October 19, 2018

Nghiên cứu Chính trị bình dân (5)

Phần IV

Các chủ nghĩa

Chương IV – Chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội


Các tư tưởng của chủ nghĩa xã hội xuất hiện từ rất lâu đời, có thể ngay từ ngày xuất hiện tư hữu. Nhưng bản thân khái niệm CNXH thì mới hình thành hồi đầu TK XIX, với mục tiêu nguyên thủy là xóa bỏ kinh tế tư bản (tư hữu và trao đổi trên thương trường), xây dựng XH dựa trên công hữu tư liệu sản xuất.

Tư tưởng về CNXH phát triển trong TK XIX với sự thống nhất chung rằng CNTB, dựa trên thiết chế sở hữu tư nhân và người bóc lột người, là nguồn gốc của nghèo đói và bất công. Do đó, cách duy nhất để chống lại sự xấu xa của CNTB là để cho XH sở hữu chung tư liệu sản xuất, hệ thống phân phối và trao đổi, mà nhà nước là đại diện quản lý. Giai cấp công nhân phải làm cách mạng đề giành lấy phương tiện sản xuất và thi hành chuyên chính vô sản để xây dựng CNXH. Đại diện nổi bật và có ảnh hưởng nhất cho quan điểm này là Karl Marx (1818-1883).

Đến cuối TK XIX thì xuất hiện trường phái cải cách CNXH: đưa công nhân hội nhập dần vào xã hội tư bản thông qua cải thiện điều kiện lao động, tăng lương, phát triển công đoàn và các đảng xã hội, ủng hộ chuyển đổi từng bước một và ôn hòa, hợp pháp sang CNXH, ủng hộ đấu tranh nghị trường chứ không ủng hộ bạo lực cách mạng. Người đại diện là Eduard Bernstein (1850-1932), ông tổ của chủ nghĩa xét lại. Ông này khẳng định: Không có chiến tranh giai cấp và XH có thể chuyển đổi ôn hòa sang CNXH.

Sang đầu TK XX, CNXH chia thành 2 khối:
- Khối cách mạng, tức cộng sản, do Lenin và đảng Bolshevik của ông này cầm đầu, chủ trương công hữu và kế hoạch hóa tập trung.
- Khối cải cách, sau này thành dân chủ xã hội, chủ trương tái phân phối thông qua phúc lợi XH và điều tiết nền kinh tế, xuất phát từ tư tưởng của Eduard Bernstein.
Xin xem xét các thành tố của CNXH và một số hình thái của nó trong lịch sử.

CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH CNXH
Có 6 yếu tố chính sau đây: 1. Cộng đồng, 2. Tinh thần bác ái, 3. Bình đẳng XH, 4. Nhu cầu, 5. Giai cấp, 6. Công hữu.

1. Cộng đồng
CNXH đề cao cộng đồng: cá nhân được hình thành từ các mối quan hệ XH và bởi cá nhân đó là thành viên của tập thể. Karl Marx nói: “Con người là tổng hòa các mối quan hệ XH”.
Tập thể quan trọng hơn cá nhân. Cái tôi không là gì trước tập thể vĩ đại (trái ngược hẳn với chủ nghĩa tự do).

2. Tinh thần bác ái
Người theo CNXH quan niệm: Trong cộng đồng, con người ràng buộc với nhau bằng tình đồng chí, tình anh em, hay nói rộng ra là lòng bác ái, hợp tác quan trọng hơn và quý hơn cạnh tranh. Hợp tác giúp phát triển và khai thác được sức mạnh tập thể, trong khi cạnh tranh thúc đầy thù hận, chia rẽ.

3. Bình đẳng XH
CNXH đề cao bình đẳng, nhưng là bình đẳng XH (bình đẳng về kết quả). Đó là giá trị cốt lõi của CNXH. Người theo CNXH tin rằng bình đẳng là điều kiện thiết yếu để XH ổn định. (Xin mở ngoặc để nói thêm rằng sau khi công hữu tài sản thì mới biết rằng hóa ra trong XH đó bất bình đẳng còn khủng khiếp hơn nhiều lần chế độ tư hữu, nhưng đây là đề tài riêng).

4. Nhu cầu
CNXH quan niệm rằng lợi ích vật chất phải được phân phối trên cơ sở nhu cầu cá nhân chứ không phải dựa vào tài năng hay năng suất lao động (Có lẽ ở đây PĐT nói tới CNCS vì CNXH vẫn: “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, phải đến CNCS mới: “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nhưng tư tưởng chính thì vẫn đúng). Thực chất là cào bằng.
5. Giai cấp
Karl Marx phân loại giai cấp tùy theo quan hệ với tư liệu sản xuất. Người làm chủ tư liệu sản xuất là tư sản, người bán sức lao động là công nhân. Công nhân là lực lượng cách mạng, lật đổ giai cấp tư sản, tiến hành công hữu hóa để xây dựng CNXH.

6. Công hữu
“Công” là chung, công cộng. Công hữu tức là sở hữu chung, được thể hiện dưới hình thức tập thể hóa hoặc quốc hữu hóa.
Công hữu là một trong những khái niệm trung tâm của CN Marx, là công cụ để xây dựng CNXH hiện thực.
Nhưng, công hữu ở khắp mọi nơi đều dẫn tới năng suất lao động thập và cuối cùng là bần cùng hóa XH. Tất cả các nước tiến hành xây dựng CNXH đều thất bại và phá sản, trước sau gì cũng sụp đổ.

CÁC HÌNH THÁI CNXH
Đến đây chúng ta sẽ điểm qua một số hình thái CNXH trong lịch sử hiên đại: Chủ nghĩa Marx (nguyên thủy), CNCS ở Liên Xô, dân chủ xã hội và con đường thứ ba.

1. Chủ nghĩa Marx (nguyên thủy)
CN Marx nguyên thủy là một trào lưu triết học chính trị, khác với trào lưu CS thế kỳ XX. Nó có những yếu tố đặc thù sau đây:
- CN duy vật lịch sử
- Phép biện chứng
- Khái niệm “sự tha hóa”: Công nhân tách rời khỏi sản phẩm của sức lao động của chính mình…
- Đấu tranh giai cấp
- Giá trị thặng dư
- Cách mạng vô sản
- Chuyên chính vô sản.

2. CNCS ở Liên Xô
CNCS ở Liên Xô, còn được gọi là CNCS chính thống, là ý thức hệ pha trộn giữa CN Marx với các tư tưởng, quan điểm của Lenin và Stalin.

Lenin cho rằng công nhân không ý thức được sức mạnh của mình cho nên phải có 1 đảng kiểu mới, theo nghĩa: 1. Đấy không phải là đảng của quần chúng mà là đảng của các nhà cách mạng chuyên nghiệp và dấn thân vì lý tưởng, 2. Đảng này được tổ chức trên nguyên tắc tập trung dân chủ (sẽ bàn trong chương III, phần V), 3. Đảng mang tính thứ bậc và kỉ luật sắt.

Năm 1917, đảng Bolshevik của Lenin giành được chính quyền ở Nga, gọi là Cách mạng Tháng Mười Nga Vĩ đại.

Năm 1924 Lenin chết, Stalin lên thay. Tiến hành quốc hữu hóa và tập thể hóa, tiêu diệt hết đối lập. Sau năm 1945 CNCS kiểu Liên Xô được thi hành trong nhiều nước Đông Âu, Trung Quốc, VN, Bắc Hàn, Cuba.. Nhưng ở khắp mọi nơi đều thất bại: Kinh tế lạc hậu, suy đồi, người dân lâm vào cảnh bần hàn. Năm 1985, Gorbahep tiến hành “cải tổ”, kết quả là CNXH ở hầu hết các nước đã sụp đổ, các nước còn lại thì đi theo kinh tế thị trường định hướng XHCN.

3. Dân chủ xã hội
Những người theo phái dân chủ xã hội nhân văn hơn, không cổ súy bạo lực và đấu tranh giai cấp, muốn tiến lên CNXH bằng con đường nghị trường. Những người theo phái dân chủ xã hội tìm cách cân bằng giữ thị trường, nhà nước, cá nhân và cộng đồng. Mặc dù coi CNTB là cơ chế duy nhất tạo ra của cải và thịnh vượng, nhưng họ muốn phân phối của cải theo nguyên tắc đạo đức hơn cơ chế thị trường.
Các chính sách của yếu của DCXH:
- Chính phủ điều tiết kinh tế;
- Nhà nước đánh thuế cao để lập quỹ phúc lợi XH.
Do xã hội mất lòng tin vào CNXH, kinh tế kém hiệu quả, toàn cầu hóa.. mà từ những năm 1980 DCXH đã đi dần vào thoái trào.

4. Con đường thứ ba
“Con đường thứ ba” là ý thức hệ có tham vọng thay thế cả CNTB lẫn CNXH.
Ý thức hệ này cho rằng CNXH và mọi sự can thiệp của nhà nước theo kiểu từ trên xuống đã hết thời. Nó thừa nhận toàn cầu hóa là đặc điểm không thể tách rời và CNTB đã phát triển thành “kinh tế trí thức”, nó đề cao vai trò của công nghệ thông tin và kỹ năng cá nhân.

Trong nền kinh tế trí thức nhà nước có vai trò thiết yếu trong kinh tế và xã hội:
- Phát triển giáo dục, đào tạo kỹ năng cho dân chúng, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế;
- Phát triển XH dân sự, và các cộng đồng nhằm hạn chế sức ép của CNTB và thị trường.

Những người theo trường phái Con đường thứ ba đưa ra khái niệm “workfare state” (PĐT dịch là nhà nước công lợi, nhưng theo tôi phải dịch là “nhà nước tay làm hàm nhai”), tương phải với nhà nước phúc lợi (welfare state): nhà nước chỉ hỗ trợ những người muốn lao động, có ý thức tự lập chứ không hỗ trợ tràn lan.

Ở những khía cạnh khác, những người theo trường phái Con đường thứ ba kêu gọi cân bằng giữa quyền và trách nhiệm, chủ trương bình đẳng về cơ hội, ủng hộ chế độ trọng nhân tài (xã hội meritocraty).
Chương V
Một số chủ nghĩa khác

1. CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT

Chắc chắn là bạn đã từng nghe nói CNCS và chủ nghĩa phát xít là đại họa của nhân loại. Nhưng hai ý thức hệ này lại là kẻ thù không đội trời chung của nhau. Chúng có gì chung và riêng?

CN phát xít xuất hiện hồi đầu TK XX, với hai đại diện: Benito Mussolini (Ý, cầm quyền từ năm 1922 đến năm 1943) và Adolf Hitler (Đức, cầm quyền từ năm 1933 đến năm 1945).

CN phát xít là cuộc nổi loạn chống lại tất cả các triết học, tư tưởng phương Tây từ thời CM Pháp, chống CNTB, CN tự do, CN cá nhân, CN bảo tồn, CN cộng sản. Người ta cho rằng CN phát xít ra đời vì những lý do sau đây:

- Sự trỗi dậy của tình cảm dân tộc, của lòng tự tôn dân tộc của Ý và Đức sau hiệp ước Versailles
- Lạm phát phi mã và khủng hoảng kinh tế
- Bất ổn XH – CN đình công đòi tăng lương, nông dân mất đất..
- Sự suy yếu của chế độ dân chủ đại nghị - quá nhiều đảng phái, chính phủ không ổn định…
- Sợ CN cộng sản..

Con người lý tưởng của CN phát xít là cá nhân được dẫn dắt bởi nhiệm vụ, danh dự, và hy sinh, sẵn sàng cống hiến đời mình cho vinh quang của đất nước và dân tộc, phục tùng lãnh tụ vô điều kiện. CN phát xít và CN cộng sản có kẻ thù chung là CN tự do và coi nhau là kẻ thù không đội trời chung.

Cuối TK XX, chủ nghĩa phát xít mới (Neo-fascism) xuất hiện như là cách phản ứng với khủng hoảng KT và bất ổn chính trị sau khi CN cộng sản sụp đổ.

KHÁC BIỆT GIỮA PHÁT XÍT Ý VÀ ĐỨC

CN phát xít ở Ý có đặc điểm là trọng nhà nước: Cho rằng sự can thiệp của nhà nước là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nhà nước là cơ chế để tổ chức các hành động tập thể và thực hiện các mục tiêu chung. Khẩu hiệu của họ: “Tất cả vì nhà nước, không có gì chống lại nhà nước, không có gì nằm ngoài nhà nước”.

CN phát xít Ý trọng nhà nước thể hiện ở các chính sách: quốc hữu hóa, tập thể hóa, nhà nước quản lý KT, xây dựng tập đoàn nhà nước…

CN phát xít Đức tự nhận là CNXH quốc gia, gọi tắt là quốc xã. Nền tảng chủ yếu của nó là thuyết chủng tộc thượng đẳng (chủng Arya) và thuyết bài Do Thái.

2. CHỦ NGHĨA VÔ CHÍNH PHỦ

Chủ nghĩa vô chính phủ có những đặc điểm sau: tự nguyện, tự quản, không có nhà nước, không phân chia thứ bậc, địa vị.

Những người theo phái vô chính phủ cho rằng luật pháp, chính quyền và nhà nước đều là không cần thiết, quyền lực chính trị dưới mọi hình thức đều là xấu xa. Họ cổ súy XH không nhà nước, các cá nhân tự do giải quyết mọi việc thông qua thỏa thuận và hợp tác.

