Phạm Nguyên Trường dịch
Lòng thù hận điên rồ đối với bản vị vàng là vấn đề liên kết tất cả
những người quốc gia (dịch thoát ý từ statist – nghĩa là những người ủng hộ sự
can thiệp của nhà nước – ND) thuộc mọi mầu sắc. Họ tưởng rằng mình hiểu – có
thể còn hiểu rõ và tinh tế hơn nhiều người bảo vệ kiên cường chế độ laissez-faire
nữa — rằng vàng và tự do kinh tế là không thể tách rời, rằng bản vị vàng là
công cụ của laissez-faire và rằng cái nọ ngụ ý và đòi hỏi phải có cái kia.
Muốn hiểu nguồn gốc lòng hận thù của họ, trước hết cần phải hiểu
vai trò đặc biệt của vàng trong xã hội tự do.
Tiền là mẫu số chung của tất cả các giao dịch kinh tế. Nó là loại
hàng hóa đóng vai trò trung gian trong trao đổi, được tất cả những người tham
gia trong nền kinh tế hàng hóa coi là phương tiện thanh toán cho món hàng hay
dịch vụ của họ, và vì vậy mà được dùng làm tiêu chuẩn của giá thị trường và là của
để dành, nghĩa là phương tiện tiết kiệm.
Sự tồn tại của loại hàng hóa đó là điều kiện tiên quyết của quá
trình phân công lao động. Nếu con người không có loại hàng hóa có giá trị khách
quan, được mọi người chấp nhận, thì họ sẽ buộc phải sử dụng cách trao đổi hàng
đổi hàng thô sơ hay buộc phải sống trong những trang trại tự cấp tự túc và
không được hưởng những ưu việt của chuyên môn hóa. Nếu con người không thể tiết
kiệm được thì họ cũng không thể lập kế hoạch dài hạn hay trao đổi được với nhau.
Phương tiện trao đổi được mọi người trong nền kinh tế chấp nhận
không phải là thứ được quyết định một cách tùy tiện. Thứ nhất, phương tiện trao
đổi phải lâu bền. Trong xã hội nguyên thủy nghèo nàn, lúa mì có thể đủ bền để
dùng làm phương tiện trao đổi, vì tất cả các thương vụ đều diễn ra trong hoặc
ngay sau mùa thu hoạch, người ta chẳng có tí giá trị thặng dư nào để có thể giữ
lại hết. Nhưng khi xã hội đã giàu lên, đã văn minh hơn thì việc lưu trữ những
thứ có giá trị trở thành vấn đề quan trọng, phương tiện trao đổi phải là món
hàng lâu bền hơn, thường là kim loại. Kim loại được mọi người chấp nhận vì nó
thuần nhất và có thể chia nhỏ được: đơn vị nào cũng giống nhau, nó còn có thể
pha trộn với kim loại khác và đúc thành những thỏi với trọng lượng tùy ý. Lấy
thí dụ, đá quý vừa không đồng nhất, vừa không chia nhỏ ra được. Quan trọng hơn,
món hàng được chọn làm phương tiện trao đổi phải là thứ xa xỉ phẩm. Ước muốn có
những món hàng xa xỉ phẩm là vô cùng vô tận và vì vậy mà các món hàng xa xỉ
phẩm bao giờ cũng khan hiếm và bao giờ cũng được chấp nhận. Lúc mì là món hàng
xa xỉ phẩm trong những nền văn minh còn đói ăn, nhưng trong xã hội thịnh vượng
thì không còn là xa xỉ phẩm nữa. Thuốc lá không thể được dùng như tiền, nhưng ở
châu Âu sau Thế chiến II, nó đã có vai trò như thế vì được coi là xa xỉ phẩm.
Thuật ngữ “xa xỉ phẩm” hàm ý của hiếm và mỗi đơn vị đều có giá trị cao. Mỗi đơn
vị đều có giá trị cao nghĩa là món hàng đó dễ vận chuyển, thí dụ một ounce vàng
có giá trị tương đương với 500 cân gang.
Trong những giai đoạn đầu của nền kinh tế tiền tệ đang phát triển,
một vài phương tiện trao đổi có thể đã được sử dụng, vì nhiều loại hàng hóa có
thể đáp ứng được những điều kiện đã nói bên trên. Nhưng một món hàng sẽ thay
thế dần những món hàng khác vì được nhiều người chấp nhận hơn. Việc người ta
thích giữ vật gì làm của để dành sẽ biến nó thành món hàng được nhiều người
chấp nhận hơn, và đến lượt mình, điều này lại làm cho nó càng được nhiều người
hơn nữa chấp nhận. Sự thay đổi càng gia tăng cho đến khi món hàng đó trở thành
phương tiện trao đổi duy nhất. Việc sử dụng một phương tiện duy nhất có ưu việt
cực kì lớn, lí do thì cũng như những lí do làm cho nền kinh tế tiền tệ ưu việt
hơn nền kinh tế hàng đổi hàng: nó làm cho việc trao đổi khả thi trên quy mô lớn
hơn rất nhiều.
Phụ thuộc vào bối cảnh và trình độ phát triển của nền kinh tế mà
người ta chọn vàng, bạc, vỏ sò, gia súc hay là thuốc lá làm phương tiện trao
đổi duy nhất. Trên thực tế, trong những giai đoạn khác nhau, tất cả những thứ
đó đều đã từng được sử dụng làm phương tiện trao đổi. Thậm chí ngay trong thế
kỉ hiện nay hai món hàng chính là vàng và bạc đều đã và đang được sử dụng làm
phương tiện trao đổi trên bình diện quốc tế, và vàng càng ngày càng giữ thế
thượng phong. Vàng, do dễ chế tác và thiết thực, lại cũng tương đối hiếm cho
nên có ưu việt hơn hẳn tất cả những phương tiện trao đổi khác. Kể từ đầu Thế
chiến I, vàng hầu như đã trở thành tiêu chuẩn trao đổi quốc tế duy nhất. Nếu
tất cả các món hàng hóa và dịch vụ đều được thanh toán bằng vàng thì nhiều
khoản thanh toán sẽ khó thực hiện và điều đó sẽ hạn chế khả năng phân công lao
động và chuyên môn hóa. Vì vậy, sự mở rộng hợp lí của quá trình tạo dựng phương
tiện trao đổi là sự phát triển hệ thống ngân hàng và những công cụ tín dụng (tiền
giấy và tiền gửi), có tác dụng như là vật thay thế cho vàng và có thể chuyển
đổi thành vàng.
Hệ thống ngân hàng tự chủ dựa trên và có thể mở rộng hoạt động tín
dụng và bằng cách đó tạo ra tiền giấy và tiền gửi, phù hợp với nhu cầu sản xuất
của nền kinh tế. Những người có vàng được người ta khuyên – bằng cách trả tiền
lời – gửi vàng vào ngân hàng (họ có thể được nhận hóa đơn). Vì ít khi tất cả
những người gửi vàng đều muốn rút cùng một lúc tất cả số vàng của họ cho nên
người chủ ngân hàng chỉ cần giữ một phần số vàng trong kho mà thôi. Điều đó tạo
điều kiện cho ngân hàng cho vay số vàng nhiều hơn tài khoản bằng vàng của ông
ta. Nhưng số tiền ông ta có thể cho vay cũng không phải là tùy tiện: ông ta
phải đánh giá nó trong quan hệ với lượng dữ trữ và tình trạng đầu tư của chính
mình.
Khi ngân hàng cho vay tiền để đầu tư vào những hoạt động có hiệu
quả và sinh lời thì khoản tiền vay được hoàn trả một cách nhanh chóng và tín
dụng của ngân hàng tiếp tục phát triển. Nhưng khi các doanh nghiệp được ngân
hàng cho vay không có lãi nhiều hoặc trả chậm thì các ngân hàng sẽ nhanh chóng
nhận ra rằng các khoản cho vay của họ là lớn so với số vàng dự trữ và họ bắt
đầu cắt giảm những khoản vay mới, bằng cách áp dụng lãi suất cao hơn. Điều đó
sẽ dẫn đến việc hạn chế những khoản tài trợ cho các dự án mới và buộc những
người đang nợ phải cải thiện hoạt động của họ sao cho có lời hơn, trước khi
được vay những khoản mới để mở rộng hoạt động. Như vậy là, sử dụng chế độ bản
vị vàng, hệ thống ngân hàng tự chủ chính là người bảo vệ cho sự ổn định và sự
phát triển cân bằng của nền kinh tế. Khi vàng được đa số hay tất cả các quốc
gia chấp nhận như là phương tiện trao đổi thì bản vị vàng trên bình diện quốc
tế sẽ thúc đẩy việc phân công lao động trên bình diện toàn cầu và nền thương
mại quốc tế rộng rãi nhất. Thậm chí ngay cả những đơn vị trao đổi (dollar, bảng
Anh, franc Pháp…) khác nhau ở từng nước, nhưng khi tất cả đều được được xác
định bằng vàng thì nền kinh tế của các nước khác nhau sẽ hoạt động như một tổng
thể - đấy là nói khi không có những rào cản thương mại hay ngăn cản việc luân
chuyển vốn. Tín dụng, lãi suất và giá cả trong tất cả các nước sẽ có xu hướng
đi theo cùng một khuôn mẫu. Thí dụ, nếu các ngân hàng trong một nước nào đó mở
rộng tín dụng một cách quá tùy tiện thì lãi suất trong nước đó sẽ giảm, làm cho
những người gửi vàng ở đó chuyển vàng của họ sang những nước có lãi suất cao
hơn. Điều đó lập tức làm cho dự trữ vàng trong nước “dễ vay tiền” giảm đi, buộc
họ phải thắt chặt điều kiện cho vay và trở lại với lãi suất vay cao hơn.
