September 26, 2020

Thuật ngữ chính trị (67)

 


213. Filibuster – là cố gắng nhằm trì hoãn hoặc ngăn chặn không cho quốc hội quyết định về một đề xuất nào đó bằng cách kéo dài cuộc tranh luận, thường diễn ra tại Thượng viện Hoa Kì, nơi quyền thảo luận tự do được bảo vệ. Hình thức cản trở chính trị này có từ thời La Mã Cổ đại và cũng có thể được coi đồng nghĩa với bế tắc chính trị. Muốn cho filibuster thành công thì phải nói rất lâu; nhiều diễn giả, sau khi không còn gì để nói về chủ đề đang bàn đã chuyển sang những vấn đề khác hẳn. Một số diễn giả đọc các bộ luật của các bang khác nhau, đọc lại những bài diễn văn, thậm chí đọc cả sách dạy nấu ăn và danh bạ điện thoại.

 214. Firms, theory of -  Lý thuyết về công ty. Lý thuyết về công ty bao gồm một số lý thuyết kinh tế giải thích và dự đoán bản chất của công ty, hay tập đoàn, trong đó có sự tồn tại, hành vi, cơ cấu và quan hệ của công ty với thị trường.

 Lý thuyết đầu tiên được Ronald Coase (1910-2013) trình bày vào năm 1937 trong tiểu luận nổi tiếng: “Bản chất của Công ty”, trong đó giới thiệu các khái niệm về chi phí giao dịch để giải thích bản chất và giới hạn của các công ty. Bất cứ giao dịch thị trường nào giữa những cá nhân tự chủ cũng đòi hỏi thời gian và thương lượng, và do đó, đòi hỏi chi phí giao dịch. Ronald Coase khẳng định rằng người ta bắt đầu tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp vì chi phí cho việc phối hợp sản xuất thông qua trao đổi trên thị trường - với thông tin không hoàn hảo - lớn hơn là trong công ty. Khi thông tin ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những nền kinh tế  phức tạp hiện nay, trong nhiều lĩnh vực kinh tế, ưu điểm của công ty so với thị trường cũng gia tăng. Thông tin, một khi được tạo ra, có thể rất dễ dàng lan truyền trong dân chúng mà không hề bị giảm giá trị khi có thêm người tiếp nhận. Nếu không được bảo vệ thì người có thể dễ dàng kiếm được thông tin, không ai muốn trả tiền và cũng không ai muốn tạo ra thông tin; thông tin sẽ biến mất. Công ty giải quyết được vấn đề này bằng cách sử dụng quyền lực để giúp đảm bảo trả công cho những người giành được quyền sở hữu thông tin, dù đấy có là nơi tập kết hàng hóa, kĩ thuật sản xuất hay hệ thống mang tính sang tạo và hiệu quả trong việc đưa hàng hóa ra thị trường thì cũng thế.

 215. First amendment – Tu chính án Thứ nhất. Một trong những sửa đổi quan trọng nhất của bản Hiến pháp Hoa Kì, chứa đựng một số quyền dường như là quan trọng nhất đối với chế độ dân chủ tự do: tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và tự do gửi kiến nghị tới chính quyền. Tu chính án này là một trong những tu chính án được gọi là tuyên ngôn nhân quyền (10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kì), được thông qua nhằm làm dịu lo lắng của những người sợ chính quyền trung ương sẽ trở thành chính quyền độc đoán. Tòa án tối cao, dựa trên chuẩn mực tố tụng của Tu chính án XIV, khẳng định rằng những quyền tự do do Tu chính án Thứ nhất xác lập còn được bảo vệ từ sự suy giảm quyền lực của các bang.

  216. First-past-the-post - Nhiều phiếu nhất là thắng. Hệ thống bầu cử được áp dụng ở Anh và Mỹ, theo đó, mỗi khu vực bầu cử chỉ chọn một ứng viên duy nhất và đấy là ứng viên giành được số phiếu bầu cao nhất. Vì cách lựa chọn này giống như một cuộc đua ngựa cho nên đôi khi được gọi là hệ thống first-past-the-post (FPTP) – kẻ đầu tiên vượt qua mốc sẽ thắng. Ở Mỹ, thủ tục bầu cử như thế thường được gọi là hệ thống đa số tương đối (plurality system) vì ứng viên nào được nhiều phiếu nhất thì sẽ thắng cử (không nhất thiết phải là đa số tuyệt đối – trên 50%). Các nhà chính trị học thường gọi đó là hệ thống “khu vực bầu cử có một ứng viên với những cuộc bầu cử đa số tương đối”, đây là tên chính xác hơn, nhưng lại quá dài dòng. Ở Anh người ta thường dùng thuật ngữ first-past-the-post (nhiều phiếu nhất là thắng).

 217. First strike – Tấn công phủ đầu. Tấn công phủ đầu là khởi động cuộc tấn công nhằm gây ra cho kẻ thù những thiệt hại lớn nhất, kết hợp với yếu tố bất ngờ, và sử dụng toàn bộ sức mạnh nhằm ngăn chặn hoàn toàn cuộc tấn công trả đũa. Trong thời đại vũ khí hạt nhân, các chiến lược gia tìm cách hạn chế đến mức tối đa ước muốn sử dụng cuộc tấn công phủ đầu bằng cách xây dựng khả năng tấn công đáp trả (gọi là second-strike) và lập ra thuyết gọi là “hủy diệt lẫn nhau một cách chắc chắn” (mutual assured destruction, MAD ) - phá hủy cả hai nước đến mức không còn hy vọng phục hồi.

 

 

1 comment: