Pages

October 7, 2024

TRÍ TUỆ CỦA DAVID HAWKINS GIÁO LÝ KINH ĐIỂN VỀ SỰ THẬT TÂM LI NH VÀ CHỨNG NGỘ (7)

 David Hawkins

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 7

CHÍN NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TÂM LINH

Trong mấy chương trước, chúng ta đã xoá bỏ được những trở ngại cho quá trình phát triển tâm linh, những xúc tu của bản ngã và những ý tưởng sai lầm mà một số người tìm cách ngụy trang thành sự thật tâm linh. Bây giờ, như những ông thày hay huấn luyện viên thể thao, chúng ta quay trở lại vấn đề cơ bản. Chương tiếp theo được lấy từ bài giảng trong băng ghi âm của Tiến sĩ Hawkins, Sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, với chín nguyên tắc căn bản của quá trình phát triển tâm linh một cách có ý thức. Xin tập trung và áp dụng những nguyên tắc cơ bản vào đời sống của bạn và nếu bạn không làm gì khác, bạn sẽ cảm thấy thoải mái trên con đường dẫn tới những tầng Chứng ngộ cao nhất.

Tiến sĩ Hawkins đưa ra cho chúng ta hệ quy chiếu về lịch sử của quá trình hiệu chỉnh đất nước của chúng ta. Ông cũng sẽ nói tới sự thăng giáng của các tầng ý thức và lý do dẫn tới những hiện tượng như thế và hiện tượng ảnh hưởng đến các tầng ý thức

Tôi không chắc mình có thể giải thích được nguyên nhân, nhưng dường như đó là quy luật tiến hóa của ý thức trên hành tinh này trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rầng tầng ý thức của loài người nói chung đã tăng lên cùng với thời gian. Như chúng ta đã thấy trong Chương 1, vào thời điểm Đức Phật đản sinh, ý thức của nhân loại nói chung nằm ở tầng 90, và vào thời điểm Chúa Jesus giáng sinh, nó đã tăng lên tới tầng 100. Và trong thời Trung Cổ, ý thức của nhân loại đã vươn tới tầng khoảng 180. Rồi thăng lên dần dần tới tầng 190. Ý thức của nhân loại nằm ở tầng 190 trong suốt nhiều thế kỷ. Không hề thay đổi. Đột nhiên, năm 1988, tôi nghĩ rằng là nó bất ngờ nhảy từ 190 lên 205. Nó không chỉ vượt qua tầng 200 mà còn nằm bên trên tầng 200. Nó đột ngột nhảy lên và không thể giải thích theo lối duy lý, ngoại việc cho rằng có lẽ đó là số phận của nhân loại.

Tôi thường nói đùa về hiện tượng này. Tôi nghĩ, có lẽ Chúa đã chú ý đến Trái đất và đã có một ý nghĩ tử tế. Păng một cái và nó tăng từ 190 lên 205. Hay là các tổng thiên thần nói, “Cái hành tinh điên khùng dưới đó là gì vậy?” và họ đã có một ý nghĩ tử tế - chỉ môt ý nghĩ yêu thương là đủ để làm việc đó.

Tôi có thể nói rằng đó là nhân loại đã tích được thiện nghiệp - thực tế là nói, nỗ lực hướng tới điều thiện, mặc dù không thực hiện được ngay lập tức, ý định hướng tới điều thiện – là đã góp phần nâng cao tầng ý thức rồi.

Trong Thế chiến thứ hai, với tất cả các vụ đánh bom diễn ra liên tục - như vụ oanh tạc dữ dội xuống thành phố London, 24 giờ một ngày, hết tháng này sang tháng khác – nhưng hầu hết các thánh đường lớn đều không bị hư hại. Năm 1971, tôi đã nói chuyện ở một số địa điểm ở châu Âu, và tôi nhận thấy rằng tất cả những tòa nhà này vẫn đứng vững. Nhà thờ Chartres của Pháp, và tất cả những thánh đường vĩ đại khác, không hiểu bằng cách nào mà vẫn không hế hấn gì; người ở cả hai bên chiến tuyến đều tôn trọng những thứ có ý nghĩa và có giá trị to lớn. Vì vậy, chỉ là một hành động như thế - quyết định của cả hai bên là hy sinh những được mất tạm thời cho thần tính – có thể là đóng góp về măt nghiệp báo. Chúng ta thậm chí có thể tính điểm hiệu chỉnh của hiện tượng này, đấy là nói nếu chúng ta muốn dừng lại và nghiên cứu nó. Thỏa thuận chung của cả hai bên nhằm giữ lại những thánh đường vĩ đại có từ thời cổ đại, phải mất 1.000 năm mới xây dựng được, là do họ có mục đích rất tốt đẹp. Một thoả thuận chung, to lớn, hướng tới điều thiện nào đó có thể tạo được ảnh hưởng rất sâu sắc. Chẳng khác gì nước lên thì thuyền lên. Nhưng tôi thấy là người ta thường chạy loanh quanh, tìm cách nâng từng nhóm người riêng rẽ, chứ không thúc đẩy những điều có thể mang lại lợi ích chung. Những điều mang lại lợi ích chung, nhờ vào bản chất tốt đẹp của chúng, sẽ tự động nâng tất cả mọi người lên tới tầng trách nhiệm và trách nhiệm giải trình cao hơn. 

Sự thay đổi trong tầng ý thức cũng được mô tả là quá trình tiến hóa không phải là sự kiện tuyến tính, nó tương tự như hiện tượng lên men rồi đứng yên trong một giai đoạn nào đó. Nó tương tự như tự nhiên, có những năm mùa đông rất rét rồi đến những năm mùa hè rất nóng, rồi sau đó là những kỷ băng hà ..v.v.. Nó thay đổi thất thường. Tôi đã từng nghĩ một cách ngây thơ rằng một khi nó bắt đầu đi lên vào cuối những năm 1980, thì nó sẽ tiếp tục đi lên. Không, nó bất ngờ đi xuống. Từ 207 xuống 204 - đó là thay đổi thất thường. Tương tự như nhịp đập của trái tim, lên và xuống. Có những giai đoạn tiến bộ vượt bậc, xen kẽ với những giai đoạn thoái trào tạm thời. Nhưng tôi tin rằng định mệnh tổng thể của nhân loại là tiến hóa ý thức sẽ vươn tới tầng mà hình dạng vật chất không còn mang lại bất kỳ lợi ích đặc biệt nào nữa. Trên toàn thế giới, tôi nghĩ khoảng 15% dân số có tầng ý thức cao hơn 200, còn 85% thì có tầng ý thức thấp hơn. Còn ở Mỹ, 55% người dân nằm dưới tầng 200, 45% nằm trên tầng 200. Do đó, chúng tôi hiệu chỉnh theo định kỳ để theo dõi, vì khi bạn bật radio hay tivi, bạn có thể tự hỏi, Cái này có thể lôi cuốn được ai, tạo được ấn tượng cho ai, ai muốn tham gia, hay tán thưởng hoặc ủng hộ nó? Vâng, nếu 55% người dân có tầng ý thức dưới 200, thì bạn có thể hiểu vì sao những hiện tượng tàn bạo, dâm ô, không trung thực, vân vân có lượng người theo dõi rất lớn. 

Bạn có thể tham gia một chương trình truyền hình nổi tiếng với lượng người theo dõi khổng lồ, chỉ cần bạn tuôn ra những lời thù hận, hoang tưởng bệnh hoạn và thuyết âm mưu, la hét om sòm như một người điên, và bạn sẽ lôi kéo được nhiều người say mê. Bởi vì, đối với một nửa số người ở ngoài kia, đó chính là thế giới của họ: độc ác, giận dữ, nói dối và lừa đảo. 

CHÍN NGUYÊN TẮC CĂN BẢN CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TÂM LINH

#1: Phát triển ý thức về sự thật và tính chính trực 

Bạn phải tôn trọng sự thật và tính chính trực. Ví dụ, bạn là bác sĩ. Bạn không thể mổ bụng một người nào đó mà chỉ dựa vào ý kiến cá nhân. Bạn phải có phim X-quang, cần phải có các xét nghiệm. Ấn tượng ban đầu của bạn có thể là hoàn toàn sai. Bạn phải sẵn sàng thay đổi ý kiến của mình. Vì vậy, bạn có trách nhiệm vươn cao hơn ý kiến cá nhân của mình. Do đó, muốn phát triển về mặt tâm linh, bạn cần tôn trọng sự kiện là có nhiều người đã tiến hóa hơn bạn; bạn cần tôn trọng ý kiến của họ cho đến khi bạn có thể tự mình kiểm chứng. Cho nên, bạn phải trở thành chuyên gia đối với chính mình và đừng đưa ra chẩn đoán cuối cùng trước khi bạn có tất cả dữ liệu cần thiết. 

Tôi đã suýt chết gần chục lần vì người ta chẩn đoán sai. Đoạn văn bên trên đã tạo được ấn tượng với người đó, nhưng hóa ra đấy là sai. Họ hoàn toàn bỏ qua chẩn đoán. Tôi đã hành nghề trong 50 năm, và tôi nói với bạn rằng, bạn không thể trở thành một bác sĩ lâm sàng thành công nếu chỉ dựa vào ý kiến của mình. Bạn có thể có linh cảm khi bệnh nhân bước vào cửa, và bạn có thể đúng tới 90% trường hợp - nhưng điều đó có nghĩa là 10% còn lại, bạn sẽ sai. Vì vậy, bạn cần phải có thái độ khiêm tốn để nhận ra rằng phải dùng sự thật, thực tại và bằng chứng để kiềm chứng ý kiến của mình. 

#2: Khiêm tốn 

Bạn sẽ có cảm giác nhất định khi bạn là người ích kỷ, ái kỷ chứ không hoàn toàn khách quan và thực sự muốn biết sự thật. Nếu bạn xem tin tức, bạn sẽ thấy mình có xu hướng muốn câu chuyện đi theo một hướng nào đó: người này đang nói dối hay người kia không nói dối. Vì vậy, bạn nhận thấy khuynh hướng đó, rồi sau đó tự nhủ: “Khuynh hướng đó đến từ đâu? Tại sao tôi lại muốn thay đổi câu chuyện nhằm thỏa mãn một ý kiến nào đó của mình?” Làm như thế là bạn bắt đầu quan sát chính mình. 

Tâm linh là tự nhận thức và tự giám sát, bạn không thể vấp ngã một cách mù quáng và ngây thơ, cứ lao vào hết cái này đến cái kia, chạy từ đam mê này sang đam mê khác, hay ghét bỏ cái này rồi lại chấp trước vào cái kia. Nỗ lực tu tập tâm linh có kỷ luật là hướng đến sự thật cao hơn, còn dâng hiến là để vươn tới sự thật bằng mọi cách. Vì vậy, bạn cầu xin Thiên Chúa mặc khải sự thật. Bạn cầu xin Đức Thánh Linh làm phép màu để cho phép bạn nhìn thấy mọi thứ như chúng đang là, chứ không phải nằm trong cái khung do ý kiến ​​hay nhận thức của bạn tạo ra, vì bạn bắt đầu nhận ra rằng tâm trí của bạn lựa chọn bằng cách đóng khung mọi thứ, và bạn không lựa chọn những thứ mà bạn không muốn. 

Khi đó, bạn đã đạt đến mức độ khiêm tốn nhất định. Bản chất của quá trình phát triển tâm linh là thái độ khiêm tốn, chấp nhận rằng bạn có thể sai; vì vậy, bạn không đánh cược vào bất kỳ kết quả nào, vì nếu bạn đánh cược vào kết quả đó thì nó sẽ không để bạn học hỏi bằng trải nghiệm rằng mình có thể sai. Có câu chuyện tiếu lâm, “Về mặt tính cách, tôi có thể có nhiều khiếm khuyết, nhưng sai lầm thì không nằm trong số đó”. Đó chính là bản ngã ái kỷ đang nói. 

#3: Tự nhận thức và tự chủ

Con đường dẫn đến phát triển tâm linh một cách có ý thức chính là thông qua tự nhận thức. Bạn bắt đầu nhận ra rằng mình đang khoác lên những thứ bên ngoài quá nhiều giá trị và tự phóng chiếu giá trị lên những thứ ở bên ngoài. Tôi nhớ khi còn ở London, ngưởi ta trưng bày những viên ngọc quý của hoàng gia ở Tower of London. Tôi đứng nhìn viên kim cương Koh-i-Noor huyền thoại, lung linh, nổi tiếng thế giới, nhưng thật ra đấy chỉ là một viên đá nhỏ lấp lánh, chỉ thu hút được trẻ con, vì nó sáng lấp lánh. Khi bạn nghĩ về những sự kiện mà người ta phải trải qua để có được viên đá lấp lánh nhỏ bé này - họ sẵn sàng từ bỏ cả đế chế. Viên kim cương lớn nhất hành tinh - nó ở ngay đó và tất cả những sự kiện mà người ta sẵn sàng vượt qua để có được nó. Nếu bạn có viên ngọc đó thì bạn sẽ làm gì? Giấu nó dưới gối? Bạn không thể bán nó. Bạn không thể đem nó ra trưng bày. 

Vì vậy, bạn sẽ cảm thấy rất thỏa mãn khi nhận ra rằng mình sở hữu viên kim cương đắt nhất thế giới. Nếu một người nào đó phát hiện ra rằng bạn có viên kim cương như thế, họ sẽ giết bạn ngay lập tức, vì họ cũng muốn có viên kim cương to nhất thế giới. Do đó, cốt lõi của tính ái kỷ chính là khoa trương. Khoa trương về việc mình là người đúng, khoa trương cao nhất trong thế giới hiện nay là tự cho mình là người đạo đức hơn người khác. 

#4: Trách nhiệm giải trình 

Nền tảng đạo đức và nhận thức cơ bản là bạn phải trả lời, bạn có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, nếu bạn không nghĩ rằng mình có trách nhiệm giải trình và không có trách nhiệm gì, thì bạn cũng không có nghĩa vụ đạo đức, bởi vì không có thần tính và không có người nào để bạn phải giải trình. Kỳ lạ là, chúng tôi vô tình phát hiện được rằng, rất nhiều người không thể sử dụng kỹ thuật hiệu chỉnh ý thức, mà đây là việc rất đơn giản. Như đã nói trong Chương 2, người vô thần không thể sử dụng kỹ thuật này. Người ta hỏi, “Vô thần thì liên quan gì đến kỹ thuật này?” Những người phủ nhận cội nguồn và cốt lõi của sự thật sẽ không nhận được lợi ích của kỹ thuật này. Có một số người nổi tiếng, thường là các chuyên gia, họ chế giễu kỹ thuật này và không thể sử dụng nó. Phải một thời gian sau tôi mới phát hiện ra vấn đề và cuối cùng tôi cũng hiểu ra. Những người phủ nhận sự thật về Thiên Chúa sẽ không nhận được những lợi ích của kỹ thuật này. Đây không phải là phán xét, mà chỉ là phẩm chất của năng lượng, người vô thần không thể kích hoạt được nó. Một số người hoàn toàn không có năng khiếu âm nhạc. Họ không thể phân biệt được các nốt nhạc. Nhưng có những người có năng khiếu đặc biệt, họ có thể biết nếu bạn chỉ sai một phần tư cung. Bạn có hoặc không có năng khiếu âm nhạc, và có thể năng khiếu này là do nghiệp lực. Nếu bạn nguyền rủa và phủ nhận Thiên Chúa, bạn không thể thực sự kỳ vọng là sẽ nhận được sự thật về Thiên Chúa một cách dễ dàng. Bạn có thể phải giành lại nó. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải nỗ lực để đạt được tiến bộ tâm linh. 