Chưa bao giờ có hệ thống ngân hàng hoàn toàn tự chủ và bản vị vàng
hoàn toàn nhất quán. Nhưng trước Thế chiến I, hệ thống ngân hàng ở Mĩ (và tại
phần lớn các nước trên thế giới) đã dựa trên vàng và thậm chí đôi khi có bị các
chính phủ can thiệp thì nghiệp vụ ngân hàng vẫn tự chủ hơn là bị kiểm soát.
Theo chu kì, kết quả của việc tăng trưởng tín dụng quá nhanh, các ngân hàng cho
vay sát với giới hạn dự trữ vàng của họ, lãi suất tăng lên nhanh chóng, những
khoản tín dụng mới bị cắt và nền kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái đột ngột,
nhưng chóng qua. (So với suy thoái giai đoạn 1929-1933 thì suy thoái thời trước
Thế chiến I tương đối nhẹ nhàng). Chính dự trữ vàng có giới hạn đã ngăn chặn sự
bành trướng một cách thái quá hoạt động kinh doanh, trước khi nó có thể biến
thành thảm họa thời hậu Thế chiến I. Những giai đoạn điều chỉnh trong thời gian
này đều ngắn và các nền kinh tế nhanh chóng thiết lập được nền tảng vững chắc
để lại tiếp tục mở rộng hoạt động.
Nhưng
cả việc chẩn đoán lẫn đơn thuốc đều sai: nếu suy thoái là do ngân hàng thiếu dự
trữ - những người muốn can thiệp vào kinh tế khẳng định – thì tại sao lại không
tìm cách cung cấp thêm dự trữ cho các ngân hàng để họ không bao giờ bị thiếu
nữa! Nếu ngân hàng tiếp tục cho vay một cách không
hạn chế - họ tuyên bố - thì sẽ không bao giờ còn có hiện tượng đình trệ trong
kinh tế nữa. Và vì vậy mà hệ thống Ngân hàng dự trữ liên bang (Federal Reserve
System) đã được thành lập vào năm 1913. Hệ thống này bao gồm 12 ngân hàng liên
bang trong các khu vực, về danh nghĩa đây là các ngân hàng tư nhân, nhưng trên
thực tế lại được nhà nước đỡ đầu, kiểm soát và ủng hộ. Các khoản tín dụng vượt
mức do các ngân hàng này đưa ra trên thực thế là do quyền đánh thuế của chính
phủ liên bang chống lưng (tuy bất hợp pháp). Về mặt kĩ thuật, chúng ta vẫn dựa
vào bản vị vàng, các cá nhân được tự do sở hữu vàng, và vàng tiếp tục được sử
dụng làm dự trữ của ngân hàng. Nhưng bây giờ, ngoài vàng, các khoản tín dụng
vượt mức do các ngân hàng dự trữ liên bang đưa ra (dự trữ bằng tiền giấy) có
thể dùng như là tiền tệ chính thức để trả cho người gửi.
