Pages

December 9, 2020

Chủ nghĩa tư bản và tự do (Phần 2)

 


FRIEDMAN MILTON

Đinh Tuấn Minh dịch

 

Dẫn nhập

Một câu nói thường được ưa thích trích dẫn nhất, đó là câu Tổng thống Kennendy phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức của mình: “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn – hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc”. Sự tranh luận xoay quanh nguồn gốc của câu nói thay vì nội dung của nó rõ ràng cho thấy thái độ của xã hội đương thời. Câu nói ấy không có vế nào thể hiện được mối quan hệ giữa công dân và chính quyền của mình, mối quan hệ mà lý tưởng sẽ là con người tự do trong một xã hội tự do. Vế trước “tổ quốc có thể làm gì cho bạn” nhấn mạnh rằng chính quyền là người giám hộ và người công dân là người được bảo trợ. Quan điểm này đi ngược lại niềm tin của một người mang tư tưởng tự do rằng chính anh ta mới là người chịu trách nhiệm cho chính số phận mình. Vế sau “hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc” nhấn mạnh rằng chính quyền là chủ nhân hoặc thần thánh, còn công dân là những nô lệ hay kẻ sùng đạo. Với một người mang tư tưởng tự do, đất nước là một tập hợp những cá nhân cấu thành nó chứ không phải thứ gì đó có vị thế cao hơn họ. Người mang tư tưởng tự do tự hào về những di sản chung và trung thành với những truyền thống chung. Nhưng họ coi chính quyền là một phương tiện, một công cụ hữu hiệu, chứ không phải là một người ban phát ơn huệ, càng chẳng phải là chủ nhân hay chúa trời để tôn thờ và phục vụ một cách mù quáng. Người mang tư tưởng tự do không chấp nhận thứ gọi là mục tiêu quốc gia trừ khi nó thống nhất với mục tiêu mà từng công dân của quốc gia đó theo đuổi. Anh ta cũng cho rằng chẳng có gì là mục đích quốc gia trừ khi nó thống nhất với những mục đích mà từng công dân đang phấn đấu đạt được.

Người mang tư tưởng tự do sẽ không hỏi tổ quốc có thể làm được gì cho anh ta và cũng chẳng tự vấn anh ta có thể làm gì cho tổ quốc mình. Thay vào đó, anh ta sẽ hỏi “Tôi và đồng bào tôi có thể làm gì thông qua chính quyền” để giúp chúng tôi hoàn thành được những trách nhiệm của cá nhân mình, đạt được mục đích mà chúng tôi theo đuổi, và hơn hết, để bảo vệ tự do của mình? Và anh ta sẽ đặt câu hỏi này cùng với một câu hỏi khác: Làm sao để chính quyền mà chúng ta đã tạo dựng không trở thành một Frankenstein, kẻ sẽ phá hủy chính sự tự do mà chúng ta muốn bảo vệ thông qua việc lập ra chính quyền? Tự do là một loài cây quý hiếm và mong manh. Lý trí đã mách bảo chúng ta, và lịch sử đã chứng minh rằng mối đe dọa lớn nhất tới sự tự do chính là sự tập trung quyền lực. Chính quyền cần phải bảo vệ quyền tự do của chúng ta. Đó là một công cụ mà qua đó chúng ta có thể thực hiện quyền tự do của mình; nhưng bởi quyền lực được tập trung trong tay các nhà chính trị, cho nên đây cũng là một mối đe dọa tới quyền tự do. Mặc dù ban đầu, những người cầm quyền có mục đích tốt và kể cả khi không bị tha hóa bởi quyền lực trong tay, thì quyền lực vẫn luôn hấp dẫn và có thể biến họ thành con người khác.

Làm sao chúng ta vừa có thể đạt được lợi ích từ những cam kết của chính quyền mà vẫn tránh được những mối nguy hiểm đe dọa đến quyền tự do? Hai nguyên tắc cơ bản tiêu biểu trong Hiến pháp Mỹ đã đưa ra lời giải đáp cho câu hỏi này và giúp bảo vệ quyền tự do của chúng ta cho đến ngày hôm nay. Tuy vậy khi thực thi, những nguyên tắc này đã bị vi phạm nhiều lần, dù được coi như là những tiên đề.

