Pages

November 26, 2024

Công giáo Việt Nam – Từ đế chế đến quốc gia (5)

  Charles Keith

Phạm Nguyên Trường dịch

Công giáo Việt Nam – Từ đế chế đến quốc gia 


4

Truyền thống Công giáo Việt Nam trước thử thách

 

Ngô Tử Hạ sinh năm 1882, trong một gia đình nghèo ở Ninh Bình, gần nhà thờ lớn Phát Diệm. Anh đủ thông minh để có thể theo học một thời gian, cuối cùng anh rời khỏi làng ra Hà Nội, cách đó một trăm cây số và là một thế giới xa lạ; anh tìm được chân thư ký quèn trong bộ máy cai trị đang phình lên của người Pháp. Anh rất tiết kiệm cho đến khi đủ tiền mua một khoảnh đất nhỏ. Đến tuổi 30, Ngô Tử Hạ đã khá giàu, đủ sức tự mình mở sông ty. Nhưng anh không theo con đường làm giàu bình thường mà lao một ngành mới đang phát triển lúc bấy giờ - đấy là ngành in. Năm 1915, Ngô Tử Hạ thành lập một trong những nhà máy in thành công nhất và tồn tại lâu dài nhất ở Hà Nội, nhà máy này in đủ thứ, từ các nghị định của chính quyền thực dân đến các tập truyện ngắn. Đến năm 1945, ông là một trong những người có ảnh hưởng nhất ở Hà Nội, và là một trong những thành viên đầu tiên của chính phủ Hồ Chí Minh và trở thành nhân vật trung gian giữa các quan chức của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và cộng đồng Công giáo trong khu vực của ông. Nhà máy của ông cũng in những tờ tiền giấy đầu tiên của chính phủ cách mạng.

Ngô Tử Hạ trở thành người giàu có và quyền lực bằng cách khơi dòng cho một trong những lực lượng năng động nhất trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Như David Marr và những người khác đã chỉ ra, sự phát triển nhanh chóng chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ XX, cả trong vai trò phương tiện hành chính lẫn phương tiện cải cách và hiện đại hóa xã hội, đã đóng góp vào việc làm gia tăng số người biết đọc biết viết và làm cho việc in ấn trở thành phương tiện chủ yếu cho việc biến đổi văn hóa trong giai đoạn thuộc địa. Cuộc cách mạng trong nhận thức như thế, bằng cách đưa người Việt Nam đến với một loạt tư tưởng mới, chưa từng có trước đây, về cá nhân và xã hội, là cuộc cách mạng cực kỳ quan trọng đối với ý thức đang gia tăng về cộng đồng dân tộc và những hình thức chống đối mới trước chính quyền Pháp, tức là những hiện tượng mới xuất hiện vào cuối thời thuộc địa. Nhưng, phải có những cố gắng khác nhau và thường là hoàn toàn trái ngược nhau mới có thể hiểu được những thay đổi về mặt xã hội và thách thức về mặt chính trị ám chỉ rằng những cuộc cách mạng trong ý thức vừa phức tạp vừa vượt ra ngoài phạm vi quốc gia ngay tại cốt lõi của nó, vì những luồng tri thức từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản và nhiều nơi khác đã định hình những phong trào ở Việt Nam, từ chủ nghĩa hiện đại đến chủ nghĩa cộng sản theo những cách rất khác nhau. Trong đời sống Công giáo Việt Nam, việc lan truyền tài liệu in ấn có nghĩa là gia tăng trao đổi với thế giới Công giáo toàn cầu. Các linh mục và những thày giảng tìm được từ mạng lưới trên toàn thế giới những văn bản và tư tưởng cho việc huấn luyện và nghề nghiệp của mình, và những sách vở mới từ tiểu thuyết cho đến những bản hướng dẫn đã giúp cho Giáo dân suy nghĩ về và trải nghiệm đức tin của họ trong quan hệ với những thay đổi về mặt văn hóa đang vần vũ xung quanh họ.    

 

IN ẤN TRONG ĐỜI SỐNG CÔNG GIÁO TRƯỚC THẾ KỶ XX:

NỀN TẢNG VÀ CHUYỂN HÓA

 

Từ thế kỷ XVII, cộng đồng Công giáo ở Việt Nam đã trở thành nơi hoạt động sôi nổi về văn học và trí thức. Điều này một phần là do các nhà truyền giáo là những người sản xuất và truyền bá kiến thức quan trọng. Nổi tiếng nhất trong các nhà truyền giáo này là Alexander de Rhode, một thày tu dòng Tên, xuất thân từ vùng Avignon, đến Đàng Trong năm 1624 và đã ở lại cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài suốt gần hai thập kỷ sau đó. De Rhodes đến Đại Việt vào lúc khi mà dòng Tên (Society of Jesus) đang chuẩn bị cho điều mà họ hy vọng là sẽ bành trướng mạnh mẽ trên đất nước này. Ngôn ngữ, bao giờ cũng thế, là một thách thức; như de Rhodes viết: “Khi tôi đến Nam Kỳ và khi tôi nghe người bản xứ, nhất là phụ nữ nói, tôi có cảm tưởng đang nghe chim hót và tôi chẳng có hy vọng gì là sẽ có thể học được”[1]. Các giáo sĩ dòng tên bắt dầu học tiếng Việt ngay từ khi họ đặt cân tới đây, nhưng nhiều người không biết chữ Hán hay chữ Nôm – một loại chữ tượng hình thông dụng để viết tiếng Việt. Không có phương tiện truyền đạt được mọi người công nhận giúp ghi lại cái ngôn ngữ mà họ đang tìm cách học, các thày tu dòng Tên bắt đầu phát triển nó bằng cách sử dụng chữ cái Latin. Quá trình này đã bắt đầu từ trước khi de Rhodes tới Việt Nam, nhưng do thiếu nhiều văn bản viết tay - hay đơn giản là thiếu những công trình được các bậc tiền bối của ông tổ chức và hệ thống hóa - mà de Rhodes dựa vào để làm nên công trình của mình nên không rõ là ông đã đóng góp đến mức nào trong việc “phát minh” ra cái mà sau này được gọi là chữ quốc ngữ[2]. Dù sao mặc lòng, de Rhodes đã sáng tác được những tác phẩm đầu tiên được xuất bản bằng thứ chữ cái này, đấy là cuốn từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) và cuốn sách dạy giáo lý Phép giảng tám ngày, cả hai tác phẩm này đều được xuất bản vào năm 1651[3].

Nguồn gốc Công giáo của bảng chữ cái mà sau này trở thành thông dụng trong nước Việt Nam hiện đại che dấu, thậm chí chế nhạo, thế giới văn hóa phức tạp của đời sống Công giáo thời tiền thuộc địa, khi chữ quốc ngữ còn nằm ở bên lề của thế giới bị chữ nôm và chữ Hán thống trị. Thực vậy, trong những điều mà de Rhodes chú ý thì Geronimo Maiorica, cũng là một thày tu dòng Tên và đến Nam Kỳ cùng với de Rhodes, có thể là một cửa sổ tốt dẫn vào đời sống tinh thần của tín đồ Công giáo Việt Nam trong thế kỷ XVII. Maiorica hoạt động chủ yếu ở Nghệ An, ở đây ông đã viết một loạt tác phẩm về các thánh, về những câu chuyện trong Phúc âm, bí tích và luân lý thực hành bằng chữ Nôm; có thể ông cũng đã từng viết kịch bản và thơ nữa. Công trình của Maiorica phản ánh niềm tin của ông rằng việc truyền bá các văn bản có thể giúp xây dựng ở Bắc Kỳ một Giáo hội mang tính chính thống hơn và dễ quản lý hơn; quan trọng hơn là, công trình của ông minh họa cho tầm quan trọng của sách in, chủ yếu là bằng chữ Nôm, trong đời sống và hoạt động của giáo sĩ và giới tinh hoa bản xứ trong đời sống Công giáo Việt Nam thế kỷ XVII. Maiorica được ít nhất là một và có thể là một vài thày giảng giúp đỡ khi ông viết những tác phẩm của mình, nhiều cuốn trong số đó dựa vào những bài văn Nôm hiện có lúc bấy giờ[4].

Từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, sự gia tăng của các hội truyền giáo và sự bành trướng của bộ máy quản lý nhà nước đã tạo ra những thay đổi quan trọng cho các văn bản và đời sống văn học của cộng đồng Công giáo Việt Nam. Sự bành trướng của truyền giáo làm cho văn học ngày càng trở thành thành phần quan trọng trong việc giáo dục giáo sĩ, họ dịch ngày một nhiều các tác phẩm tôn giáo và soạn ra hay sao lại những bức thư trao đổi của các giáo phận đang ngày càng quan liêu hóa hơn (do địa vị bấp bênh của các nhà truyền giáo ở trong nước mà họ thường xuyên phải chuyển từ chỗ này đến chỗ kia). Cùng với sự bành trướng của các giáo phận, biết chữ Latin trở thành quan trọng hơn đối với các giáo sĩ, những người cần phải đọc và dịch các văn bản viết ở bên ngoài Việt nam; đến cuối thế kỷ XIII, việc học chữ Latin đã trở thành thành phần không thể thiếu của phần lớn các linh mục Bắc Kỳ[5]. Đặc biệt là trong thế kỷ XIX, các giáo sĩ Việt Nam được đào tạo một cách hệ thống hơn về chữ Hán, với mục đích là chuẩn bị cho họ thực hiện chức năng trong việc tương tác giữa các cộng đồng tôn giáo và bộ máy quản lý của nhà Nguyễn đang ngày càng lớn lên. Trước những năm 1840, nhiều giáo phận đã thuê các học giả để dạy các chủng sinh chữ Hán, mặc dù họ đã kiểm tra kĩ lưỡng tài liệu học tập, không để các chủng sinh bị các tư tưởng “mê tín dị đoan” quyền rũ[6]. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII, quốc ngữ ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong đời sống Công giáo Việt Nam. Từ thế kỷ XVII đã có các bài kinh cầu nguyện và tác phẩm văn học bằng chữ quốc ngữ, nhưng sự vùng lên của thứ chữ này vào hồi cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có thể là do sự ủng hộ của truyền giáo cho thứ chữ này như là phương tiện đào tạo các giáo sĩ và thày giảng, khuyến khích người ta cải đạo và quản lý các giáo phận khi chúng lớn dần lên[7]. Vị trí ngày càng gia tăng của chữ viết này trong đời sống Công giáo được thể hiện bằng số tác phẩm được viết trong giai đoạn này, nổi bật nhất là bản thảo cuốn từ điển Latin-quốc ngữ của Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) được soạn vào năm 1772, cũng như các bản thảo của Philipê De Rosario Bỉnh, linh mục dòng Tên đầu tiên của Việt Nam, người đã sống phần lớn giai đoạn trưởng thành ở Lisbon. Những cuốn từ điển, các công trình về ngôn ngữ học, những cuốn lịch sử tôn giáo và tiểu sử của Philipê Bỉnh là những ví dụ tuyệt vời nhất về vai trò quan trọng của chữ quốc ngữ trong đời sống Công giáo cho đến đầu thế kỷ XIX[8].

Vai trò quan trọng ngày càng gia tăng của chữ quốc ngữ trong đời sống Công giáo hoàn toàn không có nghĩa là bảo đảm được ưu thế của nó trong giai đoạn cuối thời thuộc địa. Thực vậy, thậm chí trong nửa sau thế kỷ XIX, một số trí thức Công giáo lỗi lạc còn tiếp tục nghi ngờ thứ chữ này. Năm 1867, trong bản điều trần gửi triều đình nhà Nguyễn về cải cách ngôn ngữ, Nguyễn Trường Tộ khẳng định rằng một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà xã hội Việt Nam đang đối mặt là ít người biết đọc biết viết và không có hệ thống chữ viết đã được tiêu chuẩn hóa. Nhằm sửa chữa tình trạng này, ông đề xuất cái mà về căn bản có thể coi là cách viết chữ Nôm, tiêu chuẩn hóa quan hệ của nét chữ và âm tiết mà nó thể hiện, một hệ thống mà ông tin là sẽ giúp những người dân bình thường học đọc. John DeFrancis và Trương Bửu Lâm chỉ ra rằng các luận cứ của Nguyễn Trường Tộ làm người ta ngạc nhiên vì ông không nhắc gì đến chữ quốc ngữ, mà là tín đồ Công giáo, ông chắc chắn phải biết. Mặc dù Nguyễn Trường Tộ tránh thảo luận về chữ quốc ngữ vì nó có liên hệ với người Pháp, tức là những người trước đó đã sử dụng chữ viết này trong công việc quản lý ở Nam Kỳ, niềm tin của ông rằng những chữ cái này có thể trở thành nền tảng của hệ thống chữ viết của dân tộc vẫn đáng kể vì ông vừa là một Giáo dân vừa là một trí thức canh tân[9]. Mặc dù có thể là quá mạnh mẽ khi tuyên bố rằng quan điểm của Nguyễn Trường Tộ là đại diện cho tư duy “Công giáo”, nhưng ông là ví dụ tốt để minh họa rằng sự vươn lên của chữ quốc ngữ trong đời sống Công giáo do nguồn gốc Công giáo của thứ chứ này thì ít, mà phần nhiều là do chính sách của chính quyền thuộc địa và chương trình hiện đại hóa đã dẫn tới sự vươn lên của nó trong xã hội Việt Nam nói chung.

Mặc dù sách in có vị trí sống động trong đời sống trí thức Công giáo, nhưng cho đến thế kỷ XX nó vẫn là hiện tượng ngoại vi trong đời sống hàng ngày của các Giáo dân. Nghi lễ Công giáo trước hết là bằng tiếng nói, với những lời cầu kinh, bài hát và những câu chuyện được truyền qua những bài thuyết giảng trong các buổi lễ hay trong các lớp học giáo lý. Trên thực tế, khả năng nhớ những câu chuyện này của các Giáo dân thường làm các nhà truyền giáo ngạc nhiên[10]. Các văn bản ban đầu thường được lưu truyền giữa các giáo sĩ và giới tinh hoa. Có những bằng chứng chứng tỏ rằng sự vươn lên của chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ XIX có ảnh hưởng tới trình độ đọc viết của quần chúng: Jacob Ramsay ghi nhận rằng trong thời gian đó những kỳ thi giáo lý tổ chức công khai đòi hỏi khả năng đọc hiểu đã bắt đầu được tổ chức ở Nam Kỳ[11]. Nhưng, có nhiều khả năng là phần lớn các Giáo dân hồi cuối thế kỷ XIX giỏi nhất thì cũng chỉ có khả năng đọc viết khá hạn chế, chỉ có thể nhận mặt một số chữ cái hay từ hay viết được tên vào hợp đồng chứ không thể đọc viết lưu loát được[12]. Constant Poncet, một nhà truyền giáo ở Phát Diệm, đánh giá rằng đầu thế kỷ XX cứ mười người đàn ông thì có chín người mù chữ và hầu như tất cả phụ nữ khu vực của ông đều không biết đọc[13]. Trên thực tế, vào thời điểm và ở những nơi mà ít người Việt Nam, cả Công giáo lẫn không Công giáo, được đi học thì biết đọc biết viết và tiếp xúc được với kiến thức chuyên môn là lý do quan trọng làm cho những Giáo dân có tài năng tham gia vào hàng ngũ linh mục[14].

Sự phát triển sách in trong đời sống Công giáo thời thuộc địa gia tăng từng bước và không đồng đều; trong nhiều khía cạnh, cho đến mãi thế kỷ XX đấy vẫn là hiện tượng ngoại vi trong đời sống của nhiều Giáo dân. Nhưng, bắt đầu từ những năm 1860, một loạt những thay đổi đã thiết lập nền tảng cho cái mà sau này – đến những năm 1930 – trở thành lĩnh vực in ấn sống động hơn và ảnh hưởng rộng hơn đối với đời sống Công giáo. Có thể sự phát triển có ý nghĩa nhất là công nghệ mới. Trước những năm 1860, phần lớn các văn bản từ nhà in của MEP được sản xuất bằng một trong hai phương pháp sau đây: hoặc là viết bằng tay hay được in bằng mộc bản, mặc dù trước những năm 1840 một số nhà truyền giáo đã đưa lậu sang được một số máy in nhỏ[15]. Điều đó đã làm thay đổi cùng với việc thành lập hai nhà in đầu tiên của MEP ở Kẻ Sở (gần Hà Nội) vào năm 1869 và ở Tân Định (gần Sài Gòn) vào năm 1874, cả hai đều có các máy in cơ khí. Sau này còn có hai nhà máy in nữa được xây dựng, một ở Qui Nhơn, năm 1904 và cái kia ở Phát Diệm, năm 1912. Các nhà máy in của MEP đã giúp làm cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chiếm ưu thế trong đời sống Công giáo ngay từ đầu thế kỷ XX vì in chữ quốc ngữ dễ hơn chữ tượng hình.

