May 14, 2015

Milovan Djilas - Nói chuyện với Stalin (Bài 5)

7.

Nhưng tôi còn gặp Stalin một lần nữa, cuộc gặp quan trọng hơn và thú vị hơn nhiều.

Tôi nhớ đấy là đêm trước khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy.

Lần này không được báo trước. Khoảng chín giờ tối, người ta nói với tôi rằng phải vào Điện Kremli và ấn ngay tôi vào ô tô. Không ai trong đoàn biết tôi đi đâu.

Người ta đưa tôi vào toà nhà lần trước nhưng là phòng khác. Molotov đang chuẩn bị đi, đã mặc áo khoác và đội mũ. Ông ta bảo chúng tôi cùng đến ăn tối với Stalin.


Molotov là người ít nói. Tiếp xúc với Stalin, nhất là khi ông ta vui và giữa những người đồng sự, tương đối dễ. Molotov lại là người hoàn toàn kín đáo, ngay cả trong những câu chuyện riêng tư. Trong xe, ông ta hỏi tôi ngoài tiếng Nga, tôi còn nói được tiếng nào nữa. Tôi đáp: Tiếng Pháp. Sau đó chúng tôi thảo luận về lực lượng và tổ chức của Đảng cộng sản Nam Tư. Tôi nhấn mạnh rằng Đảng tham gia chiến tranh trong vòng bí mật và số đảng viên chưa nhiều, chỉ có chừng mười ngàn, nhưng rất có tổ chức.

“Cũng như Đảng Bolshevik thời Thế chiến thứ Nhất”, tôi nói thêm.

“Anh lầm rồi”, Molotov bảo, “Hồi đầu Thế chiến thứ Nhất, Đảng tôi rất yếu, tổ chức rời rạc, ít đảng viên lắm. Tôi nhớ”, ông ta tiếp tục, “Tôi được Đảng bí mật cử từ Petrograd đến Moskva công tác mà không tìm đâu ra chỗ ngủ, phải liều ngủ ở nhà người em gái của Lenin đấy!”

Molotov nói cả tên bà này, nếu tôi không lầm thì đấy là Maria Ilichna.

Ô tô chạy tương đối chậm, khoảng tám mươi cây số một giờ, không phải dừng lại lần nào. Có thể cảnh sát giao thông đã nhận được tín hiệu nào đó và cho vượt. Bên ngoài Moskva, chúng tôi đi theo con đường trải nhựa. Sau này, rất lâu sau chiến tranh, tôi mới biết con đường đó có tên là Chính phủ, có thể ngày bấy giờ, chỉ ô tô chính phủ mới được chạy trên con đường này. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đến một trạm gác. Người sĩ quan ngồi cạnh tài xế quay một cái bảng gì đó bên ngoài cửa kính và bảo vệ cho đi ngay, không xét hỏi gì cả. Molotov, thấy tôi khó chịu vì gió, đã quay tấm kính bên phải xe lên; lúc đó, tôi mới nhận ra là ông ta rất béo và biết rằng mình đang đi trong xe bọc thép. Tôi nghĩ đấy là xe hiệu “Pakkard” vì năm 1945, Tito được chính phủ Liên Xô tặng một cái giống hệt như thế.

Mười ngày trước đây, quân Đức đã nhảy dù xuống Bộ tổng tham mưu ở Drvar. Tito và các phái đoàn quân sự phải rút lên núi. Ban lãnh đạo Nam Tư đã phải thực hiện những cuộc hành quân đầy gian khổ, kéo dài, mất rất nhiều thì giờ quí giá đáng ra có thể dành cho hoạt động chính trị và các hoạt động quan trọng khác. Vấn đề lương thực càng trở nên cấp bách. Phái đoàn quân sự Xô Viết đã thông báo mọi chuyện với Moskva, còn phái đoàn chúng tôi phải thường xuyên tiếp xúc với các sĩ quan Liên Xô để cố vấn cho họ cách tổ chức tiếp tế các chiến sĩ và Bộ tổng tham mưu Nam Tư. Máy bay Liên Xô phải bay vào ban đêm để thả vũ khí và lương thực, tuy nhiên, tác dụng không nhiều vì các kiện hàng rơi vung vãi khắp khu rừng già; chẳng bao lâu sau, quân chúng tôi cũng buộc phải rút khỏi khu vực ấy.

Trên đường đi, Molotov có hỏi quan điểm của tôi về tình hình đang diễn ra lúc đó. Mối quan tâm của ông ta là có thật nhưng ông không tỏ ra sốt sắng, chủ yếu là để có thông tin chính xác mà thôi.

