April 30, 2011

M. I. Tugan-Baranovski - Trí thức và chủ nghĩa xã hội (Tiếp theo và hết)



Nhưng liệu chính các tác giả của Những cột mốc có thực sự có thái độ nghiêm túc đối với cái mà họ tuyên bố là “cương lĩnh chung của họ” hay không? Riêng về Struve thì đấy là điều rất đáng ngờ. Theo ông, giới trí thức Nga sẽ phải chết, nó phải “chấm dứt sự tồn tại như là một phạm trù văn hoá đặc biệt[1]”. Điều đó xảy ra là vì “trong quá trình phát triển kinh tế, giới trí thức ‘sẽ tư sản hoá’, nghĩa là trong quá trình thích nghi nó sẽ làm hoà với chính phủ và sẽ bị cuốn hút tự phát vào hình thái xã hội hiện hữu và tự phân chia theo các giai cấp xã hội khác nhau. Đấy thực ra không phải là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tinh thần mà chỉ là sự thích nghi của bộ mặt tinh thần với hình thái xã hội mà thôi. Tốc độ của quá trình này sẽ phụ thuộc vào tốc độ của sự phát triển kinh tế của nước Nga và tốc độ cải biến chế độ nhà nước theo tinh thần của hiến pháp[2]”.


Như vậy, một mặt “đời sống tinh thần có trước các hình thức xã hội”, và mặt khác là “sự thích nghi của bộ mặt tinh thần với hình thái xã hội”. Một mặt, chính trị  “không phải là việc thu xếp đời sống xã hội bên ngoài”, mặt khác, chính việc thu xếp đời sống xã hội bên ngoài lại phải làm thay đổi bộ mặt tinh thần của giới trí thức theo hướng mong muốn! Với những tiền đề đầy mâu thuẫn và thiếu nhất quán như thế có thể đi tiếp được hay không?

Như vậy là P. B. Sruve chưa quên hẳn niềm đam mê chủ nghĩa Marx của mình và tiếp tục hi vọng vào “sự phát triển kinh tế của nước Nga”. Việc “đời sống tinh thần có trước các hình thức xã hội” chỉ còn đóng vai trò dị vật trong hệ thống các quan điểm của tác giả mà thôi, và có lẽ chúng ta cũng không đến nỗi tỏ ra bất công với ông nếu dành cho lời kêu gọi của ông về việc tư bản hoá tầng lớp trí thức Nga ý nghĩa lớn hơn là sự thanh tẩy tâm hồn. Về việc thanh tẩy tâm hồn thì biên tập viên tờ Giải phóng (ý nói P. B. Sruve-ND), người đã từng trải qua trường mác-xít thực tế chắc không đặt nhiếu hi vọng bằng ông Gershenzon[3], đối với ông này, giới trí thức Nga chỉ là “một nhúm phế nhân”, “mấy kẻ bệnh hoạn, cô lập ngay trong đất nước của mình”. Hiện nay P. B. Struve đã biết rõ rằng giới trí thức Nga là một lực lượng xã hội mạnh mẽ, do các điều kiện phát triển lịch sử của nước Nga tạo nên, và sự thay đổi diện mạo tinh thần của người trí thức chỉ có thể là kết quả của sự thay đổi của các hình thức xã hội của đời sống của nước Nga mà thôi.
    
Hơn nửa thế kỉ trước, một trí thức thiên tài người Nga, sau khi làm quen với đời sống của người Tây Âu đã phải kinh ngạc trước phong cách sống mang “tính tiểu tư sản” của họ. Gersen ghét cay ghét đắng “tiểu tư sản”, ông coi đó là biểu hiện của sự cáo chung của đời sống tinh thần được thể hiện ra ngoài bằng sự no đủ và tự mãn. Người trí thức Nga không có những biểu hiện như thế và điều đó được Gersen coi là nét đặc trưng và tính ưu việt chủ yếu của người trí thức Nga so với một người có học ở phương Tây. P. B. Struve thì lại sẵn sàng công nhận rằng trí thức Nga xa lạ với tính tiểu tư sản, nhưng ông lại coi đấy là cả một sự bất hạnh và hi vọng rằng người trí thức Nga sẽ tiếp thu được cách sống như thế. Trên thực tế, liệu sự phát triển của chủ nghĩa tư bản có dẫn đến việc là người trí thức Nga sẽ “tư sản hoá”, tiêm nhiễm thái độ tiểu tư sản và bắng cách đó, sẽ đánh mất những nét đặc trưng của một cố đạo đầy tinh thần chiến đấu vốn đã làm cho các tác giả của Những cột mốc bất mãn hay không?

Và đây đúng là vấn đề chính yếu khi nói về tương lai của giới trí thức nước ta. Nếu bộ mặt tinh thần của người trí thức Nga có diễn ra những thay đổi nội tại sâu sắc thì đấy chỉ là do sự thay đổi hình thái xã hội của nước Nga chứ hoàn toàn không phải là do ảnh hưởng của hoạt động sáng tạo nội tâm tự phát của cá nhân con người. Và dường như đang diễn ra nhiều sự kiện làm cho cán cân nghiêng về phía dự đoán của Struve. Trong chính giới trí thức, đặc biệt là giới trí thức mác-xít, niềm tin vào việc tư sản hoá giới trí thức là khá thịnh hành. Họ thường đưa phương Tây ra làm ví dụ. Theo quan niệm chung, ở phương Tây các tầng lớp có học có liên hệ mật thiết với giai cấp tư sản và tạo thành một thành phần không thể tách rời của nó, khi nước Nga hấp thụ những hình thức tổ chức đời sống xã hội của Tây Âu thì quá trình đó cũng sẽ diễn ra ở cả đây nữa.

Vấn đề này, như tôi đã nói, có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với toàn bộ tương lai của chúng ta. Và tôi có cảm tưởng rằng cách giải quyết đơn giản theo kiểu mác-xít, Struve đã tiếp thu mà không có một lời phê phán nào, là rất thiếu cơ sở. 

Trước hết, có thật là ở phương Tây không có cái gì tương tự như tầng lớp trí thức ở nước ta không? Nói cho ngay, so với những người trí thức của chúng ta thì phần lớn những người có học ở phương Tây có vẻ như đã bị tiêm nhiễm tinh thần tư sản. Vấn đề là dưới ảnh hưởng của tiến trình phát triển của lịch sử đặc trưng tinh thần của những tầng lớp có học của châu Âu phát triển theo hướng nào? 
    
Như mọi người đều biết, từ “intelligentia” được sử dụng chủ yếu là ở nước Nga. P. D. Boborykin[4] nhận là người đã làm cho từ này trở thành thông dụng trong tiếng ta, nhưng điều đặc biệt là thuật ngữ “intelligentia” thường được sử dụng để biểu thị không phải chỉ một phạm trù kinh tế-xã hội nhất định mà còn để biểu thị một phạm trù đạo đức-xã hội nữa. Từ giới trí thức thường không được dùng để chỉ những người lao động trí óc nói chung (Pisarev[5] gọi giới trí thức thông ngôn kí lục là “giai cấp vô sản biết tư duy”), mà chủ yếu là để chỉ những người có một thế giới quan, có một diện mạo đạo đức nhất định. Trí thức là người “có tư duy phê phán”, đấy là theo tinh thần của Lavrov[6], là người đứng lên chống lại những thành kiến và truyền thống văn hoá của xã hội hiện đại, tiến hành đấu tranh chống lại chúng nhân danh lí tưởng công bằng và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Người trí thức là người li khai và là một nhà cách mạng, kẻ thù của thói hủ lậu và tình trạng trì trệ, là người tìm kiếm chân lí mới. Nếu trong nhận thức xã hội cách hiểu theo kiểu đạo đức-xã hội thuật ngữ này dần dần hợp nhất với một cách hiểu hoàn toàn khác, tức là cách hiểu theo kiểu kinh tế-xã hội (giới trí thức là những người lao động trí óc), thì có nghĩa là ở Nga “giai cấp vô sản biết tư duy” hay ít nhất là những người lãnh đạo của nó, những người có ảnh hưởng nhất trong số họ ít nhiều đều có những đặc trưng đạo đức nói trên. 

Ngược lại, ở phương Tây thuật ngữ “giới trí thức” ít được sử dụng chỉ chứng tỏ rằng người lao động trí óc bình thường ở phương Tây không có những nét đặc trưng khác hẳn với những nhóm xã hội khác mà thôi. Nhưng điều đặc biệt là tình hình có thay đổi trong những năm gần đây. Ở Pháp người ta hay nói về các "intellectuels" như một nhóm xã hội đặc thù, ở Đức các cuộc thảo luận về "Intelligenz" cũng chiếm vị trí quan trọng trong sách báo của Đảng dân chủ-xã hội. Trên tờ "Die Neue Zeit[7]", cơ quan lãnh đạo của chủ nghĩa Marx ở Đức trong 15 năm qua đã xuất hiện hàng loạt bài báo nói về vấn đề trí thức, thậm chí vấn đề này còn được thảo luận tại các đại hội đảng nữa.

Tầng lớp trí thức là một giai tầng đặc biệt, như Kautsky[8] viết trong bài Die Intelligenz und die  Socialdemoractie[9], là một hiện tượng tương đối mới, sinh ra do sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Kinh tế tư bản chủ nghĩa càng phát triển thì nhu cầu lao động trí óc làm thuê như mọi nghề khác, nhưng có trình độ cao, sẽ càng gia tăng. Bằng cách đó sẽ hình thành một tầng lớp xã hội mới gọi là giới trí thức, thông qua họ “một tầng lớp trung lưu mới sẽ hình thành và ngày càng phát triển, việc gia tăng giai tầng này trong những điều kiện nhất định có thể bù đắp được sự suy giảm của tầng lớp trung lưu do sự đình đốn của sản xuất nhỏ”. Giai cấp mới này khác với tất cả các giai cấp khác bởi “một đời sống tinh thần rộng lớn hơn, bởi khả năng tư duy trừu tượng phát triển hơn và không có những quyền lợi giai cấp chung. Tất cả những điều này làm cho nó trở thành giai cấp dễ dàng vượt lên trên hạn chế mang tính đẳng cấp và giai cấp, không cảm thấy gắn bó với những quyền lợi tức thời hoặc những quyền lợi xuất phát từ tính ích kỉ giai cấp mà ra, nó chỉ nghĩ tới và đại diện cho những quyền lợi lâu dài của toàn xã hội nói chung”.

Phần lớn giai cấp này, đấy là nói về điều kiện sống và quyền lợi, gần gũi với giai cấp vô sản. Nói chung, tầng lớp trí thức, vì không có những quyền lợi giai cấp đặc thù, thường có xu hướng coi những động cơ mang tính đạo đức là có tầm quan trọng đặc biệt. “Giới trí thức là những người theo trường phái chủ nghĩa xã hội-cải cách[10] và cải lương, tuỳ thuộc vào từng giai đoạn mà có những hình thức khác nhau, từ chủ nghĩa tư bản nhà nước đến sùng bái các liên hiệp công nhân và phong trào hợp tác hoá, quốc hữu hoá ruộng đất, gắn đấu tranh giai cấp với các phạm trù đạo đức …v..v..”

Những ý kiến như thế về “tầng lớp trung lưu mới”, tức là tầng lớp trí thức, được Kautsky nhắc đi nhắc lại trong nhiều bài báo khác nữa, nhằm chỉ rõ một hiện tượng mới và mang tính đặc thù, chỉ rõ sự gắn bó ngày càng gia tăng với chủ chủ nghĩa xã hội của các tầng lớp có học, thậm chí ngay cả những tầng lớp hoàn toàn không có gì chung với giai cấp vô sản. “Trong giới trí thức tư sản, thiện cảm với gia cấp vô sản và chủ nghĩa xã hội đang ngày càng gia tăng”, ông viết như thế trong cuốn Cách mạng xã hội[11].… “Không có những quyền lợi giai cấp xác định, lại là những người có khả năng tiếp thu các quan điểm lí thuyết, người trí thức, do ảnh hưởng của các kiến giải khoa học, dễ dàng  nghiêng về một số đảng phái nhất định. Cần phải chứng minh cho họ thấy sự phá sản của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và ưu thế về mặt lí thuyết của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời càng ngày họ càng cảm thấy rắng các giai cấp xã hội khác đang cố tình hạ thấp vai trò của nghệ thuật và khoa học”.

Những người cầm bút khác của Đức cũng cho ta thấy mối thiện cảm ngày càng gia tăng của các tầng lớp có học đối với chủ nghĩa xã hội. Thí dụ, ông Maurenbrecher[12] viết: “Hiện nay có nhiều luật sư, bác sĩ…tư duy theo lối xã hội chủ nghĩa hơn là hai mươi, hai mươi lăm năm trước, có nhiều người có cảm tình với phong trào công nhân hơn, nhưng họ không thể hiện ta ngoài mà thôi… Toàn bộ giới trí thức sẽ chuyển sang phía vô sản khi người ta phát hiện ra rằng các kết luận khoa học và sức mạnh to lớn của nền văn hoá theo các hướng khác đều đã bị mất giá[13]”.

Ở Pháp cũng có hiện tượng những người lao động trí óc đổ xô vào Đảng xã hội chủ nghĩa, điều này đã tạo sự đồng tình của một số người và làm cho một số người khác bất mãn vì những người trí thức đã mang một tinh thần mới vào hoạt động của Đảng. Jan Jaurès[14], một người xét lại, đã vui vẻ xác nhận rằng “giới trí thức tư sản, bị xã hội dựa trên những quyền lợi mang tính con buôn thô lậu xúc phạm và thất vọng với sự cai trị của giai cấp tư sản, đang liên kết với chủ nghĩa xã hội”. Paul Lafargue[15] một người mác-xít chính thống thì lại có quan điểm khác. “Chủ nghĩa xã hội Pháp”, ông viết, “vừa trải qua một cuộc khủng hoảng, dù người ta có nói gì đi nữa thì nguyên do của nó không chỉ là sự phát triển nói chung của đảng ta mà còn là sự tràn vào một số lượng rất lớn trí thức tư sản… Nhờ Jaurès mà đảng xã hội đầy những người tốt nghiệp các trường sư phạm”.

Như vậy là, ở phương Tây không những không có hiện tượng các tầng lớp có học ngày càng xa lánh giai cấp vô sản và càng ngày càng tiêm nhiễm sâu hơn tinh thần tư sản mà hoàn toàn ngược lại. Các đảng xã hội chủ nghĩa không chỉ ở Đức và Pháp mà toàn thế giới đang lôi kéo được càng ngày càng nhiều trí thức, điều này đã làm cho những người mác-xít chính thống lo lắng (giống như Lafargue, Kautski cũng coi làn sóng bổ xung trí thức là nguy cơ đối với phong trào dân chủ xã hội). Việc hình thành trong lòng xã hội Tây Âu một tầng lớp đặc biệt, tức là tầng lớp trí thức và tầng lớp này bị lôi kéo vào chủ nghĩa xã hội có tạo ra những hậu quả như thế nào đối với phong trào xã hội chủ nghĩa Tây Âu đi nữa thì sự kiện là tầng lớp như thế đã hình thành là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

Quan niệm cho rằng chủ nghĩa xã hội ở Tây Âu chỉ dựa vào giai cấp vô sản là đã đơn giản hoá hiện thực và không phù hợp với thực tế. Trên thực tế, thành phần của các đảng xã hội chủ nghĩa của bất kì nước Tây Âu nào cũng bao gồm đại diện của các giai cấp khác nhau và phần lớn những người lãnh đạo đều là trí thức, xuất thân từ tiểu tư sản hoặc tư sản trung lưu. Tính chất giai cấp thể hiện rõ nhất trong Đảng dân chủ-xã hội Đức, nhưng ngay cả ở Đức người ta cũng nhận thấy rằng ít nhất cũng có một phần ba giai cấp vô sản công nghiệp Đức bỏ phiếu cho đại biểu của các đảng tư sản, và không ít hơn nửa triệu phiếu ủng hộ ứng viên dân chủ-xã hội lại không phải là người của giai cấp công nhân. Ở Pháp và nhất là ở Ý số người không thuộc giai cấp vô sản ủng hộ các ứng viên xã hội chủ nghĩa còn đông hơn nữa. Ở Anh, thành viên của tổ chức theo đường lối xã hội chủ nghĩa gọi là “Fabian” hầu như toàn là trí thức.

Nói chung, sự phát triển phong trào công nhân và xã hội chủ nghĩa bằng sức mạnh của quá trình phát triển tự nhiên sẽ cuốn hút vào hàng ngũ xã hội chủ nghĩa những tầng lớp dân cư mà quyền lợi của họ không mâu thuẫn với quyền lợi của giai cấp vô sản. Còn nói về những người lao động trí óc thì ngoài những mối quan tâm mang tính trí tuệ và đạo đức ra, các quyền lợi kinh tế cũng đẩy khá đông người trong số họ sang phía giai cấp công nhân. Sự phát triển của phong trào công nhân với những hình thức khác nhau cũng cần rất nhiều lao động trí óc nữa. Chỉ lấy ngành báo chí vô sản đang phát triển rất nhanh chóng với hàng triệu bản in trong các nước Tây Âu làm ví dụ cũng sẽ thấy. Bốn mươi năm trước, những người cầm bút theo trường phái xã hội chủ nghĩa buộc phải viết cho báo chí tư sản vì không có cơ quan ngôn luận nào khác. Hiện nay đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cơ quan ngôn luận chuyên nói về quyền lợi của giai cấp công nhân, nghĩa là có nhiều ngàn nhà văn, nhà báo làm việc trong các cơ quan ngôn luận đó. 

Lại còn sự phát triển của các hiệp hội nghề nghiệp và phong trào hợp tác xã nữa! Cần bao nhiêu trí thức để thực hiện hết các nhiệm vụ của các tổ chức kinh tế liên kết hàng triệu người lao động đầy sức mạnh này. Muốn thành công, các đảng xã hội chủ nghĩa cũng phải có các trí thức của mình. Tương tự như thế, sự phát triển kinh tế khu vực hay còn gọi là chủ nghĩa xã hội khu vực cũng dẫn đến kết quả là càng ngày càng có nhiều người lao động trí óc làm việc trong các cơ quan công ích, không nhắm vào việc thu lợi nhuận theo lối tư bản chủ nghĩa mà nhằm việc phục vụ quần chúng nhân dân. Đấy là lí do vì sao gần đây ở phương Tây có nhiều người trí thức ngả sang phía nhân dân lao động. Đấy là kết quả tất yếu của quá trình dân chủ hoá xã hội và gia tăng ảnh hưởng của quần chúng nhân dân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.   

“Thói tiểu tư sản” của người Tây Âu từng làm Gersen choáng váng và đã ăn sâu bén rễ vào chế độ kinh tế và xã hội Tây Âu đã phải lùi bước trước áp lực của các quan hệ xã hội mới. Một mặt, sự phát triển của nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa đã làm cho những người sản xuất nhỏ trở thành vô sản và phá vỡ nguồn thu nhập của những người làm nghề tự do xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản hay tư sản bậc trung, mặt khác, có sự xuất hiện những hình thức mới của đời sống, tức là những hình thức phủ nhận chế độ tư bản và đấu tranh quyết liệt với nó. Và vì vậy mà diện mạo tinh thần của người Tây Âu cũng biến đổi theo.

Như vậy là, ở phương Tây, do ảnh hưởng của quá trình phát triển tự nhiên của các quan hệ xã hội, đã xuất hiện “tầng lớp trí thức” theo nghĩa của từ này ở Nga, tức là tầng lớp trí thức có những nét tương đồng với trí thức Nga, tầng lớp trí thức không những không gắn bó với quyền lợi của giai cấp tư sản mà còn đấu tranh chống lại nó. Nói cho ngay, Struve nhận thấy rằng “đối với sự phát triển tinh thần của phương Tây hiện nay, không có gì có ý nghĩa hơn và để lại nhiều hậu quả hơn là sự khủng hoảng và phân rã của chủ nghĩa xã hội[16]”. Nhưng tôi không thể nào hiểu được Struve nhìn thấy sự phân rã đó ở chỗ nào. Không nghi ngờ gì rằng chủ nghĩa Marx đang trải qua khủng hoảng, nhưng không thể đồng nhất chủ nghĩa Marx với chủ nghĩa xã hội được, chủ nghĩa xã hội có trước Marx và sẽ tồn tại sau khi chủ nghĩa Marx đã cáo chung và đã bị vượt qua. Theo tôi, sự khủng hoảng của chủ nghĩa Marx không phải là chỉ dấu của sự thụt lùi mà là chỉ dấu của sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Struve cho rằng sự phát triển của các chính sách xã hội là nguyên nhân phân rã của chủ nghĩa xã hội. Tôi cũng không thể hiểu nổi quan điểm này. Các chính sách xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân được thực hiện là do áp lực của giai cấp công nhân, và nếu hiện nay chúng ta được chứng kiến những chính sách có ý nghĩa to lớn như lương hưu cho người cao tuổi ở Anh, những bước đầu tiên của một tổ chức xã hội rộng lớn nhằm đấu tranh với nạn thất nghiệp, ngày làm 8 giờ cho công nhân mỏ..v..v.., thì theo tôi đấy không phải là bằng chứng của “sự phân rã chủ nghĩa xã hội” mà chỉ chứng tỏ sức mạnh to lớn và ảnh hưởng thực tế của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà thôi. Ngân sách “xã hội chủ nghĩa” của Anh gần đây, đã bị tầng lớp quí tộc và giai cấp tư sản phản đối quyết liệt, cũng chứng tỏ điều đó. Thuế đánh vào “sự tăng giá bất hợp lí” của đất đai thì cũng thế! Các hiệp hội nghể nghiệp và phong trào hợp tác xã tiếp tục phát triển và đưa ngày càng nhiều các tầng lớp dân cư vào vòng ảnh hưởng của mình. Tương tự như thế, số cử tri ủng hộ các đảng xã hội chủ nghĩa ngày càng gia tăng, như cuộc bầu cử gần đây ở Đức với sự gia tăng đột ngột số phiếu bầu cho Đảng dân chủ-xã hội đã cho thấy. Ở Anh trong mấy năm gần đây đã xuất hiện một đảng công nhân có nhiều ảnh hưởng ngay trong quốc hội. Tất cả những điều đó hoàn toàn không chứng tỏ sự phân rã và suy thoái của chủ nghĩa xã hội ở Tây Âu.

Nhưng xin quay trở lại nước Nga. Liệu tầng lớp trí thức Nga, như “một phạm trù văn hoá đặc thù”, có bị biến mất trong quá trình tư sản hoá hay không? Không thể phủ nhận rằng một số điều kiện giúp tạo ra diện mạo tinh thần đặc trưng của người trí thức Nga, do sự thay đổi điều kiện sống xã hội, rồi ra sẽ không còn. Trong lĩnh vực này, sự tham gia của xã hội vào đời sống chính trị của đất nước đóng vai trò to lớn nhất. Hậu quả tất yếu là tất cả các giai cấp đều sẽ có thái độ tự giác hơn đối với quyền lợi giai cấp của mình, sự phân hoá giai cấp trong xã hội Nga sẽ quyết liệt hơn. Hiện nay chính trị đang nằm trong tay các tầng lớp trên, xã hội không được tham gia, xã hội chưa cảm thấy nhu cầu phải bảo vệ một cách tự giác quyền lợi giai cấp của mình. Vì vậy mà các giai cấp thống trị thường không ủng hộ về mặt tinh thần chính sách của nhà nước, cái nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của chính họ, và tỏ ra khoan dung đối với những luồng tư tưởng trái ngược với quyền lợi của họ. Chuyện này rồi sẽ phải chấm dứt, các giai cấp cầm quyền cần phải bảo vệ quyền lợi của mình bằng chính lực lượng của mình và thái độ bàng quan trước kia sẽ phải được thay thế bằng sự giáng trả một cách có ý thức tất cả các thành phần xã hội đi ngược lại quyền lợi của họ.

Nhu cầu bảo vệ về mặt tư tưởng quyền lợi của các giai cấp thống trị cũng sẽ tạo ra “cung” tương ứng – nghĩa là một bộ phận của tầng lớp trí thức sẽ nhận lãnh trách nhiệm bảo vệ này – nó sẽ “tư sản” hoá đúng như Struve kì vọng. Tất cả chuyện đó đều có thể xảy ra, không có gì phải nghi ngờ, không cần phải tranh luận. Việc xuất hiện nhóm Những cột mốc đã chứng tỏ điều đó. Nhưng vấn đề là mức độ và chiều sâu của quá trình. Liệu tầng lớp trí thức Nga, như một nhóm người với những mối quan tâm phi giai cấp, mang tính lí tưởng có biến mất hay không hay là sẽ có một bộ phận tách ra, bộ phận này sẽ bảo vệ quyền lợi của các giai cấp cầm quyền một cách có chủ ý, số còn lại sẽ vẫn giữ được diện mạo lí tưởng của mình?

