Pages

July 21, 2024

Cái chết và người sắp chết dạy chúng ta điều gì (7)

 Elisabeth Kubler-Ross 

Phạm Nguyên Trường dịch


VII

 

Giai đoạn năm: Chấp nhận

 

Tôi đã được phép nghỉ. Anh em ơi, hãy giã từ tôi! Tôi cúi chào tất cả các anh và xin chia tay.

Đây tôi giao lại chía khóa cửa – và bỏ hết quyền đối với căn nhà tôi. Tôi chỉ xin các anh những lời thân ái cuối.

Chúng ta là hàng xóm láng giềng đã lâu, nhưng tôi nhận nhiều hơn khả năng đền đáp. Bây giờ ngày đã rạng đông, và ngọn đèn thắp trong góc phòng tôi đã tắt. Lệnh đòi đã tới và tôi đã sẵn sàng cất bước đăng trình.

Tagore, Thơ dâng

 

Nếu bệnh nhân đã có đủ thời gian (nghĩa là không chết đột ngột, bất ngờ) và đã được giúp đỡ trong quá trình vượt qua các giai đoạn được mô tả bên trên, thì người đó sẽ đến giai đoạn không chán nản cũng không phẫn nộ về “số phận” của mình. Bệnh nhân sẽ có thể thể hiện những cảm xúc trước đây của mình, thể hiện sự ghen tị của người đó trước những người đang sống và khỏe mạnh, sự phẫn nộ trước những người không phải đối mặt với cái chết quá sớm như mình. Bệnh nhân sẽ khóc thương cho những mất mát sắp xảy ra của rất nhiều người và nhiều nơi có ý nghĩa và bệnh nhân sẽ suy ngẫm về cái chết sắp tới của mình với kì vọng thầm lặng. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi và thường tỏ ra khá yếu. Bệnh nhân cũng thường xuyên ngủ gật hoặc ngủ trong những giai đoạn nào đó, nó khác với nhu cầu ngủ trong giai đoạn chán nản. Đây không phải là ngủ nhằm trốn tránh hay thời gian nghỉ ngơi nhằm giảm đau, khó chịu hoặc ngứa. Thời gian ngủ ngày càng tăng dần, rất giống với trẻ sơ sinh, nhưng theo thứ tự ngược lại. Đó không phải là cam chịu và “từ bỏ” vì vô vọng, cảm giác “có ích lợi gì” hay “tôi không thể chiến đấu lâu hơn nữa”, mặc dù chúng ta cũng nghe thấy những tuyên bố như thế. (Chúng còn cho thấy khởi đầu của giai đoạn kết thúc cuộc chiến đấu, nhưng kết thúc không phải là dấu hiệu của chấp nhận).

Không nên nhầm lẫn chấp nhận với giai đoạn hạnh phúc. Nó gần như trống rỗng về mặt cảm xúc. Như thể cơn đau đã qua, cuộc chiến đấu đã kết thúc và đã đến lúc “nghỉ ngơi lần cuối trước một hành trình dài” như một bệnh nhân đã nói. Đây cũng là giai đoạn mà gia đình cần được giúp đỡ, thấu hiểu và hỗ trợ hơn là chính bệnh nhân. Trong khi bệnh nhân sắp chết đã tìm được bình yên và chấp nhận, những mối quan tâm của người đó đang thu hẹp lại. Bệnh nhân muốn được ở một mình hoặc ít nhất là không bị khuấy động bởi những tin tức và vấn đề của thế giới bên ngoài. Người đó không muốn khách tới thăm nữa và nếu khách đến, bệnh nhân không còn tâm trạng để nói chuyện nữa. Bệnh nhân thường yêu cầu giới hạn số lượng người tới thăm và thích những chuyến thăm ngắn. Đây cũng là giai đoạn tắt tivi. Lúc đó, thông tin liên lạc của chúng ta trở nên phi ngôn ngữ, chứ không dùng lời nói nữa. Bệnh nhân có thể chỉ dùng tay để mời chúng ta ngồi xuống một lát. Bệnh nhân có thể chỉ cần nắm tay và đề nghị chúng ta ngồi im. Những khoảnh khắc im lặng như vậy có thể là cách giao tiếp có ý nghĩa nhất đối với những người không cảm thấy khó chịu khi có người sắp chết ở đó. Chúng ta có thể cùng nhau lắng nghe tiếng hót của một con chim từ bên ngoài vọng vào. Sự hiện diện của chúng ta có thể chỉ xác nhận rằng chúng ta sẽ ở đây cho đến cuối cùng. Chúng ta có thể chỉ cần cho bệnh nhân biết rằng không cần nói gì nữa, khi những việc quan trọng đều đã được giải quyết và việc người đó có thể nhắm mắt vĩnh viễn chỉ là vấn đề thời gian. Nó có thể trấn an người đó rằng anh ta không cô đơn khi không còn nói nữa và một cái nắm tay, một cái nhìn, đặt đầu anh ta lên cái gối có thể nói lên nhiều điều hơn là ngồn từ “ồn ào”.

Thăm vào buổi tối có thể là tốt nhất vì đó là cuối ngày của cả khách thăm và bệnh nhân. Đó là lúc hệ thống của bệnh viện không làm gián đoạn, y tá không vào đo nhiệt độ, lao công không lau sàn - chính khoảnh khắc riêng tư ngắn ngủi này có thể kết thúc một ngày tại bệnh viện, ngay khi bác sĩ không tới thăm nữa, khi bệnh nhân không bị người khác làm phiền. Chỉ mất một chút thời gian, nhưng bệnh nhân sẽ cảm thấy an tâm khi biết rằng mình không bị mọi người lãng quên, trong khi người ta không thể làm gì hơn cho mình. Người tới thăm cũng cảm thấy hài lòng, vì nó giúp người đó thấy rằng người chết không đáng sợ, không khủng khiếp đến mức làm cho nhiều người muốn trốn tránh.

Có một số bệnh nhân chiến đấu đến phút chót, chiến đấu và nuôi hy vọng làm cho họ gần như không thể đến được giai đoạn chấp nhận. Một ngày nào đó, họ là sẽ nói: “Tôi không thể tiếp tục được nữa”, ngày họ ngừng chiến đấu, cuộc chiến đấu cũng kết thúc. Nói cách khác, họ càng chiến đấu nhắm tránh cái chết không thể tránh được, họ càng cố gắng chối bỏ nó, thì họ càng khó đạt đến giai đoạn cuối cùng, giai đoạn chấp nhận với tâm bình yên và phẩm giá. Gia đình và nhân viên bệnh viện có thể nghĩ rằng những bệnh nhân này là người cứng rắn và mạnh mẽ, họ có thể khuyến khích cuộc chiến nhằm giành sự sống cho tới phút chót, và họ có thể ngầm thông báo rằng việc chấp nhận kết cục của một người được coi là từ bỏ là hèn nhát, lừa dối hoặc tệ hơn nữa là từ bỏ gia đình.

Lúc đó, làm sao chúng ta biết khi nào thì bệnh nhân bỏ cuộc “quá sớm”, khi chúng ta cảm thấy rằng bệnh nhân chỉ cần chiến đấu thêm một chút, cùng với sự giúp đỡ của các bác sĩ và y tá, có thể cho người đó có cơ hội sống lâu hơn? Làm sao phân biệt bỏ cuộc với chấp nhận, khi mong muốn của chúng ta trong việc kéo dài đời sống của bệnh nhân thường mâu thuẫn với mong muốn được yên nghỉ và chết một cách thanh thản của anh ta? Nếu chúng ta không thể phân biệt hai giai đoạn này, chúng ta sẽ gây hại nhiều hơn là làm lợi cho bệnh nhân, nỗ lực của chúng ta sẽ và sẽ biến cái chết của bệnh nhân thành trải nghiệm đau đớn cuối cùng. Trường hợp sau đây của bà W. là tóm tắt ngắn gọn về sự kiện như thế - đây là trường hợp mà người ta không phân biệt được hai giai đoạn này.

Bà W., một phụ nữ 58 tuổi đã có gia đình, nhập viện với một khối u ác tính ở bụng làm bà rất đau đớn và khó chịu. Bà có thể đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo của mình với thái đô can đảm và phẩm giá. Rất hiếm khi bà ấy phàn nàn và cố gắng tự mình làm nhiều việc nhất mà bà có thể làm. Bà khước từ mọi đề nghị giúp đỡ nếu bà có thể tự mình làm được và gây ấn tượng với các nhân viên bệnh viện và gia đình bằng thái độ vui vẻ và khả năng đối mặt với cái chết sắp xảy với thái độ bình thản.

Một thời gian ngắn sau lần nhập viện cuối cùng, bà ấy đột nhiên chán nản. Nhân viên bệnh viện tỏ ra bối rối trước sự thay đổi như thế và yêu cầu tư vấn tâm lý. Bà ấy không có mặt trong phòng khi chúng đến tôi tìm và lần thứ hai, sau đó vài giờ, bà ấy vẫn không có mặt. Cuối cùng chúng tôi tìm được bà ấy ở hành lang bên ngoài phòng chụp X-quang, bà ấy nằm trên cáng không được thoải mái và rõ ràng là rất đau. Cuộc phỏng vấn ngắn cho thấy rằng bà ấy đã chụp X-quang hai lần, khá dài và phải chờ để chụp những bức ảnh khác. Bà ấy rất khó chịu vì bị đau lưng, và không ăn uống gì trong mấy giờ vừa qua, và khó chịu nhất là phải đi vệ sinh gấp. Bà ấy kể lại tất cả những chuyện này với giọng thì thầm, tự mô tả mình là “tê cứng vì đau đớn”. Tôi đề nghị bế bà ấy sang phòng vệ sinh bên cạnh. Bà ấy nhìn tôi - lần đầu tiên bà mỉm cười một cách yếu ớt - và nói, “Không, tôi không có dép, tôi đợi cho đến khi về lại phòng của mình. Tôi có thể tự mình đến đó”.

Nhận xét ngắn gọn này cho chúng tôi thấy một trong những nhu cầu của bệnh nhân: tự chăm sóc mình càng lâu càng tốt, giữ phẩm giá và sự độc lập của mình càng lâu càng tốt. Bà ấy phẫn nộ vì sức chịu đựng của mình bị thử thách đến mức sẵn sàng la hét ở chỗ đông người, sẵn sàng đi vệ sinh ngay ngoài hành lang, bà ta suýt khóc trước mặt những người xa lạ, “những người chỉ làm nhiệm vụ của mình”

Sau đó vài ngày, chúng tôi nói chuyện với bà trong hoàn cảnh thuận lợi hơn, rõ ràng là bà ấy ngày càng mệt mỏi và sẵn sàng chết. Bà ấy nói ngắn gọn về những người con của mình, về người chồng, ông ta sẽ có thể tiếp tục chăm sóc gia đình khi bà ấy không còn. Bà ấy cảm thấy một cách mạnh mẽ là đời sống của mình, đặc biệt là cuộc hôn nhân, là tốt đẹp và có ý nghĩa và chẳng còn mấy việc mà bà phải làm nữa. Bà ấy yêu cầu được chết một cách thanh thản, mong muốn được ở một mình - thậm chí yêu cầu chồng đừng dính vào. Bà ấy nói rằng lý do duy nhất làm cho bà ấy vẫn còn tiếp tục là do chồng bà không thể chấp nhận sự thật là bà ấy sẽ phải chết. Bà ấy giận chồng vì không dám đối mặt với nó và bám víu một cách tuyệt vọng vào những thứ mà bà đã quyết tâm và sẵn sàng từ bỏ. Tôi nói rằng bà muốn tách ra khỏi thế giới này và bà ấy gật đầu với vẻ biết ơn khi tôi để bà ấy ở lại một mình.

Trong khi đó, cả bệnh nhân và tôi đều không biết là các nhân viên phẫu thuật họp, có cả chồng bà tham gia. Trong khi các bác sĩ phẫu thuật tin rằng một lần phẫu thuật nữa có thể kéo dài đời sống của bà ấy, thì người chồng cầu xin họ làm mọi thứ mà họ có thể “nhẳm quay ngược đồng hồ”. Đối với ông ta, mất vợ là điều không thể chấp nhận được. Ông ta không thể hiểu được rằng W. không còn nhu cầu ở bên ông ta nữa. Việc W. cần tách ra, để cho quá trình chết được dễ dàng hơn, lại được ông ta lại giải thích là thái độ cự tuyệt mà ông ta không thể nào hiểu được. Không có người nào giải thích được cho ông ta rằng, đây là tiến trình tự nhiên, thực sự tiến bộ, có lẽ là dấu hiệu cho thấy người sắp chết đã tìm thấy sự bình yên của mình và đang chuẩn bị một mình đối mặt với nó.

Các bác sĩ quyết định tuần sau sẽ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ngay khi được thông báo về kế hoạch, bà ấy đã suy yếu hẳn đi một cách nhanh chóng. Gần như chỉ sau một đêm, bà ấy phải tăng gấp đôi thuốc giảm đau. Bà ấy thường đòi phải tiêm ngay khi vừa rút kim ra. Bà ấy bồn chồn và lo lắng, thường gọi người giúp đỡ. Bà ấy hầu như không còn là bệnh nhân của vài ngày trước đó; không còn là người phụ nữ tự trọng đến mức không thể đi vào nhà vệ sinh vì không có dép!

Những thay đổi hành vi như thế sẽ làm cho chúng ta phải cảnh giác. Chúng là thông tin liên lạc của bệnh nhân của chúng ta, họ đang cố gắng nói với chúng ta điều gì đó. Không phải lúc nào bệnh nhân cũng có thể công khai từ chối một ca phẫu thuật nhằm kéo dài đời sống trước mặt chồng và những đứa con đang van xin, mong ước một cách tuyệt vọng là được đưa mẹ về nhà một lần nữa. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta không nên đánh giá thấp hy vọng dù rất mong manh của chính bệnh nhân là được chữa khỏi, khi đối mặt với cái chết đang rất cận kề. Như đã nói bên trên, bản chất của con người là không chấp nhận chết, mà không còn một chút hy vọng nào. Do đó, chỉ nghe những giao tiếp bằng lời nói công khai của bệnh nhân là không đủ.

Bà W. thể hiện rõ rằng mình muốn được yên. Bà ấy đau đớn và khó chịu hơn hẳn sau khi nhận được thông báo về kế hoạch phẫu thuật. Càng gần đến ngày phẫu thuật thì bà ta càng lo lắng hơn. Chúng tôi không có quyền hủy bỏ kế hoạch phẫu thuật. Chúng tôi chỉ nói rằng mình thấy rất lo và cảm thấy chắc chắn rằng bệnh nhân sẽ không qua được lần phẫu thuật này.

Bà W. không đủ sức từ chối ca phẫu thuật, cũng như không chết trước hoặc trong khi đang phẫu thuật. Bà ấy trở nên hoảng loạn ngay trong phòng phẫu thuật, nói rằng bị ngược đãi, và tiếp tục la hét cho đến khi được đưa trở lại phòng của mình, chỉ vài phút trước khi ca phẫu thuật dự kiến sẽ diễn ra.

Bà ấy rõ ràng là bị vọng tưởng, ảo giác và hoang tưởng. Bà ấy trông có vẻ sợ hãi và hoang mang và không thể hiện được ý của mình trong khi giao tiếp với nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên, trong tất cả những hành vi hoang tưởng này, mức độ nhận thức và logic vẫn còn tạo được ấn tượng khá mạnh. Khi trở về phòng, bà ấy yêu cầu được gặp tôi. Ngày hôm sau, ngay khi tôi vừa tới, bà ấy nhìn người chồng đang bối rối của mình và nói: “Xin bà nói chuyện với người đàn ông này và giúp cho anh ta hiểu”. Sau đó, bà ấy quay lưng lại phía chúng tôi, thể hiện thái độ rõ ràng rằng bà ấy cần được ở một mình. Đây là lần đầu tiên tôi gặp chồng bà ta, ông ta không nói nên lời. Ông ta không thể hiểu nổi hành vi “điên rồ” của người vợ vốn có tiếng là đoan trang thục nữ. Ông ta khó có thể đối phó với sự kiện là sức khỏe của vợ mình xấu đi quá nhanh, nhưng ông ta hoàn toàn không thể hiểu nổi “cuộc đối thoại điên rồ của chúng tôi là về chuyện gì”.

Chồng bà ta mếu máo nói rằng, ông ta hoàn toàn bối rối trước sự thay đổi bất ngờ này. Ông ta nó rằng cuộc hôn nhân của mình là vô cùng hạnh phúc và không thể chấp nhận được sự kiện là vợ lại mắc căn bệnh nan y như thế. Ông ta hy vọng rằng ca phẫu thuật sẽ giúp họ một lần nữa được “gần nhau như trước”, như họ đã từng cảm thấy hạnh phúc trong nhiều năm chung sống. Thái độ thờ ơ của vợ làm cho ông ta lo lắng, và thậm chí còn lo lắng hơn thế nữa trước những hành vi gần như điên rồ của bà ấy.

Tôi hỏi ông ta về nhu cầu của bệnh nhân, chứ không phải nhu cầu của chính ông ta, ông ta im lặng. Dần dần ông ta mới nhận ra rằng mình chưa bao giờ lắng nghe nhu cầu của vợ, mà cho rằng hiển nhiên là họ giống nhau. Ông ta không thể hiểu được rằng người bệnh đã tiến tới điểm mà chết là sự giải thoát to lớn, và bệnh nhân sẽ chết dễ dàng hơn nếu người ta tạo điều kiện và giúp họ từ từ tách mình ra khỏi tất cả các mối quan hệ có ý nghĩa trong đời sống của mình.

Chúng tôi nói chuyện rất lâu. Khi trò chuyện, mọi thứ dần trở nên rõ ràng và đi vào trọng tâm. Ông ta đưa ra nhiều câu chuyện mang tính giai thoại để xác nhận rằng bà vợ đã cố gắng trình bày nhu cầu của mình, nhưng ông ta không thể nghe được vì nhu cầu của vợ trái ngược với nhu cầu của chính ông ta. Rõ ràng là ông W. cảm thấy nhẹ nhõm khi đi ra và từ chối lời đề nghị đi cùng với ông ta vào phòng bệnh nhân. Ông ta cảm thấy có đủ khả năng nói chuyện thẳng thắn với vợ về kết quả của bệnh tình của vợ và gần như vui mừng vì cuộc phẫu thuật đã bị hủy bỏ vì cô ấy “kháng cự” - theo cách nói của ông ta. Phản ứng của ông ta đối với chứng rối loạn tâm thần của vợ mình là, “Chúa ơi, có lẽ cô ấy mạnh mẽ hơn tất cả chúng tôi. Chắc chắn là cô ấy đã lừa chúng tôi. Cô ấy đã nói rõ là không muốn phẫu thuật. Có lẽ rối loạn tâm thần là cách duy nhất để không bị mổ mà không chết trước khi cô ấy đã sẵn sàng”.

Vài ngày sau, bà W. khẳng định mình không thể chết cho đến khi biết rằng chồng mình đã sẵn sàng buông bỏ. Bà ấy muốn chồng chia sẻ một số cảm xúc của mình chứ không “thường xuyên giả vờ là tôi sẽ ổn”. Chồng bà đã cố gắng tạo điều kiện để bà nói về nó, mặc dù đấy là điều khó khăn và ông ta đã nhiều lần “thoái lui”. Lúc thì bám víu vào hy vọng xạ trị, lúc khác lại tìm cách gây áp lực bắt vợ trở về nhà, hứa là sẽ thuê y tá riêng để chăm sóc cho bà.

Trong suốt hai tuần sau đó, ông ta thường đến để nói về vợ và những hy vọng của ông cũng như về việc bà ấy sẽ chết trong thời gian tới. Cuối cùng ông ta chấp nhận sự thật là bà ấy sẽ ngày càng yếu hơn và ít có khả năng chia sẻ nhiều chuyện từng rất có ý nghĩa trong cuộc đời của họ.

Ngay sau khi ca phẫu thuật bị hủy bỏ, bà ấy đã hồi phục, không còn hiện tượng loạn thần kinh nữa, chồng bà cũng chấp nhận rằng bà sắp chết và chia sẻ với bà ấy như thế. Bà ấy đã bớt đau hơn trước và tiếp tục đóng vai quý bà trang nghiêm, tiếp tục làm những việc mà cơ thể cho phép. Các nhân viên y tế ngày càng trở nên nhạy cảm với những biểu hiện tế nhị và họ phản ứng một cách khéo léo, luôn luôn ghi nhớ nhu cầu quan trọng nhất của bà ấy: sống với phẩm giá cho tới phút chót.

Bà W. là đại diện cho hầu hết các bệnh nhân đang hấp hối của chúng tôi, mặc dù bà là người duy nhất tôi từng thấy phải sử dụng giai đoạn loạn thần cấp tính như thế. Tôi tin chắc rằng đây là biện pháp phòng thủ, một nỗ lực tuyệt vọng, tuy quá muộn, nhằm ngăn chặn việc can thiệp nhằm kéo dài sự sống.

Như đã nói trước đây, chúng tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân được khuyến khích thể hiện sự phẫn nộ, khóc trong giai đoạn đau khổ mang tính chuẩn bị, và thể hiện nỗi sợ hãi và tưởng tượng của mình với người có thể im lặng ngồi và lắng nghe là những người may mắn. Chúng ta phải nhận thức được nhiệm vụ to lớn cần thiết nhằm đạt được giai đoạn chấp nhận, dẫn đến sự tách biệt dần dần (decathexis[1]), không còn giao tiếp hai chiều nữa.

Chúng tôi đã tìm ra hai biện pháp nhằm đạt được mục tiêu này một cách dễ dàng hơn. Một kiểu bệnh nhân sẽ đạt được điều đó mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ những người xung quanh – chỉ cần hiểu biết thầm lặng và không can thiệp. Đấy là những bệnh nhân lớn tuổi, cảm thấy đã đến cuối đời, họ đã làm việc và đau khổ, đã nuôi dạy con cái và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bệnh nhân sẽ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời mình và có cảm giác mãn nguyện khi nhìn lại những năm tháng mình từng sống và làm việc.

Loại thứ hai là những người kém may mắn hơn, những người này có thể đạt đến trạng thái thể chất và tinh thần tương tự như loại bệnh nhân thứ nhất khi họ có đủ thời gian để chuẩn bị cho mình chết. Họ sẽ cần giúp đỡ và hiểu biết nhiều hơn của những người xung quanh trong khi chiến đấu để vượt qua tất cả các giai đoạn đã mô tả trong những phần trước. Chúng tôi đã chứng kiến phần lớn bệnh nhân đều chết trong giai đoạn chấp nhận, giai đoạn sống mà không sợ hãi và tuyệt vọng. Có lẽ tốt nhất nên so sánh với những điều Bettelheim[2] mô tả về thời thơ ấu: “Thật vậy, đó là giai đoạn mà người ta không đòi hỏi chúng ta bất cứ thứ gì và người ta cho chúng ta tất cả những thứ chúng ta muốn. Phân tâm học coi giai đoạn thơ ấu ban đầu là giai đoạn thụ động, thời kỳ ái kỷ nguyên thủy, khi chúng ta trải nghiệm chính mình như là tất cả”.

Và vì vậy, có thể trong những ngày cuối cùng, khi chúng ta đã làm việc và cho đi, tận hưởng và đau khổ, chúng ta sẽ quay trở lại giai đoạn mà chúng ta bắt đầu làm người và vòng đời khép lại.

Hai cuộc phỏng vấn sau đây là những ví dụ về việc vợ và chồng cố gắng đạt đến giai đoạn chấp nhận.

Bác sĩ G., một nha sĩ, có con trai 24 tuổi, là một người rất sùng đạo. Chúng tôi đã dùng trường hợp của ông ta làm ví dụ trong Chương IV về thái độ phẫn nộ, khi câu hỏi được đặt ra: “Tại sao lại là tôi?” và ông ta nhớ tới ông George đã rất già và tự hỏi tại sao không bắt người đàn ông đó chết mà lại bắt ông ta. Mặc dù trong cuộc phỏng vấn này, ông ta đã trình bày bức tranh về sự chấp nhận, nhưng ông ta cũng cho thấy mình vẫn còn hy vọng. Về mặt trí tuệ, ông ta nhận thức khá rõ về tình trạng bệnh tật của mình và là một người chuyên nghiệp, ông ta công nhận rằng cơ hội tiếp tục làm việc là rất mong manh. Tuy nhiên, ông không sẵn sàng hoặc không thể nghĩ tới việc đóng cửa văn phòng của mình ngay trước khi diễn ra cuộc phỏng vấn này. Ông ta giữ lại một cô nhân viên trong văn phòng để nhận điện thoại và hy vọng rằng Chúa có thể một lần nữa tạo ra sự cố đã từng xảy ra với ông ta trong những năm chiến tranh, khi ông ta bị bắn ở khoảng cách rất gần và thoát chết, “bị bắn từ khoảng cách 5 tới 6 mét mà không trúng, thì chắc chắn là có một số sức mạnh khác, chứ không chỉ là một Kitô hữu hay bất cứ thứ gì khác”.

Bác sĩ: Anh có thể cho biết đã nhập viện được bao lâu và lý do vì sao anh nhập viện này?

Bệnh nhân: Vâng. Tôi là nha sĩ như chị có thể đã biết và đã hành nghề khá nhiều năm. Cuối tháng 6 vừa qua, tôi bị đau bất thình lình và tôi nhận ra là cơn đau bất thường, tôi đã chụp X-quang ngay lập tức và ngày 7 tháng 7 năm nay, lần đầu tiên tôi đã được phẫu thuật.

Bác sĩ: Năm 1966?

Bệnh nhân: Năm 1966, vâng. Và tôi nhận ra rằng, khả năng 90% là ác tính, nhưng tôi không quan tâm lắm, vì đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy đau đớn. Tôi đã trải qua ca phẫu thuật trong tình trạng rất tốt, hồi phục đáng kể, sau đó bị tắc ruột và phải quay lại để phẫu thuật thêm vào ngày 14 tháng 9. Còn từ ngày 27 tháng 10 trở đi, tôi không hài lòng với quá trình hồi phục của mình. Vợ tôi đã liên lạc với một bác sĩ ở đây và chúng tôi đến đây. Vì vậy, tôi đã liên tục điều trị kể từ ngày 27 tháng 10. Đấy là quá trình nhập viện của tôi, tôi có thể tóm tắt như thế.

Bác sĩ: Căn bệnh tiến triển đến giai đoạn nào thì ông biết thực sự ông bị bệnh gì?

Bệnh nhân: Tôi thực sự biết rằng nó rất có thể là khối u ác tính ngay khi vừa nhìn thấy phim chụp X-quang, vì khối u ở khu vực cụ thể này có tới 90% là ác tính. Nhưng như tôi đã nói, tôi không nghĩ rằng nó sẽ rất nghiêm trọng và tôi tiếp tục cảm thấy rất khỏe. Bác sĩ không nói với tôi, nhưng đã nói với gia đình tôi về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh ngay khi họ vừa hoàn thành ca mổ. Và không lâu sau đó, tôi cùng con trai cưỡi ngựa đến thị trấn gần đó. Chúng tôi luôn luôn là gia đình rất gắn bó với nhau và chúng tôi phải nói về tình trạng của tôi, con trai tôi nói: “Mẹ đã nói với bố về căn bệnh của bố chưa?” Tôi nói chưa, mẹ chưa nói. Và vì thế mà tôi biết nó làm cho con trai tôi vô cùng đau khổ, nhưng nó nói với tôi rằng khi họ thực hiện ca mổ đầu tiên, khối u không chỉ ác tính mà còn di căn, nó đã lan vào tất cả các cơ quan của cơ thể, chỉ trừ gan và lá lách, may quá. Không mổ được và tôi đã bắt đầu nghi ngờ. Con trai tôi biết Chúa khi nó mới mười tuổi và trong nhiều năm, chúng tôi muốn chia sẻ một số trải nghiệm của nó về Chúa, khi nó trưởng thành và vào đại học. Trải nghiệm này đã giúp nó trưởng thành hơn rất nhiều.

Bác sĩ: Cháu bao nhiêu tuổi rồi?

Bệnh nhân: Chủ nhật này cháu vừa tròn 24. Sau cuộc trò chuyện của chúng tôi, tôi đã thấy cháu rất trưởng thành rồi.

Bác sĩ: Ông phản ứng thế nào khi con trai nói chuyện đó?

Bệnh nhân: Vâng, thành thật mà nói, tôi đã ít nhiều nghi ngờ chuyện này, do tôi đã nhận thấy được một số thứ. Bản thân tôi không hoàn toàn không có kiến thức; tôi đã gắn bó với bệnh viện trong 20 năm, làm nhân viên bệnh viện trong thời gian lâu như thế, và tôi hiểu những chuyện này. Lúc đó cháu còn nói với tôi rằng, bác sĩ trợ tá đã nói với vợ tôi rằng tôi chỉ còn sống được từ bốn đến mười bốn tháng. Tôi không cảm thấy gì cả. Tâm hồn tôi hoàn toàn bình yên từ khi tôi phát hiện ra việc này. Tôi không chán nản. Tôi cho rằng hầu hết mọi người ở địa vị của tôi sẽ nhìn vào người khác và nói, tại sao không phải là anh ta. Và ý nghĩ này đã đi qua tâm trí của tôi mấy lần. Nhưng nó chỉ là giai đoạn thoáng qua. Tôi nhớ có lần chúng tôi tới văn phòng để nhận thư và một ông già mà tôi đã biết từ khi còn là một đứa trẻ. Ông ấy đã 82 tuổi, và theo những kẻ hữu sinh hữu tử chúng ta thường nói thì ông ấy chẳng còn ích lợi gì trên thế gian này. Ông lão đó bị thấp khớp, què quặt, bẩn thỉu, không phải là mẫu người mà người ta muốn trở thành. Ý nghĩ đó ập đến rất mạnh mẽ, tại sao không thể là lão George mà lại là tôi. Nhưng đây không phải là suy nghĩ sâu sắc. Đây có thể là điều duy nhất mà tôi nghĩ tới. Tôi mong được gặp Chúa, nhưng đồng thời tôi cũng muốn ở lại trần gian càng lâu càng tốt. Cái mà tôi cảm thấy sâu sắc nhất là chia tay với gia đình.

Bác sĩ: Ông có mấy người con?

Bệnh nhân: Tôi chỉ có một con.

Bác sĩ: Một con trai.

Bệnh nhân: Như tôi đã nói, chúng tôi là một gia đình gắn bó rất chặt chẽ.

Bác sĩ: Gần gũi như thế, và ông là nha sĩ, ông biết gần như chắc chắn rằng đây là bệnh ung thư ngay khi nhìn thấy phim chụp X-quang, tại sao ông không bao giờ nói chuyện này với vợ hay con trai mình?

Bệnh nhân: Vâng, tôi không biết chắc. Bây giờ tôi biết rằng vợ và con trai tôi hoàn toàn kì vọng rằng đó là ca phẫu thuật lớn và chỉ khó chịu trong giai đoạn ngắn, chúng tôi kì vọng rằng sẽ thành công. Tôi không muốn làm cho họ đau khổ thêm. Tôi hiểu rằng vợ tôi đã chán nản hoàn toàn khi biết rõ sự thật. Con trai tôi, đây là lúc mà sự trưởng thành của cháu đã có tác dụng, cháu là thành trì vững chắc trong giai đoạn đó. Nhưng vợ tôi và tôi đã nói chuyện rất thẳng thắn về việc này, và chúng tôi đang tìm cách chữa trị, vì tôi cảm thấy rằng Chúa có thể chữa lành. Chúa có thể, và tôi chấp nhận bất cứ phương pháp điều trị nào mà Ngài sử dụng để có thể chữa lành. Chúng ta không biết y học sẽ làm được gì, chúng ta không biết khám phá y học có xuất xứ từ đâu. Làm sao mà người ta có thể đào một cái rễ từ lòng đất và nói rằng tôi nghĩ cái này có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh này bệnh kia, nhưng nó đã thực sự xảy ra. Và trong tất cả các phòng thí nghiệm của bệnh viện của chúng tôi, chị sẽ thấy những thứ nhỏ bé đang phát triển rất nhiều vì họ cảm thấy rằng nó có quan hệ trực tiếp với công trình nghiên cứu ung thư. Làm sao lại rút ra kết luận như thế? Thật bí ẩn và kỳ diệu đối với tôi và tôi nghĩ rằng là do Chúa.

Cha tuyên úy: Đức tin của anh đã tạo ảnh hưởng rất lớn lên chính anh, tôi nghĩ vậy, không chỉ trong thời gian bị bệnh, mà cả trước đó nữa.

Bệnh nhân: Vâng, đã tạo được ảnh hưởng. Tôi đã có hiểu biết về sự cứu rỗi của Chúa Jesus Christ cách đây khoảng mười năm. Tôi đã có quan điểm như thế thông qua nghiên cứu Kinh thánh mà trước đó tôi đã không đọc hết. Cuối cùng đã giải quyết được là tôi nhận ra rằng mình là người có tội. Tôi đã không nhận thức được, vì tôi là người tốt, luôn luôn là người tốt.

Bác sĩ: Cái gì làm cho anh bắt đầu công việc này cách đây mười năm?

Bệnh nhân: Nó có nguồn gốc xa hơn thế. Khi ở nước ngoài, tôi đã liên lạc với một giáo sĩ, ông ta đã nói chuyện với tôi rất nhiều về những việc này. Và tôi không nghĩ rằng một người nào đó có thể bị bắn hơn một lần và bị bắn trượt mà không nhận ra rằng có thứ gì đó bên ngoài người đó đang có mặt ở đó, đặc biệt là khi người bắn đứng cách mình có 5 hay 6 mét. Như tôi đã nói, tôi luôn là người tốt, tôi không chửi thề, tôi không nói tục, tôi không uống rượu, tôi không hút thuốc, tôi không đặc biệt quan tâm đến những thứ đó. Tôi không săn đuổi phụ nữ, không quá nhiều, nghĩa là tôi luôn là một người tốt. Và vì vậy, mà tôi đã không nhận ra rằng mình là người có tội; cho đến giai đoạn đặc biệt, tại một cuộc họp mà vị tu sĩ kia tổ chức. Có khoảng ba nghìn người tham gia. Và khi kết thúc buổi lễ, tôi không nhớ ông ấy đã giảng những gì, ông đề nghị mọi người tiến lên, hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa. Tôi không biết tại sao mình lại bước lên phía trước, nhưng tôi bị thôi thúc. Sau đó, tôi nghi ngờ về quyết định của mình, như lúc tôi mới lên sáu. Khi tôi được sáu tuổi, tôi nghĩ thế giới này sẽ là bông hoa tươi đẹp và mọi thứ sẽ thay đổi. Sáng hôm đó mẹ tôi đi xuống lầu. Tôi đứng trước một cái gương rộng khoảng 1 mét vuông trong phòng khách, và mẹ nói, “Chúc mừng sinh nhật, Bobby”. Mẹ hỏi, “Con đang làm gì thế?” Tôi nói rằng tôi soi gương. Mẹ hỏi, “Con nhìn thấy gì?” “Vâng,” tôi nói, “con sáu tuổi rồi, nhưng trông con vẫn thế, con cảm thấy vẫn như thế, và lạy Chúa, con vẫn như thế”. Nhưng khi trải nghiệm của tôi tiến sâu hơn, tôi phát hiện được rằng tôi không còn như trước nữa, rằng tôi không thể chịu đựng được những thứ mà tôi đã từng chịu đựng được nữa.

Bác sĩ: Như thế nào?

Bệnh nhân: Vâng, như chị biết đấy, khi kết giao với những người mà ta gặp – hiện tượng mà các doanh nhân thường xuyên gặp - thì bất ngờ họ nhận ra rằng mình đã thiết lập được nhiều quan hệ trong các quán bar. Trước các cuộc họp, hầu hết đàn ông sẽ lui tới quầy bar của nhà nghỉ hoặc khách sạn và ngồi đó uống rượu và giao lưu với nhau. Chuyện đó không làm phiền tôi. Tôi không uống nhưng nó không làm phiền tôi, nhưng sau này nó bắt đầu làm phiền tôi, vì tôi không tin chuyện đó. Và tôi không thể chấp nhận nó. Tôi không còn làm những việc mà mình từng làm trước đây và đây là lúc tôi nhận ra rằng mình là người khác biệt.

Bác sĩ:Tất cả những chuyện này có giúp ích gì cho anh khi anh phải đối mặt với cái chết và căn bệnh nan y của chính mình?

Bệnh nhân: Vâng, giúp rất nhiều. Như tôi đã nói, tôi hoàn toàn thanh thản về mình sau khi đầu tiên tôi thoát khỏi tình trạng mất cảm giác sau phẫu thuật. Tôi bình yên hết mức mà tôi có thể.

Bác sĩ: Anh không sợ à?

Bệnh nhân: Tôi không thể thành thật nói rằng tôi sợ.

Bác sĩ: Anh là một người khác thường, thưa Bác sĩ G., ông biết đấy. Bởi vì chúng ta ít khi thấy những người đàn ông đứng trước cái chết của chính mình mà không hề sợ hãi.

Bệnh nhân: Vâng, đó là do tôi mong được ở nhà Chúa khi chết.

Bác sĩ: Mặt khác, anh vẫn có một số hy vọng được chữa khỏi hay khám phá y học, đúng không?

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ: Tôi nghĩ đây là điều anh đã nói trước đây.

Bệnh nhân: Kinh thánh hứa sẽ chữa lành nếu chúng ta kêu cầu Chúa. Tôi đã kêu cầu Chúa và thỉnh cầu lời hứa này. Nhưng mặt khác, tôi muốn ý Ngài được nên. Và điều này trên hết, vượt trên suy nghĩa của cá nhân tôi.

Bác sĩ: Anh đã thay đổi những cái gì trong đời sống hàng ngày sau khi biết mình bị ung thư? Có thay đổi gì không?

Bệnh nhân: Chị muốn nói ý nghĩa trong hoạt động? Chỉ vài tuần nữa tôi sẽ xuất viện và tôi không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Tôi gần như chỉ sống qua ngày trong bệnh viện. Vì chị biết thời khóa biểu của bệnh viện, chị biết những việc diễn ra.

Cha tuyên úy: Nếu tôi nghe được chính xác những điều anh đã nói trước đó, tôi thấy rất quen thuộc. Những điều anh nói cũng là lời Chúa Jesus nói trước khi người ta đưa Ngài tới thập tự giá, “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý con![3]” 

Bệnh nhân: Tôi đã không nghĩ về việc đó.

Cha tuyên úy: Đó là ý nghĩa của những điều anh đã nói. Anh ao ước nếu có thể hy vọng đó không phải là thời điểm của anh, nhưng anh vượt qua điều ước đó với một điều ước sâu sắc hơn, đó ý muốn của Chúa được nên.

Bệnh nhân: Tôi biết rằng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa; với phương pháp điều trị mà họ đang làm, có thể là vài năm mà cũng có thể là vài tháng. Tất nhiên, không ai trong chúng ta có thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ trở về nhà ngay tối nay.

Bác sĩ: Ông có mường tượng cụ thể nào về việc nó sẽ diễn ra như thế nào hay không?

Bệnh nhân: Không. Tôi biết rằng nó đã được dự phòng, Kinh thánh cho chúng ta biết như vậy và tôi hy vọng vào điều đó.

Cha tuyên úy: Tôi không nghĩ chúng ta nên tiếp tục. Mãi tới thời gian gần đây, Bác sĩ G. đã không dậy nổi, có thể là vài phút nữa.

Bệnh nhân: Vâng, lúc tôi cảm thấy rất khỏe.

Cha tuyên úy: Đúng thế chứ? Tôi đã nói với bác sĩ rằng anh sẽ không bị giữ lại ở đây lâu.

Bác sĩ: Xin anh hãy nói khi cảm thấy hơi mệt nha. Cuộc nói chuyện cùng nhau rất thẳng thắn về chủ đề đáng sợ như thế, nó làm cho anh cảm thấy thế nào, thưa bác sĩ G.?

Bệnh nhân: Vâng, tôi không thấy chủ đề này đáng sợ một chút nào. Sau khi Linh mục I. và Linh mục N. ra khỏi phòng sáng nay, tôi đã có một ít thời gian để suy nghĩ và điều đó không ảnh hưởng đến tôi theo bất kỳ cách đặc biệt nào, ngoài việc tôi hy vọng rằng mình có thể có giá trị đối với những người đang phải đứng trước sự kiện này, trong khi người đó không có niềm tin mà tôi có.

Bác sĩ: Anh nghĩ chúng tôi có thể học được gì từ việc phỏng vấn những bệnh nhân sắp chết và bệnh nhân nặng nhằm giúp chúng tôi hoạt động hiệu quả hơn trong việc giúp họ đối mặt với nó, đặc biệt là những người không được may mắn như anh? Bởi vì anh có đức tin và rõ ràng là đức tin thực có ích cho anh.

Bệnh nhân: Đây là điều mà tôi đã khám phá được một chút, kể từ khi tôi bị bệnh. Tôi có tính là muốn biết tòan bộ tiên lượng, trong khi một số người khi họ phát hiện được rằng mình mắc căn bệnh nan y nào đó, họ gần như rã rời hoàn toàn. Bây giờ đây là cái mà tôi cảm thấy rằng chỉ có trải nghiệm mới có thể nói lên được rằng, anh có thể làm gì khi tiếp cận bệnh nhân.

Bác sĩ: Đây là một trong những lý do tại sao chúng tôi phỏng vấn bệnh nhân ở đây, có mặt  các y tá và các nhân viên khác của bệnh viện có thể nhìn thấy. Gặp hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, để tìm ra những người thực sự muốn nói về nó và những người không muốn nói đến nó.

Bệnh nhân: Tôi nghĩ, những lần thăm đầu tiên của các vị nên có tính chất trung lập, cho đến khi các vị tìm được bệnh nhân cảm thấy sâu sắc đến mức nào về chính mình và trải nghiệm cũng như tôn giáo và đức tin của người đó.

Cha tuyên úy: Tôi nghĩ rằng Bác sĩ R. ám chỉ Bác sĩ G. là người may mắn, nhưng tôi nghĩ ở đây anh đang nói những điều có ý nghĩa, xuất phát từ trải nghiệm, chẳng hạn như quan hệ của anh với con trai, nó nằm ở tầng khác và đánh giá của anh đối với sự trưởng thành của con trai sau trải nghiệm này.

Bệnh nhân: Vâng, tôi nghĩ chúng tôi cũng gặp may. Tôi đang định bình luận về việc này, vì tôi không cảm thấy rằng khu vực đặc biệt này là cái gì đó may mắn. Việc biết Chúa là Đấng Cứu Rỗi của mình không phải là điều may mắn; đó là trải nghiệm rất sâu sắc và tuyệt vời và tôi nghĩ nó chuẩn bị cho người ta trước những thăng trầm của đời sống, những thử thách - mà chúng ta sẽ gặp. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với thử thách, hoặc bệnh tật. Nhưng nó giúp người ta chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận, bởi vì chúng ta biết rằng như tôi đã nói một chút trước đây, bị bắn từ khoảng cách 5 tới 6 mét và người đó bị bắn trượt, thế là người đó biết rằng có một sức mạnh nào đó chứ không phải người đó né tránh giỏi hoặc bất cứ thứ gì khác. Nhưng chúng ta đã nghe nói rằng không có người vô thần nào trong các hầm trú ẩn cá nhân, đó là sự thật. Các vị nghe nói rằng người đàn ông trở nên rất gần gũi với Chúa trong một cái hầm trú ấn, hay khi cuộc đời của họ gặp nguy hiểm, không phải là hầm trú ẩn mà thậm chí gặp tai nạn nghiêm trọng và chợt nhận ra là mình đang gặp tai nạn và họ tự động kêu cầu danh Chúa. Đó không phải là may mắn. Đó là tìm kiếm và tìm thấy điều mà Chúa dành cho chúng ta.

Bác sĩ: Ý tôi không phải là may mắn theo cách thông thường, chỉ là một cơ hội xảy ra, giống như hạnh phúc, may mắn.

Bệnh nhân: Tôi hiểu, vâng. Vâng, đó là trải nghiệm hạnh phúc. Thật đáng kinh ngạc khi người ta có thể cảm nhận được trải nghiệm này trong thời kỳ bệnh tật như thế này, khi người ta có những người khác cầu nguyện cho mình và nhận ra rằng những người kia đang cầu nguyện cho mình. Đó là sự giúp đỡ to lớn đối với tôi. Nó là sự giúp đỡ to lớn.

Cha tuyên úy: Thật thú vị là tôi đã nhắc cho Bác sĩ R. ngay khi chúng ta đến hội thảo - không chỉ anh có trải nghiệm về việc mọi người nhớ đến anh mà vợ anh còn có thể tiếp thêm sức mạnh cho những người có thân nhân đang hấp hối ở đây và dâng lời cầu nguyện cho họ.

Bệnh nhân: Đây là chuyện khác mà tôi sẽ nói tới. Vợ tôi đã thay đổi khá nhiều trong giai đoạn này. Cô ấy đã trở thành mạnh mẽ hơn hẳn. Cô ấy khá phụ thuộc vào tôi. Ông có thể tưởng tượng rằng tôi là một người rất độc lập và tôi tin rằng mình sẽ gánh vác trách nhiệm khi trách nhiệm tới. Vì vậy, cô ấy không có cơ hội để làm nhiều việc mà một số phụ nữ vẫn làm, chẳng hạn như quản lý công việc kinh doanh của gia đình, v.v., và nó làm cho cô ấy trở thành khá phụ thuộc. Nhưng cô ấy đã thay đổi khá nhiều. Bây giờ cô ấy sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn hẳn.

Bác sĩ: Anh có nghĩ rằng sẽ có ích nếu chúng ta nói chuyện với chị ấy một chút về chuyện này, hay nó sẽ quá sức đối với chị ấy?

Bệnh nhân: Ồ, tôi không nghĩ nó sẽ làm cho cô ấy đau một tí nào. Cô ấy là một Kitô hữu, cô ấy biết Chúa là Chúa của mình và đã biết ngay từ khi còn nhỏ. Trên thực tế, khi còn nhỏ, cô ấy đã được chữa lành một bên mắt. Các bác sĩ chuyên khoa đã sẵn sàng đưa cô ấy đến bệnh viện ở St. Louis để cắt bỏ một bên mắt, mắt có vết loét. Cô đã được chữa lành một cách kỳ diệu và trong khi chữa lành, cô đã đưa những người khác, một bác sĩ, đến nhận thức về Chúa. Dù sao thì cô ấy cũng là một người phụ nữ đầy sức mạnh, theo phái Giám lý, nhưng đây là yếu tố mang tính củng cố. Lúc đó cô ấy mới khoảng mười tuổi, nhưng chính trải nghiệm với vị bác sĩ này là yếu tố mang tính củng cố trong cuộc đời cô ấy.

Bác sĩ: Trước khi bị bệnh này, trong thời thanh niên, anh có bị stress nặng hay có chuyện buồn gì đó hay không? Vì vậy, anh có thể so sánh cách sử dụng nó lúc đó so với bây giờ.

Bệnh nhân: Không, tôi thường nhìn lại mình và tự hỏi làm sao tôi có thể làm được việc này. Tôi biết mình làm được vì được Chúa giúp đỡ. Bởi vì tôi chưa bao giờ bị căng thẳng sâu sắc nào, trừ trường hợp nguy hiểm ảnh hưởng tới tôi. Và tất nhiên, tôi từng là người lính trong Thế chiến II. Đây là lần căng thẳng đầu tiên của tôi và cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thực sự đối mặt với chết chóc, tôi biết rằng mình sẽ đối mặt với cái chết nếu làm cái này hay cái kia.

Bác sĩ: Tôi nghĩ chúng ta phải kết thúc thôi, có lẽ thỉnh thoảng chúng tôi có thể ghé thăm anh.

Bệnh nhân: Tôi đánh giá cao buổi nói chuyện.

Bác sĩ: Cảm ơn anh rất nhiều vì đã tới.

Bệnh nhân: Tôi rất thích đến đây.

Bà G., vợ của bác sĩ G., tới khi chúng tôi đang đưa bệnh nhân xuống sảnh để phỏng vấn. Cha tuyên úy đã biết chị ấy từ những lần gặp trước, giải thích ngắn gọn cho chị nghe những việc chúng tôi đang làm. Chị ấy thể hiện thai độ quan tâm và chúng tôi đã mời chị ấy tham gia cùng chúng tôi trong giai đoạn sau. Trong khi chúng tôi phỏng vấn Bác sĩ G., chị đợi ở phòng bên cạnh và chúng tôi mời chị vào khi chồng chị đã trở về phòng bệnh nhân. Do đó, chị ấy có rất ít thời gian để suy ngẫm hoặc suy nghĩ lại. (Chúng tôi thường cố gắng dành khá nhiều thời gian sau khi đề nghị được phỏng vấn và thực sự phỏng vấn thực tế nhằm để cho người được phỏng vấn quyền tự do lựa chọn thực sự).

Bác sĩ: Nó có thể làm cho chị hơi ngạc nhiên khi chị tới thăm chồng mình và sau đó tham gia cuộc phỏng vấn này. Chị đã nói chuyện với cha tuyên úy về những chuyện này rồi chứ?

Bà G: Đã nói chút chút ạ.

Bác sĩ: Chị xử lý như thế nào khi biết tin chồng mình lâm trọng bệnh một cách khá đường đột?

Bà G: Vâng, tôi có thể nói rằng lúc đầu tôi đã rất run.

Bác sĩ: Cho đến mùa hè năm đó, anh ấy là người khỏe mạnh?

Bà G: Vâng, đúng thế ạ.

Bác sĩ: Không bao giờ ốm nặng hay phàn nàn, không gì hết?

Bà G: Vâng. Chỉ phàn nàn về một vài cơn đau.

Bác sĩ: Rồi sau đó?

Bà G: Chúng tôi đã kiểm tra, có người đề nghị chụp X-quang. Và sau đó chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật. Và thực sự là, cho đến lúc đó tôi mới thực sự nhận thức được rằng nó thực sự nghiêm trọng.

Bác sĩ: Ai đã nói với chị và họ nói với chị như thế nào?

Bà G: Bác sĩ là người bạn rất thân với gia đình tôi. Vâng, trước khi tiến hành phẫu thuật, anh ấy đã gọi cho tôi và nói với tôi, giờ đây có thể là một khối u ác tính. Và tôi nói, “Ồ, không”. Anh ấy nói, “Vâng, vì vậy tôi chỉ báo cho chị thôi”. Cho nên, tôi đã được chuẩn bị một chút, nhưng khi được thông báo rằng nó nghiêm trọng hơn thì tôi chưa được chuẩn bị để hiểu đó là tin xấu. “Chúng ta chưa thấy hết”, bác sĩ nói. Đấy là cái đầu tiên tôi nhớ. Vâng, tôi thực sự choáng váng vì tôi nghĩ, bây giờ, nó không thể diễn ra quá lâu. Bác sĩ nói rằng anh ấy chỉ còn khoảng ba đến bốn tháng và, làm sao có thể nắm bắt ngay được những thứ này? Vì vậy, việc đầu tiên tôi làm là cầu nguyện. Trong khi anh ấy đang được phẫu thuật, tôi đã cầu nguyện. Tôi đã cầu nguyện một cách rất ích kỷ, rằng nó không phải là ác tính. Tất nhiên, con người là như thế. Người ta muốn nó diễn ra theo cách của mình. Trước khi để nó diễn ra theo ý Chúa, tôi đã không có được tâm bình an mà tôi thực sự nên có. Tất nhiên, dù thế nào thì ngày phẫu thuật cũng tồi tệ, và đêm dài đó thật kinh khủng. Trong đêm đó, tôi thực sự tìm thấy tâm thực sự bình yên, nó đã cho tôi can đảm. Tôi tìm thấy nhiều đoạn trong Kinh thánh góp phần tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Ở nhà chúng tôi có bàn thờ gia đình. Tôi có thể nói, ngay trước khi xảy ra chuyện này, chúng tôi đã thuộc lòng một câu trong Kinh thánh và chúng tôi thường nhắc đi nhắc lại. Đấy là trong Jeremiah 33:3, nói rằng, “Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết”[4] và tất cả chúng tôi đều thuộc lòng câu đó.

Bác sĩ: Đó là trước khi biết về căn bệnh này?

Bà G: Mới khoảng hai tuần trước. Và chị biết rằng nó lập tức đến với tôi và tôi cứ lặp đi lặp lại câu đó. Và sau đó, rất nhiều điều trong sách John đến với tôi. Nếu nhân danh ta, con yêu cầu bất cứ điều gì, ta sẽ làm điều đó. Và tôi muốn ý Chúa, nhưng chỉ nhờ đó, tôi mới tìm thấy chính mình. Tôi có thể đi tiếp vì chúng tôi đã rất tận tâm và chúng tôi chỉ có một con trai thôi. Con trai tôi đi học đại học ở xa. Sinh viên đại học có rất nhiều thứ phải làm, nhưng cháu đã tham gia, cháu đến ngay với tôi và chúng tôi đã tìm kiếm Kinh thánh theo đúng nghĩa đen của từ này để được giúp đỡ. Cháu đã cầu nguyện cùng với tôi, rồi những người trong nhà thờ của chúng tôi cũng rất, rất tốt. Họ thường tới và chúng tôi đọc những đoạn khác nhau trong Kinh thánh. Tôi đã đọc rất nhiều lần, nhưng chưa tôi chưa bao giờ thấy ý nghĩa như những lúc này.

Cha tuyên úy: Lúc này, những đoạn Kinh thánh đó dường như nhận ra và gần như nói ra cảm xúc của chị.

Bà G: Mỗi lần mở Kinh thánh, có một cái gì đó đứng đó, giống như đang nói với tôi. Tôi mở ra đúng chỗ mà tôi nghĩ, vâng, bây giờ có lẽ sẽ có một số chuyện tốt. Đó chỉ là cách tôi chấp nhận và hàng ngày tôi đều tìm được sức mạnh để đứng vững. Chồng tôi rất tin tưởng và khi người ta kể cho anh ấy nghe tình trạng của mình, anh ấy đã nói với tôi: “Em sẽ làm gì nếu người ta nói với em, rằng anh còn sống được từ bốn đến mười bốn tháng?” Tôi sẽ giao tòan bộ vào tay Chúa và tin tưởng Ngài. Tất nhiên là, trong lĩnh vực y học, tôi muốn người ta làm mọi thứ có thể cho chồng tôi. Còn các bác sĩ của chúng tôi nói rằng không thể làm gì khác và tôi thậm chí còn đề nghị dùng coban, hoặc thậm chí một số loại tia X hoặc bức xạ, ông biết đấy. Họ không đề nghị làm như thế, họ nói rằng đó là chết người. Còn chồng tôi cũng không phải là loại người bỏ cuộc. Vì vậy, khi tôi nói chuyện với anh ấy, và tôi nói, anh biết Chúa, cách duy nhất Chúa có thể làm việc là thông qua con người và Ngài truyền cảm hứng cho các bác sĩ. Rồi, tôi nói, chúng tôi thấy bài báo này, một người hàng xóm mang tờ tạp chí tới và chúng tôi đã đọc, tôi thậm chí còn không hỏi ý kiến ​​chồng mình, tôi chỉ liên hệ với bác sĩ ở bệnh viện này.

Bác sĩ: Có một bài báo?

Bà G: Vâng, trong một tờ tạp chí. Tôi nghĩ, bây giờ, họ đang rất thành công. Tôi biết không có cách chữa trị, nhưng họ đang thành công. Tôi sẽ chỉ tiếp xúc với ông bác sĩ. Tôi viết một bức thư và gửi theo đường chuyển phát đặc biệt và ông ấy đã nhận được nó tại bàn làm việc của mình vào sáng thứ Bảy. Thư ký của ông ấy không có ở nhà nên ông ấy đã gọi cho tôi. Ông ấy nói: “Tôi rất quan tâm đến bức thư của chị, nó giải thích rõ, nhưng tôi cần một báo cáo vi phẫu. Chị có thể xin bác sĩ Z và gửi nó giống như chị đã làm với bức thư này. Chị đã gửi sáng ngày hôm qua và sáng nay tôi đã nhận được”. Vì vậy, đấy là những việc tôi đã làm. Tôi đã gửi. Ông ấy gọi và nói: “Ngay khi tôi nhận được giường dành cho bệnh nhân, họ đang sửa sang lại khu vực này, tôi sẽ gọi cho chị”. Bây giờ ông ấy nói, “Tôi không thể hứa với chị quá nhiều, nhưng tôi chắc chắn không tin vào cách tiếp cận mang tính định mệnh này”. Vì vậy, điều đó thực sự nghe có vẻ tuyệt vời đối với tôi. Bao giờ cũng có những việc mà chúng tôi có thể làm, chứ không chỉ ngồi và chờ đợi như các bác sĩ đã nói với chúng tôi.

Rồi hình như mọi thứ trôi đi quá nhanh. Chúng tôi đi bằng xe cấp cứu. Và tôi có thể nói rằng cái đêm họ kiểm tra anh ấy, họ không thể cho chúng tôi nhiều hy vọng. Chúng tôi gần như muốn quay lại và về nhà. Và một lần nữa tôi cầu nguyện. Tôi rời bệnh viện đêm hôm đó để đến ở với người bà con. Tôi không biết mình sẽ tìm thấy gì vào sáng hôm sau. Họ để cho chúng tôi suy nghĩ xem có nên tiếp tục phương pháp điều trị này hay không. Một lần nữa, tôi đến và cầu nguyện và chỉ nói rằng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể. Tôi đã nghĩ đây là quyết định của chồng tôi chứ không phải của tôi. Sáng hôm đó khi tôi đến bệnh viện, anh ấy đã hạ quyết tâm, “Anh sẽ tiếp tục”. Họ nói rằng anh ấy sẽ giảm từ 20 đến 25 kg và anh ấy đã giảm rất nhiều qua hai lần phẫu thuật. Tôi thực sự không biết phải làm gì. Tôi chỉ không quá ngạc nhiên, vì cảm thấy nó sẽ diễn ra như thế. Và rồi, sau khi họ bắt đầu điều trị, anh ấy ốm rất nặng. Nhưng như tôi đã nói, họ không hứa hẹn gì với chúng tôi, cho nên chúng tôi chỉ có một tia hy vọng rằng phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm khối u và ruột sẽ thông. Chồng tôi bị tắc ruột và đây là một cơ hội. Trong suốt chặng đường, tôi đã có những lúc nản lòng, nhưng tôi nói chuyện với những bệnh nhân khác nhau, ở đây trong bệnh viện, đó là những người rất ốm yếu. Và tôi nghĩ, ở đây tôi đang khuyến khích họ và thấy những thứ tối tăm đang nhìn về phía chúng tôi rất nhiều lần. Nhưng, tôi cứ ở trong đó. Tôi vẫn có cách tiếp cận đó. Tôi biết rằng nghiên cứu đang diễn ra trong lĩnh vực này và tôi biết một lần nữa rằng Kinh thánh nói rằng, đối với Chúa không gì là không thể.

Bác sĩ: Mặc dù chị chấp nhận số phận, nhưng chị cũng có chút hy vọng rằng vẫn có thể xảy ra một cái gì đó khác.

Bà G: Đúng vậy.

Bác sĩ: Chị dùng từ chúng tôi, chúng tôi phẫu thuật, chúng tôi quyết định tiến hành. Như thể chị và anh ấy thực sự đồng điệu khi làm mọi việc cùng nhau.

Bà G: Tôi thực sự nghĩ rằng nếu anh ấy không khỏe lại, nếu đây là thời điểm của anh ấy, tôi tin rằng đó là ý muốn của Chúa.

Bác sĩ: Anh ấy bao nhiêu tuổi rồi?

Bà G: Anh ấy 50 khi chúng tôi đến đây.

Bác sĩ: Ngày anh ấy đến bệnh viện.

Cha tuyên úy:  Chị có nói rằng trải nghiệm này đã làm cho gia đình chị gắn bó với nhau hơn?

Bà G: Lạy Chúa tôi, nó làm cho chúng tôi gắng bó với nhau hơn. Nếu không có gì khác, đó là dựa vào Chúa. Chúng tôi là những người tự chủ, chúng tôi nghĩ vậy, nhưng trong những lúc như thế này, mới thấy rằng mình không mạnh mẽ lắm. Tôi đã học để trở thành phụ thuộc và sống từng ngày một và từ bỏ kế hoạch. Chúng ta có ngày hôm nay nhưng có thể không có ngày mai. Và tôi nói nếu nó làm cho chồng tôi chết, tôi cảm thấy như nó chắc chắn ở trong tay Chúa, và có thể qua trải nghiệm của chúng tôi, một người nào đó có thể có thêm hy vọng hoặc sức mạnh nơi Chúa.

Cha tuyên úy: Chị có mối quan hệ tốt với các nhân viên bệnh viện? Tôi biết chị có quan hệ dễ chịu với những bệnh nhân khác bởi vì chúng ta đã nói chuyện với nhau về việc tìm cách giúp đỡ thân nhân của những bệnh nhân khác. Tôi ngồi và nghe được một số chuyện. Tôi đã nhớ những chuyện chị nói lúc trước. Chị thể hiện trong câu chuyện với người khác bằng thái độ lạc quan. Một người từ bên ngoài thị trấn sẽ thấy thế nào? Chị đã được nhân viên ở đây giúp đỡ những gì? Một thành viên trong gia đình có trải nghiệm thế nào, khi có một người cận kề cái chết như chồng chị?

Bà G: Vâng, vì tôi là y tá nên tôi đã nói chuyện khá nhiều với các y tá. Tôi thấy có một số y tá là Kitô hữu rất sùng đạo, họ nói rằng tin vào Chúa là quan trọng; chiến đấu, không bỏ cuộc có liên quan rất nhiều tới đức  tin. Nói chung, tôi nghĩ rằng mình có thể nói chuyện với họ. Họ rất thẳng thắn và cởi mở, tôi rất thích thái độ của họ. Và tôi tin rằng các thành viên trong gia đình bệnh nhân sẽ bớt hoang mang hơn nếu người ta giải thích và nói với họ sự thật, dù hy vọng có tù mù đi nữa. Tôi nghĩ người ta sẽ chấp nhận. Và tôi thực sự nghĩ rất nhiều về bệnh viện này, tôi thực sự nghĩ rằng họ đã xây dựng được một đội ngũ đầy sức mạnh.

Cha tuyên úy: Chị có cho rằng nó không chỉ đúng với chị mà còn đúng với những những gia đình khác đã từng ở đây?

Bà G: Vâng.

Cha tuyên úy: Họ muốn biết?

Bà G: Vâng. Nhiều gia đình sẽ nói, ồ, họ thật tuyệt vời ở đây, còn nếu họ không biết, thì chẳng có ai biết. Đó là thái độ mà tôi phát hiện được, mọi người chỉ đi ra ngoài hiên tắm nắng và nói chuyện với những người tới thăm khác nhau. Họ nói đây là một nơi tuyệt vời. Họ rất tinh.

Bác sĩ: Có thể làm gì để cải thiện?

Bà G: Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều có thể cải thiện. Tôi thực sự nhận ra rằng việc chăm sóc còn chưa đầy đủ. Tôi nghĩ rằng đôi khi người ta không trả lời khi có chuông reo, khi cần phải trả lời, nhưng nhìn chung, tôi nghĩ đây là hiện tượng chung trong các bệnh viện. Chỉ là không đủ thôi, so với ba mươi năm trước, khi tôi làm y tá, đã có thay đổi rất nhiều. Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng những bệnh nhân nặng rất được quan tâm mà không cần y tá đặc biệt.

Bác sĩ: Chị có câu hỏi nào không? Thưa chị G., ai nói với chồng chị là anh ấy bị bệnh gì?

Bà G:  Tôi đã nói với anh ấy trước rồi.

Bác sĩ: Chị nói thế nào và khi nào?

