Pages

November 22, 2024

Công giáo Việt Nam – Từ đế chế đến quốc gia (1)

 

Charles Keith

Phạm Nguyên Trường dịch

Công giáo Việt Nam – Từ đế chế đến quốc gia

 


Mục lục

Tri ân

Tựa

Lời giới thiệu

   Quá khứ và hiện tại

   Bố cục tác phẩm     

  Tài liệu và thuật ngữ

1.         Giáo hội giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp

SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO Ở  VIỆT NAM

CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO VÀ QUÁ TRÌNH CỦNG CỐ CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP Ở VIỆT NAM

TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO VIỆT NAM VÀ QUÁ TRÌNH CỦNG CỐ CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHÁP Ở VIỆT NAM

2.         Giáo hội thuộc địa bị chia rẽ

XUNG ĐỘT GIỮA CÁC CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN ĐẦU THỜI THUỘC ĐỊA

TRUYỀN GIÁO VÀ NHÀ NƯỚC THUỘC ĐỊA TRONG ĐẾ QUỐC THEO THỂ CHẾ CỘNG HÒA

NHỮNG HẠN CHẾ VÀ QUÁ LẠM CỦA TRUYỀN GIÁO

3.         Sự ra đời của Giáo hội địa phương

SỰ SUY GIẢM CỦA TRUYỀN GIÁO VÀ VẤN ĐỀ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

NHỮNG CUỘC CẢI CÁCH CỦA ROME VÀ NỀN TẢNG  CỦA GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO, GIÁO SĨ VIỆT NAM VÀ CUỘC CHIẾN XUNG QUANH VẤN ĐỀ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

4.         Truyền thống Công giáo Việt Nam trước thử thách

IN ẤN TRONG ĐỜI SỐNG CÔNG GIÁO TRƯỚC THẾ KỶ XX: NỀN TẢNG VÀ CHUYỂN HÓA

CHỮ VIẾT MỚI VÀ NHỮNG CUỘC TRANH CÃI MỚI

SÁCH BÁO CÔNG GIÁO: CÁC ĐỘC GIẢ MỚI VÀ THỂ LOẠI MỚI

SỰ VƯƠN LÊN CỦA BÁO CHÍ CÔNG GIÁO

5.         Những trải nghiệm của Giáo hội địa phương

DI CƯ, ĐÔ THỊ HÓA VÀ NHỮNG CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO MỚI

HÀNH HƯƠNG TRỞ THÀNH HIỆN TƯỢNG CÓ TÍNH QUỐC GIA

LỄ HỘI QUỐC TẾ TRONG ĐỜI SỐNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM

6.         Nền văn hóa và chính trị của chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc Công giáo của Việt Nam

TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC

TÔN GIÁO VÀ VẤN ĐỀ “VĂN HÓA DÂN TỘC”

NỀN CHÍNH TRỊ CÔNG GIÁO MỚI Ở VIỆT NAM; CÔNG GIÁO XÃ HỘI

NỀN CHÍNH TRỊ CÔNG GIÁO MỚI Ở VIỆT NAM; CHỦ NGHĨA CHỐNG CỘNG

 

7.         Một Giáo hội Dân tộc trong cách mạng và chiến tranh

CHÍNH QUYỀN VICHY VÀ SỰ CHIẾM ĐÓNG CỦA NHẬT BẢN

CÁC TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO VÀ SỰ CÁO CHUNG CỦA XỨ ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP

GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG DƯỚI LÀN ĐẠN

CHĨA RẼ GIA TĂNG, 1946-1950

TỪ CHIẾN TRANH ĐẾ QUỐC ĐẾN CHIẾN TRANH LẠNH,1950-1954

       Phần kết: Giáo hội địa phương chia đôi

       TÀI LIỆU THAM KHẢO

TRI ÂN

Phải mất một thời gian dài tôi mới viết xong cuốn sách này, tôi đội ơn nhiều người và nhiều tổ chức vì họ đã giúp tôi trong suốt thời gian đó. Tôi bắt đầu dự án này trong thời gian học tại Đại học Yale (Yale University), nơi John Merriman và Ben Kiernan đã giúp tôi học cách tư duy về những tương tác giữa lịch sử châu Âu và lịch sử Nam Á mà cuốn sách này khảo sát. Không có sự hướng dẫn và tình bạn của họ thì tôi không được như ngày hôm nay. Jay Winter không chỉ là người có ảnh hưởng nhiều với tôi về mặt trí tuệ trong thời gian này, tôi phải cám ơn ông vì nhan đề của cuốn sách. Quang Phu Van là người đã có công dạy tiếng Việt cho tôi hơn bất kỳ ai khác, những cố gắng của ông trong việc xây dựng cộng đồng nghiên cứu Việt Nam ở Yale đã mang lại cho tôi, cũng như nhiều người khác, rất nhiều lợi ích. Những người bạn nghiên cứu sinh tuyệt vời của tôi – nhiều quá, không thể cám ơn từng người ở đây được – luôn luôn là nguồn động viên và cổ vũ đối với tôi. Xin được đặc biệt cám ơn George R. Trumbull IV vì sự giúp đỡ và tình bằng hữu ngay từ thuở ban đầu và Haydon Cherry vì những buổi thảo luận và những thời gian cực kỳ thú vị trên cả ba châu lục.

Kiến thức, lời khuyên và sự cổ vũ của các học giả về Việt Nam và chủ nghĩa thực dân Pháp đã có đóng góp rất lớn vào cuốn sách này. Xin chân thành cám ơn Mitch Aso, Jennifer Boittin, Pascal Bourdeaux, Trang Cao, Joshua Cole, J.P. Daughton, Naomi Davidson, George Dutton, Christina Firpo, Elizabeth Foster, Henri Francq, Gilles de Grantès, Christoph Giebel, Chi Ha, Alec Holcombe, Eric Jennings, Mark Lawrence, Christian Lentz, Jim Le Seuer, Pamela McElwee, Ed Miller, Michael Montesano, Cindy Nguyen, Lien-Hang Nguyen, Martina Nguyen, Nguyen Nguyet Cam, Lorraine Paterson, Jason Picard, Helen Pho, Paul Sager, Gerard Sasger, Hue-Tam Ho Tai, Keith Taylor, Michele Thompson, Nhung Tuyet Tran, Tuong Vu, Chris Wheeler, Owen White, John Whitmore and Peter Zinoman vì sự giúp đỡ của họ trong suốt mấy năm trời. Xin được đặc biệt cám ơn một ít người khác. Tôi đặc biệt mang ơn Claire Trần Thị Liên và Peter Hansen vì công trình có tính đột phá của họ về lịch sử Công giáo Việt Nam trong thế kỷ XX và sự chia sẻ kiến thức và ý tưởng của họ về những điều thú vị trong lĩnh vực nghiên cứu mà chúng tôi cùng quan tâm. Xin cám ơn Shawn McHale vì đã đọc bản luận án làm cơ sở cho tác phẩm này. Xin cám ơn Christopher Goscha vì ông đã đọc toàn bộ bản thảo và đã cho tôi những nhận xét và cổ vũ cực kỳ quan trọng, như ông đã từng làm với nhiều người trong lĩnh vực Việt Nam học. Cuối cùng, xin được cám ơn Bradley Davis vì những buổi nói chuyện về lịch sử Việt Nam, tuy vòng vo và vô lễ nhưng vẫn làm tôi nhớ mãi, rất nhiều buổi như thế đã diễn ra ở bàn bia hơi mà chúng tôi ưa thích trên phố Dã Tượng ở Hà Nội, nhưng nay đã trở thành nạn nhân của bước đi hùng dũng của lịch sử (hiện là chi nhánh của Vietcom Bank).

Sẽ không có cuốn sách này nếu không có sự tài trợ hào phóng về mặt tài chính của nhiều tổ chức. Tôi đặc biệt mang ơn quỹ Blakemore-Freeman Foundation vì đã tạo điều kiện cho tôi học tiếng Việt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong những năm 2004-2005, và cám ơn chương trình Fulbright-Hays Program và Social Science Research Council vì khoản tài trợ tạo điều kiện cho tôi tiến hành công việc chủ yếu của công trình nghiên cứu này. Ở Yale, tôi xin cám ơn Khoa Sử (Department of History), Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á (Council on Southeast Asia), Trung tâm MacMillan (MacMillan Center), Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế (International Security Studies) về khoản tài trợ tạo điều kiện cho tôi học tiếng Việt tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á vào mùa hè (Southeast Asian Summer Studies Institute) và thực hiện công việc nghiên cứu ban đầu và xin cám ơn quỹ Mrs. Giles Whiting Foundation vì sự ủng hộ của họ trong năm tôi viết luận án. Tại đại học Michigan State (Michigan State University) xin cám ơn Khoa Sử (Department of History) và Khoa học Xã hội học (College of Social Science) vì những hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn sau của quá trình nghiên cứu và viết luận án.

Quá trình nghiên cứu để viết tác phẩm này đã đưa tôi tới nhiều văn khố và thư viện tuyệt vời. Ở Việt Nam, tôi rất muốn được cám ơn Viện Việt Nam Học và Khoa Học Phát Triển vì đã bảo trợ cho chiếu khán của tôi để tôi học tiếng Việt và đã giới thiệu tôi với những cơ quan mà tôi làm việc. Tôi xin cám ơn các vị giám đốc và nhân viên Trung Tâm Lưu Trữ I ở Hà Nội, Trung Tâm Lưu Trữ II ở thành phố Hồ Chí Minh, Thư Viện Quốc Gia ở Hà Nội và Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp ở thành phố Hồ Chí Minh vì đã cho tôi tiếp cận với những bộ sưu tập của họ. Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Hà Nội là những nơi tuyệt vời để làm việc và gặp gỡ các nhà khoa học và tôi xin cám ơn các ông giám đốc Đỗ Quang Hưng và Andrew Hardy vì lòng nhiệt tình của họ đối với tôi. Tôi cũng xin cám ơn cựu Tổng giám mục Hà Nội, Joseph Ngô Quang Kiệt, và Tổng giám mục thành phố Hồ Chí Minh, Hồng y Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn, vì sự đón tiếp nồng hậu trong những lần tôi tới thăm hai tổng giáo phận này. Ở Pháp, tôi mang ơn Cha Gérard Moussay, nay đã quá cố, của Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Etrangères de Paris) vì đã cho tôi tiếp cận với văn khố và thư viện của Hội và xin cám ơn Brigitte Appavou vì đã giúp đỡ tôi tìm kiếm trong bộ sưu tập của họ. Tôi cũng xin cám ơn các vị giám đốc và nhân viên Cục Lưu Trữ Hải Ngoại (Archives Nationales d’Outre-Mer), Văn khố của Hội Saint-Sulpice (Société de Saint-Sulpice), Văn khố của Bộ ngoại giao (Ministère des Affaires Etrengères), văn khố của Lịch sử Bộ Binh (Service Historique de l’Armée de la Terre), Thư viện của Viện nghiên cứu Công giáo Paris (Bibliothèque de l’Instutut Catholique de Paris), Thư viện tài liệu quốc tế đương đại (Bibliothèque de Documentation Internationale Contemporaine), Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale de France), và (ở Italy) Văn khố lịch sử của Bộ truyền giáo của Vatican (Archivo Storico della Congregazione per l’Evengelizzazione dei Popoli).

Các đồng nghiệp của tôi ở Đại học Michigan State (Michigan State University) có thái độ ân cần đối với tôi ngay từ khi tôi mới tới East Lansing và họ đã giúp tác phẩm này lớn lên cho đến tận phút chót. Xin đặc biệt cám ơn David Bailey, Liam Brockey, Pero Dagbovie, Walter Hawthorne, Leslie Moch, Ed Murphy, Ethan Segal, Lewis Siegelbaum, Aminda Smith, Ben Smith, Michael Stamm và John Waller. Tôi gặp may vì tác phẩm này đã tìm được nơi trú chân là Nhà xuất bản của Đại học California (University of California Press), là nơi đã ủng hộ những công trình nghiên cứu Việt Nam học từ khá lâu rồi, tôi lại còn may nữa khi được làm việc với Niels Hooper và đội ngũ biên tập viên của ông. Xin gửi lời cám ơn tới hai người phản biện giấu tên về những lời nhận xét tuyệt vời của họ. Cuối cùng, xin đặc biệt cám ơn Christopher Goscha và Fredrik Logevall, hai đồng biên tập một loạt tác phẩm bao gồm cuốn sách này với sự ủng hộ nhiệt tình của họ. Cuối cùng, cuốn sách này sẽ không thể thực hiện nếu không có sự tham gia của ba dịch giả tài năng. Xin cám ơn Phạm Nguyên Trường, dịch giả chính của tác phẩm; Nguyễn Khoan và Lê Kim Loan dành nhiều thời gian xem xét, bổ túc và sữa chữa những chỗ cần thiết.

