April 17, 2014

OSHO - Cân bằng sống


Nguyễn Đình Hách dịch

Câu hỏi: Trong nền văn minh của chúng ta, những người có chuyên môn như tôi đều gặp phải một vấn đề ngoại lệ: chúng tôi đã sử dụng trí tuệ quá nhiều,   nhiều đến mức chúng tôi có xu hướng chỉ nhìn cuộc đời thông qua trí tuệ, điều đó phủ định tất cả các phương pháp làm việc khác. Xu hướng này làm cho cuộc sống trở nên buồn chán và tẻ ngắt, và nó đã lấy đi vẻ đẹp của cuộc sống.


 Osho: Không ai có thể sử dụng trí tuệ của mình quá mức. Nó như là một sức mạnh tiềm năng quá lớn lao đến mức bạn không thể sử dụng nó quá nhiều. Không chỉ là bạn không sử dụng nó quá nhiều mà bạn chưa bao giờ sử dụng nó một cách toàn bộ - chưa bao giờ. Thông thường, bạn không sử dụng nhiều hơn mười đến mười lăm phần trăm toàn bộ tiềm năng trí tuệ của mình.
Và một điều khác nữa: khi bạn làm công việc trí óc, điều đó không có nghĩa là bạn đang sử dụng trí trông minh của mình. Công việc trí óc cũng là một công việc máy móc. Khi bạn có được bí quyết rồi thì không bao giờ cần đến trí thông minh nữa; đầu óc làm việc giống như một chiếc máy tính.
Vấn đề rắc rối thực sự không phải là sử dụng quá nhiều trí tuệ mà là không sử dụng cảm xúc. Cảm xúc hoàn toàn bị loại bỏ trong xã hội văn minh của chúng ta, cho nên sự cân bằng đã bị phá vỡ, và một tính cách lệch lạc phát triển. Nếu cảm xúc cũng được sử dụng thì không có sự mất cân bằng.
Sự cân bằng cảm xúc – trí năng phải được duy trì theo một tỷ lệ phù hợp; nếu không, toàn bộ tính cách sẽ trở nên bệnh hoạn. Điều đó giống như sử dụng chỉ một chân. Bạn có thể duy trì điều đó, nhưng bạn không tới được đâu; bạn chỉ làm mình mệt mỏi. Chân kia phải được sử dụng. Cảm xúc và trí năng giống như đôi cánh: khi chúng ta chỉ sử dụng một cánh, hậu quả sẽ là sự thất vọng. Thế rồi không bao giờ đạt được niềm vui hạnh phúc, mà nó chỉ xuất hiện khi đồng thời sử dụng cả hai cánh trong cân bằng và hài hòa.  
Đừng sợ sử dụng trí năng quá nhiều. Chỉ khi trí thông minh được sử dụng thì bạn mới chạm tới được những chiều sâu, chỉ khi đó tiềm năng của bạn mới được kích thích. Công việc trí óc không có nghĩa là trí thông minh của bạn được sử dụng. Công việc trí óc chỉ đơn thuần là sự hời hợt, bề ngoài. Không chiều sâu nào được chạm đến, không có gì được thử thách. Điều đó gây ra buồn chán; làm việc mà không hứng thú. Sự hứng thú luôn luôn xuất hiện khi cá tính bạn bị thách thức, khi bạn phải chứng tỏ bản thân và phải ứng phó với thử thách. Khi bị thử thách thì trí thông minh hay cảm xúc đều tạo ra niềm vui hạnh phúc của chúng.
Con người trở nên tâm thần phân liệt nếu chỉ một phần tính cách của người đó làm việc và phần khác bị tê liệt. Thế rồi phần đang làm việc sẽ không làm việc thực sự tốt, bởi vì nó sẽ bị quá tải. Tính cách mang tính toàn bộ; nó không bao giờ bị chia. Thực tế, toàn bộ tính cách là dòng chảy năng lượng. Khi năng lượng được sử dụng một cách logic, nó trở thành trí thông minh, và khi nó không được sử dụng một cách logic mà là đầy xúc cảm thì nó lại trở thành sự nhiệt tâm. Đó là hai vấn đề riêng rẽ;  cùng một năng lượng tuôn chảy thông qua hai kênh khác nhau.