Thứ nhất, phạm vi quyền hạn của chính quyền phải bị hạn chế. Chức năng chính của nhà nước phải là bảo vệ quyền tự do của chúng ta trước những kẻ thù ngoại bang và cả các công dân khác: bảo vệ luật pháp và trật tự, đảm bảo các hợp đồng tư nhân được thi hành, thúc đẩy cạnh tranh thị trường. Ngoài những chức năng chính trên, chính quyền đôi khi có thể giúp chúng ta cùng nhau hợp tác thực hiện những việc mà nếu tiến hành riêng rẽ sẽ khó khăn và tốn kém hơn. Tuy nhiên, dù được sử dụng theo bất cứ chức năng nào chính quyền cũng luôn có những nguy cơ, rủi ro kèm theo. Chúng ta không nên và cũng không thể tránh khỏi điều này. Nhưng chúng ta cần thấy được những lợi ích rõ ràng và đầy đủ trước khi để chính quyền thực hiện chức năng nào đó của mình. Ví dụ, bằng việc dựa chủ yếu vào hợp tác tự nguyện và doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động kinh tế cũng như các hoạt động khác, chúng ta có thể đảm bảo rằng khu vực tư nhân chính là một sự kiểm tra quyền lực của chính quyền và giúp bảo vệ hiệu quả quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do tư tưởng.

Nguyên tắc cơ bản thứ hai là quyền lực của chính quyền phải được phân tán. Nếu chức năng của chính quyền là để thực thi quyền lực, thì việc thực thi ở một hạt tốt hơn ở một bang, ở một bang tốt hơn ở Washington. Nếu tôi không thích những gì chính quyền địa phương ở nơi tôi đang sinh sống làm, ví như về việc xử lý nước thải, quy hoạch, hoặc giáo dục, tôi có thể chuyển tới một cộng đồng dân cư khác. Có lẽ sẽ rất ít người làm như vậy nhưng khả năng xảy ra việc này sẽ là một phép thử để kiểm tra việc sử dụng quyền lực của chính quyền. Nếu tôi không thích những gì bang tôi đang sinh sống thực hiện, tôi có thể chuyển tới bang khác. Nếu tôi không thích những gì Washington áp đặt, tôi có vài lựa chọn thay thế khác trong thế giới của những quốc gia luôn ganh đua nhau này.

Cái khó để tránh được việc chính quyền liên bang ban hành luật dĩ nhiên là do sức hấp dẫn quá lớn của quyền lực đối với rất nhiều người đề xướng nó. Họ tin rằng việc luật hóa các chương trình mà theo họ là vì lợi ích của xã hội sẽ mang lại hiệu quả hơn, dù đó là sự chuyển giao thu nhập từ người giàu sang người nghèo hay từ phục vụ mục đích cá nhân sang phục vụ mục đích của chính quyền. Điều đó cũng có vẻ đúng. Nhưng đồng tiền có hai mặt. Quyền lực được sử dụng vì mục đích tốt đẹp cũng có thể gây ra những tổn hại; những người cầm quyền ngày hôm nay có thể không còn cầm quyền ngày mai; và quan trọng hơn, những gì một người coi là tốt, người khác có thể coi là xấu. Bi kịch lớn nhất của xu thế tập trung quyền lực hay chính là xu thế mở rộng phạm vi của chính quyền nói chung chính là hầu hết chúng được dẫn dắt bởi những người có thiện chí nhưng cũng sẽ là những người đầu tiên hối tiếc về hậu quả của xu thế này.

Gìn giữ quyền tự do là tấm khiên bảo vệ tính chính danh cho việc giới hạn và phân tán quyền lực của chính quyền, đồng thời cũng là nền tảng xây dựng sự tiến bộ của nền văn minh, dù là trong kiến trúc hay hội họa, trong khoa học tự nhiên hay xã hội, trong nông nghiệp hay công nghiệp, bởi thành tựu chưa bao giờ xuất hiện trong chế độ tập quyền. Columbus không hề có ý định tìm ra một con đường mới tới Trung Quốc chỉ để đáp ứng một chỉ thị từ quốc hội, dù ông đã được một nhà quân chủ chuyên chế hỗ trợ một phần tài chính. Newton và Leibnitz; Einstein và Bohr; Shakespeare, Milton, và Pasternak; Whitney, McCormick, Edison, và Ford; Jane Addams, Florence Nightingale, và Albert Schweitzer; không ai trong số họ khi khai phá những vùng đất mới cho tri thức và sự hiểu biết của nhân loại về văn học, kĩ thuật, hay khi xoa dịu những nỗi thống khổ của con người trong mọi thân phận và hoàn cảnh là nhằm đáp ứng những chỉ thị của chính quyền. Những thành tựu do họ tạo ra là sản phẩm của khối óc thiên tài, của những quan điểm táo bạo đi ngược lại số đông, của một môi trường xã hội cho phép sự đa dạng và khác biệt.