Nhìn lại quá khứ, tôi nghĩ ban đầu tôi định trở thành nhà sử học, đấy là khi tôi học với thày Matthew Ostoyich năm lớp mười một và mười hai, ông là tấm gương mà tôi luôn luôn nhớ. Khoa sử tại Đại học Cornell (Cornell University) là địa điểm tuyệt vời để học môn này khi còn là sinh viên: xin cám ơn những người thày tuyệt vời, Daniel Baugh, Stuart Blumin và John Weiss. Bạn bè trong tất cả các lĩnh vực của đời sống đã giúp tôi tập trung vào tác phẩm này, hay có lúc quên đi, khi nào viết xong là việc dường như quá sức tôi. Xin cám ơn Bob Berstein, Mat Backman, Matt Bruntel, Ken Cunningham, Cyrus Dhalla, Jake Kramer, Peter Lallas, Jake Lundberg, Naresh Majanath, Tom Pepinsky, Johanna Ransmeier, Aaron Rester, Noah Smith, Joe Spinelli, Jeremy Taylor, và đặc biệt là Matthew Mozian vì tình bạn chân thành kéo dài gần ba thập kỷ, Landon Carter Schmitt, lúc nào chúng tôi cũng nhớ tới anh.

Thậm chí sau khi đã viết nhiều như thế rồi, tôi vẫn chưa tìm được lời để cám ơn gia đình tôi và gia đình bên vợ tôi. Tôi đã và sẽ vẫn luôn luôn đứng trên vai các vị. Tôi đã cực kỳ hạnh phúc khi biết ông bà nội ngoại của mình lúc đã lớn. Việc biết họ tạo điều kiện cho tôi trải nghiệm lịch sử của mình theo cách mà nhiều người khác không bao giờ có cơi hội làm như thế và tôi mãi mãi cảm thấy hạnh phúc vì món quà này. Và quan trọng hơn hết, tôi dành trọn tình yêu cho Helen và hai con gái Clara và Gretchen của chúng tôi, họ là khởi đầu cho mọi công việc của tôi.

 TỰA

 Công việc nghiên cứu Giáo hội Công giáo Việt Nam đã được phục hồi sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt và những thay đổi về kinh tế và xã hội của thời cải cách thị trường ở Việt Nam. Trong hai mươi năm qua, nhiều nhà nghiên cứu đã và đang cung cấp cho chúng ta những bản tường trình đầy màu sắc về Giáo hội Công giáo Việt Nam từ khi tôn giáo này xâm nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVII cho đến ngày nay. Tuy nhiên, có một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong sử liệu học đã bị bỏ qua, giai đoạn mà một số người cho là quan trọng nhất, mà cụ thể là giai đoạn chuyển hóa trong thời thuộc địa, từ công việc truyền giáo do người nước ngoài lãnh đạo thành Giáo hội dân tộc độc lập. Bằng tác phẩm Công giáo Việt Nam, Charles Keith đã lấp được chỗ trống đó và bằng cách làm như thế, ông còn cung cấp cho chúng ta một công trình phân tích cực kỳ đặc sắc về bản chất văn hóa-xã hội và chính trị của quá trình chuyển hóa này và những hậu quả phức tạp của nó. Ông cũng cung cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc, đầy sức mạnh về lịch sử Việt Nam đương đại.

Dựa vào những nguồn tài liệu cực kỳ phong phú của chế độ thuộc địa, của truyền giáo, của Vatican và nhất là những nguồn tài liệu của Việt Nam, Keith đã chứng minh cho chúng ta thấy quan hệ ngày càng dễ đổ vỡ giữa các tín đồ Công giáo Việt Nam với các nhà truyền giáo châu Âu và quan chức Pháp mà chính quyền thuộc địa đã tạo. Đồng thời, ông còn phân tích những thay đổi về xã hội, kinh tế và văn hóa diễn ra ở Việt Nam đã ảnh hưởng tới quan hệ giữa các tín đồ Công giáo Việt Nam và những người không theo đạo Công giáo. Nếu các nhà sử học tập trung chú ý vào những cuộc khởi nghĩa nổi tiếng, đã bị người Pháp đập tan, ở Yên Bái và Nghệ An trong những năm 1930-1931 thì Keith là người đầu tiên quan tâm tới ý nghĩa của việc tấn phong Nguyễn Bá Tòng - vị giám mục đầu tiên của Việt Nam – vào năm 1933. Khi chiến tranh kết thúc, việc tấn phong một vị linh mục nổi tiếng khác là Lê Hữu Từ và việc ban đầu ông này ủng hộ Hồ Chí Minh làm cho người ta không thể nghi ngờ rằng từ thế kỷ XIX trong cộng đồng Giáo dân Việt Nam đã diễn ra nhiều sự thay đổi. Trước khi cuộc Chiến tranh Đông Dương kết thúc, người Việt Nam – chứ không phải người châu Âu – đã cai quản các giáo phận Hà Nội, Bắc Ninh, Vinh, Hải Phòng và Sài Gòn. Sự năng động của giai đoạn thuộc địa, trong đó có sự cáo chung đầy bạo lực của nó, đã tạo ra quá trình phi thực dân hóa về mặt tôn giáo.

Nhưng Keith còn đi xa hơn thế. Ví dụ, ông chỉ ra cách thức mà chế độ thuộc địa đã tạo ra những mối liên kết vươn ra bên ngoài biên giới quốc gia, để rồi các tín đồ Công giáo Việt Nam có thể biến thành lợi thế cho mình. Qua mối liên kết đầy hấp dẫn, ông còn phân tích cách thức mà những cố gắng của Vatican trong giai đoạn sau Thế chiến I nhằm xây dựng các Giáo hội Công giáo trong thế giới bên ngoài phương Tây đã tạo điều kiện cho giới tinh hoa tôn giáo bản xứ suy nghĩ lại về quan hệ của họ với các nhà truyền giáo châu Âu và chính quyền thuộc địa. Tính chất đang thay đổi của Giáo hội Công giáo quốc tế còn cung cấp cho các tín đồ Công giáo Việt Nam những cuộc tiếp xúc cũng như những phương tiện mang tính thiết chế, phù hợp với giáo luật và hiện đại, cho việc mường tượng và xây dựng Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Trong công trình nghiên cứu quan trọng này, Charles Keith đã cung cấp cho chúng ta một bản tường trình dài hơi đầu tiên về Công giáo Việt Nam trong giai đoạn thuộc địa. Chúng tôi xin đưa cuốn sách này vào loạt tác phẩm của chúng tôi với sự vui mừng và lòng biết ơn vô hạn. Các chuyên gia cũng như các độc giả bình thường sẽ tìm thấy rất nhiều điều thú vị trong tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu, đa ngành và rất dễ thương này. Họ có thể thậm chí suy nghĩ hơi khác không chỉ về Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn về cả nước Việt Nam nữa.

 

Christopher Goscha

                                                                                                                              Fredrik Logevall

 

Lời giới thiệu

 

Ba vị linh mục Công giáo, tay bị còng, cổ đeo gông, đang đứng, mắt nhìn xuống, xung quanh là đám cảnh sát; họ đang đợi người ta chụp ảnh. Ba người này vừa ra khỏi nhà tù trung tâm của Sài Gòn, số 33, phố Lagrandière. Sau khi chụp ảnh họ sẽ cùng với cai ngục xuống chiếc tàu thủy đang đợi sẵn. Đích đến của họ là nhà tù khét tiếng của Pháp ở Côn Đảo, một hòn đảo ngoài khơi Nam Kỳ.

Ngày 18 tháng 10 năm 1909, ngày chụp bức tranh này chỉ cách ngày chính quyền thực dân Pháp kết án ba vị linh mục rất nhiều tội lỗi có vài hôm. Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Văn Tường và Đậu Quang Lĩnh đã làm việc cho phong trào Đông Du – một phong trào do nhà trí thức cách mạng là Phan Bội Châu lãnh đạo - ở Nghệ An, quê hương họ, được hơn một năm. Mục tiêu của họ là tuyển mộ học sinh đi du học ở Nhật Bản và biến họ thành nền tảng của tổ chức nhằm thống nhất các lực lượng chống thực dân và lật đổ chính quyền Pháp. Ba vị linh mục tham gia phong trào Đông Du qua sự dìu dắt của Mai Lão Bạng, một linh mục đồng đạo khác, trước khi ông này đi Nhật vào năm 1906. Lợi dụng việc chăm sóc các xứ đạo ở Nghệ An, các vị linh mục này đã quyên góp tiền, phân phát các bài viết và tuyển mộ những người ủng hộ phong trào Đông Du. Người ta đồn rằng, trong những chuyến đi của mình, các ông này thường mang theo ảnh chụp Mai Lão Bạng với Phan Bội Châu và Cường Để - hoàng tử của nhà Nguyễn – người đang hy vọng sẽ rời khỏi nơi lưu đầy ở Nhật Bản để lên ngôi, đứng đầu nước Việt Nam độc lập, cũng như những thư từ của các giáo sĩ Việt Nam kêu gọi người Công giáo đứng lên chống Pháp. Một trong những bức thư đó viết như sau: “Hiện nay nước đã mất, Chúa (Jesus) không còn được bảo vệ nữa, Giáo Hội đang bị đe dọa. Muốn bảo vệ Chúa, chúng ta phải giữ gìn dân tộc, chúng ta phải chống lại người Pháp… Người Công giáo phải đóng góp bằng mọi cách, sức lao động hay là của cải, trong cuộc đấu tranh chống lại người Pháp, nhằm thể hiện lòng yêu nước và tình yêu Thiên Chúa.”[1]

Chẳng mấy chốc tin tức về những hoạt động như thế đã đến tai các nhà truyền giáo và nhà chức trách của chính quyền thực dân, cả hai bên bắt đầu theo dõi các linh mục một cách sát sao. Tháng 5 năm 1909, một nhà truyền giáo bắt được những vị linh mục này với những tài liệu có thể buộc tội họ và thông báo cho nhà chức trách Pháp, đến giữa tháng 6 thì các vị linh mục này bị đưa ra xét xử ở thành phố Vinh. Ban đầu họ phủ nhận, nói rằng mình không dính líu với những hoạt động như thế, nhưng tài liệu được tìm thấy trong khu vực của họ cũng như lời chứng của các vị linh mục và Giáo dân trong những cuộc thẩm vấn kéo dài hơn một tháng kể từ ngày họ bị bắt cuối cùng đã buộc họ phải nhận tội. Ba vị linh mục bị kết án chín năm tù và lao động khổ sai. Họ ở lại Vinh cho đến đầu tháng 9, sau đó họ được đưa vào Nam để đến Côn Đảo. Hai tháng trước đó, Mai Lão Bạng bị kết án vắng mặt và mãi đến năm 1914 mới bị bắt ở Hồng Công và cũng bị đưa đến nhà tù cùng với ba người đồng bào của mình. Mãi đến năm 1918, Mai Lão Bạng, Nguyễn Thần Đồng và Đậu Quang Lĩnh mới được thả. Nguyễn Văn Tường chết trong tù[2].

