August 31, 2015

Câu hỏi mới về “hai nước Trung Quốc”

Richard N. Haass

Phạm Nguyên Trường dịch

Đối với tất cả những người đã ngoài 60 tuổi và thường xuyên theo dõi tình hình thế giới thì thuật ngữ “hai nước Trung Quốc” làm người ta nhớ lại cuộc cạnh tranh diễn ra sau năm 1949 về việc công nhận về mặt ngoại giao do Trung Quốc đại lục (Đỏ) và Đài Loan tiến hành, hay, chính thức hơn, được tiến hành bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Trung Hoa. Đầu những năm 1970, hầu như tất cả các nước đều ủng hộ đòi hỏi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng chỉ có nước này mới được công nhận là chính phủ có chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc. Trung Hoa đại lục đơn giản là quá lớn và quá quan trọng về kinh tế và chiến lược, không ai dám xa lánh.

Hiện nay, một một câu hỏi mới, câu hỏi khác hẳn về “hai nước Trung Quốc” lại xuất hiện. Câu hỏi tập trung vào sự kiện là Trung Quốc có phải là quốc gia hùng mạnh, với tương lai đầy hứa hẹn mặc dù có những khó khăn trong ngắn hạn, hay đây là đất nước đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu và tương lai là không chắc chắn. Nói tóm lại, hiện nay thoáng nhìn đã có thể thấy hai nước Trung Quốc khác hẳn nhau. Nhưng cái nào sẽ thắng thế?


Cho đến mãi gần đây vẫn chẳng có mấy lý do để đưa ra câu hỏi như vậy. Nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 10% hoặc cao hơn trong suốt hơn ba thập kỷ qua. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hàng trăm triệu người Trung Quốc bước chân vào tầng lớp trung lưu. Mô hình đầy hiệu quả của chế độc tài ở Trung Quốc dường như có sức hấp dẫn đối với nhiều quốc gia đang phát triển khác, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt đầu ở Hoa Kỳ và do đó dường như đã làm mất uy tín chủ nghĩa tư bản tự do kiểu Mỹ.

Nhưng câu hỏi về tương lai của Trung Quốc hiện đã trở thành đề tài thảo luận. Theo số liệu của chính phủ, tăng trưởng kinh tế giảm chỉ còn gần 7%; nhưng nhiều người tin rằng con số thực tế là dưới 5%. Tốc độ tăng trưởng giảm không làm ai ngạc nhiên; tất cả các nền kinh tế đang phát triển – trong quá trình phát triển và trưởng thành - đều gặp phải những vấn đề tương tự như thế. Tuy nhiên, tốc độ và mức độ thay đổi đã làm cho chính quyền trở tay không kịp và các quan chức sợ rằng tăng trưởng sẽ không đạt tốc độ mà kế hoạch hiện đại hóa đòi hỏi.

Báo động của chính phủ về việc suy thoái kinh tế diễn ra khốc liệt hơn so với dự kiến đã được phản ánh trong chính sách can thiệp mạnh tay của họ vào tháng bảy, đóng băng thị trường chứng khoán trong lúc đang có sự điều chỉnh giá đầy kịch tính. Sau đó là vụ phá giá đầy mất ngờ đồng nhân dân tệ trong tháng này, động thái này cho thấy chuyển khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đã không có hiệu quả như người ta kỳ vọng.

Trong khi đó, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng giống như chiến lược nhằm củng cố quyền lực, chứ không phải là nỗ lực nhằm cải cách nhà nước Trung Quốc vì lợi ích của nền kinh tế và xã hội. Tham nhũng lan tràn khắp nơi và chiến dịch của Tập vẫn còn được mọi người ủng hộ. Nhưng làn sóng những vụ truy tố mà Tập tung ra làm cho các quan chức Trung Quốc nản lòng; họ không hăng hái đưa ra quyết định, do sợ rằng trong tương lai có thể bị truy tố về tội hình sự nào đó.

Kết quả là, thời gian gần đây người ta ít nghe nói về mô hình Trung Quốc mà nghe nói nhiều hơn về thực trạng của Trung Quốc. Ngoài tăng trưởng chậm lại, còn có những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường, mà đây lại là kết quả của nhiều thập niên tăng trưởng nóng, công nghiệp hóa dựa vào than đá. Theo một ước tính, mỗi năm ô nhiễm không khí giết chết 1,6 triệu người Trung Quốc.

Dân số đang ngày càng già đi của Trung Quốc, hệ quả không mong muốn của chính sách một con hà khắc của nước này, là mối đe dọa khác đối với sự thịnh vượng trong dài hạn. Với tỷ lệ phụ thuộc - tỷ lệ trẻ em và người về hưu trên số người trong độ tuổi lao động - sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục giữ ở mức thấp, trong khi chi phí chữa bệnh và lương hưu sẽ ngày càng làm cho ngân sách của chính phủ căng thẳng thêm.

Ngày càng trở nên rõ ràng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn tốc độ tăng trưởng kinh tế mà chủ nghĩa tư bản có thể tạo ra, nhưng không muốn có những vụ suy thoái song hành với nó. Họ muốn những cách tân mà xã hội cởi mở có thể làm được, nhưng lại không muốn tự do trí tuệ, tức là yếu tố quyết định sự canh tân. Phải bỏ một cái gì đó.

Một số nhà quan sát sợ nước Trung Quốc đang trỗi dậy, sẽ thở phào nhẹ nhõm trước những khó khăn mà nước này đang đối mặt. Nhưng đấy có thể là phản ứng thiển cận.

Trung Quốc tăng trưởng chậm sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Nước này cũng sẽ là đối tác ít nhiệt tình trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu, ví dụ như biến đổi khí hậu. Nguy hiểm nhất là, Trung Quốc đang gặp khó khăn có thể muốn quay về với chính sách đối ngoại phiêu lưu nhằm xoa dịu công chúng đang thất vọng vì tăng trưởng kinh tế chậm và không có tự do chính trị. Đúng là, có một số dấu hiệu cho thấy chính quyền đang làm đúng như thế ở Biển Đông. Khi đảng cầm quyền không còn có khả năng tăng nhanh mức sống của dân chúng thì chủ nghĩa dân tộc có thể trở thành nguồn gốc chủ yếu mang lại tính chính danh cho nó.

Mỹ và các nước khác sẽ cần phải thúc đẩy để đảm bảo rằng Trung Quốc không hành động theo cách đó. Nhưng những quốc gia này sẽ khôn ngoan khi đánh tiếng với Trung Quốc rằng nếu họ hành động một cách có trách nhiệm và tuân theo những quy tắc chung thì người ta sẽ chào đón họ trong hàng ngũ những nước đứng đầu thế giới.

Nhưng Trung Quốc sẽ phải có những lựa chọn chính sách lớn hơn. Chính phủ cần phải tìm được sự cân bằng giữa lợi ích của chính phủ và quyền cá nhân, giữa tăng trưởng kinh tế và quản lý môi trường, giữa vai trò của thị trường và vai trò của nhà nước.

Những lựa chọn mà Trung Quốc phải đối mặt là khó khăn, nhưng không thể tránh được. Không loại trừ khả năng là xã hội sẽ có những bất ổn lớn. Chắc chắn là ba thập kỷ tiếp theo sẽ không phải là hình ảnh phản chiếu của ba thập niên vừa qua.

Richard N. Haass là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cựu Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), và là đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tới Bắc Ireland và Điều phối viên chương trình Tương lai của Afghanistan. Tác phẩm mới nhất của ông: Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America's House in Order (Chính sách đối ngoại bắt đầu từ trong nước: Thiết lập trật tự trong ngôi nhà của Mỹ).

Đã đăng trên: http://www.ijavn.org/2015/08/vntb-cau-hoi-moi-ve-hai-nuoc-trung-quoc.html


Nguồn: http://www.project-syndicate.org/commentary/two-chinas-economic-slowdown-by-richard-n--haass-2015-08

No comments:

Post a Comment