Khi không có tâm hồn mà chỉ có lý trí thì bạn không bao giờ có thể thư giãn. Thư giãn có nghĩa là bây giờ cùng một năng lượng trong bạn đang hoạt động theo những kênh khác khau. Thư giãn không bao giờ là phi-hoạt động. Nó có nghĩa là hoạt động trong bình diện khác. Thế rồi bình diện, mà nó bị quá tải, lại thư giãn.  
Con người không ngừng theo đuổi con đường trí tuệ thì không bao giờ thư giãn. Người đó không đưa năng lượng của mình tới bình diện khác, cho nên tâm trí người đó liên tục hoạt động theo một hướng một cách vô bổ. Điều này tạo ra sự buồn chán. Những ý nghĩ, nhiều ý nghĩ đến và đi và năng lượng bị khuyếch tán, bị lãng phí. Bạn không thể vui vẻ. Ngược lại, bạn sẽ thất vọng và ngán ngẩm với gánh nặng vô bổ này. Tuy nhiên, tâm trí hoặc trí năng không có lỗi. Bởi vì bình diện khác đã không được cung cấp, bởi vì không có ô cửa khác mở ra với nó, năng lượng vẫn quay vòng    bên trong bạn.
Năng lượng không bao giờ có thể là tù đọng. Năng lượng có nghĩa là không tù đọng, nó luôn luôn là dòng chảy. Thư giãn không có nghĩa là năng lượng tù đọng hay năng lượng ngủ; về mặt khoa học, thư giãn có nghĩa là năng lượng đang tuôn chảy thông qua kênh khác, phương diện khác – nó đã vào căn phòng khác.
Mặc dù căn phòng có thể là khác, nhưng nếu nó không quá đối nghịch với căn phòng mà bạn đã ở trước đó thì đầu óc cũng sẽ không thư giãn. Ví dụ, nếu bạn làm việc về một vấn đề khoa học, vậy thì bạn có thể thư giãn bằng việc đọc tiểu thuyết. Hoạt động là khác nhau: giải quyết một vấn đề khoa học là trở nên chủ động – đó là một nét rất nam tính – ngược lại, đọc tiểu thuyết là hoạt động thụ động – đó là một nét tuyệt đối nữ tính. Thậm chí bạn đang sử dụng cùng một tâm trí thì bạn cũng sẽ   thư giãn, bởi vì đó là cực đối nghịch của tâm trí đang được sử dụng. Bạn đang không giải quyết bất kỳ vấn đề gì, bạn không chủ động; bạn chỉ là người chờ, đang chờ một cái gì đó. Bình diện vẫn vậy ngoại trừ cảm xúc - cực đối nghịch - được mang vào để sử dụng.
Theo cách như vậy, khi chúng ta yêu, trí năng không bao giờ xuất hiện trong cuộc chơi đó. Điều tuyệt đối đối nghịch xuất hiện: phần phi lý của tính cách bạn biến thành hành động. Trí thông minh phải được cân bằng bởi tình yêu và tình yêu phải được cân bằng bởi trí thông minh. Thông thường, sự cân bằng này không được tìm ra ở bất kỳ nơi đâu.
Nếu một người nào đó đang yêu và bắt đầu xao lãng các theo đuổi trí tuệ thì điều này cũng sẽ gây nhàm chán. Thậm chí tình yêu trở nên căng thẳng nếu nó là một công việc hai mươi bốn giờ liên tục. Khi thử thách không còn thì niềm hứng khởi cũng mất theo: cuộc chơi sẽ bị lỡ và nó sẽ trở thành chỉ là công việc. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với người trí tuệ, là người sao lãng khía cạnh cảm xúc của mình.
Hai phần này, hai cực này phải cân bằng, chỉ khi đó, một con người vẹn toàn, có cá tính mới được sinh ra; nếu không, dù đó là cảm xúc hay trí tuệ thì cũng sẽ là   bệnh tật. Phương Đông đã trở nên thiên lệch bởi vì nó đã quá quan tâm đến trái tim, trong khi phương Tây lại đã quá quan tâm đến cực đối nghịch. Cả hai đều thu được những kết quả tệ hại.
Hiện nay ở phương Tây, thế hệ mới đang nổi dậy chống lại trí năng, chống lại lý trí. Toàn bộ tâm trí của thế hệ mới đang nghiêng tới sự phi lý. Bản năng luôn trả thù. Bản năng rất thù hằn: nó không bao giờ tha thứ, không bao giờ quên. Nếu một vài phần của nó vẫn bị đè nén hoặc không thỏa mãn thì nó sẽ trả thù. Ở phương Tây, sự phi lý đang trả thù. Ở phương Đông, lý trí, khoa học lại có sự thu hút: cộng sản rất thu hút và tôn giáo đã mất đi sự thu hút. Sự phi lý không còn thu hút với phương Đông nữa, bởi vì lý trí đã bị cấm đoán từ rất lâu rồi.
