Pages

May 7, 2017

Bàn về Phật pháp, đi chùa, lạy phật, ăn oản và phóng sinh

I. PHẬT PHÁP


(Bài chỉ nói những điều căn bản nhất của đạo Phật, tức là dành cho những người cho rằng đi chùa, lậy Phật hay cúng dường… là những biện pháp xin xỏ, cầu khẩn để được Phật hay các vị bồ tất phù hộ, friends nào biết rồi, xin đừng đọc và nếu có đọc xin chớ phê bình là quá đơn giản)

Một bức tượng của Phật tại Sarnaththế kỷ thứ 4Công Nguyên.

Phật (Bụt) là một người phát hiện và truyền bá cho thế gian bốn chân lí tối thượng sau đây (gọi là Tứ diệu Đế):

1. Đời là khổ (Khổ đế): Sinh, lão, bệnh, tử là khổ, bị chia lìa với người mình thân và phải sống cạnh người mình ghét là khổ..v..v.. Nhưng theo tôi, rất nhiều nỗi khổ là do mình tự tạo ra, ví dụ, một câu nói mà mình cảm thấy “đau” xẩy ra cách đây mấy ngày, thậm chí mấy năm, mà mình chưa “trả thù” được; hay người hàng xóm lấy được chồng/vợ, xây được nhà to/cao hơn nhà mình và mình thấy tức tối trong lòng… hay những nỗi ân hận vì những việc làm/lời nói trước đây của mình, hoặc lo lắng về tương lai: vợ/chồng có được như ý không, ngành đang học lúc ra trường có “hot” không..v..v.. Đấy đều là những đau khổ và lo lắng, sợ hãi vô ích vì chúng không có thật, là mình tự làm khổ mình. Phật pháp giúp giải quyết, làm nhẹ được những đau khổ đó.

2. Nguyên nhân của đau khổ (Tập đế):

- Có những nỗi khổ như thế là do lòng tham: tham những thứ vượt quá khả năng của mình, dẫn đến những việc làm phạm pháp… Bớt tham thì sẽ bớt được rất nhiều khổ đau.
- Do mình dễ tức giận: Va chạm xe nhẹ mà mình nổi đóa lên, thế là thành ẩu đả, thậm chí giết người… vợ/chồng mới nói nhẹ nhàng mình đã lên giọng, thế là thành cãi vã…
- Do ngu dốt (gọi là vô minh): Những câu nói mà mình cho là “đau” đâu có còn liên quan đến mình, mình nghĩ về nó là mình tự buộc vào thân những thứ vô nghĩa, tự làm khổ mình; người hành xóm mặc áo đẹp/có nhẫn kim cương đẹp/xây nhà cao/lấy được vợ đẹp cũng đâu có ảnh hưởng gì tới mình, mình tức giận, đau khổ là tại mình. Hay những việc đã qua, có buồn cũng đâu có sữa chữa được, lo lắng về tương lai cũng là việc làm vô nghĩa vì nó chưa chắc đã xảy ra, mà có xảy ra thì lúc đó hoàn cảnh cũng thay đổi rồi…
- Còn những nguyên nhân khác có thể làm cho mình bị đau khổ như kiêu ngạo, nghi ngờ mọi người và mọi thứ…

3. Chấm dứt đau khổ (Diệt đế): Phật nói rằng đời là khổ, nhưng Ngài cũng nói rằng có thể diệt trừ được đau khổ và lúc đó tâm hồn ta sẽ thanh thản, gọi là Niết Bàn. Nếu có tư duy và hành động đúng đắn thì ta sẽ thấy ngay rằng rất nhiều nỗi khổ đau là do ta tự gây ra cho mình. Hơn thế nữa, ngay cả những đau khổ mang tính vật lí, như đói khát, bệnh tật… nếu hiểu Phật pháp thì cũng sẽ thấy đỡ đau khổ hơn.

4. Con đường thoát khổ (Đạo đế): Có 8 cách làm giảm khổ đau. 1. Chánh kiến: Thấy và hiểu đúng về đạo đức của cuộc sống, đâu là thiện đâu là ác; 2. Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn, không nghĩ những điều bất thiện, tức tối, hờn giận, hãm hại người khác…; 3. Chánh ngữ: Nói những lời êm dịu, ôn hòa, không nói dối, không vu khống, không đặt điều cho người khác…; 4. Chánh nghiệp: Hành động đúng đắn, không giết người, không trộm cắp, không buôn gian bán lận…; 5. Chánh mạng: Mưu sinh bằng những nghề nghiệp chân chính, hợp pháp…; 6. Chánh tinh tấn: Nỗ lực đúng đắn, không làm điều ác, tìm cách làm điều thiện; 7. Chánh niệm: Nghĩ nhớ những điều đúng đắn, không nghĩ tới những điều sai quấy; 8. Chánh định: Tập trung tư tưởng đúng đắn, đừng để tâm trí bị rối loạn.

LÍ NHÂN QUẢ: Đạo Phật còn có 1 nguyên tắc quan trọng nữa là lí NHÂN QUẢ: Mọi sự kiện, mọi hiện tượng đều có nguyên nhân; nếu đủ nhân và duyên thì nhất định sẽ có kết quả. Ví dụ, hạt thóc là nhân của cây lúa, nhưng hạt thóc phải được gieo xuống chỗ đất có đủ chất dinh dưỡng, đủ độ ẩm và ánh sáng.. thì mới có cây lúa… đất đủ dinh dưỡng, đủ độ ẩm và ánh sáng.. là duyên. Đủ nhân và duyên thì chắc chắn đến mùa sẽ có thu hoạch. Không đủ nhân và duyên thì có cúng bái, lậy lục ai cũng không thể có thu hoạch. Những việc khác cũng như thế cả. Tất cả đều do nhân duyên mà ra.
ĐẤY LÀ NHỮNG TRIẾT LÍ CĂN BẢN NHẤT CỦA ĐẠO PHẬT. Nếu bạn là người tại gia, hàng ngày phải đi làm kiếm sống và nuôi gia đình thì hiểu, luôn luôn tâm niệm và thực hành những điều đó là được rồi.

Như vậy, đạo Phật là đạo giúp người ta tự giải thoát khỏi những khổ đau, nhất là những đau khổ do tự mình “cột lấy mình”, chứ không phải là tôn giáo thần bí hay có thể cúng bái, kêu cầu mà được.

II. THỰC HÀNH

1. Tất cả các phật tử đều được dạy phải thực hành ngũ giới:

- Không sát sinh: Trước hết tất nhiên là không được đánh, giết người; ngay cả khi bất đắc dĩ phả ra tay giết hại các con vật thì cũng không được lấy việc sát sinh và hành hạ chúng, kể cả những con vật có hại như muỗi, gián chuột… làm niềm vui. Xét như thế, các loại lễ hội có tính bạo lực như đâm trâu, chém lợn, treo trâu đến chết đều là trái với lời Phật dạy.

- Không trộm cắp: Nói rộng ra là không được tham của cải của người khác, không mua gian bán lận, không lừa đảo..v.v.

- Không tà dâm: Chưa có vợ chồng mà tà dâm có thể phải nuôi con ngoài ý muốn, khổ cả mình, khổ cả đứa bé; có vợ chồng rồi mà tà dâm có thể tan cửa nát nhà.

- Không nói dối: Nói rộng ra là không nói những lời dối trá, đặt điều, vu khống, gây chia rẽ, không tọc mạch vào đời tư của người khác rồi đem ra đàm tiếu… Luôn luôn phải nhớ: Lời nói đọi máu.

- Không uống rượu: Nói rộng ra là không cờ bạc, rượu chè, không tiêm chích ma túy..

2. Cũng có thể thực hành theo Bát chánh đạo: 1. Chánh kiến: Thấy và hiểu đúng về đạo đức của cuộc sống, đâu là thiện đâu là ác; 2. Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn, không nghĩ những điều bất thiện, tức tối, hờn giận, hãm hại người khác…; 3. Chánh ngữ: Nói những lời êm dịu, ôn hòa, không nói dối, không vu khống, không đặt điều cho người khác…; 4. Chánh nghiệp: Hành động đúng đắn, không giết người, không trộm cắp, không buôn gian bán lận…; 5. Chánh mạng: Mưu sinh bằng những nghề nghiệp chân chính, hợp pháp…; 6. Chánh tinh tấn: Nỗ lực đúng đắn, không làm điều ác, tìm cách làm điều thiện; 7. Chánh niệm: Nghĩ nhớ những điều đúng đắn, không nghĩ tới những điều sai quấy; 8. Chánh định: Tập trung tư tưởng đúng đắn, đừng để tâm trí bị rối loạn.

