Phạm Nguyên Trường dịch
Ở Nga, các sự kiện đang diễn ra tại Libya được bàn thảo thủ yếu từ quan điểm “chủ quyền quốc gia”, mà không hiểu sao ở ta người ta lại nói về nó với sự hồi hộp như thể đang nói về một nguyên lí thiêng liêng, vi phạm nó là một tội ác không thể tha thứ được, chỉ có thể đưa ra tòa án Nurember mới xứng đáng mà thôi. Không gì có thể biện hộ được cho một tội ác như thế - dù đấy có là giết người hàng loạt, tra tấn và bỏ tù vô tội vạ những người đối lập, cũng như những vụ ném bom các thành phố của nước mình như trường hợp Gaddafi. Câu hỏi về quyền của chính phủ quốc gia muốn làm gì với người dân nước mình cũng được, không ai được can thiệp, khẩn thiết đến nỗi lần đầu tiên nó đã làm cho tổng thống cãi nhau công khai với thủ tướng của mình.
Có thể hiểu được vì sao chủ quyền – được hiểu là quyền của chính phủ muốn làm gì với cái đất nước mà họ đã chiếm được cũng không ai được phản đối – lại cần đối với Putin đến như thế. Dĩ nhiên là không phải để tiến hành những cuộc tắm máu như Gaddafi đã làm hay là tra tấn hàng ngàn người trong mấy bức tường nhà giam. Không có gì khủng khiếp như thế cả, đơn giản chỉ là làm ăn, là việc kiếm tiền mà thôi. Cần phải xem xét một cách kĩ lưỡng xem từ điều khoản nào mà cái từ này lại trở thành thiêng liêng đến như thế, từ những người dân tộc chủ nghĩa đến những nhà dân chủ chủ nó đều có thể trở thành luận cứ có thể bịt miệng người ta trong bất kì cuộc tranh luận nào.
“Chủ quyền” là gì, nó xuất phát từ đâu? Tại sao khi nhắc đến từ này là trong đầu tất cả mọi người yêu nước đều như có một cái công tắc đã được bật lên, nó biến một người có tư duy lành mạnh thành một cái máy hát, nhai đi nhai lại điệp khúc của bài ca có từ cuộc chiến tranh trước đây, kiểu như “đồng ruộng của ta, kẻ thù đừng hòng dày xéo”, và nhìn người dám động chạm đến khái niệm thiêng liêng đó như nhìn vào một kẻ vô lại không đáng nói chuyện nữa vậy? Bài ca - dù chất lượng nghệ thuật của nó có như thế nào đi nữa – liên quan, trước hết, đến kẻ thù cụ thể - một chế độ có lẽ là phi nhân nhất trong lịch sử loài người (ý nói chủ nghĩa phát xít –ND), hơn nữa lại công khai, đấy là nói về phương diện ý thức hệ, không coi dân chúng những vùng bị chiếm đóng là người, theo đúng nghĩa của từ này. Thứ hai, nó liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược thực sự, đây không phải là “sự can thiệp vào công việc nội bộ” mà là xâm lược lãnh thổ và tiêu diệt tinh thần quốc gia của kẻ thù. Không thể hiểu nổi vì lí do gì mà người ta lại đặt chiến dịch dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc vào một nước thí dụ như Somalia vào cùng một hàng với cuộc xâm lăng của bè lũ phát xít.
Nói chung, muốn có chủ quyền thì trước hết phải có quốc chủ. Dễ hiểu và rõ ràng là nguyên tắc chủ quyền chỉ tồn tại ở nơi có chế độ quân chủ chuyên chế, ở đây, đất nước và dân chúng được coi là sở hữu riêng của nhà vua. Từ quan điểm như thế thì việc can thiệp vào quan hệ giữa người sở hữu và vật bị sở hữu đã là bất hợp pháp ngay từ định nghĩa rồi. Cuộc chiến tranh xâm lược trong hệ thống thế giới như thế lại hoàn toàn không phải là tội ác chống lại nhân loại, miễn là tất cả đều được thực hiện theo qui định, có tuyên chiến theo đúng luật cũng như các thủ tục khác đều được tuân thủ. Trước đây là của ông, bây giờ là của tôi, có chuyện gì chứ? Bây giờ thì ông đừng can thiệp nữa. Nhân tiện xin nói thêm rằng các chế độ quân chủ rất kiên định trong việc thực thi nguyên tắc này: nếu hành vi khuấy động dân chúng trong một nước khác, kích động họ đứng lên, được coi là hành động vô đạo thì việc giúp đỡ lân bang đàn áp bạo loạn và giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ và dân cư lại được coi là hành động hoàn toàn hợp pháp theo tiêu chuẩn thời đó. Chuyện đó nếu có làm một số người bất mãn thì đấy chính là những kẻ li khai, những kẻ dám cho rằng người đang sống hẳn hoi thì khó có thể được liệt vào khái niệm vật sở hữu và quan hệ của họ với chính phủ cần phải được điều chỉnh theo những nguyên tắc khác.
