Pages

May 30, 2024

TẦNG CHỨNG NGỘ CAO NHẤT (11)

                                                               David Hawkins

Phạm Nguyên Trường dịch

CHƯƠNG 11

 

Làm cho nhân loại bớt khổ đau. 

Tâm hồn bạn đang kêu gọi bạn đi đâu? Nếu bạn không chắc chắn, có lẽ bạn muốn suy ngẫm về cuộc đời mình, nhận thấy điều gì làm cho bạn cảm động nhất, điều gì truyền cho bạn nhiều cảm hứng nhất. Quay trở lại thời thơ ấu của bạn và cho tới ngày hôm nay và đánh dấu bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc đời mà bạn cảm thấy hứng thú nhất đều có thể hữu ích. Một phần của lòng can đảm để bước đi một cách mạnh bạo nằm ở việc thực hiện những ý định tâm linh của chúng ta, rồi phó thác chúng cho thần thánh, với niềm tin rằng tất cả sẽ xảy ra đúng như nó phải xảy ra. 

Trong chương này, Tiến sĩ Hawkins mở rộng sức mạnh bên trong của buông bỏ, cả tĩnh lặng và những mong muốn của chúng ta. Ông kết thúc buổi hướng dẫn này bằng cách trao tặng cho bạn một viên ngọc quý, công cụ mạnh mẽ và dễ dàng tiếp cận nhất để bạn sử dụng trên hành trình tiến tới chứng ngộ. 

Bạn không thể nhìn thấy ở “ngoài kia” trước khi nhìn thấy nó bên trong chính mình. Sẵn sàng buông bỏ định vị là kết quả của thái độ khiêm nhường trước Thiên Chúa, có nghĩa là người đó sẵn sàng chấp nhận khả năng là, về bản chất, con người là ngây thơ và rằng họ đang khồ sở là do vô minh và lối thoát duy nhất để thoát khỏi đau khổ là siêu việt vô minh để tìm cho ra sự thật tâm linh. Lúc đó, người đó sẽ trở thành người tìm kiếm sự thật tâm linh trong đời sống cá nhân hay thậm chí là cả trong lúc hành nghề chuyên môn của mình. Làm cho nhân loại bớt đau khổ, đấy chính là y học, tâm thần học. Đó là lý do vì sao tôi nghiên cứu phân tâm học. Mỗi ngành đều là để nâng cao năng lực hỗ trợ quá trình làm cho nhân loại bớt đau khổ - bằng dược lý học thần kinh hay hiểu được những xung đột vô thức của con người - dù những đau khổ này có diễn ra dưới bất cứ hình thức nào. Nếu tận tụy với nỗ lực đó, cuối cùng người ta sẽ vươn tới sự thật tâm linh và các chương trình đào tạo tâm linh, vì đối với nhiều tình thế tiến thoái lưỡng nan thì không có câu trả lời nào khác, tương tự như không có câu trả lời nào khác về cái chết của người thân, trừ phó thác cho Thiên Chúa và ý chí của Thiên Chúa và hiểu rằng cuối cùng sự thật tâm linh sẽ chữa lành mọi đau đớn. 

Con đường đưa chúng ta siêu việt tất cả những đau đớn một lần nữa đưa chúng ta quay lại với thái độ khiêm nhường và sẵn sàng buông bỏ cách chúng ta nhìn nhận vạn sự vạn vật và chấp nhận sự thật tâm linh - nó sẽ tự đến. Người ta không nhận ra rằng khi một người trở thành tĩnh lặng, thì từ tĩnh lặng đột nhiên nảy sinh nhận thức. Chúng ta, bằng lời yêu cầu, buộc người nào đó trả lời hoặc buộc Thiên Chúa phải trả lời. Thực chất, nhiều lời cầu nguyện chỉ là những yêu cầu mà thôi. Chúng ta cố gắng buộc Thiên Chúa phải đáp ứng yêu cầu - được ngụy trang như một lời cầu nguyện - của chúng ta. Bạn đang tìm cách ép Thiên Chúa ban cho bạn một chiếc xe Ford đời mới. Khi chúng ta thực sự phó thác cho ý chí của Thiên Chúa, đột nhiên chúng ta nhìn nó khác đi, và khi nhìn nó khác đi, chúng ta mới nhận ra rằng không có gì là mất mát hết. Nguồn gốc của đau đớn - xuất phát từ vô minh và từ cách chúng ta đang nhìn nhận nó - biến mất. Bằng cách liên tục phó thác cho Thiên Chúa, mọi việc sẽ tự động giải quyết, thậm chí cả những vấn đề tâm linh rất khó khăn và phức tạp cũng được giải quyết. 

Cách tốt nhất để lời cầu nguyện có một chiếc xe Ford được thực hiện là buông bỏ ước muốn của bạn về việc có một chiếc Ford. Tại sao bạn lại muốn có một chiếc xe Ford? Vì bạn nghĩ rằng hạnh phúc là cái gì đó bên ngoài bạn. Nếu tôi có chiếc xe Ford mới thì tôi sẽ cảm thấy thành công, rồi tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc. Vậy thì tất cả ham muốn đều liên quan với hệ thống niềm tin vô thức rằng đồ vật sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta, nhưng nó lại làm cho chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào thế giới bên ngoài. Và vì thế mà hạnh phúc của chúng ta luôn luôn dễ bị tổn thương, và do đó, chúng ta luôn luôn sống trong sợ hãi, bởi vì nếu cội nguồn của hạnh phúc nằm ở bên ngoài bạn thì bạn luôn luôn ở trong tình trạng yếu thế và có thể là nạn nhân. Nếu cội nguồn của hạnh phúc là tự viên mãn trong chính con người mình thì không ai có thể tước đoạt, và thậm chí có thể vươn tới thời điểm mà thể xác sống hay chết cũng thực sự không liên quan. Bạn đang nhìn thẳng vào cái chết nhiều lần, và nếu bạn từ bỏ thế gian, thì bạn từ bỏ, còn nếu không, thì không. Và nói thật ra, đó không phải là vấn đề lớn. 

Khi chúng ta bị dục vọng bao vây, chúng ta tự chuốc lấy đau khổ, và do đó, nếu chúng ta sẵn sàng phó thác mọi thứ cho Thiên Chúa, bất nhị sùng kính có nghĩa là chúng ta tận tụy với sự thật và với Thiên Chúa, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi thứ và bất cứ thứ gì, kể cả chính đời sống. Rồi nó sẽ được giải quyết và có thứ gì đó thay thế cho nó, còn tốt hơn cả chiếc Ford mới. 

Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng phương pháp thực tế nhất trong tất cả các kỹ thuật tâm linh là Chiêm nghiệm. Vì sao? Vì có hai phong cách chiêm nghiệm khác nhau, và có hai phong cách thiền so sánh. Một cái, tôi gọi là tiêu điểm trung tâm và cái kia tôi gọi là tiêu điểm ngoại vi. Trong thiền định, người ta có thể tập trung cao độ vào cái người ta tưởng tượng là khoảnh khắc đó và liên tục buông bỏ mong muốn thay đổi nó và phó thác cho Thiên Chúa khi nó sinh khởi, và đấy là tập trung vào tiêu điểm của trường. Trong chiêm nghiệm, người ta cũng làm như thế. Người ta tập trung chăm chú vào nhiệm vụ trước mắt, ví dụ gọt vỏ khoai tây, đang làm gì thì cũng thế. Người ta tập trung cố định vào tiêu trong lúc này và buông bỏ ước muốn thay đổi nó. Nói cách khác, đó là liên tục phó thác cho khoảnh khắc khi khoảnh khắc đó sinh khởi. 

Theo phong cách thiền định và chiêm nghiệm ngoại vi, thì thay vì tập trung vào trọng tâm, người ta tập trung vào trường. Tôi nghĩ kỹ thuật này nhanh hơn, người ta luôn nhận thức được trường thay vì trọng tâm. Vì thế những người tập trung vào trường, khi bước vào một căn phòng, họ cảm nhận được ngay lập tức năng lượng của căn phòng, nắm bắt được không khí chung của những sự kiện đang diễn ra. Và nếu bạn hỏi một người nào đó trong phòng trông như thế nào, họ không thể nói cho bạn biết vì họ không tập trung vào cái cụ thể. Họ đang cảm nhận bầu không khí, năng lượng tổng thể, tình trạng giữ thế thượng phong lúc này là gì? Ví dụ, người ta có thể nhanh chóng nắm bắt được điều đó và sau đó mới tìm cách xác định nó. Nhưng nếu bạn chiêm nghiệm hay thiền về chính trường này, vì trường gần với thực tại tối thượng, tôi nghĩ cách đó nhanh hơn và hiệu quả hơn. Vì lý do bạn đang tập trung vào một cái cụ thể là do ý định. Khi bạn chuyển trọng tâm vào trường, là bạn siêu việt ý định và nó giống như phó thác trước những điều kiện giữ thế thượng phong chứ không tìm cách thay đổi chúng. Điều tương tự cũng xảy ra trong thiền nhắm mắt, khi bạn ngồi yên lặng và quan sát nội dung của tâm trí mà không có ý định thay đổi nó. Bạn quan sát những ý nghĩ trôi qua - những hình ảnh, những kỷ niệm, những tưởng tượng - và thay vì tập trung vào nội dung của ý nghĩ, người ta bắt đầu tập trung vào câu hỏi trường mà suy nghĩ này đang diễn ra là gì. Nếu chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ nhận thấy, như tôi nói trước đây, rằng 99% tâm trí thực sự là im lặng, chỉ đang quan sát và chứng kiến, và vì vậy bạn bắt đầu siêu việt sự đồng nhất với nội dung của ý nghĩ và bắt đầu trở thành người quan sát, nhân chứng của quá trình nghĩ. 