Trách nhiệm giải trình chính là nghĩa vụ, và đây là yếu tố then chốt cho quá trình tiến hóa tâm linh. Bạn có nhận trách nhiệm giải trình cho câu trả lời của mình hay không. Nếu bạn cho rằng mình không chịu nhận trách nhiệm giải trình, bạn không thể làm bài kiểm tra cơ bắp nhằm tìm cho ra sự thật. Nếu bạn không chịu nhận trách nhiệm giải trình, thì đấy chính là phủ nhận giá trị của sự thật. Cho nên, những người phủ nhận sự thật thì không thể làm bài kiểm tra này. Những người có tầng ý thức dưới 200 không thể thực hiện bài kiểm tra. Tầng ý thức khoảng 450 là tầng của những người thông minh, chính trực, có trách nhiệm giải trình, dám nhận trách nhiệm và đang tiến hóa một cách có ý thức. Vì vậy, trách nhiệm giải trình là yêu cầu cần thiết. 

Chúng tôi thấy có hai loại dối trá chính. Thứ nhất, gọi là Satanic, về cơ bản là xấu xa, bạo lực, v.v. Thứ hai, gọi là Luciferic, tức là dùng dối trá thay thế cho sự thật. Những người độc ác nhất thường thể hiện cả hai. Ban đầu họ lộng giả thành chân, rồi sau đó miêu tả Thiên Chúa như là Satan. Tại sao nó lại lan tràn khắp nơi khắp chốn như thế? Người bản địa Bắc Mỹ coi Thiên Chúa là vị thần của tự nhiên. Nhưng câu chuyện nói rằng Thiên Chúa là người trừng phạt vĩ đại lại rất phổ biến, Thiên Chúa được mô tả bằng những thuật ngữ chẳng khác gì một con người hung hăng và giận dữ. Nó làm cho nhiều người quay lưng lại với tôn giáo. Họ không muốn đứng trước vị thần tồi tệ chẳng khác gì con người. Tất cả chúng ta đều ghen tuông, giận dữ và thù hằn, vậy thì làm sao bạn có thể trở thành Thiên Chúa với những tính cách như thế? 

Rồi tôi thấy rõ ràng và nghĩ, Tại sao mô tả tiêu cực như thế về Thiên Chúa lại lặp đi lặp lại qua hàng thiên niên kỷ và ở những vùng khác nhau trên thế giới? Đó là do những thảm họa trong tự nhiên. Động đất, lũ lụt và hỏa hoạn - đó là cách các vị thần tức giận. Các khu mỏ lớn sụp đổ và động đất, sóng thần và dịch bệnh trên diện rộng. Các vị thần chắc chắn là đang tức giận. Tất cả chỉ có thế thôi, có phải thế không? Bạn gặp một thảm họa tự nhiênt. Đấy là toàn bộ nguyên tắc nghiệp lực. Bạn nói, “Làm sao có thể xảy ra chuyện đó? Làm sao có thể xảy ra chuyện đó?” Không thể giải thích theo lối logic vì sao bạn lại có mặt ở đó đúng vào lúc xảy ra sóng thần, động đất hay lũ lụt, vì sao bạn lại ở San Francisco khi xảy trận động đất. Kết luận hiển nhiên là Thiên Chúa đang giận dữ và lúc này bạn sẽ tìm cách an ủi Thiên Chúa. Bạn có thể làm Thiên Chúa hài lòng bằng cách giết tất cả những kẻ ngoại đạo. Do đó, những hiện tượng tiêu cực phát sinh từ trải nghiệm của con người và những giải thích sơ khai được xây dựng trên thảm họa của tự nhiên. Chúng ta phải làm hài lòng Thiên Chúa đầy giận dữ để Ngài không giáng sấm sét tiêu diệt chúng ta. 

Chúng ta cùng chia sẻ số phận của nhân loại, và đó là cái có thể gắn kết chúng ta lại với nhau chứ không gây chia rẽ - giống như chúng ta, các dân tộc mà chúng ta coi là kẻ thù cũng phải chịu đựng những thăng trầm như chúng ta. Trách nhiệm giải trình và nhận trách nhiệm là những yếu tố quan trọng nhất. 

#5: Làm cho cuộc đời bạn trở thành đơn giản 

Con đường tâm linh không phải là con đường thẳng, rõ ràng. Có rất nhiều khúc quanh. Có những giai đoạn tràn đầy đam mê và mộ đạo, lúc đó bạn sẵn sàng hy sinh tất cả. Nhưng cũng có những giai đoạn lạnh nhạt, dường như chẳng có gì xảy ra. Trong tự truyện của mình, các Giác giả vĩ đại viết rằng có những giai đoạn mà chuyển hoá tâm linh diễn ra nhanh chóng đến mức khó bắt kịp: đó là hệ hình hoàn toàn mới về thực tại được thay thế bằng hệ hình cao hơn, rồi lại được thay thế bằng hệ hình cao hơn nữa. 

Sau đó là những giai đoạn lạnh nhạt về mặt tâm linh. Mẹ Teresa từng nói về những giai đoạn này. Tôi gọi là những giai đoạn lạnh nhạt, vì trong trạng thái ý thức nhất định, sự hiện diện của thần tính của Chúa Kitô là rõ ràng, nhưng trong giai đoạn khác, bạn bắt đầu phụ thuộc vào cái đó và bạn phải khám phá ra thần tính bên trong chính mình, chứ không chỉ chờ để được ảo mộng tâm linh (trong truyền thống Phật giáo thường gọi là Pháp thân của sư phụ - ND) truyền cho cảm hứng. Có những ảo mộng tâm linh về các vị thánh và thần linh đến thăm bạn là sự kiện tuyệt vời, nhưng sau đó, ở một tầng nhất định, bạn phải thôi phụ thuộc vào những ảo mộng này, vì nó vẫn là “hướng  ngoại”. Ảo mộng tâm linh vẫn là “hướng ngoại”. Việc nhận ra Đại ngã (Self) với chữ S hoa không phải là thứ “hướng ngoại”; nó là nhất thể của thực tại của toàn bộ. Tôi đã trải qua tất cả những giai đoạn đó, từ phấn khích tột độ, hừng hực khí thế, say sưa tột độ đến bình tĩnh vô cùng. Satchitananda, đó là tầng 600. Tôi nhớ khi vươn tới tầng này. Lúc đó, bạn được phép rời khỏi thế giới này. Tôi nhớ đang ngồi trên một tảng đá. Tôi bước vào trạng thái thần thánh, và tôi được phép rời khỏi thế gian. Tôi có thể ra đi hoặc ở lại, vì mục tiêu không phải là duy trì thể xác này. Tôi không bị thôi thúc theo hướng đó. Mặt khác, việc rời bỏ cơ thể cũng không mang lại lợi ích gì. Dù đi theo hướng nào cũng không mất gì hay được gì. Không thực sự quan trọng, cho nên tôi nghĩ, thôi thì cứ để mọi thứ như cũ và không cần quan tâm đến nó, và cuối cùng sau một vài giờ, cơ thể đứng dậy và bước đi, và đấy là cách mọi chuyện diễn ra. 

Vâng, đó vừa là lựa chọn vừa là trạng thái tự nhiên. Mỗi trạng thái này có thể diễn ra theo trình tự hay thay phiên nhau trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Có giai đoạn học hỏi tâm linh. Bạn đọc tất cả các cuốn sách, tham dự tất cả các bài giảng, v.v. Bạn đang trong quá trình thủ đắc kiến thức và hiểu biết. 

Rồi đến những giai đoạn tĩnh lặng, lúc đó bạn có thể rút lui khỏi thế giới trong 10 năm, rời khỏi thành phố New York nhộn nhịp và chuyển đến một thị trấn nhỏ không ai biết tên, và không xem tivi. Trong suốt nhiều năm, tôi không bao giờ đọc báo hay tạp chí. Tôi hoàn toàn không biết những sự kiện đang xảy ra trên thế giới. Tôi không có tivi. Ngay cả nếu có, tôi cũng không xem. Vì vậy, xin nói rằng đó là mười năm tách ra khỏi thế gian. Có lần tôi ra thị trấn và vào một quán cà phê, tôi nghe được tin Tổng thống Reagan bị bắn. Tôi hoàn toàn không hay biết. Tôi không có radio, không có tivi, không nói chuyện với người nào và sống đời sống tu hành rất đơn giản. Đó là mười năm sống như một người tu hành. Tôi chỉ có một lon nước ngọt và một miếng pho mát trong tủ lạnh. Tôi không đi đâu, không cần bất cứ thứ gì, và cuộc sống hoàn toàn trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. 

Trong trạng thái chưa chứng ngộ, cuộc đời diễn ra theo chu kỳ: từ chưa trọn vẹn đến trọn vẹn, rồi lại từ chưa trọn vẹn đến trọn vẹn. Trong trạng thái chứng ngộ, cuộc đời đi từ trọn vẹn đến trọn vẹn, rồi lại đến trọn vẹn. Mỗi khoảnh khắc đã là trọn vẹn rồi. Với người bình thường, chưa trọn vẹn có nghĩa là họ phải thay đổi cái này, di chuyển cái kia, tăng nhiệt độ máy điều hoà. Họ liên tục di chuyển từ khoảnh khắc chưa trọn vẹn sang khoảnh khắc tiếp theo. Vì vậy, trong trạng thái trọn vẹn - tôi có thể nhớ khoảnh khắc khi cuối cùng mình nhận ra điều đó - đang ăn dở bữa ăn thì chuông cửa reo nhưng nó không hề làm bận tâm rằng mình không thể kết thúc bữa ăn. Bạn đã hoàn toàn trọn vẹn. Bạn đã ăn một nửa bữa ăn, và bạn đã hoàn toàn trọn vẹn. 

Cảm giác không trọn vẹn chính là suy nghĩ, tôi không thể đợi đến khi nhai xong miếng này, nuốt nó thì mình mới no, rồi mình lại ăn tiếp. Bạn liên tục đi từ trạng thái không trọn vẹn sang trạng thái trọn vẹn hơn. Trọn vẹn là khi mọi thứ đều trọn vẹn và thỏa mãn ngay trong khoảnh khắc này. Khi nghĩ như thế, cho đến lúc này mọi thứ đều đã trọn vẹn. Nếu chúng ta dừng lại ngay lúc này, tôi cảm thấy hài lòng vì mọi thứ đã trọn vẹn. Ngay lúc này, tôi có thể ngã vật ra sàn nhà và ra đi. Không có lý do gì để không làm như thế, ngoài việc làm thế dường như là thô lỗ. Các bạn sẽ phải gọi xe cấp cứu và là một sự rắc rối. Bạn không muốn làm phiền bạn bè của mình, họ phải gọi người cấp cứu, rồi một người nào đó phải đến để mang cái xác đi. Quá phiền phức. Vì vậy, bạn sẽ không muốn làm như thế với bạn của mình. Nếu bạn đang ở một mình trong rừng và không có người nào khác trong cuộc đời, thì bạn có thể nằm xuống và ra đi, rồi cùng thời gian, vi khuẩn làm nhiệm vụ của nó. Không cần vội vàng. 

#6: Có lý tưởng sống: 

Chúng ta đưa đời sống của mình vào bối cảnh, tạo ra ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời mình, và dán nhãn cho nó. Tầng từ 200 tới 300 là những tầng rất có ích và sâu sắc. Đó là tầng của lính cứu hỏa tình nguyện, cảnh sát và các nhà thờ lớn. Ở đây có sự nhiệt tình: âm nhạc, hò reo, nhảy múa và vỗ tay. Ở đây có luồng năng lượng sống dâng trào, và khi cả một nhóm người có luồng năng lượng sống dâng trào như thế, họ sẽ cảm thấy rất sảng khoái và nâng cao tinh thần, và chắc chắn nó sẽ đưa người ta lên trên tầng 200. Vượt qua tầng 200 là quan trọng nhất. Những người nằm bên dưới tầng 200 sẽ bị cuốn hút bởi sự nhiệt tình, sự lây lan và năng lượng tâm linh của nhóm người kia, và nó nâng họ lên, còn họ thì nói, “Ồ! Hóa ra mình đã chế giễu Thiên Chúa, chế giễu Chúa Jesus và tâm linh. Thật không thể tin được”. Họ trải nghiệm niềm vui. Vì vậy, bằng thái độ nhiệt tình và khuyến khích, bạn nâng cao tinh thần cho một nhóm người, bạn giúp họ trở thành những người mạnh mẽ hơn và phát huy sức mạnh của họ. 

Một trong những giáo lý kinh điển là làm bạn với những thiện tri thức. Chỉ khi tự mình đã tiến hóa đến tầng đó, bạn mới có thể duy trì được trạng thái đó mà không cần những thiện trí thức. Ví dụ, trong tổ chức Những Người Nghiện Rượu Ẩn danh (AA), có niềm tin nói rằng nếu bạn rời khỏi nhóm và thôi tham dự các buổi họp, bạn sẽ tái nghiện vì đấy không phải năng lượng của bạn, mà là năng lượng của cả nhóm. AA có điểm hiệu chỉnh ở tầng 540. Làm bạn với các thiện trí thức còn là biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình tiến hóa tâm linh của bạn. Thiện trí thức mang đến cho bạn năng lượng, động lực và hậu thuẫn. Khi đã tiến hóa về mặt tâm linh hơn nữa, bạn sẽ không cần các thiện trí thức. Vấn đề không chỉ là hỗ trợ; mà là tận dụng lợi thế của nó. Hãy làm bạn với những thiện trí thức, bởi vì đó là cái mà xã hội của chúng ta thực sự cung cấp cho bạn. 

Chắc chắn là, khi bạn bước vào một thánh đường lớn, ngay lập tức tâm trí của bạn sẽ khác. Tôi đã từng đến những nhà thờ lớn ở châu Âu, và thậm chí còn thiền định suốt một đêm trong các kim tự tháp vĩ đại của Ai Cập. Chính bầu không khí ở đó đã tác động đến bạn theo một cách nào đó, bạn hiểu chứ? Đừng chỉ nghĩ rằng đó là do bạn hoặc do chính kim tự tháp; đó là sự tương tác giữa bạn kim tự tháp. Giống như tương tác giữa bạn và Thánh đường Chartres. Khi bạn bước đi trong mê cung trong thánh đường này, bạn học cách tiến nhập vào trạng thái ý thức của quá trình bước đi trong mê cung mà không nhất thiết phải thực hiện các bước đi theo nghĩa đen; bạn bắt đầu trân trọng trường năng lượng của sự bình yên và cảm thấy sự hiện diện ở bên trong mà nó mang lại. 

