng, sự thật là các phương tiện truyền thông đại chúng thông báo chủ yếu là những tin tức xấu. Và chắc chắn là có những nơi và những giai đoạn trên thế giới bạo lực giữa người với người đã và đang giữ thế thượng phong.

“Nhưng còn có sự thật là điều đó diễn ra trong bối cảnh của thế giới khá là thanh bình. Bất kỳ một ngày trung bình nào đó, sác xuất là anh đi ngủ một cách bình yên ở trên giường cũng lớn hơn là trở thành nạn nhân của một vụ bạo lực hay không may mắn.

“Có rất nhiều ví dụ về những giá trị hòa bình mà chúng ta cùng chia sẻ, tức là những giá trị mà chúng ta – cả thế giới - dựa vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cho thấy điều đó là đúng. Tôi thích đường cao tốc. Ở đây chúng ta đi với tốc độ có thể dễ dàng giết chúng ta, nhưng tất cả chúng ta – nói chung và phần lớn thời gian – vẫn hợp tác một cách hòa bình.

“Nhưng lần sau chúng ta sẽ nói chuyện về việc liệu chúng ta cần tự tổ chức xung quanh một giả định cho rằng cách duy nhất để mọi người hợp tác một cách hòa bình là thông qua một số cơ quan được độc quyền sử dụng bạo lực hay có những cách khác mà chúng ta có thể vừa có luật lệ và biện pháp khắc phục và – đồng thời - có hòa bình, thịnh vượng và tự do hơn.

“Vì đấy là đường đi”


https://mises.org/library/economics-about-scarcity-property-and-relationships

1 comment: