Pages

September 10, 2014

OSHO – Những cuốn sách tôi yêu (tiếp theo)

Nguyễn Đình Hách dịch
Chương 8

1984, tại Nhà Lão Tử, Rajneeshpuram, Oregan, USA

Hãy là một Junnatha – một người tìm kiếm. Tái bút vẫn tiếp tục.

Cuốn sách đầu tiên của Friedrich Nietzsche WILL TO POWER (Ý CHÍ CHO QUYỀN LỰC). Ông ấy chưa bao giờ xuất bản nó lúc còn sống. Nó được xuất bản sau khi tác giả qua đời, trong khi đó, trước khi nó được xuất bản, nhiều cái gọi là những người vĩ đại của bạn đã đánh cắp từ bản thảo đó.

Alfred Adler là một trong những nhà phân tâm học ‘vĩ đại nhất’. Ông là một trong những bộ ba các nhà phân tâm học: Freud, Jung và Adler. Ông ấy đơn giản là kẻ cắp. Adler đã đánh cắp toàn bộ phân tâm học từ Friedrich Nietzsche.


Adler nói: bản năng gốc của con người là ‘ý chí vì quyền lực’. Thật tuyệt! Ai là người đang cố lừa dối? Hàng triệu kẻ ngốc đã bị lừa dối. Adler vẫn được coi là con người vĩ đại. Ông ấy chỉ là người lùn gygmy, được tha thứ và bị lãng quên.

George Bernard Shaw đã đánh cắp toàn bộ triết học cơ bản của ông từ Nietzsche. G.B.S vĩ đại – giải thưởng Nobel, George Bernard Shaw. Dù ông ấy nói gì thì cũng chỉ chứa trong vài câu của cuốn Ý CHÍ CHO QUYỀN LỰC của Nietzsche.

Ngay cả cái gọi là vị thánh Ấn Độ cũng không xa phía sau Adler và Shaw. Tên của ông là Shri Aurobindo. Ông ấy được hàng triệu người trên khắp thế giới tôn thờ như là vị thánh vĩ đại nhất của thời đại. Ông ấy đã đánh cắp ý tưởng về siêu nhân từ bản thảo cuốn Ý CHÍ CHO QUYỀN LỰC. Shri Aurobindo chỉ là học giả tầm thường, không có gì để mà khoác lác.

Nhiều năm sau khi Nietzsche qua đời, cuốn sách của ông vẫn không được xuất bản. Người em gái của ông đã lưu giữ cuốn sách đó. Bà là một nữ doanh nhân giỏi. Bà bán những cuốn sách khác đã được xuất bản, và chờ đúng thời điểm để Ý CHÍ CHO QUYỀN LỰC có thể là cuốn bán chạy nhất. Bà ấy không quan tâm đến Nietzsche, triết học của ông, hoặc đóng góp của ông cho nhân loại. 

Tại sao chính Nietzsche lại không xuất bản trong lúc ông còn sống? Tôi biết lý do. Với ông nó thật quá sức chịu đựng. Ông ấy không phải là người chứng ngộ. Ông ấy sợ, sợ những gì sẽ xảy ra với ông nếu ông xuất bản. Và cuốn sách là thuần túy thuốc nổ! Ông ấy luôn giữ nó dưới gối, thậm chí trong lúc ngủ. Ông ấy sợ có thể nó rơi vào những bàn tay sai trái. Ông ấy không phải là con người dũng cảm như mọi người thường nghĩ về ông, ông là một kẻ hèn nhát. Nhưng những cách thức của tồn tại thật kỳ lạ: đôi khi kẻ hèn nhát lại được hưởng mưa từ những vì sao, và đó là điều đã xảy ra với Nietzsche.

Toàn bộ triết lý của Adolf Hitler là đánh cắp từ Nietzsche. Hitler không có khả năng làm bất kỳ điều gì đúng; ông ta là kẻ quá ngu dốt, đáng lẽ ông ta nên ở Ấn Độ và trở thành đệ tử của Muktananda, chứ không phải ở Đức. Tôi có thể gợi ý một cái tên đẹp cho ông ta: Swami Idiotananda! Ông ta là thế đó, kẻ siêu ngốc nhất trong lịch sử nhân loại. Ông ta nghĩ mình hiểu Nietzsche. Rất khó để hiểu Nietzschel; ông ấy là người tinh tế, sâu sắc, và rất uyên thâm. Điều đó vượt trên tầm với của bất kỳ kẻ ngốc nào.

Friedrich Nietzsche để cuốn sách hay nhất của mình được xuất bản chỉ sau cái chết của ông. Tôi đã tính đến một trong những cuốn sách của ông, ZARATHUSTRA NÓI NHƯ THẾ, nhưng nó cũng mờ nhạt trước Ý CHÍ CHO QUYỀN LỰC. Nó không phải là luận thuyết triết học, được viết một cách hệ thống, đó chỉ là những câu châm ngôn, những đoạn văn. Bạn phải tìm ra sự liên hệ. Không phải nó được viết ra để bạn đọc. Do vậy, mặc dù được xuất bản nhưng nó cũng không được đọc nhiều. Ai bận tâm! Ai muốn nỗ lực? – và để hiểu Ý CHÍ CHO QUYỀN LỰC cần nỗ lực ghê gớm. Đó là cốt lõi quan trọng của tâm hồn Friedrich Nietzsche. Và ông là người điên! Hiểu nó cũng là siêu việt lên nó.

Đây là cuốn sách đầu tiên tôi muốn nói đến hôm nay.

Thứ hai: Tôi sẽ lại sẽ nói đến P.D.Ouspensky. Tôi đã nói đến hai cuốn của ông: một là cuốn TERTIUM ORGANUM (ORGANUM THỨ BA), ông ấy đã viết nó trước khi gặp Bậc Thầy của mình, Gurdjieff. ORGANUM THỨ BA đặc biệt nổi tiếng trong giới toán học, bởi vì Ouspensky là nhà toán học khi viết cuốn sách đó. Cuốn thứ hai, IN SEARCH OF THE MIRACULOUS (ĐI TÌM ĐIỀU HUYỀN BÍ), ông đã viết sau khi đã sống với Gurdjieef trong nhiều năm. Nhưng còn có cuốn thứ ba được ông viết ở giữa – sau TERTIUM ORGANUM và trước khi ông gặp Goerge Gurdjieef. Cuốn sách này ít được biết đến, và tên của nó là A NEW MODEL OF THE UNIVERSE (MÔ HÌNH MỚI CỦA VŨ TRỤ). Đó là cuốn sách kỳ lạ, rất kỳ lạ.

Ouspensky đã tìm kiếm Bậc Thầy khắp thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ, bởi vì những kẻ ngốc lại nghĩ rằng các Bậc Thầy chỉ được tìm ra ở Ấn Độ. Ouspensky đã tìm kiếm ở Ấn Độ trong nhiều năm. Ông ấy cũng đã tìm kiếm Bậc Thầy ngay cả ở Bombay. Vào những ngày đó, ông đã viết cuốn sách tuyệt hay này, MÔ HÌNH MỚI CỦA VŨ TRỤ. Đây là tầm nhìn của nhà thơ, bởi vì ông không biết mình đang nói gì. Nhưng những gì ông ấy đang nói cũng rất, rất gần với sự thật… nhưng chỉ gần thôi, nên nhớ, và ngay cả đường kính sợi tóc cũng đủ để bạn cách xa. Ông vẫn còn cách xa. Ông đã tìm kiếm và tìm kiếm…

Trong cuốn sách này ông mô tả sự tìm kiếm của mình. Cuốn sách kết thúc theo lối  kỳ lạ, trong quán ăn ở Moscow, nơi ông gặp Gurdjieef. Gurdjieef chắc chắn là Bậc Thầy kỳ lạ nhất từng sống trên đời. Ông ấy thường viết trong các quán ăn. Nơi viết mới kỳ lạ làm sao! Ông ngồi trong quán ăn – mọi người đang ăn, nói chuyện, những đứa trẻ chạy chỗ này chỗ kia, tiếng ồn của đường phố, tiếng còi xe inh ỏi, và Gurdjieff ngồi bên cửa sổ, bị vây quanh bởi những thứ vô nghĩa đó, để viết cuốn sách của mình, ALL AND EVERYTHING (TẤT CẢ VÀ MỌI THỨ).

Ouspensky nhìn thấy con người đó và đã yêu. Ai có thể kháng cự lại điều đó? Nhìn thấy Bậc Thầy mà lại không yêu, đó là điều hoàn toàn không thể, trừ khi bạn là người hoàn toàn vô hồn, như tảng đá, hoặc là thứ vật liệu tổng hợp – một dạng người tiền chế! Thời điểm ông ấy nhìn thấy Gurdjieff… thật kỳ lạ: ông nhìn thấy rằng đôi mắt đó ông đã tìm kiếm khắp hành tinh, trên những con đường bụi bặm ở Ấn Đô, và quán ăn này lại ở ngay bên cạnh nhà ông, ở Moscow! Đôi khi những gì bạn đang tìm kiếm lại ở ngay bên bạn.