Chúng tôi đi như thế chừng bốn mươi cây số thì rẽ và một lúc sau, đi qua một cánh rừng thông non. Lại trạm gác rồi đến một cánh cổng. Xe dừng trước một nhà nghỉ nhỏ giữa khu rừng thông rậm rạp.

Chúng tôi vừa đi qua tiền sảnh để bước vào một gian phòng không lớn lắm thì Stalin xuất hiện. Ông đi giầy, mặc áo đại cán, cúc cài lên tận cổ, giống như trong các bức chân dung mà mọi người đều biết từ trước chiến tranh. Trông ông còn nhỏ hơn, rất giản dị và dễ gần hơn. Ông đưa chúng tôi vào buồng làm việc của mình; thật đáng ngạc nhiên là căn phòng gần như trống không: không sách, không tranh, chỉ có những bức tường gỗ mộc. Chúng tôi ngồi quanh một cái bàn viết nhỏ, Stalin lập tức hỏi các sự kiện liên quan đến Bộ tổng tham mưu Nam Tư.

Cứ theo cách đặt vấn đề của Stalin, ta có thể dễ dàng phát hiện sự khác nhau giữa ông và Molotov.

Không thể nào theo dõi được tư tưởng cũng như quá trình hình thành các tư tưởng đó của Molotov. Lúc nào ông ta cũng tỏ ra kín đáo và thiếu nhất quán. Stalin lại là người sôi nổi, nhiệt tình, có thể nói là sốt sắng nữa. Ông luôn luôn đặt câu hỏi, cho chính mình và cho người khác, luôn luôn tranh luận, tự mình cũng như với người khác. Tôi không muốn nói rằng Molotov thiếu nhiệt tình còn Stalin thì không biết kiềm chế và không biết đóng kịch. Sau này tôi thấy cả hai người từng sắm những vai như vậy. Đơn giản là Molotov không bao giờ biểu lộ tình cảm, dù nói về ai hay nói về chuyện gì, trông ông ta cũng vẫn như thế; trong khi, giữa các cộng sự thân cận, Stalin trở thành một người khác hẳn. Churchill coi Molotov là một người máy hiện đại hoàn hảo. Quả đúng như thế. Nhưng đấy chỉ là bề ngoài, chỉ là một trong những tính cách của ông mà thôi. Stalin là người lạnh lùng và tính toán không kém gì Molotov. Stalin là một người hăng hái với rất nhiều bộ mặt, mà cái nào cũng có sức thuyết phục, đến nỗi có cảm tưởng như ông không bao giờ đóng kịch, có cảm tưởng như ông đã thực sự hoá thân thành các vai diễn đó. Vì vậy mà ông mẫn tiệp hơn và có nhiều tiềm năng hơn Molotov. Có cảm tưởng như Molotov coi tất cả, trong đó có chủ nghĩa cộng sản và mục đích cuối cùng của nó, chỉ là những giá trị tương đối, ông phải tuân theo không phải vì mình muốn như thế mà chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc như thế. Đối với ông, dường như chẳng có gì là vĩnh cửu cả. Ông chấp nhận cống hiến toàn bộ sức lực và cả cuộc đời mình cho chính cái hiện thực nhất thời và bất toàn mà mỗi ngày lại áp đặt thêm một cái gì đó mới mẻ. Đối với Stalin, mọi thứ cũng chỉ là nhất thời. Đây là quan điểm triết học của ông. Nhưng đằng sau và bên trong cái hiện thực nhất thời ấy lại ấn chứa những lí tưởng vĩ đại tuyệt đối, của chính ông, những lí tưởng mà ông có thể vươn tới, bằng cách cải tạo và đè bẹp hiện thực, kể cả những người sống trong đó.

Nhìn về quá khứ, tôi có cảm tưởng rằng Molotov với chủ nghĩa tương đối và khả năng giải quyết các công việc vụn vặt hàng ngày và Stalin với chủ nghĩa giáo điều cuồng tín của mình, với tầm nhìn rộng và sự nhạy cảm mang tính bản năng về những điều có thể xảy ra trong tương lai, trong ngày mai, thật là một cặp bài trùng lí tưởng. Hơn nữa, mặc dù thiếu sự chỉ đạo của Stalin thì Molotov khó mà làm được gì nhưng Stalin lại rất cần ông ta. Cả hai đều sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện nhưng tôi có cảm giác Stalin, dù sao, cũng cân nhắc, thận trọng hơn và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hơn. Đối với Molotov thì phương tiện nào cũng tốt, phương tiện không phải là vấn đề quan trọng. Tôi nghĩ rằng chính ông ta không chỉ xúi giục, mà trong nhiều trường hợp, còn ủng hộ và giúp Stalin vượt qua được thắc mắc, băn khoăn. Và mặc dù Stalin, do có hiểu biết về nhiều lĩnh vực và sự quyết đoán, đóng vai trò chủ yếu trong việc biến nước Nga lạc hậu thành một đế chế với nền công nghiệp hiện đại, nhưng sẽ là sai lầm nếu hạ thấp đóng góp của Molotov, nhất là trong các hoạt động thực tiễn.