 

Chính quyền không bao giờ có thể sao chép sự đa dạng và khác biệt của hành vi cá nhân. Ở bất cứ thời điểm nào, bằng cách áp đặt tiêu chuẩn khuôn mẫu vào nhà ở, dinh dưỡng hay quần áo, chính quyền rõ ràng có thể cải thiện mức sống của rất nhiều cá nhân; bằng cách áp đặt tiêu chuẩn vào trường học, xây dựng đường xá, hay vệ sinh, chính quyền hoàn toàn có thể cải thiện đời sống ở rất nhiều vùng quê và có lẽ kể cả mức sống chung của cả cộng đồng. Nhưng trong quá trình đó, chính quyền sẽ thay thế sự tiến bộ bằng sự trì trệ, sự tầm thường kiểu mẫu sẽ thay thế cho sự đa dạng – điều cần thiết cho những thử nghiệm để sự lạc hậu ngày mai vượt lên trên cái được coi là trung bình hôm nay.

Cuốn sách này bàn về một trong số những vấn đề lớn trên. Chủ đề chính trong sách là vai trò của chủ nghĩa tư bản cạnh tranh – tức hình thái tổ chức các hoạt động kinh tế thông qua doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong một thị trường tự do – như là một hệ thống tự do kinh tế và là điều kiện cần thiết cho tự do chính trị. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến vai trò mà chính quyền nên đảm nhận trong một xã hội vì tự do và lý do chính quyền nên dựa chủ yếu vào thị trường để điều hành các hoạt động kinh tế.

Hai chương đầu tiên của cuốn sách sẽ nói về những vấn đề trên ở mức độ trừu tượng và thiên về nguyên lý nhiều hơn là phân tích thực tế. Các chương sau sẽ áp dụng những nguyên lý này vào các vấn đề cụ thể khác nhau.

Một quan điểm trừu tượng vẫn có thể được hiểu một cách đầy đủ và toàn diện, dù vậy, lý tưởng đó sẽ vẫn rất khó có thể hiện thực hóa như được trình bày trong những chương tiếp theo. Ngay cả phần ứng dụng các nguyên lý vào thực tế cũng khó có thể trình bày thấu đáo. Mỗi ngày lại có những vấn đề và tình huống mới phát sinh. Đó là lý do vì sao ta không thể ấn định vai trò và chức năng cụ thể của chính quyền chỉ một lần duy nhất và cho rằng nó sẽ đúng mãi mãi. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần thường xuyên kiểm tra liệu những gì chúng ta hy vọng có là những nguyên lý bất biến khi áp dụng vào những vấn đề ngày nay. Một kết quả bất ngờ chắc chắn sẽ giúp chúng ta kiểm tra lại các nguyên lý và tăng thêm hiểu biết của mình về những vấn đề đó.

Sẽ thuận tiện hơn rất nhiều nếu chúng ta có một tên gọi cho các quan điểm về kinh tế và chính trị được phát triển trong cuốn sách này. Tên gọi đúng và hợp lý nhất có lẽ là chủ nghĩa tự do. Tiếc là, vì “Là một ngợi danh cao quý, ngay cả khi vô tình, nên những kẻ thù của hệ thống doanh nghiệp tư nhân nghĩ rằng thật khôn ngoan nếu chiếm dụng cái tên này1”, vậy nên ở Hoa Kỳ, chủ nghĩa tự do ngày nay lại được hiểu theo một cách hoàn toàn khác so với thế kỷ XIX hay so với chủ nghĩa tự do ngày nay ở hầu hết các quốc gia châu Âu.

Phát triển vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, phong trào tri thức với tên gọi chủ nghĩa tự do, nhấn mạnh rằng tự do là mục tiêu cuối cùng, và cá nhân là thực thể tối hậu của xã hội. Phong trào này ủng hộ cho chính sách không can thiệp (laissez faire) và coi đây là một phương tiện để hạn chế vai trò của nhà nước trong các hoạt động kinh tế và qua đó tăng cường vai trò của cá nhân; nó ủng hộ tự do thương mại quốc tế như một phương tiện kết nối các quốc gia trên thế giới với nhau trong hòa bình và dân chủ. Về mặt chính trị, phong trào này ủng hộ phát triển của chính quyền đại nghị và của các tổ chức quốc hội, giảm thiểu quyền lực độc tôn của nhà nước và bảo vệ cho quyền tự do công dân của mỗi cá nhân.

Bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX và đặc biệt là sau năm 1930, ở Hoa Kỳ, cụm từ chủ nghĩa tự do đã được gắn với nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt là trong chính sách kinh tế. Trong giai đoạn này, chủ nghĩa tự do nhấn mạnh việc sẵn sàng dựa chủ yếu vào nhà nước thay vì những thỏa thuận tự nguyện cá nhân để đạt được các mục tiêu mong muốn. Các khẩu hiệu thường nói về phúc lợi và bình đẳng thay vì tự do. Người theo chủ nghĩa tự do ở thế kỷ XIX quan niệm rằng sự mở rộng tự do là phương thức hiệu quả nhất để thúc đẩy phúc lợi và bình đẳng; còn người theo chủ nghĩa tự do của thể kỷ XX lại hiểu rằng phúc lợi và bình đẳng hoặc là điều kiện tiên quyết, hoặc là lựa chọn thay thế cho tự do. Dưới cái tên phúc lợi và bình đẳng, người theo chủ nghĩa tự do ở thế kỷ XX ủng hộ những chính sách can thiệp và độc tài của nhà nước, ngược lại tư tưởng của chủ nghĩa tự do cổ điến. Nếu vặn đồng hồ trở về thế kỷ XVII, giai đoạn hoàng kim của chủ nghĩa trọng thương, người theo chủ nghĩa tự do thế kỷ XX sẽ bị coi là những kẻ phản động!

Sự thay đổi ở cách hiểu thuật ngữ chủ nghĩa tự do trong lĩnh vực kinh tế rõ ràng hơn so với lĩnh vực chính trị. Người theo chủ nghĩa tự do ở thế kỷ XX, cũng như ở thế kỷ XIX, ủng hộ các tổ chức quốc hội, chính quyền đại nghị, quyền công dân, v.v. Tuy vậy, lại có một sự khác biệt đáng chý ý. Thèm khát sự tự do, và do đó lo sợ tập quyền, dù trong tay chính quyền hay tư nhân, người theo chủ nghĩa tự do ở thế kỷ XIX ủng hộ phi tập trung hóa chính trị. Trong khi đó, người theo chủ nghĩa tự do ở thế kỷ XX ủng hộ chính phủ tập quyền vì họ tin tưởng vào cam kết hành động và tính thiện của quyền lực chừng nào mà nó vẫn còn nằm trong tay một chính quyền có vẻ do các cử tri kiểm soát. Họ sẽ không có bất cứ nghi ngờ gì về việc quyền lực có nên được xác định dựa trên quyền lợi của cả bang thay vì của thành phố, của chính quyền liên bang thay vì bang, và của một tổ chức thế giới hay vì của chính phủ một quốc gia.

Do thay đổi về khái niệm chủ nghĩa tự do, những quan điểm trước đây mang tên gọi này hiện nay thường được gọi là chủ nghĩa bảo thủ. Nhưng đây không phải là một sự thay thế thỏa đáng. Người theo chủ nghĩa tự do ở thế kỷ XIX rất cấp tiến và triệt để, cả trong việc truy nguyên gốc rễ của vấn đề cũng như trong chính trị khi ủng hộ những thay đổi lớn về thể chế xã hội. Những người kế thừa tư tưởng này ngày nay cũng giống như vậy. Chúng ta không mong sẽ duy trì các can thiệp quá sâu của nhà nước vào quyền tự do của chúng ta, tuy vậy hiển nhiên là chúng ta muốn duy trì những can thiệp mà có thể thúc đẩy quyền tự do. Hơn nữa, trong thực tế, thuật ngữ chủ nghĩa bảo thủ đã bao trùm lên một phạm vi rộng lớn các quan điểm, và các quan điểm này thường không tương đồng với nhau, vì thế chúng ta chắc chắn sẽ thấy sự phát triển của những thuật ngữ kép, như bảo-thủ-tự-do-cá-nhân (libertarian-conservative) và bảo-thủ-quý-tộc (aristocratic-conservative).

Một phần vì tôi không sẵn lòng nhượng bộ thuật ngữ chủ nghĩa tự do (liberalism) cho những người đề xướng các biện pháp làm hủy hoại tự do, một phần vì tôi không thể tìm được lựa chọn nào tốt hơn, cho nên tôi sẽ giải quyết những khó khăn này bằng cách dùng từ “chủ nghĩa tự do” theo nghĩa gốc của nó – đó là chủ thuyết cho người tự do.

Chú thích:

(1) Joseph Schumpeter, History of Economic Analysis (New York: Oxford University Press, 1954) tr. 394

Nguồn: http://www.thitruongtudo.vn/chi-tiet/chu-nghia-tu-ban-va-tu-do-phan-ii-.html

1 comment: