Pages

June 26, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (8)

  (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


 

CHƯƠNG 7 

Cái gì là thực?

 Protagoras (Hy Lạp cổ đại) là người đầu tiên viết rằng mọi người đều ngây thơ cho rằng nhận thức, ý kiến và sự hiểu biết của họ về đời sống và những sự kiện của nó là “thực, là sự thật, là có thực”, và do đó là “đúng”. Do đó, nếu người khác có quan điểm khác, thì bị coi là “sai lầm, thông tin sai lệch, thành kiến, không phải đạo về chính trị hoặc vô minh”. Sự phù phiếm bẩm sinh của cốt lõi ái kỷ của bản ngã có lợi ích thâm căn cố đế là được là người “đúng”, cùng với nó là cảm giác rằng mình là người quan trọng. Đền lượt mình, nó gia tăng hương vị tinh tế và phẩm chất của sự tự tin, ngay cả khi cơ sở của nó hoàn toàn là vọng tưởng. Vì vậy, là người “đúng” gắn liền với tự hào và tự trọng, sau đó phải bảo vệ nó bằng cuộc đấu tranh chính trị quốc gia và quốc tế căng thẳng vì nền tảng đạo đức cao cả.

Vì hậu quả này của các hệ thống niềm tin và những hành vi cảm xúc mà chúng dẫn tới cũng rất quan trọng đối với hạnh phúc cũng như thành công và thậm chí là sự sống còn, cho nên phân tích những quá trình cơ bản có liên quan là công việc mang lại nhiều lợi ích. Vì đấy là những quá trình rất căn bản, hiểu biết về cơ chế là rất quan trọng.

Có thể khám phá sự kiện dễ dàng quan sát được là tâm trí hoạt động trên cơ sở những giả định, ngay lập tức làm người ta cảm động và được xếp hạng theo thứ tự ưu tiên. Chúng cung cấp cho người ta những mô hình tạm thời để tạo ra niềm tin và hành động, cũng như đồng ý hay không đồng ý. Quá trình xử lý tiếp theo có thể dẫn đến nghi ngờ hay chắc chắn và do đó, làm suy yếu hoặc củng cố nhận dạng cá nhân cũng như nhận dạng nhóm với sự hòa điệu của lòng trung thành và cam kết.

Ý thức về thực tại là tiêu điểm mang tính trải nghiệm, chủ quan về sự phức tạp mang tính tương tác phát sinh từ sự đa dạng của những yếu tố vừa có thể nhận ra, vừa tinh tế. Khi được kiểm tra và liệt kê, bất kỳ khoảnh khắc nào của nhận thức chủ quan đều liên quan đến, theo nghĩa đen, hàng triệu yếu tố đóng góp được xếp hạng ở bên trong về tầm quan trọng và ưu thế. Một số có ảnh hưởng rõ ràng nhất là ý kiến, niềm tin, đức tin và các quá trình tâm trí khác như tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn, sinh lý não, trải nghiệm trước đây, quá trình huấn luyện, kỹ năng ngôn ngữ, IQ; chuyên môn và năng lực về tâm lý và trí tuệ. Những yếu tố này là bị chi phối bởi tầng tiến hóa tổng thể của ý thức, mà tầng ý thức lại bị ảnh hưởng bởi ý định, cam kết, mục tiêu đã được nội tâm hóa và “chú ý” (Medina, 2006). Tất cả những yếu tố này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những giả định và tiền đề văn hóa và xã hội đã bị chính trị hóa, được chấp nhận là “thực tại” và nội tại của cơ cấu xã hội.

Thực tại như là giải thích

Từ những điều trình bày bên trên, rõ ràng là cảm giác về thực tại là một giả định thực sự mang tính chủ quan, hữu ích về mặt hoạt động nhưng không “thể chứng minh được” như là những mô tả tuyến tính và kích thước của vật thể vật chất. Tất cả những lời tuyên bố của tâm trí, trong trường hợp đều tốt nhất, cũng là phù du, và nhận thức được sự hạn chế như thế là phẩm chất nội tại của trí huệ. Trí huệ chứng tỏ mức độ khiêm tốn cũng như linh hoạt. Nó cũng ngụ ý thái độ thận trọng, bảo thủ; đấy là nhận thức được rằng cùng với thời gian và trải nghiệm thông tin sẽ được tích lũy thêm. Như vậy là, trí huệ coi tất cả kiến thức đều là phù du và có thể thay đổi, không chỉ về ý nghĩa mà còn về tầm quan trọng và giá trị. Định nghĩa cái gì là “thực” cũng hàm ý sự thật có thể kiểm chứng được, mà cho đến mãi thời gian gần đây vẫn chưa có sẵn; do đó, thực tại/sự thật/tính chân thực có thể kiểm chứng được chỉ mới xuất hiện trong ý thức của con người trong giai đoạn gần đây mà thôi.

Năng lực phân biệt thực tại

Tâm trí của con người tự động cho rằng giá trị của nó là trải nghiệm chủ quan của chính mình, và do đó, hoạt động của nó được xây dựng trên đặc tính bẩm sinh được gọi là “đức tin”. Phẩm chất của chính đức tin trong thời gian gần đây đã những người hoài nghi có tay nghề thể hiện một cách ngược đời đức tin cực đoan vào chính thái độ hoài nghi của họ (điểm hiệu chỉnh 160) và phép ngụy biện đầy ái kỷ tấn công. Như vậy là, những người hoài nghi không thể hoài nghi thái độ hoài nghi của chính mình và do đó, họ thể hiện hệ thống niềm tin ngây thơ mà kết quả là chối bỏ các tầng ý thức cao hơn và không có khả năng phân biệt được ý nghĩa, trừu tượng hóa hoặc bối cảnh (trường) với nội dung tuyến tính (biểu hiện bên ngoài), như biểu đồ Sinh lý não, Chương 4, cho thấy.

Bản chất của chính cấu trúc nền tảng của bản ngã của con người là ngây thơ bẩm sinh, ở chỗ nó tin vào thực tại hay sự thật của các chương trình của nó, mà không biết rằng nó không có năng nội tại để tự sửa chữa. Nguyên nhân cố hữu của việc bản ngã không có năng lực xác minh là do dữ liệu của nó bị giới hạn trong hệ thống xử lý ở bên trong. Cơ chế bên trong của bản ngã không có bất kỳ nguồn tham khảo độc lập, nằm ở bên ngoài nào để có thể tiến hành xác minh.

Tâm trí của con người cũng giống như một con tàu trên biển, nó không thể sửa hướng đi nếu không có la bàn hay nguồn tham khảo ở bên ngoài, ví dụ như các ngôi sao. Quan trọng là phải nhận ra rằng hệ thống chỉ có thể trở thành sửa được khi nó có thể truy cập điểm tham chiếu ở bên ngoài (ví dụ, hệ thống định vị toàn cầu), hệ thống này đóng vai trò là giá trị tuyệt đối, phải so sánh tất cả các dữ liệu khác với nó. (Thuyết tuyệt đối có điểm hiệu chỉnh 650, còn chính cái Tuyệt đối có điềm hiệu chỉnh 1.000.)

Như đã trình bày trong tất cả những cuốn sách xuất bản trước đây (Hawkins, 1995-2007), hiện nay đã có thang đo tham chiếu có thể kiểm chứng, theo đó những tầng dưới 200 là giả dối,  những tầng trên 200 là ngày càng tiến dần tới sự thật, còn tầng 1.000 đại diện cho điểm tham chiếu cố định tuyệt đối, so với nó thì tất cả các điểm hiệu chỉnh khác đều có tính tương đối. Lưu ý rằng tương đối luận (thông qua chủ nghĩa hậu hiện đại) phủ nhận thực tại của Tuyệt đối, vì nó tin rằng tất cả sự thật là chỉ được tạo ra về mặt ngôn từ, có tính xã hội (tri giác/định nghĩa), ví dụ, “chỉ là thuật tu từ”. Vì vậy, tương đối luận chỉ nhìn thấy tri giác, và không nhìn thấy bản chất cũng như bối cảnh. Ngược đời là, tương đối luận coi tiền đề của nó là tuyệt đối (cao hơn và ưu tú). Nếu tất cả các tuyên bố chỉ là cấu trúc ngữ nghĩa thì rõ ràng là chính tuyên bố đó không có thực tại cố hữu và cũng chỉ là cấu trúc ngôn ngữ có giá trị mà thôi. Như vậy là, xét theo tiêu chí của chính nó, chủ nghĩa hậu hiện đại là sai lầm (như đã được chứng minh trong quá khứ bằng chiến thắng của Plato trước những luận cứ tự chuốc lấy bại của Protagoras).

Nội dung và bối cảnh

Rõ ràng là tất cả các tuyên bố về sự thật hoặc tuyên bố là thực tại phụ thuộc vào điều kiện giữ thế thượng phong của cả những yếu tố xác định được, cũng như các yếu tố chưa biết. Việc giải thích dữ liệu phụ thuộc vào các yếu tố mang tính tình huống tổng thể, như đã được mô tả trong phân tích trước đây. Đối với người quan sát, một sự kiện có ý nghĩa như thế nào hay “giống”như cái gì phụ thuộc vào điểm quan sát và hoàn cảnh giữ thế thượng phong.

Năng lực quan sát và giải thích chính xác thực ra là hậu quả tất nhiên của tầng ý thức và chức năng của bán cầu não phù hợp. Đến lượt mình, những yếu tố này bị ảnh hưởng bởi ý định và động cơ. Ý định và động cơ có thể là sự minh mẫn được huấn luyện, tinh thế, khách quan và khả năng chuyên môn trong việc phân biệt bản chất với sự thiên vị bị bóp méo và chứa đầy cảm xúc và trá giá có chủ đích, bị chính tri hóa và lời lẽ đao to búa lớn (điểm hiệu chỉnh 180).