Ngay về mặt thể lực, dường như Molotov cũng rất phù hợp với vai trò đó: cẩn thận, khoan thai, chững chạc và dẻo dai. Ông ta uống nhiều hơn Stalin nhưng những lời chúc rượu của ông ta thường ngắn hơn và nhắm vào hiệu quả chính trị trực tiếp. Cuộc sống cá nhân của Molotov không có gì nổi bật. Khi làm quen với vợ ông, một người phụ nữ xinh đẹp và khiêm nhường, tôi có cảm giác rằng bất kì người phụ nữ nào, miễn là có thể thực hiện được một số chức năng mà ông ta cần, đều có thể thế chỗ cho bà được.

Cuộc nói chuyện bắt đầu bằng những câu hỏi đầy lo âu của Stalin về số phận của Bộ tổng tham mưu và các đơn vị đồn trú xung quanh.

“Họ sẽ chết đói hết mất thôi!”, ông hồi hộp nói.

Nhưng tôi đã chứng minh cho ông rõ rằng chuyện đó không thể nào xảy ra được.

“Tại sao lại không?”, ông tiếp tục. “Đói đã giết biết bao nhiêu chiến sĩ rồi! Đói là kẻ thù khủng khiếp của mọi đội quân”.

Tôi giải thích: “Vùng đó lúc nào cũng tìm được thực phẩm. Chúng tôi đã từng rơi vào những tình huống khủng khiếp hơn nhiều nhưng nạn đói đã không khuất phục được chúng tôi”.

Thế là tôi đã thuyết phục được ông và làm ông an lòng.

Sau đó, ông lại nói đến việc giúp đỡ chúng tôi. Mặt trận Xô Viết còn ở xa, máy bay tiêm kích chưa thể hộ tống máy bay vận tải tiếp cận với chúng tôi. Bỗng nhiên, Stalin nổi xung lên và bắt đầu chửi các phi công: “Bọn hèn nhát, chúng không dám bay ban ngày! Hèn quá, trời ơi, hèn quá!”

Nhưng Molotov hiểu rõ vấn đề và đứng ra bảo vệ các phi công: “Không họ không phải là hèn nhát, hoàn toàn không phải thế. Nhưng tầm hoạt động của máy bay tiêm kích hẹp hơn, máy bay vận tải sẽ bị bắn hạ trước khi đạt được mục tiêu. Hàng chở cũng chẳng đáng bao nhiêu vì phải chở nhiều nhiên liệu cho chuyến trở về nữa. Vì vậy mà họ không thể bay ban ngày và chỉ mang được ít hàng thôi.

Tôi ủng hộ Molotov bởi biết rằng các phi công Xô Viết, vì muốn giúp đỡ các đồng chí Nam Tư, đã đề nghĩ đến việc bay ban ngày mà không cần máy bay tiêm kích hộ tống.

Nhưng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với Stalin khi ông cho rằng, trong tình hình phức tạp hiện nay, Tito phải tìm được vị trí cố định và không phải suốt ngày lo lắng về vấn đề an toàn nữa. Dĩ nhiên là Stalin có nghĩ đến phái bộ Liên Xô; theo đề nghị của phái bộ này, Tito đã vừa mới đồng ý chuyển đến Ý và từ đó sẽ chuyển đến đảo Vis của Nam Tư và đóng lại đó cho đến ngày Hồng quân tiến vào giải phóng Nam Tư. Thực ra, Stalin không nói gì về cuộc di tản này, nhưng ý tưởng thì đã hình thành trong đầu ông từ đấy.

Các nước đồng minh đã đồng ý thiết lập một căn cứ không quân Liên Xô trên đất Italy để giúp đỡ các chiến sĩ Nam Tư. Stalin nhắc nhở mọi người phải nhanh chóng đưa máy bay vận tải tới cũng như hoàn thiện căn cứ trong thời gian sớm nhất.

Thái độ lạc quan của tôi về kết quả cuộc tấn công của quân Đức vào căn cứ của Tito rõ ràng đã làm cho Stalin phấn khởi và ông chuyển sang thảo luận về quan hệ của chúng tôi với các nước đồng minh, mà trước hết là nước Anh, theo tôi, thì đây cũng là mục đích của buổi gặp mặt hôm nay.

Ý kiến của ông là, một mặt, không được làm người Anh “sợ”, nghĩa là phải tránh mọi biểu hiện làm cho họ lo lắng rằng cách mạng sẽ đưa những người cộng sản lên nắm quyền ở Nam Tư.