Khi tới Thánh đường Chartres lần gần đây nhất, tôi đã bật cười; người ta đặt ghế trên nền nhà để mọi người không bước đi trên mê cung. Bạn chỉ cần đi như là thiền hành, và trên thực tế, bạn sẽ có hiệu quả tương tự nếu có ảnh của mê cung và di chuyển ngón tay theo con đường đó. Có gì đó độc đáo trong thiết kế, và qua nhiều năm, các nhà sư đã khám phá ra rằng chỉ cần bước đi theo mê cung trong tâm trí, thậm chí chỉ di chuyển bút chì theo hình mê cung, cũng có thể đưa bạn vào trạng thái thiền định. 

Đó là trạng thái ý thức khá cao. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ có khiếm khuyết và cần phải làm việc gì đó đặc biệt nhằm vươn lên tới trạng thái đó; nhưng tôi nói, “Làm sao vươn lên được trạng thái thần thánh cao hơn, nếu giá phải trả là sự đau khổ và người khác phải chết? Tôi muốn nói là, bạn làm sao biện minh bằng luật nhân quả rằng bạn sẽ lên thiên đường, và cách duy nhất để bạn lên thiên đường là giết người khác?” Điều đó dường như rất phức tạp, hoặc ít nhất là không phù hợp với cách hiểu của tôi về thần tính và tình yêu phổ quát. 

Mọi người thường nói, “Tôi có thể làm gì cho thế giới này?” Ramana Maharshi nói rằng thế giới mà bạn nhìn thấy thậm chí không tồn tại. Thực ra đó chỉ là cách bạn cảm nhận thế giới mà thôi. Bạn nghĩ rằng thế giới cần bạn, nhưng thực ra nó không cần bạn. Sự tiến hóa của mỗi người; mỗi người, bằng cách biến cuộc sống của mình thành một lời cầu nguyệngóp phần nâng cao mực nước biển. Thỉnh thoảng khi tôi giảng đạo, bài giảng luôn hướng đến việc biến cuộc sống của bạn thành một lời cầu nguyện. Trở thành cái mà bạn nói, học hỏi, đọc và hát thánh ca - hãy trở thành cái đó. Bởi vì bằng cách trở thành cái đó, thì sự tồn tại của bạn đã làm cho thế giới biến đổi rồi. Mỗi người chúng ta nâng cao mực nước biển không phải bằng những việc chúng ta làm và những điều chúng ta nói, mà bằng con người mà chúng ta đã trở thành. Những ông vua, những vị hoàng đế và kẻ chinh phục vĩ đại đã đến rồi đi. Tất cả bọn họ đều đến rồi đi và gây ra đủ thứ sóng gió. Nhưng những việc đó có mang lại ích gì hay không? Chẳng mang lại lợi ích gì. Bạn nhận ra rằng việc làm của họ không liên quan gì đến nhận thức của bạn, cũng không liên quan gì đến sự phán xét của bạn.

#7: Yêu thương

Có những giai đoạn bạn có thể yêu thương những người khác, nhưng bạn lại không yêu chính bản thân mình. Rồi sau đó là tình yêu mang tính ái kỷ dành cho chính mình chứ không dành cho người khác. Rồi đến giai đoạn bạn có thể từ bỏ việc yêu chính mình và bạn yêu tất cả đời sống và tất cả những biểu hiện của nó. Với tình yêu này, bạn thấy được giá trị nội tại của vạn vật, và bạn thấy được thần tính của vạn vật. Cội nguồn bên trong của tồn tại chính là thần tính, vô hình tướng, nhưng sau đó trở thành có hình tướng: cửa sổ, bức tường, cửa ra vào, cái cây, cái micro, tấm thảm. Nhưng nó là hiện diện phi tuyến tính của thần tính bên ở trong cho phép tồn tại tuyến tính diễn ra. Nếu không có thần tính là cội nguồn của sự tồn tại thì sẽ không có gì tồn tại, chứ chưa nói tới hình tướng tuyến tính. 

Lúc đó sẽ nhận thức được thần tính của vạn vật, trong đó có thần tính của chính mình. Bạn có nghĩa vụ phải trở thành toàn bộ con người mà bạn có thể trở thành, và đó là cách bạn phụng sự Thiên Chúa: Không chỉ bằng bằng cách quyên góp tiền bạc, mặc dù nó cũng có ích trong một giai đoạn nhất định. Không phải bằng những việc làm có thiện ý, không phải bằng cách bố thí tiền bạc cho người nghèo, không phải bằng những chuyến dã ngoại dành cho người khuyết tật. Nghĩa vụ của bạn đối với thần tính là hoàn thiện bản thân mình ở mức độ lớn nhất có thể, là biết ơn những quà tặng mà Thiên Chúa ban tặng cho bạn và sau đó theo đuổi những món quà đó để bạn có thể sử dụng chúng một cách tốt nhất cho nhân quần. Tôi muốn nói là trong đời mình, tôi đã được bạn tặng nhiều tài năng theo nhiều cách khác nhau. Nó thực sự giống như gánh nặng. Có ý thức về nghĩa vụ đạo đức, đây là áp lực, nó phần nào dẫn tới việc tôi trở thành bác sĩ. Tôi nghĩ mình phải cống hiến hết sức mình để làm giảm bớt đau khổ của con người, đây là sứ mệnh cao cả nhất của tôi. Sau đó tôi thấy sự đau khổ về mặt thể chất đã quá kinh khủng, nhưng những đau khổ về mặt tinh thần thậm chí còn khủng khiếp hơn nữa, vì ít nhất ở tầng thể chất, bạn có thể làm những việc hữu hình. Bạn có thể phẫu thuật, tiêm thuốc, gây mê, cho uống thuốc kháng sinh. Còn đau khổ ở bên trong, đấy thực ra là trạng thái của ý thức và vừa là bác sĩ, vừa là nhà tâm lý học và người thầy tâm linh, tôi rất quan tâm tới việc làm giảm bớt những đau khổ của con người. Và lúc này, động lực của tôi là chia sẻ ở tầng cao nhất cái mà tôi nghĩ là có thể làm giảm bớt đau khổ của con người: nâng ý thức của mọi người lên, rồi bản chất của chính nó sẽ tự động làm giảm bớt đau khổ và gia tăng hạnh phúc của mỗi người. 

Tôi đã chuyển từ bác sĩ thành bác sĩ tâm thần, rồi thành người dạy về tâm linh. Nghiên cứu của tôi nhằm mục đích thúc đẩy phát triển tâm linh. Bạn không nên tìm cách thay đổi người khác. Một số người có xu hướng muốn thay đổi người khác. Nếu bạn nhận ra rằng việc trở thành con người tốt nhất trong khả năng của mình chính là hoàn thành trách nhiệm, thì hậu quả của việc làm này không còn nằm trong tầm kiểm soát của bạn nữa - nó phụ thuộc vào thần tính. 

#8: Vượt qua khó khăn 

Thù hận lan truyền rất nhanh, đám đông đi hành hình theo kiểu lynch là minh chứng rõ ràng. Xin nhìn vào những sự kiện xảy ra giữa các tầng lớp xã hội khác nhau sau cuộc Nội chiến ở Hoa Kỳ, nhìn vào tổ chức Ku Klux Klan, và tất cả các nhóm chính trị lan tràn trong giai đoạn đó thì rõ. Nhân loại liên tục tiến hóa, nhưng không đồng đều và rời rạc. Con đường dẫn một người đến bất hạnh lại có thể giúp người khác thăng hoa, nó phụ thuộc vào động lực làm cho bạn bước đi trên con đường đó và tầng ý thức của bạn tại thời điểm đó. Điều quan trọng là bạn cần hiểu mục đích, mục tiêu của mình và chấp nhận cả những nhược điểm bên trong chính mình. 