MÔ HÌNH MỚI CỦA VŨ TRỤ là bài thơ, nhưng lại rất gần với tầm nhìn của tôi; chính vì vậy mà tôi tính đến nó.

Thứ ba: Sanai, những phát biểu tuyệt vời của ông. Những người như Sanai không thích lý luận, họ chỉ phát biểu. Họ không cần lý luận, chính sự tồn tại của họ là bằng chứng; không lý lẽ nào là cần đến. Hãy đến và nhìn vào mắt tôi xem, và bạn sẽ biết không có lý lẽ, chỉ có phát biểu. Và phát biểu luôn thực. Và lý lẽ có thể tinh thông, nhưng hiếm khi thực.

Sanai là một trong những tình yêu của tôi. Tôi không thể cường điệu ngay cả nếu tôi muốn. Đó là điều không thể. Sanai chính là cốt lõi của thuyết Sufi.

Thuyết Sufi là từ tiếng Anh của tasawuf. Tasawuf có nghĩa là ‘tình yêu tinh khiết’. ‘Sufism’ xuất phát từ suf, có nghĩa là len, và Sufi có nghĩa là người mặc áo choàng bằng len. Sanai thường đội mũ màu đen – áo choàng trắng và mũ đen. Không logic, không lý luận, một con người điên khùng giống tôi. Nhưng bạn có thể làm gì, những người đó phải được chấp nhận như họ vốn là vậy. Bạn yêu họ hoặc bạn ghét họ. Yêu hoặc ghét, họ không trao bạn bất kỳ sự lựa chọn nào. Bạn có thể ủng hộ họ hoặc chống lại họ, nhưng bạn không thể thờ ơ về họ. Đó là điều huyền diệu của các nhà huyền môn. Gần với tôi bạn biết rõ rằng, con người đến với tôi thì trở thành bạn bè hoặc kẻ thù. Không ai có thể đến với tôi và ra đi mà không trở thành bạn bè hoặc kẻ thù. Hãy nhìn xem! Đôi khi tôi cũng có thể sáng tác thơ. Một người điên có khả năng làm bất kỳ điều gì.

Sanai chỉ phát biểu mà không lý luận. Ông ấy đơn giản nói nó là vậy. Bạn không thể hỏi tại sao; ông ấy sẽ nói, “Câm mồm! Không có tại sao!”
Bạn không hỏi bông hồng, “Tại sao?”
Bạn không hỏi tuyết trắng, “Tại sao?”
Bạn không hỏi những vì sao, “Tại sao?”
Thế rồi tại sao bạn không hỏi những người như Sanai?
Họ là của thế giới những vì sao, những bông hoa, tuyết trắng.
Họ không lý luận.

Tôi yêu Sanai. Tôi đã không quên ông; tôi sẽ không nói đến ông chỉ vì tôi muốn giữ ông cho riêng tôi, trong trái tim tôi. Nhưng trong phần tái bút bạn có thể rót trái tim mình.

Chính vì vậy mà cha tôi thường viết thư cho tôi. Lá thư rất ngắn – không có gì nhiều để viết – thế rồi ông sẽ viết tái bút. Tôi lại tự hỏi ông đã để lại gì ngoài bức thứ, và ông sẽ nói một cái gì đó quan trọng. Thế rồi tái bút cũng sẽ không đủ. Hẳn sẽ có tái bút khác P.P.S (tái bút của tái bút-ND) “Chúa ơi”, tôi nghĩ, “ông đã quên gì?” Lại có một cái gì đó tuyệt hay mà nó không thể được viết trong thư. Tái bút là hiện tượng thân mật hơn, và tái bút của tái bút còn thân mật hơn nữa.

Cha tôi không còn nữa, nhưng tôi nhớ ông những thời điểm như vậy, khi tôi bỗng nhiên nhìn thấy tôi đang cư xử giống ông. Khi tôi nhìn thấy ảnh ông, tôi biết khi đó tôi cũng bảy mươi lăm, nếu trời phù hộ, thế rồi tôi nhìn sẽ giống ông. Tôi sẽ không phản bội ông, tôi sẽ đại diện cho ông cho đến hơi thở cuối cùng, cảm giác đó thật tuyệt vời. 
 