Thực tại như là sản phẩm của xã hội

Phân biệt thực tại và sự thật luôn luôn là vấn đề khó khăn đối với tâm trí của con người, dù nó có nhận thức được chuyện này hay không (tức là, chủ đề của nhận thức luận). Hiện nay quá trình này thậm chí còn khó khăn hơn, đấy là do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, nó vừa tinh tế vừa vô thức, vừa nhìn thấy được và rõ ràng. Ảnh hưởng rõ ràng nhất của truyền thông là vì nó có tính chọn lọc, cũng như thời gian dành cho tường thuật, trên tivi, tất cả đều được gia tăng thông qua hình ảnh cũng như âm nhạc. Bóp méo về mặt cảm xúc và chính trị và kịch tính hóa càng làm tăng thêm tác động biên tập, được củng cố bằng trình tự và phong cách trình bày. Nội dung do các phương tiện truyền thông đưa ra có thể có điểm hiệu chỉnh từ thấp nhất là 10 cho đến cao, tới 570, nhưng tâm trí người quan sát lại coi những điều được đưa ra với cùng giả định về thực tại, mặc cho sự khác biệt rất lớn về các tầng sự thật được đưa ra. Tác động tổng thể của các phương tiện truyền thông là họ sản xuất ra “thực tại ảo”, trong đó có các giá trị bị bóp méo.

Trong khi người xem hiện đại, tinh tế là những người có khả năng nhận thức cao, thì những người có tầng ý thức thấp hơn là những người không nhận thức được rõ ràng và, tương tự như trẻ con, họ có xu hướng tin rằng hư cấu là sự thật và sống trong một “thực tế thay thế” (Pitts, 2007; Marzeles, 2007). 50% các blog có điểm hiệu chỉnh dưới tầng 200 (tháng 10 năm 2007). Ở Mỹ, 55% người dân có điểm hiệu chỉnh dưới 200 và do đó, có xu hướng bẩm sinh là bóp méo và giải thích sai. Trên toàn thế giới, 85% dân chúng nằm dưới tầng 200, còn ở một số nền văn hóa và quốc gia, gần như 100%. Như vậy là, giả dối chi phối suy nghĩ và kiểm nghiệm thực tại của đa số người dân trong thế giới ngày nay. Như Bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã, Joseph Goebbels, từng nói, nếu một lời nói dối được nhắc lại liên tục, thì cuối cùng người ta sẽ tin rằng nó là thật (thực tại ảo) vì dân chúng không có năng lực phân biệt thật giả.

Bản chất tiến bộ của sự thật và thực tại

Quá trình xử lý thông tin là quá trình tiến hóa và bộc lộ trong phong cách từng bước một diễn ra theo dòng thời gian. Quá trình xác nhận các sự kiện có thể mất nhiều thập kỷ hoặc thậm chí hàng thế kỷ và đòi hỏi chỉnh sửa mỗi khi nhận được và phân tích được thông tin mới. Có thêm kiến thức, thì ý nghĩa và tầm quan trọng thay đổi, các tiêu chí đánh giá thì cũng thế. Tất cả các lĩnh vực kiến thức của nhân loại đều thay đổi theo thời gian, thậm chí chính những báo cáo lịch sử cũng có thể được sửa đổi do có những khám phá và phương pháp luận mới. Vì vậy, tất cả các niềm tin và thông tin đều không phải là dứt khoát, đều chỉ có tính thăm dò, theo nghĩa là ngay cả khi các sự kiện không thay đổi, thì cùng với thời gian, tầm quan trọng hay ý nghĩa của chúng có thể thay đổi.

Sự hiểu biết về thực tại/sự thật là chủ quan và có thể thay đổi, đấy là do sự khác biệt mang tính cá nhân trong phong cách xử lý thông tin, chẳng hạn như “Tôi biết/suy nghĩ/cảm nhận/cảm giác/tin tưởng/có đức tin vào…,” v.v. Ngoài ra, còn có lòng trung thành không nói ra đối với hệ hình không được xác định về thực tại; do đó, người ta “trực cảm”, “nhận ra”, “nhận thức được”, “hiểu”, v.v. Những điều vừa nói bị ảnh hưởng bởi nhũng yếu tố về học vấn, chuyên môn, tài năng, năng lực bẩm sinh, IQ, giá trị được phóng chiếu ra bên ngoài, ý kiến, cảm xúc, và thành kiến, cũng như địa lý, văn hóa, gia đình, huấn luyện về luân lý và đạo đức.

Có thể nói rằng sự thật và thực tại là tương đương, và hiện nay có thể xác minh giá trị của sự tương đương bằng cách tham chiếu đến thang đo đã được hiệu chỉnh của tầng sự thật, đấy là những tầng khách quan, phi cá nhân và độc lập với quan điểm của người quan sát. Một lần nữa, quan trọng là phải nhận ra rằng, tuyên bố về sự thật đòi hỏi phải xác định bối cảnh. 

Tâm linh là “thật”? 

Cho đến khi cơ học lượng tử ra đời, mọi người đều cho rằng mô tả của Newton về vũ trụ vật chất là trọn vẹn và chung cuộc. Sự xuất hiện của vật lý hạt hạ nguyên tử (subparticle physics) động lực học phi tuyến, lý thuyết lượng tử và những tiến bộ khác của khoa học chỉ ra rằng phải xem xét lại những giả định trước đó. Mặc dù có sự thay đổi trong nhận thức, thực tại cơ bản của dữ liệu khoa học đã bị người ta nghi ngờ. Tuy nhiên, thực tại tâm linh, vốn liên quan đến với các hệ hình phi vật lý, thì không như thế.

Những thực tại tâm linh không cụ thể hay rời rạc, chúng cũng không phải là tuyến tính hoặc có thể mô tả một cách thỏa đáng vì chúng liên quan đến bối cảnh chứ không liên quan tới nội dung. Các cõi tâm linh là trải nghiệm chủ quan, mang tính ngữ cảnh về mặt khái niệm và phi tuyến tính. Vì vậy, chúng được mô tả là không thể diễn tả được, mang tính tôn giáo, ban sơ, thiên đường, vĩnh cửu, phi thời gian, toàn năng, toàn trí, có mặt ở khắp mọi nơi và Thần thánh (được James viết trong The Varieties of Religious Experience).

Đây cũng là lĩnh vực của những khuynh hướng nghiệp lực mà chúng ta chưa biết, cũng như các cõi trời và Thần tính.

Thực tại phi tuyến lớn hơn đã được các thánh thần giáng thế, các vị thánh, đại giác giả và những thiên tài tâm linh mô tả trong suốt hàng ngàn năm qua; các vị này cùng nhau đồng ý rằng có một Thực tại có thể trải nghiệm được, có thể xác nhận được. Những thực tại này bắt đầu xuất hiện ở các tầng ý thức có điểm hiệu chỉnh trên 200 và sau đó tiến lên đến các trạng thái chủ quan mạnh mẽ hơn, có điểm hiệu chỉnh trong những tầng 500 rồi lên tới các tầng 600 rồi tới 1.000 – những tầng Chứng ngộ.

Những vị thầy tâm linh vĩ đại trong suốt các thời đại đã dạy các quá trình có thể dùng để xác nhận theo lối trải nghiệm và chủ quan các thực tại tâm linh. Những thực tại này có thể được xác minh bằng phương pháp luận của nghiên cứu hiệu chỉnh ý thức, nó tạo điều kiện cho sự xuất hiện chiều kích mới của quá trình đánh giá và điều tra.

 Thực tại tâm linh và vọng tưởng tâm linh 

Vì, trong quá khứ, không có phương tiện phân biệt thật giả, lĩnh vực tâm linh bao gồm một rất nhiều thông tin sai cũng như người ta tin vào những hiện tượng chỉ có thể được mô tả là hư cấu và tưởng tượng mang tính tâm linh. Biểu đồ dưới đây minh họa điều đó. Đây là những thứ được hiệu chỉnh là sai và nằm dưới tầng 200.

 

Hư cấu và huyền thoại 

Người ngoài hành tinh bắt cóc Alien abduction

Cuốn sách (phim) A Million Little Pieces

Tiên tri ngày tận thế

Giáo phái Aquarian

Các thuyết âm mưu xung quanh khu vực 51

Tôn giáo chiêm tinh

Babaji (tên một nhà yogi)

Cuốn sách The Bible Code (Mã kinh thánh)

Sách Khải Huyền (Tân ước)

Truyền dẫn tâm linh (Channeling)

Vòng tròn trên đồng ruộng

Crystal Children

Cuốn sách Mật mã Da Vinci

Tiên tri

DNA Code

Tiên tri ngày tận thế

Người ngoài trái đất

Ma

Gene Chúa

Chiều kích thứ năm đang tới

Phúc âm của Judas

Phật Di Lặc

Những lời tiên tri của lịch Maya

Tác phẩm Natural Healing

Neg. Prayer-Healing Study

(Amer. Heart Journal, 4/06)

New Ageism

Opus Dei Code

Protocols of the Learned

Elders of Zion, The

Raelians

Tái sinh thành những loài thấp kém hơn

Đức Phật tái sinh thành Ram Bahadur Banjan

Vải liệm thành Turin

Cuốn sách The Snake Pit

Thánh đường mặt trời, Order of the

Starseed Children

Transmediumship Lên đồng

Đĩa bay của người ngoài hành thinh

Tôn giáo Đĩa bay

Cuốn sách The Urantia Book

 

Phân tích những hiện tượng trong quá khứ 

Người ta sẽ phát hiện được rằng lĩnh vực được gọi là “tâm linh” bao trùm một phạm vị rộng lớn, bao gồm những tầng rất cao của sự thật có thể được xác nhận được trong những khoảng thời gian kéo dài, ngược hẳn với những tưởng tượng, hư cấu, thần thoại tâm linh sai lầm và giải thích sai. Tuy nhiên, huyền thoại, ngụ ngôn, truyện kể, và truyền thuyết có thể là công cụ giảng dạy nhằm minh họa theo lối ngụ ngôn những khái niệm trừu tượng về sự thật theo phong cách đơn giản. Tương tự như hài hước, thơ ca và nghệ thuật sử dụng theo phong cách giao tiếp ẩn dụ tương tự, cùng với nghịch lý, làm nổi bật các nguyên tắc trừu tượng.

Do đó, kinh sách tôn giáo trong quá khứ, chẳng hạn như Cựu Ước, bao gồm những huyền thoại và câu chuyện không phải là sự thật có thể được xác nhận theo nghĩa đen cùa từ này, mà bao gồm cả văn hóa dân gian. Tương tự như biểu tượng ông già Noel, ông không bay lên mái nhà cùng với tuần lộc hoặc đi xuống theo ống khói, theo nghĩa đen, tuy nhiên truyền thuyết thể hiện tinh thần Giáng sinh theo một phong cách cụ thể mà ngay cả tâm trí của một đứa trẻ cũng có thể hiểu được.

Trong phiên tòa Scopes, những câu chuyện ngụ ngôn trong Kinh Thánh là trọng tâm của cuộc tấn công đặc thù của Clarence Darrow, tương tự việc tấn công vào sự khác biệt giữa câu chữ và tinh thần của luật pháp, đặc trưng của những cuộc tranh luận chính trị hiện nay về quyền tự do thể hiện tôn giáo và sự áp đặt của tôn giáo.

Như đã trích dẫn bên trên, Hiến pháp Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền thiết lập quyền tự do khỏi những hành động áp đặt tôn giáo do chính phủ (thần quyền) tiến hành, nhưng đồng thời, lại có quyền tự do thể hiện tôn giáo (ví dụ, cây Giáng sinh, ông già Noel, Nến bảy nhánh) là sự phân biệt tinh thường bị những người theo chủ nghĩa thế tục, trong đó có cả ngành tư pháp, lờ đi. Sự thật mà các quan tào bỏ qua là hiến pháp của tất cả 50 bang đều đề cập tới Chúa như là cội nguồn tối thượng của sự tồn tại của con người (G. Williams, 2007); do đó, trung thành với “pháp quyền tự nhiên”. 

Thực tại và ý nghĩa 

Tầm quan trọng và ý nghĩa được làm rõ là do đã sử dụng những ví dụ cụ thể nhằm minh họa những khái niệm trừu tượng. Sự thật và thực tại tâm linh là kết quả của bối cảnh phi tuyến tính, sau đó bối cảnh tạo ra khó khăn trong việc trình bày bằng ngôn ngữ tuyến tính.

Ý nghĩa không “chứng minh được” vì tác động là chủ quan, khá giống với nghệ thuật, nó là hình thức biểu đạt cao hơn những hạn chế của ngôn từ. Vì vậy, những cái có thể không được chứng minh là “thực” theo lối khách quan lại có thể rất “thực” theo lối chủ quan, mặc cho những khó khăn trong việc thể hiện.

Sự khác biệt giữa sự thật theo nghĩa đen và sự thật trừu tượng là tinh tế và năng lực, đấy là hậu quả của quá trình tiến hóa lên các tầng ý thức cao hơn, thường được gọi là mức độ phức tạp. Biểu tượng được thể hiện qua thơ ca, sử dụng những hình ảnh và khái niệm mang tính biểu tượng để truyền tải sự tô màu của ngữ cảnh, và do đó, truyền tải tầm quan trọng và ý nghĩa. Ví dụ, mặc dù con rồng có thể không có thật theo nghĩa đen, nhưng nó là biểu tượng được mọi người hiểu và công nhận ở tầng nguyên mẫu.

Việc không thể hoặc không có khả năng phân biệt sự khác biệt giữa các biểu tượng và tầm quan trọng hoặc ý nghĩa trừu tượng của chúng được gọi là “hiểu theo nghĩa đen”, hoặc “chán ngắt”, ngụ ý sự hạn chế về khả năng hiểu biết. Bóp méo có mục đích giữa các tầng chân lý theo nghĩa đen và trừu tượng (ví dụ, tinh thần và lời văn của luật pháp) là một cơ chế cơ bản của nhiều tranh luận về chính trị và pháp luật, cũng như tôn giáo. Như vậy là, cơ sở cho tranh luận và xung đột thường là tạo tác vị kỷ (sai) của diễn giải sai được người ta chú ý tới. Nó thường được người ta cố ý dẫn tới sự phóng đại quá mức về tầm quan trọng của những chi tiết thực sự là không liên quan.

Việc nghiên cứu ý nghĩa, được gọi là “thông diễn học”, phản ánh sự tinh tế, quan hệ và sắc thái của quá trình phân loại các tầng tư duy trừu tượng, là kết quả tất yếu của định nghĩa và nhận dạng bối cảnh. Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng bởi vì cội nguồn Thần thánh của họ là sự thật trừu tượng ở trên cao tầng, nhưng không thể chứng minh được theo nghĩa đen hoặc có thể chứng minh được theo lối khoa học. Mọi người đều “bình đẳng” theo nghĩa nào, mặc dù họ khác hẳn nhau về tài năng, sức khỏe và hoàn cảnh ra đời, giàu nghèo khác nhau?

