Pages

February 26, 2015

Milton Friedman - Cuộc chiến tranh mà chúng ta đang thua

Phạm Nguyên Trường dịch

Người ta đã nói về tất cả các khía cạnh của vấn đề rồi, chẳng còn mấy thứ để nói nữa. Tôi chỉ muốn nói rằng điều mà mọi người đều đồng ý là cần có thêm tiền để nghiên cứu – nhất là những công trình nghiên cứu mà chúng ta đang làm, nhưng tôi muốn nói rằng tôi không đồng ý với ý kiến đó. Nếu vấn đề nào chúng ta cũng chờ đợi cho đến khi tất cả các công trình nghiên cứu mà chúng ta muốn làm đều đã làm xong thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được bất cứ chuyện gì. Nếu chúng ta định hành động thì chúng ta phải hành động trên cơ sở những bằng chứng đã có. Tôi không đồng ý với những người, tương tự như anh bạn tốt của tôi, anh Ed Meese, tức là những người nói rằng chúng ta cần phương án thay thế chi tiết và có đủ cơ sở lí luận trước khi làm bất cứ điều gì với hệ thống hiện hành, những người muốn thay đổi hệ thống có nghĩa vụ chứng minh điều đó. Nếu hệ thống gây ra rối loạn, thì làm bất cứ điều gì đó nhằm thay đổi nó là tốt, mặc dù chúng ta có thể không có phương án thay thế đầy đủ và chi tiết.


Cần phải nhớ rằng về cơ bản chúng ta đứng về một phía. Tất cả chúng ta đều có chung mục đích. Tất cả chúng ta đều biết rằng các loại ma túy hiện đang gây ra rất nhiều tác hại. Chúng ta khác nhau ở chỗ: đâu là phương tiện tốt nhất nhằm giảm thiểu những tác hại mà ma túy gây ra cho xã hội. Chúng ta không né tránh những cố gắng nhằm đạt tới những kết luận hợp lí bằng cách gán cho những người không đồng ý với chúng ta những động cơ xấu. Một câu nói nổi tiếng của ông Pierre S. du Pont cách đây gần đúng hai thế kỷ (ngày 25 tháng 9 năm 1790) trước Quốc hội của nước Pháp cách mạng, tôi đã sử dụng nhiều lần: “Thưa ngài, sự gay gắt của những cuộc thảo luận của chúng ta dễ làm cho chúng ta ngả về thói quen xấu, đấy là gán cho người khác những ý định xấu xa. Cần có thái độ lịch sự với những ý định; cần phải tin rằng đấy là những ý định tốt và dường như đấy đúng là những ý định tốt; nhưng chúng ta hoàn toàn không được có thái độ lịch sự với những luận cứ phi logic hoặc những lập luận vô căn cứ. Những người lập luận không hợp logic đã vô tình phạm nhiều tội hơn là những người xấu cố ý làm”.
Tôi sẽ không đưa ra thêm bất kỳ luận cứ nào vì đã có biết bao nhiêu luận cứ đã được trình bày. Tôi muốn sử dụng thời gian có hạn của tôi chỉ đơn giản là cố gắng hệ thống hóa cuộc thảo luận và đưa thêm một ít bằng chứng.
Người ta thường thảo luận về vấn đề ma túy trên hai bình diện. Một bình diện được một diễn giả trong ngày hôm nay trình bày như là cuộc tranh luận giữa Plato với John Stuart Mill: Sự bất đồng về mặt triết học giữa quan điểm của Plato, cho rằng một số người trong chúng ta (là “triết gia –hoàng đế”) có quyền nói cho những người khác những việc họ phải làm vì đấy là điều tốt đối với họ, và học thuyết của John Stuart Mill, cho rằng vai trò của chính phủ chỉ đơn giản là ngăn chặn người dân làm hại lẫn nhau và rằng chính phủ không có quyền buộc người dân làm bất cứ điều gì chỉ đơn giản vì đấy là điều tốt đối với chính họ. Có thể gọi là quan điểm triết gia-hoàng đế và quan điểm của chủ nghĩa tự do. Không nghi ngờ gì rằng có bất đồng trên bình diện này, và như nhiều người đã biết, tôi đứng về phía John Stuart Mill. Nhưng, trong vấn đề này - cũng như trong nhiều vấn đề khác – đấy không phải là quyết định. Tuy nhiên, nó có ảnh hưởng đến thái độ của người dân và thế giới quan của họ. Tôi nghĩ rằng phải công nhận điều đó.
Tại sao nó không phải là quyết định? Bởi vì ngay cả chủ nghĩa tự do cũng biện minh cho sự can thiệp nhằm ngăn chặn thiệt hại mà người này gây ra cho người khác. Theo tôi, sự phân biệt căn bản nhất, cần phải nhớ trong cuộc thảo luận này là phân biệt giữa những nạn nhân vô tội và những nạn nhân tự làm hại mình. Vấn đề này đã xuất hiện trong nhiều cuộc thảo luận. Mọi người đều công nhận rằng nạn nhân tự làm hại mình có thể gây tổn hại cho người khác. Thậm chí nếu không có điều luật phòng chống ma túy nào, nếu ma túy trở thành hoàn toàn hợp pháp, thì sẽ vẫn có những nạn nhân vô tội. Dĩ nhiên, rõ ràng nhất là con của những người nghiện ma túy bị mắc bệnh ngay từ khi mới lọt lòng. Tôi không biết có bao nhiêu đứa trẻ như thế - xin để những người làm trong ngành y tế quyết định - nhưng chắc chắn đấy rõ ràng là những nạn nhân vô tội của chính các bà mẹ của chúng. Vì vậy, hợp pháp hóa ma túy sẽ không có nghĩa là không còn các nạn nhân vô tội. Ngay cả người theo trường phái tự do kiên định nhất cũng có thể biện hộ cho việc cấm một số loại ma túy hoặc hạn chế một cách nghiêm ngặt việc sử dụng chúng với lí do là sự can thiệp vào các hành vi của cá nhân được tưởng thưởng một cách hậu hĩnh: ngăn chặn được tác hại đối với những nạn nhân vô tội.
Điều này đưa vấn đề lên bình diện thứ hai – bình diện lợi ích. Chúng ta đang có một hệ thống phòng chống ma túy. Nó có hoạt động không? Nó mang lại nhiều lợi ích hơn hay nhiều thiệt hại hơn? Nếu nó làm hại nhiều hơn lợi thì chúng ta hãy thôi làm những cái hại đó và không chờ cho đến khi chúng ta có một kế hoạch chi tiết, đầy đủ về việc chúng ta phải làm gì. Hãy loại bỏ những đặc tính mà rõ ràng là đang gây ra nhiều thiệt hại nhất. Một lần nữa, trên bình diện này, tất cả mọi người đều đồng ý rằng các phương pháp hiện nay đang gây ra rất nhiều thiệt hại. Tiến sĩ Clarke đã trình bày một cách xúc động và hiệu quả về một trong những thành tố quan trọng nhất của thiệt hại này (trong Chương 25, Searching for Alternatives: Drug-Control Policy in the United States / Ed. by M.B. Krauss, E.P. Lazear.Stanford, Calif.: Hoover Institution Press, 1991]).
Những nỗ lực nhằm thực thi các biện pháp cấm đoán ma túy đang phá hủy các khu phố nghèo, hết thành phố này sang thành phố khác, tạo ra bầu không khí tiêu cực đối với những người sống ở đó. Đây có lẽ là sự sỉ nhục lớn nhất ở Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay. Tôi nói “có lẽ” bởi vì chính sách thay thế là điều chúng ta đang làm cho các nước khác, chủ đề này được thảo luận trong Chương 20. Ai có thể nói với tôi rằng Hoa Kỳ có quyền phá hủy nước Colombia bởi vì Hoa Kỳ không thể thực thi luật pháp của chính nước mình? Nếu chúng ta thực thi pháp luật của chúng ta thì sẽ không có vấn đề gì.
Tôi không có ý nói rằng chúng ta không thể thực thi được pháp luật của mình. Về nguyên tắc, chắc chắn là chúng ta có thể xóa bỏ hoàn toàn ma túy nếu chúng ta sẵn sàng sử dụng những phương pháp mà Saudi Arabia sử dụng: Nếu chúng ta sẵn sàng chặt tay tội phạm ma túy, nếu chúng ta sẵn sàng tử hình những người buôn bán ma túy. Chúng ta không áp dụng những hình phạt đó và tất cả chúng ta, không trừ một ai, rất tự hào về sự kiện là chúng ta không sẵn sàng áp dụng những phương pháp đó. Chữa thế thì rõ ràng là còn tệ hơn cả bệnh. Nhưng vì chúng ta không thể thực thi được pháp luật của mình, tôi tin rằng chẳng thể nào biện hộ được cho những hành động tàn phá của Hoa Kỳ đối với những nước khác.
Chúng ta đang phá hủy những khu dân cư nghèo ở các thành phố lớn, nhưng đấy là những thành phố của chúng ta. Tôi không biện hộ cho hành động đó – xin chớ hiểu lầm - nhưng theo tôi, phá hủy các nước khác còn khó biện hộ hơn. Tôi đã hỏi rất nhiều người ủng hộ các chính sách hiện nay của chúng ta câu hỏi này. Nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời tương đối thỏa đáng.
Khi thảo luận về vấn đề ma túy, tôi, tương tự như nhiều người khác, cũng như tiến sĩ Morgan (Chương 24), đã trích dẫn những biện pháp cấm rượu trong những năm 1920 như một ví dụ rõ ràng về những ảnh hưởng tiêu cực của cấm đoán. Đáp lại, tôi đã nhận được rất nhiều thư. Những người không đồng ý với kết luận của tôi thường đưa ra hai luận cứ và để trả lời những luận cứ này, tôi muốn đưa ra thêm một ít dữ liệu.
Mọi người đều biết rằng cấm đoán các loại ma túy làm cho ma túy trở thành hoạt động bất hợp pháp, mang lại nhiều lợi nhuận và tạo ra một tầng lớp tội phạm. Nhưng, những người ủng hộ những biện pháp cấm đoán lại trả lời rằng hợp pháp hóa hoặc phi hình sự hóa ma túy hoặc thay đổi tình hình bằng bất cứ biện pháp nào khác thì những người này vẫn sẽ là tội phạm, họ sẽ chỉ chuyển sang những lĩnh vực khác mà thôi. Hãy xem những việc xảy ra sau khi bãi bỏ Luật cấm rượu, họ nói. Lúc đó có Al Capone và các băng đảng, và sau khi những biện pháp cấm rượu chấm dứt, chúng liền chuyển sang những lĩnh vực khác. Chắc chắn là có một phần sự thật trong chuyện này. Giới tội phạm sẽ để lại tàn dư, mà tàn dư có nghĩa là nhiều tội phạm hơn.
Chuyện này nghiêm trọng đến mức nào? Tôi có một đồ thị (Hình 3. 1). Thể hiện số vụ giết người trên 100.000 dân – trục tung - kể từ 1910 trở đi. Số liệu có đến năm 1987. Sau năm 1910, số vụ giết người gia tăng cực kì nhanh. Vụ bùng nổ đầu tiên diễn ra trong Thế chiến I, và hiện tượng mà chúng ta bao giờ cũng thấy là chiến tranh thường làm gia tăng tội phạm. Sau khi Chiến tranh kết thúc thì sao? Số vụ giết người tính trên 100.000 dân tiếp tục tăng lên rất nhanh và đạt đỉnh điểm vào đúng năm bãi bỏ Luật cấm rượu, tức là năm 1933. Sau đó nó giảm cũng rất nhanh, và giữ ở mức thấp trong suốt những năm 40 và 50, trừ những năm Thế chiến II là có gia tăng. Vì năm 1933 cũng là năm kết thúc của Đại suy thoái, có thể khẳng định rằng cuộc Đại khủng hoảng cũng góp phần làm gia tăng tội phạm và những vụ giết người. Nhưng, trong suốt giai đoạn thịnh vượng trong những năm 1920, số vụ giết người trên 100.000 dân cao hơn hẳn giai đoạn thịnh vượng trong những năm 40 và 50, nếu không nói đến cuối những năm 30, không được thịnh vượng bằng. Tôi tin rằng khi nhìn vào những bằng chứng này thì không một người nào có thể nghi ngờ rằng bãi bỏ Luật cấm rượu đã có ảnh hưởng đáng kể và nhanh chóng đối với số vụ giết người.


Đầu những năm 1960, số vụ giết người bắt đầu gia tăng và sau khi Tổng thống Nixon tiến hành cuộc chiến chống lại ma túy thì gia tăng rất nhanh. Thời gian gần đây, tỷ lệ giảm một chút, nhưng vẫn còn ở mức tương tự như năm 1933. Theo tôi, chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối rằng nếu ma túy được hợp pháp hóa thì tỷ lệ những vụ giết người sẽ giảm mạnh, nhiều khả năng là sẽ trở lại mức của những năm 50. Đó là vấn đề rất đáng quan tâm: Giảm tỷ lệ giết người từ trung bình của thập niên 80 xuống mức trung bình của những năm 50, với dân số hiện nay của chúng ta, điều đó có nghĩa là giữ được mạng sống cho hơn 10.000 người một năm!
Tôi đã đưa thêm về số lượng tù nhân (trên 10.000 dân) mà tất cả các nhà tù liên bang, tiểu bang và địa phương nhận hàng năm. Những dữ liệu này, hay chí ít là những dữ liệu mà tôi nắm được, chỉ có từ năm 1926 trở đi. Từ năm 1926 đến năm 1931 số lượng tù nhân tăng lên rất mạnh. Sau đó giảm, rồi lại tăng trở lại đến năm 1940, rồi lại giảm mạnh trong giai đoạn chiến tranh, rồi lại tăng và đạt đỉnh điểm vào năm 1961, rồi lại giảm mạnh cho đến năm 1969. Từ năm 1970 trở đi, số tù nhân tăng lên đáng kể, năm 1987 nhiều hơn hai lần so với năm 1931. Sự gia tăng tù nhân trùng với giai đoạn mở đầu cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Nixon, và tăng thêm khi Tổng thống Reagan khởi động cuộc chiến tranh tương tự.
Những con số này ít nhất cũng làm ta đau lòng. Hầu hết các cuộc thảo luận về các nạn nhân vô tội, trong đó có những cuộc tôi đã nghe ở đây, đã bỏ qua nhóm người mà tôi coi là những nạn nhân vô tội quan trọng nhất, đấy những người không được cảnh sát bảo vệ bởi vì cảnh sát còn bận ngăn chặn ma túy và bị ngành công nghiệp ma túy mua chuộc. Việc phá hoại tinh thần thực thi pháp luật, phá hoại tinh thần thượng tôn pháp luật làm cho danh sách các nạn nhân vô tội ngày càng dài thêm. Về mặt cá nhân, tôi thấy khó hiểu làm sao mà người nào đó có thể phủ nhận sự kiện là coi việc sở hữu và phân phối một số loại ma túy nào đó là tội phạm đã sinh ra những nạn nhân vô tội. Rất ít người phủ nhận sự hiện diện của những nạn nhân vô tội như thế. Tuy nhiên, những người ủng hộ những biện pháp cấm đoán ma túy đáp lại rằng phi hình sự hóa ma túy có thể làm giảm số nạn nhân vô tội đó, nhưng giá mà xã hội phải trả để đạt được điều đó sẽ là sự gia tăng mạnh mẽ số người nghiện. Một lần nữa, họ quay trở lại với rượu và Luật cấm rượu để tìm bằng chứng. Họ cho rằng sau khi Luật cấm rượu bị bãi bỏ thì số người uống rượu gia tăng và số người nghiện rượu cũng gia tăng.
Hai đồ thị sau từ máy tính đáng tin cậy của tôi là để trả lời cho những lời tuyên bố như thế. Đồ thị thứ nhất (hình 3.2) cho thấy phần trăm số tiền mà người ta chi tiêu được dành để mua đồ uống có cồn. Chỉ có số liệu dành cho đồ uống có cồn hợp pháp; đó là lí do vì sao lại bắt đầu vào năm 1933. Đáng tiếc là, tất cả những ước tính về tiêu thụ rượu trong thời kỳ cấm rượu đều là những số liệu gián tiếp và không chắc chắn, vì vậy tôi quyết định chỉ đưa vào những con số liên quan đến đồ uống hợp pháp. Tiến sĩ Morgan đã trình bày một số dữ liệu về tiêu thụ rượu trong thời gian cấm đoán và rõ ràng là người ta vẫn tiêu thụ. Nhân tiện xin nói thêm là, trong số các nạn nhân vô tội của Luật cấm rượu, có cả những người tự làm cho mình nghiện, do những yếu tố mà tiến sĩ Morgan đã đưa ra. Trên thị trường bất hợp pháp, chắc chắn là có rượu giả, làm cho một số người chết. Thật vậy, tôi luôn luôn cảm thấy rằng những người nghiện ma túy hiện này là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc phi hình sự hòa ma túy. Hiện nay họ bị buộc phải trở thành tội phạm. Họ không thể yêu cầu giúp đỡ nếu không thừa nhận rằng mình là tội phạm. Như vậy là, luận cứ ủng hộ những phương pháp đang được sử dụng hiện nay chỉ có thể là: hợp pháp hóa ma túy thì số người nghiện sẽ gia tăng nhanh chóng.

Kinh nghiệm sau khi Luật cấm rượu bị bãi bỏ cho chúng ta biết điều gì? Trong ba năm đầu tiên, sau khi đồ uống hợp pháp đã thế chỗ cho đồ uống bất hợp pháp, tỷ lệ các khoản chi tiêu dành cho đồ uống có cồn đã tăng mạnh, đấy là điều không đáng ngạc nhiên. Đỉnh điểm là năm 1937, sau đó đi xuống đến năm 1940, sau đó, trong giai đoạn chiến tranh lại tăng lên cho đến năm 1945. Sau đó liên tục giảm dần.
Tôi đã khá già, tôi biết rõ giai đoạn đó. Tôi nhớ vài tháng sau khi Luật cấm rượu được bãi bỏ tôi có đến một nhà hàng Thụy Điển ở thành phố New York với một người bạn Thụy Điển, một anh bạn cùng lớp tại đại học Columbia. Đấy là một nhà hàng mà trong suốt giai đoạn cấm đoán anh ta có thể mua rượu Aquavit. Tôi chưa uống loại rượu này bao giờ và anh nghĩ rằng tôi nên thử. Họ nói không thể bán vì chưa có môn bài. Anh bạn tôi nói chuyện với họ bằng tiếng Thụy Điển và cuối cùng đã thuyết phục được họ đưa chúng tôi vào nhà bếp và cho chúng tôi nếm chút hương vị của Aquavit. Những người tin rằng khó mà mua được rượu trong giai đoạn cấm rượu ở Hoa Kỳ đều nên xem xét các bằng chứng. Lúc đó tôi cũng chưa quá già và không phải là người uống nhiều rượu, nhưng tìm cửa hàng rượu lậu không phải là việc khó.
Quay trở lại đồ thị, những người hoài nghi có thể nói, và nói đúng, rằng đấy là một tỷ lệ tính bằng phần trăm. Tổng số tiền chi cho tiêu dùng gia tăng. Có khả năng là tỷ lệ nhỏ trong tổng số lớn hơn là tấm bình phong che giấu sự gia tăng rất lớn số rượu được tiêu thụ.
Hình 3.3 cho thấy chi phí cho đồ uống có cồn trong giai đoạn đó, tính theo giá cố định năm 1982. Như chúng ta thấy, chi tiêu tính bằng giá trị tuyệt đối, cũng như tính bằng tỷ lệ phần trăm, tăng lên cho đến năm 1937 và sau đó giảm trong một thời gian ngắn. Trong giai đoạn chiến tranh, chi tiêu tăng mạnh, đạt đỉnh điểm vào năm 1946. Chi tiêu sau đó giảm và tương đối ổn định trong những năm 40 và 50 và sau đó, bắt đầu từ năm 1961, những khoản chi cho đồ uống có cồn đã tăng nhanh chóng. Nhưng, đối với mục đích của chúng ta, bài học quan trọng rút ra từ đồ thị là việc hợp pháp hoá rượu rõ ràng là đã không kích thích nạn nghiện rượu. Sau khi rượu được hợp pháp hóa, mức độ tiêu thụ gần như giữ nguyên. Gia tăng mạnh những khoản chi cho đồ uống có cồn trong giai đoạn từ 1961 đến năm 1980 là do những xu hướng trong đời sống của chúng ta trong những năm 1960 mà mọi người đều biết. Kể từ năm 1980, chi tiêu cho rượu đã giảm trong cả giá trị tuyệt đối và chứ không chỉ theo tỷ lệ phần trăm của tổng số tiền chi tiêu.
Rõ ràng là nếu các loại ma túy bất hợp pháp hiện nay được hợp pháp hóa và đối xử với chúng giống hệt như người ta đối xử với rượu thì cũng chẳng có lí do để cho rằng số người nghiện sẽ gia tăng đột biến. Không có nghĩa là chắc chắn như thế, nhưng tất cả những lời tuyên bố khẳng định điều ngược lại đều dựa trên phỏng đoán và giả thuyết mà thôi. Tôi chẳng thấy có bằng chứng nào. Gần với bằng chứng nhất mà tôi gặp là ý kiến nhắc đến những cơn sốt thuốc phiện ở Trung Quốc. Với những bằng chứng mà chúng ta có - không chỉ từ Luật cấm rượu mà còn từ Hà Lan, Alaska và những nơi khác, tôi nghĩ rằng những người khẳng định rằng số người nghiện ma túy sẽ gia tăng đến mức không thể chấp nhận được phải chứng minh được điều mà họ khẳng định.
Điều duy nhất chúng ta biết chắc chắn là những phương pháp mà chúng ta đang dùng hiện nay không có hiệu quả. Số người đồng ý với nhận định này đông hơn là ta tưởng lúc ban đầu. Bản chất của con người là phóng đại những khác biệt của họ với nhau. Khó có thể gây ấn tượng với người khác mà không phóng đại ý kiến của mình. Ví dụ, về vấn đề cần sa mà Tiến sĩ Grinspoon đã nói một cách cực kì cảm động (Chương 21: Searching for Alternatives: Drug-Control Policy in the United States / Ed. by M.B. Krauss, E.P. Lazear.Stanford, Calif.: Hoover Institution Press, 1991), tôi ngờ là rất ít người tin rằng buôn bán cần sa đáng bị kết án tử hình. Tôi ngờ rằng hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng không có lí do gì đế có thể đối xử với cần xa như cách chúng ta đang làm hiện nay.
Tôi cảm thấy rằng chúng ta cần phải thừa nhận những thiệt hại mà chúng ta đang gây ra và không để cho sự độc đoán của hiện trạng ngăn cản chúng ta tiến hành một số thay đổi đủ sức ngăn chặn những vụ giết người trong các khu ổ chuột trong các thành phố của chúng ta. Chúng ta có thể ngăn chặn việc tước đoạt đời sống gia đình bình thường của những người bị thiệt thòi trên đất nước này. Tôi không đồng ý với nhiều trong số những người đồng ý với tôi về vai trò mà chính phủ phải thực hiện trong việc điều trị các con nghiện. Tôi cũng không đồng ý với những người nói rằng thảm kịch của những khu ổ chuột là vấn đề xã hội, những người thiệt thòi không có đủ công ăn việc làm và do đó chính phủ phải cung cấp cho họ công ăn việc làm. Tôi muốn nói với những người đó rằng thành tích của chính phủ trong việc tạo ra công ăn việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác cũng chẳng hơn gì thành tích của họ trong việc cấm đoán ma túy. Theo tôi, không chỉ phần lớn tội phạm của chúng ta là do các biện pháp của chính phủ mà ra, mà phần lớn người nghèo của chúng ta cũng là do các biện pháp của chính phủ mà ra. Nếu những người đã nghiên cứu tình hình ma túy cũng nghiên cứu một cách cẩn thận ảnh hưởng của những biện pháp của chính phủ trong các lĩnh vực như phúc lợi, dịch vụ xã hội, nhà ở..v.v.. thì họ sẽ dễ dàng nhận ra rằng ít nhất những lời tôi nói cũng có một phần sự thật. Nhưng đây là những chủ đề khác nhau và chúng ta phải tách biệt ra. Xin đừng tạo ra giới tuyến về ý thức hệ trong vấn đề này bởi vì, mặc dù chắc chắn là có yếu tố ý thức hệ, những trong trường hợp này, tính toán về lợi ích là rất mạnh và giữ thế thượng phong.
http://druglibrary.org/special/friedman/war_we_are_losing.htm

Milton Friedman (31 tháng 7 năm 1912 – 16 tháng 11 năm 2006) là một nhà kinh tế học người Mỹ, ông là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và đã có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế học vĩ mô, kinh tế học vi mô, lịch sử kinh tế và thống kê. Năm 1976, Friedman nhận Giải Nobel kinh tế vì những đóng góp vào lĩnh vực phân tích tiêu dùng, lịch sử và lí thuyết tiền tệ cũng như công lao của ông trong việc chứng minh tính phức tạp của chính sách ổ định kinh tế vĩ mô. Nhiều người cho rằng Friedman là nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất vào nửa sau thế kỷ 20.


No comments:

Post a Comment