Đối với những người đang sống tại gia, hàng ngày phải làm lụng bươn chải kiếm sống, tôi thấy năm điều sau đây là quan trọng, cấp bách hơn cả: 1. Chánh kiến: Thấy và hiểu đúng về đạo đức của cuộc sống, đâu là thiện đâu là ác;2. Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn, không nghĩ những điều bất thiện, tức tối, hờn giận, hãm hại người khác…; 3. Chánh ngữ: Nói những lời êm dịu, ôn hòa, không nói dối, không vu khống, không đặt điều cho người khác…; 4. Chánh nghiệp: Hành động đúng đắn, không giết người, không trộm cắp, không buôn gian bán lận…; 5. Chánh mạng: Mưu sinh bằng những nghề nghiệp chân chính, hợp pháp…

Những cái này cũng không khác ngũ giới là mấy, chỉ là các nói khác đi mà thôi.

3. Để cho tâm trí không bị loạn động, không ân hận, tức tối vì những chuyện đã qua, không lo lắng vu vơ về những thứ chưa tới trong tương lai, người phật tử còn có thể trì danh niệm Phật, tức là niệm câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, nhưng khi niệm phải nhất tâm và nhiếp tâm, tức là không để cho tâm trí nghĩ hết đến chuyện nọ chuyện kia, không vừa bán hàng vừa niệm hay niệm cho xong 500 lần để mong có công đức. Người phật tử cũng có thể tọa thiền: Ngồi kiết già hay bán già, theo dõi hơi thở ra, hơi thở vào.

4. Cúng dường tam bảo, làm công quả, làm từ thiện…

Nhưng nên nhớ: Dù bạn có làm gì thì đấy cũng chỉ phản ảnh vào chính tâm trí của bạn; những câu nói như: Vãng sanh miền cực lạc hay Vãng sanh Tây phương cực là lối nói ẩn dụ: Tâm trí bạn thanh tịnh, an lạc chính là miền cực lạc rồi, không còn miền nào khác. Dù bạn có theo thày nào và tu tập bao lâu theo đạo Phật thì bạn cũng sẽ chẳng có phép mầu nào hết, những người nói rằng ngồi thiền hay tu theo môn phái nào khác sẽ có thể thăng thiên độn thổ, hô phong hoán vũ hay có thể trục xuất được sỏi thận, sỏi mật.. cho người khác là sai. Có thể có những phép tu giúp người ta có những quyền năng như thế, nhưng đấy dứt khoát không phải là Phật pháp. Phép màu của đạo Phật chính là con người, dù làm gì cũng làm với tâm thanh tịnh, không lo lắng, không mong cầu, tự do tự tại, bước những bước chậm rải, tự tin ngay trên mảnh đất này hay như người ta thường nói: “Gánh nước bửa củi tài”.

III. ĐI CHÙA

1. HỎI: Nếu hầu hết những đau khổ của chúng ta là do tham, sân, si.. và do những tiến trình tâm lí của chính chúng ta mà ra thì có cần đi chùa không?

TRẢ LỜI: KHÔNG và CÓ.

KHÔNG đi vào những ngôi chùa mà người ra vào nườm nượp chẳng khác gì chợ Bến Thành, hòm công đức bao vây khắp nơi vì vào đó thân tâm bạn chẳng những không được an lạc mà còn bị rối loạn thêm.

KHÔNG đi vào những ngôi chùa mà người trụ trì ở đó nói rằng biết xem số tử vi cho bạn, biết cúng sao giải hạn, biết xem hướng làm nhà, xem ngày cưới hỏi… vì đấy không phải là Phật pháp, những người đó đang hành tà đạo để kiếm cơm. Xem link: https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/cung-dang-sao-giai-han-la-nhan-thuc-lech-lac-511064.html

KHÔNG đi vào những ngôi chùa mà người trụ trì ở đấy làm cho bạn lo lắng về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ hay sắp xảy ra trong tương lai, ví dụ mỗi ngày phải tụng kinh bao nhiêu lần hay phải nộp cho chùa bao nhiêu thì mới được vãng sinh về nơi nọ nơi kia. Xin nhớ: Đạo Phật dạy ta sống an lạc từng giây phút, sống ngay tai đây và lúc này.

ĐI vào những chùa tương đối thanh vắng, trước hết là ngoạn cảnh, sau đó là để cho tâm hồn thư thái. Nếu vị trụ trì ở đó tổ chức pháp thoại (nói chuyện về Phật pháp thì càng tốt).

Lạy Phật

2. HỎI: Tại sao khi lậy Phật lại phải cúi sát đầu xuống đất?

TRẢ LỜI: Người ta gọi Đức Phật là ĐẠI DƯỢC SƯ, tức là người thày thuốc cực kì giỏi, pháp mà Ngài truyền lại cho thế gian có thể giúp chúng sinh chữa được nhiều thứ tâm bệnh, vì vậy mà ta phải cung kính trước tượng của Ngài. CÚI ĐẦU SÁT ĐẤT LÀ BIỂU HIỆN CỦA THÁI ĐỘ KHIÊM CUNG. Nhưng khiêm cung không phải là quỵ lụy xin xỏ. Cũng tương tự như việc, ví dụ, bạn thích vật lý học và bạn mua về nhà tượng ông Newton hay ông Einstein và hàng ngày đứng nghiêm trang trước tượng của các ông để động viên mình cố gắng học tập thôi. Nghiêm trang cung kính để tự động viên mình chứ không phải xin xỏ, mà có xin các ông ấy cũng chẳng làm bạn giỏi vật lý được. Đạo Phật là đạo tự thực hành, ai thực hành người đó bớt khổ, còn nếu chỉ đến chùa, lạy lục… thì cũng tương tự như nhìn người ta ăn cơm mà mình không ăn, không thể no được. Viếng chùa, lạy Phật không phải là mong được các Ngài ban cho tiền bạc hay sức khỏe hay thực hiện trọn vẹn một vụ lừa đảo mà là thấy hình bóng các Ngài để thêm tinh tiến trên đường tu đạo. Với người còn sơ cơ thì đấy là làm những việc thiện, nói lời thiện và nghĩ điều thiện.

Phật và các vị bồ tát không phải là cán bộ, đảng viên, các Ngài không cần tiền, không nhận đút lót

3. HỎI: Tại sao phải cúng dường tam bảo?

TRẢ LỜI: Cúng dường tam bảo trước hết là để bạn bớt tham, bạn chia tay với tờ 100 ngàn mà không mong cầu điều gì, vẫn thấy lòng thanh thản thì đấy là cúng dường. Nếu bạn bỏ vào hòm công đức cả triệu đồng với ước muốn được Đức Phật hay các vị bồ tát phù hộ thì đấy không phải là cúng dường, thậm chí bạn còn làm cho mình thêm tham lam hơn. Cúng dường tam bảo không phải là đút lót mà là đóng góp cho nhà chùa, đóng góp cho những vị tu hành đang sống trong chùa để họ có điều kiện làm Phật sự, do đó, nếu ta muốn đóng góp cho nhà chùa 10 ngàn, 20 ngàn hay 100 ngàn... thì cứ đóng góp, việc gì phải đổi thành tờ 1 ngàn hay 2 ngàn rồi bỏ vào hòm công đức trước mỗi bức tượng vài ngàn. Đấy có lẽ cũng do tâm lí của người ta là rất khó bỏ vào hòm một lúc khoản tiền lớn cho nên các chùa mới làm thành nhiều hòm công đức, nhưng việc đó vô tình đã cho chúng sinh hiểu lầm, tưởng là có thể đút lót cho các vị Phật để mong họ phù hộ cho mình.

Tấm Cám, câu chuyện đầu ngô mình sở

Nhân đây xin nói về câu chuyện Tấm Cám rất thịnh hành, ở Việt Nam ai cũng biết, ai cũng kể được. Đây là câu chuyện hoàn toàn sai: Bụt (Phật) không thể giúp cụ thể cho một người nào. Ngài chỉ giúp cho chúng ta nhận chân được các sự kiện trên thế gian như chúng vốn là, chấp nhận chúng và tự giải thoát cho mình khỏi những khổ đau mà mình tự gây ra cho mình. Đức Phật luôn luôn nói: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy tự làm hòn đảo của chính mình; Ngài không thể biến xương cá thành quần áo dày dép. Chuyện này vô hình trung truyền cho người ta tâm lí cầu xin, hoàn toàn trái với tinh thần của đạo Phật. Hơn nữa, một người đã được tiếp xúc trực tiếp với Phật mà lại có hành động báo thù tàn độc như Tấm thì càng trái với Phật pháp. Tóm lại, Tấm Cám là câu chuyện đầu ngô mình sở, chứng tỏ rằng người Việt ít chịu dùng lí trí để suy xét.