Cho nên đối với tôi, con người hoặc văn hóa con người không thể trở nên lành mạnh mà không có sự cân bằng nội tại giữa hữu lý và phi lý. Tôi không cho rằng hai điều này là hai phần riêng biệt. Tôi cho rằng chúng là hai cực của cùng một năng lượng.
Tất cả các dạng năng lượng đều tồn tại giữa hai thái cực; năng lượng cần một sự căng thẳng bên trong để tự tạo ra, để tồn tại. Các cực có thể là cực âm và dương như trong năng lượng điện, hay cực bắc và cực nam của nam châm, hay giống đực và giống cái của sinh vật. Năng lượng không thể tồn tại bởi một cực. Cực đối nghịch được cần đến để kích thích, để thách thức, để tạo ra sự căng thẳng cần thiết.
Nhưng trong xã hội loài người, cực khác luôn bị kìm nén – hoặc là trí năng bị kìm nén hoặc là cảm xúc bị kìm nén. Một nền văn hóa toàn bộ hãy còn chưa tồn tại, bởi vì chỉ có những nền văn minh hoặc là của trí tuệ hoặc là của cảm xúc. Văn hóa có nghĩa là nền văn minh mà trong nó hai cực hoạt động đồng bộ, nền văn hóa như vậy còn chưa ra đời.
Cho nên một cực luôn luôn cân bằng bởi cực đối nghịch. Cho nên một cực càng được sử dụng nhiều thì cực đối nghịch đang thư giãn sẽ càng được sáng tỏ hơn. Tâm trí phải có khả năng thay đổi từ cực này tới cực đối nghịch dễ dàng như con người thay đổi trạng thái từ thức sang ngủ. Con người phải có khả năng khép kín với phương diện này và vẫn mở ra với phương diện khác. Khi điều này xảy ra thì cuộc sống sẽ không còn buồn tẻ nữa mà nó sẽ trở nên vui vẻ.
Thật không may, chúng ta lại trở nên nghiện một cực. Tại sao lại có sự nghiện một cực này? Chúng ta trở nên nghiện một lĩnh vực hoạt động bởi vì chúng ta đã được huấn luyện về nó, điều đó dễ dàng hơn - bạn có thể hoạt động trong lĩnh vực quen thuộc với mình, mà không cần bất kỳ nỗ lực tỉnh táo nào. Khi bạn thay đổi từ cực này tới cực khác, khi bạn thay đổi toàn bộ triển vọng của mình thì bạn trở thành một kẻ nghiệp dư. Trong lĩnh vực khác này bạn không còn là một chuyên gia nữa; bạn không được huấn luyện về lĩnh vực đó. Khi bạn cố tránh xa nó thì bạn có xu hướng bị quá tải với lĩnh vực mà bạn thành thạo.
Sự quá tải này là vấn đề rắc rối. Con người không thể là một chuyên gia trong suốt hai mươi bốn giờ; con người cũng phải làm một cái gì đó mà trong lĩnh vực đó họ là ‘không duy nhất’, họ không biết gì. Đôi khi con người phải là trẻ con: chơi đùa, còn non dại, không hiểu biết và ngây thơ.
Trong mọi bậc thiên tài đều có tính trẻ thơ; không có bậc thiên tài nào có thể sống mà không có một chút trẻ thơ trong họ - chất trẻ thơ này là suối nguồn của toàn bộ năng lượng của họ! Vì tính trẻ thơ bên trong này mà đôi khi họ có thể là người tập sự, đôi khi họ có thể tuyệt đối ngây thơ: họ có thể vươn tới những địa hạt mà họ không biết một tí gì. Nhà toán học trở thành nhà thơ mà không bao giờ là người kém cỏi. Vị đó trở về với toán học của mình với tâm trí trong trẻo hơn, với những kinh nghiệm mà nó hoàn toàn xa lạ với toán học.