Devaraj – tôi không lầm khi nói Devaraj thay vì Devageet; ý tôi nói Devaraj – bạn nên nhớ điều đó. Cơ thể tôi hoạt động chính xác như của cha tôi, thậm chí cả lúc ốm. Tôi tự hào về điều đó. Cha tôi bị chứng hen suyễn, cho nên khi tôi bị chứng hen suyễn tôi biết cơ thể này đến từ cơ thể cha tôi, cùng với mọi lỗi, mọi khuyết tật của nó. Ông bị bệnh đái đường, tôi cũng vậy. Ông thích nói, và suốt cuộc đời mình tôi đã không làm gì ngoài nói. Dù sao tôi cũng là con trai ông.

Ông là người cha tuyệt vời – không phải vì ông là cha tôi mà vì, mặc dù ông là người cha, ông đã chạm chân con trai mình và đã trở thành môn đệ của nó. Đó là sự vĩ đại của ông. Trước đây không người cha nào đã làm như vậy, và tôi không nghĩ điều đó sẽ lại xuất hiện trên trái đất mục ruỗng này. Dường như đó là điều không thể. Người cha trở thành môn đệ của người con trai? Cha của Phật đã lưỡng lự; cha tôi không bao giờ lưỡng tự, dù chỉ một thời điểm.

Bây giờ, cha của Phật trở thành môn đệ của người hẳn sẽ là điều rất dễ dàng, bởi vì Phật được cái gọi là các tôn giáo hy vọng là một vị thánh. Rất khó để bất kỳ người cha nào trở thành môn đệ của một người đàn ông như tôi. Theo bất kỳ tiêu chuẩn được chấp nhận nào thì tôi không phải là vị thánh, và tôi hạnh phúc về điều đó bởi vì tôi ghét cái sự đánh giá phân loại. Tôi sẽ quay lui khỏi thiên đường nếu tôi nhìn thấy cái gọi là các vị thánh ở đó. Tôi đã nhìn thấy họ trên trái đất là quá đủ rồi. Tôi không phải là vị thánh. Tôi là dạng người hoàn toàn khác – tôi gọi dạng đó là Zorba Phật.

Tuy biết tiếng tăm xấu của tôi, biết rõ mọi sự lên án chĩa vào tôi từ mọi nơi chốn được gọi là tôn kính, mà ông vẫn trở thành môn đệ của tôi. Đó là lòng dũng cảm, vô cùng dũng cảm. Khi lần đầu tiên ông chạm chân tôi, tôi đã ngạc nhiên. Tôi đã khóc – tất nhiên là trong phòng mình, không ai có thể nhìn thấy. Tôi cảm nhận những giọt lệ đó vẫn còn trong khóe mi tôi. Khi ông yêu cầu được khai tâm, tôi không thể tin điều đó. Tại thời điểm đó trong tôi chỉ có sự tĩnh lặng. Tôi không thể nói lời đồng ý hay từ chối, tôi đơn giản tĩnh lặng, bị sốc, ngạc nhiên. Đúng, bạn có quyền biểu đạt bằng ngôn ngữ của mình: ‘quá ngạc nhiên’ – và quá quyền năng.

Số mấy rồi? Không phải bạn là Ashu; bạn vượt lên những con số. Hãy để tôi nấn ná một chút với những con số.

“Con số tiếp theo là số bốn, thưa Osho.”

Tiếp theo là số bốn – tốt. Bạn là người nhanh ý. Bạn không nói số ba mà bạn lại nói, “Tiếp theo là số bốn.” Tôi biết bạn không thể lừa tôi. Bạn hiểu rõ rằng nếu bạn nói thứ ba thì tôi sẽ tiếp tục nói về cuốn thứ ba. Được thôi, tình cờ tôi cho phép các môn đệ của mình có cách riêng của họ.

Thứ tư: Cuốn thứ tư có tên là Dionysius. Tôi đã nói về những phát biểu của ông, chúng là những đoạn được các môn đệ của ông ghi lại, nhưng tôi nói về ông chỉ để cho thế giới biết rằng những người như Dionysius không nên bị lãng quên. Họ là những người thực sự.

Những người thực sự có thể đếm trên đầu ngón tay bạn. Người thực sự là người đã đối mặt với điều thực, không chỉ từ bên ngoài như là đối tượng khách quan, mà như là tính chủ quan của mình. Dionysius thuộc về thế giới vĩ đại của những vị phật. Tôi lại nói đến một vài phát biểu của ông – tôi không thể gọi nó là một cuốn sách; một cuốn sách cần một chút nhiều hơn những đoạn.