“Các bạn cần ngôi sao năm cánh trên mũ để làm gì? Hình thức không thành vấn đề, kết quả mới là quan trọng, thế mà các bạn lại dùng những ngôi sao đỏ! Trời ơi, sao không quan trọng!”, Stalin giận dữ nói.

Nhưng ông cũng không che giấu rằng đây chỉ là một lời phê bình.

Tôi giải thích như sau:

“Không thể nào gỡ những ngôi sao được nữa, chúng đã trở thành truyền thống và có ý nghĩa nhất định đối với các chiến sĩ của chúng tôi”.

Ông vẫn giữ quan điểm của mình, nhưng cho qua và lại chuyển sang nói về quan hệ với các đồng minh phương Tây:

“Thế các đồng chí, chẳng lẽ các đồng chí nghĩ rằng chúng tôi là đồng minh của người Anh nghĩa là chúng tôi quên họ là ai, quên Churchill là ai à? Họ khoái nhất là ị vào các đồng minh đấy! Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, họ đã nhiều lần chơi xỏ người Nga và người Pháp rồi. Còn Churchill ấy à? Churchill là người mà nếu không thận trọng thì một xu ông ta cũng moi cho bằng được. Đúng thế đấy, một xu cũng vét cho bằng được! Roosevelt thì khác, ông ta chỉ xoáy những món lớn thôi. Còn Churchill ư? Churchill thì móc từng xu một đấy”.

Ông nhắc lại mấy lần rằng chúng tôi phải thận trọng với “Intelligence service” và đặc biệt là đề phòng sự nham hiểm của người Anh đối với tính mạng của Tito.

“Chính họ đã giết tướng Sikorsky, Tito lại còn có giá hơn. Để giết Tito, họ sẵn sàng hi sinh vài ba mạng, người của mình họ còn chẳng xót nữa là! Còn Sikorsky thì không phải tôi nói đâu, chính Benesh đã kể đấy: họ đưa Sikorsky lên máy bay rồi cho nổ tung, chứng cứ chẳng còn mà nhân chứng cũng không nốt”.

Stalin nhắc đi nhắc lại lời cảnh báo này; khi về nước, tôi có nói với Tito như thế. Chắc chắn là nó đã vai trò nhất định trong việc chuẩn bị cho chuyến bay bí mật vào ban đêm của Tito từ đảo Vis sang vùng đất mà quân đội Liên Xô đã chiếm được trên lãnh thổ Rumania vào đêm 21 tháng 9 năm 1944.

Tiếp theo, Stalin chuyển sang thảo luận quan hệ của chúng tôi với chính phủ hoàng gia Nam Tư. Người đại diện mới của hoàng gia là tiến sĩ Ivan Šubašić hứa sẽ điều chỉnh quan hệ với Tito và công nhận quân giải phóng nhân dân là lực lượng quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh chống quân chiếm đóng. Stalin yêu cầu:

“Các đồng chí không được từ chối đàm phán với Šubašić, không bao giờ được từ chối. Không được công kích ông ta ngay từ đầu, cần phải xem xét xem ông ta muốn gì đã. Hãy nói chuyện với ông ta. Các đồng chí không thể được công nhận ngay đâu, cần phải tìm cách. Cần phải nói chuyện với Šubašić, cũng có thể tìm cách móc ngoặc với ông ta”.

Ông không ép buộc nhưng cũng đòi hỏi khá kiên quyết. Tôi đã báo cáo tất cả với Tito và các ủy viên Ban chấp hành trung ương và điều đó có thể đã có vai trò nhất định trong việc hình thành thoả ước Tito-Šubašić.

Sau đó, Stalin mời chúng tôi ăn cơm tối nhưng tất cả đã dừng lại một lúc trước tấm bản đồ thế giới trong phòng họp lớn. Trên tấm bản đồ này, Liên Xô được tô màu đỏ nên trông có vẻ to hơn bình thường. Stalin vừa đưa bàn tay lướt qua vùng Liên Xô trên bản đồ vừa nói tiếp ý kiến của ông về người Anh và người Mĩ:

“Không bao giờ họ chịu chấp nhận một khu vực màu đỏ rộng lớn như thế này, không bao giờ!”

Tôi thấy trên bản đồ, phía tây thành phố Stalingrad được viền bằng bút chì màu xanh, có thể chính Stalin đã vẽ đường viền đó trước hoặc trong chiến dịch bảo vệ thành phố này. Stalin đã nhận ra ánh mắt của tôi và tôi có cảm giác là điều đó đã làm ông thích thú, mặc dù ông không hề biểu lộ tình cảm của mình.

