October 9, 2011

Báo chí phương Tây: Nga và Trung Quốc đã ném cho Bashar Assad chiếc phao cứu sinh

Phạm Nguyên Trường dịch

 

Moskva và Bắc Kinh đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an nhằm lên án việc Syria đàn áp các lực lượng chống chính phủ. Điện Cẩm Linh không muốn lặp lại kịch bản Lybia, đấy là lúc phương Tây làm họ “rối trí”, và không muốn những con vi trùng bạo loạn xâm nhập vào trong nước, hơn nữa, Putin đã lại trở thành người điều khiển chính sách đối của Nga rồi. Phủ quyết nghị quyết về Syria làm Liên hiệp quốc yếu đi.

Moskva và Bắc kinh sợ sẽ bị mất ảnh hưởng trong thế giới Arab một khi các “chính phủ độc tài được xây dựng theo mô hình Liên Xô hiện đã lỗi thời thay nhau sụp đổ”, trong bài nói về việc hai nước này phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an, nhà bình luận Neil MacFarquhar đã viết trên tờ The New York Times (Mĩ) như thế.


Đối với Nga, Syria chính là những hợp đồng thương mại và quốc phòng trị giá hàng tỉ dollar và căn cứ hải quân ở Tartus, tờ báo này viết như thế. Ngoài ra, Syria là đồng minh Arab đáng tin cậy duy nhất của Nga, bảo đảm cho việc tham gia vào những cuộc đàm phán về hòa bình giữa các nước Arab và Israel. Trung Quốc sợ “mùa xuân Arab” sẽ kích động tinh thần bất tuân trong dân chúng Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn: Trung Quốc và Nga thường cùng nhau chống lại những bước đi mà họ cho là những cố gắng của phương Tây nhằm mở đường cho việc đưa những chế độ thân phương Tây lên cầm quyền, nhà báo này viết như thế.

MacFarquhar cho rằng bản thân dự thảo nghị quyết chẳng có ý nghĩa gì, “nhưng ngay cả như thế, nó vẫn bị phản đối, mà một phần là do bóng đen của Lybia”.

Tác giả nhận xét rằng Trung Quốc ít khi phủ quyết. “Các nhà ngoại giao ở Hội đồng bảo an nói rằng đáng lẽ Trung Quốc không phủ quyết nếu Nga không làm gương. Và đúng là các đại biểu Trung Quốc nói với các nhà ngoại giao khác rằng bị Moskava gây áp lực, họ đề nghị không bỏ phiếu trắng”, tờ báo viết như thế. Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia thì Trung Quốc phủ quyết là nhằm mấy mục tiêu: bảo vệ quyền lợi kinh doanh, không để cho vi trùng “mùa xuân Arab” thâm nhập vào trong nước và chấp nhận tình trạng hiện tại chứ không phải là một tương lai bất định.

Theo nhà phân tích Mĩ thì vấn đề Syria sẽ lại được đặt lên bàn nghị sự của Liên hiệp quốc: “Tình hình rất dễ bùng nổ mà các nước láng giềng có thế lực như Thổ Nhĩ Kì và Liên đoàn các quốc gia Arab lại muốn cùng nhau giải quyết”.

Việc Nga phủ quyết dự thảo của Hội đồng bảo an là có thể dự đoán được, Vincent Jauvert viết trên tờ Le Nouvel Observateur (Pháp) như thế. Ông này cho rằng có 6 nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, ngành ngoại giao Nga không muốn lặp lại kịch bản Lybia, theo họ thì lúc đó phương Tây đã làm họ rối trí và vượt quyền mà Liên hiệp quốc cho phép, tìm cách lật đổ Gaddafi. Thứ hai, trong giai đoạn khủng hoảng và giảm các khoản chi tiêu công, Điện Cẩm Linh sợ nhất là bạo loạn và phủ quyết là biện pháp chứng tỏ cho dân chúng cũng như thế giới biết rằng họ sẽ giải quyết những vấn đề nội bộ theo cách của mình. Thứ ba, Nga muốn giữ vững địa vị là nước cung cấp vũ hàng đầu cho Syria và giữ được căn cứ hải quân ở Tartus, cũng là căn cứ hải quân cuối cùng của Nga ở Địa Trung Hải.

Ngoài ra, Nga muốn đánh tiếng cho các chế độ độc tài khác rằng Lybia là ngoại lệ, còn Putin thì cho những người đồng cấp với ông biết rằng ông đã trở thành người lãnh đạo chính sách đối ngoại của Nga. Cuối cùng, Nga khẳng định rằng thậm chí Nga và Trung Quốc không phủ quyết thì cũng chưa chắc dự thảo đã được thông qua vì Nam Phi, Ấn Độ và Brazil bỏ phiếu trắng, Jauvert viết như thế.

Trong bài phỏng vấn đăng trên tờ Le Monde, ông Didier Billion, phó giám đốc Viện quan hệ quốc tế và quan hệ chiến lược, nói rằng việc Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo của Hội đồng bảo an đã củng cố địa vị của chế độ Syria và làm Liên hiệp quốc yếu đi. Theo lời ông này thì Bắc Kinh và Moskva vẫn theo truyền thống và nguyên tắc là chống lại sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Nga và Trung Quốc là những nước còn xa mới có chế độ dân chủ, họ lo lắng trước “mùa xuân Arab” vì nó có thể là tấm gương cho nhân dân các nước đó, Billion nói như thế. Ngoài ra, Nga và Syria còn có quyền lợi chung cực lớn: trong đó có khả năng đưa tàu chiến vào các hải cảng của Syria.

Billion nhấn mạnh rằng hiệu quả của những biện pháp trừng phạt đơn lẻ của EU và Mĩ đối với Syria là có giới hạn vì họ không thể “đánh gục được nền kinh tế của đất nước này”. “Nếu có người nào không chịu hợp tác thì những người khác, thí dụ như Trung Quốc sẵn sàng nắm ngay lấy cơ hội”, vị chuyên gia này nói như thế.

Billion nhận xét rằng Hội đồng quốc gia Syria không hi vọng nhiều vào cuộc bỏ phiếu ở Hội đồng bảo an và bây giờ họ phải tập trung chú ý vào tình hình trong nước vì sức chống đối đang giảm dần.
Bình luận về việc Brazil, Ấn Độ và Nam Phi bỏ phiếu trằng, Billion nói rằng điều đó chứng tỏ có “sự dịch chuyển trọng tâm của chính sách đối ngoại”: “Các siêu cường đã không còn có thể ép buộc người ta chấp nhận quan điểm của mình nữa”, ông nhấn mạnh như thế, “Nhưng hiên nay khối BRIK (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc – ND) còn rất rời rạc, chưa thể có một quan điểm chung và chưa đưa ra được sáng kiến”.

Cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua cho thấy “Liên hiệp quốc chỉ có áp lực vừa phải đối với một số nước”, Billion nói như thế. Ông đề nghị phải cải cách cơ chế làm việc của tổ chức này.
  
Nhà bình luận Gudrun Harrer, trên tờ Der Standard (Áo), thì cho rằng việc Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết về Syria ở Hội đồng bảo an sẽ sẽ làm cho xung đột gia tăng. 

“Ngay cả sau khi đã diễn ra làn sóng khủng bố dã man với hàng ngàn người bị thương, bị giết, bị mất tích, bị đàn áp và tù đầy mà Hội đồng bảo an vẫn không thỏa thuận được những biện pháp nhằm lên án chế độ đang cầm quyền ở Syria”, nữ nhà báo này bức xúc viết như thế. Bà coi việc phủ quyết của Nga và Trung Quốc là “cái tát vào mặt phe đối lập Syria – mà không chỉ tát vào những người đại diện của phong trào, những người đã lập ra Hội đồng dân tộc, tức là những người đã thực hiện “bài tập ở nhà” mà cộng đồng quốc tế giao cho – mà còn tát vào mặt những người dân bình thường của đất nước này, những người đã xuống đường với hi vọng là cộng đồng quốc tế sẽ nghe thấy tiếng nói của họ”.

Trong khi tưởng là đang bảo vệ người Syria thì Nga và Trung Quốc lại đang đẩy đất nước vào cảnh hỗn loạn, tác giả bài báo khẳng định như thế. “Không còn hi vọng được cộng đồng quốc tế để ý tới, những người biểu tình ôn hòa có thể sẽ không còn tin vào những phương tiện cũ nữa và bắt đầu cầm lấy khí giới”.

Dư âm của cuộc bỏ phiếu về Lybia có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phân bố lá phiếu trong cuộc bỏ phiếu về Syria ở Hội đồng bảo an, nhà báo này công nhận như thế. Bắc Kinh và Moskva cho rằng đáng lẽ họ không nên thông qua những biện pháp trừng phạt Lybia, vì NATO đã lợi dụng nhằm “thay đổi chế độ” ở Lybia. Cả Bắc Kinh lẫn Moskva đều cho rằng Syria phải nằm ngoài vùng ảnh hưởng của Washington, bài báo viết như thế.

Chẳng có ai trong Hội đồng bảo an có thể đấm vào ngực và đóng vai người bảo vệ quyền lợi của nhân dân Syria, tác giả kết luận như thế. Trong khi Nga và Trung Quốc phủ nhận những dự định tốt đẹp của Mĩ thì quan điểm của nước này lại được các nhà bình luận và các blogger đánh giá không cao: họ cho rằng Mĩ gắn bó quyền lợi với Israel, kí giả Harrer kết luận như thế.

Nguồn: http://inopressa.ru/article/06Oct2011/inotheme/syria_russia.html

No comments:

Post a Comment