Thứ năm… tôi tình cờ đến với một trong những thời điểm kỳ lạ nhất trong loạt sách này. Có một cuốn sách được gọi là AT THE FEET OF THE MASTER (DƯỚI CHÂN BẬC THẦY). Tên của tác giả được nói đến là Jiddhu Krishanamurti, nhưng Krishnamurti nói ông không nhớ đã viết nó. Nó được viết từ lâu, từ rất lâu, khi Krishnamurti chỉ mới khoảng chín, mười tuổi. Làm sao ông ấy có thể nhớ thời gian khi nó được xuất bản? Nhưng đó là một tác phẩm hay.

Tôi muốn lần đầu tiên tiết lộ với thế giới ai là tác giả thực sự: Annie Besant! Annie Besant đã viết cuốn sách chứ không phải Krishnamurti. Thế thì tại sao bà ấy không nói nó là tác phẩm của bà? Có lý do phía sau. Bà ấy muốn Krishnamurti được thế giới biết đến như là Bậc Thầy. Đó là tham vọng của người mẹ. Bà đã nuôi dưỡng Krishnamurti, và bà yêu ông giống như bất kỳ người mẹ nào yêu con mình. Ước vọng duy nhất của bà lúc tuổi già là Krishnamurti trở thành người thuyết giảng thế giới, jagatguru. Bấy giờ, làm sao Krishnamurti có thể được tuyên bố là nhà thuyết giảng thế giới nếu ông không có gì để nói với thế giới? Trong cuốn sách này, DƯỚI CHÂN BẬC THẦY, bà cố thực hiện yêu cầu đó.

Krishnamurti không phải là tác giả của cuốn sách đó. Chính ông ấy nói không nhớ mình từng viết nó. Ông ấy là người thật thà, trung thực và chân thành, nhưng cuốn sách vẫn được bán dưới tên ông. Ông ấy nên ngăn cản điều đó. Ông ấy nên nói rõ với những người xuất bản cuốn sách rằng ông không phải là tác giả của nó. Nếu họ muốn xuất bản nó, thì xuất bản nặc danh. Nhưng ông ấy đã không làm như vậy. Chính vì vậy mà tôi nói ông ấy vẫn ở bức tranh thứ chín trong mười bức tranh Zen, Mười Người khổng lồ Zen. Ông ấy không thể chối từ điều đó, ông ấy lại chỉ nói ông không thể nhớ. Hãy chối từ! Hãy nói đó không phải là tác phẩm của ông.

Nhưng cuốn sách quá tuyệt. Thực tế, bất kỳ ai cũng tự hào đã viết ra nó. Những người muốn du hành trên con đường và trở nên hòa hợp với Bậc Thầy phải nghiên cứu cuốn DƯỚI CHÂN BẬC THẦY. Tôi nói nghiên cứu, chứ không phải đọc, bởi vì người ta đọc câu chuyện hư cấu, hay những hư cấu tinh thần giống như Lobsang Rampa và hàng tá cuốn sách của ông, hay những cuốn sách hư cấu của rất nhiều người. Ngày nay có rất nhiều, bởi vì có nhu cầu, có thị trường. Bây giờ bất kỳ ai cũng có thể là bậc thầy… 

Baba Freejohn… tôi buồn cười. Thái hóa làm sao! Ngay cả Freejohn, là người bây giờ không tự thay đổi mình, mà chỉ thay đổi tên mình… Ông ấy không còn tự gọi mình là Baba nữa. Ông ấy từng gọi mình là Baba bởi vì ông là môn đệ của Baba Muktananda. Ở Ấn Độ, Bậc Thầy được gọi là Baba là bởi tình yêu, cho nên ông ấy bắt đầu gọi mình là Baba. Thế rồi, nhận thấy đó là sự bắt chước, ông bỏ nó. Bây giờ ông ấy gọi mình là Dada Freejohn. Điều đó vẫn vậy; cho dù là dada hay baba thì cũng là vô nghĩa. Nhưng những người như vậy đầy rẫy trên thế gian. Hãy nhận ra họ. Nếu bạn không tuyệt đối rõ ràng thì có mọi khả năng bị mắc vào cái bẫy của người đó.

Thứ sáu, một vị Sufi khác, Junnaid, Bậc Thầy của al-Hillaj Mansoor… Al-Hillaj trở nên nổi tiếng thế giới bởi việc ông bị sát hại; do vậy Junnaid đã trở thành cái bóng. Nhưng một số khúc, một số đoạn đã sống sót vì Junnaid thực sự vĩ đại. Nếu không thì làm sao ông có thể tạo ra được người môn đệ như al-Hillaj Mansoor? Chỉ một vài câu chuyện, một vài câu thơ và những phát biểu còn được giữ lại, tất cả chúng đều rời rạc. Đó là cách của nhà huyền môn: vị đó không bận tâm liên kết chúng thành hoàn chỉnh. Vị đó không kết vòng hoa từ những bông hoa, mà chỉ chất chúng lại. Điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn của bạn.