Chuyên gia lão luyện chưa bao giờ phát minh hoặc khám phá ra điều gì. Chỉ có người tiếp cận chủ đề như là một người ngoài cuộc, người có đầu óc trẻ thơ thì mới luôn luôn khám phá. Chỉ có đầu óc trẻ thơ là sáng tạo chứ không bao giờ là đầu óc già cỗi. Đầu óc già cỗi chỉ là chuyên gia và chuyên gia thì không thể phát minh. Vị đó sẽ liên tục lặp lại một sự việc, thực hiện nó, và quá tải về nó; vị đó sẽ làm cho sự việc đó trở nên hoàn hảo hơn nhưng không bao giờ là mới. Một người chuyên nghiệp không thể bổ sung bất kỳ điều gì mới cho kho tàng kiến thức bởi vì vị đó biết quá nhiều; vị đó không thể nhìn thấy điều gì mới, vị đó luôn luôn mù tịt về cái mới. Cho nên, những người biết nhiều, những người chuyên nghiệp luôn luôn là những người chính thống, họ chưa bao giờ là những người cách mạng. Họ không thể là như vậy - bản thân con người họ quá nặng trĩu.
Bất kỳ khi nào mà nhà khoa học biến thành nhà thơ, hay nhà thơ biến thành nhà toán học, hay thương gia biến thành họa sĩ, hay họa sĩ biến thành sannyasin, thì sẽ có một cái gì đó mới nảy sinh. Và sáng tạo ra một cái gì đó mới chính là niềm vui hạnh phúc, nếu không, công việc hàng ngày của bạn lại trở nên buồn tẻ và chán ngắt. Con người không thể làm việc như một cái máy - anh ta không thể liên tục chỉ tạo ra nhiều thứ một cách máy móc, không thể lặp lại thói quen hàng ngày mà không có kết thúc. Nếu anh ta tiếp tục làm điều này thì anh ta sẽ hoàn toàn hấp hối từ rất lâu trước khi chết. Anh ta sẽ biết rằng anh ta đã sống chỉ khi cái chết xuất hiện.
Nếu bạn đang làm việc một cách máy móc như là người máy, thì sẽ có mọi sự nguy hiểm rằng bạn sẽ bị thay thế bởi máy móc như là con người, và bạn sẽ không bao giờ thoải mái, bởi vì bất kỳ điều gì bạn có thể làm thì cũng có thể làm hiệu quả hơn bởi phương tiện máy móc.
Xã hội không cần cá tính, nó cần hiệu quả. Cho nên, một người càng nhân tính hơn thì càng trở nên kém hữu dụng hơn đối với xã hội – và trở nên nguy hiểm hơn. Toàn bộ khuôn mẫu nền văn minh của chúng ta, và thực tế là, toàn bộ khuôn mẫu của các nền văn minh tồn tại trên thế giới này là biến con người thành máy móc tự động. Thế rồi anh ta trở nên ngoan ngoãn, hiệu quả và không nguy hiểm. Ngược lại, đầu óc sáng tạo, luôn đòi hỏi, tìm kiếm, truy tìm cái mới và luôn cố gắng tạo ra một cái gì đó mới chưa biết, thì buộc phải tạo ra nhiều phiền phức, rắc rối. Không hề dễ dàng thiết lập khuôn mẫu đối với người đó.
Xã hội bắt đầu tiêu diệt cá tính ngay khi đứa trẻ mới ra đời. Trước khi đứa bé được bảy tuổi thì cá tính của nó đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Chỉ nếu tình cờ sự thiết lập này không thành công thì con người mới có thể trở thành cá nhân có cá tính. Nhưng điều này là rất hiếm.
Mọi thể chế của xã hội là công cụ tiêu diệt cá tính và biến con người thành cái máy. Tất cả các trường đại học của chúng ta là những công xưởng tiêu diệt tính tự nhiên vốn có, tiêu diệt sự thông minh sắc sảo, tiêu diệt tinh thần và biến đổi con người thành cái máy. Thế rồi xã hội cảm thấy bằng lòng với con người đó. Con người đó có thể tin tưởng được. Xã hội biết anh ta có thể làm gì, anh ta sẽ làm cái gì - con người đó có thể được dự đoán. Chúng ta có thể dự đoán người chồng, người vợ, bác sĩ, luật sư, nhà khoa học. Chúng ta biết họ là ai và cách họ sẽ đối phó lại, chúng ta có thể thoải mái với họ. Nhưng với những người sống động, tự nhiên thì không thể cảm thấy thoải mái về họ, bởi vì chúng ta không biết người đó sẽ làm gì – đó là  người không thể đoán.