Khi hoạt động kinh doanh ở Mĩ trải qua thời kì suy thoái nhẹ vào
năm 1927, Ngân hàng dự trữ liên bang đã tạo ra khoản dự trữ tiền giấy lớn hơn
với hi vọng là có thể chặn đứng từ trước bất kì sự thiếu hụt dự trữ ngân hàng
nào. Nhưng, cố gắng của ngân hàng dự trữ liên bang trong việc trợ giúp Anh –
nước này bị mất vàng vào tay chúng ta vì ngân hàng Anh quốc không chịu nâng lãi
suất (không được ủng hộ về mặt chính trị) trong khi các lực lượng thị trường
đòi hỏi như thế – đã gây ra thảm họa lớn
hơn. Các chính phủ liên quan lập luận như sau: Nếu ngân hàng dự trữ liên bang
bơm thêm dự trữ tiền giấy vào các ngân hàng Mĩ thì lãi suất ở Mĩ sẽ giảm xuống
ngang với lãi suất ở Anh, điều đó sẽ chặn đứng cơn chảy máu vàng của Anh và
tránh được tình trạng bối rối về mặt chính trị vì phải tăng lãi suất. Ngân hàng
dự trữ liên bang đã thành công, nó đã chặn đứng được nạn chảy máu vàng; nhưng
trong quá trình đó nó đã suýt làm sụp đổ các nền kinh tế trên thế giới. Khoản
tín dụng thừa mứa mà Ngân hàng dự trữ liên bang bơm vào nền kinh tế đã tràn vào
thị trường chứng khoán, gây ra vụ bùng nổ đầu cơ không ai có thể tưởng tượng
nổi. Các quan chức của ngân hàng cố gắng hút bớt dự trữ dư thừa và cuối cùng đã
hãm phanh được vụ bùng nổ. Nhưng đã quá muộn: sự mất cân bằng mang tính đầu cơ
đã lớn đến mức cố gắng đó đã tạo ra sự cắt giảm chi tiêu một cách đột ngột và
hậu quả là làm mất sự tự tin của giới kinh doanh. Kết quả là nền kinh tế Mĩ sụp
đổ. Nước Anh còn tệ hơn, và thay vì tiếp thu toàn bộ hậu quả của chính sách sai
lầm trước đây thì nước này lại bãi bỏ hoàn toàn bản vị vàng vào năm 1931, xé
nát những gì còn sót lại của niềm tin và làm cho hàng loạt ngân hàng trên thế
giới bị phá sản. Các nền kinh tế trên thế giới rơi vào cuộc Đại khủng hoảng
trong những năm 1930.
Nhớ lại thế hệ trước, những người quốc gia khẳng định rằng cần
phải lên án bản vị vàng vì đã gây ra vụ sụp đổ tín dụng, dẫn đến cuộc Đại khủng
hoảng. Nếu không có bản vị vàng thì việc Anh không thanh toán vàng trong năm
1931 đã không làm các ngân hàng trên toàn thế giới phá sản, họ khẳng định như
thế. (Nực cười là từ năm 1913 chúng ta đã không dùng bản vị vàng mà dùng cái có
thể gọi là “bản vị vàng hỗn hợp”; như vậy là vàng không đáng bị lên án). Nhưng
chống đối việc sử dụng bản vị vàng dưới bất cứ hình thức nào – từ những người
ủng hộ nhà nước phúc lợi với số lượng ngày càng gia tăng – được thúc đẩy bởi
nhận thức tinh tế hơn nhiều: bản vị vàng không tương thích với mức thâm hụt
ngân sách kinh niên (dấu hiệu của nhà nước phúc lợi). Tước bỏ những thuật ngữ
khó hiểu có tính lí thuyết suông của họ thì nhà nước phúc lợi chính là cơ chế
mà nhà nước dùng nhằm tịch thu tài sản của những người có năng suất cao trong
xã hội để tài trợ cho những kế hoạch phúc lợi cực kì khác nhau. Cách tịch thu
hiệu quả nhất là thuế. Nhưng những người ủng hộ nhà nước phúc lợi nhanh chóng
nhận ra rằng nếu họ muốn giữ được quyền lực chính trị thì thuế phải có giới hạn
và họ phải quay sang với những chương trình chi tiêu với thâm hụt lớn, nghĩa là
vay tiền bằng cách tung ra trái phiếu chính phủ nhằm tài trợ cho những khoản
trợ cấp trên quy mô lớn.
Trong chế độ bản vị vàng, những khoản tín dụng mà nền kinh tế có
thể chu cấp được xác định bởi số lượng tài sản hữu hình của nền kinh tế, vì mọi
phương tiện tín dụng cuối cùng đều phải dựa trên một tài sản hữu hình nào đó.