Xin nhắc lại: Phật và các vị bồ tát không phải là trưởng phòng cán bộ, không phải là nhân viên quản lí thị trường hay công an giao thông... các Ngài không nhận đút lót.


IV. ĐỐT VÀNG MÃ TRONG CHÙA

Đốt vàng mã là trái với giáo lý nhà Phật

Đức Phật sinh tại miền Bắc Ấn Độ (hiện hay là Nepal), ở đấy không có tục đốt vàng mã. Khi còn tại thế, Đức Phật chỉ có một bình bát, hai bộ quần áo để thay đổi. Ngài chỉ khất thực chứ không lấy tiền. Ngài không ngủ ở một gốc cây trong hai đêm. Ngài đã nhập niết bàn cách đây 2560 năm rồi. Nhập niết bàn tức là không bao giờ trở lại thế giới ta bà này của chúng ta nữa. Cõi Phật vãng sanh tất nhiên cũng không dùng tiền. Xin hỏi: Khi còn mang hình hài như chúng ta, Ngài không cần tiền, không cần nhiều quần áo, đầu Ngài cạo trọc, thế thì khi đã niết bàn rồi Ngài còn dùng mấy thứ hàng mã đó vào việc gì?

Từ đo suy ra rằng đốt vàng mã ở chùa chính là phỉ báng Phật, phỉ báng Pháp và phỉ báng Tăng. Những ngôi chùa mà để cho người ta bày bán vàng mã ở trước cửa hay xây hẳn nơi đốt vàng mã là những ngôi chùa không đáng tin, và nói chung, những ngôi chùa bày ra trò cúng bái như dâng sao giải hạn, xem tướng số, xem ngày giờ tốt… đều là không đáng tin cả.

Phật là người biết rằng đời là khổ và chỉ cho chúng sinh những phép tu, gọi là bát chánh đạo, để thoát khổ. Ai tu người đó chứng, chứ không thể cầu cùng mà thoát khổ được, cầu cúng, xin xỏ là việc làm vô ích. Phật và các vị bồ tát không phải là tiên, không phải là thánh; các Ngài không có tiền bạc, không có một kho hạnh phúc để có thể ban phát cho chúng sinh. Cho nên đi lễ chùa là để thấy hình tướng Phật, hình tướng các vị bồ tát và coi đấy là nguồn động viên cho thiện nam tín nữ tinh tấn trên đường tu tập, trên đường bỏ ác, làm thiện chứ không phải là để cầu xin hay cúng kiếng, đốt vàng mã để mong các Ngài phù hộ. Đi lễ chùa như thế thì đừng đi còn hơn.



KẾT LUẬN: VÀNG MÃ KHÔNG CÓ ÍCH GÌ CHO NGƯỜI CHẾT, NHƯNG LÀ THỨ TỐN TIỀN CỦA NGƯỜI SỐNG VÀ CÓ THỂ GÂY RA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG. ĐỐT ÍT ĐI TỪNG NÀO HAY TỪNG ĐÓ MÀ KHÔNG ĐỐT NỮA THÌ CÀNG HAY.

Đáng mừng là đầu năm 2018 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-de-nghi-bo-tuc-dot-vang-ma-431122.html


V. ĂN OẢN

Ăn oản ở đây muốn ám chỉ những thứ “lộc” mà chúng ta nhận được khi đi chùa hay tham gia bất kì lễ hội nào khác, chứ không chỉ là việc ăn oản trong chùa.

Trước hết, người Phật tử phải luôn luôn tâm niệm rằng bất cứ cái gì khuyến khích bạo lực, khuyến khích lòng tham, khuyến khích thói kiêu ngạo… đều là trái với Phật pháp. Vì vậy, những lễ hội có mùi bạo lực, như chém lợn, đâm trâu, treo trâu lên cây cho đến chết… đều là trái với Phật pháp, không nên tham gia.

Còn khi vào chùa hay tham gia những lễ hội có phát “lộc” hay những món đồ có tính lưu niệm như kiểu “ấn đền Trần” thì ta có thể nhận những thứ đó như kỉ niệm vui, có thể lưu giữ ở nhà như là bằng chứng nói rằng, ngày ấy, tháng ấy.. ta đã từng có mặt tại lễ hội đó. Thế thôi. Đừng bao giờ hy vọng rằng những thứ đó sẽ đem lại may mắn cho bạn, vì nghĩ thế lá trái với LÝ NHÂN QUẢ của nhà Phật. Giả dụ những thứ đó có mang lại may mắn thật cho bạn đi nữa thì nó cũng phải xảy ra một cách tự nhiên, như thể này xưa những người con gái gia đình quyền quý “gieo cầu” để chọn chồng vậy. Ngày hôm đó các nho sinh tập hợp dưới sân, còn người con gái đứng trên lầu tung quả cầu xuống, trúng ai thì sẽ lấy làm chồng. Hoàn toàn ngẫu nhiên chứ không có chuyện tranh cướp. Cũng tương tự như việc bạn tin rằng đi đâu ra cổng mà gặp đàn ông thì sẽ may mắn vậy: Sự may của bạn trong trường hợp này (nếu có) là do “Ông Trời” sắp xếp sẵn, người đàn ông mà vô tình bạn gặp ngoài ngõ chỉ là “tín hiệu” do “Ông Trời” gửi cho bạn mà thôi (mở ngoặc, tôi không tin). Bảo một người đàn ông đứng sẵn trước cửa nhà không làm cho bạn gặp may, cũng như bố trí một người đàn bà đứng trước của nhà tay hàng xóm mà bạn ghét không thể làm cho hắn gặp rủi được. May rủi phải thật tự nhiên, chứ không thể sắp xếp hay tranh cướp mà được. Ngày nay, nếu tham gia lễ hội theo tinh thần như thế thì ai đến trước sắp hàng trước, lễ vật được khiêng qua, ai giơ tay với trúng trước thì người đó nhận. Mọi thứ đều làm một cách nhẹ nhàng và lịch sự; bởi vì nó chỉ là một thú chơi tao nhã mà thôi. Không nên biến nó thành trò tranh cướp.

Chỉ nên coi Ấn đền Trần là món quà kỉ niệm

Theo lí nhân quả, hiện nay muốn làm quan thì bạn phải là con quan lớn và dám lấy tiền nhà nước đem ra chia nhau và dút lót cho cấp trên, hai cái đó là nhân; Ấn đền Trần chỉ là duyên, cướp được nó sẽ làm cho bạn quyết tâm hơn trong việc “chạy” chức chạy quyền. Không có nhân thì bao nhiêu duyên cũng vứt. Bạn có đủ nhân chưa? Tương tự như thế, muốn giàu nhanh thì doanh nghiệp của bạn phải có ông quan nào đó bảo kê, nếu không bạn sẽ khó trốn thuế và khó vay tiền ngân hàng, lại hay bị thanh tra. Ở đây có quan bảo kê là nhân, còn tới Đền Bà Chúa Kho vay tiền là duyên. Nhưng trong cả hai trường hợp này đều phải xa chạy cao bay trước khi ông quan bảo kê cho mình về vườn hay mất chức, bởi vì người ta thường không đánh được hổ mà lại hay đập chết ruồi.

Lễ hội thế này thì gì là văn hóa

Xin hỏi: Tôi và bạn, tức là những người trần mặt thịt chúng ta, có bao giờ giúp cho những đứa con hư lừa bịp, ăn chặn những đứa con ngoan hay không? Chắc chắn câu trả lời sẽ là KHÔNG! Thế thì nếu quả thật có Chúa, Phật, Thánh, Thần... - những người nhìn thấy hết, biết hết và chẳng cần gì hết - có giúp đỡ, có phù hộ cho những kẻ bịp bợm, lừa đảo, ăn hối lộ để chúng tiếp tục lừa bịp, đàn áp... chúng sinh hay không? Câu trả lời chắc chắn cũng là KHÔNG! Cho nên nếu đã tin có Chúa, có Phật, có Thánh, có Thần thì chỉ có 1 cách là HỌC HÀNH, LÀM VIỆC CHĂM CHỈ, TU THÂN, TRUNG THỰC mà thôi. Tham gia lễ hội, nếu được lộc hay nhận được bản sao ẤN ĐỀN TRẦN hay bất cứ thứ gì khác thì cũng chỉ là một kỉ niệm vui, chứ đừng tin những lời này: “lộc thánh không tự nhiên đến mà phải có sự nỗ lực, ai cướp được là may mắn” của ông Phan Đăng Long, Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội, để rồi tranh cướp nhau, làm cho lễ hội mất vui và cũng mất cả văn hóa.

VI. PHÓNG SINH

1. Một trong những giới luật quan trọng nhất của Phật giáo là KHÔNG SÁT SINH, như thế nghĩa là phóng sinh nhằm giữ giới luật là PHÓNG SINH ĐÚNG. Đấy là khi ta bẫy được con chim hay con thú hoặc đánh lưới được con cá nhưng thấy chúng nhỏ quá, chúng đang mang thai hay lúc đó trong ta bỗng xuất hiện lòng trắc ẩn và muốn thực hành giới luật không sát sinh, ta đem thả con mồi ra, không ăn thịt nó nữa. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật: Gieo nhân lành thì sẽ được vô số phước báu.

Phóng sinh sai

2. Trước các nhà chùa mùa lễ hội thường có một số người đem chim tới bán cho thiện nam tín nữ làm việc gọi là phóng sinh. Đây là PHÓNG SINH SAI vì phần lớn những con chim đó đã bị đói ăn, khát uống mấy ngày liền và chắc chắn là sẽ chết, tức là mua và thả chúng không những không giúp giữ giới mà còn làm nặng thêm tội sát sinh. Lòng trắc ẩn ở đây đã bị đặt sai chỗ, nó tạo nghiệp chướng không chỉ đối với người bắt chim, người bán chim mà cả người thả chim nữa. Hơn nữa, nếu không có người hiểu lầm về phóng sinh, không mua những con chim đó thì những người bắt chim và bán chim sẽ đi là việc khác, ích nước lợi nhà hơn. Tóm lại, mua và phóng sinh những con chim bị người ta bắt và đem bán là tạo nghiệp xấu và quả báo cho cả mình lẫn người, rất không nên làm.

3. Một số người mua cá trong ao rồi mang ra sông thả cũng không phải là phóng sinh (chúng có bị đe dọa giết đâu mà cần phóng sinh?). Trong trường hợp này, nếu đấy là loài cá giúp gia tăng nguồn lợi thủy sản thì cũng là việc tốt. Nhưng nói đấy là phóng sinh là sai.

Làm việc nhảm nhí, không chịu suy xét

4. Thả những con cá cảnh trong ngày 23 tháng chạp, coi chúng như là phương tiện đưa Ông Táo về trời là chuyện tào lao. Hầu hết những con cá này rồi sẽ chết. Đấy là việc làm tốn công, tốn tiền vô ích. Không những thế, nhiều người còn vô ý thức vất cả bao ni lông xuống ao hồ, gây thêm ô nhiễm nữa.



VII. CẦU SIÊU

Đạo Phật là đạo không có giáo chủ, không có vị Chúa tối thượng; như đã nói trong các bài trước, đây là đạo tự tu tự chứng, chứ không thể nào cầu xin mà được. Trong các kinh Phật cũng không có chỗ nào nói rằng đông người cầu thì người chết sẽ siêu thoát tới chỗ nọ chỗ kia. Người viết ngờ rằng, ban đầu, đây chỉ là một cách thể hiện tình thương của những người đồng tu trước một đạo hữu đang bước lên đoạn đường cuối cùng trong cuộc đời này, cũng như những người lính bồng súng hay bắn chỉ thiên vĩnh biệt người bạn đồng ngũ hoặc thường dân như chúng ta đọc điếu văn trước linh cữu người quá cố mà thôi. Dần dần việc cầu siêu lan ra công chúng và thế là có người lợi dụng việc này để làm tiền. Nhiều sư sãi chưa thoát tục, đời xưa đã vậy, đời nay lại càng nhiều hơn.

Cầu siêu

Đặc biệt, dân mình rất thích đi tắt đón đầu. Thi thì học tủ, không cần biết Phật pháp nhưng rất muốn được siêu thoát, được vào Niết bàn. Thế là khi sống tha hồ buôn gian bán lận, tha hồ lừa đảo cướp bóc, tha hồ làm ra luật nọ luật kia để bịp mồm bịp miệng, bỏ tù đồng bào mình, nhưng khi chết con cháu bỏ ra một phần tiền đã lừa đảo/cướp bóc được để mời mấy người hành nghề đi tu về làm lễ cầu siêu, để mong…

Không có đâu! Xin hỏi: Mấy chục hay mấy trăm người đầu trọc đó cầu mà siêu thoát được thì hàng ngàn hàng vạn người nguyền rủa có làm cho người nằm trong quan tài hay dưới huyệt mộ xuống địa ngục không?

Cho nên nếu khi còn sống thường đi lễ chùa, thường làm công quả hoặc cúng dường tam bảo rồi lúc lâm chung có nhà sư chân chính hoặc bạn đồng tu tới nhà cầu siêu thì quá hay. Nghi lễ này chắc chắn làm cho người hấp hối cảm thấy được trợ lực trên đoạn đường cuối cùng trong cõi ta bà này và vì thế mà có thể siêu thoát, không bao giờ trở lại cõi ta bà này nữa (các nhà huyền môn nói thế, chứ người viết đã chết đâu mà biết), còn người thân thì cảm thấy được an ủi trước cảnh tử biệt sinh li. Nhưng chẳng nên bỏ ra quá nhiều tiền cho những thủ tục này. Nó chẳng giúp ích gì cho người chết mà chỉ chứng tỏ thói xa hoa, dị hợm và vô minh của người đang sống mà thôi.

NGHĨ ĐIỀU THIỆN, NÓI LỜI THIỆN, LÀM VIỆC THIỆN NGAY KHI CÒN SỐNG LÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT DUY NHẤT. KHÔNG CÓ CON ĐƯỜNG NÀO KHÁC. CẦU KHÔNG SIÊU ĐƯỢC ĐÂU!

P/S: Có người hỏi: Có nên hộ trì nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật cho người sắp chết, đã chết không? Có lợi ích gì cho người chết?

Đây là câu trả lời của tôi: Chết là sự kiện kinh khủng nhất của một đời người, trừ những người đã đắc đạo, còn nói chung, tất cả chúng ta đều rất sợ chết. Cho nên nếu người sắp chết đã biết một chút Phật pháp, đã tin đạo Phật thì hộ trì nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật cho họ lúc lâm chung là việc cực kì hay như tôi đã viết bên trên: “Nghi lễ này chắc chắn làm cho người hấp hối cảm thấy được trợ lực trên đoạn đường cuối cùng trong cõi ta bà này và vì thế mà có thể siêu thoát, không bao giờ trở lại cõi ta bà này nữa (các nhà huyền môn nói thế, chứ người viết đã chết đâu mà biết), còn người thân thì cảm thấy được an ủi trước cảnh tử biệt sinh li”. Nhưng những người khi sống chỉ làm toàn việc ác, chưa từng đọc kinh Phật mà chỉ tin vào dối trá và bạo lực thì thủ tục này có lẽ là thừa.



VIII. TƯ TU, TỰ CHỨNG

Xin cùng đọc lại đoạn 160 trong Pháp Cú, một trong những kinh điển cổ xưa và súc tích nhất của Phật Giáo, lúc đó còn ở dạng Nguyên thuỷ, sau mới thành Tiểu thừa:

Kinh Pháp cú (160)
Attā hi attano nātho
ko hi nātho paro siyā,
attanā va sudantena
nāthaṃ labhati dullabhaṃ.

Tiếng Anh
One indeed is one's own refuge;
how can others be a refuge to one?
With oneself thoroughly tamed,
one can attain a refuge (i.e., Arahatta Phala),
which is so difficult to attain.

Tiếng Việt
“Tự mình y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Ðược y chỉ khó được.”



Bản dịch tiếng Việt khó hiểu với người hiện nay, nhưng bản tiếng Anh thì tương đối dễ hiểu:
“Mình là chỗ dựa (refuge) của chính mình
Làm sao người khác lại là chỗ dựa của mình?
Sau khi đã thuần hóa hoàn toàn con người mình (thuần hóa, tame – cũng như thuần hóa con vật hoang dã, ý là làm cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của mình hoàn toàn hướng thiện)
Thì mình sẽ đạt được chỗ dựa khó được”.