Tôi không nhớ vì sao tôi lại nhận xét:

“Nếu không có công nghiệp hoá thì Liên Xô không thể đứng vững và không thể tiến hành cuộc chiến tranh này được”.

Stalin nói thêm:

“Chính vì thế mà chúng tôi đã cãi nhau với Trotsky và Bukharin đấy”.

Tại đấy, trước tấm bản đồ, lần đầu tiên và duy nhất tôi được nghe ông nói về những kẻ thù đó của mình: “Cãi nhau!”

Đã có hai hay ba người trong ban lãnh đao Liên Xô đứng đợi chúng tôi trong phòng ăn; tuy nhiên, chỉ có một mình Molotov là ủy viên Bộ chính trị mà thôi. Tôi đã quên tên những người đó, thực ra thì đêm đó họ cũng không nói gì và tỏ ra rất kín đáo.

Trong hồi kí của mình, Churchill đã mô tả rất sống động bữa ăn tối đầy ngẫu hứng với Stalin tại điện Kremli. Những bữa ăn tối của Stalin vẫn thường diễn ra như thế.

Trong phòng ăn rộng, không có một đồ vật trang trí nào nhưng khá đẹp, có một chiếc bàn dài, đủ loại thức ăn khác nhau được đặt trong những cái tô bằng bạc khá nặng, vẫn còn nóng, có vung dày, các thứ thức uống, bát đĩa cũng được bày sẵn ra như thế từ trước. Từng người tự chọn lấy thức ăn và ngồi ở phần nửa bàn còn lại, ai thích ngồi đâu thì tùy. Stalin không bao giờ ngồi ở đầu bàn, nhưng ông luôn ngồi một chỗ, đấy là cái ghế thứ nhất phía bên trái.

Thức ăn thức uống rất nhiều, tha hồ chọn, chủ yếu là thịt và các loại rượu vodka. Mọi việc khác diễn ra đơn giản, không có ai tỏ ra kiêu kì hay lên mặt gì cả. Nếu Stalin không cho gọi thì không người phục vụ nào được vào và chuyện đó chỉ xảy ra có một lần khi tôi muốn uống bia. Chỉ sĩ quan trực mới được vào phòng ăn. Ăn gì và ăn bao nhiêu tùy thích, người ta chỉ ép uống, cụng li không vì lí do gì mà cũng có khi để chúc tụng.

Bữa ăn như thế thường kéo dài sáu tiếng đồng hồ trở lên, từ mười giờ tối cho đến tận bốn-năm giờ sáng. Họ ăn uống từ tốn, nói chuyện tự nhiên, từ chuyện tiếu lâm chuyển sang các vấn đề chính trị phức tạp nhất và có khi cả đề tài triết học nữa.

Phần lớn các chính sách của Liên Xô được hình thành trong các bữa ăn tối như thế; các bữa ăn tối ấy còn là một hình thức giải trí phù hợp nhất, thường xuyên nhất và cũng là một món xa xỉ duy nhất trong cuộc sống đơn điệu và nặng nề của Stalin.

Các cộng sự của Stalin cũng đã quen với cách sống và cách làm việc như thế, họ thường ăn tối với ông hoặc với một nhà lãnh đạo nào đó. Gần trưa, họ mới đến công sở nhưng thường ở lại đến đêm. Điều đó có gây ra một số khó khăn cho ban lãnh đạo tối cao nhưng họ cũng đã quen. Ngoại giao đoàn cũng đã quen vì họ thường phải liên hệ với một ủy viên bộ chính trị nào đó.

Không có qui định nào về việc ủy viên Bộ chính trị hay một lãnh đạo cao cấp nào khác phải có mặt lần lượt vào những ngày nào. Thường thì ai có liên quan với công việc của khách hay với vấn đề đang được thảo luận sẽ được mời. Nhưng số được mời là rất hạn chế và tham gia vào những bữa ăn như thế được coi là một vinh dự lớn. Chỉ một mình Molotov là bữa nào cũng có mặt, tôi nghĩ là vì ông ta không chỉ là Bộ trưởng bộ ngoại giao mà trên thực tế còn là phó của Stalin nữa.

Trong các bữa ăn tối như thế, các nhà lãnh đạo Liên Xô tỏ ra rất thân thiện và gần gũi với nhau. Họ kể cho nhau nghe về tin tức của lĩnh vực do mình phụ trách, về các buổi gặp gỡ và kế hoạch cho tương lai. Thịt nhiều và rượu, tuy không phải ê hề, nhưng cũng không ít, làm cho ai nấy đều phấn chấn, không khí càng thêm thân mật và tự nhiên. Khách lạ sẽ không thể phân biệt khoảng cách giữa Stalin và những người khác. Nhưng khoảng cách là có: mọi người đều chú ý lắng nghe ông ta, không ai dám cãi cố, mọi việc cứ như trong một gia đình với một người cha nghiêm khắc mà các con ai cũng phải sợ vậy.

Stalin ăn rất nhiều, nhiều ngay cả đối với một người to con hơn. Ông thường ăn thịt, đấy cũng là biểu hiện rằng ông sinh ra ở vùng núi. Ông thích đủ loại thức ăn mà cái đất nước với những vùng khí hậu khác nhau, các nền văn minh khác nhau có thể cung cấp một cách khá dồi dào nhưng tôi không thấy ông đặc biệt thích một loại nào. Ông uống không nhiều và thường pha rượu vang đỏ với vodka vào những chiếc li nhỏ. Tôi chưa thấy ông có biểu hiện say bao giờ. Molotov thì khác, còn Beria thì có thể coi là sắp nghiện đến nơi rồi. Thường ăn tối nhiều như thế nên ban ngày, các nhà lãnh đạo Xô Viết ăn rất ít, khi ăn khi không, nhiều người dành hẳn một ngày trong tuần chỉ ăn hoa quả và uống nước ép “cho nhẹ”.

Số phận của những vùng đất to lớn của nước Nga, của các nước mới được giải phóng và trong nhiều trường hợp, của cả nhân loại, được định hình trong những bữa ăn tối như thế. Dĩ nhiên là trong những bữa ăn ấy, không có ai đứng lên bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật lớn của các “kĩ sư tâm hồn”, ngược lại, có thể nghĩ rằng nhiều tác phẩm lớn đã bị chôn vùi tại đây.

Có một đề tài tôi chưa từng được nghe, đấy là phong trào đối lập trong đảng và việc trấn áp. Chắc đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của riêng Stalin và cảnh sát mật. Các lãnh tụ Xô Viết cũng chỉ là những con người, họ thường để lương tâm sang một bên, thậm chí sẵn sàng làm như thế vì lương tâm có thể là một mối nguy.

Tôi chỉ đề cập tới những điều mà tôi cho là quan trọng trong những cuộc nói chuyện một cách thoải mái, dễ dàng chuyển từ đề tài này sang đề tài khác trong buổi gặp mặt này mà thôi.

Khi nhắc đến quan hệ trước đây của những người Slav phía Nam với nước Nga, tôi nói:

“Các Sa Hoàng không hiểu được khát vọng của người Slav miền Nam, họ quan tâm đến các cuộc viễn chinh đế quốc chủ nghĩa, còn chúng tôi quan tâm đến việc giải phóng”.

Mối bận tâm của Stalin về Nam Tư khác hẳn những nhà lãnh đạo Xô Viết kia. Ông không quan tâm đến số thương vong hay sự tàn phá mà quan tâm đến các quan hệ nội bộ và lực luợng của phong trào kháng chiến. Nhưng những thông tin như thế ông thu nhận được trong các cuộc nói chuyện chứ không bao giờ đặt câu hỏi trực tiếp.

Bất ngờ ông nói tới Albania:

“Tình hình ở đấy ra sao? Dân ấy là thế nào ấy nhỉ?”

Tôi giải thích:

“Tình hình Albania cũng tương tự như Nam Tư. Người Albania là người lâu đời nhất vùng Ban-căng, lâu đời hơn dân Slav”.

“Thế tại sao họ lại có những địa danh theo tiếng Slav?”, Stalin hỏi. “Hay họ cũng có những mối liên hệ nào đó với người Slav?”

Tôi giải thích như sau:

“Người Slav định cư trong các thung lũng trước, vì vậy mà có các địa danh Slav; dưới thời cai trị của Thổ Nhĩ Kì, người Albania đã chiếm đất của người Slav”.

Stalin nháy mắt một cách vui vẻ:

“Thế mà tôi lại nghĩ người Albania cũng mang một ít máu Slav đấy”.

Kể lại các biện pháp đấu tranh và sự khốc liệt của cuộc chiến ở Nam Tư, tôi có giải thích rằng chúng tôi không giữ tù binh Đức vì họ không tha một người nào của chúng tôi. Stalin ngắt lời và vừa cười vừa nói:

“Một chiến sĩ của chúng tôi áp giải một toán khá đông lính Đức. Trên đường đi, anh ta bắn dần từng tên một và chỉ để lại một người. Khi đến nơi có người hỏi: “Bọn kia đâu?” thì anh ta trả lời: “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của Tổng tư lệnh tối cao giao cho: Giết đến tên lính cuối cùng”.

