February 26, 2015

Quan điểm trên thế giới về cấm đoán ma túy: Phỏng vấn Mark Thorntom


Phạm Nguyên Trường dịch
Mark Thornton, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Mises, vừa đến Anh để tham gia một cuộc thảo luận do Oxford University tổ chức.

Viện Mises: Tại sao ông lại được mời tham gia thảo luận tại Oxford?

Mark Thornton:  Những cuộc tranh luận ở Oxford (Oxford Union) hầu như có thể mời bất cứ người nào mà họ muốn tranh luận, trong đó các vị tổng thống, thủ tướng, Mẹ Theresa, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và thậm chí cả Julian Assange nữa, vì vậy tôi lấy làm vinh dự khi được họ mời. Tôi đã gặp một số nhà nghiên cứu ở Oxford Union và ở Đại học Oxford, những người đã biết công trình của tôi về cuộc chiến chống ma túy và ở Viện Mises. Mỗi bên tranh luận thông thường gồm nhà nghiên cứu làm công việc dẫn chương trình và ba chuyên gia. Các cuộc tranh luận được tiến hành tương tự như ở Viện Thứ Dân và đã được tiến hành từ năm 1823.


Viện Mises: Sợi chỉ đó xuyên suốt trong luận cứ của ông là gì và được đón nhận như thế nào? Bên ủng hộ cuộc chiến chống lại ma túy biện hộ thế nào?

Mark Thornton: Câu nói đùa mở màn của tôi đã được đón nhận một cách tốt đẹp và luận cứ của tôi cũng được đón nhận một cách tốt đẹp. Luận cứ của tôi là cuộc chiến chống ma túy chẳng mang lại lợi ích gì, chỉ tốn tiền và những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn. Bao gồm tội ác do những người nghiện ma túy gây ra, bạo lực do những người buôn bán ma túy thực hiện, nạn hối lộ và tham nhũng và hiệu lực của thuốc gia tăng đến mức có thể gây chết người. Tôi đã trình bày với họ lí thuyết về phương pháp kết nối những điểm này lại với nhau và câu chuyện về cách kết nối những điểm này. Sau đó tôi đã trình bày mười lợi ích của việc hợp pháp hóa các loại ma túy phù hợp với ba tiêu chí: làm cho chúng ta an toàn hơn, làm cho chúng ta khỏe mạnh hơn và cải thiện phúc lợi của con người. Tôi kết thúc bài thuyết trình của mình với bốn ví dụ về những việc sẽ xảy ra khi luật về ma túy đã được tự do hóa. Một ví dụ là thí nghiệm, người nghiện heroin được cấp những liều heroin an toàn về dược. Kết quả là tội phạm giảm đáng kể, số người có việc làm gia tăng và những người tìm cách chữa bệnh cũng gia tăng. Một ví dụ khác là chính sách đổi kim tiêm. Những nước áp dụng chính sách trao đổi kim tiêm một cách tự do (cấp kim tiêm miễn phí) có tỉ lệ người bị mắc HIV/AIDS và những bệnh lây qua đường tiêm chích rất thấp còn những nước thi hành chính sách rất nghiêm ngặt đối với kim tiêm (chỉ bán theo toa) có tỉ lệ lây nhiễm rất cao. Người nghe phản ứng rất nhiệt tình.
Ba chuyên gia bên phía ủng hộ cuộc chiến chống ma túy đưa ra luận cứ sau đây. Chuyên gia thứ nhất nói rằng không có cuộc chiến chống ma túy nào hết và người ta chưa thực sự tiến hành cấm đoán. Luận cứ của chuyên gia thứ hai là ma túy là xấu – chỉ thế thôi! Bà này từng là một người nghiện ma túy và tiết lộ rằng khi còn trẻ bà muốn xăm một lá cần sa lên mu bàn tay, nhưng người xăm hình từ chối vì lúc đó bà chưa đủ 18 tuổi. Điều này làm bà nghĩ rằng các doanh nghiệp sẽ bán cocaine cho những đứa trẻ 14 tuổi nếu nó được hợp pháp hóa? Chuyên gia cuối cùng khẳng định rằng nếu chúng ta hợp pháp hóa ma túy thì cuối cùng hầu như tất cả mọi người đều sẽ trở thành những con nghiện nặng. Như bạn thấy đấy, luận cứ của phía bên kia chủ yếu là thông tin sai lạc và chiến thuật dựa trên sự sợ hãi.
Viện Mises:  Chúng ta biết rằng ở nhiều tiểu bang ở Mĩ, đặc biệt là ở Colorado và Washington, những nỗ lực nhằm hợp pháp hóa ma túy đã có tiến bộ đáng kể. Ở Anh quốc, người ta có quan điểm như thế nào về những tiến bộ như thế?

Mark Thornton: Tất cả những mà người tôi nói chuyện về chính sách ma túy đều biết sự tiến bộ ở Colorado và Washington và một số người đã hỏi tôi về chuyện đó. Ấn tượng chung của tôi là mọi người hy vọng rằng Mĩ đã phá vỡ thái độ bài trừ ma túy cứng rắn của nước này. Nói chung, ý kiến của người dân ở Vương quốc Anh và châu Âu cũng dường như đang hướng về chính sách ma túy tự do hoá nhiều hơn nữa. Điều này không nhất thiết kéo theo việc hợp pháp hoá hoàn toàn ma túy, mà là chính sách coi những loại ma túy mạnh là những vấn đề y tế chứ không phải là vấn đề thực thi pháp luật, và cần sa được quy định tương tự rượu và thuốc lá.

 Viện Mises:   Thông qua các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng tất cả chúng ta có một hình ảnh nhất định về cuộc chiến chống ma túy ở Mĩ, với các băng đảng, những kẻ buôn lậu ma túy và những người vận chuyển ma túy. Cuộc chiến chống ma túy ở châu Âu có gì khác không hay cũng giống như ở đây, không ít thì nhiều?

Mark Thornton: Cũng giống như Hoa Kỳ, châu Âu là khu vực tiêu thụ ma túy bất hợp pháp lớn, chứ không phải là khu vực sản xuất, với luật phòng chống ma túy tương tự như ở đây. Nam Mĩ cũng sản xuất nhiều ma túy, nhập lậu vào châu Âu. Đương nhiên là vấn đề rất giống nhau. Giống nhau một phần còn là do những hiệp ước quốc tế buộc các nước phải tuân thủ những tiêu chuẩn pháp lí nhất định đối với các loại ma túy bất hợp pháp. Vì vậy mà họ cũng có những kẻ buôn lậu, những băng nhóm bán lẻ ma túy, tội phạm có tổ chức, hối lộ và tham nhũng .v..v. Có một số trường hợp ngoại lệ mà ta thấy rõ như cửa hàng cà phê cần sa ở Hà Lan. Cũng có một số thí nghiệm đáng chú ý, ví dụ như phi hình sự hóa tất cả các loại ma túy ở Bồ Đào Nha. Sẽ không sai khi nói rằng cải cách của Bồ Đào Nha là hành động tuyệt vọng, nhưng nên nhớ rằng Hoa Kỳ cũng tuyệt vọng như thế khi chúng ta bãi bỏ luật cấm rượu trong lúc cuộc Đại suy thoái rơi vào tình trạng nặng nề nhất.

Viện Mises: Cuộc đấu tranh chống lại cuộc chiến chống ma túy đã trở thành phong trào toàn cầu hay nỗ lực mới thu được thành công ở vài quốc gia?

Mark Thornton: Cả hai. Nỗ lực mới thu được thành công ở vài quốc gia; nhưng tôi nghĩ rằng đã có một phong trào mang tính ý thức hệ trên toàn thế giới nhằm ủng hộ cho những đạo luật tự do hơn về ma túy. Ở châu Âu và ở cả Tây Bán cầu, cán cân nghiênh về những đạo luật tự do hơn về ma túy đang bắt đầu trở nên rõ ràng. Cần sa dùng trong y khoa và hợp pháp hóa cần sa tiêu khiển được nhiều nước trong các nước đã phát triển chấp nhận. Người dân Mexico, người dân các nước Trung Mĩ và các nước sản xuất ma túy ở Nam Mĩ đã bị cuộc chiến chống ma túy làm cho khốn khổ và đang rất cần một giải pháp. Dường như những chiến thắng chỉ là lẻ tẻ và biệt lập, nhưng tôi tin rằng khi lịch sử nhìn lại quá khứ gần đây và tương lai trước mắt của chúng ta nó sẽ dán cho giai đoạn này cái nhãn “Sự cáo chung của cuộc chiến chống ma túy”, tương tự như chúng dán nhãn “Sự cáo chung của chiến tranh lạnh” và “Sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” vậy.  Chí ít thì đấy cũng là hy vọng của tôi.

Viện Mises:  Khi chúng ta nghĩ về ma túy bất hợp pháp, chúng ta thường hiểu là cocaine, thuốc phiện và cần sa. Nhưng càng ngày người ta càng chú ý hơn đến những loại thuốc bán theo toa. Đây có phải cũng là vấn đề đang nổi lên ở các nước khác không?

Mark Thornton: Người ta đã dự đoán được vấn đề này, như tôi đã chỉ ra trong cuốn sách của mình: Kinh tế học về cấm đoán. Khi cuộc chiến chống ma túy tiến triển với lực lượng thực thi mạnh mẽ hơn và hình phạt nặng nề hơn thì thị trường chợ đen phản ứng bằng những loại ma túy mạnh hơn, hiệu quả hơn và nguy hiểm hơn. Khi tôi viết vào những năm 1980, quá trình là cần sa có hiệu lực ngày càng cao hơn, rồi chuyển sang cocaine, ma túy đá và heroin. Kể từ đó ma túy tổng hợp, thuốc lắc, thuốc phiện bán theo toa đã được thêm vào hỗn hợp. Gần đây hơn, người ta còn phát minh ra những loại ma túy hóa học mới, hợp pháp về mặt kỹ thuật. Tôi tự hỏi nếu những người đang chiến đấu với ma túy hiện nay có một cái nút có thể đưa chúng ta trở lại thời kì trước khi có sự can thiệp của chính phủ vào ma túy và đến nơi mà người ta hút thuốc phiện có hiệu lực thấp và thuốc phiện bán ngay bên lề xã hội và uống Coca-Cola (loại có chứa cocaine chứ không phải caffeine), họ có bấm cái nút đó hay không?
Ở Mĩ, các loại thuốc giảm đau có chứa thuốc phiện như OxyContin (oxycondone) và Vicodin mỗi năm giết chết hàng ngàn người. Các con nghiện đều có quan niệm sai lầm rằng đấy là những chất thay thế an toàn cho heroin. Việc sử dụng loại thuốc này cũng đã lan sang châu Âu và những nơi khác và đã có người chết.




No comments:

Post a Comment