Các tầng ý thức có điểm hiệu chỉnh từ 200 trở lên, sau đó 200 trở xuống. Muốn siêu việt những tầng này, bạn cần thừa nhận chúng mà không cần phán xét về mặt đạo đức. Vì rằng, cảm xúc tiêu cực nào cũng không tồn tại một mình. Trên thực tế, tất cả các cảm xúc tiêu cực đều diễn ra cùng một lúc. Đôi khi cảm xúc nổi bật nhất có thể là tức giận, nhưng bên dưới tức giận là đố kỵ, và bên dưới đố kỵ là cảm giác chán nản, và bên dưới cảm giác chán nản là oán hận. Vì vậy, cảm xúc tiêu cực là toàn bộ những cảm xúc có điểm hiệu chỉnh dưới 200.

Hiện nay, hầu hết những người thành thật về mặt tâm linh đều thừa nhận khi họ cảm thấy khó chịu, thừa nhận khi họ tức giận, thừa nhận khi họ có mặc cảm tội lỗi và họ khám phá những cảm xúc này. Họ khám phá để xem cảm xúc này sẽ dẫn đến đâu và nó phát sinh từ đâu. Và bạn khám phá ra rằng mỗi cảm xúc tiêu cực đều xếp chồng lên cảm xúc bên dưới nó. Bạn là người kiêu ngạo. Vì sao bạn lại là người kiêu ngạo? Vì bạn cảm thấy thiếu cái gì đó. Vì sao bạn cảm thấy thiếu? Vì mong muốn của bạn không được đáp ứng. Vì sao mong muốn của bạn không được đáp ứng? Vì bạn đang tức giận. Vì sao bạn lại tức giận? Cảm xúc tiêu cực thực ra là tập hợp các cảm xúc tiêu cực. Tất cả thường xảy ra cùng một lúc. Bạn đang tức giận – vì sao bạn tức giận? Vì một người nào đó đã làm tổn thương lòng kiêu hãnh của bạn. Kiêu ngạo là thái độ ích kỷ bị thổi phồng lên. 

Vấn đề của bạn không phải là bạn nghĩ quá ít về mình mà là bạn nghĩ quá nhiều về mình. Thế giới nên phục vụ bạn. Thái độ phẫn nộ, tức giận, kiêu ngạo và sự oán hận tích tụ lại với nhau. Cuối cùng chúng rơi xuống đáy, đó là tuyệt vọng và thất vọng, lúc đó bạn từ bỏ tất cả và chỉ lắc lư qua lại trên cái ghế của bạn và nói, “Tôi không thể làm được gì cả. Tôi là một kẻ thất bại tuyệt vọng rồi!” 

Kẻ thù chính là phóng chiếu mặt tiêu cực bên trong mỗi người chúng ta. Họ có thể coi Cộng sản, Phát xít, Cộng hòa, Dân chủ, người da đen, hay phụ nữ là hiện thân của cái ác. Đó là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt tôn giáo và phân biệt tuổi tác. 

****

Tôi đã nói cho các bạn nghe về những trải nghiệm bên trong của tôi về việc buông bỏ và phó thác mọi thứ cho đến khi tôi tỉnh lại và không còn gì để phó thác cho Thiên Chúa và mọi thứ rơi vào im lặng. Và sau đó là nhận thức không biết đến từ đâu - tôi chưa phó thác đời sống cho Thiên Chúa. Tôi đã phó thác tất cả mọi thứ, trừ đời sống. Và sau đó tôi nhận thức được rằng phải phó thác cả cái đó nữa. Tôi đã phó thác niềm vui, trạng thái mê ly, bình yên, thanh thản, và tất cả mọi thứ cho Thiên Chúa. Tất cả đếu biến mất và tất cả đều im lặng. Tôi đã ở vị trí rất cao trong không gian. Không có người nào ở đó, không có thực thể nào khác.

 Ở những không gian cao tầng, không có thực thể nào khác nói chuyện với bạn hoặc cho bạn hướng dẫn hoặc ra lệnh cho bạn. Không có gì ngoài cái biết đến từ nơi vô tăm tích, cái biết nói rằng tôi vượt ra ngoài sự sống và cái chết. Bám víu vào đời sống là điều cuối cùng còn sót lại. Kiên trì níu kéo đời sống. Tôi đã phó thác đời sống. Cái biết tới: “Mọi sợ hãi đều là vọng tưởng”. 

Giọng nói của vị thầy tỏa ra từ vòng hào quang phải xuất phát từ cái tuyệt đối. Nó không thể xuất phát từ cái tương đối hay tư duy. Nó phải xuất phát từ cái tuyệt đối của cái biết tuyệt đối, rằng đã từng đến đây và đã làm cái đó. Vì vậy, cái tuyệt đối của cái biết đó là tôi sẽ phó thác đời sống cho Thiên Chúa. Tôi đã phó thác chính đời sống. Từ kiếp này tới kiếp khác, chúng ta không phó thác cội nguồn của chính đời sống, bởi vì đây chính là cốt lõi của bản ngã ái kỷ, bản ngã nghĩ rằng nó là tác giả của đời sống, là trung tâm và cốt lõi của đời sống. Khi phó thác cái mà tâm trí tin tưởng trong suốt hàng ức kiếp thì nỗi kinh hoàng bỗng ập tới. Kinh hoàng khủng khiếp, may mắn là nó chỉ kéo dài trong vài khoảnh khắc mà thôi. 

Nếu bạn buông bỏ kinh hoàng, kinh hoàng sẽ biến mất và sợ hãi cũng biến mất mãi mãi. Sợ hãi vốn đã tồn tại từ lâu lúc này cũng biến mất vĩnh viễn. Lúc đó chết trước hết là cái chết của thân xác này, cái chết của lần hoá thân đặc biệt này. Và cuối cùng, khi tiếp tục buông bỏ mọi thứ, tất cả những nỗi sợ hãi cũng biến mất. Bất kỳ điều gì xảy ra cũng đều không liên quan. Tại sao không liên quan? Bởi vì đó là vấn đề của Thiên Chúa. Nếu bây giờ trần nhà rơi xuống đầu tất cả chúng ta thì đó là vấn đề của Thiên Chúa, có phải thế không? Chúng ta sẽ chỉ ngồi và chờ xem Thiên Chúa sẽ làm gì. Có thể Ngài sẽ thuê một chiếc xe tải hoặc một chiếc xe cần trục tới đây, hoặc thuê xe cứu thương, và có lẽ Ngài sẽ không làm thế. Có thể bạn sẽ thở; có thể bạn sẽ không còn thở nữa.

Sự kiện xảy ra sau đó là bạn cần phải quay trở lại cuộc đời đặc biệt này một lần nữa, và chấp nhận cái chết là không thể tránh được và vượt qua nỗi sợ hãi về chết chóc. Đó chỉ là vấn đề chấp nhận. Sợ chết làm cho nó dường như là khủng khiếp, vì bạn đang phải vật lộn với nó. Một khi chấp nhận, nó hoàn toàn không khủng khiếp. Bạn chết . . . rồi sao? Vấn đề lớn. Không có chi đâu. 

Một trong những lý do làm cho người ta sợ chết là trách nhiệm giải trình về mặt đạo đức. Sở dĩ người ta không muốn chết là vì họ biết rằng sẽ phải đối mặt với nó. Nhìn thấy mình như con người mà mình thực sự đang là, bạn nghĩ, tôi không muốn cái đó mãi mãi đọng lại trong tâm hồn mình. Tôi không muốn cái đó. Tôi không muốn sự tàn nhẫn đó. Tôi không muốn cái tiêu cực đó. Tôi không muốn sự ích kỷ, và tôi cầu xin một cơ hội để uốn nắn lại cái đó. Sau đó, bạn sẽ trở thành người thông cảm hơn, thấu hiểu hơn, tha thứ hơn, yêu thương hơn. Bạn sẽ đánh giá đời sống cao hơn là chiến thắng. Giải trình về mặt đạo đức là lý do vì sao hầu hết mọi người đều sợ chết, vì bạn nhận ra rằng sẽ phải đối mặt với sự thật về những gì mình đã trải qua. Nếu chúng ta chấp nhận trách nhiệm giải trình về mặt đạo đức khi chúng ta đi qua cuộc đời, chúng ta sẽ không sợ chết nữa. 

Tất nhiên, lúc đó bạn sẽ thấy niềm tin vào thần tính của mình xuất hiện như một phần của trách nhiệm giải trình về mặt đạo đức của mình và một phần nỗi sợ chết của mình. Khi bạn trưởng thành hơn về mặt tâm linh, bạn có thể thấy sợ chết giảm đi vì bạn tưởng tượng Thiên Chúa như là người nhân từ. Trên giường bệnh, bạn nhận ra rằng sẽ có một người đồng hành. 

Quan niệm về thần tính như là người nhân từ hay người trừng phạt. Những tầng sâu của địa ngục không phải là cái mà người ta muốn trải nghiệm, dù chỉ trong vài giây. Ngoài ra, bạn không thể trải nghiệm nó trong vài giây, vì về mặt trải nghiệm mỗi giây đều là vĩnh viễn. Vì vậy, khi lựa chọn giữa thiên đường và địa ngục, một quyết định đưa bạn đến gần thiên đường hơn, rồi quyết định tiếp theo sẽ đưa bạn đến gần địa ngục hơn. Nếu là người rất tiến bộ về mặt tâm linh, bạn sẽ nhận ra rằng những điều như kiêu ngạo, kiểm soát người khác và trả thù đều không đáng để đánh cược. Dù có thể bạn sẽ hả hê trong khoảnh khắc khi đấm một người nào đó. Có thể họ đáng bị như vậy. Tuy nhiên, trách nhiệm giải trình về mặt đạo đức sau đó sẽ đưa bạn đến việc lựa chọn giữa hai cánh cửa. Một cửa dẫn đến thiên đường và cửa kia sẽ dẫn tới địa ngục.

 Chúa không ném bạn vào địa ngục; chính bạn, bằng sự lựa chọn của mình, đã đưa bạn đến trạng thái tuyệt vọng và vô vọng đó. Tự do có những giới hạn nào? Nói thẳng ra, không có giới hạn nào hết, có phải thế không? Tự do không có bất kỳ giới hạn nào. Bạn có thể căm ghét Thiên Chúa. Bạn có thể yêu Thiên Chúa. Bạn có thể là người hào phóng. Bạn có thể là người keo kiệt. Tự do có những giới hạn nào? Chỉ có tâm trí của con người mới có khả năng nhìn thấy những lựa chọn - sẵn sàng xem xét các lựa chọn, dù bạn là người tham lam hay rộng lượng, linh hoạt và có khả năng học hỏi, đang trưởng thành, đã trưởng thành. Hầu hết mọi người đều nói: “Vâng, tôi nghĩ việc tôi sẽ làm là cố gắng học hỏi từ trải nghiệm này. Tôi sẽ cố gắng làm trong suốt cuộc đời mình là trưởng thành và phát triển về mặt tâm linh”. Sự sống có nguồn năng lượng ở bên trong. Nó được gọi là élan vital, thuật ngữ bằng tiếng Pháp, có nghĩa là năng lượng sống của một người. Năng lượng này chảy qua bạn như một dòng năng lượng nhất định. Cuộc sống chảy như là năng lượng. 

Về mặt thần học, có thể coi nó là thực tại. Chúng tôi biết rằng tầng ý thức đã được hiệu chỉnh lên tới 1.000, và cái mà thế giới gọi là cái ác nằm bên dưới tầng 200. Có những chương trình truyền hình mà mọi người đều vỗ tay tán thưởng lại là tiêu cực. Người dẫn chương trình đang công khai gieo rắc hận thù, thuyết âm mưu. Họ lấy ở đâu ra một lượng cử toạ lớn như thế? Một nhóm những người đã tiến hóa về mặt tâm linh liệu có hứng thú xem những thuyết âm mưu đầy khinh miệt, giận dữ và thù hận không? Ở thiên đường, những thứ đó sẽ hấp dẫn đến mức nào? Nó có thể có rất nhiều cử toạ ở địa ngục. Khi bạn đã tiến hóa về mặt tâm linh thì giết chóc, mưu sát và tra tấn không còn hấp dẫn nữa, và khi chúng xuất hiện trên màn hình, bạn sẽ tự nhủ, “Trời ơi, sao mình lại muốn xem mầy thứ này?” 

#9: Phát triển khiếu hài hước

Bạn bắt đầu thấy rằng hài hước phụng sự nhân loại ở mức độ lớn hơn là những người tham gia diễu hành. Tất cả lòng nhiệt tình lớn lao - cứu hành tinh, và cứu thế giới và tất cả những thứ đó – chỉ là phô trương mà thôi. Thực ra, đối với tôi, người có khả năng hài hước còn là người đã tiến hoá về mặt tâm linh hơn tất cả những người ngoan đạo, thánh thiện hơn những việc làm tốt. 

Hài hước đưa mọi thứ vào bối cảnh mới. Nó đặt sự kiện vào bối cảnh khác. Và hài hước phát sinh từ tương phản giữa nội dung tuyến tính và bối cảnh phi tuyến tính, đấy là cách làm cho nó trở thành buồn cười. Diễn viên hài thường là những người rất thọ. Ví dụ như Jack Benny hay George Burns. George sống tới 100 tuổi. Một nửa là do ngã trong bồn tắm và chết vì vỡ hộp sọ. Tôi tự nhắc nhở mình rằng khi tôi đến tuổi đó, nhớ đừng tắm trong bồn tắm. 

PHÁT TRIỂN TÂM LINH MỘT CÁCH CÓ Ý THỨC

Tôi nghĩ Ronald Reagan đã thể hiện những đặc điểm của phát triển tâm linh một cách có ý thức. Ông có điểm hiệu chỉnh khoảng 500. Winston Churchill, thì cũng thế; ông đã một mình lèo lái Đế quốc Anh trong những ngày đen tối nhất của nó. Churchill có điểm hiệu chỉnh hơn 500. Ông là trái tim của Đế quốc Anh; ông đã đứng lên và lãnh đạo nhân dân Anh trong cuộc đối đầu với cuộc tấn công chớp nhoáng bằng máy bay của Đức Quốc Xã. 

Lời kêu gọi tập hợp có thể xuất phát từ những người có trái tim vĩ đại, Churchill là người như thế. Có những nhà khoa học với linh hồn vĩ đại, như Louis Pasteur. Họ bị người đời chế giễu vì những tiến bộ mà họ tạo ra. Linh hồn vĩ đại có nghĩa là, mặc dù biết rằng mình sẽ bị người ta chỉ trích, nhưng người đó vẫn thấy đấy là lợi ích to lớn. Một số người tin rằng vi khuẩn làm cho người ta bị nhiễm trùng và họ suýt bị giết vì niềm tin của mình. Nhưng nhờ có niềm tin như thế mà chúng ta phát hiện được thuốc kháng sinh và những cải tiến khác, giúp cứu được rất nhiều người. Bất cứ cái gì làm cho con người bớt đau khổ hơn và thúc đầy quá trình tiến hóa ý thức đều mang lại giá trị cực kỳ to lớn. Một số người tiên phong và đóng góp vào quá trình này bằng cách xác nhận hiệu quả của nó. Những tổ chức từ thiện lớn nâng đỡ người khác bằng cách thúc đẩy giáo dục và sức khỏe.

Chúng ta có thể giúp người khác bằng cách nào? Trước hết, bạn làm trọn vẹn những việc bạn có thể làm, rồi sau đó bạn vươn tới điểm mà bạn trở thành người có tâm từ thiện, không nhất thiết là về mặt tài chính, nhưng từ thiện như một trạng thái của ý thức. Bạn tự hỏi: Lúc này, mình muốn nhận được gì từ thế giới? Mình không cần bất cứ thứ gì. Rồi bạn hỏi: Tôi sẽ làm gì với cuộc đời mình? Vì hầu như tất cả mọi người đều dành cả cuộc đời để theo đuổi những thứ mình muốn, những thứ mình khát khao. Vâng, chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn có tất cả? Chuyện gì xảy ra khi bạn hoàn thành được tất cả ước nguyện của mình? Lúc đó, liệu đời sống của bạn có trở thành vô giá trị? Không. Vì bạn chia sẻ con người mà bạn đã trở thành với những người khác. Bạn chia sẻ con người mà bạn đã trở thành. 

Hành động yêu thương cao nhất là chia sẻ con người mà bạn đã trở thành, vì vậy đời sống của bạn trở thành lời cầu nguyện. Bạn trở thành cái mà bạn rao giảng và dạy bảo người khác. Bạn giữ người khác bằng tình yêu, bạn giữ người khác bằng thái độ tôn trọng, bạn giữ cả thế giới trong vòng tay yêu thương của mình. 

Bây giờ xin nhắm mắt lại và hình dung toàn bộ thế giới và toàn bộ dân cư trên thế giới. Xin mở rộng trái tim và phát phóng ánh sáng đó ra thế gian và ôm lấy thế gian. Tất cả chúng ta cùng vòng tay ôm lấy thế giới này, ôm tất cả các sinh vật, ôm mọi thứ trên thế giới này, ôm từng con cóc nhỏ, từng con kangaroo, từng người, và đưa tay chúng ta ra để ôm lấy nó rồi phát phóng tình yêu, và dùng ý định của chúng ta nâng tình yêu lên. Bằng cách trở thành người yêu thương vô biên vô tế, chúng ta trở thành vận mệnh của nhân loại, đó là sự nhận thức về thần tính ở bên trong như là cội nguồn của sự tồn tại của chính mình. 

Ban đầu, người ta phải học. Họ phải học, nếu không họ thậm chí không biết đấy là việc khả thi. Sau một thời gian, việc học tập trở thành khó khăn, vì người ta bị mắc kẹt trong những hệ thống niềm tin chứ không tự mình trải nghiệm để nhận ra sự thật. Học, lúc đầu, là hướng vào chủ đề; sau đó bạn chọn những thứ mà bạn cảm thấy thoải mái và hữu ích cho cuộc sống của mình, và theo đuổi những thứ đó. Cuối cùng, sẽ đến lúc bạn ngừng đọc về nó. Tôi đã mấy lần tặng đi thư viện tâm linh cho người khác. Bạn thu thập được vài trăm cuốn sách, rồi bạn nói, “Đây chỉ toàn là lý thuyết suông và tư duy tuyến tính”, và bạn đem cho hết. Rồi sau một, hai thập kỷ nữa, bạn lại bắt đầu gom góp sách. Và rồi lại cho hết. 

QUAN NIỆM SAI LẦM LỚN NHẤT VỀ PHÁT TRIỂN TÂM LINH 

Người ta thường nghĩ rằng phát triển tâm linh liên quan đến hy sinh, nhưng không phải. Bạn hy sinh những thứ tiêu cực, nhưng một số người lại coi đó là hy sinh, tôi nghĩ như thế. Mất thời gian và năng lượng, và nếu bạn có gia đình, bạn có thể tự hỏi, lấy đâu ra thời gian và năng lượng? Có những giai đoạn trong cuộc đời, khi bạn mới xây dựng gia đình, bạn cố gắng trở thành người thành công trên thế gian; lúc đó không phải là thời điểm tốt nhất để bạn quyết định sẽ trở thành một tu sĩ. 

Sau này, bạn có thể thay đổi lối sống. Tôi nghĩ rất nhiều người hy vọng khi già đi, họ sẽ có được những thứ cần thiết và có thể dành nhiều thời gian hơn cho đời sống tâm linh. Bạn thấy hội thánh trong nhiều nhà thờ chủ yếu là người lớn tuổi. Có một số người trẻ mang theo cả trẻ con, đúng vậy, nhưng bạn sẽ thấy hơn một nửa giáo đoàn là những người muối tiêu (ở một số nhà thờ có thể tới 80% người muối tiêu và bạc trắng). Người hoài nghi có thể nói, “Vâng, họ sợ chết, chỉ có thế thôi”. Không, đấy là do, cuối cùng họ cũng có thời gian và nhàn nhã để theo đuổi đời sống tâm linh. Lúc này họ đã có thời gian, năng lượng và sự quan tâm về mặt tâm linh nhằm cải thiện đời sống của mình. Thanh niên nói: “Tôi không có thì giờ làm việc này”. Vâng, hãy đợi một thời gian nữa. Hoặc học cách làm công việc tâm linh một cách từ từ. Có thái độ thân thiện trong vòng năm phút. Tôi nói rằng công việc tốt nhất cần làm là có thái độ thân thiện với tất cả mọi người và yêu thương tất cả mọi người. Tôi luôn cảm ơn từng nhân viên bán hàng và mọi người gần như ngất xỉu. Hãy thử thân thiện với tất cả các nhân viên ở tất cả các cửa hàng và mỗi người bạn gặp - chỉ cần mỉm cười và yêu thương họ theo cách mà bạn có thể. Bạn làm cho họ bối rối hoàn toàn. Họ chỉ nhìn bạn và ngạc nhiên, “Hả? Chuyện gì thế này?” 

Tôi đã làm như thế trong suốt nhiều năm ở thành phố New York. Tôi đi ngang qua tòa nhà trên Đại lộ số 5, đi ngang qua những người gác cổng và tôi nói chào buổi sáng với họ và mỉm cười. Chẳng bao lâu sau, họ chờ đợi tôi đi ngang qua và tôi phát hiện ra rằng người ta có thể mỉm cười, dừng lại và chào bất cứ người nào. Tôi có thể đi theo bất kỳ dãy phố nào ở thành phố New York và bắt chuyện với hầu như bất cứ người nào gần như ngay lập tức. Vì bạn có thái độ cởi mở và yêu thương, cho nên họ không cảm thấy nguy hiểm hay sợ hãi. Bản năng động vật trong con người họ nhận thức được rằng bạn là không gian an toàn. 

Khi ý thức của bạn tiến hoá, mọi người sẽ đối xử với bạn khác đi. Họ mong được gặp bạn; họ cảm thấy phấn chấn khi bạn tới. Nếu bạn tham dự bữa tiệc, thì bữa tiệc đã thành công. Năng lượng của bạn tỏa ra khắp căn phòng. Bạn phụng sự người khác bằng con người mà bạn đã trở thành. Bạn càng trở thành người yêu thương hơn là bạn đang phụng sụ đồng loại và phụng sự Thiên Chúa nhiều hơn.


3 comments:

  1. Wow, cảm ơn chú Trường, cháu là một đệ tử của ngài David R. Hawkins và cháu đã mong chờ suốt cả ngày hôm nay để được đọc bài chương 7 của chú dịch ra ạ.

    ReplyDelete
  2. Xin cảm ơn bác Trường

    ReplyDelete
  3. Cám ơn. Ước gì được đọc nhuyên tác, hoặc những tác phẩm khác của cùng tác giả, dịch giả.

    ReplyDelete