Stalin nhận xét về người Đức như sau:

“Họ là một dân tộc kì lạ, không khác gì một bầy cừu. Tôi nhớ hồi còn bé: con cừu đực đi đâu là cả đàn theo. Tôi còn nhớ hồi trước cách mạng ở Đức, một nhóm các nhà dân chủ xã hội Đức đến dự đại hội muộn vì họ phải đợi kiểm tra vé hay kiểm tra cái gì đó đại loại như thế. Người Nga có ai làm thế không? Có người đã nói: Không thể làm cách mạng ở Đức được vì sẽ phải xéo nát hết cỏ trên vỉa hè”.

Ông còn hỏi tôi tên gọi một số đồ vật bằng tiếng Serbia. Dĩ nhiên là có sự trùng hợp khá lớn về tên gọi giữa tiếng Nga và tiếng Serbia.

“Ôi trời”, Stalin kêu lên”, “còn gì để nói nữa: chúng ta là một dân tộc rồi!”

Chúng tôi còn kể cả chuyện tiếu lâm nữa và Stalin thích nhất câu chuyện do tôi kể. Hai người một Thổ, một Chernogornui nói chuyện với nhau giữa một khoảng lặng hoà bình hiếm hoi. Anh Thổ hỏi tại sao người Chernogornui cứ gây chiến suốt. “Để cướp”, anh này nói, “chúng tôi nghèo nên chúng tôi phải đi cướp. Thế các anh gây chiến để làm gì?”. “Vì danh dự và vinh quang”, anh người Thổ trả lời. “Hoá ra mọi người đều đánh nhau vì cái mà họ không có”, anh người Chernogornui nhận xét.

Stalin vừa phá lên cười vừa nhận xét:

“Thật là sâu sắc: Mọi người đều đánh nhau vì cái mà họ không có.”

Molotov cũng cười nhưng không thành tiếng; thực ra, ông ta không có khả năng kể mà cũng chẳng có khả năng hiểu được truyện cười.

Stalin còn hỏi tôi đã gặp những ai ở Moskva. Khi nghe tôi nói đã gặp Dimitrov và Manuilski thì ông bảo:

“Dimitrov thông minh hơn Manuilski, thông minh hơn nhiều.”

Nhân tiện, ông nói về việc giải tán Comintern như sau:

“Cái bọn phương Tây ấy khốn nạn đến nỗi không thèm nói với chúng tôi một lời nào. Chúng tôi rất kiên trì: nếu họ nói thì chúng tôi chưa giải tán đâu! Quan hệ với Commintern càng ngày càng trở nên bất bình thường. Tôi với Molotov phải nghĩ nát óc; còn Comintern, thì theo ý mình, càng ngày càng thêm bất đồng. Dimitrov thì tương đối dễ, làm việc với những người khác phức tạp hơn nhiều. Nhưng quan trọng nhất là: sự tồn tại của một diễn đàn cộng sản chung cho tất cả trong khi các đảng cộng sản phải tìm được ngôn ngữ dân tộc và đấu tranh trong điều kiện của nước mình là điều bất bình thường, phi tự nhiên”.

Có người ta mang vào hai bức điện tín, Stalin đưa cho tôi đọc cả hai.

Bức thứ nhất là nội dung bài nói của Šubašić ở Bộ ngoại giao Mĩ. Quan điểm của ông ta là: người Nam Tư chúng tôi không thể chống Liên Xô, cũng như không thể thực hiện chính sách bài Nga được vì chúng tôi có những truyền thống Slav và thân Nga rất mạnh. Stalin nhận xét:

“Tay Šubašić này doạ Mĩ đấy! Nhưng tại sao ông ta lại doạ! Doạ thì đúng rồi! Nhưng để làm gì?”

Sau đó ông nói thêm, có thể vì nhận thấy sự ngạc nhiên của tôi:

“Họ ăn cắp điện tín của chúng tôi, chúng tôi cũng ăn cắp của họ.”

Bức thứ hai là của Churchill. Ông ta thông báo rằng ngày mai sẽ bắt đầu đổ bộ vào nước Pháp. Stalin chế giễu:

“Vâng, sẽ đổ bộ, nếu trời không có mây. Lúc nào họ cũng tìm được lí do hết, tôi ngờ lắm. Họ có thể chạm trán với quân Đức! Nếu họ chạm trán với quân Đức thì sao? Cũng có thể không đổ bộ đâu, thì vẫn như từ trước đến nay, chỉ là hứa suông thôi.”

Molotov, vẫn như mọi khi, lắp bắp nói:

“Không, lần này thì thật đấy.”

Tôi nghĩ rằng Stalin không thật sự nghi ngờ việc quân Đồng minh sẽ đổ bộ, ông chỉ muốn chế giễu, đặc biệt là chế giễu nguyên nhân của những lần trước mà thôi.