Như vậy, ở khía cạnh cổ vũ tự do cá nhân và tôn sùng tự do cá nhân, CN vô chính phủ có nhiều nét tương đồng với CN tự do; còn ở khía cạnh nhấn mạnh các yếu tố cộng đồng, hợp tác, bình đẳng, sở hữu chung thì nó lại chịu ảnh hưởng và tương tự như CNXH.

Tất nhiên, khi con người đã sống hợp quần với nhau, để tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, nhất định người ta phải trao một số quyền tự do của mình cho thiết chế gọi là nhà nước. Nhà nước, chính quyền là những cái ác, cái xấu mà con người phải chấp nhận, cho nên CN vô chính phủ không có nhiều đồ đệ và các đảng vô chính phủ chưa bao giờ chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở bất cứ quốc gia nào.

3. CHỦ NGHĨA MÔI TRƯỜNG (ENVIRONMENTALISM)

CN môi trường chớm hình thành từ cuối TK XIX, với tinh thần chống lại cuộc CM công nghiệp đang dâng lên và lan rộng. Sang TK XX, CN môi trường lớn mạnh dần trước đà phát triển của kinh tế, công nghiệp, công nghệ hạt nhân, mưa axit, tầng ozon bị thủng, biến đổi khí hậu và ấm nóng toàn cầu.

Đặc điểm nổi bật của CN môi trường là phản đối quan điểm coi con người là trung tâm của phát triển. CN này coi con người chỉ là 1 phần của thiên nhiên, trái đất là một sinh thể. Người theo CN môi trường có xu hướng ủng hộ đạo Lạo, đạo Phật, Thiền, là những tôn giáo cổ súy trở về với thiên nhiên, sống hợp tự nhiên.

CN môi trường có 2 trường phái:
- Phái ôn hòa: cồ súy các chính sách và lối sống lành mạnh về môi trường và sinh thái
- Phái quyết liệt: đặt hệ sinh thái lên trước tất cả các loài, kêu gọi bảo vệ hành tinh và nhân loại

4. TÔN GIÁO THUẦN TÚY (Fundamentalism – Trào lưu tôn giáo chính thống)

Tôn giáo thuần túy là ý thức hệ quan niệm rằng tồn tại một sự thật hay là chân lý cần được mặc khải, đời sống xã hội và chính trị cần được tổ chức trên cơ sở các nguyên tắc tôn giáo và sự thật đó. Kết quả là nhà nước thần quyền – nhà nước và nhà thờ là những thực thể bất khả phân. Đối nghịch với nó là chủ nghĩa thế tục: tách tôn giáo khỏi nhà nước, tôn giáo không được can thiệp vào các vấn đề thế tục.

Có Công giáo thuần túy, Do Thái giáo thuần túy… cổ súy cho những giá trị mà các tôn giáo này coi là thiêng liêng.

5. CHỦ NGHĨA CỘNG ĐỒNG (communitarianism)

CN cộng đồng nổi lên từ thập niên 1980, với 2 đại diện xuất sắc là Michael Sandel (1962-) và Robert Putnam (1941-). CN cộng đồng phê phán gay gắt CN tự do và CN cá nhân vì cho rằng chúng làm suy yếu vốn XH, trong khi vốn XH là yếu tố chủ chốt để xây dựng và duy trì chế độ dân chủ, và là một trong 3 yếu tố cấu thành sự phát triển của cá nhân (gồm vốn vật chất, vốn văn hóa hay vốn con người và vốn XH, tức là mạng lưới các mối quan hệ).

6. CHỦ NGHĨA NỮ QUYỀN (Feminism)
CN nữ quyền nổi lên từ phong trào đòi quyền phổ thông đầu phiếu cho phụ nữ (những năm 40-50 TK XIX, gọi là “làn sóng thứ nhất” và tiếp đến là “làn sóng thứ hai” trong những năm 60-70 TK XX.
CN nữ quyền đòi thúc đẩy vai trò XH của phụ nữ, cổ súy bình đẳng về quyền và cơ hội cho phụ nữ.
CN nữ quyền chia làm 3 trường phái:

- Trường phái quyết liệt: Coi nam giới là kẻ thù của nữ quyền, là những kẻ áp chế phụ nữ.
- Phái trung dung: Quan niệm phụ nữ cần được bình đẳng về quyền và cơ hội với nam giới và nam giới cũng góp phần vào bình đẳng giới
- Phái bảo thủ: Phụ nữ có thể được đối xử tốt hơn so với quá khứ, nhưng họ là phái yếu, cần phải được đối xử tương ứng.

Xin chào và hẹn gặp lại.

No comments:

Post a Comment