Ngoài công nghệ, tình hình chính trị Việt Nam trong ba mươi năm cuối thế kỷ XIX đã tạo ra những hậu quả quan trọng đối với hoạt động in ấn Công giáo. Việc Pháp chiếm Nam Kỳ và áp lực ngoại giao ngày càng gia tăng lên triều đình nhà Nguyễn ở Bắc và Trung Kỳ giúp các tín đồ Công giáo không chỉ in ấn dễ dàng hơn mà còn dễ nhập khẩu sách vở hơn; vì vậy, những tài liệu được in tại các nhà in của MEP ở Hồng Công, ở Pondicherry và ở Paris bắt đầu được đưa vào Việt Nam ngày một nhiều hơn. Ở Nam Kỳ, người Pháp bỏ các kỳ thi quốc gia, vốn được dùng làm cơ sở cho việc tuyển chọn quan chức cho bộ máy quản lý nhà nước và bắt đầu thúc đẩy chữ quốc ngữ như là phương tiện quản lý hành chính. Đấy là một món hời đối với nhà in Tân Định, nơi in nhiều tác phẩm, đặc biệt là những cuốn sách giáo khoa bằng quốc ngữ, được dùng để huấn luyện các nhà quản lý trong bộ máy hành chính thuộc địa. Người Pháp còn đưa những người ủng hộ chữ quốc ngữ vào những vị trí đầy quyền lực. Nổi bật nhất là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, vai trò của hai ông này trong tờ báo bằng quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo và trong vai trò của người viết sách, dịch giả, biên dịch hàng chục tác phẩm bằng chữ quốc ngữ, họ đã có ảnh hưởng rất lớn đối với việc truyền bá thứ chữ viết mới này. Bắc Kỳ và Trung Kỳ, phần lớn Giáo dân sinh sống ở hai vùng này, tình hình có khác; phần lớn bộ máy của triều đình nhà Nguyễn ở những vùng này vẫn còn giữ nguyên như cũ đã giúp cho việc bảo tồn chữ tượng hình trong đời sống văn hóa. Việc phổ biến chữ quốc ngữ diễn ra chậm hơn, vì vậy mà đầu thế kỷ XX các nhà in của MEP ở Bắc Kỳ vẫn tiếp tục in các văn bản bằng chữ Nôm và chữ Hán.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Pháp đã dẫn tới những thay đổi, cả trực tiếp lẫn lâu dài, trong tính chất và vai trò của các văn bản của truyền giáo. Quyền tự do mới của phong trào truyền giáo và sự gia tăng liên tục nhân lực truyền giáo cùng với công nghệ in ấn mới đã tạo điều kiện cho việc sản xuất và phổ biến kiến thức của truyền giáo. Một số lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là ngôn ngữ và ngôn ngữ học, vốn là những lĩnh vực mà truyền giáo am tường; trên thực tế, một trong những cuốn từ điển quan trọng nhất trong giai đoạn đầu thời thuộc Pháp là công trình của Jean-Louis Taberd soạn năm 1833 và được xuất bản năm 1877. Những nhà truyền giáo khác của MEP, nổi bật nhất là Legrand de la Liraye (1868), Marie-Antoine-Louis Caspar (1877), và Jean-François-Marie Génibrel (1898), đã soạn được những cuốn từ điển có nhiều ảnh hưởng. Trong khi những người khác thì viết sách về ngữ pháp và những cuốn sổ tay về hội thoại, như cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (Grammaire annamite - 1872) của Denis Jourdain, cũng như cuốn Sổ tay hội thoại Pháp-Việt (Manuel de conversation franco-tonkinois -1889) của Henri- François Bon và Jean-Baptiste Dronet. Chính quyền Pháp không chỉ tạo điều kiện cho việc sáng tác những tác phẩm như thế, mà những sản phẩm đã hoàn thành còn trở thành phương tiện tích cực trong việc trợ giúp công việc đó - dù người ta có chủ định làm như thế hay không – đấy là tạo điều kiện cho các nhà quản lý mới tới học tiếng Việt và chuyển tải ngôn ngữ của người Pháp ở đó cho giới tinh hoa Việt Nam.

Những kiến thức khác của truyền giáo cũng có đóng góp vào nhận thức ngày càng gia tăng về thuộc địa. Nhiều “công trình dân tộc học” của truyền giáo, từ những công trình nghiên cứu nhân loại học nghiêm túc đến những tác phẩm mô tả những chuyến du hành, đã được xuất bản ngay trong giai đoạn đầu thời thuộc địa, và trong hàng chục năm sau chúng vẫn là những tác phẩm tốt nhất (và thường là duy nhất) viết về các hệ thống tín ngưỡng và các hoạt động văn hóa của người Việt và các nhóm dân thiểu số khác. Các nhà truyền giáo đã quan sát và viết về những chuyện như thế hàng thế kỷ rồi, nhưng công việc này phản ánh những đề tài mang tính khoa học hơn, góp phần định hình các nhà truyền giáo thuộc thế hệ đó, cũng như khuôn khổ tri thức của môn nhân loại học mang tính thực dân thời đó. Nhà khoa bảng truyền giáo có ảnh hưởng nhất là Léopold Cadière, những tác phẩm nghiên cứu dân tộc học của ông này về tín ngưỡng và hoạt động xã hội trong đời sống gia đình và làng xã đã định hình những quan điểm mới về “tôn giáo của người Việt Nam” như một hệ thống văn hóa[16]. Việc nghiên cứu dân tộc học của các nhà truyền giáo trên vùng cao, nơi các nhà truyền giáo là những người châu Âu duy nhất có mặt tại đó, đặc biệt có ảnh hưởng đối với nhận thức của người Pháp về những khu vực này. Tác giả nổi bật nhất trong lĩnh vực này là ông François-Marie Savina, trong suốt gần bốn mươi năm sống ở Hưng Hóa, ông này đã làm được mấy cuốn từ điển và từ vựng của một loạt ngôn ngữ cũng như nhiều tác phẩm về dân tộc học và lịch sử[17]. Các nhà truyền giáo như Cadière và Savina cộng tác với Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), tác phẩm của họ thường xuất hiện trên các tạp chí thuộc địa như Bản tin của Trường Viễn Đông (Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient), Bản tin của những người bạn của cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieaux Hué) và Bản tin của Hội nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Etudes Indochinoise)[18].

Ít bài tường thuật của các nhà truyền giáo, đóng vai người quan sát và người tham gia, được người thời ấy coi là những công trình khoa học nghiêm túc, nhưng điều đó không làm giảm được ảnh hưởng của chúng. Từ những năm 1880 đến Thế chiến I, ngày càng có nhiều người trong giới văn chương Pháp tìm hiểu về đế quốc thuộc địa đang phình ra của nước họ qua các tạp chí truyền giáo như Annales de la Propagation de la Foi và Missions Catholiques, những tờ tạp chí này kể lại những câu chuyện ở những phương trời xa, những con người kỳ lạ và những anh hùng truyền giáo đánh liều mạng sống và sức khỏe của mình để mang linh hồn và nền văn minh Pháp tới những khu vực còn tăm tối. Trong khi những tờ tạp chí truyền giáo này là một phần của cố gắng có chủ đích nhằm xác định lại hình ảnh của công việc truyền giáo trong thời đại thế tục hóa và bành trướng của chủ nghĩa đế quốc, chúng còn phản ánh sự nhạy cảm về dân tộc và sắc tộc của các nhà truyền giáo, những người tự coi mình là đang làm công việc của Chúa và công việc của nước Pháp, và họ đã có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với nhận thức của người dân về sứ mệnh khai hóa của nước Pháp[19]. Nhiều cuốn lịch sử truyền giáo được xuất bản từ những năm 1880 đến những năm 1920 – nhất là những tác phẩm do nhà sử học tên là Adrien Launay của MEP chấp bút - cũng có vai trò tương tự. Được viết trong giai đoạn vàng son của những cuốn lịch sử mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa được nhiều người ưa thích, những tác phẩm này có đóng góp khá lớn vào việc bình thường hóa những tư tưởng căn bản của thời thực dân như sự tồn tại của dân tộc “An Nam” ngay từ thời tiền sử, sự phân chia vĩnh viễn và không thể hàn gắn giữa tín đồ Công giáo và phần còn lại của xã hội “An Nam” và chủ nghĩa yêu nước của các nhà truyền giáo, cũng như vai trò công cụ của họ trong việc củng cố chính quyền của Pháp[20].

Những bản báo cáo của người Pháp về các thánh tử đạo, kể lại những câu chuyện về sự hy sinh của các nhà truyền giáo gợi lại cho độc giả thấy rằng họ đã sống và chết vì nước Pháp và vì Chúa đã có ảnh hưởng đặc biệt trong khía cạnh này. Thí dụ như cuốn sách mỏng nhan đề Patriots et Martyrs en Chine at au Tonkin (Những người yêu nước và các thánh tử đạo ở Trung Quốc và ở Bắc Kỳ), xuất bản năm 1901 bởi Hiệp hội thánh Augustin (Société de Saint Augustin), một tổ chức quyên tiền cho công việc truyền giáo. Cuốn sách mỏng này, một sự hỗn hợp của tu từ học truyền giáo và chủ nghĩa dân tộc, trình bày tinh thần tử đạo và chủ nghĩa dân tộc là những phạm trù không thể tách rời. Trong bài tường thuật về cuộc xâm lăng Bắc Kỳ, “các nhà truyền giáo trở thành đại úy và chiến sĩ Công giáo,” và cuộc chinh phục đã thành công vì “nước Pháp, xúc động sâu sắc trước những cái chết của những người con của mình, đã thề trả thù cho họ.” Trong những văn bản đó, cứu rỗi và chiến thắng quân sự là không thể tách rời: “Chiến thắng và giải cứu!” được tiếp nối bởi “lời cầu nguyện cho người chết” và “lời tha thứ cho kẻ thù”[21]. Như Launay viết về những tín đồ Công giáo chết ở Bắc Kỳ: “nếu họ phải chết thì tốt nhất là chết với vũ khí trong tay”[22].

Dù sách in có quan trọng đến mức nào trong việc liên kết sự nghiệp truyền giáo với việc hình thành kiến thức và huyền thoại thuộc địa thì điều quan trọng là không được phóng đại mối liên hệ này. Trong hàng trăm nhà truyền giáo của MEP từng ở Việt Nam trong thời thuộc địa, chỉ có ít người viết được điều gì đó, chưa nói có giá trị hay không. Những người lãnh đạo MEP thường có thái độ thù địch với các nhà truyền giáo viết lách, họ coi hoạt động này là bất lợi cho việc khuyến dụ người dân cải đạo và là hình thức hợp tác không cần thiết với chính quyền thế tục. Ví dụ như Léopold Cadière, ông này đã bị người ta ghét vì tham gia vào những cuộc hội thảo và có chân trong các tổ chức học thuật như EFEO và Hội những người bạn của cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué), thậm chí ông còn nhận được các bài của mình bị sửa chữa lại cho thêm phần sốt sắng và bớt tính khoa học để in trong các tạp chí Công giáo. “Sẽ dễ dàng hơn, nếu tôi là một tu sĩ dòng Tên”[23] Léopold Cadière đã từng nhận xét như thế. Vì sau Thế chiến I, số nhà truyền giáo giảm đi, còn các thiết chế thuộc địa thì gia tăng, các sản phẩm khoa học của truyền giáo chỉ còn chiếm một phần nhỏ hơn trong khối lượng kiến thức mà lúc này đã được những người Việt Nam trước tác theo các phương pháp học thuật do người Pháp đào tạo.

In ấn, đương nhiên, cũng có thể trở thành bãi chiến trường giữa các quan chức Pháp và các nhà truyền giáo. Các hội viên hội Tam điểm và những tiếng nói bài tôn giáo khác thường lên tiếng trên những tờ báo cánh tả, còn các nhà truyền giáo và những người ủng hộ họ thì đáp trả bằng cách tương tự trên tờ L’Avenir du Tonkin, một tờ báo ra hàng ngày của MEP. Báo chí mang tới tin tức từ chính quốc, mà hồi cuối thế kỷ thường tiếp thêm năng lượng và làm cho những cuộc tranh luận ở khu vực càng dữ dội thêm. Các hội truyền giáo còn sử dụng khả năng đang gia tăng của họ trong việc in ấn sách vở nhằm phản bác và tấn công những người phê phán họ, tương tự như Jean Guerlach, một nhà truyền giáo của MEP, trả lời người lớn tiếng bài giáo sĩ là Camille Pâris[24]. Mặc dù chính quyền thuộc địa ít khi kiểm duyệt các xuất bản phẩm Công giáo, một vài vụ kiểm duyệt cũng đủ làm cho các nhà truyền giáo cho rằng các quan chức có thái độ thiên lệch. Năm 1917, các quan chức Pháp buộc tội tổng biên tập tờ L’Avenir du Tonkin vì ông này đã cho công bố bức điện mật liên quan tới “những câu hỏi khác nhau về quân sự, đặc biệt là việc triển khai một số đơn vị ở Pháp.” Ông này bị phạt 200 francs và bị tù tám ngày[25]. Năm 1927, toàn quyền, ông Alexandre Varenne, một đảng viên xã hội, đã lên tiếng phản đối việc tờ báo này ủng hộ phong trào Action Française, một phong trào Công giáo cánh hữu và ép MEP cách chức tổng biên tập[26]. Năm 1937, tờ báo này còn bị mất khoản tiền tài trợ của chính phủ vì một bài xã luận đã gọi bộ trưởng ngoại giao Pháp, ông Aristide Briant, là “vũ phu” sau khi ông này nói rằng giữ quan hệ ngoại giao với Vatican là việc làm vô giá trị[27].

Dĩ nhiên là, công nghệ in ấn mới và điều kiện mới trong việc sản xuất các tài liệu tạo ra ảnh hưởng có ý nghĩa nhất đối với chính những tín đồ Công giáo. Giai đoạn đầu thế kỷ XX là trung tâm địa chấn của cuộc cách mạng thật sự trong lĩnh vực ngôn ngữ học ở Việt Nam. Các quan chức Pháp, ban đầu tỏ ra nghi ngờ việc không dùng chữ tượng hình làm hệ thống chữ viết chính trong bộ máy cai trị của nhà Nguyễn ở Bắc và Trung Kỳ, bắt đầu ủng hộ một cách quyết liệt hơn việc sử dụng quốc ngữ làm phương tiện quản lý và giáo dục ở những vùng lãnh thổ bảo hộ[28]. Mặc dù chẳng có mấy quan chức Pháp tin rằng một ngày nào đó tiếng Pháp sẽ trở thành thông dụng ở Việt Nam, tuy nhiên, tiếng Pháp, như ngôn ngữ của chính trị và văn hóa, đã gia tăng nhanh chóng và liên tục. Có thể điều quan trọng nhất là, nhiều trí thức Việt Nam lúc đó tin rằng việc cai trị của người Pháp và chiến thắng của Nhật trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật hàm ý Việt Nam cần phải nắm lấy một kiểu hiện đại hóa đặc biệt nhằm thoát khỏi địa vị phụ thuộc. Mặc cho sự hiện diện sâu đậm của chữ Nôm và chữ Hán trong nền văn hóa, những năm 1920 là giai đoạn mà ngày càng có nhiều người Việt Nam nghi ngờ về giá trị của chữ tượng hình và ủng hộ chữ quốc ngữ làm phương tiện giúp quần chúng thoát nạn mù chữ. Sự thách thức của tiếng Pháp và chữ quốc ngữ đối với chữ tượng hình và biến việc in ấn thành môi trường dân chủ hơn đã dẫn đến – trong giai đoạn cuối thời thuộc địa ở Việt Nam - những cuộc tranh luận rộng khắp và thường là rất sôi nổi. Đối với cộng đồng Công giáo, mối quan hệ đặc thù của họ với chữ viết mới không làm cho cơ hội và thách thức của họ trở thành ít phức tạp hơn chút nào.

CHỮ VIẾT MỚI VÀ NHỮNG CUỘC TRANH CÃI MỚI

Trong các cuộc tranh cãi về ngôn ngữ thời thuộc địa, các nhà truyền giáo là những người có quan điểm rõ ràng nhất. Mặc dù một số nhà truyền giáo không có hiểu biết sâu về chữ Nôm và chữ Hán, nhưng đa số vẫn phản đối việc dùng chữ tượng hình trong lĩnh vực chính trị và văn hóa. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, và dường như còn phải làm nhiều với những mối liên hệ có thể thấy được giữa “Khổng” học và chính sách bài Công giáo của triều đình nhà Nguyễn, những mối liên hệ còn đặc biệt mạnh sau những vụ bạo động của Văn thân hồi thế kỷ XIX. Các nhà truyền giáo, thậm chí ngay cả trong MEP, còn phản đối cả việc dạy tiếng Pháp. Trước những năm 1890, phần lớn các nhà truyền giáo tin một cách đúng đắn rằng việc dạy tiếng Pháp ở Bắc và Trung Kỳ sẽ làm cho các tín đồ Công giáo trở thành đối tượng nguy hiểm hơn trước các quan chức và dân chúng địa phương[29]. Từ đó về sau, các nhà truyền giáo thường phản đối việc dạy tiếng Pháp vì sợ rằng nó sẽ giúp truyền bá những tư tưởng thế tục hoặc sợ cái chủ nghĩa thực dụng đơn giản mà nhiều quan chức Pháp hồi đầu thời thuộc địa không có. Điều này đã tạo ra hậu quả chính trị, sự kiện là các nhà truyền giáo lưỡng lự trong việc dạy tiếng Pháp đã cung cấp nhiên liệu cho những người chỉ trích bài giáo sĩ[30]. Mãi tới giai đoạn thuộc địa, các chủng viện Công giáo ở Bắc Kỳ vẫn không dạy tiếng Pháp, một số chủng sinh còn không được đọc sách vở bằng tiếng Pháp trong lúc rỗi rãi nữa[31]. Mãi đến những năm 1920, khi tiếng Pháp đã trở thành ngôn ngữ quan trọng trong quản trị và văn hóa, các chủng viện ở Bắc Kỳ mới thường xuyên giảng dạy tiếng Pháp, thế mà thậm chí sau đó một số giáo sĩ thuộc dòng Đa Minh Tây Ban Nha vẫn phản đối. Nhưng, ở Nam Kỳ, nơi tiếng Pháp đã trở thành thành phần thiết yếu trước Bắc Kỳ cả mấy thập kỷ, cũng như trong các chủng viện của MEP ở Penang và các trường dành cho học sinh Công giáo, các nhà truyền giáo đã dạy tiếng ngay từ hồi giữa thế kỷ XIX.

Chữ Pháp và chữ tượng hình đều có vai trò, dù là hạn chế, trong đời sống tri thức Công giáo Việt Nam trong giai đoạn cuối thời thuộc địa. Hầu như tất cả một ít tín đồ Công giáo Việt Nam viết bằng tiếng Pháp đều là những người ưu tú và ở thành thị, và họ thường được học ở Pháp hay ở những trường thuộc địa hàng đầu. Thí dụ điển hình là Lê Văn Đức, một người sinh ra ở Mỹ Tho năm 1887. Là con một gia đình địa chủ giàu có, mẹ ông là bà con với Nam Phương hoàng hậu, Đức vào học tại Lycée Taberd và sau đó sang Pháp du học. Khi về nước ông dùng tài sản của gia đình để xây dựng các trường học ở đồng bằng sông Mê Công, ông từng sang châu Âu du lịch và theo đuổi công việc viết lách. Những cuốn tiểu thuyết hư cấu, kịch bản, những bài viết về du lịch và những bài báo, nhiều bài bằng tiếng Pháp, làm cho ông trở thành người nổi tiếng trong giới văn chương ở Sài Gòn. Một nhân vật tương tự là Nguyễn Hữu Mỹ, xuất thân từ gia đình giàu có ở Bến Tre, tốt nghiệp trường Institut Taberd, là một nhà quản lý và là tác giả của nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp, trong đó có những bài viết về du lịch, kịch bản và một số cuốn tiểu sử. Nguyễn Hữu Mỹ còn thành lập và biên tập tờ La Croix d’Indochine, tờ báo duy nhất bằng tiếng Pháp của giới Công giáo Việt Nam trong giai đoạn thuộc địa không nằm dưới quyền kiểm soát của hội truyền giáo.

Rất ít các linh mục tinh hoa Việt Nam viết bằng tiếng Pháp. Nổi bật nhất là Nguyễn Bá Tòng, vị giám mục đầu tiên của Việt Nam, nhiều năm làm thư ký cho giám mục Sài Gòn đã giúp ông khá thông thạo tiếng Pháp. Trong những năm sau khi được tấn phong, Nguyễn Bá Tòng có một loạt bài giảng, hầu như tất cả đều được viết và đọc bằng tiếng Pháp, rồi sau đó được in trên những tờ báo lớn, in thành những cuốn sách mỏng hay thành những tác phẩm riêng (thường kèm theo những bản dịch sang chữ quốc ngữ). Những bài giảng này, đa phần phản ánh vai trò của đức tin Công giáo trong thế giới hiện đại, thể hiện niềm tin của Nguyễn Bá Tòng rằng “mối quan hệ đặc biệt” giữa Pháp và Việt Nam cần phải được tiếp tục trong khi nhiều người bắt đầu tỏ ra nghi ngờ, một quan điểm mà ít người nằm trong hàng giáo phẩm của Giáo hội Công giáo Việt Nam sau ông chia sẻ[32]. Căn cứ vào sự nhạy cảm về mặt chính trị của việc tấn phong Nguyễn Bá Tòng, sẽ không ngạc nhiên khi thấy Vatican và MEP đã chọn một người không chỉ có những quan điểm như thế mà còn có thể thể hiện những quan điểm đó bằng một thứ tiếng Pháp tuyệt hảo nữa.

Những người như Nguyễn Hữu Đức, Lê Văn Mỹ và Nguyễn Bá Tòng là những người xa lạ với đời sống của tri thức Công giáo Việt Nam, tiếng Pháp nằm ở vùng ngoại vi của những hoạt động trí tuệ đó. Tiếng Pháp đơn giản là không có vai trò cực kỳ quan trọng đối với phần lớn giáo sĩ Việt Nam, những người này hầu như không bao giờ phải làm nhiệm vụ chủ chiên các tín đồ Công giáo người Pháp. Ở Nam Kỳ, nơi người Pháp hiện diện nhiều hơn trong đời sống trí thức hơn là ở Hà Nội, tín đồ Công giáo lại tương đối ít, và ở đây Giáo dân cũng ít viết bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ này đã không vươn ra ngoài các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của. Một số người Việt Nam có viết cho tờ L’Avenir du Tonkin, một tờ báo bằng tiếng Pháp do MEP quản lý, nhưng phần lớn các bài trên tờ báo này là do các nhà truyền giáo viết hay đăng lại báo chí của Pháp. Trên thực tế, một ngành công nghiệp đầy sức sống chỉ làm hai việc là tóm tắt những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp hay dịch những tác phẩm này sang quốc ngữ là bằng chứng chứng tỏ tác động hạn chế của tiếng Pháp vào đời sống Công giáo Việt Nam. Đương nhiên là, có nhiều tín đồ Công giáo đọc bằng tiếng Pháp hơn là viết bằng thứ tiếng này. Cuối thời thuộc địa, nhiều chủng sinh đọc các tác phẩm thần học bằng tiếng Pháp, phần lớn các tờ báo Công giáo viết bắng quốc ngữ cũng có một số bài bằng tiếng Pháp và báo chí của các hội truyền giáo còn đăng những tác phẩm bằng tiếng Pháp với số lượng in và đề tài làm người ta có thể nghĩ rằng chúng đến được với công chúng rộng rãi hơn, chứ không chỉ là các độc giả, tín đồ Công giáo người Pháp. Thậm chí như vậy, tiếng Pháp vẫn có vai trò tương đối nhỏ trong đời sống của ngay cả những tín đồ Công giáo Việt Nam có học.

Khác với những nhà truyền giáo, ít tín đồ Công giáo Việt Nam còn lớn tiếng ủng hộ chữ Hán và chữ Nôm ngay cả khi những thứ chữ này đã suy giảm vào cuối giai đoạn thuộc địa. Mặc dù một vài người trong số họ có đưa ra những luận cứ mang tính văn học trừu tượng về sự nôm na và thiếu vắng từ nguyên học trong chữ quốc ngữ[33], đa số cảm thấy cần phải nói vì sao học chữ tượng hình lại là việc quan trọng đối với tín đồ Công giáo. Năm 1927, linh mục tên là J.B. Hân phê phán hiện tượng học sinh trong các chủng viện và các trường sơ học Công giáo ít học chữ tượng hình. J. B. Hân khẳng định rằng vì chữ tượng hình vẫn là thành tố thiết yếu trong nhiều lĩnh vực của xã hội, các tín đồ Công giáo thiếu vốn tri thức và văn hóa cần phải giành được địa vị và sự tôn trọng từ những thành phần khác của xã hội. Ông còn khẳng định rằng, tương tự như một ông quan, một linh mục hiệu quả phải có khả năng làm trung gian hòa giải giữa các nhóm xã hội nhằm bảo đảm sự thông cảm giữa các bên, đánh giá được những đòi hỏi cạnh tranh với nhau, xem xét và giải quyết những sai lầm. Vì vậy mà không biết chữ Hán và chữ Nôm làm cho các tu sĩ không thể bảo vệ được cộng đồng của mình trong những vụ tranh cãi về tôn giáo hay trong những vụ xung đột với các quan chức địa phương[34].

Những tín đồ Công giáo khác bảo vệ chữ tượng hình là các linh mục và trí thức bảo thủ, đánh đồng chữ tượng hình với những hình thức học tập và cơ cấu xã hội mà họ cho rằng đang nằm trong vòng vây của khoa học, của tự do tư tưởng và tính hiện đại. Tín đồ Công giáo ủng hộ việc học chữ tượng hình trong giai đoạn thuộc địa gây được nhiều ảnh hưởng nhất là Nguyễn Văn Thích, ông này là linh mục và nhà giáo có danh tiếng của chủng viện (sau này làm hiệu trưởng trường Ecole Pellerin), viết nhiều tác phẩm về thần học và đức dục, chủ nhiệm tờ báo Vì Chúa, xuất bản ở Huế sau năm 1936. Nguyễn Văn Thích viết mấy cuốn sách dạy chữ tượng hình và tờ Vì Chúa là một trong vài tờ báo Công giáo có mục giúp độc giả học chữ Hán[35]. Quan tâm tới những tình cảm lẫn lộn của nhiều tín đồ Công giáo đối với chữ tượng hình, những người bảo thủ như Nguyễn Văn Thích thường xuyên làm nổi bật giữa những mặt “lợi” của lối học truyền thống và những thành tố của xã hội Việt Nam thời tiền thuộc địa, mà họ, những tín đồ Công giáo, cảm thấy vui khi chúng không còn. Việc Nguyễn Văn Thích ủng hộ chữ tượng hình còn do lai lịch của chính ông. Sinh ra trong một giai đình trâm anh thế phiệt không theo Công giáo – cha ông là tri phủ ở tỉnh Bình Định và sau này là thượng thư bộ lễ trong cơ mật viện – Nguyễn Văn Thích là một trong số ít người thuộc dòng khoa bảng thời thuộc địa cải sang đạo Công giáo và như vậy là một trong số ít người, mà số đó lại ngày càng ít đi, có học chữ Hán. Ông đã học chữ Hán với bố ngay từ khi còn bé[36].

Mặc dù ít tín đồ Công giáo cầm bút phản đối chữ quốc ngữ như một thứ chữ viết, nhưng nhiều người tỏ ra băn khoăn về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của việc biết đọc biết viết đối với đạo đức, vai trò trong xã hội và cơ cấu gia đình. Trong tác phẩm Vấn đề luân lý ngày nay, xuất bản năm 1930, Nguyễn Văn Thích đổ lỗi cho “vật chất chủ nghĩa” và “tự do lý tưởng” là đã gây ra những căng thẳng giữa cha và con, vợ và chồng, người trên và kẻ dưới[37]. Những tín đồ Công giáo khác viết những cuốn sách giáo khoa về đức dục và những bài viết về đạo đức với khuynh hướng bảo thủ tương tự đã được in đi in lại nhiều lần; một trong những người có ảnh hưởng nhất là Simon Chính, cuốn sách vỡ lòng của ông này, nhan đề Hiếu kính cha mẹ, một trong những cuốn sách về đề tài tương tự, được in đi in lại ít nhất là năm lần[38]. Những nhà tư tưởng kiểu này thường thể hiện sự lo lắng về bầu không khí văn hóa trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến: một bài báo điển hình thời đó than rằng có quá nhiều truyện ngắn vô luân, quá nhiều cuốn tiểu thuyết mới dâm loạn và quá nhiều bài hát thô lỗ[39].  Điều đó đã dẫn đến việc một số tín đồ Công giáo khẳng định rằng phải kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm văn hóa[40]. Một số có quan điểm nhẹ nhàng hơn; một người, trong khi khẳng định giá trị văn học của Truyện Kiều, lại nói rằng chỉ có “chỗ nguy hiểm” mới cần soi xét kĩ lưỡng mà thôi[41]. Một số người khác bảo vệ việc kiểm duyệt của chính quyền thuộc địa, mối lo lắng về in ấn của chính quyền thường phù hợp với lo lắng của chính họ[42]. Một số người khác tỏ ra tích cực hơn, họ gợi ý những cuốn sách “tốt” trên các cột báo[43]. Người ta không chỉ quan tâm tới in ấn, một số người tiên đoán những ảnh hưởng kinh khủng từ công nghệ phim ảnh, họ kể lại những mối lo lắng của một số tín đồ Công giáo châu Âu trong những bài báo u ám về những bộ phim “suy đồi” của Mae West và Marlene Dietrich[44].

Nhưng đa số tín đồ Công giáo tỏ ra phấn khởi trước tiềm năng của chữ viết mới. Báo chí của MEP tiếp tục được lợi từ sự truyền bá của văn hóa đọc, tiếp tục phát triển trong những năm 1920 để trở thành tác nhân quan trọng trong lĩnh vực xuất bản. Cuối cùng, các nhà in Công giáo đã bắt đầu xuất bản nhiều loại văn bản không hoàn toàn là Công giáo, có thể đấy là lý do vì sao các nhà in ngày càng mang những cái tên không rõ ràng là Công giáo, ví dụ, nhà in “Imprimerie de Qui Nhơn.” Sách vỡ lòng bằng quốc ngữ tiếp tục nằm trong số những ấn phẩm thịnh hành nhất; người ta nói rằng trong giai đoạn từ năm 1920 đến năm 1936 hai cuốn sách loại này do nhà in Qui Nhơn xuất bản đạt số lượng in tới gần bốn trăm ngàn bản[45]. Bên cạnh các nhà in của truyền giáo còn có hai nhà in quan trọng không nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Giáo hội. Cùng với nhà in của Ngô Tử Hạ ở Hà Nội, nhà in của Nguyễn Văn Viết ở Sài Gòn cũng bắt đầu xuất bản ngay trong những năm đầu của thời kỳ bùng nổ chữ quốc ngữ. Cả hai đều có quan hệ với chính quyền thuộc địa trong lĩnh vực kinh doanh mới, họ in các thông tư, sổ tay hướng dẫn, và sách vỡ lòng cũng như đáp ứng thị hiếu đang gia tăng về các tác phẩm văn học bình dân. Họ còn là những nhà in các văn bản Công giáo nổi bật nhất, chỉ sau các nhà in của truyền giáo mà thôi; họ xuất bản các qui định, các báo cáo và nhiệm vụ của các hội đoàn Công giáo và dịch các văn bản Công giáo, cũng như xuất bản tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản do các tác giả là tín đồ Công giáo sáng tác.

Sự phát triển của công nghiệp in ấn Công giáo chứng tỏ sự phổ biến rộng khắp của chữ quốc ngữ trong đời sống Công giáo. Các nhà truyền giáo là những người ủng hộ tích cực chữ viết này; Léopold Cadière, có chân trong ủy ban về chính sách ngôn ngữ của chính phủ Pháp năm 1902, viết một bài báo có ảnh hưởng, trong đó ông phác thảo sự vươn lên của chữ quốc ngữ và đưa ra những đề nghị về cải cách và tiêu chuẩn hóa[46]. Khi thứ chữ viết này thu hút được sự quan tâm của nhiều người hơn thì các nhà truyền giáo tiếp tục là những người lớn tiếng ủng hộ. Ví dụ, ông Gustave Hue, bài báo mang tên “Chữ Quốc Ngữ Mới”, đăng thành nhiều kỳ của ông, được dịch sang quốc ngữ trên mấy tờ báo Công giáo. Bài báo của Gustave Hue thể hiện lý do và chiến lược của các nhà truyền giáo trong việc ủng hộ thứ chữ cái này. Tại thời điểm khi mà nhiều người nhìn thấy tiềm năng phi thường của chữ quốc ngữ thì các nhà truyền giáo đã nhanh chóng đưa những người tiền nhiệm của họ ra như là những người giữ gìn không mệt mỏi thứ chữ viết này trong những thời kỳ đen tối. “Mọi người sẽ phải kinh ngạc,” Gustave Hue viết, “rằng cái phương pháp đơn giản này đã được giữ trong hầu suốt mấy thế kỷ và các nhà truyền giáo phải khéo léo đến mức nào và với cái giá như thế nào mới mang được nó ra!”[47]. Trong những năm 1920, khi các quan chức Pháp đã công bố chính sách giáo dục sơ học trên cơ sở chữ quốc ngữ thì thái độ phấn chấn như thế không còn bị đe dọa về mặt chính trị nữa.

Tương tự như các nhà truyền giáo, phần lớn các tín đồ Công giáo Việt Nam, những người quan tâm tới các vấn đề ngôn ngữ, đều là những người ủng hộ nhiệt tình chữ quốc ngữ. Đa số các tờ báo Công giáo đều đăng các bài xã luận, những cột báo hướng dẫn, các cuốn sách dạy vỡ lòng đăng nhiều kỳ và các tiểu luận với những đề nghị về cải cách và tiêu chuẩn hóa chữ viết. Trên cơ sở lòng nhiệt tình với chữ quốc ngữ của nhiều bộ phận trong đời sống tri thức Việt Nam hồi cuối những năm 1920 như thế, cho nên các tín đồ Công giáo không phải lúc nào cũng dựa vào lý do tôn giáo hay đưa ra những luận cứ mang tính tôn giáo nhằm ủng hộ cho thứ chữ viết này. Huỳnh Phúc Yên, tổng biên tập tờ Công Giáo Đồng Thinh, đưa ra quan điểm chung nói rằng chữ quốc ngữ, khác với chữ tượng hình, là chữ viết thực sự “dân tộc”, nắm bắt được trí tuệ, phong tục và đạo đức “Annam”[48]. Hồ Ngọc Cẩn khẳng định, chữ viết này có thể liên kết được những hình thức biểu đạt trong văn chương và trong cách nói thông dụng của người Việt Nam[49]. Những tín đồ Công giáo khác thì coi chữ quốc ngữ là cơ hội làm gia tăng số người biết đọc biết viết ở các khu vực nông thôn và những thành phần dân cư bị thiệt thòi, đấy cũng là những lý lẽ ủng hộ cho thứ chữ viết này[50]. Nhưng bản sắc tôn giáo cũng làm cho một số tín đồ Công giáo ủng hộ thứ chữ viết này. Khuyến khích người ta cải đạo và việc cải đạo là lý do chính ủng hộ cho những luận cứ về việc xóa nạn mù chữ[51]. Một linh mục coi quốc ngữ là cơ hội làm cho các tác phẩm của Công giáo hiện diện một cách có ý nghĩa hơn trong “văn chương Nam”[52].  Và Hồ Ngọc Cẩn coi thứ chữ viết này là công cụ nhằm chống lại ảnh hưởng của “sách tàu” vì thái độ bài Công giáo của một số tác giả[53].

Khác với những tín đồ Công giáo bảo thủ như Nguyễn Văn Thích và Simon Chính, những tín đồ Công giáo ủng hộ chữ quốc ngữ thường khẳng định rằng việc truyền bá sách báo sẽ tốt cho cả cộng đồng tôn giáo của họ lẫn xã hội nói chung. Nhiều người cảm thấy tự hào vì sự cải tiến của Công giáo đã giúp nền văn học Việt Nam đơm hoa kết trái[54]. Một số người khác lại cho rằng sách báo là cơ hội cải thiện đạo đức và tự tu dưỡng[55]. Mặc dù ít tín đồ Công giáo hoàn toàn phấn khởi trước tất cả những hình thức mới của văn chương, nhưng nhiều người cảm thấy rằng độc giả có khả năng thực hiện những lựa chọn phù hợp[56]. Hiểu như thế, một số người khẳng định rằng ngay cả việc kiểm duyệt từng phần cũng là sự lăng mạ không thể chấp nhận được đối với trí tưởng tượng của người cầm bút[57]. Các tác giả của một bài báo đặc biệt đưa ra quan điểm như thế - bài báo này xuất hiện trên tờ báo của học sinh trường Ecole Pellerin - có thể là những người ngay sau đó đã trải nghiệm trực tiếp điều này; tháng 5 năm 1937, sáu tháng sau khi bài báo xuất hiện, tờ báo này công bố phần thứ nhất của một bài được quảng cáo là phần thứ nhất của bài báo nhiều kỳ về lý thuyết xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là số cuối cùng của tờ báo này.

Vụ việc này cho thấy việc nổi lên của chữ quốc ngữ và số người biệt đọc biết viết gia tăng có nghĩa là số tín đồ Công giáo đọc những thứ ít hoặc chẳng có liên quan gì đến đức tin của họ cũng ngày càng gia tăng. Nhưng, cũng rõ ràng rằng cơ cấu của đời sống tôn giáo đã tạo ra ranh giới giữa những văn bản Công giáo và những văn bản khác. Ví dụ, trong các thành phố, không rõ là các cửa hàng sách hay những người bán sách dạo bán bao nhiêu phần sách báo Công giáo  hay các cửa hàng sách Công giáo (thường gắn với nhà thờ) có bán sách phi tôn giáo hay không. Trong các khu vực nông thôn, sách báo ít lưu hành hơn, các giáo sĩ có nhiều cơ hội kiểm soát những thứ mà Giáo dân đọc hơn, cho nên đường biên giới dường như vững chắc hơn. Thực vậy, những người có quyền lực trong các tôn giáo thường cho rằng nhiều hình thức văn học phổ thông, thậm chí cả những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, có hại đối với niềm tin và đạo đức. Một số giám mục còn tìm cách cấm Truyện Kiều trong giáo phận của họ[58]. Nhưng, khi phạm vi và số lượng sách báo tăng lên, những đường biên giới kiểu như thế bắt đầu bị xóa nhòa dần. Khái quát hóa bối cảnh diễn ra hiện tượng đó hay tìm hiểu xem các tín đồ Công giáo đọc những gì và đọc nhiều đến mức nào là việc khó. Nhưng, nhiều cuộc tranh cãi về việc tín đồ Công giáo có thể và nên đọc gì, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm của người cầm bút, tự do ngôn luận và kiểm duyệt và những đề tài tương tự cho thấy những thay đổi trong văn hóa in ấn là thành tố quan trọng của cách nhận thức thế giới đang thay đổi.

Trong giai đoạn cuối thời thuộc địa ở Việt Nam, hai đề tài được bàn luận sôi nổi nhất trong lĩnh vực in ấn là vấn đề thế hệ và giới tính. Thanh niên của thời đại này bước vào tuổi trưởng thành trong một xã hội khác hẳn vời thời của cha anh họ; kết quả là, theo lời của Hue-Tam Ho Tài, họ “không còn cảm giác về cội nguồn và trở thành nạn nhân của tình trạng bất ổn tinh thần sâu sắc” về “những bài học mơ hồ về quá khứ, sức nặng của những giá trị trái ngược nhau và những kỳ vọng mà họ gánh trên vai khi làm việc, những lựa chọn về chính trị và văn hóa mở ra trước mắt họ và những hình mẫu mà họ có thể noi theo”[59]. Có bao nhiêu tiêu chuẩn và hình thức của chính quyền của thế hệ đó được đem ra khảo sát thì cũng có bấy nhiêu giả định về vai trò của giới trong nội bộ gia đình và vị trí của phụ nữ trong xã hội. Kết quả là, những cuộc tranh cãi về thanh niên và phụ nữ là những ẩn dụ đầy sức mạnh và là nơi tranh cãi về những vấn đề rộng lớn hơn về những thử nghiệm trong lĩnh vực chính trị và văn hóa của thời đại.

Những cuộc tranh cãi của các tín đồ Công giáo về vấn đề thanh niên và phụ nữ đáng được chú ý nhiều hơn là những gì được nói tới ở đây. Tuy thế, ngay cả việc lướt qua những cuộc tranh cãi này cũng cho thấy những khác biệt thực sự và sâu sắc về ý nghĩa của những thay đổi đang xuất hiện trong đời sống Công giáo. Đối với nhiều người, “thanh niên” là tất cả những cái dường như là sai quấy trong xã hội Việt Nam: sự xói mòn cơ cấu xã hội truyền thống, sụ cám dỗ của quá trình Tây hóa, và thiếu vắng nền đạo đức Công giáo trong xã hội. Một bài báo điển hình đã so sánh “con trẻ ngày trước” với “con trẻ ngày nay”, và thấy rằng trước đây người ta có đạo đức, lễ phép, chăm chỉ, còn hiện nay thì chơi bời phóng đãng, hỗn láo và ngang bướng[60]. Trong một bài báo khác, tác giả than rằng “chủ nghĩa vô thần” và “chủ nghĩa duy vật” của đời sống hiện đại dường như làm cho ít thanh niên Việt Nam có thể cải sang đạo Công giáo[61]. Trong cùng giọng điệu như vậy, nhiều bài viết của Công giáo về vấn đề phụ nữ lo lắng rằng thay đổi trong xã hội đe dọa vai trò “truyền thống” của người giữ gìn tình yêu và gia đình của phụ nữ; theo lời một vị linh mục thì nữ quyền phải là “giữ gìn cái phẩm giá, cái đức hạnh của mình” và “trọng hậu địa vị mình”[62]. Đây là quan điểm chủ đạo, tất nhiên là nó liên quan đặc biệt với những tín đồ Công giáo, đặc biệt là những quan điểm tiêu cực về ly hôn càng được củng cố thêm[63].

Nhưng lúc đó số tín đồ Công giáo cảm thấy phấn khởi trước vai trò mới của thanh niên và phụ nữ trong xã hội Việt Nam đang gia tăng. Cùng với việc các tổ chức toàn cầu nhằm động viên thanh niên và công nhân công giáo bắt đầu tràn vào Việt Nam; trong những năm 1930, các phong trào thanh niên lan tỏa rộng khắp trong đời sống Công giáo. Những cuốn sách mỏng hay những tờ tạp chí của những nhóm này đặc biệt to mồm trong việc cổ xúy tiềm lực của tuổi trẻ nhằm đổi mới Giáo hội và Tổ quốc. Một nhà báo đã viết trên số ra đầu tiên của tờ Hy Vọng - tờ tạp chí dành cho thanh niên Công giáo – như sau: “Là vì Tổ quốc muốn cho thanh niên trong nước có tương lai tốt đẹp, muốn cho họ sau này biết giúp ích nhiều cho nhà, cho nước cho nhân loại. Vậy thanh niên chẳng phải là hy vọng của gia đình và tổ quốc là gì?”[64]. Mặc dù các vị linh mục và những người lãnh đạo cộng đồng thường tỏ ra lo lắng trước những phong trào thanh niên nói chung, nhưng những hình thức mới của các hiệp hội thanh niên Công giáo chí ít là đã phần nào làm dịu được những mối lo lắng này. Và mặc dù đời sống tri thức Công giáo thường xa cách với những thành phần tiến bộ trong các phong trào phụ nữ trong giai đoạn thuộc địa, nhưng những phong trào này quả thật đã tạo được ảnh hưởng. Phần lớn những người phụ nữ đầu tiên viết cho báo chí Công giáo là viết về những vấn đề của phụ nữ, và họ thường thể hiện những quan điểm mạnh mẽ, ngay cả khi phải dùng từ ngữ một cách thận trọng, về nhu cầu xem xét lại vai trò của giới và ranh giới của đời sống Công giáo[65]. Những người khác ngày càng viết nhiều hơn về những vấn đề như học vấn của phụ nữ hay quyền bình đẳng hơn nữa giữa hai giới[66].

Những cuộc tranh cãi về thanh niên và phụ nữ chỉ là một ví dụ về những quan hệ gần gũi giữa sách báo và những thay đổi trong lĩnh vực văn hóa trong đời sống Công giáo Việt Nam mà thôi. Trong giai đoạn cuối thời thuộc địa, các độc giả Công giáo có nhiều sách báo để lựa chọn hơn tất cả các giai đoạn trước đó. Sách bây giờ đã rẻ hơn, ấn phẩm trở thành thành phần quan trọng hơn trong các buổi lễ và trở thành mắt xích liên kết các hoạt động văn hóa lễ hội trong đời sống Công giáo Việt Nam với nhau và với Giáo hội toàn cầu một cách chặt chẽ hơn. Số tín đồ Công giáo được học trong trường lớp gia tăng, nhờ có những cuốn sách giáo khoa do các nhà truyền giáo và linh mục viết cho các trường Công giáo mà họ học thêm những môn mới và thông qua rất nhiều cuốn lịch sử Công giáo, tiểu thuyết và vở kịch mà họ học được lịch sử và đạo đức Công giáo. Có thể quan trọng nhất là, sự gia tăng của sách báo ra định kỳ đã đưa các tín đồ Công giáo vào những lĩnh vực văn hóa và những cuộc tranh luận rộng rãi hơn, và điều đó đã làm cho họ có hiểu biết nhiều hơn về những sự kiện và cộng đồng bên ngoài cộng đồng của họ.

SÁCH BÁO CÔNG GIÁO: CÁC ĐỘC GIẢ MỚI VÀ THỂ LOẠI MỚI

“Điều cực kỳ quan trọng là các vị linh mục phải kết hợp suy nghĩ hàng ngày với việc thường xuyên đọc những tác phẩm đức hạnh, nhất là những tác phẩm được truyền cảm hứng,” Giáo hoàng Pius X viết trong tông thư Haerent Animo của ngài vào năm 1908 như thế. Một năm sau đó tài liệu này được dịch và in bằng chữ quốc ngữ[67], đây là biểu hiện mang tính tượng trưng của những cố gắng của Giáo hoàng Pius X trong việc sử dụng sách báo – ngày càng gia tăng trong các ngôn ngữ khu vực – nhằm “bảo vệ” các tín đồ Công giáo, đặc biệt là các linh mục, khỏi ảnh hưởng của những tư tưởng hiện đại thông qua sự can thiệp rộng khắp và thường là cứng rắn vào quá trình tìm tòi về mặt thần học. Nhưng Rome cách Việt Nam khá xa: thậm chí năm 1923 như Khâm sứ Tòa thánh Henri Lécroart nhận xét: “Có những cuốn sách bằng tiếng Việt được biên tập ở Hồng Công, Kẻ Sở, Sài Gòn và do các cha dòng Đa Minh biên tập… không hoàn toàn tuân theo sự chỉ đạo của Rome… Những cuốn sách này gần như không bị Rome kiểm soát vì không có bản dịch sang tiếng Latin hay tiếng Pháp”[68]. Tuy thế, sự phát triển của sách báo và những mối liên hệ trực tiếp hơn giữa Việt Nam và thế giới Công giáo đã khởi động những cuộc cải cách và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực nghi lễ và thần học ở Việt Nam, mà đỉnh điểm là thời đại Cộng đồng Vatican II. Bất kỳ cố gắng nào nhằm đánh giá chuyện này từ quan điểm thần học cũng cần phải làm một công trình nghiên cứu riêng, nhưng, ngay cả một cuộc khảo sát ngắn ngủi những văn bản thần học và kinh cầu nguyện bằng chữ quốc ngữ cũng cho thấy những thay đổi quan trọng trong thành phần lớn nhất của lĩnh vực in ấn Công giáo trong giai đoạn cuối thời kỳ thuộc địa[69]

Các linh mục vẫn tích cực hoạt động trong lĩnh vực in ấn hơn là phần lớn Giáo dân, trong những năm đầu của thế kỷ XX, lần đầu tiên họ gặp một số lượng lớn và nhiều loại văn bản đến như thế. Trong đó có các bản dịch sang quốc ngữ những tác phẩm viết về thần học và đạo đức học, luật đạo, giáo luật, hướng dẫn thi hành các bí tích, những cuốn sách về tu khổ hạnh và chiêm nghiệm, sách dạy giáo lý và những bài giảng khác..v.v.. Một số là những bản dịch từ chữ Nôm, nhưng phần lớn là những bản dịch trực tiếp sang chữ quốc ngữ từ các tác phẩm bằng tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha từ cuối thế kỷ XIX hay muộn hơn. Mặc dù một số được viết bởi các nhà truyền giáo ở Việt Nam, và hầu như bao giờ cũng có sự giúp đỡ của các giáo sĩ và thày giảng địa phương; phần nhiều các tác phẩm này được trước tác không phải trong, không phải cho và không phải về bối cảnh thần học cụ thể, trong đó chúng được đem ra sử dụng. Thực vậy, mặc dù các cuộc cải cách chủng viện được thực hiện trong những năm 1920 và 1930 sau này sẽ tạo ra những vị linh mục, những người tích cực viết về các vấn đề thần học, nhưng ít người làm như thế trước những năm 1950 (giám mục Hồ Ngọc Cẩn là trường hợp ngoại lệ nổi bật). Như vậy là, số lượng ngày càng gia tăng các văn bản của châu Âu đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong việc hình thành và hoạt động của giáo sĩ Việt Nam. Có thể bản dịch hoàn chỉnh đầu tiên cuốn Sách Bổn Roma (Roman Catechism), được xuất bản trong các năm 1901-1902 nhằm thay thế cho những văn bản hướng dẫn mà người ta cho là chưa được nghiêm ngặt và có khiếm khuyết về mặt học thuyết, là cuốn sách mang tính biểu tượng nhất trong những văn bản bằng chữ quốc ngữ lúc đó. Sự lan truyền của sách báo không chỉ làm cho các giáo sĩ có thêm việc mà còn làm giảm thiểu sự phóng tác và địa phương hóa, những hiện tượng thường đi kèm với quá trình chép lại bằng tay các văn bản. Cuối cùng, rốt cuộc nó có nghĩa là giáo sĩ địa phương không còn biết nhiều kiến thức Hán, Nôm nữa và chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ những cuốn sách mới.

Vai trò của sách in trong hoạt động nghi lễ của Giáo dân trong thời kỳ thuộc địa cũng có những biến đổi to lớn. Đặc biệt là đến những năm 1930, số lượng lớn các cuốn sách hướng dẫn bằng chữ quốc ngữ về cầu nguyện và chiêm nghiệm, sách về lịch sử Phúc âm, cuộc đời của các vị thánh, những cuốn lịch và những tác phẩm khác dành cho Giáo dân cho thấy các tài liệu đã trở thành thành phần quan trọng như thế nào trong hoạt động thờ phụng tại gia ở Việt Nam. Việc sử dụng sách in nhằm tăng cường lòng mộ đạo là mục tiêu khác của phong trào thờ phụng Công giáo toàn cầu trong giai đoạn này, sự gia tăng số người biết đọc, biết viết và bùng nổ công nghiệp in ấn ở châu Á (nhà máy in mang tên Nazareth của MEP ở Hồng Công, thành lập vào cuối thế kỷ XIX, đã in các văn bản và bản dịch bằng hàng chục thứ tiếng) đã tạo điều kiện cho việc truyền bá các tác phẩm sùng đạo. Giai đoạn thuộc địa như vậy rõ ràng là cội nguồn của việc tiêu chuẩn hóa ngày càng gia tăng trong hoạt động thờ phụng trong đời sống Công giáo Việt Nam, công việc này đã được tăng cường thêm sau khi hệ thống thang bậc của Giáo hội Công giáo Việt Nam được thành lập vào năm 1960, nhưng tăng cường như thế nào và bằng cách nào thì cần nghiên cứu thêm. Một chỉ dấu của sự dịch chuyển này là việc dịch lần đầu tiên, toàn bộ Kinh Cựu Ước và Phúc Âm từ bản gọi là Latin Vulgate, do một nhà truyền giáo của MEP là ông Albert Schlicklin giám sát và được xuất bản trong giai đoạn từ năm 1913 đến năm 1916, và những cuốn sách này dường như đã trở thành nguồn chính cho việc biên dịch những đoạn văn Thánh Kinh hoặc các bài đọc trích từ sách Phúc Âm được xuất bản sau đó. Những thành phần trong việc thờ phụng không phải là văn bản, ví dụ, việc nhập khẩu và liên kết một cách rộng rãi những bài thánh ca bằng tiếng Latin hay tiếng Pháp được chuyển thành lời Việt cũng diễn ra những thay đổi tương tự[70]. Nhưng, những thay đổi này, trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ có tính cách bộ phận: trong giai đoạn thuộc địa, nhiều tác phẩm bằng chữ quốc ngữ dành cho việc thờ phụng và học tập tại gia vẫn là những tác phẩm đặc biệt dành cho các giáo phận riêng lẻ, mang tính đặc thù riêng biệt của từng vùng trong thuộc địa, phản ánh sức mạnh văn hóa lễ nghi rất khác nhau giữa các địa phương, cũng như giữa các vùng truyền giáo thuộc các cha MEP và các cha Đa Minh.

Việc truyền bá chữ quốc ngữ còn mở rộng cả nội dung của nhiều thể loại tác phẩm đã từng tồn tại trong văn học Công giáo Việt Nam. Một ví dụ quan trọng là truyện các thánh tử đạo, không chỉ được viết bằng văn xuôi mà còn bằng thơ, kịch, tiểu sử và các hình thức khác. Những tác phẩm này từng tồn tại trong đời sống Công giáo suốt hàng thế kỷ; tác phẩm sớm nhất viết về cái chết của người chị của một vị linh mục ra đời từ những năm 1700[71]. Nhưng trong thời thuộc địa, các loại hình tác phẩm trở thành phổ biến hơn trong đời sống Công giáo Việt Nam, khi làn sóng bạo lực trong thời gian trước đó và việc chính thức phong chân phước trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ đã làm cho các thánh tử đạo có vị trí quan trọng hơn trong đời sống Công giáo. Việc nổi lên của sách báo in cũng có vai trò cực kỳ quan trong đối với quá trình này. Nhiều câu chuyện về các thánh tử đạo được dịch từ các văn bản bằng tiếng Pháp, trong đó sự kiêu ngạo về văn hóa và chủng tộc thể hiện rõ thậm chí ngay cả trong số trang sách dành cho các thánh tử đạo là những nhà truyền giáo và những người Việt Nam chết cùng với họ: một cuốn in năm 1909 dành tới hơn hai trăm trang cho hai thánh tử đạo là những nhà truyền giáo, nhưng chỉ có hơn một trăm trang cho bốn thánh tử đạo Việt Nam chết cùng với họ[72]. Cuốn lịch sử viết về 22 thánh tử đạo Việt Nam in năm 1900 tuyên bố rằng vì các nhà truyền giáo “đã dũng cảm hành động như thể Công giáo chưa hề bị cấm,” họ “đã làm cho chúng tôi theo đuổi đức tin của mình một cách mạnh mẽ hơn mỗi ngày”[73]. Các tín đồ Công giáo Việt Nam trong những văn bản này dường như là những đệ tử trung thành và trung thực của những nhà truyền giáo, những người, giống như những thiên thần, đang bay lơ lửng qua câu chuyện vậy.

Nhưng bên cạnh những bản dịch này còn có một loạt những câu chuyện tử đạo do người Việt Nam chấp bút. Mặc dù một số tác phẩm vẫn được viết theo hình thức văn xuôi truyền thống hoặc bằng thơ, nhưng một số khác được sáng tác theo những hình thức mới như kịch hoặc đăng nhiều kỳ trên các tờ báo. Thí dụ về việc đăng nhiều kỳ là bài “Martyrologium Annamaticum” đăng trên tờ Sacerdos Indosinensis, kể chuyện về tất cả các thánh tử đạo Việt Nam nhằm giúp các linh mục khuyến khích giáo đoàn của họ. Và mặc dù rất khó nói rằng các độc giả đã hiểu những bài viết về các thánh tử đạo này như thế nào, nhưng các tác giả của nó đã liên kết được một thông điệp rõ ràng là tính hiện đại với tính đa cảm. Thực vậy, nhiều người liên hệ những đau khổ của các thánh tử đạo với các thay đổi đang diễn ra trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, báo trước tương lai tươi sáng của Giáo hội. “Sanguis martyrum, semen Christianorum” (Máu của các thánh tử đạo là hát giếng phát sinh Công giáo”), câu nói nổi tiếng của Tertullian, lãnh tụ Công giáo thời kỳ đầu, trở thành điệp khúc trong nhiều văn bản loại này, tạo ra giá trị cứu rỗi cho những hy sinh của những bậc tiền bối. Một tờ báo viết: “Nam Định là chỗ lưu huyết tử đạo hơn cả Đông Dương vậy nay đạo thạnh hơn cả Đông Dương. Tòa Thánh mới ban sắc lập Địa Phận bản quốc. Địa phận Bùi Chu ấy gần 200 linh mục và 700 thày giảng 35 vạn đạo nhơn!”[74]. Hơn nữa, quá khứ và tương lai của Công giáo Việt Nam bắt đầu được mô tả bằng những thuật ngữ của cộng đồng tôn giáo dân tộc. Một bài báo viết: “Ta xem trong lịch sử các địa phận, thì thấy hằng năm khắp đâu đấy trong cả tam Kỳ đều có một hai lễ kính các Đấng xưa đã chịu tử vì đạo trong đất Nam, nước Việt”[75]. Một bài báo khác viết: “Vậy Công-giáo-hội ở Việt-Nam ta, cũng như các Công-giáo-hội ở châu Âu, châu Phi, và châu Mỹ, cũng được cái danh dự có các vị Thánh mà những vị Thánh… làm cho sáng danh Đức Chúa Trời và để lại cho đồng bào mình”[76].

Việc nổi lên của chữ quốc ngữ không chỉ có nghĩa là những thay đổi quan trọng đối với những loại tác phẩm viết về thần học, sách dạy cầu nguyện và những loại sách đã tồn tại từ lâu trong đời sống Công giáo Việt Nam, mà còn có nghĩa là sự gia tăng đáng kể những hình thức kiến thức mới, cũng như việc thử nghiệm và loại bỏ những hình thức đã được củng cố. Đối với nhiều tín đồ Công giáo Việt Nam, mạng lưới các trường cấp I gia tăng là địa điểm quan trọng trong việc chuyển giao và tiếp thu những ý tưởng mới. Mặc dù trong giai đoạn đầu thời thuộc địa, các trường Công giáo chủ yếu tập trung vào giảng dạy kiến thức tôn giáo, nhưng đến những năm 1920, một số nhà sư phạm Công giáo đã bắt đầu kêu gọi phải có một chương trình học tập toàn diện hơn, hiện đại hơn, nhằm chuẩn bị tốt hơn cho học sinh để họ có thể đương đầu với thế giới đang thay đổi[77]. Một tác phẩm viết về sư phạm Công giáo được nhiều người biết, do Nguyễn Bá Tòng và một nhà truyền giáo của MEP là ông Adolphe Cransac chấp bút, đã trình bày những kỹ thuật mới dành cho giáo viên, như lập và làm theo kế hoạch của bài học, thể hiện sự mềm dẻo trong việc xử lý năng lực khác nhau của học sinh, mua những đồ dùng giảng dạy thích hợp như bảng đen và đồng hồ, dạy bằng cách thường xuyên đặt câu hỏi chứ không học vẹt, và tập trung vào nhiều môn học được dạy trong trường Công giáo hơn, trong đó có toán và khoa học, cùng với học đọc và học viết. Nhưng, những cuốn sách vỡ lòng của Công giáo còn đề nghị dạy học sinh viết tên các thứ trong nhà thờ trước khi chuyển sang thức ăn và quần áo và thúc giục các giáo viên ghi ngày tháng làm lễ rửa tội cho học sinh bên cạnh họ tên, lớp học và những thông tin cá nhân khác[78]. Những cuốn vỡ lòng mới hơn không phải bao giờ cũng tiến bộ; một cuốn dành cho nữ sinh đề nghị trước hết phải dạy cho họ mười điều răn, sau đó là bốn “nết xấu đại cái” của xã hội hiện đại (uống rượu, chơi cờ bạc, hút thuốc phiện và tình yêu nhục dục), sau đó là đến những hướng dẫn để sống cuộc đời như một người con, người vợ và người mẹ chung thủy và ngoan ngoãn. Những cuốn sách vỡ lòng như thế là lời nhắc nhở rằng đến trường lần đầu tiên cũng là lúc đứa trẻ con Công giáo tiếp xúc với những quan niệm cứng rắn về giới tính, thường là khác xa với kinh nghiệm sống của chúng[79].

Các linh mục và các nhà truyền giáo còn viết khá nhiều loại tài liệu khác nhau để dùng trong nhà trường Công giáo. Ví dụ, ông François Chaize, một nhà truyền giáo của MEP, đã viết những cuốn sách vỡ lòng về thực vật học, động vật học và giải phẫu học, còn đồng nghiệp của ông là Jean Vuillard thì viết mấy cuốn về vật lý học[80]. Linh mục Hồ Ngọc Cẩn cũng viết mấy cuốn sách giáo khoa về toán học[81]. Một trong những người cầm bút Công giáo đa dạng hơn trong lĩnh vực này là linh mục Lê Công Đắc, ông này viết sách giáo khoa về vệ sinh và khoa học tự nhiên, cũng như những cuốn sách hướng dẫn học tiếng Pháp và một cuốn sách hướng dẫn học tiếng Anh, đây có thể là một trong những cuốn sách hướng dẫn học tiếng Anh đầu tiên do một người Việt Nam viết[82]. Lê Công Đắc còn là một người tự quảng bá không biết ngượng là gì, ông ta gửi sách cho những người có ảnh hưởng lớn, trong đó có hoàng đế Bảo Đại, và xuất bản những ghi chú lịch sự, thậm chí chỉ là câu cám ơn, của họ trong cuốn “thư từ” của ông ta[83]. Những cuốn sách giáo khoa đó thể hiện sự tham gia vào và lòng nhiệt tình của những người làm giáo dục Công giáo trong giai đoạn này đối với những cách tư duy mới về đời sống của con người và môi trường tự nhiên.

Giai đoạn cuối của thời kỳ thuộc địa là giai đoạn của nhiều cuộc thử nghiệm trong đời sống văn học, đấy là khi việc tiếp xúc với những hình thức mới của tiểu thuyết hư cấu, thơ ca và kịch nghệ đã làm thay đổi cách thức tư duy về và sáng tác những loại hình nghệ thuật đó của những người cầm bút Việt Nam. Người ta cho rằng truyện ngắn Việt Nam đầu tiên được sáng tác theo kiểu phương Tây là Truyện Thầy Lazarô Phiền, viết năm 1887 bởi một tín đồ Công giáo tên là Nguyễn Trọng Quản, con rể của Trương Vĩnh Ký. Nguyễn Trọng Quản là một trong những người Việt Nam đầu tiên học ở trường Lycée d’Alger nổi tiếng ở Algeria. Sau khi về nước, ông làm hiệu trưởng một trường cấp I và tham gia vào giới văn học và nghệ thuật của Sài Gòn. Câu chuyện kể về một tín đồ Công giáo trẻ bị một người hâm mộ vợ mình nhưng có tính đố kị lừa là vợ ông quan hệ với người bạn tốt nhất của ông. Ông ta giết vợ và người bạn của mình, nhưng sau đó mới phát hiện ra sự lừa đảo. Tan nát lòng vì tội lỗi, ông trở thành linh mục, nhưng tâm hồn ông không bao giờ yên. Bị một căn bệnh chết người, ông đã thú nhận tội lỗi của mình với một hành khách trên chuyến tàu tới Cap-Saint-Jacques, nơi ông sẽ tới để chết. Câu chuyện, như John Schafer và Thế Uyên đã chỉ ra, thể hiện một số qui ước mới đối với tiểu thuyết hư cấu Việt Nam: câu chuyện được viết bằng ngôi thứ nhất, được kể từ quan điểm của người hành khách nghe được lời thú nhận và được viết bằng ngôn ngữ hàng ngày. Mặc dù không được tiếp đón một cách nồng nhiệt ngay sau khi xuất bản, nhưng câu chuyện này đã có ảnh hưởng đối với các tiểu thuyết gia đầu tiên của Nam Kỳ, thí dụ như Hồ Biểu Chánh[84].

Có thể nhân vật văn chương Công giáo nổi tiếng nhất trong thời thuộc địa là nhà thơ Nguyễn Trọng Trí, được nhiều người biết với bút danh Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, ở Quảng Bình, nhưng ông thường đi nay đây mai đó vì bố ông là thông ngôn và nhân viên hải quan. Cha Hàn Mặc Tử chết năm 1926, cũng là năm ông vào học trường Ecole Pellerin ở Huế. Hàn Mặc Tử được Hội Như Tây Du Học do Nguyễn Hữu Bài sáng lập cấp học bổng sang du học ở Paris, nhưng ông không được cấp chiếu khán vì có trao đổi thư từ với Phan Bội Châu, mặc dù đây hầu như hoàn toàn là chuyện văn chương. Hàn Mặc Tử đi Qui Nhơn và làm công việc đạc điền cho chính phủ, nhưng chẳng bao lâu sau thì bỏ việc để đi Sài Gòn làm phóng viên. Ông phụ trách mảng văn chương cho các tạp chí SaigonCông Luận Văn Chương và đóng góp bài vở cho các tờ báo như Đông Dương Tạp ChíTân Thời. Năm 1936, Tử rời Sài Gòn đi Qui Nhơn, mấy năm ở đây ông đã sáng tác một loạt bài thơ. Ngay sau khi tới Qui Nhơn, Hàn Mặc Tử phát hiện được những dấu hiệu đầu tiên của bệnh phong. Cùng với sự giúp đỡ của các xơ dòng Thánh Phanxico – những người đang quản lý một trại phong ở gần Qui Nhơn - Hàn Mặc Tử đã chiến đấu với bệnh tật suốt mấy năm liền và ông chết vào ngày 22 tháng 11 năm 1940, lúc mới có 28 tuổi.

Thơ Hàn Mặc Tử có vị trí trung tâm của Phong trào thơ mới, một phong trào được mọi người coi là có xuất xứ từ bài thơ Tình Già của Phan Khôi, sáng tác năm 1932. Phong trào này kêu gọi từ bỏ thơ ca truyền thống nhằm thử nghiệm cách gieo vần mới, tiết tấu mới, ẩn dụ mới và nó phản ánh tinh thần lãng mạn, u buồn sâu sắc của thời điểm đó trong đời sống văn chương Việt Nam. Tác phẩm của Hàn Mặc Tử tạo được nhiều ảnh hưởng, nhưng đức tin Công giáo của ông giữ vị trí quan trọng nhất trong nguồn cảm hứng thơ ca của ông. Võ Long Tề, cùng một số người khác, khẳng định rằng thơ ca của Hàn Mặc Tử có gốc rễ mỹ học từ sự siêu việt, mà vấn đề trung tâm là sự kết hợp một cách hài hòa giữa đức tin và sung lực sáng tạo. Võ Long Tề minh họa những đoạn nói về tình yêu Thiên Chúa, sùng bái Đức bà Maria, và những thành tố khác của chủ nghĩa thần bí Công giáo trong thơ ca của Hàn Mặc Tử, và kết luận rằng thiên tài của Hàn Mặc Tử là “làm cho những khả năng của tiếng Việt thích nghi với nhu cầu của nguồn cảm hứng Công giáo.” Bằng cách “khai thác tình cảm của cuộc nổi loạn vì đau khổ”, Hàn Mặc Tử “đã nâng mình lên địa vị của Thần Thánh, người định hình công cuộc truy tìm đầy sáng tạo cái đẹp và hạnh phúc vĩnh hằng của ông[85]”.

Cùng với Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản và Hàn Mặc Tử nằm trong một số ít người cầm bút thời kỳ thuộc địa mà tác phẩm được coi là hợp chuẩn theo những tiêu chuẩn của văn học Việt Nam đương đại. Nhưng đường hướng văn chương của một số nhân vật ít nổi tiếng hơn có thể gợi ý cần phải chú ý kỹ hơn tới vị trí của Công giáo trong đời sống văn học thời thuộc địa. Một trong những nhân vật như thế là Đỗ Đình Thạch, thường được biết với bút danh Đỗ Đình, sinh năm 1907, ở Sơn Tây. Gia đình Đỗ Đình, không theo Công giáo và là những người có thế lực. Ví dụ, bố ông là tri phủ trong tỉnh Sơn Tây. Điều đó đã tạo cơ hội cho Đỗ Đình sang Pháp du học, ông nghiên cứu văn học, triết học và tôn giáo và làm quen với những người như André Gide, Léopold Sédar Senghor và những người khác. Người ta nói rằng Đỗ Đình quyết định cải đạo trên đường trở về nhà vào năm 1932, sau khi đọc tác phẩm Những cấp độ của nhận thức của Jacques Maritain, một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của trường phái triết học tân-Thomas trong thế kỷ XX, và ông đã được rửa tội ngay sau khi đặt chân lên cảng Hải Phòng. Đỗ Đình viết về văn chương và tôn giáo, cả bằng tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, cho các tờ tạp chí như Nam Phong, Đông Dương Tạp Chí và tờ Cahiers de la Jeunesse. Tờ Cahiers de la Jeunesse do một nhà văn Công giáo là Cung Giũ Nguyên sáng lập, tác phẩm Le fils de là baleine (Con của cá voi) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nền văn học Pháp ngữ ở Việt Nam. Đỗ Đình là người đầu tiên dịch Gide và ông còn dịch các tác phẩm của nhà thơ và kịch tác gia Paul Claudel. Năm 1939, Đỗ Đình ra nhập quân đội Pháp và ở Pháp cho đến năm 1960, sau đó ông về dạy học ở Huế[86].

Mặc dù phần lớn những tín đồ Công giáo có học không tham gia vào những nhóm này, nhưng họ quả thực đã tạo ra được một số tác phẩm hư cấu, tác phẩm tôn giáo và những tác phẩm khác đầy sức sống. Trong thời thuộc địa, kịch là một hình thức hư cấu thịnh hành nhất trong văn học Công giáo, đầu thế kỷ XX, kịch bắt đầu phản ánh ảnh hưởng của hình thức kịch nghệ phương Tây. Có khả năng là, phóng tác vở Tuồng Thương Khó, do Nguyễn Bá Tòng chấp bút năm 1922, là tác phẩm nổi tiếng nhất. Nguyễn Bá Tòng có cảm hứng sáng tác phiên bản Việt Nam vở Tuồng Thương Khó vì lúc đó vở này đang được dựng lại ở Đức và Pháp[87]. Buổi trình diễn đầu tiên, tại đại chủng viện Sài Gòn vào năm 1913, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập chủng viện, theo tất cả các báo cáo là rất thành công: ngay cả tờ báo cánh tả L’Opinion cũng viết rằng “nhà hát được xây dựng với những thiết bị hiện đại nhất của khoa sân khấu,” rằng “sự xa hoa của trang phục hài hòa với khả năng hiếm có của diễn xuất,” và rằng bốn ngàn người, nhiều người không phải là Giáo dân, đã đến xem buổi diễn[88]. Thành công của vở diễn này ám chỉ rằng trong thời thuộc địa, kịch khá thịnh hành trong đời sống Công giáo không chỉ vì các nhà văn và dịch giả Công giáo Việt Nam có rất nhiều tác phẩm để họ có thể dựa vào, mà còn vì biểu diễn những tác phẩm loại này là biện pháp hữu hiệu nhằm củng cố và truyền bá các thông điệp của tôn giáo.

Có khả năng năng là nhà soạn kịch Công giáo năng suất nhất trong giai đoạn thuộc địa là ông Lê Văn Đức, người đóng Jesus trong buổi biểu diễn đầu tiên vở Tuồng Thương Khó. Năm 1926, Lê Văn Đức sửa lại bản của Nguyễn Bá Tòng thành vở diễn dài hơn, có cả những bài hát, trong thập niên sau đó vở này được diễn đi diễn lại nhiều lần. Những vở kịch theo tinh thần Công giáo do Lê Văn Đức viết có: Jeanne d'Arc (1924), Vị thánh trẻ của Nazareth (1925), Tiếng Chúa kêu gọi Jeanne d'Arc (1929), tất cả đều là thành phần của Bon Théâtre Moderne, một loạt vở diễn Công giáo thành công ở Sài Gòn trong những năm 1920 và 1930. Sự nghiệp sáng tác các tác phẩm hư cấu của Lê Văn Đức còn vượt xa thành công của ông trong lĩnh vực kịch nghệ. Ngoài các tác phẩm du ký đã nói đến bên trên, Lê Văn Đức còn viết nhiều hài kịch và truyện ngắn về đời sống hiện đại, ông tập trung vào cảnh tượng như anh nhà quê nhập ngũ hay con của một ông quan cổ hủ lấy vợ. Ông còn viết những truyện phiêu lưu ly kỳ, trong đó có cuốn tiểu thuyết về việc tìm kho báu bị chôn giấu[89]. Một nhân vật tương tự, nhưng không thành công và không nổi tiếng bằng là Đinh Văn Sắt, ông này đã sáng tác mấy vở cho Bon Théâtre Moderne. Tương tự như Lê Văn Đức, Đinh Văn Sắt sáng tác hài kịch, một trong số đó là vở về những người say rượu và nói nhiều chuyện nhảm nhí[90]. Linh mục Lê Công Đắc cũng viết kịch về đề tài tôn giáo và hài kịch. Một trong những vở kịch của ông này chế nhạo một nhóm phụ nữ, những người được phong trào thể thao của phụ nữ khích lệ, đã thử đi bộ từ Hà Nội xuống Hải Phòng và ngược lại, nhưng bất thành. Vở kịch của Lê Công Đắc đã làm Tự Lực Văn Đoàn nổi giận, họ đem ông ra giễu cợt trên tờ Phong Hóa[91].