Vì vậy, thay vì nghĩ, “Tôi là tâm trí”, người ta lại tiến vào và trở thành nhân chứng của tâm trí, thành người quan sát tâm trí, và cuối cùng, bạn hiểu rằng bạn là trường, trong đó nhân chứng và người quan sát nhận thức được nội dung của ý thức. Và rồi đột nhiên tự  ngã của người đó nhận ra rằng mình là trường vô biên vô tế, từ đó ý thức tự phát sinh, trước khi có thời gian và mọi khái niệm về thời gian, trước khi có tri giác, trước khi có niềm tin vào một cái gì đó, ví dụ quan hệ nhân quả. Vì thế tâm trí ngừng suy nghĩ. Ngừng ghi nhớ. Ngừng chỉnh sửa. Ngừng tự biện minh. Và bạn sẽ nhận thấy rằng tâm trí, trong trạng thái bình thường, dành rất nhiều thời gian để suy đoán, xào xáo lại, tìm cách diễn giải lại quá khứ, cố gắng tìm biện pháp tốt hơn để nhìn vào chính mình và các sự kiện trong quá khứ, những lời bào chữa cho mình, đổ lỗi cho người khác. Và tâm trí này gần như một ảo ảnh bất tận. 

Và thay vì trở thành nạn nhân của tâm trí và nói: “Làm sao tôi có thể làm cho tâm trí ngừng suy nghĩ?” Hay “Ban đêm tôi đi ngủ, còn tâm trí tôi cứ tiếp tục suy nghĩ”. Người ta có thể siêu việt sự đồng nhất với nội dung của tâm trí, và không tốn nhiều công sức. Trên thực tế, cho phép chính mình buông bỏ và nhận ra rằng mình là nhân chứng của suy nghĩ, trường nhận thức của suy nghĩ và đồng nhất với chính ý thức, với việc nhận ra rằng sự thật cao hơn là người ta chính là ý thức chứ không phải nội dung của ý thức là công việc khá dễ dàng. Tiếp theo là nhận thức về nguồn gốc của ý thức, và với nhận thức về nguồn gốc, người ta bước vào trường nhận thức, trong đó người biết và cái được biết là một. Tại thời điểm đó, người ta đã siêu việt nhị nguyên, và nhận ra rằng không có sự khác biệt giữa người biết và cái được biết, chúng là một và như nhau. Người ta nhận ra và đồng nhất mình với chính cội nguồn của sự tồn tại, cội nguồn của ý thức, và cùng với nó, nảy sinh cảm giác như đang ở nhà. 

Lúc đó, cảm giác khi bước vào trường của nhận thức giống như một người nhớ nhà suốt cuộc đời và cuối cùng được trở về nhà. Ý thức về Đại ngã quan trọng hơn ý thức về tự ngã. Người ta nghĩ rằng tự ngã của mình thực sự là khá ngoại vi so với thực tại của cái là Đại ngã chân thực. Và thế là bạn chuyển từ tự ngã (self) với chữ s nhỏ sang Đại ngã (Self) với chữ s lớn, và sau đó, cuối cùng đã về nhà. Di chuyển dễ dàng nhất là từ nội dung của tư duy sang nhân chứng của tư duy. Không đòi hỏi phải là thiên tài vĩ đại. Có người phàn nàn rằng suy nghĩ của họ làm cho họ hóa điên, còn tôi thì nói, “Sao bạn biết điều đó?” Vâng, bởi vì tôi trải nghiệm nó. Vâng, vậy thì bạn không phải là những suy nghĩ. Bạn là người trải nghiệm những ý nghĩ, nếu không bạn sẽ không phàn nàn rồi. Ý nghĩ không phàn nàn. Ý nghĩ không nói rằng: “Cứu với, cứu với, cứu với”. Không, đó là người trải nghiệm những ý nghĩ. Vì vậy bạn thấy đấy, tôi là người trải nghiệm những ý nghĩ. 

Bây giờ, làm sao bạn biết bạn đang trải nghiệm những ý nghĩ nào? Vì bạn đang chứng kiến những ý nghĩ. Bạn ghi những ý nghĩ lại. Vì vậy, bạn có thể không đồng hóa với nội dung của ý thức, không đồng hóa với nội dung của nghĩ, hãy là người quan sát, là nhân chứng, là người trải nghiệm, và thế là nó đã đưa bạn bước được một bước ra khỏi nó. Vì vậy, bạn không còn là nạn nhân của nó nữa. Bạn là nhân chứng. Bạn không gặp tai nạn. Bạn là một người ngoài cuộc. Vì vậy, bạn chuyển từ việc bị tai nạn trở thành người chứng kiến vụ tai nạn. Bạn là nhân chứng của bi kịch. Bạn là nhân chứng của sự nghĩ. Bạn là nhân chứng của những lới tự oán trách mình. Vì vậy, chỉ cần một chút thiền định và một chút chiêm nghiệm, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng con người mà bạn thực sự đang là là người trải nghiệm cái được chứng kiến. Bạn là người trải nghiệm cái được chứng kiến. Bạn không phải là cái đang được chứng kiến. Bạn không phải là bức tranh trên tường, rõ ràng là như thế. Và bạn không thể là ký ức, vì cái bạn đang nghĩ đến là ngày hôm qua, còn hôm nay là hôm nay, trừ khi trong cùng một lúc bạn cũng có thể ở cả trong hôm qua và hôm nay. Rõ ràng là con người mà bạn đang là là người chứng kiến các ý nghĩ. Cái chúng ta phàn nàn là trải nghiệm. 

Rồi chúng ta chuyển sang cảm xúc. Chúng ta không phải là suy nghĩ của mình. Chúng ta không phải là tâm trí. Bước tiếp theo là thoát ra khỏi cảm xúc. Trước đây chúng ta đã nói về cảm xúc, cách tự ngã được nuôi dưỡng bằng cảm xúc. Bản ngã được nuôi dưỡng bằng phẫn nộ. Nó được nuôi dưỡng bằng thái độ than thân trách phận. Vì vậy, bạn quan sát tâm trí, và bạn thấy rằng tôi không phải là nội dung của những ý nghĩ. Vâng, còn những cảm xúc đi cùng với ý nghĩ này thì sao? Bạn nhìn vào những cảm xúc và bạn sẽ thấy rằng những cảm xúc này tự nuôi mình. Nếu thật sự thành thật với chính mình, bạn sẽ nhận ra rằng bạn nhận được rất nhiều phần thưởng khi trở thành nạn nhân. Bạn đang nhận được rất nhiều phần thưởng từ việc là người bị đối xử bất công. Bạn nhận được rất phần thưởng từ việc bị người khác hiểu lầm. Bây giờ bạn phải sẵn sàng buông bỏ những phần thưởng này. Bạn phải sẵn sàng từ bỏ năng lượng mà bạn nhận được từ việc bạn trở thành nạn nhân, bị người ta đối xử bất công, bị hiểu lầm, bị bỏ mặc, bị lạm dụng, và khi bạn buông bỏ tất cả những phần thưởng mà bạn nhận được do mình là nạn nhân và bị đau đớn và đau khổ và là người công chính và tất cả những phần thưởng này. 

Cho nên muốn thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực thì phải đánh giá lại những phần thưởng mà bạn nhận được từ những cảm xúc này. Bạn có sẵn sàng từ bỏ những phần thưởng này, và liệu tình yêu và lòng sùng kính của bạn đối với Thiên Chúa có lớn hơn việc tự biến mình thành nạn nhân hay không? Bạn bắt đầu thấy rằng mình không phải là nạn nhân của bất cứ cái gì ở ngoài kia, trở thành nạn nhân là tự biến mình thành nạn nhân. Giả sử, theo quan điểm của thế gian, ngay cả khi bạn là nạn nhân của một vụ tai nạn. Vâng, đau và đau khổ do vụ tai nạn gây ra là sản phẩm phụ của bản ngã. Giả sử tai nạn làm bạn mất một ngón tay. Vâng, người ta có thể nổi cơn thịnh nộ, giận dữ, phẫn nộ, than thân trách phận, hoặc có thể hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa và nói: “Tôi không biết nó có ý nghĩa gì và tại sao nó lại xảy ra”. Và có thể một thời gian sau bạn mới nhận ra bản chất nghiệp lực của tình huống này.Nhưng, như bạn thấy, một khi bạn hiểu được nó là gì thì mọi chuyện sẽ ổn. Nó sẽ ổn. Vì vậy, đau khổ, rất nhiều đau khổ, là do, thực sự là hậu quả của vô minh về mặt tâm linh. Như chúng tôi đã nói, tất cả các thánh thần giáng thế vĩ đại đều nói rằng vấn đề cơ bản của con người là vô minh. Vì vậy, nghiên cứu tâm linh và nghiên cứu ý thức được thiết kế để vượt qua sự vô minh về chính chúng ta, về thân phận của con người, về bản chất của chính ý thức, về thực tại tâm linh, và sau đó, sử dụng kiến thức này để tự giải phóng mình khỏi những xiềng xích đã trói buộc chúng ta trong tất cả những kiếp sống này, nếu không bị trói buộc như thế, tất cả chúng ta đều đã là Phật rồi.