Hiểu được như thế ta sẽ biết tại sao trong cuộc hội kiến lịch sử với Bồ Đề Đạt Ma vào năm đầu Đại Thông (527), vua Lương Vũ Đế đã nêu lên trăn trở: Trẫm một đời tạo tự, độ Tăng, thiết trai bố thí, được bao nhiêu công đức?

Tổ Đạt Ma đáp: Không có công đức.

Ý của Tổ là “tạo tự, độ tăng, thiết trai bố thí” chỉ là bên ngoài, tâm Phật là bên trong mình; làm những việc như Lương Vũ Đế thì cũng tương tự như nấu cơm cho người ta ăn mà chính mình không ăn. Không thể no được.


Kết luận: Xây chùa, dựng tượng, cúng dường tam bảo là việc nên làm, nhưng không tự tu tâm mình để cho tâm ngày càng thanh tịnh thêm thì cũng vứt!

Nói đạo Phật là đạo tự tu tự chứng là như thế.
 
 
XX. Giải thích câu: “Tâm viên, ý mã”
 
Những người đọc kinh sách Phật giáo đều biết câu “tâm viên, ý mã”, nghĩa là tâm ý của chúng sinh luôn luôn lăng xăng như con vượn, thay đổi nhanh như con ngựa phi. Đang mơ màng nghĩ về việc này lại quay sang lo về việc khác, không phải với tốc độ của vượn, của ngựa; mà phải nói nhanh như tốc độ của ánh sáng. Ngồi ở nhà hoặc đang làm gì đó mà có khi lại mường tượng những địa điểm như tháp Eiffel hoặc Tử Cấm Thành, hoặc những nhân vật như Quan Công, Trương Phí, hoặc một người bạn nào đó thuở thiếu thời, hoặc buồn bã vì quá khứ, lo lắng về tương lai… Tóm lại, tâm trí của chúng sinh hoạt động liên tục, không bao giờ ngơi nghỉ. Các thiền sư thường nói rằng như vậy là cơ thể mình chia thành nhiều mảnh, mỗi nơi một mảnh.
 
 
 
Trong khi đó, đạo Phật là đạo dạy người ta sống tại đây và ngay lúc này. Tâm trí cứ rong ruổi như thế tức là không thực sống tại đây và lúc này. Trong khi tắm mà tâm trí chạy nhảy lung tung thì đâu có cảm thấy được dòng nước mát đang chảy trên cơ thể, trong khi ăn mà cãi nhau với ai đó ở trong đầu thì đâu có cảm thấy được mùi vị của thức ăn… Có câu: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” tức là “Tâm trí không ở một chỗ, thì dẫu nhìn mà chẳng thấy, dẫu lắng tai mà chẳng nghe, dẫu ăn mà chẳng biết mùi vị”.
 
Cho nên một trong các phép tu của đạp Phật là “chánh niệm”: làm cái gì đều để toàn tâm toàn ý vào cái đó. Ăn chỉ ăn, tắm chỉ tắm, rửa bát chỉ rửa bát… Có như vậy ta mới thật sự sống từng giây từng phút trong hiện tại, mới cảm thấy cuộc sống đang ở cùng ta và xung quanh ta. Còn nếu cứ làm việc này nhưng đầu lại nghĩ đến việc khác thì không thực sự sống, không sống cuộc đời trọn vẹn, không cảm được toàn bộ cái tuyệt vời của đời sống.
 
Ngồi thiền để biết rõ rằng tâm mình luôn chạy lăng xăng và tìm cách chế ngự nó, không cho nó chạy lăng xăng như khỉ như vượn nữa. Còn khi không ngồi thiền thì luôn giữ “chánh niệm”, làm việc gì chú tâm vào việc đó. Các thiền sư hay bảo người ta chánh niệm trong khi rửa bát vì rửa bát là việc dễ, tâm trí có thể chạy lăng xăng mà vẫn rửa được. Nhưng như thế là ta không thực sự sống những giây phút rửa bát, không thấy được cái hay cái đẹp của giây phút hiện tại. Thực tập “chánh niệm” mọi lúc mọi nơi, cho đến khi làm việc gì cũng là công việc thiêng liêng là đã đạt đạo, đạt đạo ngay trong việc gánh nước và bổ củi: “Gánh nước bửa củi tài”.
 
Nói thì dễ, nhưng làm thì khó lắm thay.


IX. TỔNG KẾT

Người ta cho rằng Phật đã thành đạo dưới gốc cây bồ đề này

1. Phật là vị ĐẠI DƯỢC SƯ vì giáo lý của Ngài giúp chúng sinh giải thoát khỏi những đau buồn, phiền muộn do mình gây ra cho mình và gây ra cho nhau. Ban đầu, chưa có tượng hay hình ảnh Đức Phật, mà người ta chiêm ngưỡng hình ảnh cây bồ đề, vì Đức Phật thành đạo dưới gốc cây bồ đề và bồ đề cũng tượng trưng cho sự giác ngộ. Đạo Phật là đạo giác ngộ, đạo giải thoát, nhưng giải thoát là giải thoát cho chính mình, mình giải thoát cho mình chứ không thể cầu cúng, xin xỏ mà được. Làm những việc như đi chùa, lạy Phật, cúng dường tam bảo, làm công quả, làm từ thiện, phóng sinh… là những việc mà người ta hay nói là “tích đức”, nhưng tích đức ở đây khác hẳn với việc khi còn trẻ kiếm tiền bạc, xây nhà… để sau này về già có chỗ ở, có tiền tiêu. Nếu hiểu tích đức cũng như tích tiền thì càng tích cóp người ta càng xa rời Phật pháp, càng thêm nhiều lòng tham. Tích đức của người Phật tử lại là xả bỏ, tức là làm việc thiện nhưng không mong cầu bất cứ thứ gì, là xả bỏ tất cả những điều bất thiện ở trong lòng và xả bỏ, quên luôn cả những việc thiện mà mình đã làm. Xả bỏ hết như thế, từng giây từng phút một, cho đến khi trong lòng không còn vướng bận bất cứ ý nghĩ nào. Đấy là lúc có thể bước đi một cách thanh thản, chậm rãi, miệng và mắt dường như lúc nào cũng phảng phất nụ cười. Đạt được như thế là tốt lắm rồi. Còn nếu đạt đến cảnh giới, mà tâm trí bình lặng như mặt hồ thu, đàn chim bay qua thì có hình ở bên dưới, qua rồi là thôi, không mong chờ, không vướng bận thì có lẽ sắp thành Phật rồi. Phật không ở đâu xa, bạn chính là vị Phật đang thành, như Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, nhọc ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền).
(HT.Thanh Từ dịch)

Tượng vua Trần Nhân Tông 

2. Tam tạng kinh điển (Kinh, Luật, Luận) của nhà Phật cực kì phong phú, chẳng ai có thể đọc hết được. Nhưng đọc Kinh Phật hay kinh của bất cứ tôn giáo nào khác, thậm chí đọc truyện cổ tích cũng cần nhớ rằng đấy là ngôn ngữ ẩn dụ, nhiều khi không được hiểu theo nghĩa đen. Xin dẫn hai ví dụ:

a. Có đoạn kinh nói đại khái: Khi gặp cảnh bão tố, hãy trì danh niệm Quán Thế Âm Bồ Tát hay Nam Mô A Di Đà… thì sẽ thoát khỏi cảnh dầu sôi lửa bỏng… Nếu hiểu theo nghĩa đen thì ta sẽ nói: Gặp bão tố thì phải bỏ chạy chứ sao lại ngồi tụng kinh? Nhưng, nếu hiểu bão tố là bão tố ở trong lòng, là cơn tức giận, ghen ghét, buồn đau… đang trào lên trong tâm can thì ta sẽ thấy ngay rằng chỉ cần ngồi xuống, bình tâm lại, chứ chưa cần tụng niệm gì thì cơn bực tức, đau buồn… đã vơi đi một nửa rồi.

b. Câu “Buông dao giết người thành Phật” nếu hiểu theo nghĩa đen thì ta sẽ nói: Mình làm bao nhiêu việc thiện, đọc bao nhiêu cuốn kinh mà vẫn là chúng sinh, chưa giải thoát được tí nào, kẻ vừa giết người làm sao thành Phật ngay được? Mà giết người thì phải bỏ trốn ngay, không thì bạn bè người bị giết sẽ giết mình hay công an sẽ bắt, sẽ bị tù, bị từ hình chứ thành Phật cái nỗi gì? Nhưng nếu hiểu “giết người” là những ý nghĩ về việc đánh, giết người vừa phát sinh trong đầu ta: Một thằng vừa phóng xe cắt ngang mặt, lập tức trong ta nảy ra ý nghĩ: Đánh chết mẹ nó đi! Hay ra chợ mua được cân cá, tưởng là cá tươi, hóa ra cá thối, ướp phân đạm; trong đầu lập tức nảy ra ý nghĩ phải trừng phạt con mẹ hàng cá..v.v.. và ..v.v.. Buông bỏ những ý nghĩ đánh giết người đó là “buông dao” đấy, mỗi lần “buông dao” là ta lại thành Phật trong một vài giây. Cứ như thế, niệm bất thiện vừa nổi lên là ta buông ngay. Buông mãi, mỗi ngày một ít. Cho đến khi, nếu thấy kẻ đang cầm dao hay cầm súng đe dọa giết người ta, vẫn có thể vung dao lên hạ sát nó mà lòng không khởi lên một chút hận thù nào mà chỉ là hành động “hại một người, cứu muôn người” mà thôi. Mình nghĩ các vua Trần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nguyên là những người như thế.



c. Các thiền sư thường nói: “Ngồi thiền thấy Phật giết Phật, thấy ma giết ma”. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì sẽ hỏi: “Ngồi thiền là ngồi im chỉ quán sát hơi thở, sao thấy được Phật, sao thấy được ma, mà nếu thấy thì lấy gì giết, mà sao lại giết Phật?” Nhưng nếu hiểu “thấy Phật, thấy ma” là những ý nghĩ về Phật và ma xuất hiện trong tâm trí lúc ngồi thiền thì ta sẽ thấy ngay là các thiền sư dạy hoàn toàn đúng: Chú tâm vào hơi thở để những ý nghĩ về Phật và ma đó đi “vào vô dư niết bàn mà được diệt độ” (Kinh Kim Cang). Nói nôm na là chú tâm vào hơi thở, không để tâm vọng động, mọi ý nghĩ về Phật, ma đều lắng xuống, cái tâm vọng động không còn vọng động nhữ. Thế là “giết Phật, giết ma đấy”.  



3. Giáo lý nhà Phật, ngoài TỨ DIỆU ĐẾ và NHÂN DUYÊN còn có KHÔNG, VÔ THƯỜNG và VÔ NGÃ, là những giáo lý khó hiểu hơn. Xin nói một chút về VÔ THƯỜNG (không có cái gì là vĩnh cửu, còn đấy rồi mất đấy, thậm chí đời người cũng chỉ là hơi thở ra và hơi thở vào, thở ra mà không hít vào nữa là coi như xong…). Nếu mọi sự đều vô thường như thế thì có nên làm gì không, có cần lao tâm khổ tứ học hành, chế tạo, buôn bán, viết sách, đấu tranh vì xã hội tự do dân chủ… hay không? Câu trả lời của mình là: Làm tất cả những việc mà lương tâm nói rằng phải làm, nhưng không mong cầu bất cứ điều gì. Được, không vui đến mức phát điên, mà mất cũng không vò đầu bứt tai, không đập đầu vào tường hay treo cổ lên. Tóm lại, làm với tâm thanh thản.


Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, cuộc gặp nào rồi cũng có lúc phải chia tay. Cám ơn bạn đã đọc, đã like, đã còm, đã khuyến khích, động viên. Thực ra tôi viết bài này như một sự tổng kết, như quá trình sắp xếp lại ý nghĩ của chính mình. Có ánh mắt của bạn ở bên cạnh là tôi rất vui rồi.
 
Phụ lục 1 (sưu tầm trên mạng) 

Phật Giáo Tiểu Thừa
===
 

 
Đây là bức hình tả Phật Giáo theo cái nhìn của người Phương Tây.....Phải tự đẽo gọt mình....Rất đau và rất khó thế thôi...Không hướng ngoại ( truy cầu, trông chờ hay đổ lỗi cho bên ngoài )....
 
Đó là Phật Giáo Nguyên Thuỷ Tinh Hoa của Đức Phật Thích Ca, mà người theo phải Tự Tu, Tự Độ ( không liên quan đến Độ Tha hay Sứ Mạng Phổ Độ Chúng Sinh ).
 
Đó là Gốc vì nó ra đời sớm nhất, hơn 600 năm trước CN.
 
Phật Giáo Tiểu Thừa không được hoan nghênh ở VN, ở nơi mà con người quen tìm nguyên nhân ở bên ngoài, có cái bên ngoài mà tựa, có cái bên ngoài mà trách đổ.
 
Thắng chính mình rất khó.
 
 
Phụ lục 2
 
 Phá hoại tôn giáo – Tội ác trời không dung đất không tha.

Thời khai sáng, thế kỉ XVIII, những người cầm bút phương Tây đã hết sức xiển dương lí tính và khoa học kĩ thuật. Công lao của họ tất nhiên là rất lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, chừng một hai thế hệ, đời sống của người phương Tây đã thay đổi một cách triệt để và sau đó thành tựu khoa học kĩ thuật đã lan tràn khắp thế giới. Tất cả mọi người đều được lợi. Đây là hiện tượng mà mọi người đều biết.

Cùng với việc xiển dương lí tính, những người cầm bút phương Tây thời kì đó còn lên án tôn giáo một cách quyết liệt, coi đây là một trong những trở ngại trên con đường đưa con người tiến tới tự do và đòi tách nhà thờ ra khỏi nhà nước. Bây giờ nhìn lại, khi thấy những quá lạm mà tôn giáo, các nhà thờ và các dòng tu đã phạm trong quá khứ, chúng ta có thể thông cảm với họ. Nhưng phủ định sạch trơn thì rõ ràng là không nên.  

Hai hiện tượng: Đề cao lí trí, coi lí trí là tất cả, cho rằng con người có thể khám phá được chân lí tối hậu, và phủ định tôn giáo đã đưa đến những hệ lụy mà chúng ta đang thấy hôm nay. Chỉ xin đưa ra vài ví dụ. Người ta đã chế tạo được vũ khí nguyên tử, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng… có thể tiêu diệt toàn bộ (thậm chí mấy lần) các sinh vật trên trái đất. Người ta đã tàn phá môi trường đến mức nhiều loài sinh vật bị tiêu diệt, đe dọa chính sự cân bằng của tự nhiên, cũng tức là đe dọa chính sự sống của con người. Những sự kiện này cũng quá nhiều, nói không bao giờ hết. 

 Nhưng kinh khủng nhất là suy đồi đạo đức. Những người có đức tin tôn giáo biết rằng mình chỉ là một cái lá như nhiều cái lá khác trên cái cây gọi là Vũ trụ, họ tự nhận thức được những quy tắc đạo đức, họ tự biết: “không được làm với người khác điều mà mình không muốn người ta làm với mình”. Còn những người sùng đạo thì tự mình tuân thủ những giới luật, những điều răn của tôn giáo, coi đấy là những điều thiêng liêng không thể nào không tuân thủ. Không còn tôn giáo, con người trở thành mất phương hướng, nhiều người hành động không khác gì thú hoang; họ chỉ còn nghĩ tới quyền lợi của bản thân và có thể làm tất cả những việc dù thất đức đến đâu. Không còn tôn giáo, người ta không còn coi mạng người là thiêng liêng nữa. Chắc chắn là mỗi người trong chúng ta đều đã nghe nói tới những vụ giết người rùng rợn hay những vụ giết người lãng nhách, chẳng vì bất cứ lí do gì. Người ta coi rẻ mạng sống của những người thân yêu nhất của mình, đấy là nạo phá thai và bỏ rơi những đứa trẻ do chính mình vừa sinh ra. Thông tin sau đây hẳn sẽ làm nhiều người sửng sốt và đau lòng: Mỗi năm Việt Nam có chừng 1,52 triệu ca nạo, phá thai, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nga, trong khi dân số Việt Nam đứng thứ 13 thế giới. Người viết cho rằng Việt Nam cũng là nước có ít đức tin tôn giáo nhất thế giới, và có mối liên hệ giữa đức tin tôn giáo và hiện tượng nạo phá thai. 