Trong chính thể cộng hòa – tôi không bàn về chế độ dân chủ, mà chỉ nói đến sự thiếu vắng một người chủ, một người có quyền sử dụng cả đất đai lẫn thần dân của ông ta được qui định trong pháp luật và không bị các nước láng giềng tranh chấp – thì nhân dân, về lí thuyết, được coi là quốc chủ. Nghĩa là tất cả những người đang sống trong nước và có quyền công dân. Ít nhất là người ta thường viết trong hiến pháp như thế, nước Nga không phải là ngoại lệ, có lẽ Libya cũng vậy. Trên thực tế đương nhiên là chẳng có “nhân dân” nào có quyền sử dụng vì hàng triệu người không thể nào thỏa thuận được về bất kì hành động nào nào đối với vật sở hữu chung của mình – và quyền sử dụng được trao cho một tổ chức gọi là “nhà nước”, cũng là “chính phủ”. Thế là xuất hiện sự chia tách mang tính tâm thần phân liệt: nếu ở trong nước, về lí thuyết, trong quan hệ với nhân dân “nhà nước” ở vị trí phụ thuộc và phải thực hiện ý chí của nhân dân, thì trên trường quốc tế người ta lại coi nó như là một ông-vua-tập-thể, cũng có quyền sở hữu đối với các thần dân của mình như các ông vua chính cống trước đây và trong quan hệ với các ông-vua-tập-thể khác thì đóng vai người chủ của đất nước và những người dân sống trong đất nước đó. Đấy chính là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ trong thời đại ngày nay.
Cần phải nói rằng khi chuyển từ chế độ quân chủ sang chế độ cộng hòa, nguyên tắc này vẫn được giữ không phải là do đời sống đã tốt đẹp, cũng không phải là do những quan niệm về tư tưởng hay lòng nhân ái, mà chỉ là một biện pháp bảo hiểm – để tất cả mọi người không lao vào đánh lẫn nhau mà thôi. Hai cuộc thế chiến đã chứng minh một cách rõ ràng rằng với trình độ phát triển vũ khí và phương pháp tiến hành chiến tranh tổng lực như hiện nay thì đánh nhau là công việc cực kì khủng khiếp. Rất khủng khiếp. Từ đó mới có nguyên tắc bất khả xâm phạm đường biên giới (mâu thuẫn với nguyên tắc về quyền tự quyết của các dân tộc – nhưng đây là đề tài của một câu chuyện khác) và không can thiệp vào công việc của cái tổ chức đang lãnh đạo các công việc và dân chúng sống trong một nước – về lí thuyết thì là những người tự do, có những quyền cá nhân nhất định. Đấy là một cơ cấu nhân tạo, nhưng đồng thời cũng rất hữu ích, giúp cho người ta giữ được nền hòa bình tương đối giữa các nước hay ít nhất là cũng giữ được hòa bình giữa các nước mạnh nhất và có nhiều vũ khí nhất. Một cơ cấu tốt, tóm lại là hữu ích, nhưng chẳng có liên quan gì đến đạo đức hay chủ nghĩa yêu nước hoặc bất kì một nguyên tắc thiêng liêng nào hết. Thỏa thuận mang tính kĩ thuật như thế là một trong những định chế nhằm điều tiết quan hệ giữa các nước trong thế kỉ XX. Nhưng sao không thấy ai thắp nhang trước hệ thống tiền tệ quốc tế gọi là Bretton-Wood hay nội qui của UNESCO. Có thể coi những qui định này là có ích hay có hại, có thể cho rằng việc phá hủy chúng sẽ dẫn đến thảm họa hay tiến bộ nhưng không thấy những tiếng gào thét hay những lời kết tội về mặt đạo đức trong những cuộc tranh luận giữa những người ủng hộ và những người phản đối việc lấy vàng làm đơn vị tiền tệ thay cho hệ thống Bretton-Wood.
Nếu nói một cách bình tĩnh thì không phải các tổ chức mà con người mới có các quyền và quyền tự do – kể cả quyền không được can thiệp. Trước hết là quyền nhận giúp đỡ - trong trường hợp bị bạo hành một cách phi pháp – từ tất cả những người đồng ý và không sợ đưa bàn tay trợ giúp ra. Nhằm bảo vệ “hòa bình trên toàn thế giới” có một thời người ta quyết định bỏ quên quyền này, có nhiều khả năng là lúc đó đấy là một quyết định sáng suốt, ít gây hại hơn là ngược lại. Nhưng đây không phải là lí do để làm bộ rằng quyền này hoàn toàn không tồn tại hay không quan trọng bằng quyền của các công ty của các nhân vật với những quyền hành rất đáng ngờ - còn những tên độc tài như Gaddafi thì còn không thể viện cớ rằng nhân dân có chủ quyền đã giao cho hắn ta quyền sử dụng cuộc sống và tài sản của người dân như tài sản riêng của hắn. Đấy là lí do để ta suy nghĩ về cách thực thi quyền đó mà không làm đổ những thứ mà nếu làm đổ thì hậu quả sẽ thật là khủng khiếp.
Ela Paneyakh là nhà xã hội học, cộng tác viên cao cấp của Viện các vấn đề pháp lí của Trường đại học châu Âu ở Saint-peterburg.
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inliberty.ru/blog/epaneyakh/3054/
No comments:
Post a Comment