Pages

May 7, 2017

GIÊNG HAI LAI RAI VỀ VÀNG MÃ và MỘT SỐ NIỀM TIN NGÂY THƠ KHÁC


I. TIỀN ÂM PHỦ

A. CỘI NGUỒN


Tiền âm phủ

1. Truyền thuyết nói rằng ngày xưa có một người (tất nhiên là Trung Quốc rồi) biết bí quyết sản xuất giấy, năng suất của ông này phải nói là thượng thặng. Xây bao nhiêu kho cũng không đủ chỗ chứa giấy do ông làm ra, nhưng lúc đó có mấy người dùng giấy, cho nên có tài mà vẫn nghèo rớt mồng tơi. Thế là túng thì phải tính. Ông mới bàn với vợ.. như thế… như thế. Rồi ông lăn ra chết. Bà vợ vội vàng khâm liệm, rồi cho vào áo quan (có lỗ thông hơi ngầm). Hàng xóm kéo tới. Trước lúc di quan, bà vợ gục xuống trước quan tài, gào khóc mà nói rằng, nhà nghèo chẳng có gì cúng, thôi thì lấy giấy ông làm ra đốt trước quan tài để cúng ông vậy. Ai ngờ đốt được một lúc thì thấy có tiếng giẫy lục đục trong áo quan. Mọi người vội vã mở ra thì thấy ông vẫn còn sống. Ông mới kể rằng giấy vừa mới đốt xuống dưới âm phủ trở thành tiền, ông liền dùng số tiền ấy đút lót cho Diêm vương và bọn quỉ sứ cai ngục, để được trở lại cõi trần. Đại khái là thế. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồng xa, từ đó dân xung quanh mới mua giấy của ông này về đốt. Doanh nghiệp của ông phát đạt hẳn lên từ đó.

2. Dân mình có quan niệm rất giản đơn: Trần sao âm vậy. Ngày xưa người ta còn nhét vào miệng người chết mấy đồng xu, gọi là tiền đi đò. Cho nên việc đốt tiền giấy, nếu quả thật nó được truyền từ Trung Quốc sang thì rất hợp với tâm lí dân mình.


Có lẽ vì thế mà tục đốt tiền âm phủ rất thịnh hành, từ nhà quê ra phố chợ, từ nhà dân đen đến nhà quan lớn quyền cao chức trọng, từ nhà nghè rớt mồng tơi đến nhà giầu muôn vạn ức mỗi khi giỗ chạp, tết nhất đều đốt tiền âm phủ cả.

B. NHIỀU LOẠI TIỀN QUÁ, LÀM SAO TIÊU?

Việc in tiền ở tất cả các đều được chuẩn bị rất thận trọng. Phải là loại giấy đặc biệt, khó làm giả; họa sĩ phải là người có tài, có những nét vẽ mà người khác khó bắt chước; ngoài ra, họ còn phải đưa vào những tiểu tiết bí mật mà người ngoài, dù có dùng kính hiển vi cũng khó mà phát hiện được..v.v. Tóm lại, có nhiều biện pháp để chống làm giả. Chuyện ấy biết rồi. Nhà in được canh phòng rất nghiêm ngặt. Nhưng tiền in xong vẫn chưa phải là tiền, nếu có người nào đó lấy trộm được một ít thì đấy vẫn bị coi là tiền giả, mỗi serie phải được thống đốc ngân hàng nhà nước kí lệnh phát hành thì mới có giá trị sử dụng.

Một loại tiền âm phủ gần giống tiền đồng hiện nay

Trong khi đó, có rất nhiều loại tiền âm phủ đang bày bán, mỗi thứ một kiểu, bắt chước cả tiền ta lẫn tiền tây. Giấy là loại rẻ tiền, bản vẽ cũng do mất anh thợ vườn làm. Thực ra là ai cũng làm được và cũng đều có thể mang ta bán được. Đấy là chưa kể trước đây một vài chục năm hay trăm năm lại là những mẫu hoàn toàn khác. Xin hỏi: Tiêu làm sao? Ai qui định tỉ lệ chuyển đổi? Và nếu những thứ tiền âm phủ đó có giá trị thực sự thì chỉ sau vài ngày tết, Âm phủ sẽ bị lạm phát nghiêm trọng, tức là giả sử trước đó một thời gian người thân của chúng ta dùng đồng công lao động cả ngày của mình mua được 1 kg khoai lang hay kg gạo thì nay phải làm 2 ngày mới mua được từng ấy thứ. Tại sao ta lại làm khổ vương quốc của người thân của mình như thế?

Tiền âm phủ gần giống đồng USD

Tóm lại, loại tiền mà ta gọi là tiền âm phủ chẳng có giá trị gì đối với người chết. Mua và đốt nó là việc làm lãng phí, vô bổ và vô ích.



C. QUẦN ÁO, NGỰA XE VÀ NHỮNG THỨ KHÁC

Ngày xưa, cũng vì quan niệm trần sao âm vậy cho nên người ta chôn theo người chết những thứ như quần áo, thóc gạo (hiện nay ở Tây Nguyên hình như vẫn còn tục này), thậm chí chôn theo cả người sống (vợ, người hầu..). Dần dần, ở Trung Quốc người ta mới làm hình nhân thế mạng và vàng mã để chôn theo người chết cho “tiết kiệm”. Nghe nói tục lệ này có từ đời Đường, tức là cách đây chừng 1.400 năm. Lúc đó, đây là biện pháp cực kì tiến bộ.

Vàng mã

Đáng lẽ ra, cùng với thời gian, tục lệ này phải “teo” đi. Nhưng hóa ra không phải như thế. Hiện nay, ngoài những món cổ truyền như quần áo, ngựa xe, người ta còn làm cả ô tô, điện thoại di động… để đốt cho người chết. Xin hỏi: Ngựa mà chỉ có cái khung rồi phết giấy lên, không có tim gan phèo phổi thì sống làm sao? Ô tô cũng chỉ là có khung với giấy, không có các bộ phận bên trong như động cơ, trục khủy… còn điện thoại mà không vi mạch thì hoạt động như thế nào? Đấy là chưa kể có người đã chết từ khi ở Việt Nam ô tô chưa thịnh hành, còn điện thoại thì chưa có.

Ngựa giấy

Đấy là chưa nói nhiều dân tộc, kể cả Nhật Bản là nước đồng văn với Trung Quốc cũng không có tục đốt vàng mã; còn các nước theo Thiên chúa giáo thì không thờ cúng cha mẹ. Xin hỏi: cha mẹ, ông bà họ cởi trần và không có tiền tiêu à?

Thêm nữa: Một kẻ chẳng có nghề ngỗng gì cũng có thể làm được vàng mã, sản phẩm cũng không cần phải được một vị cao tăng, thày cúng, thày bói, ông đồng bà cốt…“chỉ thị” rằng đấy là những thứ có giá trị trong cõi âm. Làm sao âm hồn có thể sử dụng được mấy thứ đó?  

Trả lời những câu hỏi này cũng là trả lời câu hỏi: Có nên đốt vàng mã hay không?

D. ĐỐT VÀNG MÃ TRONG CHÙA

Khi còn tại thế, Đức Phật chỉ có một bình bát, hai bộ quần áo để thay đổi. Ngài chỉ khất thực chức không lấy tiền. Ngài không ngủ ở một gốc cây trong hai đêm. Ngài đã nhập niết bàn cách đây 2560 năm rồi. Nhập niết bàn tức là không bao giờ trở lại thế giới ta bà này của chúng ta nữa. Xin hỏi: Khi còn mang hình hài như chúng ta, Ngài không cần tiền, thế thì khi đã niết bàn rồi Ngài còn dùng mấy thứ hàng mã đó vào việc gì?

Đốt vàng mã trong chùa là trái với Phật pháp

Từ đo suy ra rằng đốt vàng mã ở chùa chính là phỉ báng Phật, phỉ báng Pháp và phỉ báng Tăng. Những ngôi chùa mà để cho người ta bày bán vàng mã ở trước cửa hay xây hẳn nơi đốt vàng mã là những ngôi chùa không đáng tin, và nói chung, những ngôi chùa bày ra trò cúng bái như dâng sao giải hạn… đều là không đáng tin cả.

Phật là người biết rằng đời là khổ và chỉ cho chúng sinh những phép tu, gọi là bát chánh đạo, để thoát khổ. Ai tu người đó chứng, chứ không thể cầu cùng mà thoát khổ được. Cho nên đi lễ chùa là để thấy hình tướng Phật, hình tướng các vị bồ tát và coi đấy là nguồn động viên cho thiện nam tín nữ tinh tấn trên đường tu tập chứ không phải là để cấu xin hay cúng kiếng, đốt vàng mã để mong các Ngài phù hộ. Đi lễ chùa như thế thì đừng đi còn hơn.

KẾT LUẬN: VÀNG MÃ KHÔNG CÓ ÍCH GÌ CHO NGƯỜI CHẾT, NHƯNG LÀ THỨ TỐN TIỀN CỦA NGƯỜI SỐNG VÀ CÓ THỂ GÂY RA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG. ĐỐT ÍT ĐI TỪNG NÀO HAY TỪNG ĐÓ MÀ KHÔNG ĐỐT NỮA THÌ CÀNG HAY.

E. HAI CHUYỆN TÀO LAO VÀ VÌ SAO BỐN NGÀN NĂM VẪN KHÔNG CHỊU LỚN?

TÀO LAO 1. Ông công ông táo là câu chuyện của những người nông dân dái chấm tro kể cho nhau nghe quanh bếp lửa, tưởng đến thời complet cà vạt thì sẽ trôi vào dĩ vãng hay người ta sẽ nhắc lại câu chuyện đó như một trò vui, giải trí như lễ Halloween bên trời Tây. Nhưng không phải. Câu chuyện kể cho con trẻ ngày nào, với ông táo chỉ mặc áo, không mặc quần và con cá chép tưởng tượng (một con cái mại bằng cái lạt cũng chén ngay, làm gì có cá mà thả), thì nay những người đàn ông đi xế hộp, giày da bóng loáng.., những người đàn bà đeo túi ngàn đô… lại coi là chuyện thật, giả vờ thành tâm đi mua cá và thả cá với ước mong sang năm làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái.

Câu chuyện tào lao về ông táo

Chỉ nhìn vào cách người ta đối xử với cá là đã thấy tâm lí mì ăn liền trong chuyện này rồi. Thứ nhất, đa số đấy là những con cá cảnh được nuôi ở chỗ có máy xục không khí, thả vào ao hồ ô nhiễm sống sao nổi? Thứ hai, người thả bên này bờ, góc này hồ.. thì bờ bên kia hay góc hồ.. kia có người bắt lại. Nếu có ông công ông táo thật thì các ngài sẽ “xử” mấy người mua xe rởm, những người “xơi” hay “quay vòng” xế đỏ của các ngài như thế nào?

Giá đừng làm chuyện tào lao như thế mà biến câu chuyện mua vui của những người nông dân bán khai thành phong trào làm giàu nguồn lợi thủy sản: Có những cơ sở nuôi các chép thật, rồi mang ra bờ sông, bờ hồ…, nhưng phải là những nơi cá có thể sống được, và mỗi người mua một hai con, thả một cách cận thận xuống nước, thì hay biết mấy.

TÀO LAO 2. Chuyện tấm cám với cái kết cục quá tàn nhẫn đã bị nhiều người lên án và hình như đã được viết lại. Chuyện đó không nói nữa. Nhưng chuyện này thì rất đáng nói. Đất nước mang tiếng là theo đạo Phật hơn một ngàn năm rồi mà thế hệ nào cũng kể cho nhau nghe: Tấm khóc… Bụt hiện lên… Trong khi ai học Phật pháp cũng phải hiểu ngay rằng Phật là người đã giác ngộ được sự kiện rằng đời là khổ và Ngài chỉ cho chúng sinh con đường thoát khổ, chứ Ngài không cứu giúp được ai. Muốn thoát khổ thì phải tu và ai tu người đó chứng. Không thể tu hộ, không thể cầu xin, không thể mua bán được sự giác ngộ. Tóm lại, tu cũng như ăn cơm, ai ăn người đó no, không thể đưa cơm cho người khác ăn mà mình no, cũng không thể mua cái no của người khác, kể cả của Phật.

Câu chuyện Tấm Cám góp phần làm người ta hiểu sai Phật pháp

Câu chuyện thả cá chép để cầu xin, cũng như câu chuyện người tốt ngồi khóc được Phật giúp cho thấy cái não trạng dựa dẫm, dựa vào may rủi, trong khi muốn giỏi, muốn giàu thì phải suy nghĩ bằng cái đầu và làm việc bằng hai bàn tay của mình, chứ không thể ngồi chờ sung rụng được. Vì vậy mà nói rằng đấy là hai chuyện tào lao và cũng là lí do 4.000 năm mà không chịu lớn.


F. MỘT SỐ NIỀM TIN NGÂY THƠ KHÁC


1. Tin rằng người có chửa mà ăn quả lựu (mà lại phải là xin, chứ không mua) thì con sẽ có mà lúm đồng tiền, tin rằng ăn trứng ngỗng thì con sẽ thông minh… Con có má lúm đồng tiền hay thông minh là do GEN, nếu quả thật ăn quả lựu (mà đã ăn vào bụng thì chỉ là những chất của quả lựu, liên quan gì đến xin hay mua) và trứng ngỗng mà thay đổi được GEN thì có lẽ phải ăn mấy đời, chứ ăn vài quả thì nghĩa lí gì. Lại còn tin rằng ăn canh “khổ qua” thì sẽ hết khổ như trên tờ báo NGU DÂN thì không còn gì để nói.
Ăn lựu, mà lại đi xin chứ không mau, sẽ đẻ con có má lúm đồng tiền?

2. Tin vào tử vi cho nên nghe theo thày, mổ lấy con ra trước. Thật là nhảm nhí. Muốn con khỏe mạnh, thông minh thì bố mẹ phải là người khỏe mạnh, đứa bé được hoài thai trong tình thương yêu, trong giai đoạn muốn có con không được rượu chè bê tha, người mẹ phải được ăn uống đầy đủ khi mang thai… Còn nếu số tử vi có đúng đi chăng nữa (cái này tất nhiên cũng nhảm nhí, nhưng cần viết riêng) thì đứa trẻ cũng phải được sinh ra một cách tự nhiên mới đúng “số”, chứ cưỡng tình đoạt lí làm sao được.

3. Khi đi xa hay làm việc gì quan trọng không ăn thịt vịt vì có câu: Vạ vịt. Quá nhảm nhí không cần bình luận.

4. Trước khi đi xa nhờ đàn ông đứng trước cổng để lấy may, thật là tư tưởng trọng nam khinh nữ, cần phải bỏ ngay.

Mâm ngũ quả thể hiện niềm tin ngây thơ

5. Mâm ngũ quả trong miền Nam gồm: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, được đọc thành: Cầu vừa đủ xài hay cầu vừa dủ sung. Tất nhiên, đây là mong ước của gia chủ, nhưng mình nghĩ, đã cầu như thế thì thà rằng làm ngay bức trướng hay cái gì đó tương tự như thế, trên đó viết câu trong Kinh Lạy Cha của Công giáo: XIN CHO CHÚNG TÔI ĐỒ ĂN ĐỦ DÙNG TRONG NGÀY HÔM NAY lại có ý nghĩa hơn.

Tạm thời lai rai thế thôi. HẾT.


            


Đã đăng trên Văn Việt



2 comments:

  1. Rồi đây sẽ có vàng mã hình nhân em Ngọc Trinh hay mấy em chân dài sâu bít đốt xuống dưới cho anh nào có nhu cầu pháo chân dài ở thế giới bên kia..kaka

    ReplyDelete
  2. Bài viết rất hay hy vọng dân mình sẽ ngộ ra phần nào.

    ReplyDelete