Bà G: Ba ngày sau ca phẫu thuật thứ nhất ở bệnh viện, tôi đã nói với anh ấy. Trên đường tới bệnh viện, anh ấy nói, “Bây giờ, nếu đây là căn bệnh ác tính, thì đừng mất bình tĩnh em ạ”. Anh ấy dùng thuật ngữ đó. Tôi bảo, “Em sẽ không mất bình tĩnh, nhưng không phải bệnh ác tính đâu”. Nhưng ngày thứ ba, ông bác sĩ, bạn của gia đình chúng tôi đi nghỉ phép. Lúc đó là tháng Bảy, và tôi nói với anh ấy. Anh ấy chỉ nhìn tôi, còn tôi thì nói, “Em nghĩ rằng anh muốn biết họ đã làm những gì”. “Ồ”, anh ấy nói, “không ai nói với anh”. Tôi nói, “Ồ, họ đã cắt khoảng 50 centimet đại tràng của anh”. Anh ấy nói, “50 cemtimet?!” Anh ấy nói tiếp, “Tốt lắm, sau đó họ móc vào mô khỏe mạnh”. Tôi không tiếp tục nói phần còn lại, cho đến khi về tới nhà. Sau đó tôi đánh giá trong khoảng ba tuần sau ca phẫu thuật, chúng tôi ngồi trong phòng khách, chỉ có hai người, và tôi nói với anh ấy. Anh ấy nói, “Tốt, chúng ta chỉ cần tận dụng tốt nhất những thứ còn lại”. Đó chỉ là thái độ của anh ấy. Vì vậy, sau hai tháng, anh ấy đã quay lại văn phòng và làm việc. Chúng tôi đi nghỉ hè. Con trai tôi tạm nghỉ học và chúng tôi đi chơi ở Công viên Estes. Chúng tôi thực sự có những ngày nghỉ tuyệt với. Anh ấy thậm chí còn chơi gôn.

Bác sĩ: Ở Colorado?

Bà G: Vâng. Con trai tôi sinh ở Colorado. Chúng tôi ở đó khi chồng tôi đang phục vụ trong quân đội. Chúng tôi thích khu vực đó và hầu như năm nào chúng tôi cũng đi nghỉ ở đó. Và tôi xin cảm ơn vì chúng tôi đã có một khoảng thời gian ở bên nhau, vì chúng tôi thực sự rất thích. Sau đó, chỉ khoảng một tuần là anh ấy quay lại văn phòng, rồi bắt đầu có hiện tượng tắc ruột. Khối u mà họ đã cắt đi lại tái phát.

Bác sĩ: Anh ấy có hoàn toàn đóng cửa văn phòng hay không?

Bà G: Anh ấy chỉ đóng cửa có năm tuần lễ thôi. Sau ca phẫu thuật đầu tiên anh ấy đã mở lại. Anh ấy mở hẳn sau khi chúng tôi đi nghỉ về. Anh ấy chỉ ở đó khoảng một tuần, anh ấy làm việc mười sáu ngày sau lần phẫu thuật vào ngày 7 tháng Bảy.

Bác sĩ: Bây giờ văn phòng ra sao rồi?

Bà G: Văn phòng vẫn đóng cửa. Có một cô gái trực văn phòng để nghe điện thoại. Mọi người đều muốn biết khi nào anh ấy quay trở lại. Vì vậy, chúng tôi, tôi đã quảng cáo để bán và chúng tôi muốn bán đi. Đó cũng là giai đoạn tồi tệ trong năm. Tháng này sẽ có người đến để xem xét. Còn chồng tôi vừa bị ốm quá và họ đưa anh ấy vào danh sách cần quan tâm đặc biệt. Tôi chỉ không thể về nhà, nhưng có rất nhiều việc tôi phải làm, không thể về nhà được. Nhưng con trai tôi thì đi đi về về.

Bác sĩ: Cậu ta học ngành gì?

Bà G: Cháu kết thúc rồi ạ. Con tôi bắt đầu ở với khoa dự bị nha khoa, nhưng sau đó cháu chuyển ngành, còn hiện thì trông coi mọi việc ở nhà. Như tôi đã nói, cháu đi học đều, còn sau khi bố cháu bị ốm nặng, hội đồng thi tuyển cho cháu hoãn thi vài tháng. Vì vậy, cháu đang quyết định sẽ làm gì.

Bác sĩ: Tôi nghĩ chúng ta nên kết thúc. Chị G. có câu hỏi gì không?

Bà G: Các vị đang làm tất cả những chuyện này để xem liệu có thể cải thiện hay không?

Bác sĩ: Vâng, có vô số lý do. Lý do chính là để tìm hiểu những bệnh nhân ốm nặng xem họ đang trải nghiệm những gì. Ví dụ như sợ hãi và tưởng tượng hoặc cô đơn mà họ trải nghiệm và biện pháp mà chúng ta có thể tìm hiểu và giúp đỡ họ. Mỗi bệnh nhân mà chúng tôi phỏng vấn ở đây đều có những vấn đề và xung đột khác nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng muốn gặp gia đình bệnh nhân, xem họ đang giải quyết tình huống như thế nào và nhân viên bệnh viện có thể hỗ trợ như thế nào.

Bà G: Đã có người nói với tôi, “Tôi không biết làm sao chị có thể làm được việc đó”. Vì sao, tôi biết Chúa quan trọng đến mức nào trong cuộc sống của con người và tôi luôn cảm thấy như thế. Tôi đã học khóa đào tạo y tá và tôi luôn may mắn vì được gặp những Kitô hữu tốt bụng. Tôi đã nghe và đọc nhiều thứ khác nhau, kể cả về các minh tinh màn bạc. Nếu họ có một đức tin và tin vào Chúa, thì dường như đấy là cái có thể dựa vào. Đó là điều tôi thực sự nghĩ và tôi nghĩ một cuộc hôn nhân hạnh phúc được xây dựng trên đức tin.

Bà vợ bác sĩ G. đã mô tả rất hay về phản ứng của người thân trong gia đình trước thông tin bất ngờ về căn bệnh ác tính. Phản ứng đầu tiên của bà ấy là bị sốc, sau đó là chối bỏ trong giai đoạn ngắn, “Không, không thể là sự thật được”. Sau đó, bà ấy cố gắng tìm ra ý nghĩa trong tình trạng lộn xộn này và tìm được an ủi trong Kinh thánh, vốn luôn là nguồn cảm hứng cho gia đình này. Mặc dù đã hoàn toàn chấp nhận, bà ấy cũng hy vọng vào “nghiên cứu đang được thực hiện” và cầu nguyện cho phép màu. Mặc dù thay đổi như thế trong gia đình bà đã làm sâu sắc thêm trải nghiệm tôn giáo của họ, nhưng nó cũng tạo điều kiện để bà có thời gian để trở thành tự chủ và độc lập hơn.

Đặc điểm nổi bật của cuộc phỏng vấn kép này có lẽ lại là hai câu chuyện khác nhau mà chúng ta nghe được về cách người ta nói cho bệnh nhân nghe. Nó khá điển hình và phải hiểu nó, đấy là nói nếu chúng ta không coi mọi thứ theo giá trị bề ngoài.

Bác sĩ G. giải thích con trai ông đã trưởng thành như thế nào và cuối cùng, phải nhận trách nhiệm bằng cách chia sẻ tin xấu với ông ta. Rõ ràng là ông ấy rất tự hào về con trai mình, coi cậu ta là người đàn ông đã trưởng thành, chín chắn, có thể gánh vác trách nhiệm khi ông bỏ lại người vợ khá phụ thuộc của mình. Mặt khác, bà G. khẳng định rằng, chính bà là người đã đủ can đảm và dũng khí để nói với chồng về kết quả của ca phẫu thuật, không bắt con trai gánh vác nhiệm vụ khó khăn này. Sau đó, bà ấy đã mâu thuẫn với chính mình nhiều lần, làm cho phiên bản của bà ấy dường như không phải là sự thực. Tuy nhiên, mong muốn được nói với chồng của bà ấy cũng cho thấy nhu cầu của bà ấy. Bà ấy mong muốn mình là người mạnh mẽ, có thể đối diện với bệnh của chồng và nói về nó. Bà ấy muốn là người chia sẻ với chống cả tin tốt cũng như tin xấu, đồng thời tìm kiếm sự an ủi và sức mạnh trong Kinh thánh để chấp nhận bất cứ điều gì có thể xảy đến.

Một bác sĩ có khả năng trấn an, thông báo cho họ biết rằng, sẽ làm mọi thứ có thể và vị linh mục sẵn sàng đến thăm bệnh nhân và gia đình người bệnh thường xuyên, tận dụng các nguồn lực mà gia đình đã từng sử dụng trong quá khứ là những cách giúp đỡ hiệu quả nhất.



[1] Decathexis – thuật ngữ trong phân tâm học có nghĩa là thôi truyền nghị lực, tinh thần vào một người hay  một đối tượng – ND.

[2] Bruno Bettelheim (1903-1990) – nhà tâm lý học, học giả, gốc Áo, sinh sống tại Hoa Kỳ - ND.

[3] Tin Lành theo Lu Ca, 22:42 – ND.

[4] Tin Lành theo Gieâ-reâ-mi 33:, nguyên văn viết là theo Isaiah. Có lẽ tác giả nhầm – ND.

No comments:

Post a Comment