Trong thời kỳ thuộc địa, nhà chức trách Pháp, những người truyền giáo và người Công giáo Việt Nam đã trải qua những biến đổi và xung đột, tương tự như những điều vừa trình bày, tức là những điều đã dẫn tới sự cáo chung của quyền lực tôn giáo và chính trị của châu Âu đối với đời sống Công giáo ở Việt Nam và làm chuyển hóa vị trí của Giáo hội Công giáo trong xã hội và nền chính trị Việt Nam. Đấy là tâm điểm của công trình nghiên cứu này. Công trình nghiên cứu này chỉ ra cách thức mà chính quyền thuộc địa Pháp cho phép biến công việc truyền giáo ở Việt Nam thành những cơ cấu mang tính thiết chế và kinh tế đầy sức mạnh và lan rộng, trong đó giống nòi quyết định cả uy thế văn hóa lẫn tôn giáo, quyết định quyền kiểm soát các nguồn lực và thẩm quyền trong các thiết chế đó. Điều này, cùng với bản thân chính quyền, đã tạo ra văn hóa của đời sống tôn giáo, trong đó quan hệ của người Công giáo Việt Nam và những người truyền giáo châu Âu trở nên bất bình đẳng và lục đục hơn bao giờ hết. Nhưng thời thuộc địa cũng tạo ra những mối liên hệ chưa từng có giữa Việt Nam và các thiết chế và văn hóa của đạo Công giáo toàn cầu, khi Vatican cải tổ nhằm tạo ra Giáo hội dân tộc độc lập đã giúp cho những người Công giáo Việt Nam có những suy nghĩ mới và xác định lại quan hệ của họ với cả Truyền giáo lẫn chính quyền thuộc địa. Tương tự như vô số hệ tư tưởng cách mạng và phong trào đấu tranh nhân danh dân tộc Việt Nam, cuộc cách mạng này trong đời sống Công giáo ở Việt Nam cuối cùng đã có tính mơ hồ, thậm chí mâu thuẫn: nó đã thiết lập được nền tảng cho một Giáo hội độc lập ở Việt Nam, nhưng đồng thời nó lại phân hóa vị trí của Giáo hội mới trong nền chính trị và xã hội Việt Nam và tạo ra sự chia rẽ sâu sắc ngay trong những tín đồ Công giáo Việt Nam.

QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Khi người Pháp bắt được Phan Bội Châu vào năm 1925, họ đã tổ chức một phiên tòa có tính trình diễn ở Hà Nội, trong đó các công tố viên trình bày cuộc đời của nhà cách mạng già nua như là câu chuyện ngụ ngôn về sự suy đồi và vô ích của những hành động chống lại công cuộc khai hóa của người Pháp. Nhưng trong vụ án của ba vị linh mục ủng hộ Phan Bội Châu, các nhà truyền giáo và nhà chức trách Pháp tìm mọi cách nhằm làm giảm nhẹ, thậm chí che dấu chi tiết của sự vụ, không để tín đồ Công giáo và dưa luận rộng rãi hơn chú ý tới; nếu không có những cố gắng của một vài tờ báo cánh tả sốt sắng phê phán đạo Công giáo thì sự vụ có lẽ đã không được đưa ra ánh sáng[3].  Đấy là do sự vụ xới lên những câu hỏi làm người ta phải lo lắng về quan hệ giữa người Pháp và Giáo dân mà các nhà truyền giáo và nhà chức trách Pháp đã suy nghĩ từ lâu và thường coi họ là những thần dân trung thành. Nhà chức trách pháp lo lắng rằng, nếu biến ba vị linh mục ủng hộ phong trào Đông Du thành tấm gương thì sẽ làm cho mối quan hệ với các nhà truyền giáo vào giáo dân – nhiều người trong số họ, sau một thế hệ đàn áp và bóc lột bởi chính quyền cộng hòa thế tục Pháp, hiện có thái độ phê phán đối với chính quyền thuộc địa - căng thẳng thêm. Về phần mình, các nhà truyền giáo biết rằng hành động chính trị của các vị linh mục này là không tách rời khỏi những căng thẳng đã xuất hiện giữa người Công giáo châu Âu và người Công giáo Việt Nam trong suốt thế hệ đó, khi sự bành trướng của truyền giáo đã thu hẹp chưa từng có quyền tự chủ của người Việt Nam trong cả lĩnh vực tôn giáo lẫn thế tục của Giáo hội của họ. Hiểu như thế, các nhà truyền giáo sợ rằng việc biến các vị linh mục thành tấm gương sẽ làm cho họ trở thành những kẻ tử đạo, thành bản án tử hình đối với công cuộc truyền giáo. Khác với Phan Bội Châu, câu chuyện của các vị linh mục này không phải là vở kịch có giá trị về mặt đạo đức đối với cả truyền giáo lẫn chính quyền thuộc địa. Nó chỉ dấy lên những câu hỏi về cái huyền thoại cho rằng người Công giáo đủ mọi sắc tộc ở Việt Nam đã đoàn kết và hoan nghênh sự bảo hộ của Pháp là vì được dẫn dắt bởi đức tin.

Sự căng thẳng và chia rẽ sâu sắc trong đời sống Công giáo ở nước Việt Nam thuộc Pháp là rõ ràng, là hiển nhiên đối với cả người nông dân bình thường, đối với giới tu sĩ, với các nhà truyền giáo, với nhà chức trách thuộc địa và giới chức Công giáo ở Rome thời đó. Tuy nhiên, huyền thoại về một Giáo hội xa lạ về mặt văn hóa và ủng hộ chủ nghĩa thực dân/bài chủ nghĩa dân tộc vẫn tiếp tục hiện diện một cách mạng mẽ trong nhận thức của xã hội và giới nghiên cứu về lịch sử Công giáo Việt Nam. Huyền thoại này có nguồn gốc từ giai đoạn thống nhất quốc gia của nhà Nguyễn và cuộc chinh phục của người Pháp, tức là thời gian khi mà người Công giáo nằm ở ngay trung tâm của cuộc chấn động sâu sắc về mặt xã hội và chính trị ở Việt Nam. Đúng như thế, cuộc xung đột về mặt xã hội, chính trị và thần học đã liên tục bủa vây cộng đồng Công giáo kể từ khi tôn giáo này xâm nhập hai vương quốc, Đàng Trong và Đàng Ngoài, của Việt Nam vào thế kỷ XVI. Nhiều nhà cầm quyền Việt Nam lo lắng rằng tôn giáo độc thần này sẽ tạo ra bất hòa trong một xã hội đa nguyên về tôn giáo, họ cũng lo ngại rằng việc cấm thờ cúng tổ tiên của Công giáo sẽ phá hoại nền tảng của trật tự chính trị Khổng giáo, và lo lắng về quyền lực xã hội, kiến thức khoa học và những mối liên hệ quốc tế của các nhà truyền giáo ngoại quốc. Vì vậy mà các nhà cầm quyền Việt Nam, và đặc biệt là trong giai đoạn bất hòa hay xung đột, thường ra các đạo dụ kêu gọi phá hủy tài sản của Giáo hội, bỏ tù hay giết hại những người Công giáo. Nhưng thái độ của dân chúng và chính quyền đối với tôn giáo này thường ôn hòa hơn nhiều. Điều này phần lớn là do đến cuối thế kỷ XVIII, Công giáo đã trở thành một phần của bối cảnh xã hội và tâm linh, nhất là ở Đàng Ngoài, và sự hấp dẫn của nó đã vươn ra bên ngoài khu vực ngoại vi về mặt kinh tế và xã hội và đã thâm nhập vào những khu vực khác của xã hội Việt Nam, trong đó có cả những gia đình quyền thế[4].  Sự khoan dung của chính quyền và việc bình thường hóa xã hội có thể xảy ra là vì hầu như tất cả các tín đồ Công giáo và các nhà truyền giáo trong buổi đầu thời hiện đại đã không đặt vấn đề về tính chính danh của trật tự chính trị ở Việt Nam. Thực vậy, quan niệm của Khổng giáo về tôn ti trật tự và quan hệ xã hội là nền tảng nhận thức của người Công giáo về chủ quyền căn bản của các vị hoàng đế Việt Nam[5].

Vị trí của Giáo hội Công giáo trong xã hội và nền chính trị Việt Nam đã xấu đi một cách nhanh chóng sau cuộc thống nhất hai vương quốc Việt Nam dưới thời một vị hoàng tử nhà Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh dẹp tan cuộc khởi nghĩa do anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo - cuộc khởi nghĩa đã lật đổ các vương triều ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài – và thiết lập quyền cai trị của ngài, với danh hiệu là vua Gia Long, trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Gia Long vẫn có thái độ khoan dung đối với đạo Công giáo, là vì trong thời gian chạy trốn quân Tây Sơn, ngài từng có những mối liên hệ ngày càng phát triển với các vị giám mục Công giáo người Pháp. Những vị giám mục này hy vọng rằng ủng hộ vị hoàng tử lưu vong là họ sẽ tạo được những điều kiện thuận lợi cho Giáo hội Công giáo. Người nổi tiếng nhất là Pigneau de Béhaine, ông kêu gọi Pháp can thiệp bằng quân sự để giúp vị hoàng tử này và khi không nhận được sự can thiệp thì ông đã tập hợp được một đội quân chiến đấu bên cạnh lực lượng của hoàng tử. Mặc dù có khởi đầu thuận lợi, nhưng dưới thời Minh Mạng – người kế vị vua Gia Long - thái độ khoan dung đã nhanh chóng tiêu tan. Minh Mạng tìm cách biến vương quốc mới thành một cường quốc khu vực bằng cách cải tạo và hiện đại hóa bộ máy quản lý của vương quốc, mở rộng sản xuất nông nghiệp, chinh phục bằng quân sự và làm sống lại những khía cạnh tư tưởng và nghi lễ của triều đình theo Khổng giáo. Trong khi làm như thế, trong những năm 1820 và 1830 Minh Mạng đã tìm cách kiểm soát chặt chẽ hơn người Công giáo và những nhóm người khác, tức là những nhóm người vẫn nằm bên lề vương quốc về mặt địa lý và văn hóa.

Hai sự kiện có liên quan, nhưng xảy ra ở bên ngoài và tách biệt nhau, đã làm cho Giáo hội Công giáo trở thành mối bận tâm hàng đầu của Minh Mạng và những người kế vị vương miện của nhà Nguyễn. Thứ nhất, sự phát triển nhanh chóng của Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Etrangères de Paris) hay còn gọi là MEP khoảng giữa thế kỷ XIX, thời điểm phát triển bất thường của hoạt động truyền giáo của Pháp trên toàn cầu. Điều đó đã mở rộng nguồn lực và phạm vi hoạt động của hội truyền giáo đúng vào lúc nhà Nguyễn tìm cách mở rộng việc kiểm soát của bộ máy quản lý nhà nước và của lực lượng quân sự đối với dân chúng của vương quốc. Điều này, đến lượt nó, lại làm cho nhiều người Công giáo đứng lên chống lại những thách thức mà họ cảm thấy là triều đình nhà Nguyễn đang áp đặt lên quyền tự trị về mặt xã hội và tín ngưỡng của họ. Họ làm thế bằng cách đút lót các quan chức và tham gia vào những cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn. Điều đó lại làm cho triều đình nhà Nguyễn áp đặt những biện pháp cấm đoán khắt khe hơn đối với đạo Công giáo và những tín đồ của đạo này. Sự kiện thứ hai là sự hiện diện ngày càng gia tăng của hải quân Pháp ở châu Á, trong những năm 1840 hải quân Pháp đã bắt đầu thực hiện ngoại giao pháo hạm một cách thường xuyên nhằm bảo vệ các nhà truyền giáo khỏi những vụ đàn áp cũng ngày càng gia tăng của nhà Nguyễn. Điều đó chỉ càng khẳng định nỗi sợ hãi của nhà Nguyễn rằng người Công giáo là những kẻ dẫn đường tiềm tàng cho ảnh hưởng của bên ngoài vào Việt Nam và việc đàn áp người Công giáo cũng gia tăng.

Trong những năm 1850, do sức mạnh của Anh ở châu Á tăng lên và sự phát triển của kinh tế công nghiệp đã làm cho người Pháp nghĩ đến việc can thiệp vào khu vực một cách trực tiếp hơn, các nhà truyền giáo có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục hoàng đế Napoleon III của Pháp tấn công vương triều Nguyễn vào năm 1858. Cuộc chiến tranh sau đó là kết quả của việc Pháp chiếm Nam Kỳ vào năm 1862, đấy cũng là khu vực đứng chân đầu tiên của Pháp tại vùng đất của vương triều Nguyễn. Mặc dù sau cuộc chinh phục Nam Kỳ, việc đàn áp người Công giáo đã giảm hẳn, đấy trước hết là do người ta hy vọng có thể đàm phán để lấy lại lãnh thổ đã mất, quan hệ giữa người Công giáo và những thành phần khác trong xã hội lại xấu đi nhanh chóng, dẫn đến làn sóng bạo lực cộng đồng trong những năm sau cuộc chinh phục. Vì một số lý do, từ tự vệ cho đến báo thù, mà một số nhà truyền giáo và giáo dân Việt Nam đã ủng hộ khá mạnh mẽ cuộc xâm lược bất thành của Francis Garnier vào Bắc Kỳ trong những năm 1873 và 1874, cũng như cuộc chiến tranh sau đó của Pháp với nhà nguyễn và nhà Thanh ở Trung Quốc trong những năm 1883 và 1885, dẫn tới chế độ bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin), tức là khu vực còn lại của vương triều Nguyễn. Trong giai đoạn sụp đổ cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn trong những năm 1880, hàng chục ngàn người Công giáo đã chết trong làn sóng bạo lực cộng đồng khủng khiếp.

Địa vị phức tạp của Giáo hội Công giáo trong xã hội và nền chính trị Việt Nam giai đoạn chuyển tiếp từ nhà Nguyễn sang chính quyền Pháp giữ thế thượng phong trong các tác phẩm viết về Giáo hội Công giáo từ thời kỳ đó trở đi. Biên niên sử triều Nguyễn, các đạo dụ và đài tưởng niệm cũng như phần lớn các tài liệu do các quan chức và văn nhân viết về Giáo hội Công giáo từ thế kỷ XIX phản ánh quan điểm chính trị và tư tưởng của tầng lớp người mà vị trí xã hội bị  thực dân Pháp đe doa. Trong những tác phẩm đó, Giáo hội Công giáo thường được mô tả như là một tà đạo, và những người theo đạo là những kẻ phá hoại thâm căn cố đế, nếu không nói là những kẻ phản bội, và hoàn toàn xa lạ với quan niệm của tầng lớp quan viên về văn minh và xã hội Việt Nam. Hoàn toàn ngược lại, những cuốn lịch sử và tiểu sử của MEP tử thời thuộc địa lại mô tả những người Công giáo như là những kẻ tử đạo, những nạn nhân của chính quyền và xã hội “ngoại đạo”, những người chẳng có tội lỗi gì ngoài ước muốn được tôn thờ đức tin của họ. Dĩ nhiên là các tác phẩm  của MEP thể hiện một chương trình nghị sự rõ ràng và cấp bách. Trong giai đoạn chinh phục của người Pháp, các nhà truyền giáo sử dụng những tác phẩm này không chỉ như lời chứng về những sự đau khổ mà các tín đồ Công giáo Việt Nam phải chịu đựng mà còn tranh thủ sự trợ giúp về mặt tài chính của tín đồ Công giáo Pháp, trợ giúp về ngoại giao và quân sự của các quan chức Pháp nữa. Như vậy là, các cuốn lịch sử và tiểu sử của MEP lặp lại quan niệm của những tác phẩm của Việt Nam thời kỳ đó rằng có sự khác biệt căn bản và không thể hàn gắn giữa các tín đồ Công giáo và phần còn lại của xã hội Việt Nam và rằng, đương nhiên là người Công giáo Việt Nam mong muốn và ủng hộ chế độ giám hộ của Pháp[6]. Nực cười là, những tác phẩm của MEP viết về sau, nhưng cũng trong thế kỷ đó, thể hiện cùng quan điểm đó nhưng với mục đích khác: bảo vệ các phái bộ truyền giáo trong cuộc xung đột của họ với chính quyền thực dân trong giai đoạn vươn lên của nền Đệ tam Cộng hòa, làm tổn hại đến quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội ở Pháp và các vùng lãnh thổ của nước này[7].

Như Christopher Goscha đã chỉ rõ, sự bành trướng của chính quyền thuộc địa tạo ra những mạng lưới liên kết mới, tính năng động và tư duy mới làm cho càng ngày càng có nhiều người Việt Nam hơn nghĩ và có trải nghiệm thật sự về “An nam” hay “Việt Nam” như là một thực thể vật chất và văn hóa”[8]. Một trong những thành phần quan trọng của thay đổi như thế là trường phái lịch sử mới của Pháp, mô hình lịch sử dân tộc theo lối phương Tây của trường phái này đã giúp hình thành nhiều bài tường thuật có tính nền tảng về lịch sử “Việt Nam”. Những tư tưởng như thế đã có ảnh hưởng tới nhiều người Việt Nam và họ bắt đầu quan niệm quá khứ của mình bằng những thuật ngữ có tính dân tộc chủ nghĩa, mặc dù là quan niệm theo những cách khác và cho những mục đích khác. Nói cho ngay, sự cai trị của Pháp đã làm cho một số trí thức chống thực dân kiểm điểm lại một cách tích cực hành trang của mình, đấy là những người đi tìm những lý giải về mặt lịch sử và văn hóa nhằm tìm hiểu và thay đổi tình trạng hiện hữu của cái mà càng ngày họ càng coi là dân tộc. Có thể do những liên hệ gần gũi với các tín đồ Công giáo, thí dụ như Mai Lão Bạng, và một địa chủ, đồng thời là một trí thức ở Nam Kỳ là Gilbert Trần Tránh Chiếu, mà Phan Bội Châu là một trong những người Việt Nam đầu tiên, sau thời kỳ chinh phục, đặt vấn đề về những quan điểm giữ thế thượng phong vốn coi tín đồ Công giáo như là những người ủng hộ chế độ thực dân và chia rẽ về mặt văn hóa. Trong cuốn Việt Nam vong quốc sử (1905), Phan Bội Châu không phủ nhận sự hợp tác của một số tín đồ Công giáo với người Pháp, nhưng ông đổ lỗi cho những nhà truyền giáo vì họ đã lợi dụng tôn giáo cho mục đích chính trị và đổ lỗi cho những thành phần bài Công giáo ở Việt Nam là đã để cho tư tưởng bài Công giáo chia rẽ dân tộc. Phan Bội Châu, theo lời của Mark Mcleod, “tìm cách nhấn mạnh những đặc điểm sâu dày hơn của người Việt Nam, chứ không chỉ chuyện thích tôn giáo này hay tôn giáo kia, thí dụ như tất cả đều là thành phần của một giống nòi đặc biệt, tình huynh đệ của những người có chung cội nguồn và cùng đẻ, cùng nuôi, và đặc biệt là cùng bị chủ nghĩa thực dân Pháp bóc lột”[9].  Đương nhiên là quan điểm của Phan Bội Châu, cũng như quan điểm của nhà Nguyễn và người Pháp, là quan điểm chính trị: Ông giả định rằng dân tộc Việt Nam được liên kết bởi các mục tiêu chính trị mà mọi người cùng chia sẻ là một sự kiện lịch sử và văn hóa, không có chỗ cho những quan điểm phức tạp, trái nghịch, sẽ xuất hiện trong giai đoạn chuyển hóa lâu dài và đầy đau khổ nhằm thoát khỏi chế độ thực dân.

Sử liệu về Giáo hội Công giáo Việt Nam, được viết dưới nhãn quan về vai trò đã bị chính trị hóa cao độ của Giáo hội Công giáo trong những cuộc chiến tranh giải phóng thuộc địa ở Việt Nam, hầu như không làm phức tạp thêm quan niệm cho rằng Công giáo và Việt Nam là hai thực thể khác nhau, không thể hòa nhập với nhau. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, từ năm 1946 đến năm 1954, những tín đồ Công giáo nhiệt tình với nền độc lập đã tham gia vào cuộc đối đầu rộng khắp nhằm chống lại phong trào do cộng sản lãnh đạo, cầm đầu chế độ cách mạng của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (DRV) ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ và cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ. Sau thất bại của Pháp và sự chia cắt nước Việt Nam tại hội nghị Geneva, khoảng hai phần ba trong số gần 800 ngàn tín đồ Công giáo miền Bắc, đã rời bỏ vùng trung tâm của Giáo hội Công giáo Việt Nam để đi vào nước Cộng Hòa Việt Nam (RVN) ở phía Nam trong một cuộc di dân đông đảo mà sau này được gọi là “cuộc di cư vĩ đại”. Những người ở lại nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải chịu đựng những sự cấm đoán và đàn áp, thường là khắc nghiệt của chính phủ cộng sản. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai hay “Chiến tranh Việt Nam” từ năm 1954 đến năm 1975, nhiều tín đồ Công giáo đã ủng hộ mạnh mẽ các chế độ miền Nam, nhất là chế độ của Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Việt Nam và thành viên của một gia đình Công giáo nổi tiếng. Quan hệ giữa tín đồ Công giáo và nhà nước trở nên căng thẳng sau chiến thắng của cộng sản vào năm 1975 và vẫn còn căng thẳng cho đến ngày nay, đấy là do những vấn đề như ngoại giao của Vatican, hoạt động chính trị của những người lưu vong, trường học do nhà thờ quản lý và quyền sở hữu đất đai.

Chiến thắng của những người cộng sản Việt Nam và các đồng minh của họ trong những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và sự chống đối về mặt chính trị lan tràn trong cộng đồng Giáo dân Việt Nam trong thời hiện đại định hình phần lớn nhận thức về lịch sử Công giáo Việt Nam. Kết quả của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai đã làm được nhiều việc nhằm bình thường hóa những lời tuyên bố trước năm 1975 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về việc chiếm Cộng Hòa Việt Nam và “sự thống nhất” Việt Nam vào năm 1975 là sự kiện hiển nhiên về mặt lịch sử và văn hóa. Điều đó, đến lượt nó, lại giúp bình thường hóa phả hệ đặc biệt và mang tính ý thức hệ cao của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, tức là coi chủ nghĩa cộng sản là người thừa kế tấm áo choàng của nhiều phong trào kháng chiến chống cuộc xâm lăng của nước ngoài trong lịch sử Việt Nam, và như vậy, cộng sản là tiếng nói hợp pháp duy nhất của chủ nghĩa dân tộc của nước Việt Nam hiện đại. Các nhà sử học phương Tây - thái độ phê phán của họ đối với những cố gắng quân sự của Mỹ đã làm cho nhiều người trước tác từ quan điểm này - đã viết không nhiều về Giáo hội Công giáo Việt Nam trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng, những công trình nghiên cứu có nhiều ảnh hưởng, dựa trên những tài liệu đã được công bố của MEP và tài liệu lưu trữ của Pháp từ năm 1860 đến 1870 ở Nam Kỳ, một giai đoạn hợp tác ngắn ngủi nhưng gần gũi giữa các nhà truyền giáo và các quan chức hải quân đã làm được nhiều việc nhằm cổ vũ quan điểm coi các tín đồ Công giáo Việt Nam như là một cộng đồng ủng hộ chế độ thuộc địa và rộng hơn là bài dân tộc trong giới học giả châu Âu[10].

Sử liệu học bằng tiếng Việt hiện đại, đặc biệt là về những vấn đề mang màu sắc chính trị, từ lâu đã mang dấu ấn nặng nề của những bài tường thuật nhằm hợp pháp hóa vai trò và ưu thế của nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo. Như Patricia Pelley khẳng định về dự án nhằm tạo ra và củng cố quan điểm hữu ích và chấp nhận được về lịch sử dân tộc đang được thực hiện: “Những điều trình bày về quá khứ của dân tộc phải phù hợp với những nhu cầu cấp bách về chính trị và tri thức của giai đoạn hậu cách mạng và hậu thuộc địa, và những điều trình bày như thế thường xuyên thay đổi”[11].  Vì vậy mà các nhà sử học Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý nhiều đề tài lịch sử: cội nguồn dân tộc, di sản Trung Quốc, các dân tộc thiểu số, văn hóa bình dân, địa phương chủ nghĩa, và nhiều vấn đề khác. Nhưng cách xử lý vấn đề Công giáo là giả dối nhất. Một mặt, nhu cầu chính trị đòi hỏi phải tuyên bố rằng tất cả các thành phần của xã hội Việt Nam đều ủng hộ cách mạng đã tạo ra mệnh lệnh cho người chép sử là phải tìm được bằng chứng của lời tuyên bố của Phan Bội Châu về tinh thần dân tộc của giáo hội Công giáo. Điều đó không chỉ làm cho các nhà sử học chính thống như Trần Văn Giàu và Trần Huy Liệu né tránh những vấn đề như vai trò của Giáo hội trong cuộc chinh phục của Pháp, Bắc di cư, tinh thần chống cộng của Công giáo, mà từ năm 1945 trở đi phải có những cố gắng thường xuyên nhằm nâng cao vai trò của những tín đồ Công giáo được hoan nghênh về mặt chính trị như các vị linh mục trong phong trào Đông du, từng được mô tả là “ba vị linh mục yêu nước” trong sử liệu học viết bằng tiếng Việt thời hiện đại.   

Nhưng lịch sử đất nước cần kẻ thù, và trong nhiều sử liệu Việt Nam thời hiện đại, người theo đạo Công giáo còn đóng vai trò to lớn của đội quân thứ năm trong lực lượng phản dân tộc. Trong tác phẩm này, những quan niệm về người Công giáo có từ thời Pháp xâm lược Việt Nam cung cấp cho chúng ta phả hệ đầy sức mạnh về những người phê phán quan điểm chính trị của các tín đồ Công giáo trong giai đoạn giải thực dân và thống nhất đất nước, tức là những người giải thích thái độ chống cộng của người Công giáo chỉ đơn giản là phiên bản mới của mối liên kết của họ với Pháp từ thế kỷ XIX mà thôi. Kết quả là một câu chuyện liền mạch về Giáo hội Công giáo như là sự hiện diện của một lực lượng ngoại lai về văn hóa và lật đổ về chính trị trong cộng đồng dân tộc, kéo dài từ quá khứ xa xưa cho đến tận ngày nay. Dựa vào quan điểm Marxist về quan hệ giữa đạo Công giáo và chủ nghĩa tư bản, nhiều cuốn sử liệu học coi sự hiện diện của các nhà truyền giáo ở vương quốc Việt Nam từ thế kỷ XVI như là bằng chứng của tham vọng thực dân của Pháp ở Việt Nam trong những giai đoạn sau[12]. Trường phái này viết rằng những vụ bạo động của dân chúng trong thời nhà Nguyễn là sự kháng cự ban đầu của dân tộc nhằm chống lại chủ nghĩa thực dân và coi chế độ Cộng Hòa Việt Nam mà nhiều người công giáo ủng hộ là bù nhìn của những tham vọng của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Những cuốn sử liệu đó còn thận trọng khi tán dương những người Công giáo, thí dụ như ba vị giám mục Đông Du, tìm cách hóa giải giữa Công giáo và “dân tộc”. Nhưng, việc miêu tả theo lối lý tưởng hóa những người Công giáo “yêu nước” trong những tác phẩm này lại thường ngấm ngầm nhấn mạnh khoảng cách khá rộng giữa phần lớn những người đồng đạo của họ và cách hiểu về bản sắc của dân tộc Việt Nam giữ thế thượng phong trong những tác phẩm này. Một thí dụ rõ ràng là cuộc hội thảo về lịch sử Công giáo Việt Nam được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1988, trong bối cảnh vụ phong thánh của Vatican cho 117 thánh tử đạo, trong đó có cả các nhà truyền giáo và tử đạo người Việt. Nhưng sử liệu thời hiệu đại lại coi nhiều người trong số đó là những kẻ phản bội hoặc gián điệp. Mặc dù một trong mười bảy tiểu luận trong tập kỷ yếu hội thảo đã vinh danh “Người Việt Nam công giáo trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước”, những bài khác đã bêu riếu người Công giáo Việt Nam là tay sai của bọn đế quốc[13].

Từ cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, một số người Công giáo Việt Nam và các nhà truyền giáo đã viết lịch sử cộng đồng tôn giáo của họ theo cách khác, nhưng vẫn mang màu sắc chính trị hệt như trường phái kia. Mặc dù một số sử liệu tôn giáo đã tạo được nền tảng quan trọng cho lịch sử tôn giáo và xã hội của Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện đại, nhưng phần lớn trong số đó lại quy giản thành một loạt những vụ bức hại và tử đạo tương tự như lịch sử những người Công giáo thời xưa. Trong những tác phẩm lịch sử do những học giả Công giáo, thí dụ như ông Phan Phát Huồn viết, giai đoạn tiền thuộc địa thường trở thành câu chuyện của những chỉ dụ bài Công giáo, những vụ giam cầm và giết hại, mà trớ trêu thay, sử liệu của nhà Nguyễn thường gợi ra, dù không cố ý. Cuốn lịch sử này lại thường lảng tránh những câu hỏi khó về vai trò của Giáo hội trong cuộc chinh phục của Pháp hay quan hệ của nó với chế độ thuộc địa Pháp, mà lại tập trung vào thái độ bài giáo hội của nhiều quan chức thực dân cũng như tinh thần phản đối đạo Công giáo đang sôi sục trong dân chúng. Dĩ nhiên là, những lời lẽ gay gắt nhất trong các tác phẩm này là dành cho chủ nghĩa cộng sản, coi đấy là lực lượng đàn áp, không chấp nhận những tiếng nói chính đáng, theo tinh thần dân tộc và bài thực dân, nhưng không chia sẻ quan điểm của Đảng về dân tộc. Trong những bài đó, những người Công giáo, thí dụ như ba vị linh mục Đông Du, được mô tả không phải như là những người ủng hộ những giá trị của Đảng cộng sản mà như hiện thân của tinh thần dân tộc của những người Công giáo Việt Nam, tinh thần mà chủ nghĩa cộng sản đã đàn áp, cả trong cũng như sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai[14].

Từ những năm 1990, điều kiện nghiên cứu đang thay đổi đã tạo ra một loạt công trình nghiên cứu, bắt đầu chuyển việc chép sử về Công giáo Việt Nam khỏi cuộc bút chiến xưa cũ. Một nguyên nhân quan trọng là vào đầu những năm 1990 người ta đã mở cửa văn khố của Hội Thừa Sai Paris cho những nhà nghiên cứu bên ngoài Giáo hội. Kết hợp giữa văn khố của MEP với những cuốn biên niên sử của vương triều và một loạt tài liệu giai đoạn đầu thời hiện đại, các học giả như Nola Cooke, Alain Forest và Nhung Tuyet Tran đã viết được những cuốn lịch sử văn hóa và xã hội không mang tinh thần tôn giáo đầu tiên của Giáo hội Công giáo Việt Nam trước thế kỷ XIX, còn Laurent Burel và Jacob Ramsay thì bắt đầu khảo sát một cách đầy ý nghĩa quan hệ giữa Giáo hội, triều Nguyễn và xã hội Việt Nam trong thế kỷ XIX[15].  Tại Việt Nam, trong giai đoạn xuất hiện những khái niệm và phương pháp luận của môn tôn giáo học đang diễn ra hiện nay, được thể hiện bằng việc thành lập tạp chí Nghiên cứu tôn giáo vào năm 1999, Nguyễn Quang Hưng đã đánh giá lại một cách bình tĩnh hơn thế kỷ XIX và Nguyễn Hồng Dương thì viết được một công trình nghiên cứu kinh tế và xã hội nghiêm túc đầu tiên về đời sống của một làng Công giáo[16].  Gần đây James P. Daughton đã chỉ ra xung đột giữa Giáo hội và nhà nước ở chính quốc đã làm cho quan hệ giữa những nhà truyền giáo và quan chức ở thuộc địa trở thành phức tạp và nhiều khi trở thành đối nghịch như thế nào[17].  Cuối cùng, những công trình nghiên cứu quan trọng gần đây của Claire Trần Thị Liên và Peter Hansen đã khảo sát một loạt bối cảnh, từ chính trị tới thần học, định hình đời sống Công giáo Việt Nam trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và Bắc di cư[18]. Nhưng vẫn chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện về điều có thể cho là câu hỏi quan trọng nhất trong lịch sử Công giáo Việt Nam hiện đại: quá trình chuyển tiếp từ quyền lực của truyền giáo sang Giáo hội dân tộc tự chủ, một quá trình song hành với sự củng cố và sụp đổ của chính quyền thuộc địa, bản chất chính trị và văn hóa cũng như hậu quả của quá trình chuyển đổi này.

Các nhà khoa học như David Marr, Hue-Tam Ho Tai và Alexander Woodside đã khảo sát những mối quan hệ giữa các cơ cấu chính trị, kinh tế và ý thức hệ của chính quyền thực dân Pháp và việc chuyển hóa về xã hội và văn hóa ở Việt Nam, cũng như những di sản lâu dài của nó trong thời kỳ hậu thuộc địa. Nhưng các nhà khoa học cố gắng tìm hiểu trải nghiệm của Việt Nam trong quá trình toàn cầu thường dán nhãn “tính hiện đại của thuộc địa” đã bỏ qua không nghiên cứu sâu về tôn giáo. Điều này là do, như Anne Hansen khẳng định trong công trình nghiên cứu gần đây của bà về đạo Phật ở Cambodia thời thuộc địa, các tôn giáo “vượt qua biên giới quốc gia và khu vực, bao gồm việc phiên dịch các văn bản và tư tưởng qua biên giới ngôn của ngôn từ, chúng không có tính trường cửu mà người ta cho là những diễn ngôn chính trị hiện đại về dân tộc phải có.” Bà kết luận: “Một lần nữa, sự quyến rũ của những hiểu biết của chúng ta về thế giới thuộc địa ở Đông Nam Á có thể là cần thiết nếu ta phải tìm hiểu những con đường mà dân chúng đã đi qua khi chuyển sang những cách tư duy mới và cách sống mới”[19]. Công trình nghiên cứu về “tính hiện đại của Công giáo” ở Việt Nam này dựa trên nhiều tác phẩm tiếp cận với vấn đề quyền lực và sức mạnh áp đảo trong những cuộc đọ sức trong quá trình truyền giáo, cả trong quan hệ văn hóa và kinh tế chính trị[20]. Vì vậy mà phải xem xét các phái bộ truyền giáo ở Việt Nam như là các thiết chế “thực dân” theo nghĩa rộng của từ này, nhưng khẳng định rằng không tham gia tái lập phong trào phê phán mang tính chính trị và sử liệu đã từng vây bọc lịch sử Công giáo Việt Nam trong một thời gian dài – điều được Frederick Cooper mô tả là “nền chính trị đặt tên”[21].  Xin nói thêm rằng tâm điểm của công trình nghiên cứu này là “quá trình phi thực dân hóa” của Công giáo ở Việt Nam, một quá trình mà – lại xin mượn lời của Frederick Cooper – “những ý thức hệ sát nhập và phân biệt đế quốc chủ nghĩa bị cả những người hoạt động trong các cơ cấu chính trị và ý thức hệ đế quốc chủ nghĩa lẫn những người tìm cách bảo vệ và xây dựng không gian chính trị nằm hoàn toàn bên ngoài thách thức”[22].

BỐ CỤC TÁC PHẨM

Theo nhiều cách, câu chuyện về cuộc đời của các vị giám mục Đông Du song hành với cách tiếp cận đề tài của công trình nghiên cứu này. Các ông Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Văn Tường và Đậu Quang Lĩnh, những người sinh ra ở Việt Nam trong giai đoạn từ 1852 đến 1870, lớn lên trong giai đoạn chuyển hóa và biến động trong đời sống của người Công giáo Việt Nam. Từ năm 1850 đến năm 1880, số nhà truyền giáo ở Việt Nam đã tăng lên gần ba lần. Từ năm 1880 đến khi họ bị bắt vào năm 1909 lại tăng thêm gần ba lần nữa. Việc mở rộng uy quyền của truyền giáo ở Việt Nam tạo ra những hậu quả vô cùng to lớn đối với những người Công giáo Việt Nam và vị trí của họ trong xã hội. Khi còn là những thanh niên, các vị linh mục nói trên đã nếm trải cảnh bạo lực, cảnh bị đuổi khỏi nơi cư ngụ và tàn phá các làng mạc Công giáo bởi bàn tay của các quan chức nhà Nguyễn và những người không theo Đạo, việc đó đã làm cho một số đồng đạo của họ ủng hộ những chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp nhằm chống lại chính quyền của nhà Nguyễn. Quãng đời thứ hai của họ, trước khi bị bắt, cũng có nhiều biến đổi tương tự, đấy là sự củng cố chính quyền thực dân Pháp đã tạo điều kiện cho nguồn nhân lực và vật lực đổ vào để tái thiết và mở rộng các cơ sở truyền giáo. Mặc dù sự bành trướng và củng cố chính quyền Pháp đã cung cấp cho người Công giáo một số cơ hội, dù đấy có là giúp đỡ hay ủng hộ trực tiếp việc tái thiết đời sống tôn giáo hoặc cho người Công giáo một số vị trí trong chính quyền thuộc địa mới hình thành thì người Công giáo bình thường – việc củng cố chính quyền Pháp chẳng mang lại lợi lộc gì cho phần lớn những người đó – phải trả giá đắt cho những ràng buộc giữa các hội đoàn truyền giáo và chính quyền thuộc địa. Chương 1 bắt đầu bằng một mô tả ngắn gọn cơ cấu xã hội và tôn giáo của Giáo hội Công giáo thời tiền thuộc địa và sau đó khảo sát bản chất của việc khuếch trương của truyền giáo, công việc này bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX và kéo dài suốt thời thuộc địa. Chương này kết thúc bằng việc khảo sát mối quan hệ giữa các hội truyền giáo, việc củng cố chính quyền thuộc địa Pháp và địa vị đang thay đổi của Công giáo trong nền chính trị và xã hội Việt Nam trong suốt thế kỷ XIX.

Bề ngoài, cuộc sống của Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Văn Tường và Đậu Quang Lĩnh trong giai đoạn đầu thời thuộc địa tốt hơn hẳn so với trước kia. Ngoài việc được an toàn hơn về mặt thể xác, họ còn được học trong những chủng viện tốt hơn những thế hệ linh mục trước kia của Việt Nam từng học. Trong khi đó, những trẻ em mà họ dạy dỗ có thể tiếp cận với nhiều sách dạy giáo lý và học vấn thế tục hơn, nhiều nhà thờ mới được xây dựng hơn. Nhưng trước khi họ quyết định tham gia phong trào chống Pháp, không phải tất cả mọi việc trong cộng đồng tôn giáo của họ đều diễn ra một cách tốt đẹp. Vấn đề bắt đầu từ việc vị giám mục không đủ sức quản lý tiền và nhân viên dưới quyền đã làm cho ông ta phải luân chuyển một cách độc đoán các giáo sĩ dưới quyền đi hết chỗ này đến chỗ khác, bổ nhiệm nhiều giáo sĩ đến cùng một giáo đoàn, trong khi những giáo đoàn khác lại không có người coi sóc, và tính toán ngân sách kém đến nỗi các chủng viện không có tiền mua lương thực thực phẩm một tháng trong khóa học, buộc hội truyền giáo phải bán những mảnh đất rất có giá trị để bù vào khoản thâm hụt. Hành vi của một số nhà truyền giáo cũng có nhiều tai tiếng. Người ta nói rằng một vị đã lấy vợ và có con (và không chỉ với bà vợ của ông ta), việc này đã trở thành trò cười cho dân ngoại Đạo, những người này đã thò đầu vào nhà thờ mỗi khi ông cố đạo kia rửa tội cho trẻ con và nói rằng trông chúng giống ông ta quá. Nhiều giáo dân của các vị linh mục này phàn nàn rằng họ bị đặt dưới sự cai quản của nhà truyền giáo có đức hạnh đáng ngờ như thế[23].  Nhưng họ và chính các vị linh mục kia lại bị hội truyền giáo giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết. Trong khi tất cả ba vị linh mục đều giữ những chức vụ quan trọng thì các nhà truyền giáo lại quyết định trách nhiệm và quyền sử dụng các nguồn lực, như thể họ là những người nắm ngân sách của hội truyền giáo và quan hệ của hội truyền giáo với chính quyền vậy. Các vị linh mục này còn sống trong cộng đồng tôn giáo, trong khi đó phần lớn các nhà truyền giáo sống cách biệt và không ăn uống cùng với giới tu sĩ địa phương, và sự phân biệt sắc tộc định hình phần lớn các khía cạnh căn bản của đời sống hằng ngày. Quan hệ của các hội truyền giáo với nhà nước thực dân và xã hội trong khu vực vẫn còn khó khăn.Việc ngóc đầu dậy của thái độ bài giáo hội trong chính giới Pháp trong những năm 1880 làm cho xung đột giữa chương trình nghị sự khác hẳn nhau của Giáo hội và nhà nước ở thuộc địa càng thêm căng thẳng, trong khi nhiều hình thức xung đột đã kéo dài trong cộng đồng địa phương lại không biến mất sau khi chính quyền thuộc địa được thiết lập. Những sự thay đổi này là tâm điểm của Chương 2, chương này được xây dựng xung quanh ba nguồn gốc của cuộc xung đột trong đời sống Công giáo trong giai đoạn đầu của chế độ thuộc địa: các mối quan hệ giữa các cộng đồng địa phương, căng thẳng giữa các hội truyền giáo và chính quyền thuộc địa, và quan hệ gay gắt ngay trong đời sống Công giáo.

Đối với cả các quan chức của chính quyền thuộc địa lẫn các nhà truyền giáo, việc Nguyễn Thần Đồng, Nguyễn Văn Tường và Đậu Quang Lĩnh tham gia hoạt động cách mạng là biểu hiện của tình trạng khủng hoảng của nhiều cộng đồng Công giáo trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế kỷ. Trên thực tế, ba vị linh mục này không phải là những kẻ ngoài lề; nhiều vị linh mục ở Nghệ An và các tỉnh lân cận cũng liên kết với Phan Bội Châu, và các nhà truyền giáo báo cáo rằng nhiều người Công giáo Việt Nam ủng hộ ba vị linh mục đó[24]. Một số người Công giáo có thái độ chống đối chính quyền không phải là hiện tượng mới, nhưng trong giai đoạn thuộc địa nhiều người còn có thái độ chống đối các nhà truyền giáo cũng mạnh mẽ như thế, và người ta bắt đầu kêu gọi Vatican giải quyết vô số những lời phê phán của họ đối với các nhà chức trách tôn giáo người châu Âu. Ngày 1 tháng 4 năm 1910, một nhóm những người Công giáo có danh vọng ở Nghệ An đã gửi thư trực tiếp tới Giáo hoàng Pius X, than thở về “thái độ xấu” của nhiều nhà truyền giáo và “sự bất hòa đáng hổ thẹn” trong giáo phận này, đặc biệt là quyết định của vài nhà truyền giáo giao nộp cho nhà chức trách Đồng, Tường và Lĩnh, “đối với chúng tôi, đây là điều nhục nhã khủng khiếp và bi kịch to lớn đối với đức tin”[25].  Những mối liên hệ ngày càng gia tăng giữa hoạt động Công giáo ở Việt Nam và Vatican là nội dung của Chương 3, chương này tập trung vào những hậu quả của chiến dịch trên toàn cầu trong những năm 1920 và 1930 nhằm thiết lập nền tảng cho Giáo hội công giáo độc lập ở tất cả các nước thuộc địa của châu Âu. Những cuộc cải cách của Rome nhắm đến mục tiêu là tạo ra giáo sĩ và Giáo dân có học hơn và độc lập hơn trong các Giáo hội ngoài châu Âu nhằm thiết lập những mối liên hệ gần gũi hơn và trực tiếp hơn giữa những Giáo hội này với Vatican. Những cuộc cải cách này là phản ứng trước hai sự kiện, đấy là sự hiện diện ngày càng thưa thớt của các nhà truyền giáo – một đòn nặng của Thế chiến I và lòng mộ đạo đang thay đổi ở châu Âu – cũng như quan hệ căng thẳng giữa những tín đồ Công giáo Việt Nam, các nhà truyền giáo và chính quyền thuộc địa, gây khó khăn cho các hội truyền giáo ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Đến năm 1930, ở Việt Nam, những cuộc cải cách của Rome đã thiết lập được nền tảng cho Giáo hội độc lập và góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa mới trong đời sống Công giáo, tức là nền văn hóa làm cho các tín đồ Công giáo phấn chấn, nhưng cũng là mối đe dọa đối với các nhà truyền giáo và quan chức chính quyền thuộc địa.

Hai ông Nguyễn Thần Đồng và Đậu Quang Lĩnh được ra khỏi nhà tù Côn Đảo vào năm 1918 nhân vụ ân xá nhằm vinh danh những hy sinh của Việt Nam cho nước Pháp trong Thế chiến I. Nhưng họ bị cấm trở về Nghệ An và được đưa vào Sài Gòn để làm linh mục cho xứ đạo ở đấy. Ở đây họ đã gặp cái mà, về nhiều khía cạnh, có thể nói là một nước khác, một nơi mà các tín đồ Công giáo nói một thứ tiếng Việt rất khó hiểu và thực hành đức tin của họ theo những cách hoàn toàn khác. Nhưng trong thời gian giữa hai cuộc thế chiến, trải nghiệm về sự tha hương của Nguyễn Thần Đồng và Đậu Quang Lĩnh lại ngày càng trở thành trung tâm của đời sống Công giáo Việt Nam. Nói cho ngay, những cuộc cải cách của Vatican nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho Giáo hội dân tộc, cũng như sự chuyển hóa về mặt kinh tế, quản lý hành chính và văn hóa của thời Pháp thuộc, đã giúp tạo ra những mối liên kết mới đầy sức mạnh không chỉ giữa các tín đồ Công giáo từ những khu vực khác nhau của Việt Nam mà còn giữa những tín đồ Công giáo Việt Nam và thế giới Công giáo trên toàn cầu nữa. Nhưng trải nghiệm đang xuất hiện của cộng đồng tôn giáo có tính dân tộc lại không làm cho quan hệ giữa các tín đồ Công giáo và những thành phần khác trong xã hội Việt Nam trở thành bớt phức tạp hơn; bản sắc cộng đồng mạnh mẽ và những mối liên hệ mới với mạng lưới của Giáo hội toàn cầu thường lại củng cố thêm cho những đường biên giới, cả có thực lẫn tưởng tượng, giữa các tín đồ Công giáo và những người khác. Những thay đổi như thế là tâm điểm của Chương 4 và 5. Chương 4 khảo sát sự xuất hiện của một hệ thống để viết tiếng Việt bằng chữ cái phương Tây (chữ quốc ngữ) làm cho chữ in trở thành một phần của trải nghiệm tôn giáo của quần chúng và làm thay đổi nhận thức của các tín đồ Công giáo về chính mình và về xã hội. Chương 5 khảo sát cách thức mà những hiện tượng như di dân, thay đổi trong lĩnh vực kinh tế, đô thị hóa, hành hương và lễ hội đã tạo ra cộng đồng tôn giáo “giả định” ngày càng trở thành thành phần trung tâm và xác thực của đời sống của tín đồ Công giáo Việt Nam.

Mặc dù các chức sắc của Giáo hội và chính quyền Pháp đã cố gắng hết sức, nhưng người ta vẫn tưởng nhớ các vị linh mục Đông Du. Các nhà truyền giáo tới Nghệ An trong những năm 1930 báo cáo rằng câu chuyện về những vị linh mục này là thành phần quan trọng của ký ức của các tín đồ Công giáo địa phương tại thời điểm khi mà Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và việc đàn áp của chính quyền thuộc địa ngày càng gia tăng đã làm nhiều người Việt Nam quay lưng lại với cải cách và quay sang chống đối. Trong ba vị linh mục, chỉ có Nguyễn Thần Đồng là được trở lại Nghệ An mà thôi. Đấy là năm 1944, giữa thời chiến tranh và nạn đói, ông đã là một ông già, với quá khứ cách mạng ở phía sau. Nhưng làng Nhân Hòa quê hương đã không quên ông, và dân làng đã tổ chức một buổi lễ cực lớn để chào mừng ngày trở về của ông. Ông Nguyễn Bá Tòng cũng có mặt để chào đón ông. Ông Nguyễn Thần Đồng đã biết Nguyễn Bá Tòng ngay từ những ngày còn ở Sài Gòn, việc phong chức Giám mục cho Nguyễn Bá Tòng vào năm 1933 là sự quay lưng lại mang tính biểu tượng to lớn đối với quyền lực của hội truyền giáo[26]. Việc ông Nguyễn Bá Tòng hiện diện tại buổi lễ chào mừng sự trở về của ông Đồng thể hiện những mối liên hệ gần gũi giữa những cuộc cải cách tôn giáo và tình cảm dân tộc đã xuất hiện trong đời sống của các tín đồ Công giáo trong thế hệ từ ngày ông Nguyễn Thần Đồng bị bắt và bị lưu đầy. Thực ra, sự xuất hiện Giáo hội dân tộc còn giúp làm cho các tín đồ Công giáo Việt Nam say mê với ý tưởng về dân tộc độc lập và trong giai đọan giữa hai cuộc thế chiến đã đưa họ vào nền chính trị Công giáo toàn cầu bằng chính con đường mà sau này sẽ định hình những quan điểm và lựa chọn của họ trong thời kỳ cách mạng. Nhưng mối liên hệ mạnh mẽ giữa tôn giáo và bản sắc chính trị mới lại đẩy các tín đồ Công giáo vào cuộc xung đột với những quan điểm của chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam, tức là những quan điểm tiếp tục coi Giáo hội Công giáo như là hiện tượng văn hóa hay chính trị ngoại lai hoặc thậm chí là đối địch nữa. Chương 6 khảo sát cách thức các tín đồ Công giáo Việt Nam tìm hiểu và tranh cãi về ý tưởng dân tộc chủ nghĩa, cách thức mà ý tưởng mang tính bản chất luận mới về “nền văn hóa dân tộc” làm cho tôn giáo trở thành nguồn gốc xung đột trong cuộc tranh luận về chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam và cách thức mà việc nổi lên của Công giáo Xã Hội và chủ nghĩa chống cộng định hình quan hệ giữa các tín đồ Công giáo Việt Nam với nền chính trị cách mạng đang hình thành.     