Nếu nhân quyền là hậu quả tất yếu của Thần tính của quá trình tạo ra con người thì nhân quyền là vốn có và do đó, bất khả xâm phạm. Mặt khác, nếu nhân quyền chỉ là hậu quả của tính thất thường của định nghĩa thế tục, thì những quyền này chỉ có tính tạm thời, tùy tiện và do đó phù du, dễ bị tổn thương và chỉ đơn giản là đối tượng của đàm phán về chính trị và pháp lý (ví dụ, “tiền lớn”).

Là “thực” (real) hàm ý rằng lời xác nhân liên quan đến cái có thực, tồn tại, hiển lộ và đo lường được trong không gian/thời gian và được khoa học xác nhận. Vì vậy, nó là kết luận về một trạng thái của hiện hữu và tồn tại như là “thực”. Do đó, “thực tế” là tuyên bố chủ quan được xác nhận bởi thông tin và mô tả xuất phát từ giác quan. Tuyên bố về thực tại có thực ngụ ý khả năng đánh giá và xác nhận của những người khác, không thể thực sự làm được như thế nếu nó chỉ là thực tại hoàn toàn có tính cá nhân. Tuy nhiên, mức độ của thực tại cũng phản ánh niềm tin và tính liên tục, những cái đó lại phụ thuộc vào giải thích, nghi ngờ hay thiên vị.

Một lần nữa, mọi giả định về thực tại ở tầng cao hơn lại phụ thuộc vào giới hạn mang tính cá nhân, như trích dẫn từ Protagoras trong Theaetus (Đối thoại) của Plato: “Mỗi sự kiện có ý nghĩa với tôi vì tôi cảm thấy như thế, và có ý nghĩa với bạn vì bạn cảm thấy như thế”. Như vậy là, những tuyên bố về thực tại là chứng thực. Tuy nhiên, luận cứ bên trên lại bị hạn chế thêm bởi nó nói đến biểu hiện bên ngoài/tri giác chứ không phải bản chất. Vì vậy, mặc dù ý kiến ​​là chủ quan, Bản chất của nó không phụ thuộc vào ý kiến, mặc dù người quan sát có thể không có khả năng phân biệt như thế. Vì vậy, quá trình hiệu chỉnh tầng sự thật của Bản chất là phương pháp duy nhất mà cho đến nay người ta đã phát hiện được để có thể siêu việt sai lầm tiềm tàng của tri giác, quan sát và kết luận. Do đó, thực tại là bản sắc chứ không phải là miêu tả.

Có những thực tại thuần túy chủ quan, người khác không thể xác nhận bằng trải nghiệm, chẳng hạn như giấc mơ, trí tưởng tượng, hình ảnh, ký ức, v.v. Ngay cả khi dữ liệu được xác nhận, thì sau đó ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị của nó lại được xếp chồng lên, như một yếu tố góp phần vào bối cảnh tổng thể. Kết luận rút ta từ nghiên cứu ý thức là, ví dụ, ở Mỹ, khoảng 55% của người dân thực sự không có khả năng nhận thức được cái gì thực sự là “thật”. Bằng chứng là, kinh nghiệm của tòa án cho thấy khoảng 50% những người bị coi là tội phạm được xác định qua ảnh hoặc đứng vào hàng cho người ta nhận diện là sai. Do đó, ngay cả một tuyên bố duy nhất, chẳng hạn như, “Vâng, người mà tôi thực sự nhìn thấy đã phạm tội” là sai tới 50%. (Cũng xin lưu ý rằng khoảng 50% thông tin trên Internet có điểm hiệu chỉnh dưới tầng 200).

Dữ liệu có thể được chính tâm trí con người xử lý với số lượng lớn. Ví dụ, một số người làm “giảm” đi, còn những người khác thì “tăng” lên, do đó thậm chí cường điệu về tầm quan trọng hay bỏ qua ý nghĩa tạo được ảnh hưởng tới năng lực kiểm nghiệm thực tại. Đối với tâm trí đầy ảo tưởng, tất cả các loại niềm tin đều là “thực” trong khi sự kiện có thực lại bị coi là không đúng. Như vậy là, hư cấu trở thành “thực” vì ý định cơ bản của nó là để nó phục vụ ý định ái kỷ (ví dụ, đúng đối đầu với sai).

Do đó, tâm trí trưởng thành nhận thức được khả năng mắc sai lầm, do đó nhìn thấy giá trị của thái độ khiêm tốn. Như với câu châm ngôn “Tôi tư duy cho nên tôi tồn tại”, tất cả những phát biểu khác về thực tại đều là phù du. 