 
 Không có đức tin tôn giáo thì tất cả các quan hệ giữ người với người đều phải được luật hóa và phải có cơ quan chuyên trách theo dõi. Xin hỏi cần bao nhiêu điều luật để điều chỉnh quan hệ thày trò, quan hệ giữa bố mẹ và con cái, quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới… và bao nhiêu cảnh sát để theo dõi tất cả những thứ này?
 

 

Trong khi đó, như đã nói, các chế độ toàn trị dùng khủng bố để biến mỗi con người thành một hạt cát, một nguyên tử di động và để làm như thế, họ đã làm ngược lại thời kì Khai sáng, ngược lại với quan điểm của chủ nghĩa tự do. Nếu đòi hỏi của Khai sáng và chủ nghĩa tự do là tách nhà thờ/tôn giáo ra khỏi nhà nước thì nhà nước toàn trị lại quản lí/chỉ đạo luôn nhà thờ/tôn giáo bằng cách biến công an hay cán bộ tuyên giáo thành chức sắc tôn giáo hoặc mua chuộc các chức sắc tôn giáo, nhằm phá hoại tôn giáo/nhố nhăng hóa tôn giáo ngay từ bên trong, làm cho mọi người, nhất là giới trẻ, bị mất phương hướng, tưởng tôn giáo cũng chỉ là mấy bức tượng lòe loạt có thể dán tiền lên để cầu tài, cầu lộc. Những thứ gọi là du lịch tâm linh mà người ta đang làm hiện nay chính là biện pháp nhố nhăng hóa tôn giáo hiệu quả nhất. Chế độ toàn trị, bằng cách bịp bợp như thế, có thể kéo dài được thời gian thống trị và ăn cướp của nó, nhưng về lâu dài, xã hội, nhân dân, đất nước sẽ phải trả giá cực kì đắt và hiện nay đang trả giá rồi. Đây là tội ác trời không dung đất không tha.

Người viết cho rằng trong quá trình chuyển đổi dân chủ, bên cạnh việc xây dựng xã hội dân sự thì việc phục hồi đức tin tôn giáo cũng có vai trò quan trọng không kém và có thể còn khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, xin đề xuất: Lúc đó cần đưa tôn giáo thành môn ngoại khóa, tự chọn, một tuần 2-3 giờ trong tất cả các bậc học phổ thông, nghĩa là cháu nào theo Công giáo thì học và thảo luận, thực hành theo Công giáo, cháu nào theo đạo Phật thì học và thảo luận, thực hành theo Phật pháp.v.v.  có thể đưa thêm Pháp Luân Công vào chương trình nếu có học sinh theo học.

 

Phụ lục 3. THU HOẠCH CỦA MỘT THIỀN SINH

Đức Phật ngồi thiền dưới cội cây bồ đề và đắc đạo. Bồ Đề Đạt Ma ngồi thiền suốt 9 năm, được gọi là “Bích Diện Thiền Sư”. Trong cuốn Tâm lý bí truyền, Osho nói tới 7 cảnh giới mà thiền giả có thể đạt được. Người viết ngồi thiền chưa lâu, tâm vẫn còn rất bất tịnh, chưa đạt được bất cứ cảnh giới nào, nhưng cũng thấy 2 điều cực kì lợi lạc.

1.      1. Có ngồi thiền mới biết rõ rằng tâm trí con người liên tục bị những ý nghĩ bất chợt, chẳng có đầu có cuối gì “bỏ bom” liên tục. Có thể cho rằng tâm trí con người là một cái máy tính đang hoạt động trong chế độ “tìm kiếm siêu văn bản”. Đấy là thói quen đã có từ nhiều đời, nhiều kiếp, phải ngồi thiền thì mới biết. Thói quen đó có 2 cái hại: Một, nó tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nghe nói 24% năng lượng của chúng ta bị dùng cho cái máy chạy không tải này. Và thứ hai, nó làm ta mất tập trung, không thể suy nghĩ được điều gì một cách thấu đáo. Cái này dễ thấy, đọc sách 1 lúc mới nhận ra là mình chẳng nhớ cái gì, hay đang thái rau, lơ đễnh cắt luôn vào tay… Ngồi thiền là để dừng hẳn những ý nghĩ đó, càng lâu càng tốt. Người viết mới chỉ làm đứt đoạn dòng chảy của ý nghĩ được một vài khoảng khắc nào đó. Mỗi khoảng khắc đó có thể được coi là một cửa sổ vào “cái không”,  một khoảng khắc để tâm trí nghỉ ngơi, rất thanh bình và êm ái, còn hơn cả một giấc ngủ say. Khi không ngồi thiền, ví dụ đang ăn cơm hay uống nước mà nhận ra là những ý nghĩ không đâu, vu vơ lảng vảng trong đầu thì những ý nghĩ đó cũng tắt hắn và đầu óc lại được một chút thư giãn. Rất lợi lạc.


 

 

2.      2. Đôi khi, ví dụ đang ăn cơm hay uống nước chợt nhận ra rằng mình đang cãi nhau, thậm chí sắp đánh nhau với một người nào đó chỉ vì một câu nói làm mình bực bội cách đây đã mấy ngày, thậm chí mấy năm. Lúc đó mới thấm thía lời dạy của các cao tăng: “Khi một người nào đó lăng mạ/xúc phạm bạn thì bạn chỉ là cái cớ. Không có bạn thì người đó sẽ nổi xung với con mèo, con chó hay bất cứ thứ gì khác. Trong lòng họ là cả một hỏa diệm sơn đang sôi sung sục. Họ là người đáng thương hơn là đáng ghét. Nên bỏ qua là hơn”. Và đôi khi cũng bỏ qua được. Bỏ qua được lần nào là đỡ phiền lần đó. Nhận biết rằng tâm mình đang sân hận, đang mê đắm là sân hận, mê đắm tự lắng xuống. Vấn đề là phải luôn luôn, phải từng giây từng phút theo dõi tâm mình. Cái này hơi khó, vì thói quen suy nghĩ lung tung từ bao nhiêu kiếp rồi.

 PPhụ lục 4.

TÔN GIÁO HÓA HOẠT ĐỘNG TÂM LINH và HỆ LỤY

“Tôn giáo hóa hoạt động tâm linh” tôi dùng ở đây ám chỉ việc đưa hoạt động tâm linh và những người theo một tôn giáo nào đó vào tổ chức. Và để cho đơn giản, dễ hiểu, xin chỉ bàn về đạo Phật.

Ban đầu đạo Phật không phải là tôn giáo mà là nghệ thuật sống, là công phu thực tập giải thoát bằng trí tuệ. Người ta phải hoàn toàn dựa vào sức mạnh của cá nhân, của tự lực, cũng như khi đói thì phải tự mình ăn, người khác ăn không thể ăn giùm, nhìn người khác ăn thì mình không thể no. Đó là tinh thần của Phật giáo Nguyên thuỷ: Phải sử dụng thân, phải sử dụng hơi thở của mình để tự chuyển hóa tâm và giải thoát. Biểu tượng ban đầu của đạo Phật là cây bồ đề, tượng trưng cho trí tuệ, chứ không phải là hình hay tượng Siddhārtha Gautama – Đức Phật.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao người ta lại đưa hoạt động tôn giáo như thế thành tổ chức?

Đấy là do đa số không muốn tu, vì tu là công việc rất gian nan, phải từ bỏ rất nhiều thứ, mà cụ thể là phải giữ Giới, tức là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu… rồi phải tọa thiền để có Định, rồi mới có Tuệ, mà chỉ muốn muốn nhờ người khác giải thoát giúp, thậm chí phạm cả ngũ giới, chẳng bao giờ ngồi thiền hay đọc kinh nhưng vẫn muốn được giải thoát. Đạo Phật như một tôn giáo ra đời, một sự thực tập tín ngưỡng. 

Chúng ta không tự tin rằng tự mình có thể tu đến viên mãn, đến giải thoát nhưng lại dễ tin vào một tha lực, tha lực đó trong trường hợp của Phật giáo là Siddhārtha Gautama – Đức Phật.

 

Hầu hết tất cả các phật tử đều muốn hướng về một vị Phật như thế, một vị Phật pháp thân còn mãi, còn hoài, không mong manh, không sinh diệt như hóa thân Phật. Người ta không bằng lòng với một vị Phật sắc thân, một con người sinh ra ở thành Ca tỳ la vệ, tu học, tới năm 35 tuổi thành đạo rồi tịch năm 80 tuổi.