Việc không thể đoán trước luôn luôn là nguồn cơn của sự bất an. Người vợ không thể thoải mái, an toàn với người chồng nếu anh ta là người không thể dự đoán. Thời điểm anh ta không thể được dự đoán, anh ta cũng không thể được quản lý; anh ta không thể bị kiểm soát. Không có ai an tâm với con người không thể dự đoán - thậm chí người cha cũng cảm thấy như vậy với người con trai không thể dự đoán.
Nhưng chỉ có con người không thể dự đoán mới cảm thấy hạnh phúc, có thể cảm thấy không là ai khác. Chính cuộc sống là không thể dự đoán, không thể kiểm soát. Cuộc sống như vậy luôn hướng tới điều chưa biết từ khoảnh khắc tới khoảnh khắc. Nó là lối mở để vào vùng chưa biết – không gì thêm, không gì bớt.
Nếu bạn cởi mở giống như bản thân cuộc sống, thì bạn tất yếu sống trong mọi khía cạnh của bạn: thân thể, trí tuệ, cảm xúc và tinh thần. Thế thì bạn đang sống một cách toàn vẹn, sẽ không có sự rẽ nhánh, không có sự phân chia. Năng lượng của bạn tuôn chảy từ chỗ này tới chỗ khác, và lại tới chỗ khác nữa. Không có rào cản nào đối với năng lượng của bạn, nó không bị kéo theo bất kỳ hướng nào, nó giống như dòng sông đang cuộn chảy. Thế rồi bạn luôn luôn tươi trẻ và thư thái. Bất kỳ khi nào bạn quay trở lại với công việc cụ thể của mình, bạn sẽ tiếp cận nó một cách sinh động, tươi mới mà nó chỉ xuất hiện bởi được thư giãn trong khía cạnh đối nghịch.
Như tôi nhìn thấy, vấn đề rắc rối không phải là hoạt động trí tuệ quá tải, mà hoạt động quá ít ỏi hoặc không hoạt động về những khía cạnh khác, đặc biệt là khía cạnh cảm xúc. Lý trí được cân bằng bởi cảm xúc. Nếu bạn có thể làm bài thực hành logic mà không thể rơi lệ thì bạn buộc phải gặp rắc rối. Nếu bạn chỉ có thể lý lẽ mà không thể cười thoải mái, thì bạn đang mời gọi rắc rối đến.
Nhưng bất kỳ khi nào có một người xuất hiện mà cuộc sống của người đó như dòng sông đang cuộn chảy, thì rất khó để hiểu người đó, bởi vì người đó không thể bị phân loại.
Có một câu chuyện Zen:
Một vị tu sĩ danh tiếng, một người thầy vĩ đại, đã qua đời. Ông ấy là một người nổi tiếng, nhưng lại chỉ bởi người môn đệ trưởng của ông. Hàng nghìn người đến để bày tỏ lòng tôn kính đối với vị tu sĩ này và họ hết sức kinh ngạc khi nhận thấy người môn đệ trưởng đang khóc. Họ đã bối rối khi thấy ông - con người không còn sự quyến luyến sẽ không khóc, đặc biệt là đối với ông, là người luôn luôn nói linh hồn không bao giờ chết! Một người khách tiến đến và hỏi, “Tại sao ông lại khóc?”
Vị tu sĩ trưởng trả lời, “Tôi không thể luôn luôn sống với ‘tại sao?’. Có những thời điểm mà khi đó không có ‘tại sao’. Tôi đang khóc, thế thôi.”
Họ vẫn tiếp tục hỏi, “Ông luôn luôn nói linh hồn là bất tử. Vậy tại sao ông lại khóc?”
Ông ta trả lời, “Tôi vẫn giữ quan điểm rằng linh hồn là bất tử. Nhưng điều đó không ngăn cản tôi khóc!”
 Điều này nghe có vẻ vô lý: linh hồn là bất tử cho nên con người không nên khóc. Nhưng vị tu sĩ - môn đệ trưởng nói, “Chính linh hồn đang khóc và tôi không thể làm bất kỳ điều gì với nó. Tôi chưa bao giờ tự làm bất kỳ điều gì. Bất kỳ điều gì xuất hiện trong tôi thì tôi với nó là một. Nước mắt xuất hiện và tôi là một với nó.”
 Thái độ này không thể bị phê phán. Chúng ta có thể hiểu một người nào đó khóc nếu anh ta tin rằng linh hồn có thể chết. Nếu một người nào đó tin rằng linh hồn là bất tử thì sẽ không khóc, đây cũng là điều dễ hiểu. Điều đó là hoàn toàn đúng. Linh hồn là bất tử: vậy thì khóc cho ai? Không có ai chết. Nhưng vị môn đệ trưởng này lại nói rằng linh hồn là bất tử và ông ta lại khóc. Không có ‘tại sao’; chỉ có nước mắt đang rơi.
Họ hỏi, “Vậy thì ông khóc cho cái xác?”
Ông ta nói, “Vâng, chắc là tôi khóc cho cái xác. Cái xác cũng rất đẹp và không thể nhìn thấy nó nữa. Tôi khóc cho cái xác.”
“Nhưng ông là người duy linh cơ mà,” họ nói. Và do vậy mà cuộc tranh luận vẫn tiếp tục. Họ kết tội ông ta đã làm cho họ bối rối.
“Bản thân tôi cũng bị bối rối”, ông ta nói “cuộc sống là như vậy! Linh hồn là bất tử, nhưng tôi lại khóc. Thế mới là cuộc sống – quá mâu thuẫn! Nó tồn tại trong mâu thuẫn. Bản thân tôi cũng bối rối. Nhưng tôi cảm thấy thoải mái với bối rối của mình, tôi cảm thấy dễ chịu với mâu thuẫn của mình, cho nên tôi không căng thẳng. Các bạn nhìn những giọt nước mắt của tôi, các bạn nhìn thấy tôi khóc, nhưng tôi đang ổn, tôi đang thư giãn. Tôi đang cảm nhận niềm vui sướng.”
Phần khác phải không bị từ chối. Bạn càng sử dụng nhiều hữu lý thì bạn càng phải sử dụng nhiều phi lý để cân bằng. Tại thời điểm cân bằng, bạn trở nên không trọng lượng. Bạn cảm thấy tự do. Sức nặng của cái này sẽ được triệt tiêu bởi sức nặng của cái kia. Sự cân bằng được thiết lập. Bạn là người tự do. Nếu không bạn sẽ cảm thấy gánh nặng, bạn sẽ cảm thấy sức nặng cho đến tận thời điểm không có gì tồn tại ngoài gánh nặng. Bạn không còn là bạn nữa, chỉ có gánh nặng sẽ được cảm nhận; đó là thực tại duy nhất mà bạn sẽ nhận thức được. Gánh nặng này sẽ liên tục cùng bạn đến độ bạn không thể hình dung sẽ ra sao nếu không có nó.
Không có ai không có gánh nặng. Nhưng gánh nặng này có thể được cân bằng bởi gánh nặng khác từ đối cực. Khi hai gánh nặng được cân bằng thì sẽ không còn gánh nặng nữa. Tâm trí không gánh nặng thực sự không phải là tâm trí không có những gánh nặng; đúng hơn là, đó là tâm trí với những gánh nặng được cân bằng.
Tôi thích hữu lý và phi lý tồn tại cùng nhau ở một thời điểm. Tôi đề nghị một sự cân bằng vĩnh viễn giữa hai. Ngay khi gánh nặng được cảm nhận thì biết rằng sự cân bằng bị lỡ, và bạn phải khôi phục lại điều đó bằng cách bổ sung sức nặng cần thiết, dù nó được yêu cầu ở bất kỳ đâu. Nếu như công việc trí tuệ quá nặng nề thì hãy làm một điều gì đó phi lý. Chẳng hạn, Thiền!
 Thiền không liên quan đến lý trí; nó là phi lý. Cho nên, khi một người nào đó yêu cầu tôi giải thích thiền, tôi sẽ bối rối, đơn giản là vì không có cách nào để bạn hiểu thiền. Nó không bao giờ liên quan đến logic, lý lẽ, tranh luận và hiểu biết. Cách duy nhất để biết đó là thực hành nó.
Có những người đã học thiền trong tất cả các kiếp của họ nhưng họ vẫn không hiểu được nó. Họ không thể hiểu. Krishnamurti thuyết giảng về việc hiểu nó, và biến hiểu biết tương đương với thiền - cứ như thiền là một cái gì đó để hiểu. Đúng hơn là, hiểu biết phải được cân bằng bởi thiền, bởi vì thiền là đối cực, và khi bạn cố không hiểu thiền, bạn có thể thực hành nó.
Nếu con người cứ mãi cố hiểu thiền thì ít có khả năng thực hành thiền. Có những người nói rằng họ hoàn toàn hiểu Krishnamurti. Về mặt trí tuệ, bạn có thể hiểu ông ấy, bởi vì hiểu biết là trí năng. Nhưng cho dù ông ấy nói hiểu biết trí tuệ là không đủ, ông ấy vẫn đánh đồng hiểu biết với thiền.
Nếu hiểu biết trí tuệ sẽ không tác dụng, chỉ khi đó, bước nhảy phi trí tuệ sẽ có tác dụng. Thực tế, không có sự hiểu biết nào mà không phải là trí năng. Bất kỳ khi nào bạn vào thiền, điều đó ít giống với hiểu biết và giống với cảm nhận nhiều hơn: điều đó được cảm nhận, điều đó không bao giờ được hiểu.
Triết học và khoa học là những quá trình trí tuệ; tôn giáo và nghệ thuật là những quá trình phi-trí tuệ. Triết học phải được cân bằng bởi tôn giáo và khoa học phải được cân bằng bởi nghệ thuật; nếu không, sẽ có một thế giới hỗn loạn, thế giới lệch lạc, và trong thế giới đó mọi người đều bệnh hoạn.
 Tôi chưa tình cờ gặp được cá nhân nào thoải mái. Một cái gì đó hoặc một người nào đó luôn luôn quấy nhiễu anh ta. Không thành vấn đề đó là gì! Tất cả vấn đề là anh ta bị quấy nhiễu. Mọi người đang bị quấy nhiễu! Phải có một cái gì đó trong quan niệm chủ yếu của chúng ta về con người đã bị sai; một cái gì đó trong chính cấu trúc của xã hội chúng ta bị sai. Mọi người đang bị quấy nhiễu tinh thần là triệu chứng duy nhất về những gì đang diễn ra trong toàn xã hội. 
Có một thực tế vô cùng kinh ngạc. Trong thập niên ba mươi, tất cả những bệnh nhân tâm thần đã thăm viếng các nhà phân tâm học, và về cơ bản họ đã bị quấy nhiễu bởi bạo lực. Thế rồi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Hiện tượng tương tự cũng đã  xảy ra ở đầu thế kỷ hai mươi và kéo theo là chiến tranh thế giới thứ nhất. Cho nên như tôi thấy thì các bệnh nhân tâm thần là những người đã báo trước cho chúng ta: họ dự báo cái điều sẽ đến. Theo cách đó thì họ là những người nhạy cảm hơn; họ nhận biết nhiều vấn đề sớm hơn chúng ta.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các nghệ sĩ. Mọi vấn đề xảy ra thường là xuất hiện trước trong thơ ca, hội họa, âm nhạc… Nếu chúng ta nhìn sâu vào nghệ thuật của Picasso, chúng ta sẽ nhận thấy những dấu hiệu của nền văn minh bệnh hoạn. Trong bức tranh ‘Guernica’ của mình - hoặc về cùng vấn đề đó trong những tác phẩm khác - ông ấy chưa bao giờ vẽ chân dung con người đúng như nguyên mẫu. Ông ấy không bao giờ vẽ tất cả các bộ phận cùng nhau, hoặc đặt chúng trong bối cảnh đúng. Cái đầu ở nơi này và cái cổ thì ở một nơi nào đó. Đôi mắt có thể ở dưới cái đầu. Tranh của ông ấy là thế đó: thần kinh phân liệt, loạn thần kinh. Ông ấy là một người đặc biệt nhạy cảm, là người đã nhìn thấy hình ảnh của nhiều vấn đề sẽ xuất hiện, nhìn thấy cảnh ngộ khốn khổ của con người sẽ xuất hiện.
Xã hội chỉ cơ bản dựa trên khoa học thì sẽ thiếu nghệ thuật, mỹ học – nghệ thuật sẽ trở nên xấu xí. Tất cả mọi nghệ thuật phương Tây đã trở nên xấu xí. Sự lố bịch và sự phi lý đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá. Trong nghệ thuật điều xấu xa lại được đánh giá như là sự vĩ đại: bức tranh càng xấu xí và méo mó thì lại càng được đánh giá. Không có sự hòa hợp, không âm nhạc, không giai điệu; mọi thứ bị đảo lộn và mục ruỗng như tâm trí con người thời nay.