 **** 

Vì vậy, nhiều người nói, “Tôi không có thời gian ngồi thiền.” Và đó là lý do vì sao tôi thích chiêm nghiệm hơn, bởi vì chiêm nghiệm diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Cuối cùng nó trở thành một thói quen, một cách sống trong thế gian, bạn thực sự không dính chấp vào bất cứ thứ gì. Nếu bộ phim bắt đầu, nó bắt đầu, còn nếu không, bạn sẽ làm việc khác. Vì vậy, thế giới không ảnh hưởng tới nó, tâm trí không ảnh hưởng tới nó, nếu bạn hòa nhập nhiều hơn và đồng nhất hơn với trường mà trong đó mọi hiện tượng đang diễn ra thì bạn ngày càng trở nên không phụ thuộc vào nội dung của cuộc đời. Bạn có thể ngồi trên cánh đồng và thiền định hoặc bạn có thể ngồi trong rạp chiếu phim và bỏ qua bộ phim và thiền định. Vì vậy, bạn có thể bật TV và hoàn toàn phớt lờ nó. Vì vậy, trạng thái bên trong của người đó là không phụ thuộc và đó là vấn đề lựa chọn. Bạn có thể xem phim hoặc không xem phim. Người ta có thể hoặc tham gia vào nó hoặc đứng tách ra. Nhưng đó là ý chí, và vì người bình thường không có ý chí. Họ phải chuyển kênh, vì họ bị kênh tác động.  

Vì vậy, siêu việt sự đồng nhất với nội dung của ý thức là con đường ngắn nhất để đạt đến trạng thái để bạn buông mỏ mọi thứ khi nó vừa sinh khởi. Nó đưa chúng ta trở lại với việc làm có chủ ý. Vậy thì sùng kính Thiên Chúa có nghĩa là sẵn sàng phó thác ý chí cho Thiên Chúa. Lúc nào chúng ta cũng luôn luôn buôn buông bỏ ý chí. Như chúng ta đã nói, năng lượng mà chúng ta thu được từ bản ngã là do ý chí làm cho bản ngã hoạt động. Khi buông bỏ ý chí đang ép cho bằng được những năng lượng đó là bạn có thể thoát ra khỏi nó, rồi nó dừng lại khi bạn không nhận được bất kì sự thoả mãn nào mà nó cung cấp. Chúng ta buông bỏ ý chí. Như vậy, con đường nhanh nhất dẫn tới Thiên Chúa, có thể nói như Ramana Maharshi và những bậc thầy tâm linh khác, là bạn có thể theo đuổi những kỹ thuật tâm linh và thiền tập và những thứ tương tự khác trong suốt cuộc đời, hoặc bạn có thể phó thác cho Thiên Chúa ở những tầng sâu nhất. Vì vậy, muốn phó thác cho Thiên Chúa ở những tầng sâu nhất có thể chỉ mất một phần giây, nhưng có thể phải mất nhiều kiếp sống khổ đau thì mới đến được giây phút đó. Tuy nhiên, khi đó thông tin tâm linh sẽ làm cho thời gian mà người ta cần để đi đến đó ngắn lại. Chờ đợi khoảnh khắc đó để nó đến một cách tự nhiên có thể phải mất, như Đức Phật đã nói, vô lượng kiếp. Vậy thì, chuẩn bị về mặt tâm linh, để có nghe được sự thật tâm linh sẽ làm cho thời gian giảm đi đáng kể. Lúc này, ít nhất người ta nhận thức được đâu là vấn đề. 

Khăng khăng bám vào ý chí là chướng ngại trên con đường dẫn tới chứng ngộ, nó và chỉ có nó, nó là cái duy nhất ngăn cản chứng ngộ, khăng khăng bám vào cái tôi muốn, cái tôi mong muốn, cách tôi nhìn sự vật - vì vậy cái tôi cá nhân và nhu cầu của nó luôn luôn ngăn cản người ta. Sẵn sàng phó thác ý chí của mình cho Thiên Chúa, sùng kính bất nhị, có nghĩa là tình yêu Thiên Chúa mãnh liệt đến mức người ta sẵn sàng buông bỏ ý chí cá nhân của mình. Người ta đối mặt với nó trong giây phút cuối cùng, qua tất cả những kiếp sống này và thông qua kỹ thuật và quá trình tiến hóa tâm linh. Người ta bắt đầu siêu việt và bắt đầu nới lỏng sự kìm kẹp của nó. Cố gắng dùng ý chí chi phối và thay đổi mọi thứ giảm dần, và lúc này, phó thác trở thành một phong cách và một cách sống. 

Vì thế, khi một thứ gì đó sinh khởi, nó được phó thác cho Thiên Chúa như nó đang là trong khoảnh khắc đó mà không hề có bất kỳ ý muốn nào trong việc thay đổi nó. Buông bỏ thái độ cố chấp sẽ làm cho bản ngã không còn được chống đỡ nữa, nó suy yếu và sụp đổ, và sẽ đưa bạn tới trạng thái không thể nào tin được. Trong trạng thái không thể tin được của cái biết vô biên vô tế, không có người nào có mặt để biết. Nó là cái biết biết chính nó, và rồi thời điểm duy nhất của cái chết thực sự. Tất cả những lần trước, người ta đều rời khỏi cơ thể - thường thì đó chỉ là một trò đùa. Rất thường xảy ra là người ta cảm thấy cực kỳ nhẹ nhõm. Nhiều khi nó thực sự là rất hài hước, nếu không kể tới tất cả những vở kịch mà mọi người dựng lên xung quanh nó. Nói thẳng ra, trải nghiệm thực tế là nhiều lần cảm thấy là khá nhẹ nhõm, và người đó vui mừng vì thoát khỏi nó và ra khỏi đó. 

Vì thế người ta không bao giờ trải nghiệm cái chết, và tất cả những kiếp sống khi người ta sợ chết cuối cùng chỉ là trò đùa. Chỉ có một cái chết và một cái chết duy nhất mà người ta có thể trải nghiệm, và bây giờ cái chết đó bắt đầu xuất hiện như một thực tại dường như sâu sắc, bởi vì cái mà người ta cảm nhận, biết, cảm thấy, luôn luôn đã là cốt lõi của ý thức của người đó về tự ngã, cốt lõi của sự tồn tại của chính mình, lúc này nó xuất hiện và đứng giữa người đó và thực tại tối thượng. Và giờ đây, người đó được yêu cầu phó thác chính đời sống của mình, phó thác cái mà bạn tin là đời sống của bạn, cái mà bạn luôn trải nghiệm như là cốt lõi và bản chất, là trung tâm, là cội nguồn của chính sự sống, cho Thiên Chúa. Người ta đứng trước sự phó thác cuộc đời này cho Thiên Chúa. Ngay lúc đó, sẽ xuất hiện cái biết từ một thực tại tâm linh cao hơn nào đó, nó không nói bằng lời, nhưng cái biết đến với bạn, vì bạn đã nghe từ những người đã chứng ngộ. Phó thác tất cả cho Thiên Chúa, dù xảy ra bất cứ chuyện gì - dù xảy ra bất cứ chuyện gì, kể cả sợ mất đời sống, trong đó có cả những điều mà bạn tin là cuộc sống của bạn. Nếu bạn có thể quyết định về cái mà bạn cho là cội nguồn của sự sống, thì điều đó có nghĩa là bạn không thực sự nắm bắt được cội nguồn của sự sống, vì cái là cội nguồn của sự sống thì không thể là cái mà bạn có thể buông bỏ. 

Vì vậy, bạn đang đứng trước việc buông bỏ cái mà bạn nghĩ là cốt lõi và bản chất của sự tồn tại của riêng bạn. Việc bạn nghĩ như thế đã chứng tỏ nó là sai lầm rồi. Một số hiểu biết trực quan hơn đến từ những giác giả vĩ đại, những người đã đi qua con đường đó, sẽ đến với bạn, và lúc đó đức tin quá to lớn - đó là lý do vì sao nó được gọi là sùng kính - xuất hiện, và bạn thấy rằng ở bên trong, bạn thực sự có khả năng phó thác cuộc sống của mình cho người mà bạn không biết. Tất cả những điều bạn đã tin tưởng trong suốt những kiếp sống này chính là cốt lõi và cội nguồn của đời sống của chính bạn, và bây giờ bạn phải phó thác nó cho Thiên Chúa. Và trong khoảnh khắc cuối cùng đó, người đó chết, và khi người đó cảm nhận được tự ngã của mình thì sẽ có thống khổ cực độ trong một phần giây, ít nhất là trong trường hợp của tôi. Thống khổ cực độ của quá trình hấp hối, đó lần đầu tiên và duy nhất mà bạn trải nghiệm được. Sau khi cảm giác đau đớn không thể chịu đựng nổi diễn trong trong một phần giây, người đó cảm nhận được rằng tự ngã của mình đang chết và đột nhiên người đó nhận ra rằng không có chết, mà bạn chính là cội nguồn của tất cả những thứ đã từng tồn tại, qua tất cả mọi thời đại, có trước tất cả các vũ trụ, có sau tất cả các vũ trụ, nó là thứ mà bạn là không thể nào chạm tới được. Và cội nguồn của tồn tại không khác sự thật và thực tại của con người mà bạn đang là. Và kể từ thời điểm đó, cái chết là không thể, vì có không có người nào phải chết. Không còn ai để chết, vì bây giờ không còn ai. Sau khi từ bỏ người mà bạn nghĩ là tự ngã, là chính bạn, từ bỏ nhất thể của chính bạn, vì nó đã đi rồi nên không còn gì để chết. Và thế là sợ chết vĩnh viễn không còn. 

Và tại thời điểm đó, mọi thứ diễn ra một cách tự phát, và người đó là nhân chứng, và phải mất thời gian đáng kể, ít nhất là trong trường hợp của tôi, ví dụ, để học cách điều hướng trong thế giới này, vì cơ thể tự đi lại, mọi việc diễn ra một cách tự phát. Điều tốt nhất có thể làm là cố gắng phục hồi năng lượng cho tâm trí để ít nhất có thể phê phán nó, cư xử cho giống “bình thường” theo cách hiểu của thế gian, để có thể tiếp tục sống trên thế gian. Trong trường hợp của tôi, tôi không thể làm thế, và cần phải rời bỏ thế giới trong một vài năm, và thậm chí cho đến tận lúc đó, cách cơ thể hoạt động đôi khi vẫn là một điều hoàn toàn bí ẩn. Vũ trụ làm theo cách nào đó. Bạn nhìn thấy cơ thể tự nó di chuyển một cách tự phát, cho nên rõ ràng là một cái gì đó đang di chuyển nó, nhưng không có cội nguồn hay vị trí trung tâm nào của ý chí, thông qua ý định để quy định nó sẽ di chuyển như thế nào hoặc nó sẽ làm gì. Nó chỉ tự diễn ra một cách tự động. 

Và đó chính là cái được gọi, theo Jung, là tính cách, nó tương tác với thế giới và phản chiếu lại thế giới đó. Vì vậy, cái mà thế giới nhìn thấy là cái mà thế giới đang phản chiếu lại chính nó, nhưng nó không có thực tại trung tâm, bởi vì nó là trường, không phải nội dung của trường đó. Còn cái mà người ta chứng kiến là nội dung của trường. Nó không còn là cái mà người đó làm nữa. Nó là cái mà người đó đang là đối với thế giới và cách người đó duy trì ý thức của nhân loại. Lúc này phụng sự chuyển từ phụng sự cá nhân sang phụng sự trường, vì sự đồng nhất với trường đó không còn tiếp tục nữa. Lúc đó, sự đồng nhất với trường sẽ tiếp thêm năng lượng cho trường đó. Vì vậy, người ta cố gắng phụng sự cho sự tiến hóa của ý thức nhân loại ngay trong lúc này và phụng sự Thiên Chúa dù năng lực của người đó là gì thì cũng thế. Tuy nhiên, nó diễn ra theo cách riêng của nó, vì vậy người ta không nhận công lao cũng không bị chê trách

 

****

 Người đó thường được phép rời khỏi cơ thể. Trên thực tế, cho phép là thường trực, bất cứ lúc nào. Cho phép có lúc trở nên rõ ràng hơn. Có những lúc đang giảng bài, nó trở nên quá mạnh, khó giải thích bằng thuật ngữ thông thường. Nó biết rằng người đó được mời rời đi vào lúc này, không chỉ được phép, mà hầu như được mời, được lôi cuốn đi. Không thể biết phải quyết định như thế nào vì không có người quyết định, vì vậy người đó quan sát. Nếu cơ thể ngã xuống và ngừng thở, thì mọi chuyện sẽ đi theo cách đó. Còn nếu nó tiếp tục đi giữa các dãy ghế, thì nó sẽ đi theo con đường đó. Nhưng người đó không biết cho đến khi người đó nhìn thấy cái gì đang xảy ra. 