Nhưng trái phiếu chính phủ thì không dựa vào tài sản hữu hình nào hết, đấy chỉ
là lời hứa của chính phủ là sẽ trả bằng những khoản thuế thu được trong tương
lai mà thôi, và không được thị trường tài chính hấp thu một cách dễ dàng. Số
lượng lớn trái phiếu chính phủ chỉ có thể được bán ra cho công chúng với điều
kiện là lãi suất càng ngày càng gia tăng. Vì vậy mà, với chế độ bản vị vàng,
những khoản chi tiêu thâm hụt của chính phủ sẽ cực kì bị hạn chế. Việc từ bỏ
bản vị vàng đã tạo điều kiện cho những người ủng hộ nhà nước phúc lợi sử dụng
hệ thống ngân hàng như là phương tiện gia tăng tín dụng một cách vô giới hạn.
Họ tạo ra những khoản dự trữ bằng tiền giấy dưới dạng các trái phiếu của chính
phủ - và thông qua một loạt bước đi phức tạp – các ngân hàng sẽ chấp nhận như
thể đấy là tài sản hữu hình và xử lí chúng như những khoản tiền gửi thực, nghĩa
là tương đương với những khoản gửi bằng vàng trước đây. Người giữ trái phiếu
chính phủ hay những khoản tiền gửi vào ngân hàng - do dự trữ tiền giấy tạo ra –
tin rằng mình có quyền đòi tài sản có thực. Không ai có thể điều khiển được
luật cung cầu. Khi cung tiền tăng lên một cách tương đối so với cung tài sản
hữu hình trong nền kinh tế thì giá chắc chắn sẽ tăng. Như vậy là, những khoản
thu nhập do những người có năng suất cao trong xã hội tiết kiệm được sẽ bị mất
giá. Khi sổ sách kế toán của nền kinh tế cuối cùng được làm cho cân đối thì
người ta mới phát hiện ra rằng sự mất giá đó chính là số hàng hóa mà chính phủ
đã mua cho mục tiêu phúc lợi hay những mục tiêu khác, bằng số tiền thu được từ
trái phiếu chính phủ, được tài trợ bằng những khoản mở rộng tín dụng của các
ngân hàng.
Không dùng bản vị vàng thì không có cách nào có thể bảo vệ được
những khoản tiết kiệm khỏi bị lạm phát cướp bóc. Không thể giữ được giá trị.
Nếu có thì chính phủ cũng làm cho nó trở thành bất hợp pháp, như họ đã làm với
vàng. Thí dụ, nếu mọi người đều quyết định chuyển tất cả các khoản tiền gửi của
họ trong ngân hàng thành bạc, đồng hay bất kì món hàng hóa nào khác và sau đó
không chấp nhận séc khi mua bán nữa thì các khoản tiền gửi trong ngân hàng sẽ
mất sức mua và những khoản tín dụng do chính phủ tạo ra trong ngân hàng sẽ
không còn giá trị mua hàng nữa. Chính sách tài chính của chính phủ phúc lợi đòi
hỏi rằng những người có tài sản không thể nào bảo vệ được mình.
Đấy chính là bí mật đáng khinh của những lời chỉ trích bản vị vàng
của những người ủng hộ nhà nước phúc lợi. Thâm hụt ngân sách đơn giản chỉ là
cách cướp bóc tài sản mà thôi. Vàng là vật cản, chống lại quá trình quỷ quyệt
đó. Nó là người bảo vệ cho quyền sở hữu tài sản. Hiểu được điều đó là hiểu được
lòng thù hận bản vị vàng của những người quốc gia.
Nguồn: http://constitution.org/mon/greenspan_gold.htm
"Hầu hết các nhà lịch sử tiền tệ nghĩ về thời kỳ Ngân hàng Quốc gia (1863 - 1913) như một giai đoạn mà hệ thống tài chính Mỹ vô cùng hư hỏng, lặp đi lặp lại các vụ bank run. Không phải như Greenspan nhìn bên ngoài.
ReplyDelete...
Phần hay nhất của câu chuyện này là Greenspan đảm nhiệm chủ tịch Fed một thời gian dài, và đã không xoắn lên. Nếu tôi đọc "Vàng và Tự do kinh tế" trước khi ông được bổ nhiệm có lẽ tôi sẽ hoảng loạn. Có lẽ điều này gợi ý rằng chúng ta có thể chỉ định Ron Paul để thay thế Bernanke, và tất cả mọi thứ sẽ tốt đẹp. Không, không bao giờ." - Stephen Williamson (Alan Greenspan and the Gold Standard)