Có những dấu hiệu và những triệu chứng. Chúng là những biểu hiện rằng khía cạnh khác của tâm trí cũng đang trả thù, nó đang đòi hỏi sự chú ý. Xã hội cơ bản dựa trên triết học thì sẽ ngây ngô về mặt tôn giáo. Và xã hội càng trở nên ít mộ đạo thì tôn giáo sẽ trả thù; nó trở nên xấu xa, quan liêu nghi thức. Nhà thờ và giới thầy tu nổi lên và tôn giáo bị thu nhỏ. Nhà thờ chính là tôn giáo bị biến thành điều xấu xa, và tu sĩ là sự trả thù của giáo đồ, của nhà tiên tri. Nhà tiên tri không còn chỗ trong nhà thờ, cho nên vị tu sĩ xuất hiện để lấp vào chỗ trống đó.
Chúng ta thậm chí còn chưa hình dung về một nền văn hóa toàn bộ, một tính cách toàn bộ, một tâm trí toàn bộ. Tính toàn bộ là tổng toàn bộ của những cực đối nghịch, cho nên một tính cách bảo thủ là một tính cách không hoàn thiện, lệch lạc, và tính cách như vậy đang dẫn tới điên khùng. Đây là điều nguy hiểm. Một phần đã bị từ chối biểu lộ và chú ý bởi vì tâm trí bảo thủ sẽ trả thù. Phần phi lý sẽ trở nên hung hăng; nó sẽ nổi lên cùng sức mạnh thù địch và sẽ đập tan mọi lý lẽ.
Bạn không chỉ phải hiểu mà còn phải cảm nhận. Hiểu một cách trí tuệ không phải là điều khó khăn; rắc rối xuất hiện bởi cảm nhận. Bạn cũng còn phải cảm nhận!
Điều này là có thể chỉ khi bạn làm một cái gì đó phi lý. Nhảy múa hàng giờ và bạn sẽ nhìn thấy thư giãn như thế nào, bạn sẽ cảm nhận sự tươi trẻ và tỉnh táo như thế nào. Tâm trí trở nên được thanh lọc vì phần phi lý được thỏa mãn. Bây giờ phần hữu lý có thể tự do làm việc mà không có kẻ thù nào chờ để trả thù.
Hãy cho cả hai phần của tâm trí cơ hội tự biểu lộ một cách tự do; luôn có sự cân bằng giữa hai. Hãy sống trong hai ngăn bổ sung nhau này: trí tuệ và cảm xúc. Chúng không đối nghịch; chúng không chỉ biểu hiện như vậy bởi vì chúng ta đã sống ở một cực và đã trở nên gắn bó ở đó.
Khi bạn mơ, bạn không cảm thấy sự mâu thuẫn và sự trái ngược của giấc mơ – bạn nhìn thấy một người bạn đang tới, rồi đột nhiên anh ta biến thành một cái gì đó khác. Nhưng trong giấc mơ bạn coi điều này như là thực; bạn cảm nhận không có gì trái ngược, không có gì mâu thuẫn. Bạn không hỏi làm sao con người có thể biến thành con thú, bởi vì giấc mơ không có logic; nó vẫn phải tìm cho ra Aristotle của nó. Trong mơ bạn không thể nói, nếu A là A thì A không thể là B; nếu A là A thì nó không thể không là A. Trong mơ, A có thể không là A, và không A có thể là A. Không logic nào được tính đến, hoặc không bất kỳ điều gì được nhìn thấy là mâu thuẫn. Cho nên có những địa hạt mà chúng hoàn toàn ngây ngô trong logic, nhưng những gì là một phần của bạn thì lại hoàn toàn như nhau. Hoặc là tốt hơn khi nói rằng bạn là một phần của chúng, bởi vì thực tế là chúng tầm cỡ hơn bạn.
Khi những mâu thuẫn không được nhìn thấy là đối nghịch thì bạn không bao giờ buồn chán. Bạn đã bao giờ buồn chán trong mơ chưa? Nếu đạt được sự cân bằng giữa hữu lý và phi lý, thì sự buồn chán tan biến. Có niềm vui sướng thời điểm-tới-thời điểm. Mỗi thời điểm xuất hiện cùng niềm vui của riêng nó, nếu không thì cuộc sống lại trở thành gánh nặng. Nhưng cuộc sống không chịu trách nhiệm vì điều này; một mình chúng ta chịu trách nhiệm bởi sự lựa chọn là của chúng ta.
N. Đ H. 














No comments:

Post a Comment