Lần gần nhất xuất hiện khi tôi đang bài giảng, khi tôi đi dọc các hàng ghế - hay cơ thể tôi đang đi, cái mà thế giới gọi là tôi - và có một lực mạnh mẽ muốn lôi tôi đi, như thể đang bị kéo lên trời, tương tự như có thanh nam châm hay thứ gì đó. Và thế là không biết liệu thân thể sẽ tiếp tục bước đi hay không tiếp tục bước đi. Và nó, do một số phương tiện huyền bí, nó tiếp tục bước đi và nó vẫn như thế. Có nhiều thứ thực sự không thể giải thích được bằng những thuật ngữ mà suy nghĩ bình thường có thể hiểu được. Mọi người có thể hiểu nó, có thể nói rằng họ hiểu một cách vô thức, hoặc thông qua trường thực tại tâm linh của chính họ, vì vậy thực tại tâm linh có thể hiểu được những gì vừa được nói, nhưng tâm trí và bản ngã thực sự không thể hiểu được vì không có thuật ngữ nào trong thế giới diễn đạt bằng lời nói có thể thực sự mô tả một cách thỏa đáng. 

Nhưng tôi nghĩ mọi người đều ở trong trạng thái mơ mơ màng màng, và những người đã trải nghiệm cận tử biết rất rõ cái đó. Bạn có thể rời đi hoặc không rời khỏi. Khi tôi còn là một thiếu niên và có trải nghiệm như thế trong đống tuyết, nó hoàn toàn giống như thế, vì không còn thở nữa; mọi thứ tiến đến sự hoàn hảo trong tĩnh lặng tuyệt đối. Hoàn toàn không cần phải tiếp tục thở hay tiếp tục ở trong cơ thể vật lý nữa, nhưng ngay lúc đó, tôi nhìn thấy nó ở bố tôi. Nếu cơ thể không thở, bố tôi sẽ tưởng là tôi đã chết, bởi vì ông tin mọi người đều sẽ chết. Tôi muốn nói là, mọi người đều tin rằng mình sẽ chết. Vâng, ở một trạng thái nhất định, bạn nhận ra là không thể chết, nhưng tôi đã thấy rằng bố tôi không biết điều đó, nên ông sẽ buồn vì cái mà ông nghĩ là chết, cho nên tôi lại thở. Chết là không thể xảy ra. Năng lượng của cuộc sống có thể chuyển từ hình tướng này sang hình tướng khác nhưng không thể dập tắt được, tương tự như định luật bảo toàn năng lượng hay định luật bảo toàn vật chất. Định luật bảo toàn sự sống là sự sống không thể dập tắt được. 

Tiến sĩ Hawkins kết thúc chương này bằng cách nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là cơ thể vật lý và linh hồn của chúng ta, bản chất thực sự của chúng ta, không chết. Khi biết sự thật này, bạn áp sẽ dụng nó như thế nào đối với nỗi sợ về cái chết của bạn và của những người thân yêu của bạn? Bạn có thể thử một bài tập hình ảnh trong đó bạn tưởng tượng về cái chết của mình nhưng vẫn cảm nhận được sự tồn tại của bản chất bên trong bạn sau đó.



3 comments:

  1. Cháu muốn gửi lời cảm ơn đến bác Trường đã dịch nguyên cả bộ sách của tiến sĩ Hawkins. Cuốn này là sự tổng kết của nhiều bộ sách nên rất hay và sâu sắc vô cùng. Cháu đọc chậm từng chương và mỗi chương rất xứng đáng để đọc đi đọc lại. Vậy là mình còn 1 chapter cuối, chapter 12- Removing the obstacle of Love là hết cuốn sách rồi. Mỗi ngày đi làm, cháu đều mong đến 9h để được bác upload từng chương một.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác Trường dịch sâu sắc quá, cháu có đọc thử sách trên Amazon họ cho đọc thử vài trang đầu, cháu thấy mình dịch và hiểu sách kém xa cách bác hiểu và dịch được hết ý nghĩa bộ sách này.

      Delete
    2. Mình là người có tu tập tâm linh cho nên cũng hiểu được một số thứ. Chúc an lành nha.

      Delete