Phạm Nguyên Trường dịch
Bản dịch được thực hiện nhằm kỉ niệm 55 năm (25/02/1956-25/02/2011) ngày Khrushchev công bố báo cáo: Về tệ sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó.
Cách đây mấy tuần ở Kiev , thủ đô Ukraine đã diễn ra cuộc hội thảo với tên gọi “Trò chuyện công dân: Moskva-Kiev”. Những người tham dự, lo lắng về sự xuống cấp trong quan hệ giữa hai nước, đã thảo luận để tìm biện pháp nhằm tháo gỡ những cuộc xung đột đang diễn ra. Chúng tôi xuất phát từ quan điểm cho rằng các chính trị gia, có người thông thái, có người không được thông thái lắm; họ đến rồi đi, nhưng các dân tộc láng giềng và giới trí thức thì phải cố gắng gìn giữ thái độ tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Câu hỏi: Làm gì? Đã nhận được nhiều phương án trả lời khác nhau. Có một ý sau đây: Cuộc đấu tranh chung chống lại chủ nghĩa toàn trị trong quá khứ đã làm cho chúng ta xích lại bên nhau, cần phải viết lại lịch sử của cuộc đấu tranh đó. Ukraine đã làm được nhiều việc theo hướng này, nhưng ở Nga thì đáng tiếc là ít hơn nhiều. Bài báo này nói đến những trang, mà theo ý tác giả là rất quan trọng nhưng chưa được biết đến của một quá khứ hoàn toàn chưa xa.
Câu chuyện cổ tích về Đại hội XX hay là nguyên mẫu của sự lừa dối mang tên Liên Xô
Ở nước Nga thời hậu Yeltsin, người ta không còn nói nhiều về tội các của chế độ Stalin nữa. Thực ra cũng chẳng còn có gì mà nói, “Đảng đã lên án rồi”, “Đại hội XX kiên quyết vạch trần rồi”, còn nhân dân Liên Xô… tóm lại “Đảng với dân là một!”.
Hôm nay, ta thấy tại “Đại hội XX” có hai con đường cắt ngang nhau. Một con đường gọi là “Chúng ta cần một toà án Nuremberg hậu Liên Xô”, còn con đường khác thì mang tên “Tên của nước Nga là Stalin”. Tác giả bài báo này đi theo con đường của “Nuremberg mới”.
Xin cùng quay lại thời kì giữa những năm 1950 và tự hỏi: Tại sao mà Đảng vốn “toàn tâm toàn ý ủng hộ” vị lãnh tụ vĩ đại lại bất thình lình toàn tâm toàn ý lên án ông ta? Còn nếu nhân dân đồng ý thì tại sao Khrushchev lại phải đọc báo cáo một cách bí mật, lại còn đọc vào ban đêm nữa; tại sao phải sau hơn 30 năm nó mới được xuất bản ở đây, tức là phải sau hơn 30 năm nhân dân mới được làm quen với điều họ ủng hộ? Tại sao Khrushchev, một người được coi là cánh tay phải của tên đao phủ, lại bất ngờ thay đổi quan điểm và phản bội lại lãnh tụ? Trong khi giải quyết những vấn đề gay cấn như thế, những vấn đề mà nền khoa học xã hội giả tạo của Liên Xô và Nga chưa bao giờ đặt ra ấy, chúng ta sẽ tìm được ba phương án trả lời.
Nếu tiếp cận theo lối hình thức, ta có thể giả định rằng lãnh tụ mới của Đảng bị lương tâm cắn rứt và ông ta đã vượt qua được chính mình để bước lên con đường sám hối. (Chuyện tương tự như thế đã từng xảy ra ở Hungary , khi mà Imre Nagy[1], một cán bộ đảng đã đứng lên lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân). Nhưng lời giải thích này không phù hợp với Khrushchev, nếu quả thật ông ta đã sám hối thì đất nước đã thoát được chế độ kiểm duyệt, thoát được các nông trường, thoát được Đảng Cộng sản; KGB và xe tăng Liên Xô đã không đè bẹp cuộc cách mạng ở Hunggary …
Hay là bước ngoặt của Tổng Bí thư là do áp lực từ bên ngoài? Sau Chiến tranh Thế giới II, uy tín của Liên Xô dâng lên rất cao, nhân dân nhiều nước tư bản chủ nghĩa nghe theo bộ máy tuyên truyền của Liên Xô, còn chính phủ nước họ thì lắng nghe ý kiến của dân chúng.
Chỉ còn phương án cuối cùng: Ở Liên Xô đã xuất hiện một áp lực mạnh mẽ. Mặc dù sách giáo khoa ở Liên Xô không viết về chuyện này, TV cũng không nói, những đã đến lúc phải xé tan bức màn bao phủ…
Mùa hè 1953 nóng bỏng, những chuyện nói thầm và những chuyện chưa bao giờ được nói
Sau cuộc nổi dậy của tù nhân trại giam ở Ust-Usinska vào tháng Giêng năm 1942, những cuộc bạo loạn và phản đối xảy ra ở GULAG không phải là hiếm. Nhưng sau khi Stalin chết thì các cuộc bạo loạn đã có một diện mạo mới. Ngày 25 tháng 5 năm 1953 cuộc bạo loạn nổ ra trong sáu trại cải tạo bên ngoài Norilsk và kéo dài đến 72 ngày đêm. Ít nhất đã có 20.000 người tham gia. Quá nửa trong số đó là các thành viên của phong trào giải phóng dân tộc, chống cộng ở miền Tây Ukraine, thường được báo chí Liên Xô và hậu Liên Xô gọi là Banderovsy[2]. Các chàng trai trẻ này đã được huấn luyện quân sự khá tốt, có sức khoẻ và tin cậy lẫn nhau. Họ chính là những người tổ chức những cuộc phản đối mang tính quần chúng đầu tiên. Trong số những người lãnh đạo cuộc nổi dậy có ông Evgeni Stepanovik Grisak, lãnh tụ của tổ chức thanh niên yêu nước miền Tây Ukraine , hiện vẫn còn sống. Tù nhân đã đưa ra các yêu sách về đời sống, về kinh tế và cả chính trị nữa.
Cuộc bạo loạn ở Norilsk chưa kết thúc thì vào tháng 8 năm 1953 ở khu vực Vorkuta lại nổ ra một cuộc khởi nghĩa còn mạnh mẽ hơn. Cuộc bạo loạn được tổ chức kĩ lưỡng vì vậy mà có rất ít thông tin, còn tài liệu lưu trữ trong văn khố quốc gia thì vẫn chưa được giải mật. Nhưng tôi đã gặp may, tại Hội nghị lần thứ I phong trào Memorial tổ chức vào tháng 12 năm 1989 tôi đã được nghe và nhớ kĩ bài phát biểu của ông Igor Mikhailovich Dobroshtan, một trong những người lãnh đạo cuộc nổi dậy. Cùng với những nguồn tài liệu khác mà tôi có dịp tiếp xúc trong hai mươi năm qua, có thể hình dung ra bức tranh sau đây.
Hạt nhân của cuộc bạo loạn là những binh sĩ cũ của Vlasov[3] và những người quốc gia chống cộng Ukraine . Liên minh này hoá ra mạnh hơn cả ban giám thị trại lẫn lũ công an mà người ta vẫn gọi là “bọn cướp có môn bài”. Họ đã chuẩn bị sẵn phương tiện rồi bất ngờ tấn công và giết bảo vệ và cướp súng của lính gác. Tù nhân lần lượt được giải phóng hết. Các binh sĩ cũ của Vlasov quyết định tiến về Vorkuta nhằm chiếm đài phát thanh thành phố và phát lời kêu gọi nhân dân cả nước. Trên đường tiến quân, mười ngàn tù nhân còn giải phóng được mấy trại giam nữa. Các đơn vị vũ trang của KGB được phái tới đã không thể chặn đứng được bước tiến của đoàn quân gồm 100.000 người. Xe tăng thì bị mắc kẹt trong đầm lầy. Chỉ có không quân mới đủ sức chặn đứng và buộc những người nổi dậy phải bỏ chạy khi họ còn cách Vorkuta 20 kilomet. Ban lãnh đạo đảng ở Vorkuta đã lập tức sơ tán. Theo lời I. M. Dobroshtan thì theo yêu cầu của Bộ Tổng tham mưu, máy bay còn đưa mấy người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa về Moskva để đàm phán với lãnh đạo cao cấp của Đảng.
Cuộc khởi nghĩa thứ ba, tính về thời gian, nổ ra ở Kengir vào tháng 4 năm 1954 và kéo dài 42 ngày. Nhiều người biết về cuộc bạo loạn này vì Kengir đã được A. I. Solzhenitsyn mô tả trong tác phẩm Quần đảo ngục tù. Một nửa tù nhân bạo loạn là thành viên các tổ chức OUN[4] và UPA[5] (lãnh đạo là một người Do Thái tên là M. Keller, thành viên UPA), có cả những người thuộc tổ chức “Huynh đệ rừng xanh” Baltic và binh sĩ cũ của Vlasov nữa. Không ai có thể nghi ngờ tinh thần anh dũng của những người khởi nghĩa ở Kengir, nhưng chỉ cần hai cuộc khởi nghĩa bên trên đã đủ buộc ban lãnh đạo ở Điện Cẩm Linh phải thay đổi chiến lược rồi.
Mùa Thu năm 1953, sau khi nhận được báo cáo từ KGB, mà cũng có thể là từ Bộ Tổng tham mưu nữa, Khrushchev đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Bộ máy quyền lực đang tan rã ngay trước mắt ông ta. Rõ ràng là: chỉ cần một cuộc bạo loạn thắng lợi nữa thì chế độ sẽ sụp đổ. Cả lính gác lẫn rừng Tai-ga cũng như những bức tường ở Điện Cẩm Linh đều không thể cứu được các quan chức và bộ máy Đảng nữa. Chính quyền buộc phải chấm dứt đàn áp và ngừng ngay việc xây thêm những trại tù, tuyên bố lệnh ân xá, bắt đầu giải tán và tiến đến xoá bỏ hệ thống GULAG.
Quá trình này bắt đầu vào mùa Thu năm 1953. Nhưng cả những người tham gia lẫn các nhà nghiên cứu, những người đang thu thập từng mẩu thông tin một, vẫn chưa làm rõ được ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng do các tù nhân tiến hành. Những cuộc khởi nghĩa do E. S. Grisak và I. M. Dobroshtan lãnh đạo không đơn giản là chỉ dẫn đến việc giải tán hai mắt xích của GULAG. Cuộc cách mạng của các tù nhân đã buộc chính quyền phải rỡ bỏ toàn bộ hệ thống đàn áp, được thành lập từ tháng 10 năm 1917.
Trước khi khai mạc Đại hội XX, tức là khi các cán bộ Đảng chính thức đề nghị lên án Stalin nhưng vẫn giữ nguyên tên tuổi của Lenin, hầu hết các tù nhân chính trị đã được thả. Khrushchev đã cướp công của những người khác, tự đội lên đầu mình cái mũ “cha đẻ của tan băng và tự do hoá (Xin nhắc lại một tình huống tương tự, đấy là sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa ở Kronstadt[6], Lenin cũng đã tự nhận mình là cha đẻ của chính sách kinh tế mới NEP). Có thể nói về cuộc đấu tranh của những người bảo thủ và những người người cải cách trong ban lãnh đạo Đảng, nhưng thực ra đây chỉ là những tiểu tiết, không đáng quan tâm.
Cách mạng ở GULAG: câu chuyện về sau
Phân tích những quyết định được Điện Cẩm Linh đưa ngay sau các cuộc khởi nghĩa ở Norilsk và Vorkuta , một lần nữa khẳng định vai trò lịch sử của hai sự kiện này.
Tại sao việc khai khẩn các vùng đất hoang, trong đó hai triệu người trẻ tuổi và năng động bị đưa về những vùng đất gần như không thể trồng cấy được trên thảo nguyên (trong khi vẫn còn những vùng đất đen, thậm chí cận nhiệt đới chưa được khai khẩn) lại bắt đầu vào mùa Xuân năm 1954? Đây không phải là dự án kinh tế mà là dự án chính trị. Khai hoang là một cơ chế đàn áp gián tiếp, mới được bộ máy của Đảng tìm ra. Khrushchev hoàn toàn bàng quan khi những ảo tưởng ban đầu của ông ta – thảo nguyên sẽ giải quyết vấn đề lương thực của Liên Xô và còn có xuất khẩu nữa – không thể nào trở thành hiện thực được, nhưng đã giải quyết thành công một nhiệm vụ khác, quan trọng hơn và không được nói tới: Bộ máy của Đảng, trong khi đẩy thành phần năng động nhất của xã hội vào những vùng đất xa xôi với những điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, đã cách li được những người trẻ tuổi, có thể làm loạn, đã ngăn chặn và chuyển hoá được một vụ phản đối chính trị tiềm tàng thành những ngày lao động vô ích của biết bao nhiêu con người. (Nếu chính quyền quả thực muốn giải quyết vấn đề nông nghiệp thì họ đã trả ruộng cho nông dân rồi.)