Hôm nay, nhìn lại những cảm tưởng của buổi tối hôm đó, tôi nghĩ rằng có thể rút ra kết luận sau: Stalin cố tình doạ dẫm các nhà lãnh đạo Nam Tư để họ không dám liên hệ với phương Tây, đồng thời cố gắng buộc đường lối của họ phải phục vụ quyền lợi của mình, biến đường lối ấy thành một phần chính sách ngoại giao với phương Tây của mình và đặc biệt là trong quan hệ với nước Anh.

Dựa trên tư tưởng, thực tiễn và kinh nghiệm lịch sử của mình, Stalin cho rằng chỉ những người được ông ta nắm chặt trong tay mới là đáng tin, tất cả những ai nằm ngoài sự kiểm soát có tính cảnh sát của ông đều bị coi là kẻ thù tiềm tàng cả. Cuộc chiến đã đưa cách mạng Nam Tư ra khỏi vòng cương toả của ông, còn chính quyền hình thành trong cuộc cách mạng đó đã nhận thức được các khả năng của mình, ông ta không thể nào ra lệnh cho nó được nữa. Ông ta biết như thế, việc ông ta làm đơn giản là lợi dụng tinh thần chống đế quốc của các nhà lãnh đạo Nam Tư để buộc họ gắn bó với mình và khống chế đường lối chính sách của họ mà thôi.

Tôi đã bắt đầu nhận thức được rằng thế giới của những người lãnh đạo Liên Xô, cũng là thế giới mà chính tôi từng sống trong đó, thực chất chỉ là một cuộc chiến đấu kinh hoàng, không bao giờ ngừng, trên mọi lĩnh vực. Tất cả đều được thể hiện và được tập trung vào các cuộc thanh toán lẫn nhau, những cuộc thanh toán chỉ khác nhau về hình thức, kẻ nào tháo vát hơn và mạnh hơn sẽ chiến thắng và sẽ được sống. Tôi, một người vẫn hâm mộ các nhà lãnh đạo Liên Xô, bỗng kinh hoàng nhận ra ý chí và thái độ cảnh giác không lúc nào ngưng của họ.

Đấy là một thế giới không có sự lựa chọn nào khác ngoài chiến thắng hay là chết.

Stalin, người sáng tạo hệ thống xã hội mới, là như thế đấy.

Khi chia tay, tôi lại hỏi một lần nữa rằng ông có ý kiến gì về công tác của Đảng cộng sản Nam Tư không.

“Không. Các đồng chí phải rõ hơn tôi chứ”

Tôi đã nói lại với Tito và các đồng chí khác trong Ban chấp hành trung ương như thế khi về đến đảo Vis. Còn chuyến đi Moskva được tôi tổng kết như sau: Không còn Comintern nữa và chúng tôi, những người cộng sản Nam Tư, phải hành động trên cơ sở nhận thức của mình và trước hết là dựa vào sức của chính mình.

Trước khi chúng tôi về nước, Stalin có nhờ chuyển cho Tito một thanh kiếm là quà tặng của Xô Viết tối cao Liên Xô. Bên cạnh tặng phẩm tuyệt đẹp và cao quí này, trên đường về qua Cairo, tôi còn mua thêm một món quà khiêm tốn nữa: bàn cờ tướng bằng ngà voi.

Tôi có cảm tưởng rằng hai tặng phẩm đó mang tính tượng trưng. Nhưng hôm nay, tôi nghĩ rằng trong tôi, tuy còn mù mờ, nhưng lúc đó đã hình thành một thế giới khác hẳn thế giới của Stalin.

Một làn khói nhẹ và ánh bình minh đang dâng lên từ khu rừng thông bao quanh nhà nghỉ của Stalin. Stalin và Molotov, cả hai đều tỏ ra mệt mỏi sau một đêm không ngủ, bắt tay từ biệt tôi. Chiếc ô tô đưa tôi trở về Moskva, thành phố chìm trong hơi sương của một buổi sáng tháng sáu và vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn. Cái cảm giác khi lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất Nga bỗng quay trở lại: đứng ở đây mà quan sát thì thế giới quả là không to. Và có thể chinh phục được, cùng với Stalin và những tư tưởng chỉ dẫn cho con người sự thật về xã hội và về chính anh ta.

Quả là một giấc mơ đẹp giữa thời buổi chiến tranh. Lúc đó, tôi không hề nghĩ cái gì là thực hơn và hôm nay, tôi cũng không thể nói cái gì là ảo hơn.

Người ta luôn sống bằng hiện thực và ước mơ.


Nguồn: http://ihtik.lib.ru/politolog_28may2006/politolog_28may2006_544.rar

No comments:

Post a Comment