Tiến trình lịch sử ở phương Tây đã dẫn đến kết quả là một số người lao động trí óc đã tách ra khỏi giai cấp tư sản và xích lại gần với quần chúng lao động. Quá trình này diễn ra là do những điều kiện sống đã thay đổi, mà trước hết là sự phát triển cả về kinh tế lẫn tinh thần của giai cấp công nhân và ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Liệu ở nước Nga có diễn ra quá trình ngược lại, tức là trong khi ở châu Âu diễn ra quá trình giải phóng người lao động trí óc khỏi sự lệ thuộc vào giai cấp tư sản và hình thành tầng lớp trí thức theo nghĩa vẫn được hiểu ở nước Nga thì ở nước ta tầng lớp trí thức lại “tư sản hoá” hoàn toàn và biến mất, như “một phạm trù văn hoá đặc biệt”?

Đối với các tác giả của Những cột mốc, những người tin rằng “đời sống tinh thần có trước các hình thức bên ngoài” đồng thời không hiểu sao họ lại coi tính tiểu tư sản là thắng lợi của “đời sống tinh thần”, thì việc tư sản hoá tầng lớp trí thức cùng với sự phát triển tính tính tích cực và ý thức của quần chúng là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng đối với những người đứng trên nền tảng của chủ nghĩa hiện thực lịch sử thì đấy là điều không thể nào xảy ra được. Tầng lớp trí thức Nga với diện mạo đạo đức đặc thù của nó chính là sản phẩm của quá trình phát triển của lịch sử nước ta từ sau Petr, là sản phẩm đặc biệt nhất của lịch sử cận đại của nước ta. Các kết cấu văn hoá được hình thành trong hàng thế kỉ thường có sức sống rất mãnh liệt. Ngay cả trong những điều kiện không thuận lợi chúng vẫn có thể sống theo truyền thống trong một thời gian dài, sau khi các lực lượng hình thành ra nó đã biến mất. Việc thay đổi những thói quen văn hoá, thiện cảm, sở thích, thế giới quan của một nhóm xã hội có đông thành viên không thể nào diễn ra trong một sớm một chiều được.

Trong trường hợp này, các hình thức mới trong đời sống xã hội không đòi hỏi phải huỷ diệt tầng lớp trí thức phi giai cấp. Cứ cho là đời sống xã hội của nước ta đang tiến gần tới phương Tây, nhưng chính ở phương Tây trong mấy năm gần đây người ta đã nhận thấy sự hình thành một nhóm xã hội có nhiều nét tương đồng với giới trí thức ở nước ta. Nếu quá trình hiện đại hoá về kinh tế và chính trị của nước Nga, ở một số khía cạnh nào đó là bất lợi cho hệ tư tưởng phi giai cấp của tầng lớp trí thức thì mặt khác, chính quá trình hiện đại hoá này lại tạo cơ sở cho trí thức sử dụng sức mạnh của mình nhằm phục vụ cho quyền lợi của nhân dân. Không động viên được quần chúng thì cũng không hiện đại hoá được nước Nga. Cái gọi là “thành phần thứ ba” hay là các viên chức của cộng đồng tự quản địa phương là thành phần cán bộ chủ lực của tầng lớp trí thức dân chủ, sự phát triển đời sống xã hội sẽ đòi hỏi rất nhiều các viên chức như thế. Đồng thời trong các cộng đồng dân chủ tương lai (không có các cộng đồng như thế thì đừng nghĩ đến việc đưa quyền tự do chính trị vào đời sống) quyền lợi của quần chúng sẽ mạnh mẽ hơn và có ảnh hưởng hơn là trong các cộng đồng tự quản quí tộc trong mấy chục năm vừa qua. Thế thì tại sao các viên chức cộng đồng lại phải “tư sản hoá”, tại sao họ lại không phục vụ quyền lợi của quần chúng nữa?

Sự phát triển kinh tế của nước Nga phải được thể hiện qua phong trào hợp tác xã, tức là cũng cần rất nhiều lao động trí óc. Phong trào công nhân cũng không thể không phát triển lên một mức mới, đấy là nói sau khi những cản ngại và trở lực đang chèn ép nó từ mọi phía đã yếu đi phần nào, phong trào này sẽ trở thành trung tâm thu hút trí thức thuộc loại “thông ngôn kí lục”. Tóm lại, quyền lợi của quần chúng nhân dân càng được nâng cao thì càng có nhiều trí thức ngả về phía quần chúng nhân dân hơn.

Nhưng để đạt được tất cả những chuyện đó thì điều cần thiết là nước Nga phải lĩnh hội được cơ sở của chế độ tự do chính trị, chỉ có trong trường hợp như thế mới có thể có các cộng đồng tự quản dân chủ, và một phong trào công nhân rộng lớn..v..v… Nhưng nếu đời sống của chúng ta vẫn nằm giữa các gọng kìm thép và nếu chúng ta vẫn có cái chủ nghĩa lập pháp tương tự như hiện nay thì sẽ vẫn tồn tại những điều kiện đã tạo nên người trí thức-li khai.

Như vậy là, giới trí thức Nga sẽ vẫn còn. Dĩ nhiên là thế giới quan của nó không phải là một cái gì đó nhất thành bất biến, không thay đổi và không thể phát triển được, những điều kiện sống mới nhất định sẽ tạo ra những nét mới trong diện mạo tinh thần của nó. Nhưng khẳng định rằng những nét mới đó nhất định phải được thể hiện trong việc tiếp thu “tinh thần tư sản” thì hoàn toàn không có cơ sở. Sự suy sụp về mặt tinh thần và sự suy đồi nói chung mà chúng ta đang chứng kiến chỉ có ý nghĩa tạm thời và chóng qua, coi nó là sự thay đổi triệt để diện mạo tinh thần của người trí thức của chúng ta là việc làm thiếu căn cứ cũng như việc cho rằng xã hội đang trải qua một giai đoạn phát triển mới hồi những năm 80 (1880-ND) là thiếu căn cứ vậy.

Năm 1910.

M. I. Tugan-Baranovski (1865-1919) là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của nước Nga đầu thế kỉ XX. Trong các năm 1917-1918 ông từng giữ chức Bộ trưởng tài chính trong chính phủ trung ương ở Kiev (Ucraine). Bài báo Trí thức và chủ nghĩa xã hội được in lần đầu trong tuyển tập Trí thức ở nước Nga xuất bản năm 1910.

Đã đăng trong tập tiểu luận Về trí thức Nga, Nhà xuất bản trí thức, Hà Nội, 2009.


  


[1] Tác phẩm đã dẫn, trang 173

[2] Tác phẩm đã dẫn, trang 85, 87

[3] Gershenzon M. O. (1869-1925), nhà sử học, nhà chính luận và hoạt động xã hội nổi tiếng người Nga.

[4] Boborykin P. D. (1836-1921), nhà văn Nga.

[5] Pisarev D. I. (1840-1868), nhà chính luận và nhà phê bình văn học người Nga.
[6] P. L. Lavrov (1823-1900), nhà triết học và xã hội học người Nga, một trong những lí thuyết gia của phong trào dân tuý cách mạng.

[7] Tiếng Đức: Thời đại mới, cơ quan ngôn luận của Đảng dân chủ- xã hội Đức -ND.
[8] Karl Kautsky (1854-1938), một trong các lãnh tụ và lí thuyết gia của đảng dân chủ xã hội Đức và Quốc tế II- ND.

[9] Xem Kautski K., Trí thức và phong trào dân chủ xã hội, dịch từ tiếng Đức, 1906
[10] Dịch thoát ý từ Katheder-sozialismus (katheder - tiếng Đức nghĩa là bục giảng). Katheder-sozialismus tuyên truyền tư tưởng chuyển hoá chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội bằng những cải cách do nhà nước thực hiện -ND.
[11] Xem Kautski K., Cách mạng xã hội, dịch từ tiếng Đức, 1903

[12] Maurenbrecher M. (1874–1930), nhà sử học theo đường lối mác-xít người Đức.

[13] Xem Maurenbrecher, Trí thức và phong trào dân chủ xã hội, dịch từ tiếng Đức, 1906
[14] Jan Jaurès (1859-1914), nhà sử học người Pháp, một người hoạt động nổi tiếng của phong trào xã hội chủ nghĩa của Pháp và thế giới-ND
[15] Paul Lafargue (1842-1911), con rể Marx, nhà báo, nhà phê bình văn học, một người cách mạng theo đường lối mác-xít nổi tiếng của Pháp-ND.
[16] Những cột mốc, trang 174.

No comments:

Post a Comment