Tại sao vào nửa cuối những năm 1950 ở Liên Xô lại băt đầu xây dựng hàng loạt chung cư, lại xuất hiện hàng loạt những ngôi nhà năm tầng như thế? Bởi vì có hàng triệu người được ra trại. Không có những người đó thì các phòng chung cư chật chội cũng đã quá tải rồi. Đảng, sau khi chấm dứt những vụ bắt bớ hàng loạt, đã buộc phải quyết định khởi động xây dựng hàng loạt những khu chung cư. Thấy tinh thần phấn khởi của dân chúng dâng cao, Bộ Chính trị quyết định tổ chức Đại hội Thanh niên Thế giới lần thứ IV ở Moskva, đây là sự kiện quốc tế quan trọng, sau đó thành phố này trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế khác. Từ giữa thập niên 1950, từ đấu tranh cho cách mạng toàn thế giới người ta bắt đầu chuyển sang củng cố hoà bình trên toàn thế giới.
Khởi nghĩa ở các trại giam cũng đã làm thay đổi căn bản đường lối đối ngoại của Liên Xô. Những người tù binh cuối cùng của Đức và Nhật được hồi hương vào năm 1956, năm 1955 Liên Xô bất ngờ kí với Áo, một nước không cộng sản, hiệp ước về qui chế trung lập của nước này và rút hết quân đội về nước (để họ không bỏ trốn hết). Mười năm đầu sau chiến tranh người Phần Lan lúc nào cũng nơm nớp lo sợ rằng họ sẽ bị đưa vào khối xã hội chủ nghĩa và buộc phải xây dựng tương lai tươi sáng. Nhưng từ giữa những năm 1950 Điện Cẩm Linh đã không còn đưa ra những lời khuyên nhủ chân tình nữa, nước Liên Xô yêu chuộng hoà bình thậm chí còn chấm dứt sử dụng căn cứ hải quân trên bán đảo Porkkala-Udd của Phần Lan. (Hiệp định thuê mướn khu vực này được kí vào năm 1947 có hiệu lực trong 50 năm, bị huỷ bỏ vào năm 1955). Xin nói thêm rằng quá trình dân chủ hoá hạn chế và phê phán chủ nghĩa Stalin theo lệnh của Moskva thời hậu Stalin được tiến hành ở Ba Lan, Hungary – Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania (trước Ceauşescu, Mông Cổ, Bắc Việt Nam với mức độ thấp hơn – cũng là do nỗi sợ hãi trước những Dobroshtan và Grisak tiềm tàng mà thôi).
Mặt khác, ngay sau Đại hội XX Moskva đã không còn được Đảng Cộng sản Trung Quốc anh em ủng hộ nữa. Bắc Kinh không cần sám hối và dân chủ hoá, công an ở đấy có thể giải quyết được tất cả các cuộc bạo loạn. Ảnh Mao và thái độ sùng bái ông ta vẫn còn đến ngày hôm nay không phải vì “viễn kiến chính trị” như những nhà kĩ trị ngờ nghệch thời hậu Liên Xô khẳng định mà chỉ là tình hình chưa chín mà thôi… Các tác nhân đó cũng dẫn tới xung đột giữa Moskva và Tirana vào nửa sau thập niên 1950. Những nhà độc tài cộng sản như Enver Hoxha, Меhmet Shehu và Haxhi Lleshi rất sợ ảnh hưởng của nước Nam Tư tự do đối với chế độ ở Albania . Khi tiếng kèn báo hiệu “tan băng” cất lên ở Điện Cẩm Linh thì cũng là lúc nhân dân Albania nhỏ bé bị những lãnh tụ của mình, lúc đó đã liên kết với Bắc Kinh nhằm đối đầu với cả Tito lẫn Khrushchev, kìm kẹp khốc liệt hơn. Địa vị của Belgrad cũng thay đổi tương ứng. Đảng Cộng sản Nam Tư, đến giữa những năm 1950, vẫn còn nằm trong tay “bọn gián điệp và sát nhân”, nhưng sau những cuộc khởi nghĩa ở GULAG người ta lại nói rằng những người lãnh đạo trước đây vẫn là “những người marxist-leninist” chính cống.
***
Bức tranh sẽ không được hoàn chỉnh nếu không đưa thêm vào vài nét quan trọng nữa. Cuộc cách mạng của các tù nhân đã làm rạn nứt chế độ toàn trị nhưng chưa bẻ gãy được nó. Bộ Chính trị đã phải vĩnh viễn từ bỏ chính sách khủng bố con người, không còn coi nó là chiến lược chủ chốt nữa. Không khí chính trị trong nước đã trở thành trong sáng hơn và tự do hơn trong một thời gian ngắn. Và trong xã hội lập tức xuất hiện bất đồng chính kiến và phong trào chống đối. Vì vậy mà thời kì tan băng ngắn ngủi nhưng đầy nguy hiểm đối với Điện Cẩm Linh phải đến hồi cáo chung, mùa Thu năm 1964 Bộ Chính trị, “vì lí do sức khoẻ”, đã cho Khrushchev về vườn. Sau khi trở thành Tổng Bí thư, L. Brezhnev đã nhanh chóng chuyển sang phương pháp cai trị mới, được Khrushchev khởi sự cách đó chưa lâu. Cơ chế đàn áp chủ yếu bây giờ không còn là thân thể nữa mà là kiểm soát thông tin. Xã hội đã bị tước đoạt hoàn toàn khả năng hình thành và nhận bất kì thông tin độc lập nào, miệng thì có thể mở, nhưng chỉ được nói “Đảng Cộng sản Liên Xô muôn năm!” mà thôi… Kiểm duyệt đã phá hoại ngay chính tiếng mẹ đẻ. Ba mươi năm dưới ách của bộ máy tuyên truyền hài hước đó đã dẫn tới hiện tượng là cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở Liên Xô bị rút lại chỉ còn năm, sáu biểu hiện: toàn thể nhân dân Liên Xô “hoàn thành một cách vinh quang”, “kỉ niệm một cách xứng đáng”, “đấu tranh vì hoà bình, củng cố quốc phòng và đoàn kết ngày càng chặt chẽ hơn xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng thân yêu”.
Làm gì ở đây và bây giờ?
Những ai đã bị nhồi sọ cái huyền thoại cho rằng “tôi thì làm được gì, tôi chẳng có quyền gì cả” phải tìm cách tống khứ cái căn bệnh truyền nhiễm tư tưởng đó khỏi cơ thể càng sớm càng tốt. Chúng ta đã thấy, ngay cả trong thời Khủng bố Đỏ của chế độ toàn trị mà nhân dân vẫn làm nên lịch sử!
Những người vẫn cho rằng biên niên sử Liên Xô trong thế kỉ XX chỉ là những kì đại hội và kế hoạch năm năm phải nhận chân một điều là lịch sử của chúng ta vẫn chưa được viết xong. Cần phải tìm kiếm và khôi phục lại lịch sử. Hiện nay ở Nga chuyện này là bất khả thi, không chỉ trong các khoa xã hội học của các trường đại học mà còn cả trong các khoa thuộc ngành nhân văn của Viện Hàn lâm Khoa học Nga nữa. Cần phải tạo ra những điều kiện cần thiết, buộc những kẻ bảo thủ phải thảo luận, thể hiện áp lực công dân, tìm ra những hình thức và phương pháp kết hợp trí thức mới. Khoa học nhân văn Ukraine có thể và đang đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta không được chia rẽ, chúng ta cần phải xích lại gần nhau, thông qua các cuộc gặp gỡ, các hội nghị khoa học, các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn.
Những ai khẳng định rằng: người Liên Xô cũ không có tinh thần dân chủ – hãy để họ tự nghĩ xem có bao nhiêu dân tộc phải chịu đựng những thử thách phi nhân như thế mà vẫn giữ được mình và còn tự mình phá tan được bộ máy kìm kẹp? Sinh ra từ nước Nga, người Nga, người Ukraine, người Baltic đã làm và tiếp tục làm việc đó. Chúng ta phải có trách nhiện giúp đỡ lẫn nhau!
Lịch sử, theo quan điểm của tổ chức Memorial, là đời đời tưởng nhớ những người đã chết và những người đã bị giết hại – là cần thiết nhưng rõ ràng là chưa đủ. Lịch sử của nước Liên Xô cũ trong thế kỉ XX là lịch sử của phong trào phản kháng. Cần phải viết ra lịch sử này, đưa thêm vào đó những kết luận có tính thời sự và nóng hổi của ngày hôm nay. Nói về cuộc khởi nghĩa ở Vorkuta , việc che giấu các tài liệu chỉ có lợi cho những kẻ tham gia vào tội ác và muốn tiếp tục thực hiện tội ác. Hôm nay người ta không còn phá huỷ nhà thờ nữa, nhưng những kẻ tìm cách bẻ cong trí nhớ của nhân dân thì vẫn tiếp tục hành động. Chúng ta phải đòi nhanh chóng mở cửa và cho phép tự do tiếp xúc với những bằng chứng của sự phản kháng của nhân dân! Nói đúng ra, tôi không thật hiểu những viện bảo tàng chiếm đóng được xây dựng ở thủ đô các nước láng giềng là để giành cho ai? Ai xâm chiếm ai – Dybenko, Krylenko và Antonov-Ovseenko chiếm đóng Georgia hay là Dzugashvili (Stalin), Ordzhonikidze và Beria chiếm đóng Ukraine ư? Cần phải lập ra ở Praha và Vilnius , Kiev , Warszawa và Moskva các Viện Bảo tàng Phản kháng, còn trong trường phổ thông, trường đại học và các đơn vị vũ trang thì phải lập ra Phòng Lịch sử Phản kháng!
Ukraine vẫn còn tiếp tục thảo luận về Golodomor[7], nhưng trên bình diện thông tin, bộ máy tuyên truyền của Nga đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với Golodomor. Chúng ta biết: những vụ lưu đầy người Estonia ngay trước chiến tranh, vụ thảm sát ở Katyn[8], Golodomor, phá huỷ nhà thờ, GULAG, trường bắn Butovo[9], đấy là những tội ác của chủ nghĩa Stalin. Nhưng sau khi kênh truyển hình “Russia ” khoác lên nước Nga tên của gã đao phủ thì hoá ra Katyn, lưu đầy, nạn đói, Butovo… là do chính nhân dân Nga làm ra? Thái độ đê tiện không còn bất cứ giới hạn nào! Chính sách tuyên truyền ngu dân đã làm cho nước Nga mất hết bạn bè và đồng minh. Nhưng đằng sau màn hình có kẻ đang mỉm cười thoả mãn: “nhà quản lí” vô tích sự và những kẻ theo đuôi hắn rất cần hình ảnh kẻ thù. Xin nhớ, Satlin là tên của bộ máy Đảng, nhưng không bao giờ là tên của đất nước chúng tôi. Cần phải làm rõ chuyện này. Vì vậy, đưa ra đề tài về những cuộc khởi nghĩa ở GULAG, sau khi đã bàn về Golodomor, cần phải viết về chúng như thế nào đấy để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không làm cho các dân tộc xung đột với nhau mà phải buộc những kẻ bảo thủ phải công nhận tội ác của chủ nghĩa Stalin. Chúng ta phải cùng nhau chuẩn bị cho phiên toà xét xử hệ thống Liên Xô…
Để kết thúc, xin có đôi lời về những người anh hùng của GULAG. Cách đây một thời gian, những người bạn Ukraine đã giúp tìm số điện thoại và tôi đã nói chuyện với E. S. Grisak. Giọng ông vẫn còn sôi nổi, ông cũng không phàn nàn gì cả. Ông đã trồng xong vườn khoai tây. Lương hưu? – Gần hai ngàn đồng, nhưng phải giúp cô cháu gái và cả cô con gái nữa… I. M. Dobroshtan sống những năm cuối đời ở Dnepropetrovsk . Ông đã không còn, nhưng ông để lại bản thảo một cuốn hồi kí, chưa được ai xuất bản. Tôi nhớ đã đọc một cách say sưa Chiến tranh du kích và Nhật kí Bolivia của Che Guevara.Thế giới sẽ còn được biết tên tuổi của những người khởi nghĩa anh hùng của nước Nga và Ukraine ….
Tôi cho rằng đề tài về quá trình đánh đổ chủ nghĩa Stalin cũng quan trọng không kém đề tài Golodomor. Một đằng thì nói về bi kịch của nhân dân, một đằng thì nói về sức mạnh, ý chí và chiến thắng của nhân dân. Tôi sẽ rất vui nếu các độc giả người Ukraine tiếp tục và bổ sung thêm đề tài đã được nói tới ở đây. Chúng ta sẽ cùng nhau viết lên lịch sử của chúng ta! Vinh quang đời đời thuộc về những người anh hùng ở Norilsk , ở Vorkuta và Kengir!
Tiến sĩ triết học Igor Trubais, là giám đốc trung tâm nghiên cứu nước Nga của Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị giữa các Dân tộc. Em của ông là Anatoly Trubais đã từng làm Phó Thủ tướng thứ nhất dưới trào Yeltsin.
[1] Imre Nagy (1896-1958), sinh ra trong một gia đình nông dân. Trong Thế chiến thứ I ông phục vụ trong quân đội Áo-Hung và bị Nga bắt làm tù binh. Ông có nhiều đóng góp tích cực trong cuộc Cách mạng 1917 và nội chiến ở Liên Xô. Sau chiến tranh ông hồi hương nhưng đến năm 1928 bị buộc phải trốn sang Liên Xô. Sau khi quân đội Liên Xô tiến vào Hungary trong Thế chiến II, ông lại quay về cố quốc và có chân trong chính phủ cộng sản do Liên Xô hậu thuẫn. Trải qua nhiều thăng trầm, tháng 10 năm 1956 Imre Nad trở thành Thủ tướng với đường lối tự do hoá. Ngày 4 tháng 11 năm 1956 quân đội Liên Xô nhảy vào can thiệp và thành lập chính phủ mới do János Kádár cầm đầu. Imre Nagy cùng với các chiến hữu thân cận phái trốn vào sứ quán Nam Tư, nhưng sau đó bị đưa sang Romania và buộc phải hồi hương. Ông bị giết hại một cách bí mật vào ngày 16 tháng 6 năm 1958 (Các chú thích đều của người dịch).
[2]Ám chỉ những người theo phong trào dân tộc chủ nghĩa Ukraine do Stepan Andriyovych Bandera (1909-1959) cầm đầu. Ông này đã bị nhân viên KGB đầu độc ở Munich (Tây Đức) vào ngày 15 tháng 10 năm 1959.
[3] Ý nói những người lính từng tham gia đạo quân của Andrey Andreyevich Vlasov (1901-1946). Vlasov vốn là một vị tướng lập được nhiều công trạng của Hồng quân Liên Xô. Năm 1942, do những sai lầm của Bộ chỉ huy, đội quân do ông chỉ huy gặp nhiều thất bại và bị đàn áp khốc liệt. Ngày 11 tháng 7 năm 1942 Vlasov đầu hàng quân Đức. Nhưng ngay sau đó ông được Đức giao cho thành lập một đạo quân từ các tù binh Liên Xô. Bị Stalin gọi là kẻ phản bội, ông đã tức giận và cho rằng chính quyền Xô-viết vô ơn, không coi trọng con người và từ đó ông chuyển sang lập trường chống cộng. Sau chiến tranh ông bị trao trả cho Liên Xô và bị kết án tử hình vào năm 1946.
[4] OUN – Tổ chức của những người dân tộc chủ nghĩa Ukraine với mục tiêu giành độc lập cho Ukraine , thành lập năm 1929
[6] Sau cuộc khởi nghĩa này Lenin buộc phải từ bỏ chính sách cộng sản thời chiến và chuyển sang chính sách kinh tế mới (NEP).
[7] Nạn đói làm chết rất nhiều người Ukraine (1932-1933) được cho là do chế độ cộng sản cố tình gây ra nhằm bẻ gãy ý chí của người Ukraine .
[8] Vụ thảm sát ở Katyn (tiếng Ba Lan gọi là Zbrodnia katyńska) là vụ giết hại hàng loạt công dân Ba Lan (đa số là sĩ quan quân đội Ba Lan bị bắt làm tù binh) vào mùa Xuân năm 1940. Theo các tài liệu được công bố, đã có 21.857 tù nhân Ba Lan bị xử bắn ở đây.
[9] Trường bắn Butovo, ở ngoại ô Moskva, một trong những biểu tượng của vụ đàn áp trong những năm 1937-1938, từ tháng 8 năm 1937 đến ngày 19 tháng 10 năm 1938 có 20.765 người bị chính quyền Xô-viết xử bắn ở đây. Đã xác định được danh tính 20.000 người, đến năm 2003 vẫn còn 5.595 người chưa được phục hồi.
No comments:
Post a Comment