Nguyễn Thần Đồng chết ngay sau khi về Nghệ An được có hai tháng, chín tháng trước khi ông Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, thể hiện những tham vọng của phong trào mà ông đã tham gia cách đó mấy thập kỷ. Chương 7 khảo sát vị trí của Giáo hội Công giáo trong quá trình chuyển đổi từ thuộc địa sang những quốc gia tách biệt và đối đầu với nhau. Cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, từ năm 1946 đến năm 1954, giữa Pháp và những phe phái chính trị Việt Nam khác nhau, đã đẩy nhanh tiến độ những cuộc cải cách của Vatican vì sự đoạn tuyệt với chính quyền thuộc địa đã dẫn tới sự bành trướng một cách nhanh chóng nhóm thống trị của Giáo hội Công giáo Việt Nam và chuyển giao hầu hết các thiết chế của Giáo hội cho ban lãnh đạo người Việt. Khi cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra, các tổ chức in ấn mới được thành lập và mạng lưới liên kết có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền đạt thông tin và ý kiến cũng như cho việc phòng thủ và động viên của các cộng đồng Công giáo. Và khi sự đồng thuận dân tộc rộng rãi nhưng mong manh bị tan vỡ thì tôn giáo có vai trò lớn hơn trong những lựa chọn chính trị của các tín đồ Công giáo Việt Nam: vai trò của Vatican trong đời sống Công giáo đã củng cố những tiếng nói chống cộng và ủng hộ những nhà hoạt động là người Công giáo, thí dụ như gia đình họ Ngô, trong khi những tư tưởng Công giáo cánh tả lại giữ nhiều người Công giáo trong mạng lưới kháng chiến ngay cả khi những người cộng sản Việt Nam đã thắt chặt những mối liên hệ của họ với khối cộng sản quốc tế. Phần cuối của công trình nghiên cứu này, việc chia cắt nước Việt Nam năm 1954 và cuộc di cư vĩ đại, đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử Công giáo Việt Nam, đấy là khi Giáo hội vừa được độc lập phải đối mặt với những thách thức của vụ di cư ồ ạt, nội chiến, tái thống nhất và quan hệ với chính quyền cộng sản trong khi Giáo hội tìm cách định hình tương lai hậu thuộc địa của chính mình.

Trong công trình nghiên cứu những câu chuyện về lịch sử dân tộc Trung Hoa, Prasenjit Duara nhận xét rằng “lịch sử dân tộc bảo đảm cho dân tộc đầy tranh chấp và rời rạc này sự thống nhất giả tạo của cái bề ngoài giống nhau, chủ thể dân tộc tiến hóa theo thời gian…. Nó tạo điều kiện cho nhà nước độc lập tự coi mình là một hình thức độc đáo của cộng đồng tìm thấy vị trí của mình trong thế đối đầu với truyền thống và hiện đại, đẳng cấp và bình đẳng, đế chế và dân tộc”[27]. Nhưng Duara khẳng định rằng mặc dù tất cả những câu chuyện về lịch sử dân tộc là do nhu cầu “chiếm đoạt những lịch sử phân tán cho đòi hỏi của hiện tại,” hành động chiếm đoạt này chắc chắn sẽ trở thành nguồn gốc của bất hòa và thất bại[28].  Nói cách khác, đòi hỏi của những lịch sử khác, những lịch sử cạnh tranh với nhau không bao giờ biến mất, chúng sẽ tái xuất hiện trong những giai đoạn chuyển giao lịch sử hay chuyển giao sử liệu học. Tác phẩm này được viết khi cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai kết thúc được một thế hệ, tại thời điểm khi đang diễn ra những hiện tượng như chuyển sang nền kinh tế thị trường, những căng thẳng của chính quyền độc đảng, những chuyển biến xã hội nhanh chóng và rộng khắp, phục hồi lòng mộ đạo và những lực lượng khác đang đẩy thời đại cách mạng trở về quá khứ của Việt Nam. Cho nên, lĩnh vực Việt Nam học đã quay lưng lại với những bài tường thuật mang tinh thần dân tộc đầy sức mạnh về lịch sử Việt Nam và thay vào đó, coi dân tộc này – theo lời của Duara – là “nơi mà những hiện tượng tiêu biểu khác nhau của dân tộc này tranh cãi và đàm phán với nhau”[29].  Ít đề tài có tiềm năng đóng góp vào dự án này bằng lịch sử Công giáo Việt Nam, và làm thế chắc chắn là mục đích của tôi. Nhưng tôi hy vọng và tin rằng cố gắng viết một cuốn lịch sử có ý nghĩa hơn về Giáo hội Công giáo trong nước Việt Nam hiện đại không dẫn đến một bài tường thuật của người Công giáo về lịch sử dân tộc Việt Nam. Có lẽ, tôi hy vọng rằng bức tranh về những thay đổi và xung đột trong Giáo hội Công giáo Việt Nam xuất hiện trên những trang sách này đáp ứng được yêu cầu ngoại vi hóa quan niệm “quốc gia” như là phạm trù phân tích trong quá trình viết về  lịch sử Việt Nam.

 

TÀI LIỆU VÀ THUẬT NGỮ

Công trình này dựa trên ba nguồn tài liệu chính. Ghi chép của chính quyền thực dân và bảo hộ ở Việt Nam, được lưu giữ ở Aix-en-Provence, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm tài liệu từ Bộ thuộc địa đến những ghi chép của chính quyền thành phố. Mặc dù có những giới hạn mà mọi người đều biết, những tài liệu này soi rọi một loạt vấn đề: quan hệ Giáo hội-nhà nước, quan điểm về kinh tế, pháp luật và chính trị của các phái bộ truyền giáo; các trường Công giáo, các thiết chế phúc lợi xã hội và các hội đoàn; quan hệ trong cộng đồng; việc giám sát các tín đồ Công giáo, các nhóm và cơ quan báo chí; và những vấn đề khác. Tài liệu lưu trữ ở Bộ ngoại giao Pháp cho thấy những tình tiết cụ thể của mối quan hệ căng thẳng giữa các quan chức thuộc địa và những cuộc cải cách của Vatican bao trùm lên Giáo hội trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến. Mặc dù các học giả đã sử dụng một cách hiệu quả những tài liệu của chính quyền thực dân Pháp nhằm nghiên cứu vai trò của Giáo hội trong cuộc chinh phục, giai đoạn đầu của chính quyền Pháp ở Nam Kỳ và quan hệ Giáo hội-nhà nước trước Thế chiến I, hầu hết tài liệu trong công trình nghiên cứu này đều được trích dẫn lần đầu tiên.

Nguồn tài liệu lớn thứ hai là tài liệu của Giáo hội, trước hết là ghi chép của Hội Thùa Sai Paris (MEP) và của cơ quan truyền giáo của Vatican, tức Bộ truyền giáo (Congregation for the Evangelization of Peoples) cũng như các dòng tu nhỏ hơn. Như các học giả đã chỉ ra cho giai đoạn đầu thời hiện đại, các tài liệu của MEP, mà trước hết là thư từ của các vị giám mục và các nhà truyền giáo cũng như báo cáo thường niên của các hội truyền giáo riêng lẻ, là những nguồn tài liệu vô giá về lịch sử xã hội và tôn giáo của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, đặc biệt là tổ chức đời sống của các hội truyền giáo địa phương cũng như quan hệ của các tín đồ Công giáo Việt Nam và những nhà truyền giáo. Chỉ có một học giả, nhà nghiên cứu sử học Công giáo, ông Etienne Võ Đức Hạnh, là sử dụng một cách có hệ thống tài liệu của MEP trong giai đoạn thuộc địa, và ông cũng chỉ sử dụng những tài liệu có trước năm 1903 mà thôi. Tài liệu của các hội truyền giáo về những sự vụ cụ thể hay hay công việc của địa phương thường do một tác giả duy nhất ghi chép, khác với tài liệu của chính quyền thuộc địa Pháp, thường bao gồm đánh giá và lời chứng của nhiều người từ bộ máy hành chính của Pháp, từ các quan chức Việt Nam, từ các nhà truyền giáo và đôi khi thậm chí là từ các tín đồ Công giáo Việt Nam, tất cả đều nằm trong một hồ sơ. Những hạn chế của các tài liệu của MEP làm cho các tài liệu của Vatican – gần như được sử dụng lần đầu tiên ở đây –  còn có giá trị hơn nữa. Tài liệu lưu trữ của Bộ truyền giáo bao gồm các báo cáo chi tiết về tài chính của hội truyền giáo; báo cáo của các công sứ Tòa thánh; báo cáo của Tòa Khâm sứ Tòa thánh ở Đông Dương, đại diện trực tiếp đầu tiên của Vatican ở Việt Nam; và, quan trọng hơn là rất nhiều thư từ của các tín đồ Công giáo Việt Nam gửi cho các quan chức ở Rome và thậm chí gửi cho cả Giáo hoàng về những điều kiện khó khăn trong sứ mệnh của họ, quan hệ không tốt của họ với những nhà truyền giáo, và khát vọng về một Giáo hội độc lập của họ.

Nguồn tài liệu thứ ba và có thể là có giá trị nhất cho công trình nghiên cứu này là một số lượng lớn, nhưng hầu như hoàn toàn chưa được khảo sát, đấy là các tập san, tạp chí và báo chí tôn giáo và những cuốn sách mỏng viết bằng chữ quốc ngữ, được viết chủ yếu trong những năm 1920 và 1930. Mặc dù tác phẩm xuất bản năm 1976 của Alexander Woodside đã kêu gọi các nhà khoa học khảo sát “kho báu lưu trữ báo chí Việt Nam,” tôi vẫn phải rọc nhiều tờ báo và tập sách mỏng khi tôi đọc chúng ở Thư viện quốc gia Việt Nam, đây là lần đầu tiên có người đọc kể từ khi những bản sao này được đưa ra trong khi bộ sưu tập của thư viện vẫn là bản lưu trữ bắt buộc (dépôt légal)[30].  Những tài liệu này gồm có các văn bản viết về thần học, phụng vụ, và những buổi lễ không chính thức; viết về giáo lý và đạo đức Công giáo; lịch sử Giáo hội; những câu chuyện tôn giáo nổi tiếng dưới hình thức tiểu thuyết, chuyện kể, thơ, và kịch; những bài tường thuật của báo chí về các vấn đề, sự kiện, hay các cá nhân; sách giáo khoa và tài liệu sư phạm; và nhiều tài liệu khác, cũng lần đầu tiên được sử dụng ở đây. Công trình nghiên cứu này còn sử dụng những công trình nghiên cứu lịch sử của các tín đồ Công giáo Việt Nam, ở cả bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam, nhiều tác phẩm trong số đó được xuât bản tại địa phương và không được giới khoa bảng châu Âu xem xét. 