Tổng kết 

Trong phân tích cuối cùng này, những cái được coi là “thực” là kết luận mang tính chủ quan, giả định, là kết quả tất yếu của quá trình xử lý nội dung trên nhiều tầng thứ, trong bối cảnh nhất định, đến lượt mình, bối cảnh lại phụ thuộc vào tầng ý thức. Các tầng ý thức tương quan với năng lực và hoạt động của não và có hay không có năng lượng tâm linh, trong đó ý định có vai trò chủ đạo. Do đó, kiêu hãnh hay vị kỷ hạn chế khả năng công nhận sự thật/thực tại, trong khi thái độ khiêm tốn và tôn trọng sự thật chính trực làm cho người ta ít mắc sai lầm và gia tăng khả năng phân biệt hình thức bên ngoài với bản chất. Quá trình xử lý ý nghĩa, tầm quan trọng, sự thật và thực tại liên quan đến việc nhận ra sự khác biệt của các tầng trừu tượng của sự thật và không trộn lẫn các tầng này, làm thế thường dẫn đến giải thích sai. Vì quá trình vừa nói là rất phức tạp, rất nhiều sách báo đã được chấp bút trong suốt nhiều thế kỷ để nói về triết học, thần học và bản thể luận, cũng như các nhánh của triết học gọi là siêu hình học và nhận thức luận. Ví dụ, làm sao chúng ta biết và làm sao chúng ta biết rằng chúng ta biết?

Trong suốt nhiều thế kỷ, đa phần nhân loại đều dựa vào nhà cầm quyền, chờ đợi họ cung cấp câu trả lời cho những điều dường như là sự phức tạp, đa nghĩa. Câu hỏi của xã hội hiện nay là “Thẩm quyền lực đạo đức thực sự nằm ở đâu?” Thẩm quyền thực sự là hệ quả tất yếu của tầng sự thật mà người ta nhận thức được, nó là hạu quả tất yếu của tầng tiến hóa của ý thức. Nhiều sự mơ hồ đã tồn tại cùng với thời gian giờ đây có thể được giải quyết bằng cách hiệu chỉnh tầng ý thức/sự thật theo một điểm tham chiếu chung, chẳng hạn thang đo có thể hiệu chỉnh phi cá nhân đại diện cho cái Tuyệt đối, hệt như nhiệt kế, phong vũ biểu hoặc máy đo độ cao.

Tầng hiệu chỉnh là hậu quả tất yếu của tầng thực tại của bản chất và do đó, bác bỏ thẳng thừng chủ nghĩa giải cấu trúc và tương đối luận của chủ nghĩa hậu hiện đại, cho rằng tri giác và tên gọi bằng ngôn từ chính là thực tại. Với phỏng đoán khéo léo như thế, hiểu biết về hiện thực nhờ lý trí dần dần bị xóa bỏ và giảm xuống bên dưới tầng 200 (nguyên thủy).

Phải nhấn mạnh một lần nữa rằng sự phân biệt thực tại với bóp méo và ngụy biện triết học không chỉ là một vấn đề trí tuệ đã bị chính trị hóa mà có vai trò quan trọng đối với khả năng sống sót. Trong suốt hàng thế kỷ, hàng triệu người đã chết vì không có khả năng phân biệt sự thật với những điều dối trá được người ta tuyên truyền, và trong thế giới ngày nay họ cũng đang làm như thế mỗi ngày. Trong thời đại nguyên tử, không có khả năng xác định sai lầm về quân sự có thể phải trả giá bằng sinh mạng của hàng chục triệu người.

Ai kỷ theo lối cứu thế ác tính (điểm hiệu chỉnh 30) vẫn là nguồn gốc chính của thảm họa tiềm tàng, đấy là do người ta không nhận ra rối loạn, vì ngụy biện và những lời đao to búa lớn của tương đối luận (ví dụ, Neville Chamberlain trước Thế chiến thứ hai; Chương 15, Truth vs. Falsehood). Mặc dù hiện nay “khoan dung” với dối trá hay những xu hướng thoái trào có tính hủy diệt về mặt xã hội đang được người ta ưa chuộng, giá phải trả là không còn sức mạnh và khả năng nhận biết “con sói đội cừu”. Có thể nói rằng là người có đầu óc thực tế đang sống thì tốt hơn là người theo tương đối luận đã chết.

Mặc dù con người hiện đại có vùng vỏ não trước trán phát triển nhất so với tất cả các loài động vật có vú (điểm hiệu chỉnh 200), nhưng logic, lý trí và duy lý thường xuyên và nhanh chóng bị cảm xúc che lấp. Dưới tầng ý thức 200, cảm xúc dựa trên bản năng động vật (hệ thống đường biên nào có điểm hiệu chỉnh ở tầng 120) và sự tiêu cực của chúng cản trở việc sử dụng một cách hiệu quả lý trí và duy lý. Vì vậy, “cảm xúc” có thể xóa sạch năng lực nhận thức mang tính trí tuệ về thực tại mà khó khăn lắm con người mới có. Đam mê có thể gắn vào bất kỳ hấp dẫn nào, rồi sau đó nó sẽ được đánh giá rất cao. 

Lý trí và sự thật  chệch hướng: Đam mê 

Nếu chính đam mê được đánh giá cao (và thậm chí được thúc đẩy) vì lợi ích của chính nó, thế thì tại sao lại như thế, đặc biệt là nếu xem xét tổng thể những thảm họa của nhân loại là do hậu quả tất yếu của đam mê bị kích động quá mức (ví dụ, Đức Quốc xã, Ku Klux Klan và những kẻ khủng bố)? “Đam mê” được thế giới động vật thể hiện trong cuộc đấu tranh giành sự sống và tồn tại. Như vậy là, đam mê có giá trị thực dụng trong những hoàn cảnh nhất định, nhưng sẽ trở thành tiêu cực nếu không được trí thông minh kiềm chế. “Đam mê” thường chỉ có nghĩa là không kiềm chế được cảm xúc ái kỷ và do đó, là định lượng, chứ không phải chất lượng. “Ngôn luận tự do” có nghĩa là quyền tự do tư tưởng và bày tỏ quan điểm, không quá xúc động và không có những hành động ấu trĩ.

Trong quá trình tìm kiếm Chứng ngộ, thái độ vô tư trở thành nhu cầu thiết yếu, đòi hỏi phải từ bỏ chấp trước và cảm xúc thái quá. Do đó, xuất hiện của câu châm ngôn, “Hãy chỉ đam mê Chúa” (Hawkins, 2006). 

Kiểm nghiệm thực tại và chức năng của não: Rối loạn tâm thần 

Các công trình nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm chuyên môn chỉ ra rằng rối loạn nhân cách và thậm chí cả những bệnh tâm thần nghiêm trọng đang phổ biến trong xã hội đều là do rối loạn sinh hóa mang tính di truyền của chức năng não. Tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh nhất kể từ khi đóng cửa hệ thống bệnh viện tâm thần công lập/nhà nước từng cung cấp những biện pháp bảo vệ cho cả bệnh nhân lẫn xã hội. Đóng cửa là do người ta đã mô tả sai sự thật về hệ thống bệnh viện tâm thần trong những bộ phim như The Snake Pit (Bệnh viện tâm thần và One Flew Over Cuckoo’s Nest (Bay trên tổ chim cúc cu). Những bộ phim này tiếp thêm năng lượng cảm xúc cho việc áp dụng phép biện chứng Marxist (nạn nhân và thủ phạm) vào ý thức hệ chính trị khi bệnh tâm thần thậm chí còn được gọi là “huyền thoại về đặt tên và dán nhãn”. “Sự nghiệp lớn” dẫn đến kết quả là đóng cửa toàn bộ hệ thống bệnh viện tâm thần và được báo trước như là “bước tiến lớn” do các nhà tư tưởng tạo ra.

Trong thực tại, kết quả là thảm họa xã hội lan rộng. Những người bị bệnh tâm thần lang thang trên đường phố và gây thêm tội ác, nghèo đói, tình trạng vô gia cư, mại dâm và những tội ác kỳ quái, trong đó có thường xuyên giết bạn cùng lớp (kẻ giết người như thế có điểm hiệu chỉnh 5), tra tấn và xâm hại tình dục trẻ em, thậm chí chôn sống nạn  nhân.

Hậu quả ít kịch tính hơn nhưng cũng có tính hủy diệt không thể nào mô ta được, là những câu chuyện bị bóp méo nghiêm trọng, những quan điểm và “sự kiện” giả dối lan tràn trên Internet và trên các phương tiện truyền thông nhồi nhét vào đầu công chúng những đòn tấn công bất tận của những điều dối trá và giải thích sai về các sự kiện và tầm quan trọng của chúng. Công chúng bị cuốn vào những “sự nghiệp lớn lao” có điểm được hiệu chỉnh dưới 200. Dưới bộ quần áo cừu “ngôn luận tự do’, thông tin sai lệch ngày càng giữ thế thượng phong, làm cho tầng thức của nhân loại rơi rụng dần, nền văn minh phương Tây và nước Mỹ cũng không tránh được.

Một hậu quả khác là đời sống cá nhân và đời sống xã hội này càng mất an toàn hơn trước và bất kỳ công dân vô tội nào cũng có thể bị người ta tùy tiện biến thành nạn nhân của ác ý có chủ đích và dối trá trắng trợn. Nó càng trở thành trầm trọng hơn, là do chúng ta đã mất quyền riêng tư và những biện pháp bảo vệ về mặt pháp luật, vì vu khống, bôi nhọ và quanh co trắng trợn đều được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng. Mặc dù “cái giá của tự do là cảnh giác”, người công dân ngày nay thực sự không biết phải “cảnh giác” về “cái gì”.

Đạo đức truyền thống, luân lý và thái độ lịch sự mà mọi người cùng chia sẻ đang sụp đổ, xã hội nói chung dường như đang ở trong trạng thái chuyển tiếp “rơi tự do”. Sự biến động như thế tái diễn trong suốt lịch sử nhân loại và phản ánh sự đa dạng của các đường cong học tập tổng thể trong quá trình tiến hóa của loài người. Không có la bàn, xã hội loài người thậm chí không thể phân biệt được tiến bộ chính trị với thảm họa xã hội. 

No comments:

Post a Comment