Đó là khuynh hướng đi về tôn giáo, cung cấp một đối tượng cho sự thờ phụng, một tín ngưỡng mà chúng ta gọi là Đạo Phật.

Chúng ta không thể nào không bị cuốn theo khuynh hướng đó. Nhưng nếu bị cuốn theo nhiều quá thì chúng ta sẽ không thực tập nữa. Chúng ta trao hết thân mạng mình, hạnh phúc của mình, sự giải thoát của mình cho một lực lượng linh thiêng. Chúng ta không còn cố gắng nữa.

Phật nói Vô Ngã nhưng con người lại muốn thiết lập một “cái ngã thường còn” mà mình có thể nắm giữ được. Nếu tất cả đều vô thường, đều sinh diệt trong từng giây phút như trong Phật giáo Nguyên thuỷ nói thì chúng ta khó mà nắm bắt được. Những người có căn cơ, có thể nắm được giáo lý sát na diệt rất ít.

Giáo lý căn bản của Đức Phật là vô ngã. Người ta lại có muốn thiết lập một cái gì đó để làm nền tảng cho nhân quả, cho nghiệp báo, cho chứng ngộ. Khuynh hướng đi tìm và nắm lấy một cái ngã là rất phổ biến. Nhưng như thế thì đạo Phật đang từ tôn giáo không có giáo chủ thành tôn giáo có giáo chủ, chẳng khác gì các tôn giáo độc thần khác.

Tôn kính và thờ phụng một Thần Linh có quyền năng có thể làm dịu những khổ đau của con người. Nó có thể cung cấp cho con người một nơi nương tựa, nhưng đó không phải là điểm quan trọng nhất trong đạo Phật. Điểm quan trọng nhất trong đạo Phật là những giáo lý, những pháp môn giúp cho chúng ta chuyển hóa và giải thoát. Trên quá trình hành đạo, chúng ta cũng có thể phát triển khía cạnh đức tin, tôn giáo. Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng đó không phải là phần chủ chốt nhất của đạo Phật. Phần chủ chốt nhất của đạo Phật là tu tập để chuyển hóa, trị liệu thân và tâm của mình.

 


Và cái tâm lý muốn có một Đức Phật đại từ đại bi, hỉ xả, cứu khổ cứu nạn tất cả chúng sinh liền bị một số người lợi dụng. Đấy trước hết là những người chỉ muốn ăn mà không muốn làm, tìm cửa Phật để kiếm cơm qua ngày. Đấy cũng có thể là những người ban đầu muốn thực tâm tu, nhưng vì chúng sinh cúng dường nhiều quá, thiện tâm dần mất đi, lòng tham nổi lên, không còn là ông sư nữa mà đã trở thành một gã thày cúng chuyên nghiệp. Có lẽ phần lớn những người đang sống trong các chùa chiền là những “sa môn” kiểu này. Rồi có người bỏ tiền xây dựng chùa, xây dựng những con đường gọi là “du lịch tâm linh” để rửa tiền, để thu tiền của thiện nam tín nữ mà không phải đóng thuế. Và có những nhà sư làm chính trị, vào đảng, làm đại biểu quốc hội. Đây là những hiện tượng, những người phá hoại đạo Phật một cách rất nghiêm trọng, thật đáng báo động. 

Phục lục 5 

 Sống thiền

Có ngồi thiền mới biết rằng ta là người xấu hơn, thậm chí xấu hơn hẳn, hình ảnh mà ta trình ra trước xã hội. Có ngồi thiền mới biết rằng bộ não của ta đang làm công việc tương tự như cái Laptop trong chế độ tìm kiếm siêu văn bản, liên tục lôi ra những ý nghĩ xấu xa như tham lam, ích kỉ, hung ác.. gọi chung là các tà niệm. 

 


Nhưng rất ít người làm ác. Vì đa số biết kìm nén những ý nghĩ xấu xa đó; nếu không con người đã giết hại lẫn nhau đến tuyệt chủng rồi. Mà họ kìm nén là vì sợ. Sigmund Freud viết: “Chúng tôi đã khẳng định từ lâu rằng cốt lõi của cái gọi là lương tâm chính là “nỗi sợ hãi do xã hội ấn định” (Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi).

Kìm nén gây ra căng thẳng và đau khổ. Xin hãy nhìn những con người được gọi là đức hạnh. Theo tiêu chuẩn của nhân gian thì họ đúng là những người đức hạnh: Không nói, không làm gì sai, nhưng rất khó gần. Và xin hãy nhìn những người đang phấn đấu vào đảng, hoặc đang là đảng viên thường: Họ cũng không làm gì sai, nhưng dường như có cái gì đó giả dối. Nhiều đảng viên thường rồi sẽ trở thành những người đức hạnh cho tới tận lúc về hưu, nhưng nếu được lên chức, nhất là tới chức mà “đảng cũng là tao, chính phủ cũng là tao” thì mọi sự sẽ hoàn toàn khác. Những người phấn đấu, tu dưỡng đạo đức, học tập theo tấm gương kiểu này nét mặt thường có vẻ man trá, gian manh, mắt thường phát ra những tia hằn học hoặc lộ vẻ chán chường

Thiền sinh, thiền giả thì lại khác. Khi ngồi  thiền, thiền giả nhận thức được ngay tất cả những ý tưởng vừa xuất hiện. Khi nhận thức được thì ý tưởng, cả thiện lẫn bất thiện, đều biến mất ngay lập tức. Thiền sư Thích Thanh Từ (Kinh Kim Cương Giảng Giải) nói rằng mỗi ý tưởng như thế là một chúng sinh, nhận ra là chúng tự biến mất, đấy chính là đưa chúng sinh “vào vô dư niết bàn để được diệt độ”.

 

 Bức tượng Phật được coi là cổ nhất, được khai quật ở Gandhara, Pakistan, nên được gọi là tượng Phật Gandhara có niên đại khoảng thế kỷ 2-3 sau công nguyên. Hiện được giữ ở Viện bảo tàng Anh quốc, một trong những nơi lưu trữ di sản văn minh của toàn thế giới với 7 triệu di vật.

Ngồi thiền lâu ngày sẽ làm cho người ta chú tâm tới những ý nghĩ  trong tâm trí mình, đến mức trong sinh hoạt bình thường, nếu có tâm ý nào đó xuất hiện trong đầu người ta cũng nhận biết ngay lập tức. Đấy chính là sống thiền. Sống thiền thì không cần kìm nén, không cần tu dưỡng mà vẫn là người nghĩ điều thiện, nói lời thiện và làm việc thiện. Những người này thường có nước da hồng hào, dân gian gọi là “nhuận”, ánh mắt an hòa, có vẻ như ngây thơ, gần họ ta thấy thoải mái hơn, có người nói rằng xung quanh những người này có trường năng lượng tích cực.

 

  XIN CHÀO VÀ HẸN GẶP LẠI.


11 comments:

  1. Chao Bac, toi la nguoi theo dao Tin Lanh. Tinh co vao day doc duoc mot bai giang rat hay, y tuong mach lac, ly le chat che, thi du thuc te ro rang. Bai viet day toi ngo ra le nhiem mau cua ly thuyet nha Phat. Chan thanh cam on Bac da mo tri. Kinh chuc Bac an khang va thien tam chan y cua Bac luon lan toa den moi nguoi. Kinh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn bạn. Chúc bạn và gia đình luôn an khang, hạnh phúc.

      Delete
  2. Cháu cảm ơn bác vì một bài viết mạch lạc và dễ hiểu.

    ReplyDelete
  3. Phật giáo nguyên thủy không có "Phật A Di Đà". Theo bác thì Phật A Di Đà sinh ra từ đâu, khi nào? Có nên hộ trì nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật cho người sắp chết, đã chết không? Có lợi ích gì không cho người chết?

    ReplyDelete
  4. Xin phép share các bài viết của bác.

    ReplyDelete
  5. Bài viết rất hay! Có thể chia sẻ bài viết được không, bác?

    ReplyDelete
  6. Xin phép bác được in về cho thân mẫu đọc

    ReplyDelete
  7. Bài viết rất công phu , chứng tỏ người viết có tâm hướng Phật. Cám ơn anh nhiều!

    ReplyDelete
  8. Bài viết rất sâu sắc về triết lý Phật giáo và liên hệ thực tế đời thường, chỉ rõ những ngộ nhận, sai lầm của nhiều người theo đạo Phật. Trân trọng tác giả.

    ReplyDelete