Junnaid đã nói với al-Mansoor, “Những gì ông đã biết, hãy giữ nó cho ông. Đừng có hét toáng lên ana’l haq! Nếu ông nói điều đó, ông sẽ nói nó theo cách mà không ai có thể nghe được ông.”

Mọi người đã bất công với Junnaid. Họ nghĩ ông ấy có một chút sợ hãi. Không phải như vậy. Biết sự thật là điều dễ dàng, tuyên bố nó là điều dễ dàng; giữ nó trong tim bạn và không phát biểu, không tuyên bố là điều vô cùng khó. Hãy để cho những người đó đến với giếng của bản thể bạn, đến với sự tĩnh lặng của bạn.

Thứ bảy là cuốn sách của một người đàn ông mà Junnaid hẳn đã yêu: Meher Baba. Ông ấy đã im lặng trong suốt ba mươi năm. Không ai đã từng im lặng trong thời gian dài như vậy. Mahavira chỉ im lặng hai mươi năm, đó đã là kỷ lục. Meher Baba đã phá vỡ mọi kỷ lục. Ba mươi năm im lặng! Ông ấy thường làm những cử chỉ bằng tay, như tôi làm khi tôi nói, bởi vì có một số điều chỉ có thể nói thông qua những cử chỉ. Meher Baba đã bỏ nói, nhưng ông ấy không thể bỏ những cử chỉ. Chúng ta thật may mắn rằng ông đã không bỏ những cử chỉ. Những người thân sống cùng ông đã bắt đầu ghi chép thông qua những cử chỉ của ông, và cuốn sách được xuất bản sau ba mươi năm im lặng của Meher Baba lại có một tựa đề kỳ lạ, như nó nên có. Tựa đề của cuốn sách là GOD SPEAKS (THƯỢNG ĐẾ NÓI).

Mehera Baba sống trong im lặng và chết trong im lặng. Ông ấy không bao giờ nói, nhưng chính sự im lặng của ông là thuyết giảng, sự biểu lộ của ông, bài ca của ông. Cho nên tựa đề cuốn sách THƯỢNG ĐẾ NÓI không thực sự kỳ lạ.

Có cuốn sách Zen viết: Bông hoa không nói. Điều đó là sai, tuyệt đối sai. Bông hoa cũng nói. Tất nhiên nó không nói bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật Bản hoặc tiếng Sanskrit; nó nói bằng ngôn ngữ của những bông hoa. Nó nói thông qua hương thơm của nó. Tôi biết rõ điều đó bởi vì tôi là người dị ứng với hương thơm. Tôi có thể nghe bông hoa nói cách xa nhiều dặm, cho nên tôi đang nói bằng trải nghiệm của riêng mình. Đó không phải là ẩn dụ. Tôi nói lại, bông hoa cũng nói, nhưng ngôn ngữ của nó là của bông hoa. Tuy nhiên THƯỢNG ĐẾ NÓI có âm thanh, là sự thật về Meher Baba. Ông ấy nói mà không bao giờ nói cả.

Devageet, xin hỏi số mấy?

“Số tám, thưa Osho.”

Chúng ta đã du hành đủ lâu rồi; thêm một chút kiên nhẫn nữa.

Thứ tám là cuốn sách rất vô danh. Nó không nên là vô danh bởi vì nó được viết bởi George Bernard Shaw. Cuốn sách được gọi là MAXIMS FOR A REVOLUTIONARY (NHỮNG CÂU CHÂM NGÔN CỦA MỘT NGƯỜI CÁCH MẠNG). Tất cả những cuốn sách khác của ông ấy đều nổi tiếng trừ cuốn NHỮNG CÂU CHÂM NGÔN CỦA MỘT NGƯỜI CÁCH MẠNG. Chỉ có người điên như tôi mới có thể chọn nó. Tôi đã quên mọi thứ khác mà ông ấy đã viết – tất cả là vớ vẩn, chỉ là rác rưởi.

Dù sao, một trong các sannyasin của tôi ở đây được gọi là Bodhigarbha. Garbha có nghĩa là mang thai; tên có nghĩa là ‘mang thai vị phật, sẵn sàng sinh ra như là vị phật’. Một số người gọi anh ấy là Bodhi Garbage – tôi thích điều đó. Điều đó còn thật hơn: Bodhi Garbage – đúng, nếu bạn có thể đạt được phật tính, được bodhi, thì ngay cả garbage (rác) cũng sẽ trở nên linh thiêng; ngược lại mọi thứ đã là rác rồi.

Tôi yêu cuốn sách mỏng NHỮNG CÂU CHÂM NGÔN CỦA MỘT NGƯỜI CÁCH MẠNG của George Bernard Shaw – tất cả đều quên, trừ tôi. Tôi chọn những thứ kỳ lạ, những con người kỳ lạ, những nơi chốn kỳ lạ. Có vẻ cuốn NHỮNG CÂU CHÂM NGÔN CỦA MỘT NGƯỜI CÁCH MẠNG đã hạ xuống Geotge Bernard Shaw… bởi vì, ngược lại ông ấy chỉ là người hoài nghi. Ông ấy không phải là vị thánh, hoặc không phải là người chứng ngộ, hoặc thậm chí không nghĩ về chứng ngộ. Có thể ông ấy chưa từng nghe thấy từ đó; ông ấy thuộc về thế giới hoàn toàn khác.

Tuy nhiên, tôi có thể nói với bạn rằng ông ấy đã yêu một cô gái. Ông đã yêu và muốn kết hôn với cô, nhưng cô gái muốn trở nên chứng ngộ. Cô ấy muốn tìm kiếm sự thật, cho nên cô muốn đến Ấn Độ. Người phụ nữ đó không ai khác là Annie Besant. Cám ơn Thượng đế, G.B.S đã không thể thuyết phục cô ấy trở thành vợ mình; nếu không chúng ta đã mất một người phụ nữ vô cùng quyền năng. Trí huệ của cô, tình yêu của cô, sự sáng suốt của cô… đúng, cô ấy là một người đàn bà mê hoặc-witch. Tôi thực sự muốn nói mê hoặc. Ý tôi không nói là lẳng lơ-bitch, ý tôi nói mê hoặc. ‘Witch’ thực sự là một từ đẹp; nó có nghĩa là thấu suốt.

Đây là thế giới của đàn ông. Khi người đàn ông trở nên thấu suốt thì vị đó được gọi là vị phật, vị christ, nhà tiên tri; khi người phụ nữ trở nên thấu suốt thì vị đó được gọi là mê hoặc. Hãy nhìn vào sự bất công đó. Nhưng nghĩa gốc của từ thì lại đẹp.

NHỮNG CÂU CHÂM NGÔN CỦA MỘT NGƯỜI CÁCH MẠNG bắt đầu… châm ngôn đầu tiên là: không có những luật vàng, đây là luật đầu tiên. Bây giờ, thậm chí tuyên bố bình thường này cũng rất đẹp. Không có những luật vàng… Đúng, không có luật vàng nào; đây là luật duy nhất. Với quãng đời còn lại các bạn sẽ phải nghiên cứu cuốn sách đó. Nên nhớ, bất kỳ khi nào tôi nói nghiên cứu, ý tôi nói hãy thiền về nó. Khi tôi nói đọc nó thì không cần thiền. Chỉ cần quen với ngôn ngữ là được.

THỨ CHÍN… tôi có đúng không, Devageet?

“Đúng, thưa Osho.”

Tình cờ nghe thấy mình đúng, điều đó quá tuyệt. Tôi đã không nghe thấy điều đó trong ít nhất là bốn mươi năm. Không có ai trong gia đình tôi đã từng nói điều đó. Tôi luôn luôn sai. Và tôi cám ơn Thượng đế rằng tôi sai, không ‘đúng’ theo họ, nhưng là sai theo tôi. Không có thầy giáo nào của tôi từng nói tôi đúng. Tôi luôn luôn sai.

Tôi bị triệu đến vị hiệu trưởng để nhận sự trừng phạt, đó gần như là sự rèn luyện hàng ngày, một thói thường. Lớp trưởng mang tôi đến thầy hiệu trưởng, sau đó ông ấy thường hỏi tôi hôm đó đã làm gì. Nhưng dần dần thầy hiệu trưởng không hỏi nữa. Tôi đến đó và ông trừng phạt tôi, tát má tôi, và kết thúc. Thậm chí ông ấy không hỏi tôi đã làm gì sai.

Có một lần xảy ra – và tôi vẫn còn cười về sự kiện đó – lớp trưởng đã làm một cái gì đó sai. Một cách giễu cợt, thầy giáo đã yêu cầu lớp trưởng đến thầy hiệu trưởng cùng tôi. Tôi phải mang lớp trưởng đến thầy hiệu trưởng để nhận sự trừng phạt, nhưng trước khi tôi có thể nói điều gì thì ông ấy đã trừng phạt tôi! Tôi đã cười và ông ấy nói, “Vấn đề gì vậy?”