Một số thuật ngữ về các chức sắc Công giáo và chức vụ trong các cơ quan quản lý cần phải được giải thích. Thuật ngữ chính thức dùng cho giáo phận Công giáo là vicariate/vicariat (Anh/Pháp) chứ không phải là diocese/diocèse hay bishopric/évêché (địa phận trong tiếng Việt); thuật ngữ sau chỉ vùng lãnh thổ thuộc về Giáo hội, khác với vicariate/vicariat, và chính thức được vào cơ cấu của Giáo hội. Tương tự như thế, người đứng đầu giáo phận là apostolic vicar/vicaire apostolique (khâm mạng tòa thánh hoặc đại diện tông tòa) chứ không phải là bishop/évêque (giám mục). Để cho rõ ràng và nhất quán, tôi sẽ sử dụng thuật ngữ giám mục để mô tả người đứng đầu giáo phận hay địa phận. Bắt đầu từ năm 1924, các giáo phận về danh nghĩa đều mang tên địa phương chứ không còn theo tên của Pháp nữa (ví dụ, Sài Gòn chứ không phải là Cochinchine Occidentale). Vì địa điểm của giáo phận thể hiện rõ hơn về mặt địa lý những vùng lãnh thổ này, tôi sẽ gọi các giáo phận trong suốt giai đoạn thuộc địa theo tên như thế, mặc dù tôi vẫn giữ nguyên tên tài liệu được trích dẫn. Các tín đồ Công giáo Việt Nam bao giờ cũng có tên thánh, nhưng nhiều tài liệu mà tôi đọc qua không ghi những tên này. Vì lý do đó, tôi quyết định bỏ tất cả các tên thánh, thậm chí (và xin lỗi) nếu đa phần những người nằm trong tâm điểm của công trình nghiên cứu này có thể đã muốn gọi theo cách khác. Tôi cũng bỏ những dấu [sắc, huyền, ngã..] mà tôi không biết. Tất cả các đoạn chuyển ngữ đều là của tôi, đấy là nói nếu không có ghi chú. Khi dịch sang tiếng Việt, biên dịch viên đã cung cấp nguyên văn những đoạn trích dẫn bằng tiếng Việt, còn những trích dẫn từ tiếng Pháp và Latin thì được người dịch dịch lại qua nguyên tác tiếng Anh.

Những ai nghiên cứu khu vực này và thời gian đó bao giờ cũng gặp phải những vấn đề thuật ngữ làm người ta bối rối. Trước năm 1945, chưa có quốc gia-dân tộc Việt Nam như hiện nay, cho nên tôi thường sử dụng từ này không theo niên đại. Tôi sử dụng thiếu hệ thống như thế, vì theo tôi tất cả những lựa chọn khác đều tạo ra những vấn đề lớn. “Đông Dương” bao gồm chính quyền bảo hộ của Pháp ở Cambodia và Lào, cả hai nước đó đều không phải là tâm điểm của công trình nghiên cứu này. Tôi tránh từ “Annam”, thuật ngữ thường được sử dụng nhất để chỉ ba miền Việt Nam thuộc xứ Đông Dương trong giai đoạn thuộc địa vì mấy lý do. Thứ nhất, không bao giờ có nhà nước gọi là “Annam” cai trị vùng lãnh thổ của nước Việt Nam hiện nay; có những sự khác biệt then chốt giữa những chế độ cai trị miền Bắc (Tonkin), miền Nam (Cochinchina) và miền Trung (Annam) (việc sử dụng thuật ngữ này cho miền Trung và cả ba miền là một rắc rối nữa). Mặc dù trong giai đoạn thuộc địa, “Annam” chắc chắn là một ý tưởng văn hóa đầy sức mạnh, từ này chưa bao giờ có địa vị mang tính qui chuẩn, buộc phải sử dụng trong công trình nghiên cứu sử học. Hơn nữa, “Annam” không chỉ bị một số người coi là miệt thị, mà trong giai đoạn thuộc địa nhiều người đơn giản là không coi nó là một phần của cộng đồng trải rộng suốt vùng lãnh thổ nằm trong biên giới Việt Nam hiện nay. Nói tóm lại, vấn đề là tìm thuật ngữ để nói về chế độ cai trị và bản sắc văn hóa mà trong giai đoạn thuộc địa đang trong quá trình trở thành cái đang là hiện nay. Nếu chúng ta chấp nhận rằng cội nguồn của các chế độ và bản sắc của Việt Nam hậu thuộc địa có gốc rễ từ thời thuộc địa thì chúng ta phải tìm được từ ngữ để mô tả chúng trước năm 1945, nhưng, chính xác là vì đây là những từ ngữ ngẫu nhiên và mâu thuẫn với nhau, cho nên không có một thuật ngữ duy nhất có thể sử dụng trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy mà tôi sử dụng từ “Việt Nam” đơn giản là vì nó là từ ngắn gọn, dùng để mô tả cả ba miền Việt Nam nằm trong Đông Dương thuộc Pháp và cụm từ “các tín đồ Công giáo Việt Nam” để chỉ ra rằng tâm điểm của công trình nghiên cứu này là những tín đồ Công giáo, tức là những người tự coi hay được xếp vào một sắc tộc của Việt Nam (kinh, mặc dù phải thừa nhận phạm trù này cũng có vấn đề). Trong khi làm như thế, tôi không có ý nói rằng dân tộc Việt Nam hiện đại hay những bản sắc mà họ tạo ra đã từng tồn tại trong cùng một hình thức như thế trong giai đoạn thuộc địa.       

 



[1]  Trích lại trong Trần Mỹ-Vân, A Vietnamese Royal Exile in Japan: Prince Cường Để (1882-1951) (New York: Routledge, 2005), 49.

[2] Báo cáo chi tiết nhất về vụ này là Nicole-Louis Henard, “Un épisode ignoré de l’histoire du protectorat de l’Annam en 1909”, Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient 75 (1986): 215-48. Tên đã được tiểu thuyết hóa của ba vị linh muc thay đổi theo các bản tường trình; đây là hiện tượng chung.

[3] Tác phẩm đã dẫn, 238.

[4] Tổng quan xuất sắc về Công giáo ở Việt Nam trước thế kỷ XIX là tác phẩm của George Dutton, The Tây Sơn Uprising: Society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam (Honolulu: University of Hawai’i Press, 2006), 176-96.

[5] Antoine Trần Văn Toàn, “La doctrine de ‘trois pères’: Un effort d’inculteration du christianisme au Vietnam,” Mission 9, no. 1 (2002), 89-104.

[6] Jacob Ramsay, Mandarins and Martyrs: The Church and the Nguyen Dynasty in Early Nineteenth-Century Vietnam (Stanford, CA: Stanford University Press, 2008), 3-4.

[7] Introduction to James P. Daughton, An Empire devided: Religion, Republicanism, and the Making of French Colonialism, 1880-1914 (New York: Oxford University Press, 2006).

[8] Christopher Goscha, Vietnam or Indochina? Contesting Conceptions of space in Vietnamese Nationalism, 1887-1954 (Copenhagen: NIAS Books, 1995). Như Goscha đã chỉ rõ, trong suốt thời thuộc địa, không gian “Đông Dương” trong nhiều trường hợp cũng là không gian “Annam” hay “Việt Nam”. Điều này, theo tôi không thật đúng đối với các tín đồ Công giáo Việt Nam, có thể là vì tôn giáo của họ không vươn ra ngoài Đông Dương “của Việt Nam”.

[9] Mark Mcleod, “Nationalism and Religion in Vietnam: Phan Boi Chau and the Catholic Question,” International History Review 14, no. 4 (November 1992): 661-80

[10] Cao Huy Thuần, Les missionaries et la politique coloniale française au Vietnam (1857-1914) (New Haven, CT: Yale Council on Southeast Asian Studies Lạc Việt series, 1990), ban đầu được hoàn thành như luận án Tiến sĩ ở Trường Đại học Paris năm 1969, và Nicole-Dominique Lê, Les Missions-étrangères at la pénétration française au Việt-Nam (Paris: Mouton, 1975).

[11] Patricia Pelley, Postcolonial Vietnam: New Histories of the National Past (Durham, NC: Duke University Press, 2002), 235.

[12] Luận cứ gần đây trong Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX (Hanoi: Hội khoa học lịch sử Việt Nam, 2001).

[13] Một số vấn đề lịch sử đạo thiên chúa giáo trong lịch sử dân tộc Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh: Viện khoa học xã hội và Ban tôn giáo TP. Hồ Chí Minh, 1988).  

 

[14] Xem Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử (Saigon: Cứu Thế Tùng Thư, 1962), 2 vols., và tác phẩm cũng của ông này: History of the Catholic Church in Vietnam (Long Beach, CA: Cứu Thế Tùng Thư, 2000, vol. 1.

[15] Nola Cooke, “Early Nineteenth-Century Vienamese Catholics and Others in the pages of the Annales de la Propagation de la Foi,” Journal of Southeast Asian Studies 35, no. 2 (June 2004): 261-85, and “Strange Brew: Global, Regional and Local Factors behind the 1690 Prohibition of Christian Pratice in Nguyễn Cochinchina,” Journal of Southeast Asian Studies 39, no. 3 (October 2008): 383-409; Alain Forest, Les missionnaires français au Tokin et au Siam (XVIIe-XVIIIe siècles): Analyse compare d’un reletif succès et d’un total échec (Paris: L’Harmattan, 1998), 3 volumes; Nhung Tuyet Tran, “Les Amantes de la Croix: An Early Modern Lay Vietnamese Sisterhood,” in Le Viet Nam au feminine, ed. Gisèle Bousquet and Nora Laylor (Paris: Les Indes Sevantes, 2005), 51-66; Laurent Burel, Le contact protocolonial franco-vietnamien en centre et nord Vietnam (1856-1883) (Villeneuve-d’Ascq: Presses Universitaires de Septentrion, 2000); Ramsay, Mandarins and Martyrs.

[16] Nguyễn Quang Hưng, Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn, 1802-1883 (Hanoi: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2007); Nguyễn Hồng Dương, Làng công giáo Lưu Phương (Ninh Bình) từ năm 1828 đến năm 1945 (Hanoi: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1997).

[17] Daughton, An Empire Devided.

[18] Trần Thị Liên, “Les catholiques vietnamiens pendant la guerre d’indépendance (1945-1954): entre la reconquête colonial et la résistance communiste,” Luận án tiến sĩ, Institut d’Etudes Politique de Paris, 1996; Peter Hansen, “The Virgin Heads South: Northern Catholic Refugees in South Vietnam, 1954-1964,” Luận án tiến sĩ, Melbourne College of Divinity, 2008.

[19] Anne Hansen, How to Behave: Buddhism and Modernity in Colonial Cambodia (Honolulu: University of Hawai’i Press 2007), 6.

[20] Xem, đặc biệt là, Jean Comaroff and John Comaroff, Of Revelation and Revolution. Volume 1: Christianity, Colonialism, and Consciousness in South Africa (Chicago: University of Chicago Press, 1991).

[21] Frederick Cooper, Colinialism in Question: Theory, Knowledge, History (Berkeley: University of California Press, 2005), 26.

[22] Tác phẩm đã dẫn, 24.

[23] Về những vụ xung đột tại giáo phận Vinh trong thời gian này, xin đọc nhiều thư từ của các nhà truyền giáo gửi về ban lãnh đạo MEP từ năm 1906 đến năm 1909 trong Correspondance Louis Pineau, MEP.

[24] Trần Thị Liên, “Les catholiques vietnamiens et le movement moderniste: quelques  éléments de réflexion sur la question de medernité fin XIXe-début XXe siècle,” trong Vietnam: le moment mederniste, ed. Gilles de Gantès and Nguyen Phuong Ngọc (Aix-en-Provence: Publications de l’Université de Provence, 2009).

[25] Petition from Catholic Notables in Vinh Mission to Pope Pius X, April 1, 1910, NS 503, CEP.

[26] Cao Vĩnh Phan, Lịch sử giáo phận Vinh (San Jose, CA: Papyrus Press, 1996).

[27] Prasenjit Duara, Rescuing History From The Nation: Questioning Narratives of Modern China (Chicago: University of Chicago Press, 1995), 4.

[28] Tác phẩm đã dẫn.

[29] Tác phẩm đã dẫn.

[30] Alexander Woodside, Community and Revolution in Modern Vietnam (Boston: Houghtn Mifflin, 1976), X.

No comments:

Post a Comment