Những cuốn tiểu thuyết hiện đại với đề tài Công giáo cũng bắt đầu xuất hiện vào giai đoạn cuối thời kỳ thuộc địa. Một trong số đó là tác phẩm Người tội ác xuất bản năm 1932, với phụ đề “tiểu thuyết tâm lý”[92]. Đây rõ ràng là nhái lại Truyện Thầy Lazarô Phiền, tác phẩm này nói một người tên là Trần Nghĩa, theo lời ông ta kể lại với vị linh mục ngay trước khi chết. Trần Nghĩa, khai sinh là Phan Thái, là con một gia đình địa chủ ở Quảng Ngãi. Là một học trò giỏi và ngoan đạo, anh rời Quảng Ngãi để vào học trường Ecole Pellerin, nhưng tai họa đã giáng xuống đầu anh khi cha mẹ lần lượt chết ngay sau đó. Vừa đau khổ, vừa bị ép phải bán đất đai của gia đình và rơi dần vào vòng xoáy đi xuống, ăn uống quá nhiều và tiến hành những phi vụ tài chính mờ ám, làm mất rất nhiều tiền của bạn bè. Thay vì trả tiền cho bạn bè, Phan Thái thay tên đổi họ và trốn vào một ngôi chùa, nhưng rồi một đêm anh ta ra đi, mang theo đồ vàng bạc của nhà chùa và đi Nha Trang; một lần nữa anh ta lại thay tên đổi họ và làm việc cho một người là La Galoze. Một hôm, khi cả gia đình La Galoze đi Sài Gòn, Phan Thái đã giết ông này, ăn cắp tiền của ông ta và trốn mất. Trong những năm sau đó, con người có thời là một người ngoan đạo chu du khắp Việt Nam, thường xuyên ăn cắp và thay tên đổi họ, cho đến khi anh ta lập gia đình và định cư ở Sài Gòn như một doanh nhân tên là Trần Nghĩa. Nhưng, cuối cùng anh ta quyết định thú tội và bị bắt vào tù. Một nhà buôn khác, là tín đồ Công giáo, nhìn thấy hoàn cảnh tuyệt vọng của Trần Nghĩa và đã có một bài nói gây xúc động, thúc giục anh ta quay lại với đức tin mà mình đã đánh mất. Sau bài nói này, Trần Nghĩa quay về với Công giáo và sống phần còn lại của cuộc đời một cách thanh thản. Cuốn tiểu thuyết kết thúc bằng tang lễ của ông này.

Văn học dành cho thiếu nhi với đề tài tôn giáo cũng bắt đầu xuất hiện trong thời kỳ này. Một tác phẩm thú vị thuộc thể loại này là cuốn tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc, xuất bản năm 1931. Câu chuyện bắt đầu ở tỉnh Bình Định, nơi hai đứa trẻ là Maria và André sống cùng cha mẹ tuy nghèo nhưng là những tín đồ Công giáo đức hạnh. Một ngày kia, mẹ chúng đi chợ không về, bỏ lại cha chúng trong tình trạng tuyệt vọng hoàn toàn. Gia đình vào Bình Thuận để tìm việc làm. Trên đường đi, lần đầu tiên hai đứa trẻ nhìn thấy một chiếc ô tô và hình ảnh lạ lùng của những người Việt Nam mặc âu phục. Rồi thuyền của họ bị lật và hai đứa trẻ lạc cha. Những chuyến phiêu lưu tiếp sau đó đưa chúng lúc thì đi lên, khi đi xuống, từ Hải Phòng đến Sài Gòn, thậm chí còn sang cả Cambodia và Lào trong một thời gian ngắn nữa. Khắp mọi nơi, các nhà truyền giáo, các vị linh mục, những bà con đồng đạo và sức mạnh của đức tin đã giúp đỡ chúng trong những thời khắc quyết định nhất, trước khi một tín đồ Công giáo nhân từ và giàu có nhận chúng làm con nuôi. Khi độc giả chia tay với Maria và André thì cũng là lúc chàng trai trẻ giành được khá nhiều thành tích trong học tập, còn chị của cậu thì bước vào tu viện[93].

SỰ VƯƠN LÊN CỦA BÁO CHÍ CÔNG GIÁO

Trong tất cả những hình thức và loại hình sách vở xuất hiện trong đời sống Công giáo thời thuộc địa thì báo chí định kỳ có lẽ là hình thức có ảnh hưởng nhất. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo, ra đời năm 1865, là nơi đăng các thông báo của chính quyền thuộc địa và đến cuối thể kỷ ở đây cũng chỉ mới có vài tờ báo. Nhưng sau Thế chiến I, đã có một sự bùng nổ về số lượng và sự đa dạng của các xuất bản phẩm định kỳ ở Việt Nam. Báo chí định kỳ trong giai đoạn cuối thời thuộc địa có tính chất là cởi mở, ngày càng dân chủ hơn, phù phiếm và bị kiểm duyệt một cách gắt gao. Hợp túi tiền và phản ứng nhanh với những vấn đề thời sự trong ngày, xuất bản phẩm định kỳ bung ra khắp nơi nhưng cũng chết rất nhanh vì bị kiểm duyệt hoặc vì thiếu tài trợ hay không có độc giả. Nhưng, những tờ sống được lại trở thành phương tiện truyền thông đại chúng lưu hành rộng rãi nhất ở Việt Nam thời thuộc địa. Đến cuối những năm 1930, chín tờ báo quốc ngữ có số phát hành lớn nhất có lượng phát hành là hơn 80.000 bản mỗi tháng, và dường như số lượng người tiếp xúc với những tờ báo này còn lớn hơn, vì có nhiều người đọc cùng một tờ báo hay đọc ở chỗ công cộng cho những người không biết đọc nghe[94].

Nam Kỳ Địa Phận là tờ báo Công giáo đầu tiên, được xuất bản lần đầu vào năm 1908. Đến năm 1945 có hơn 20 tờ báo như thế được xuất bản. Tương tự như nhiều thay đổi trong đời sống Công giáo thời thuộc địa, việc truyền bá báo chí Công giáo có xuất xứ từ sáng kiến của các nhà truyền giáo, nhưng báo chí đã có đời sống riêng của mình. Xung lực ban đầu cho việc hình thành tờ Nam Kỳ Địa Phận xuất phát từ các nhà truyền giáo, các vị này rất muốn che chắn tín đồ Công giáo khỏi làn sóng cách mạng đang lan tràn trên toàn cõi Việt Nam vào năm 1908. Năm đó, giám mục Sài Gòn viết: “Nhân dân tất cả các dân tộc Á châu dường như muốn cùng đứng lên chống lại người cai trị châu Âu xa lạ. Một giai đoạn mới của lịch sử đang mở ra cho châu Á… tiếng thét căm hờn ‘Đả đảo Công giáo!’ được thay bằng ‘Đả đảo châu Âu!’” Vị giám mục này báo cáo rằng đã nhìn thấy những cuốn sách mỏng kêu gọi Giáo dân tham gia cuộc đấu tranh phản đế và ông đã tìm cách lấy lửa để dập lửa: “Như những phương tiện tuyên truyền mới,” ông viết, “chúng tôi dự định… xuất bản một tờ tuần báo bằng tiếng Việt nhằm cung cấp cho các tín đồ Công giáo lời khuyên phù hợp với mọi hoàn cảnh, nhằm giúp họ biết nhau và tập hợp lại để có thể sử dụng tốt hơn sức mạnh của họ nhằm thúc đẩy quyền lợi cả trong lĩnh vực tinh thần lẫn thế tục của họ”[95].

Cách lập luận như thế đã khuyến khích nhiều tờ báo Công giáo viết bằng quốc ngữ giai đoạn đầu, tất cả những tờ báo như thế đều phải được nhà truyền giáo cho phép và giám sát thì mới được hoạt động. Năm 1921, một nhà truyền giáo của MEP xin phép ra tờ báo quốc ngữ lấy tên là Lời Thăm ở Qui Nhơn. Ông Pierre Pasquier, tổng đốc Trung Kỳ và sẽ là toàn quyền trong tương lai viết rằng tờ báo này “hy vọng sẽ đưa một số linh mục bản xứ - những người đã giành được quyền lực đáng kể trong khu vực của họ và thể hiện sự độc lập quá mức trước các bề trên người Pháp cũng như trước các nhà chức trách Pháp nói chung - quay lại với những tình cảm trung thành hơn”[96]. Ba năm sau, theo khuyến nghị của Khâm sứ Tòa thánh, các nhà chức trách của MEP thành lập tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ, tờ Trung Hòa Nhật Báo, nhằm “cảnh báo độc giả của nó… về những chủ chăn không tốt”[97]. Các tư duy như thế không chỉ là phản ứng trước tình hình chính trị và tôn giáo ở Việt Nam, mà còn phản ánh những cố gắng có phối hợp ở cấp lãnh đạo cao nhất của Giáo hội nhằm đấu tranh với nền báo chí bình dân đang gia tăng, bằng cách khuyến khích các tờ báo Công giáo “tốt” và đè nén những tờ báo tiến bộ[98].

Không có gì ngạc nhiên là những người Việt Nam bị lôi cuốn vào trong thế giới báo chí Công giáo vừa mới hình thành còn có những động cơ phức tạp hơn. Chắc chắn là một số người chia sẻ quan điểm của bề trên của họ. Linh mục Lucas Lý, người viết nhiều cho tờ Sacerdos Indosinensis, khẳng định rằng báo chí là yếu tố cần thiết không chỉ cho việc động viên Giáo dân đóng góp nhiều hơn cho Giáo hội của họ mà còn che chắn cho họ khỏi làn sóng của “chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa bài giáo sĩ, nói tắt là hầu hết các tà thuyết ngôn cuồng bậy bạ” trong cái thế giới mà cải đạo trở thành khó khăn hơn bao giờ hết[99]. Nguyễn Cang Thường khẳng định rằng báo chí cần cho việc giữ gìn đức hạnh của những người theo đạo, cho việc truyền bá ngôn từ của Chúa cho những người chưa cải đạo, cho hành động như là cơ quan có ảnh hưởng nhằm bảo vệ quyền lợi của tín đồ Công giáo, cho việc bảo vệ Giáo hội trong những cuộc tranh luận trong lĩnh vực báo chí đầy sức sống của Bắc Kỳ, trong đó thường có những lời phê phán các đoàn truyền giáo và Công giáo nói chung[100]. Nguyễn Hưng Thi, nhiều năm sống ở châu Âu đã tạo cho tư duy của ông này giọng điệu sùng bái Giáo hoàng, khẳng định rằng báo chí phải giúp các Giáo dân nhận thức rõ hơn tư tưởng của Giáo hoàng[101]. Một vị linh mục viết trên tờ Sancerdos Indosinensis: “Hãy có lòng tốt với báo chí Công giáo, hãy coi nó là của ta, là chân tay ta, hãy hy sinh vì nó, hãy tán trợ cho nó, hãy cổ động cho nó, thì rồi ta sẽ thấy cái kết quả vẻ vang cho gia đình Công giáo ta, vẻ vang cho Chúa chúng ta vậy”[102].

Nhưng những tín đồ Công giáo khác lại nghĩ nhiều hơn về báo chí như là phương tiện nhằm giải quyết những căng thẳng và hiểu lầm, tức là những tác nhân có vai trò thường xuyên trong việc định hình quan hệ giữa Công giáo với những thành phần khác trong xã hội. Năm 1927, Hồ Ngọc Cẩn viết rằng tờ Công Giáo Đồng Thinh, xuất bản hai lần một tuần ở Sài Gòn, sẽ giúp truyền đạt thông tin trong cộng đoàn[103]. Tương tự như thế, Nguyễn Bá Chính, tổng biên tập người Việt đầu tiên của tờ Trung Hòa Nhật Báo, hy vọng rằng tờ báo này có thể “xóa bỏ những mối nghi ngờ vô căn cứ về tín đồ Công giáo, những người thường được mô tả, theo nhiều cách khác nhau, như những kẻ phản bội tại quốc gia này”[104]. Những người cầm bút như thế cảm thấy rằng cần phải nuôi dưỡng quan hệ với người không theo Công giáo. “Người không theo Ki-tô giáo có nên đọc báo Công Giáo Đồng Thinh không?” tác giả bài xã luận trên tờ Công Giáo Đồng Thinh hỏi như thế. Tác giả này hy vọng rằng tờ báo sẽ giúp người không theo Công giáo hiểu biết nhiều về đời sống, về đức tin và tư tưởng Công giáo, và bằng cách đó giúp xã hội tái lập sự cân bằng thích hợp khi để cho một trong những tôn giáo của nó lần đầu tiên được hiện diện trong đời sống công cộng như chính nó vốn thế[105].

Những quan điểm trái ngược nhau lớn như thế - báo chí như là lực lượng bảo vệ hay là cầu nối – thể hiện đúng hai loại báo chí chính trong nền báo chí Công giáo viết bằng quốc ngữ trong thời thuộc địa. Các tờ Nam Kỳ Địa PhậnLời Thăm được thành lập với sự tham gia tích cực của MEP, giống những bản tin tôn giáo hơn là tờ báo. Phần lớn nội dung của hai tờ báo này là những câu truyện trong Kinh Thánh, những cuốn vỡ lòng về đức dục đăng thành nhiều kỳ, lịch sử Công giáo và truyện hư cấu và tiểu luận về đời sống Công giáo, cáo phó các vị linh mục và những tín đồ Công giáo lỗi lạc khác, tin tức của thế giới Công giáo cũng như tin tức lấy từ báo chí Công giáo của Pháp và tin từ các cơ quan của chính quyền thuộc địa. Những ấn phẩm này, đặc biệt là tờ Nam Kỳ Địa Phận, đã có ảnh hưởng rất lớn mặc dù chủ yếu tập trung vào các chủ đề tôn giáo, chúng cung cấp cho các tín đồ Công giáo một loạt tác phẩm khác nhau của những người cầm bút tôn giáo về những chủ đề như thần học, tri thức và văn học với giả cả phải chăng hơn hẳn những phương tiện truyền thông đại chúng khác. Trong giai đoạn thuộc địa, các tờ tin tôn giáo là những tờ báo được tín đồ Công giáo thường xuyên mua hơn; trong khi các cuốn sách và những cuốn sách mỏng thường chỉ được in mỗi lần mấy trăm cho đến vài ngàn thì báo tuần hay báo bán nguyệt san thường có số lượng in từ một đến bốn ngàn bản, nguyệt san thường có số lượng in từ năm trăm đến hai ngàn bản. Trong những năm 1930, tức là thập kỷ có tới khoảng mười lăm tờ báo hay tạp chí Công giáo khác nhau, hàng chục ngàn tờ báo Công giáo được phát hành mỗi tháng và chúng thường được các nhóm đọc to cho nhau nghe hoặc người này đọc xong thì chuyền cho người kia. Mô hình của tờ Nam Kỳ Địa Phận vẫn là mô hình giữ thế thượng phong trong suốt thời kỳ thuộc địa: trong số hơn hai mươi tờ báo và tạp chí Công giáo xuất bản từ năm 1908 đến năm 1954 chỉ có vài tờ lệch ra khỏi đường hướng của nó một cách đáng kể mà thôi.

Trong số đó, quan trọng nhất là hai tờ Trung Hòa Nhật Báo, xuất bản ở Hà Nội từ năm 1923 đến năm 1945 và tờ Công Giáo Đồng Thinh, xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1927 đến năm 1937, đã nhắc đến bên trên. Phản ảnh niềm tin của các biên tập viên đáng kính của hai tờ báo này rằng báo chí Công giáo phải trở thành cầu nối giữa các tín đồ Công giáo và những thành phần khác trong xã hội, hai ấn phẩm này đi theo mô hình của những tờ báo hiện đại vừa xuất hiện ở Việt Nam trong giai đoạn đó. Khác với những tờ tin tôn giáo, hai tờ báo này tường trình và thảo luận về tin tức trong ngày, cả trong những bản tin ngắn lẫn trong những bài xã luận dài. Chúng phản ánh sự ràng buộc thực sự với nhiều vấn đề đang được những người Việt Nam có học trong giai đoạn này bàn thảo, ví dụ như những thách thức của nền giáo dục phương Tây, khoa học và đạo đức, phụ nữ và tính chất đang thay đổi của gia đình, nghèo đói và những vấn đề khác ở vùng nông thôn, quan hệ giai cấp và quan hệ sắc tộc, truyền thống và văn hóa dân tộc và những hình thức mới của văn chương và thi ca. Trung Hòa Nhật Báo là tờ có ảnh hưởng đặc biệt. Tờ báo này xuất bản ở Hà Nội, nhiều tín đồ Công giáo Bắc Kỳ dễ dàng mua được và nó có vai trò quan trọng trong lĩnh vực báo chí ở Hà Nội, cho đến những năm 1930 báo chí ở đây vẫn còn tương đối hạn chế. Trung Hòa Nhật Báo bán được bốn ngàn bản một tháng trên toàn cõi Việt Nam[106].

Thành lập ở Sài Gòn sau Trung Hòa Nhật Báo ba năm, Công Giáo Đồng Thinh đi theo mô hình của tờ báo Công giáo tham gia vào những vấn đề và những cuộc tranh luận xã hội. Trong bức thư gửi độc giả đăng trên số đầu tiên, tổng biên tập Đoàn Kim Hương mô tả tờ báo này như “cơ quan xã hội ta”. Ông Hương viết rằng vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ nhằm cải thiệu điều kiện kinh tế và điều kiện xã hội cho nên mục đích của tờ báo mới là “tranh cường cho nhơn lại bình yên thơi thới, tranh cường cho Việt Nam tấn bộ, tranh cường cho thương mãi mở mang, tranh cường cho kỹ nghệ hưng phát, tranh cường cho canh nông thịnh hanh.” Tầm nhìn này là do ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Hòa Nhật Báo; ông nhận xét: “Nội Nam-Kỳ và Trung-Kỳ… chỉ có tờ “Công Giáo” này là tờ báo thứ nhứt vừa thông tin tức thời sự, vừa lại thông diễn các việc của Hội Công Giáo làm trong xứ ta.” Đoàn Kim Hương mường tượng tờ báo của ông là tờ báo tận tụy với quyền lợi của xã hội và hoan nghênh sự tham gia của độc giả, mặc dù ông nhận trách nhiệm về “những điều tôi sẽ nói cùng những việc tôi sẽ làm”[107]. Đến những năm cuối 1920, những bài tường thuật trên tờ Công Giáo Đồng Thinh và đóng góp của nó vào những cuộc tranh luận xã hội, văn hóa và chính trị đã làm cho tờ báo này trở thành thành phần tích cực trong lĩnh vực báo chí đầy sức sống ở Sài Gòn.

Hai ấn phẩm này là khởi đầu quan trọng cho nền báo chí Công giáo, và chúng đã bị các nhà truyền giáo và các quan chức thuộc địa để ý. Ban đầu ảnh hưởng của MEP đối với Trung Hòa Nhật Báo là khá hạn chế; như giám mục Hà Nội ghi nhận: “Tôi hầu như hoàn toàn không đọc bài trên tờ báo này vì không có thì giờ và không hiểu ngôn ngữ đã hiện đại hóa.” Ông này còn nhận xét rằng trong khi “tờ tạp chí này không nhận được bất kỳ sự trợ cấp nào… nhưng điều đó không ảnh hưởng tới thành công của nó trên thị trường. Việc giám sát còn thiếu sót… đáng tiếc theo quan điểm của những cố gắng nhằm khắc phục vấn đề”[108]. Nhưng đến năm 1930, thì việc này rõ ràng là đã thay đổi; Nguyễn Bá Chính, tổng biên tập tờ Trung Hòa Nhật Báo từ ngày thành lập, rời tòa soạn vào năm 1932 vì ảnh hưởng của truyền giáo lúc này dường như đã quá lớn. “Trong số các nhà truyền giáo,” ông viết, “có một số người có hiểu biết không thích đáng về tình hình chính trị ở đất nước này và vì vậy mà một số người đã biến tờ Trung Hòa thành tờ tạp chí hoàn toàn có tính tôn giáo”[109]. Tờ Công Giáo Đồng Thinh được hưởng lợi từ luật báo chí ở Nam Kỳ tự do hơn, nhưng hoạt động chính trị của một số người trong ban lãnh đạo của nó đã thu hút sự chú ý. Năm 1928, Huỳnh Phúc Yên, một trong các biên tập viên của tờ báo thông báo trên tờ báo này rằng ông ta sẽ thành lập một nhóm gọi là Việt Nam Thanh Niên Tân Tiến Đảng, tập trung vào việc cải thiện điều kiện làm việc của cu li, của những người đạp xích lô và những thành phần thấp kém khác ở Sài Gòn thông qua tuyên truyền, tổ chức, tẩy chay, thậm chí là bạo lực. Huỳnh Phúc Yên công bố những bài do nhà báo Diệp Văn Kỳ viết, kêu gọi tiến hành những chương trình đào tạo và thành lập ngân hàng tiết kiệm cho dân nghèo Sài Gòn, việc này đã buộc ông phải rời tòa soạn[110]. Đến cuối những năm 1920 Sûreté tiến hành kiểm duyệt bài của cả hai tờ báo này[111].

Tính chất của những tờ báo này một lần nữa nêu ra câu hỏi về biên giới chia cắt cộng đồng trong đời sống trí thức thời thuộc địa. Đấy là câu hỏi về mức độ đóng góp của người không theo đạo Công giáo cho hai tờ báo Trung Hòa Nhật BáoCông Giáo Đồng Thinh hay mức độ đóng góp của tín đồ Công giáo cho những tờ báo không phải của Công giáo? Việc thiếu thông tin về tiểu sử những người viết cho báo chí và tần suất sử dụng bút danh của họ làm ta khó có câu trả lời cho câu hỏi này. Một số tác nhân ám chỉ rằng bản sắc tôn giáo góp phần quyết định trong việc định hình nghề nghiệp của những tín đồ Công giáo viết báo. Các vị linh mục, là những cây viết quan trọng cho báo chí Công giáo, dường như có ít cơ hội và không quan tâm tới việc công bố trên báo chí không Công giáo. Nhiều cây viết là Giáo dân dường như đã học trong các trường Công giáo, mạng lưới của các trường này có thể đã dẫn họ đến với báo chí Công giáo và chính sách biên tập rộng rãi và cởi mở của Trung Hòa Nhật BáoCông Giáo Đồng Thinh dường như cũng làm cho những người cầm bút Công giáo quan tâm tới những vấn đề đương đại thấy không có nhu cầu tìm những cơ hội khác. 

Kinh nghiệm của những tín đồ Công giáo hoạt động trên lĩnh vực báo chí không Công giáo dường như rất khác nhau. Một trong những trí thức có ảnh hưởng nhất ở Nam Kỳ trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ là một tín đồ Công giáo, đấy là ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, từng tốt nghiệp Collège d’Adran. Ông này là một địa chủ giàu có ở Rạch Giá và đã có quốc tịch Pháp. Mối quan tâm của Chiếu đối với việc cải cách kinh tế và bộ máy hành chính Nam Kỳ đã đưa ông vào ban biên tập của hai tờ báo viết bằng quốc ngữ có nhiều ảnh hưởng là tờ Nông Cổ Mín ĐàmLục Tỉnh Tân Văn, nơi ông thường công bố những bài báo chỉ trích chính quyền thuộc địa. Năm 1907 con ông này, lúc đó đang học ở Hồng Công, đã gặp Phan Bội Châu và đã gửi thư của ông cho bố mình lúc đó đang đi Hồng Công để gặp Phan Bội Châu. Khi trở về Sài Gòn, Trần Chánh Chiếu bắt đầu giúp tổ chức đưa sinh viên sang Nhật và dùng những khách sạn của ông ở Mỹ Tho và Sài Gòn làm chỗ chứa chấp các hoạt động phản đế. Tháng 10 năm 1908, Trần Chánh Chiếu bị bắt, nhưng danh tiếng cũng như tư cách công dân Pháp của ông làm cho việc kết án ông trở thành khó khăn, cuối cùng, ông được tuyên trắng án[112]. Nhưng nếu việc tham gia vào những tờ báo không Công giáo góp phầm mài sắc tinh thần dân tộc chủ nghĩa của những tín đồ Công giáo như Trần Chánh Chiếu thì nó cũng có thể nhắc người ta về những đường biên giới chia cắt cộng đồng. Nhà văn Vũ Bằng nhắc đến một đồng nghiệp của ông ở tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy, ông này, khác với những vị đồng nghiệp của mình, cảm thấy không được thoải mái khi trả lời trên báo bức thư của các nhà truyền giáo phê phán một trong những truyện ngắn của ông[113].

Áp lực từ các nhà truyền giáo bề trên và của nhà đương cục Pháp rõ ràng là có ảnh hưởng đối với hai tờ Trung Hòa Nhật BáoCông Giáo Đồng Thinh, cạnh tranh từ những tờ báo xuất hiện như nấm trong những năm 1930 cũng tạo áp lực không kém. Số phát hành của tờ Trung Hòa Nhật Báo giảm mạnh, năm 1927 là bốn ngàn bản, một tập kỷ sau chỉ còn một ngàn rưởi và dừng lại ở đó cho đến khi đình bản vào năm 1945[114]. Đến năm 1937, tờ Công Giáo Đồng Thinh cũng đóng cửa. Nhưng những tờ báo khác đã xuất hiện nhằm chiếm khoảng trống. Hai tờ có ý nghĩa nhất lại là những tờ báo theo đường lối bảo thủ, nhưng mỗi tờ bảo thủ một cách. Tờ Vì Chúa, xuất bản ở Huế dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Thích. Tờ Vì Chúa là tờ báo Công giáo bảo thủ nhất về mặt văn hóa, tờ này thường xuyên cằn nhằn về hoạt động của thanh niên, công nhân, phụ nữ, về công nghệ mới và tất cả những gì hơi có vẻ mới. Tuy nhiên, Vì Chúa là tờ báo uyên bác và nghiêm túc, và các nhà khoa bảng gần đây đã thể hiện sự tin tưởng những cuộc thảo luận rộng rãi lần đầu tiên được tiến hành bằng tiếng Việt về các nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng ở phương Tây[115].

Một tờ báo khác, tờ La Croix d’Indochine (sau đổi thành L’Aube Nouvelle) là tờ báo Công giáo lớn duy nhất bằng tiếng Pháp ở Việt Nam mà không nằm dưới sự quản lý của nhà truyền giáo. Tổng biên tập của tờ báo này là ông Nguyễn Hữu Mỹ, từng làm quan và viết lách. Tờ báo này có xuất xứ từ một câu chuyện cười. Trong những năm 1930, khi còn làm quan ở Nam Kỳ, Nguyễn Hữu Mỹ bi dính vào một vụ tham nhũng, đấy là khi ông mua một dãy nhà ở Bến Tre và sử dụng quyền lực của mình để buộc người ta phá dỡ khu chợ cũ của thành phố và xây chợ mới bên cạnh dãy nhà của mình, làm cho giá trị của nó tăng lên đáng kể. Dân chúng phàn nàn với nhà chức trách Pháp, người Pháp đồng ý đóng cửa khu chợ mới. Nguyễn Hữu Mỹ bị buộc phải bán khu nhà, dù bị lỗ, tình hình còn tồi tệ thêm vì ông này không đóng thuế. Những vụ lạm dụng quyền lực của Nguyễn Hữu Mỹ dường như không chỉ trong lĩnh vực nhà đất: trong bữa cơm đón tiếp Lê Văn Đức vào năm 1942, Ngô Đình Thục đã nói với một quan chức Pháp rằng Nguyễn Hữu Mỹ là “một con quỉ thật sự. Không hài lòng với biết bao nhiêu bà vợ lẽ của mình, ông ta còn săn đuổi các xơ làm trong nhà nuôi người già, tìm cách ngủ với những cô trẻ nhất, đến mức ban đêm họ phải đóng cổng để tránh sự lùng sực của ông ta. Ông ta đúng là một Giáo dân kỳ quặc”[116]. Việc làm không khôn ngoan của Nguyễn Hữu Mỹ đã buộc ông ta phải bỏ việc để về Sài Gòn, và ông ta thành lập tờ báo ở đây. La Croix d’Indochine không bảo thủ về văn hóa như tờ Vì Chúa,  nhưng cực kỳ hữu khuynh về mặt chính trị, nó tấn công tất cả mọi người bên phái tả, kể cả chính phủ thuộc địa trong giai đoạn Mặt trận Bình dân. Nhưng, cũng như nhiều cây viết ở Trung Hòa Nhật Báo và Công Giáo Đồng Thinh, Nguyễn Hữu Mỹ cũng tìm tự do ngôn luận từ những ấn bản phẩm do các nhà truyền giáo lãnh đạo, những ấn bản mà ông ta cho là “thiếu tính chiến đấu.” “Chúng ta cần một cơ quan ngôn luận khác,” ông viết, “một cơ quan động chạm được tới chính phủ và lôi kéo được các giai tầng trí thức, một cơ quan phản ánh, không cần lưỡng lự, ý kiến của thế giới Công giáo Đông Dương, một thế giới đã trở thành quan trọng đến mức có thể đưa tiếng nói của nó vào bản hòa tấu ý kiến công cộng”[117].

Nhưng thậm chí ngay từ đầu những năm 1930, báo chí nói chung vẫn là diễn đàn cho giáo sĩ và các tín đồ Công giáo có học, ở thành phố, mặc dù họ cố gắng làm ngược lại. Một bài trên tờ Công Giáo Đồng Thinh năm 1930 thể hiện sự lo lắng về thói quen đọc sách của tín đồ Công giáo bình thường: “Chúng ta vào một nhà công giáo ở thôn quê, thời thấy trên bàn phần nhiều chỉ có một cuốn lịch… Một họ chỉ có vài nhà thêm được cuốn Ê-Vang, một cuốn sách của Bonne Presse, vài số của tờ Nam Kỳ Địa Phận, Lời Thăm, và Công Giáo Đồng Thinh.” Hơn thế nữa, những tín đồ Công giáo có đọc sách báo đó chưa chắc đã đọc những thứ có ích: tác giả lo lắng nhận thấy những tác phẩm hư cấu đang thịnh hành trong gia đình các tín đồ Công giáo và ông ta nhận xét rằng một vài thanh niên Công giáo thậm chí không biết đến sự tồn tại của báo chí Công giáo[118]. Sau những cuộc nổi dậy của nông dân trong những năm 1930 và 1931 mối lo này thậm chí còn lớn hơn, bóng ma của một kiểu hoạt động chính trị mới của quần chúng làm cho nhiều tín đồ Công giáo cảm thấy bất an. Đối với tác giả này và một số người khác, những khó khăn mới xuất hiện trong xã hội và căng thẳng chính trị trong những năm 1930 tạo ra nhu cầu sử dụng in ấn nhằm khẳng định vai trò của Giáo hội trong những giai đoạn thử thách rất giống với, như một vị linh mục Việt Nam khẳng định, vai trò của Giáo hội Pháp trong thế kỷ XIX[119]. Quan điểm này không phải là đơn độc – phần lớn các tín đồ Công giáo Việt Nam có suy nghĩ như thế đều bị ảnh hưởng bởi cố gắng của Vatican nhằm gia tăng số người biết đọc biết viết và làm sống lại hoạt động của các hội đoàn Công giáo nhằm ngăn chặn sự cám dỗ của cánh tả.

Như vậy là, những năm 1930 đã chứng kiến sự bành trướng đáng kể của sách báo Công giáo bằng hai biện pháp chính. Một số ấn phẩm mới chuyển hướng do nội dung thì ít mà bằng yếu tố địa lý và xã hội thì nhiều. Đáng kể nhất là tờ Đa Minh Bán Nguyệt San của dòng Đa Minh in ở Nam Định từ năm 1939 đến năm 1943 và tờ nguyệt san Đức Bà Hằng Cứu Giúp của dòng Chúa Cứu Thế in ở Hà Nội, nhưng lại được phân phối rộng rãi ở Huế, nơi dòng Chúa Cứu Thế cũng hoạt động khá tích cực. Những tờ báo này, về nội dung, tương tự như tờ Nam Kỳ Địa Phận, trong những năm 1920 được phân phối rộng rãi trong các cộng đồng nông thôn ở Trung và Bắc Kỳ hơn bất kỳ tờ báo Công giáo nào khác[120]. Năm 1938, tức là đúng một năm sau khi thành lập, tờ Đức Bà Hằng Cứu Giúp có số phát hành lớn hơn bất kỳ ấn phẩm nào từng giữ thế thượng phong trong làng báo chí Công giáo viết bằng quốc ngữ trong những năm 1920[121]. Những tờ báo này, cùng với những tờ báo của MEP đặt cơ sở ở bên ngoài Hà Nội hay Sài Gòn (tương tự như tờ Đường Ngay ở Vinh), đã giúp lan truyền sách báo vào vùng nông thôn. Nhưng những tờ báo khác – rõ nhất là những tờ gắn bó với những hiệp hội thanh niên và công nhân xuất hiện trong những năm 1930 – thể hiện những biến đổi quan trọng trong tổ chức đời sống Công giáo. Phần lớn là báo ra hàng tháng và hiếm khi dày quá chục trang, vì vậy mà không đắt. Nội dung thì đủ cả: lịch sử Công giáo, các bài tiểu luận về đạo đức, những câu chuyện Kinh thánh để mua vui, câu đố, trò chơi, bài hát và tin tức Công giáo thế giới, cũng như những bài tường thuật về hoạt động của hiệp hội của các xơ ở Việt Nam, trong đó có tin tức về quá trình hình thành những tăng hội mới và kết nạp thành viên mới. Trong những năm 1930, xuất hiện mấy tờ tạp chí dành cho thanh niên nói chung, như tờ Hy Vọng, xuất bản ở Hải Phòng từ năm 1937 đến năm 1944 và tờ Bạn Thiếu Niên, xuất bản ở Phát Diệm từ năm 1937 đến năm 1939. Một số tờ báo Công giáo còn xuất bản các phụ chương dành cho thanh niên.

Mặc dù những tờ báo Công giáo này ban đầu chỉ là những tờ tin tôn giáo hay dành riêng cho những hiệp hội tôn giáo, nhưng tinh thần hoạt động và tham gia trong những năm 1930 đã chuyển hóa được những loại hình này. Càng ngày các tác giả và biên tập viên của những tờ báo Công giáo càng tìm cách trả lời câu hỏi mà từ năm 1930 Nguyễn Đình Hiến đã đặt ra trong một cuốn sách mỏng: “Công giáo có ích gì không?”[122] Mặc dù Trung Hòa Nhật BáoCông Giáo Đồng Thinh đã phai tàn hoặc biến mất hoàn toàn, những tờ còn lại và những tờ mới xuất hiện thay thế cho chúng đã tiến đền gần hơn nhằm hoàn thành vai trò của ban biên tập của chúng. Thực vậy, mặc dù phần lớn số báo của tờ Nam Kỳ Địa Phận từ năm 1910 trở đi đều là những bài viết về đạo đức, hành vi của cá nhân, chuyện Kinh Thánh và những vấn đề tương tự, nhưng đến cuối những năm 1930 những bài về hệ thống chính trị và hệ tư tưởng, tổ chức thanh niên Công giáo và tính chất đang thay đổi trong việc làm và gia đình cũng đã xuất hiện. Phần nhiều, dĩ nhiên là phản ánh thứ tự ưu tiên đang thay đổi của nhóm người viết đa dạng hơn, trong đó dường như có các giáo sĩ có học thức trẻ hay các trí thức ở thành phố. Không có gì ngạc nhiên là điều này đặc biệt đúng đối với báo chí của thanh niên, công nhân và các hiệp hội của nông dân, những tờ báo chứa đựng nhiều nội dung độc đáo nhắm tới các thành viên hiệp hội như cảnh nghèo đói ở nông thôn, ảnh hưởng của việc làm trong công nghiệp đối với cá nhân và quan hệ giữa các giai cấp. Những nguồn cung cấp nội dung mới còn giúp mở rộng trọng tâm chú ý của những bản tin tôn giáo. Trong khi những tờ báo Công giáo viết bằng quốc ngữ ra trước đây đăng lại nhiều bài từ báo chí thuộc địa thì các tờ tạp chí của MEP và các ấn phẩm Công giáo Pháp, thì đến những năm 1930 báo chí Công giáo viết bằng quốc ngữ ngày càng đăng lại nhiều nội dung từ các cơ quan báo chí Công giáo quốc tế, như Bulletin des Missions, xuất bản ở Bỉ. Tờ Bulletin des Missions tiến bộ hơn hẳn các ấn phẩm của MEP, tờ này thường xuyên đăng những bài làm cho các nhà truyền giáo và các quan chức thuộc địa tức giận. Báo chí quốc ngữ còn đăng lại các bài lấy từ Fides, cơ quan thông tấn của Bộ truyền giáo, được thành lập năm 1927. Cơ quan này coi những vấn đề xã hội trong thế giới Công giáo và sự phát triển các Giáo hội độc lập ở các khu vực là tiêu điểm quan trọng của sứ mệnh chủa họ.

Đến cuối những năm 1930, vị trí của sách báo trong đời sống Công giáo ở Việt Nam đã khác hoàn toàn so với hai thế hệ trước đó.Trong những năm 1860 và 1870, sách báo là đặc quyền của những tín đồ Công giáo tinh hoa và giáo sĩ, những người chủ yếu đọc các tác phẩm viết về thần học hay sách tôn giáo. Đến những năm 1930, số tín đồ Công giáo bình thường biết đọc biết viết ngày càng gia tăng, những người này có thể đọc về những sự kiện xảy ra bên ngoài làng xã của mình và những loại sách báo nằm bên ngoài thế giới của thờ phụng và lễ nghi. Thực vậy, ngay cả những tờ tin của những giáo phận nhỏ nhất bây giờ cũng đăng tin trong nước, trong mục như Tin Tức Gần Xa và tin tức quốc tế, trong mục như Thế Giới Thời Sự. Tin tức Công giáo cũng thế, đấy là những tin tức trong mục Trong Các Địa Phận, nói về tin tức ở Việt Nam rồi đến tin tức về những vùng xa xôi như Nga, Mexico và Mỹ. Nhưng trong giai đoạn cuối thời thuộc địa sách báo chỉ là một trong nhiều phương tiện giúp mở rộng chân trời cho tín đồ Công giáo Việt Nam mà thôi. Khi cơ cấu kinh tế thuộc địa và các thiết chế Công giáo toàn cầu cũng như các trào lưu văn hóa xâm nhập sâu hơn vào đời sống Công giáo Việt Nam thì những hình thức vận động, hiệp hội, hành hương và trải nghiệm nghi lễ mới bắt đầu làm cho cả dân tộc cũng như thế giới ngày càng trở thành vấn đề trung tâm của ý thức Công giáo Việt Nam.



[1] John DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam (The Hague: Mouton, 1977), 52.

[2] Xem Roland Jacques, Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics (Bangkok: White Lotus Press, 2002).

[3] Về de Rhodes, xin đọc Peter Phan, Mission and Catechesis: Alexander de Rhodes and Inculteration in Seventeenth-Century Vietnam (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1998).

[4] Về cuộc đời và sự nghiệp của Maiorica, xin đọc Brian Ostrowski, “The Nôm Works of Geronimo Maiorica, S.J. (1589-1656) and Their Christology,” luận án tiến sĩ, Cornell University, 2006.

[5] Alain Forest, Les missionnaires français au Tokin et au Siam (XVIIe-XVIIIe siècles): Analyse compare d’un reletif succès et d’un total èchec (Paris: L’Harmattan, 1998), 3: 125-26.

[6] Jacob Ramsay, Mandarins and Martyrs: The Church and the Nguyen Dynasty in Early Nineteenth-Century Vietnam (Stanford, CA: Staford University Press, 2008), 132-33.

[7] Tác phẩm đã dẫn, 128.

[8] Về Philipê Bỉnh, xin đọc Lê Ngọc Bích, Nhân vật công giáo Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX-XX (N.p., 2006), 365-82

[9] DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, 102-5.

[10] Forest, Les missionnaires français, 3: 152.

[11] Ramsay, Mandarins and Martyrs, 31-32.

[12] Shawn McHale, Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in Making of Modern Vietnam (Honolulu: University of Hawai’i Press, 2004), 14.

[13] Poncet, “Mission d’une seule génération: Mgr. Marcou & Mgr. DeCooman, M.E.P,. 1901-1960,” 12, MEP.

[14] Ramsay, Mandarins and Martyrs, 33.

[15] Tác phẩm đã dẫn, 128

 

[16] Laurent Dartigues, L’Orientalisme français en pays d’Annam, 1862-1939: Assai sur l’indée française du Viêt Nam (Paris: Les Indes Savantes, 2005), chapter 6.

[17] Jean Michaud, ‘Incidental’ Ethnograpkers: French Catholic Missions on the Tonkin-Yunnan Frontier, 1880-1930 (Leiden:Brill, 2007), chapter 4.

[18] L. Escalère, “La collaboration des missionnaires catholiques aux travaux de l’école française d’extrême-orient,” BSMEP, July, August, September, and October 1936.

[19] James P. Daughton, An Empire devided: Religion, Republicanism, and the Making of French Colonianism, 1880-1914 (New York: Oxford University Press, 2006), chapter 1

[20] Ramsay, Mandarins and Martyrs, 4.

[21] Société de Saint Augustin, Patriots et Martyrs en Chine et au Tonkin (Paris: Desclée, De Brouwer at Cie, 1901).

[22] Adrien Launay, Société des missions étrangères pendant la guerre du Tonkin (Paris: Librairie de l’Oeuvre de Saint-Paul, 1886).

[23] Trích lại trong Dartigues, L’Orientalisme français en pays d’Annam, 252.

[24] J.B. Guerlach, “l’Oeuvre néfaste”: Les missionairies en Indo-chine (Saigon: Imprimerie Commerciale, 1906).

[25] GGI to Minister of Colonies, April 30, 1917, GGI 47370, ANOM.

[26] Gendreau to Marc Dandolo, December 10, 1927, Correspondance Gendreau, MEP.

[27] FM IC NF 963, ANOM.

[28] DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, 181-87.

[29] “Souvenirs Franco-Tonkinois (1879-2886),” Missions Catholiques, April 27, 1900.

[30] Daughton, An Empire devided, 104-6.

[31] Bùi Đức Sinh, Giáo hội công giáo ở Việt Nam, (Calgary: Veritas, 1998), 3:144.

[32] Xem, nhất là Nguyễn Bá Tòng, Deux conférences: Apparitions et miracles des Lourdes, Gesta Dei per Francos (Hanoi: Imprimerie Ngô Tử Hạ, 1938).

[33] Hậu Học, “Quốc ngữ là gươm hai lưỡi,” CGĐT, October 14, 1927.

[34] J. B. Hân, “Đời bây giờ chữ nho có nên học chăng?,” Sancerdos Indosinensis, April 15, 1927, June 15, 1927, and October 15, 1927.

 

[35] Nguyễn Văn Thích, Tiện huế Hán thư (Huế: Imprimerie Dac Lap, 1930).

[36] Về  Nguyễn Văn Thích, xin đọc Lê Ngọc Bích, Nhân vật công giáo Việt Nam, 511-20

[37] Nguyễn Văn Thích, Vấn đề luân lý ngày nay (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1930)

[38] Simon Chính, Hiếu kính cha mẹ (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1932)

[39] Cư Sỹ, “Coi sử ký và hạnh thánh,” ĐMBN, December 1, 1939.

[40] Thượng Phân, “Phải nên kiểm duyệt sách quốc ngữ,” THNB, October 15, 1924.

[41] Sahara, “Văn chương công giáo với Truyện Kiều,” ĐMBN, June 15, 1942.

[42] Phêrô Nghĩa [Lê Thiện Bá], “Người bút được tự do,” NKĐP, January 15, 1942.

[43] Đông Bích [Nguyễn Hưng Thi], “Cuốn sách nên đọc,” THNB, September 24, 1929.

[44] Xem: “Ai muốn đóng xi nê ma?,” Vì Chúa, March 15, 1938, and Minh Châu, “Cái hại ci nê,” ĐMBN, January 1, 1940.

[45] David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (Berkeley: University of California Press, 1981), 176. Đáng tiếc là Marr đã không ghi chú nhân vật rất đặc biệt này.

[46] DeFrancis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, 181-87.

[47] Tay-Zương [Gustave Hue], “Quôcj Ngűw moeij,” L’Avenir du Tonkin (supplement), December 3, 1928. 

[48] Focyane [Huỳnh Phúc Yên], “Phải dạy thêm tiếng Annam ở các lớp tiểu học trên nữa,” CGĐT, September 22, 1927.

[49] Hồ Ngọc Cẩn, “Tiếng Annam ta,” CGĐT, December 2, 1927.

[50] H. L., “Làm thế nào cho trẻ nữ nhà quê đều biết quốc ngữ,” THNB, October 10,1933.

[51] “Chữ quốc ngữ với thôn quê,” ĐMBN, March 1, 1941.

[52] Nguyễn Định Tường, “Vị linh mục với tiếng Nam,” Sacerdos Indosinensis, November 15, 1939.

[53] Hồ Ngọc Cẩn, Thận chung truy viễn (Qui Nhơn: Imprimerie de la Mission, 1923).

[54] “Nhà đạo công giáo với sự tiến bộ quốc văn,” THNB, September 20,1941.

[55] P. Huân, “Nên viết văn,” ĐMBN, January 15, 1940.

[56] D. L., “Phải biết lựa sách mà đọc,” NKĐP, March 12, 1936.

[57] Bùi Tuân, “Ảnh hưởng của những ánh văn chương trụy lạc,” Le messager de l’ecole Pellerin, October 1936.

[58] Sahara, “Văn chương công giáo với Truyện Kiều,” ĐMBN, June 15, 1942.

[59] Hue-Tam Ho Tai, Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution (Cambridge, MA: Harvard Universitt Press, 1992), 5.

[60] Hy Liễn, “Con trẻ ngày trước và con trẻ ngày nay,” THNB, March 17, 19, and 22, 1927.

[61] Nguyễn Văn Giao, “Vấn đề công giáo đối với thanh niên Việt Nam ngày nay,” CGĐT, March 31, and April 3, 7, 10, 17, 21, 24, and 28, 1936.

[62] Nguyễn Cang Thường, “Nữ quyền,” NKĐP, October 13, 1932.

[63] Hy Liễn, “Vợ chồng có nên ly dị không?,” THNB, August 10, 12, and 19, 1926.

[64] “Hy Vọng!,” Hy Vọng, December 1937.

[65] Một ví dụ là Võ Thị Khuê Tiên, “Mục đích học vấn của bạn thanh niên nữ giới,” THNB, March 4, 1925.

[66] Đ. X. V., “Con gái nhà quê có phải cho đi học không?,” THNB, October 25, 1930; Focyane [Huỳnh Phúc Yên], “Nam nữ bình quyền,” CGĐT, September 30, 1927.

[67] Lời Đức Thánh Piô X: Khuyên các thầy cả mọi nơi (Hong Kong: Imprimerie de la Mission, 1909).

[68] “Visite Apostolique du vicariat du Tonkin Maritime confié aux Prêtre des Missions Etrangères de Paris (du  19 janvier au 12 février – dans l’intervalle, réunion à Phát Diem des Vicaires Apostoliques du Tonkin du 4 au 10 février),” n.d. NS 803, CEP

[69] Phần phân tích sau đây được thực hiện trên cơ sở nguồn tài liệu tham khảo trong các tập tài liệu ở Thư viện Quốc gia Pháp, Thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Thư viện châu Á của MEP, và những tập tài liệu khác ở Paris. Mặc dù còn lâu mới có thể coi là đầy đủ, nhưng là nguồn tài liệu bao trùm nhất hiện có. Xem Trần Anh Dũng, Sơ thảo thư mục công giáo Việt Nam, Paris: Trần Anh Dũng, 1992).

 

[70] Antoine Trần Văn Toàn, ““Catholiques vietnamiens en France ou le retour de l’inculturé,” trong Chrétiens d’outre-mer en Europe: Un autre visage de l’immigration, ed., Marc Spindler and Annie Lenoble-Bart (Paris: Karthala, 2000), 155.

[71] Tác phẩm này có tựa đề Inê tử đạo, công bố trong phụ lục cho từ vựng của Taberd 1838. Xem Ramsay, Mandarins and Martyrs, 127.

[72] Truyện sáu đấng tử đạo, (Kẻ Sở: Imprimerie de la Mission, 1909).

[73] Sách kể tắt truyện hai mươi đấng thánh tử đạo vì đạo mà tòa thánh mới phong chức, (Kẻ Sở: Imprimerie de la Mission, 1900), II-III.

[74]Sanguis Martyrum, semen Christianorum,” Sacerdos Indosinensis, November 15, 1935.

[75] “Lễ kính các đấng chân phúc tử vì đạo trong cả Đông Dương,” ĐMBN, September 1, 1942.

[76] G. H., “Lễ các thánh tử đạo nước Annam,” THNB, September 4, 1926.

[77] Đông Bích [Nguyễn Hưng Thi], “Việc học ngày nay,” THNB, September 15, 1926.

[78] Adolphe Cransac and Nguyễn Bá Tòng, Lược biên cách thức dạy học (Saigon: Imprimerie de la Mission, 1924).

[79] Nguyễn Quang Minh, Phong hóa tân biên phụ huấn nữ ca (Saigon: Nguyễn Văn Viết, 1931).

[80] François Chaize, Địa cao vạn vật luật, xuất bản thành bốn tập từ năm 1918 đến năm 1921; Jean Félix Vuillard, Phép bác vật, xuất bản thành bốn tập từ năm 1922 đến năm 1927.

[81] Hồ Ngọc Cẩn, Toán học sơ cấp pháp (Hong Kong: Imprimerie de la Mission, 1916) và Trường học toán pháp (Hong Kong: Imprimerie de la Mission, 1919).

[82] Lê Công Đắc and Hồ Khắc Tuần, Cách trí (Hanoi: Trung Bắc Tân Văn, 1937), và Vệ sinh (Hanoi: Trung Bắc Tân Văn, 1937); Sơ học yếu lược sử ký vấn đáp (Hanoi: Nhà in Lê Văn Cường, 1935); Lê Công Đắc, “L’Anglais au baccalauréat at  l’anglais de Hong-Kong, modèles de versions, Thème, compositions (Hanoi: Trung Bắc Tân Văn, 1937).

[83] Do Manh Quat, La Correspondance de P. Le Công Dac (Hanoi: Trung Bắc Tân Văn, 1936).

[84] John Schafer and The Uyen, “The Novel Emerges in Cochinchina,” Journal of Asian Studies 52, no. 4 (November 1993): 854-84.

 

[85] Võ Long Tề, L’Expérience poétique et l’intinéraire spiritual de Hàn Mặc Tử (Paris: Đường Mới, 1985).

[86] Về Đỗ Đình, xin đọc Lê Ngọc Bích, Nhân vật công giáo Việt Nam, 175-84. Về quan hệ của ông với Gide, xin đọc Lộc Phương Thủy, André Gide, đời văn và tác phẩm (Hanoi: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 2002). Cám ơn Peter Zinoman vì đã chỉ tôi nguồn tài liệu này.

[87] Nguyễn Bá Tòng, Tuồng thương khó (Saigon: Imprimerie de la Mission, 1912).

[88] “Le drame de la passion à la Saigon,” Missions Catholiques, March 19, 1915.

[89] Lê Văn Đức, Bốn nói lối (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1925); Điền lính (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1924); Công tử bột đi cưới vợ (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1930); Tìm của báu (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1930).

[90] Đinh Văn Sát, Hoàn kim huyết (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1925); Một cha khác mẹ (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1925); Rượu  (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1932).

[91] Lê Công Đắc, Đại hài kịch tiểu thư đi bộ (Hanoi: Đông Tây, 1931). Cám ơn Marina Nguyễn vì đã chỉ cho tôi thấy Đắc đã cãi nhau với Phong Hóa.

[92] Nguyễn Đình, Người tội ác (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1932).

[93] Pièrre Lục, Hai chị em lưu lạc  (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1931).

[94] Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, 47.

[95] Annual Report of West Cochinchina, 1908, MEP.

[96] RSA to GGI, December 14, 1921, GGI 65411, ANOM

[97] Gustave Lebourdais, “Programme du Trung Hoa,”, tài liệu không có ngày tháng (nhận được ở MEP seminary in Paris, August 28, 1923), Correspondance Lebourdais, MEP.

[98] Nocholas Atkin and Frank Tallett, Priests, Prelates and Peoples: A History of European Cathilicism since 1750 (Oxford: Oxford University Press, 2003), 163.

[99] Lucas Lý, “Sao mà báo quán công giáo mở hội vạn quốc?,” Sacerdos Indosinensis, February 15, 1931.

[100] Nguyễn Cang Thường, “Báo chí công giáo và các nhà viết báo chí công giáo,” CGĐT, November 11, November 27, and December 4, 1930.

[101] Đông Bích [Nguyễn Hưng Thi], “Người công giáo với báo công giáo,” THNB, April 14, 1936.

[102] Pierre Vũ Lai, “Vị linh mục đối với báo chí công giáo,” Sacerdos Indosinensis, June 15, 1940.

[103] Hồ Ngọc Cẩn, “Công giáo đồng thinh nghĩa là gì?,” CGĐT, November 16, 1927.

[104] Nguyễn Bá Chính to director of the cabinet of the governor-general, January 12, 1932, GGI 65410, ANOM.

[105] Cẩm Sơn, “Người không theo đạo thiên chúa giáo có nên đọc báo Công Giáo Đồng Thinh không?,” CGĐT, November 17, 1927.

 

[106] Sûreté annual report for july 1927 to june 1928, tài liệu không ghi ngày tháng, GGI 65470, ANOM

[107] Đoàn Kim Hương, “Kính lời cùng quí hữu với chư vị sẽ đọc tờ ‘Công Giáo Đồng Thinh’,” CGĐT, September 16, 1927.

[108] Gendreau to de Guébriant, November 18, 1925, Correspondance de Gendreau, MEP.

[109] Nguyễn Bá Chính to director of the cabinet of the governor-general, January 12, 1932, GGI 65410, ANOM.

[110] Xem Philippe Peycam, “Intellectuals and Political Commitment in Vietnam: The Emergence of Public Sphere in Colonial Saigon (1916-1928),” luận án tiến sĩ, University of London, School of Oriental and African Studies, 1992, 121.

[111] GGI 65413 and GGI 65414, ANOM

 

[112] Pierre Brocheux, “Note sur Gilbert Chiếu (1867-1919), citoyen français et patriote vienamien,” Approches Asie 11 (1975): 72-81.

[113] Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo (Hanoi: Nhà Xuất Bản Lao Động, 2008), 182-83.

[114] RST NF 4632, ANOM.

[115] Nguyễn Quang Hưng, “Ảnh hưởng của tư tưởng triết học Kitô giáo tới Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (qua khảo cứu báo Vì Chúa),” Nghiên Cứu Tôn Giáo 10 (2007): 25-32.

[116] GOUCOCH III.60/No2 (3), TTLT II.

[117] Nguyễn Hữu Mỹ, “Notre raison d’être, notre programme et notre but,” La Croix d’Indochine, January 5, 1936.

[118] Nguyễn Cang Thường, “Báo chí công giáo và các nhà viết báo chí công giáo,” CGĐT, November 20, November 27, and December 4, 1930.

[119] Lucas Lý, “Bức gương nhiệt thành đối với báo chương công giáo,” Sacerdos Indosinensis, April 15, 1930.

[120] Có thể đánh giá qua danh sách những người đặt mua báo mà báo chí ra định kì thường xuyên công bố.

[121] Xem số lượng phát hành các ấn phẩm công giáo trên tờ Sacerdos Indosinensis, March 15, 1939.

[122] Nguyễn Đình Hiển, Công giáo ích gì không? (Qui Nhơn: Imprimerie de Qui Nhơn, 1930).

 


No comments:

Post a Comment