Tôi nói, “Hôm nay thầy phải trừng trị bạn khác. Em đã mang bạn đó đến. Bạn ấy không mang em đến, mà em mang bạn ấy đến, và thầy lại tát vào mặt em!”

Thầy hiệu trưởng nói, “Xin lỗi.”

Tôi nói, “Em không tin vào lời nói. Hãy để em tát thầy!” – và tôi đã tát ông thực sự.

Bây giờ ông già đó đang ở trong nấm mồ của mình. Tôi cảm thấy hối lỗi vì đã tát ông, nhưng tôi tát ông không quá mạnh… chỉ rất nhẹ nhàng, tựa như cơn gió thổi qua rặng thông.

Một lần nghe thấy mình đúng cũng là điều quá tuyệt rồi. Lại nghe thấy điều đó… Có phải là số tám không? Bây giờ chắc bạn đang gặp rắc rối. Không, tôi đã biết đó là số thứ chín. Được thôi.

Thứ chín. Sự lựa chọn của tôi cho số thứ chín là Huệ Năng, người kế vị Bồ Đề Đạt Ma ở Trung Quốc. THE TEACHINGS OF HUI NENG (NHỮNG THUYẾT GIẢNG CỦA HUỆ NĂNG) còn chưa được biết đến, và chưa được dịch, ngoài Nhật Bản.

Huệ Năng là một trong những đỉnh cao, đỉnh rất cao mà con người có thể đạt tới. Huệ Năng không nói nhiều; ông ấy chỉ đưa ra những gợi ý, chỉ một vài sự gợi ý. Nhưng chúng là đủ. Giống như những dấu chân, nếu bạn có thể theo, bạn sẽ đạt tới. Về cốt lõi, những gì ông ấy nói không khác với Phật hoặc Jesus, nhưng cách nói của ông là đích thực. Ông ấy nói theo cách của mình, và điều đó chứng tỏ ông không phải là con vẹt, không phải là giáo hoàng hoặc không phải là tu sĩ.

Huệ Năng có thể được tóm tắt rất dễ dàng, nhưng chỉ có thể được nhận ra bởi những người dám dối mặt với rủi ro. Ông ấy có thể được tóm lược rất dễ dàng bởi vì tất cả những điều ông nói chỉ là: đừng có nghĩ; hãy tồn tại. Nhưng để nhận ra điều đó thì con người phải sống nhiều kiếp. Nếu là con người tuyệt đối thông minh, thì chính thời điểm này, ở đây bây giờ, nó có thể trở thành thực tại bạn. Nó đã là thực tại trong tôi, tại sao nó không thể trở thành thực tại trong bạn? Ngoại trừ tôi, không ai đang ngăn cản điều đó.

Thứ mười, và cuối cùng của cuối cùng. Tôi sợ – chính vì vậy mà tôi vẫn có một chút do dự, nói hay không nói – Mulla Nasruddin! Ông ấy không phải là một nhân vật hư cấu, ông là một vị Sufi và ngôi mộ của ông vẫn còn tồn tại. Nhưng ông ấy là người mà, ngay cả khi ở trong nấm mộ, vẫn không thể nén sự hài hước lại. Ông ấy đã có một ý định là ngôi mộ bằng đá của ông sẽ không là gì mà chỉ là ô cửa, đã khóa, và các chìa khóa bị ném xuống biển.

Bây giờ đây là điều kỳ lạ! Mọi người đến để xem ngôi mộ của ông: họ có thể đi quanh ô cửa bởi vì không có bức tường nào, chỉ có ô cửa đứng đó, không tường! – và ô cửa bị khóa. Con người như Mulla Nasruddin chắc phải đang cười trong nấm mộ của mình.

Tôi không yêu ai như yêu Nasruddin. Ông ấy là một trong những người đã mang tôn giáo và tiếng cười đến cùng nhau, ngược lại chúng luôn quay lưng lại với nhau. Nasruddin đã ép chúng bỏ sự hận thù xưa cũ và trở thành bạn bè, và khi tôn giáo và tiếng cười gặp nhau, khi người thiền biết cười, và khi người cười biết thiền, thì điều huyền diệu xuất hiện… sự huyền diệu của mọi điều huyền diệu.

Chỉ còn hai phút cho tôi.

Tôi luôn thích dừng lại khi mọi thứ đang ở cực đỉnh của chúng. 



No comments:

Post a Comment