Pages

August 18, 2014

Lee Jong-Wha - Cuộc cách mạng giáo dục ở Trung Quốc

Phạm Nguyên Trường dịch

Để đảm bảo rằng lực lượng lao động có thể đáp ứng được những đòi hỏi của môi trường kinh tế và công nghệ đang thay đổi một cách nhanh chóng, Trung Quốc phải xây dựng được một hệ thống giáo dục chất lượng cao, mở rộng cơ hội cho nhiều người học hơn. Nếu không, trong một thời gian dài nữa, Trung Quốc chưa thể là nền kinh tế số một trên thế giới.


Trong 35 năm qua, sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của Trung Quốc - trung bình hơn 9,5% mỗi năm - đã thúc đẩy sự chuyển hóa kỳ diệu của nước này, từ một nền kinh tế nông nghiệp, mệnh lệnh hành chính, thành một siêu cường kinh tế trên thế giới. Trên thực tế, theo tính toán mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới về sức mua của tổng thu nhập, Trung Quốc sắp vượt Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng, về chất lượng và tính bền vững của mô hình tăng trưởng, Trung Quốc vẫn còn phải đi một chặng đường dài nữa.
Mặc dù sự vươn lên đáng chú ý của nó, với thu nhập bình quân đầu người 10.057 USD (đã điều chỉnh theo sức mua) vào năm 2011, Trung Quốc vẫn đứng thứ 99 trên thế giới – khoảng một phần năm thu nhập bình quân đầu người của Mỹ: 49.782 USD. Và tiến đến vị trí có thu nhập cao là việc không dễ dàng. Trên thực tế, nhiều nước đã thử và thất bại, họ đã rơi vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình, trong đó, mức thu nhập bình quân đầu người gia tăng rất chậm trước khi vượt qua ngưỡng thu nhập cao.
Nguồn nhân lực mạnh là tác nhân cực kì quan trọng, nó sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thoát khỏi định mệnh như thế. Nhưng lực lượng lao động của Trung Quốc hiện đang thiếu các kỹ năng cần thiết, khó có thể hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghệ cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Thay đổi đòi hỏi phải tiến hành một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, nhằm mở rộng và cải thiện cơ hội cho trẻ em, trong khi tiếp tục tăng cường huấn luyện kỹ năng cho người lớn.
Chắc chắn là trong hơn bốn thập kỷ qua chất lượng của lực lượng lao động của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể, điều này được phản ánh trong trình độ học vấn. Từ năm 1990, tỷ lệ nhập học ở cấp tiểu học là 100%, năm 2012 tỷ lệ nhập học trung học là 87% và đại học là 24%. Năm 2010, hơn 70% người dân Trung Quốc trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã có bằng trung học, trong khi đó, năm 1970 chỉ khoảng 20% tốt nghiệp trung học mà thôi.
Hơn thế nữa, học sinh Trung Quốc giành được điểm tốt trong các kì thi quốc tế. Theo Chương trình đánh giá học sinh quốc tế trong các năm 2009 và năm 2012, học sinh ở độ tuổi 15 ở Thượng Hải giỏi hơn học sinh đến từ 65 quốc gia, trong đó có 34 quốc gia thuộc khối OECD, trong các lĩnh vực toán học, khoa học và đọc.
Trung Quốc còn đã được hưởng lợi từ tốc độ gia tăng nhanh chóng chỗ làm việc, từ năm 1990, mỗi năm có 7 triệu người tham gia vào lực lượng lao động. Việc này, cùng với quá trình tái phân bố trên diện rộng lực lượng lao động từ nông thôn ra thành thị, đã giúp các ngành công nghiệp sản xuất sử dụng nhiều lao động, tức là những ngành thúc đây tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nhưng lợi thế về nhân khẩu học của Trung Quốc đang giảm bớt một cách nhanh chóng, đấy là do sinh suất thấp và dân số đang già đi. Theo Liên Hiệp Quốc, đến năm 2030 - so với năm 2010 - số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc (15-59 tuổi) sẽ giảm 67 triệu.
Hơn nữa, giáo dục đại học ở Trung Quốc cần phải cải tiến rất nhiều, những cuộc điều tra của người sử dụng lao động cho thấy rằng học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông trung học và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học thường thiếu kiến ​​thức kỹ thuật cần thiết và không có kỹ năng mềm. Ví dụ, trong năm 2013, hơn một phần ba các công ty Trung Quốc được khảo sát nói rằng họ phải hết sức cố gắng mới tuyển được những người lao động có tay nghề cao, 61% công ty nói rằng đấy là thiếu kỹ năng làm việc nói chung. Thế thì làm sao Trung Quốc có thể hy vọng sẽ đạt được sự đa dạng hóa trong xuất khẩu và nâng cấp công nghệ, tức là những việc mà nó cần phải làm trong quá trình vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Rõ ràng là, Trung Quốc cần phải cải cách các thiết chế giáo dục đại học, trong đó có các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Đồng thời, nước này phải mở rộng cơ hội cho những người có tài năng để họ có nền giáo dục trung học và đại học chất lượng cao, và bằng cách đó, thu hẹp đáng kể sự chênh lệch trong việc tiếp cận với học vấn và chất lượng giáo dục đại học giữa các vùng và các nhóm xã hội. Và con em của công nhân nhập cư trong các khu đô thị phải có toàn quyền tiếp cận với hệ thống giáo dục. Những nỗ lực nhằm làm giảm sự chênh lệch về giáo dục sẽ giúp giải quyết sự bất bình đẳng về thu nhập - một mối đe dọa đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.
Tất cả những việc này đều đòi hỏi tăng đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, tỉ lệ GDP đầu tư công của Trung Quốc cho tất cả các cấp học đều thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế, nhất là cho trung học phổ thông và đại học.
Thách thức đối với nền giáo dục của Trung Quốc còn liên quan đến chất lượng. Nền giáo dục không phù hợp là tác nhân chính làm gia tăng số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và sinh viên tốt nghiệp đại học của Trung Quốc thất nghiệp, chưa nói đến tiền lương của họ cũng giảm. Có thể khắc phục được chuyện này bằng chính sách tài trợ, chính sách tuyển dụng và bồi thường hiệu quả hơn, và phi tập trung hơn trong quá trình ra quyết định trong ban lãnh đạo nhà trường.
Cuối cùng, mặc dù một số bằng chứng cho thấy nguồn cung sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đã vượt cầu, nhưng những biến đổi trong lĩnh vực nhân khẩu học và dịch chuyển ngành nghề đang diễn ra hiện nay đồng nghĩa với việc đến năm 2020 Trung Quốc sẽ thiếu 24 triệu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hoặc trường dạy nghề có tay nghề cao. Muốn khắc phục tình trạng này, Trung Quốc phải nâng cấp các chương trình kỹ thuật và dạy nghề đang bị phân mảnh và thiếu hiệu quả của mình.
Để đảm bảo rằng lực lượng lao động có thể đáp ứng được những đòi hỏi của môi trường kinh tế và công nghệ đang thay đổi một cách nhanh chóng, Trung Quốc phải xây dựng được một hệ thống giáo dục chất lượng cao, bao quát được nhiều người hơn. Nếu không, trong một thời gian dài nữa Trung Quốc cũng chưa phải là nền kinh tế số một trên thế giới.
Lee Jong-Wha là Giáo sư Kinh tế và Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học Hàn Quốc, ông từng là kinh tế trưởng và Trưởng Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực của Ngân hàng Phát triển Châu Á và là cố vấn cao cấp về các vấn đề kinh tế quốc tế của cựu Tổng thống Lee Myung-bak của Hàn Quốc.


1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete