August 21, 2021

Bộ máy quan liêu (12)

Ludwig von Mises, 1944. Bureaucracy. New Haven: Yale University Press.

Phạm Nguyên Trường dịch  


Chương 7 

Biện pháp chữa trị?

 

1.Thất bại trong quá khứ 

Chúng ta phải thừa nhận sự kiện là cho đến nay, tất cả những nỗ lực nhằm ngăn chặn đà thăng tiến của quá trình quan liêu hóa và xã hội hóa đều đã thất bại. Trong hai mươi bảy năm, kể từ ngày Tổng thống Wilson đưa nước Mĩ vào cuộc chiến tranh để thế giới trở thành nơi an toàn cho chế độ dân chủ, chế độ dân chủ ngày càng đánh mất nhiều vị trí hơn[1]. Chế độ chuyên quyền đã giành được thắng lợi ở hầu hết các nước châu Âu. Ngay cả Mĩ cũng áp dụng những chính sách mà chỉ vài thập kỷ trước đó từng bị chê là “Phổ”. Nhân loại đang công khai tiến tới chế độ toàn trị. Thế hệ đang lên muốn chính phủ kiểm soát mọi lĩnh vực của cuộc sống. 

Các nhà luật học đã xuất bản được những chuyên luận tuyệt vời về việc các cơ quan hành chính độc đoán đang thế chỗ cho chế độ pháp quyền[2]. Đấy là câu chuyện về việc chính quyền tự quản bị xói mòn thì tất cả các quyền công dân của từng cá nhân cũng không còn và kết quả sẽ là chế độ siêu chuyên quyền, theo kiểu phương Đông. Nhưng những người xã hội chủ nghĩa không thèm quan tâm tới tự do và sáng kiến cá nhân. 

Không có tác phẩm văn học trào phúng nào thu được thành công hơn là những cuốn sách dày cộp của các luật sư. Một số nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ XIX - Balzac, Dickens, Gogol, Maupassant, Courteline - đã giáng những đòn nặng nề vào chế độ quan liêu. Aldous Huxley thậm chí còn can đảm đến mức biến thiên đường mơ ước của chủ nghĩa xã hội thành đối tượng giễu cợt[3]. Người đọc vô cùng phấn khởi. Nhưng vừa đọc xong là họ đã vội vàng xin vào làm trong các văn phòng của chính phủ. 

Một số người thích cười nhạo những đặc điểm quá nhố nhăng của bộ máy quan liêu. Đúng là lạ lùng khi chứng kiến chính phủ một nước giàu có nhất và quyền lực nhất thế giới quản lí văn phòng - Cục Kinh tế gia đình của Bộ Nông nghiệp Hoa Kì - mà một trong những nhiệm vụ của nó là thiết kế quần “cho trẻ em mới bắt đầu học cách mặc quần áo”. Nhưng, đối với nhiều người cùng thời với chúng ta, chuyện này không có gì đáng cười hết. Mục đích của họ là kiểu quản lí mà sản xuất tất, đồ lót, và tất cả những thứ hữu ích khác đều là nhiệm vụ của chính quyền. 

Tất cả những lời phê phán uyên thâm và những lời châm biếm dí dỏm đều chẳng có tác dụng gì, vì chúng không đánh trúng cốt lõi của vấn đề. Quan liêu hóa chỉ là một trong những đặc điểm cụ thể của xã hội hóa. Vấn đề chính là: Chủ nghĩa tư bản hay Chủ nghĩa xã hội? Chọn cái nào? 

Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội cho rằng chủ nghĩa tư bản là hệ thống bóc lột bất công, cực kì bất lợi đối với sự thịnh vượng của quần chúng và tạo ra khốn khổ, suy thoái và bần cùng hóa từng bước một quảng đại quần chúng nhân dân. Mặt khác, họ mô tả xã hội chủ nghĩa không tưởng như miền đất hứa, với “núi sôi, sông rượu”, tất cả mọi người đều sẽ hạnh phúc và giàu có. Họ đúng hay là sai? Đấy là vấn đề. 

2. Kinh tế học đối đầu với kế hoạch hóa và chủ nghĩa toàn trị. 

Đây hoàn toàn là vấn đề của kinh tế học. Không thể giải quyết được vấn đề này nếu không xem xét một cách thận trọng kinh tế học. Không sử dụng luận cứ kinh tế thì không thể vạch trần được những khẩu hiệu dối trá và những học thuyết sai lầm của những người ủng hộ những biện pháp kiểm soát của chính phủ, ủng hộ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, kế hoạch hóa và chủ nghĩa toàn trị. Dù thích hay không thì thực tế vẫn là, các vấn đề chính của chính trị hiện nay cũng hoàn toàn là vấn đề kinh tế, không nắm được lí thuyết kinh tế thì không thể hiểu được chính trị. Chỉ người nắm vững những vấn đề chính của kinh tế học mới đủ sức xây dựng được ý kiến độc lập về các vấn đề đang được nói tới ở đây. Những người khác chỉ đơn giản là lặp lại những điều họ đã nghe được mà thôi. Họ là con mồi của những kẻ bịp bợm mị dân và những tên lang băm ngu dốt. Thái độ tự tin của họ là đe dọa nghiêm trọng nhất đối với việc bảo vệ chế độ dân chủ và nền văn minh phương Tây. 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của người công dân trong cộng đồng dân chủ là tự học và tìm được kiến thức cần thiết để xử lí các công việc của người công dân. Quyền bầu cử không phải là đặc quyền, đặc lợi mà là bổn phận và trách nhiệm đạo đức. Cử tri thực chất là quan chức, văn phòng của anh ta là cơ quan cao nhất và hàm ý nghĩa vụ cao nhất. Người công dân để hết tâm trí vào công tác khoa học trong các lĩnh vực khác hay người nghệ sĩ để hết tâm trí vào sứ mệnh của mình có thể coi đấy là những tình tiết giảm nhẹ, nếu không thực hiện được nhiệm vụ tự học này. Có lẽ những người này có lí khi nói rằng họ phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn. Nhưng tất cả những người trí thức khác mà lơ là, không tự học tập và tự rèn luyện để có thể hoàn thành một cách tốt nhất nhiệm vụ của người cử tri có chủ quyền thì đấy không chỉ là những người nhẹ dạ mà còn có hại. 

Thủ đoạn tuyên truyền chính của những người ủng hộ chính sách được cho là “tiến bộ” của chính phủ là lên án chủ nghĩa tư bản về tất cả những hiện tượng không vừa ý trong điều kiện hiện nay và tán dương những cái hay, cái đẹp mà chủ nghĩa xã hội đang chuẩn bị cho nhân loại. Họ chưa bao giờ tìm cách chứng minh những giáo điều ngụy biện của mình hoặc tìm cách bác bỏ những phản đối do các nhà kinh tế học nêu ra. Họ chỉ làm mỗi một việc là gán cho những người kia danh hiệu đầy phản cảm và làm cho người ta nghi ngờ về động cơ của họ. Và, thật không may là, người dân bình thường không thể nhìn rõ được những mưu gian này. 

Ví dụ, xin xem xét vấn đề thất nghiệp hàng loạt kéo dài suốt năm này qua năm khác. “Những người tiến bộ” giải thích rằng đấy là tệ nạn thuộc về bản chất của chủ nghĩa tư bản. Công chúng ngây thơ sẵn sàng chấp nhận cách giải thích này. Người ta không hiểu rằng trong thị trường lao động không bị cản trở, không bị thao túng bởi áp lực của công đoàn, cũng như bởi tiền công tối thiểu do chính phủ ấn định, thất nghiệp chỉ ảnh hưởng đến một ít người và trong thời gian ngắn. Trong chủ nghĩa tư bản tự do, thất nghiệp là hiện tượng tạm thời không quan trọng; xu hướng giữ thế thượng phong là thất nghiệp sẽ không còn. Những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp mới. Nhưng, với tiền công được thiết lập trên thị trường lao động tự do, tất cả những người muốn làm công ăn lương cuối cùng đều kiếm được việc làm. Thất nghiệp, như một hiện tượng hàng loạt, là kết quả của các chính sách “ủng hộ lao động” của các chính phủ và áp lực, cũng như cưỡng ép của công đoàn. 

Đối với những nhà kinh tế học, mà “những người tiến bộ” gọi là “phản động”, lời giải thích này hoàn toàn chẳng có gì đặc biệt. Ngay cả Karl Marx cũng hoàn toàn tin rằng các công đoàn không thể tăng lương cho mọi người lao động[4]. Những người Marxist giáo điều kiên quyết phản đối tất cả các nỗ lực trong việc ấn định tiền công tối thiểu suốt nhiều năm liền. Họ cho rằng những biện pháp như thế đi ngược lợi ích của tuyệt đại đa số người làm công ăn lương. 

Thật là ảo tưởng khi tin rằng các khoản chi tiêu của chính phủ có thể tạo việc làm cho những người thất nghiệp, tức là cho những người không thể kiếm được việc làm nếu không dựa vào chính sách của công đoàn hay chính phủ. Nếu các khoản chi tiêu của chính phủ được tài trợ bằng những phương pháp không tạo ra lạm phát, tức là bằng thuế khóa hoặc bằng những khoản vay từ công chúng, thì một tay nó xóa bỏ những chỗ làm việc mà vừa tạo ra bằng tay kia. Còn nếu các khoản chi tiêu được tài trợ bằng cách gây ra lạm phát, tức là bằng cách đưa thêm tiền vào lưu thông hoặc bằng cách vay các ngân hàng thương mại, thì chỉ làm giảm thất nghiệp nếu tiền công lẽo đẽo theo sau đà gia tăng giá hàng hóa, nghĩa là, nếu tiền công thực tế giảm. Chỉ có một con đường dẫn tới tăng tiền công thực tế cho tất cả những người muốn làm công ăn lương: Tích lũy từng bước tư bản mới và cải thiện các phương pháp sản xuất mà tư bản mới tạo ra. Lợi ích thực sự của người lao động trùng hợp với lợi ích của doanh nghiệp. 

Muốn nắm được các vấn đề kinh tế thì không cần phải ăn sống nuốt tươi những sự kiện và số liệu có liên hệ hoặc chẳng có liên hệ gì với nhau. Mà phải dùng tư duy duy lí để phân tích và khảo sát một cách cẩn thận các tình huống. Trước hết, cần lương tri lương năng và sáng suốt trong tư duy. Quy tắc chính là đi thẳng đến cội nguồn tất cả các hiện tượng. Không chấp nhận những lời giải thích và giải pháp hời hợt. Hãy sử dụng sức mạnh của tư duy và khả năng phản biện của mình. 

Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu cho rằng khuyến nghị nghiên cứu kinh tế là nhằm thay thế công tác tuyên truyền của các chính phủ và các đảng phái bằng hình thức tuyên truyền khác. Tuyên truyền là một trong những việc làm tồi bại nhất của bộ máy quan liêu và chủ nghĩa xã hội. Tuyên truyền bao giờ cũng là dối trá, ngụy biện và mê tín. Chân lí không cần tuyên truyền; nó tự bảo vệ được mình. Dấu hiệu đặc trưng của chân lí là nó phản ánh chính xác thực tế, nghĩa là, phản ánh tình hình như nó đang là, dù người ta có công nhận ra nó hay không. Công nhận và công bố chân lí tự nó đã là lên án tất cả những thứ không phải là chân lí rồi. Nó tiếp tục hiện diện vì sự kiện đơn giản là đấy là chân lí. 

Vì vậy, hãy để các tiên tri giả tiếp tục đi theo con đường của mình. Đừng cố gắng bắt chước các chính sách của họ. Đừng cố gắng bịt miệng và đẩy những người bất đồng chính kiến ra ngoài vòng pháp luật như các tiên tri giả kia đang làm. Những kẻ dối trá sợ sự thật và do đó, tìm mọi cách ngăn chặn người ta nói ra sự thật. Nhưng, những người ủng hộ sự thật hy vọng vào sự đúng đắn của chính mình. Sự thật không sợ những kẻ dối trá. Nó có thể thắng trong cuộc cạnh tranh. Các cán bộ tuyên truyền có thể tiếp tục truyền bá những điều họ tự bịa ra và nhồi sọ giới trẻ. Họ sẽ thất bại một cách bi thảm. 

Lenin và Hitler biết rất rõ vì sao họ xóa bỏ quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí và vì sao họ đóng cửa biên giới nước mình, không cho nhập khẩu bất kì tư tưởng nào từ nước ngoài. Hệ thống của họ không thể nào tồn tại được nếu không có trại tập trung, không có những kẻ kiểm duyệt và bọn đao phủ. Công cụ chính của họ là G.P.U. và Gestapo[5]. 

Những người ủng hộ xã hội hóa và quan liêu hóa ở nước Anh nhận thức rõ chẳng khác gì các đảng viên Bolshevik và Quốc xã về sự kiện là khi còn tự do ngôn luận và tự do tư tưởng thì họ sẽ không bao giờ đạt được mục đích của mình. Giáo sư Harold I. Jaski[6] đã tuyên bố thẳng thừng rằng hạn chế quyền của Nghị viện là điều kiện cần nhằm bảo vệ giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội[7]. Sir Stafford Cripps - ứng cử viên được ưa chuộng của những người tự xưng là theo phái tự do - muốn giành chức Thủ tướng chính phủ, đã đưa ra “Đạo luật về kế hoạch hóa và giao quyền”, mà nếu được Nghị viện thông qua, thì sau đó không ai được bàn cãi và không được rút lại[8]. Nhờ đạo luật này, mà nó phải rất chung chung, tất cả “các tiểu tiết” đều để cho nội các quy định, chính phủ sẽ được trao những quyền lực không bao giờ bị thu hồi. Nghị viện không bao giờ xem xét các chỉ thị và nghị định của chính phủ, cũng không được trông cậy vào tòa án. Tất cả các cơ quan đều phải do “các đảng viên trung thành”, “những người giữ các quan điểm xã hội chủ nghĩa mà mọi người đều biết” nắm giữ[9]. “Hội đồng Giáo sĩ ủng hộ quyền sở hữu cộng đồng của nước Anh tuyên bố trong một cuốn sách mỏng - Giám mục Bradford viết lời nói đầu - rằng muốn thiết lập chủ nghĩa xã hội hiện thực và vĩnh viễn thì phải “lọai bỏ tất cả các phái đối lập chủ yếu, nghĩa là, làm cho người ta trở thành ù lì về chính trị, tước quyền bầu cử, và nếu cần, tống vào tù”[10]. Giáo sư Joan Robinson ở Đại học Cambridge, chỉ đứng sau Lord Keynes trong ban lãnh đạo trường phái Keynes, cũng sốt sắng không thua gì ông kia trong việc thiết lập chủ nghĩa xã hội[11]. Theo quan điểm cùa bà này: “khái  niệm tự do là rất tù mù. Chỉ khi không có kẻ thù đáng sợ, cả bên trong lẫn bên ngoài, thì mới được hoàn toàn tự do ngôn luận”. Bà Robinson không chỉ sợ các nhà thờ, các trường đại học, hội khoa học và các nhà xuất bản độc lập, mà còn sợ cả các nhà hát và hội âm nhạc độc lập nữa. Bà ta cho rằng tất cả các tổ chức đó chỉ được phép tồn tại “với điều kiện là chế độ đủ an toàn trước nguy cơ bị chỉ trích”[12]. Một người ủng hộ chủ nghĩa tập thể lỗi lạc nữa ở Anh, J. G. Crowther, thậm chí còn ca ngợi toàn án dị giáo[13]. Đáng tiếc là dòng họ Stuarts không sống đến ngày nay để chứng kiến ngày mà những nguyên tắc của họ giành được chiến thắng[14]! 

Như vậy là, những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nổi bật nhất đã ngấm ngầm thừa nhận rằng các giáo lý và kế hoạch của họ không thể đứng vững được trước những lời phê phán của của khoa học kinh tế và sẽ chắc chắn sẽ thất bại trong chế độ tự do. 

Nhưng may mắn là vẫn còn một số nước tự do, vẫn còn hi vọng là sự thật sẽ hồi sinh. 

3. Người công dân bình thường đối đầu với cán bộ tuyên truyền chuyên nghiệp của bộ máy quan liêu 

Mục đích của việc phổ biến các công trình nghiên cứu kinh tế không phải là để làm cho mọi người đều trở thành các nhà kinh tế học. Ý tưởng là trang bị cho người công dân vũ khí để họ thực hiện chức năng công dân của mình trong đời sống cộng đồng. 

Xung đột giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa toàn trị - số phận của nền văn minh phụ thuộc vào kết quả của cuộc xung đột này - sẽ không được quyết định bởi nội chiến và cách mạng. Đó là cuộc chiến giữa các tư tưởng. Dư luận xã hội sẽ quyết định ai thắng ai thua. 

Người ta gặp nhau dù bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào để thảo luận về bất kỳ công việc gì của thành phố, bang hoặc đất nước thì dư luận xã hội liền tiến hóa và thay đổi, dù chủ đề thảo luận có tầm thường tới mức nào. Bất cứ điều gì được nói hoặc được làm trong các giao dịch giữa người mua và người bán, giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa chủ nợ và con nợ cũng đều ảnh hưởng tới dư luận. Dư luận được định hình trong các cuộc tranh luận của vô số cơ quan đại diện, của các ủy ban và hội đồng, hiệp hội và câu lạc bộ, trong các bài xã luận, và trong các lá thư gửi cho ban biên tập, trong những lời bào chữa của các luật sư và ý kiến của các thẩm phán. Những người chuyên nghiệp bao giờ cũng có lợi thế hơn những người không chuyên trong tất cả các cuộc thảo luận này. Lợi thế bao giờ cũng nghiêng về phía những người cống hiến tất cả sức lực của mình cho một công việc duy nhất. Mặc dù không chắc đã phải là chuyên gia và thường chắc chắn là không thông minh hơn những người nghiệp dư, nhưng họ có lợi thế của người chuyên nghiệp. Thủ thuật tranh luận cũng như quá trình huấn luyện của họ đều cao hơn người nghiệp dư. Họ đến cuộc họp với đầu óc và cơ thể thanh thản chứ không mệt mỏi sau một ngày làm việc như những người nghiệp dư. 

Bây giờ, hầu hết tất cả những người hoạt động chuyên nghiệp này đều là những người ủng hộ nhiệt tình chủ nghĩa quan liêu và chủ nghĩa xã hội. Trước hết, đấy là rất nhiều công nhân, viên chức của chính phủ và nhân viên các cơ quan tuyên truyền của các đảng phái. Ngoài ra, còn có giảng viên các trường đại học, những nơi mà người ta cho rằng công khai thừa nhận chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa xã hội hoặc phái cấp tiến của chủ nghĩa Marx là dấu hiệu của người làm khoa học hoàn hảo. Đấy là các biên tập viên và những cây bút viết cho các tờ báo và các tạp chí “tiến bộ”, các nhà lãnh đạo và người tổ chức công đoàn, và cuối cùng, là những người nhiều  tham vọng, ăn không ngồi rồi và rất muốn được đưa tên mình vào đầu đề các bài báo vì đã thể hiện được những quan điểm cấp tiến. Doanh nhân, luật sư hoặc người làm công ăn lương không phải là đối thủ của họ. 

Người không chuyên có thể chứng minh một cách xuất sắc lập luận của mình. Nhưng vô ích. Vì đối thủ của anh ta, với vẻ trang trọng của cơ quan mà anh ta là người đại diện hoặc danh hiệu giáo sư của mình, đáp trả như sau: “Sự ngụy biện trong lý luận của quý ông đã bị các giáo sư nổi tiếng người Đức, Mayer, Muller và Schmid vạch mặt từ rất lâu rồi. Chỉ có kẻ ngốc mới có thể tiếp tục bám víu vào những tư tưởng cổ lỗ sĩ và vô tích sự đó mà thôi”. Người không chuyên kia bị mất uy tín ngay trước mắt khán giả, những người hoàn toàn tin tưởng rằng anh chàng chuyên nghiệp kia hẳn là không thể sai. Người không chuyên không biết trả lời như thế nào. Anh ta chưa bao giờ nghe ai nói tới tên của những giáo sư Đức lỗi lạc nọ. Anh ta không biết rằng sách của họ chỉ là những lời lẽ bịp bơm, vô nghĩa và họ không động chạm tới vấn đề mà anh ta nêu ra. Anh ta có thể học sau. Nhưng điều đó không thể thay đổi sự kiện là anh ta đã bị đánh bại ngay tại chỗ. 

Hoặc là người không chuyên có thể chứng minh rằng dự án được đề xuất là bất khả thi. Lúc đó, người chuyên nghiệp kia sẽ phản bác: “Quý ông này ngu dốt đến mức không biết rằng chương trình đề xuất đã thu được thành công mĩ mãn ở Thụy Điển xã hội chủ nghĩa và ở Vienna “đỏ”. Một lần nữa, con người không chuyên của chúng ta phải ngậm miệng. Làm sao anh ta có thể biết rằng hầu hết những cuốn sách viết bằng tiếng Anh về Thụy Điển và Vienna đều là những sản phẩm tuyên truyền, xuyên tạc trắng trợn các sự kiện? Anh ta không có điều kiện để nhận những thông tin chính xác từ gốc. 

Tất nhiên, đỉnh điểm của thuật hùng biện của người có chuyên môn là viện dẫn nước Nga, thiên đường của công nhân và nông dân. Trong gần ba mươi năm qua, chỉ có những người cộng sản cuồng tín và những ủng hộ họ là được phép nhập cảnh nào nước Nga mà thôi. Các báo cáo của họ là những bài ca ngợi một chiều Liên Xô, hoàn toàn thiếu trung thực, số còn lại cả tin chẳng khác gì trẻ con. Nhưng, một trong những sự kiện làm cho chúng ta an tâm là một số du khách đã bỏ lại ở nước Nga xu hướng cuồng Liên Xô và sau khi trở về đã cho xuất bản những tác phẩm trung thực về đất nước này. Nhưng các nhà chuyên môn dễ dàng vứt bỏ những cuốn sách đó, và gọi tác giả của chúng là “phát xít’. 

Cần phải đào tạo các nhà lãnh đạo phong trào dân sự để họ có thể đối địch được với những người thuyết giáo chuyên nghiệp về quá trình quan liêu hóa và xã hội hóa. Chỉ thể hiện thái độ phẫn nộ và ca ngợi những ngày tháng huy hoàng xưa cũ không thể nào ngăn chặn được xu hướng quan liêu hóa. Một số người cùng thời với chúng ta thấy ngày xưa không được tốt như chúng ta nghĩ. Cái tuyệt vời của thời xưa là dựa vào xu hướng cải tiến, vốn là bản chất của hệ thống kinh tế thị trường không bị cản trở. Ngày xưa người ta không tin rằng chính phủ là thần thánh. Đây là chính là niềm vinh quang của thời đó. 

Ảnh hưởng bất lợi nhất của thái độ ác cảm của những người công dân bình thường đối với những quan tâm nghiêm túc về các vấn đề kinh tế là họ sẵn sàng ủng hộ chương trình có tính thỏa hiệp. Người công dân bình thường coi xung đột giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội như thể đấy là cuộc cãi vã giữa hai nhóm  - lao động và tư bản -  mỗi bên đều tuyên bố là mình đúng hoàn toàn. Vì bản thân họ không sẵn sàng nhận xét về giá trị lập luận của mỗi bên, họ nghĩ rằng giải pháp công bằng cho cuộc tranh chấp là thỏa thuận hòa bình: Mỗi bên đều nhận được một phần đòi hỏi của mình. Do đó, những biện pháp can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh doanh được người ta coi trọng. Không nên hòan toàn chủ nghĩa tư bản, cũng không nên hoàn tòan chủ nghĩa xã hội, mà là giữa hai cái đó, trung dung. Những người ủng hộ hệ thống thứ ba này khẳng định rằng, phải là chủ nghĩa tư bản có điều tiết và phải được các biện pháp can thiệp của chính phủ đưa vào khuôn khổ. Nhưng, biện pháp can thiệp của chính phủ không được bao trùm đến mức chính phủ kiểm tất cả các hoạt động kinh tế; chỉ nên giới hạn ở việc loại bỏ một số biểu hiện quá lạm bị nhiều người phản đối, mà không ngăn chặn hoàn toàn hoạt động của doanh nhân. Do đó, sẽ xuất hiện trật tự xã hội mà người ta cho là khác xa chủ nghĩa tư bản cũng như chủ nghĩa xã hội thuần túy, trong khi vẫn giữ được những ưu điểm vốn có của mỗi hệ thống và tránh được những nhược điểm của chúng. Hầu như tất cả những những người không ủng hộ vô điều kiện chủ nghĩa xã hội thuần túy đều ủng hộ hệ thống can thiệp này và hiện nay, tất cả các chính phủ không dứt khoát và kiên quyết ủng hộ xã hội chủ nghĩa đều chấp nhận chính sách can thiệp kinh tế[15]. Hiện nay rất ít người phản đối bất kỳ hình thức can thiệp nào của chính phủ vào giá, tiền công, lãi suất và lợi nhuận và không ngần ngại khẳng định rằng họ coi là chủ nghĩa tư bản và kinh doanh tự do là hệ thống khả thi duy nhất, và có lợi cho toàn thể xã hội và tất cả các thành viên của nó. 

Tuy nhiên, lý luận của những người ủng hộ giải pháp trung dung này là hoàn toàn sai. Xung đột giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản không phải là cuộc đấu tranh giữa hai đảng nhằm tranh giành phần hơn trong thu nhập của xã hội. Xem xét vấn đề theo cách này chẳng khác gì chấp nhận tất cả các nguyên lý của chủ nghĩa Marx và những người xã hội chủ nghĩa khác. Kẻ thù của chủ nghĩa xã hội không chấp nhận quan điểm cho rằng trong chủ nghĩa xã hội sẽ không có bất kỳ nhóm người nào hoặc giai cấp nào có đời sống tốt hơn nhóm người khác hoặc giai cấp khác như trong xã hội hoàn toàn tư bản chủ nghĩa. Họ không thừa nhận luận điểm nói rằng trong chủ nghĩa xã hội công nhân có đời sống tốt hơn và do đó, bị chính sự tồn tại của hệ thống tư bản chủ nghĩa làm hại. Họ ủng hộ chủ nghĩa tư bản không phải nhân danh lợi ích ích kỷ của các doanh nhân và các nhà tư sản mà nhân danh lợi ích của tất cả mọi người trong xã hội. Không thể giải quyết cuộc xung đột lịch sử vĩ đại về vấn đề tổ chức kinh tế của xã hội như giải quyết cuộc cãi vã giữa hai doanh nhân về tiền bạc; không thể giải quyết bằng thỏa hiệp. 

Chủ nghĩa can thiệp vào kinh tế là thất sách. Áp dụng các các biện pháp riêng lẻ không thể đem lại kết quả mà người ta tìm kiếm. Những biện pháp này sẽ đưa tới tình hình, mà từ quan điểm của chính những người ủng hộ, sẽ phiền phức hơn hẳn tình hình mà họ định thay đổi trước đó. Nhiều người sẵn sàng làm công ăn lương sẽ thất nghiệp hết năm này qua năm khác, độc quyền, khủng hoảng kinh tế, năng suất suất lao động trong cả nước sẽ bị hạn chế, chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, và chiến tranh là hậu quả không thể tránh khỏi của những biện pháp can thiệp của chính phủ vào hoạt động kinh doanh, mà những người ủng hộ giải pháp thứ ba khuyến nghị. Tất cả những tệ nạn mà những người xã hội chủ nghĩa vu cho chủ nghĩa tư bản chính là sản phẩm của chính sách không thích hợp, nhưng được cho là “tiến bộ” này. Những thảm họa có lợi cho những người xã hội chủ nghĩa cấp tiến là kết quả của những tư tưởng của những người thường nói: “Tôi không chống chủ nghĩa tư bản, nhưng ..” Những người như này gần chẳng khác gì những kẻ dẫn đầu quá trình xã hội hóa và quan liêu hóa toàn triệt. Ngu dốt gây ra thảm họa. 

Phân công lao động và chuyên môn hóa là những đặc điểm thiết yếu của nền văn minh. Nếu không có hai sự kiện này thì không thể có thịnh vượng về vật chất và tiến bộ về trí tuệ. Sự hiện diện của nhóm các nhà khoa học, học giả và nhà nghiên cứu kết hợp với nhau là kết quả của quá trình phân công lao động, cũng như sự hiện diện của bất kỳ nhóm người chuyên nghiệp nào khác. Người chuyên nghiên cứu kinh tế là nhà chuyên môn như tất cả các nhà chuyên môn khác. Những tiến bộ hơn nữa của khoa học kinh tế trong tương lai cũng là thành tựu của những người cống hiến tất cả sức mình cho nhiệm vụ này. 

Nhưng sẽ là sai lầm chết người nếu các công dân để cho các chuyên gia nắm độc quyền nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế. Vì những vấn đề quan trọng nhất của chính trị hiện nay thực chất là  vấn đề kinh tế, xa lánh các vấn đề kinh tế cũng chẳng khác gì từ bỏ quyền của mình, để cho các chuyên gia được hưởng lợi. Nếu các cử tri hoặc nghị sĩ quốc hội đối mặt với những vấn đề trong dự luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh gia súc hoặc xây dựng một tòa nhà văn phòng, họ có thể để cho các chuyên gia thảo luận các chi tiết. Các vấn đề như bác sĩ thú y và kỹ thuật không ảnh hưởng tới các nguyên tắc cơ bản của xã hội và đời sống chính trị. Đấy là những vấn đề quan trọng nhưng không phải là quan trọng hàng đầu và có tính sống còn. Nhưng nếu không chỉ quần chúng nhân dân, mà ngay cả phần lớn những người đại diện được nhân dân bầu lên đều tuyên bố: “Chỉ các chuyên gia mới hiểu được những vấn đề tiền bạc; chúng tôi không định nghiên cứu những vấn đề đó; trong vấn đề này chúng ta phải tin tưởng các chuyên gia”, thì họ gần như đã giao chủ quyền của mình cho các chuyên gia. Vấn đề không phải là họ đã chính thức giao quyền lập pháp cho các chuyên gia hay là chưa. Dù thế nào thì các chuyên gia đã đẩy họ ra ngoài. Các viên chức quan liên sẽ hoàn thành công việc. 

Các công dân bình thường đã sai khi phàn nàn rằng các viên chức quan liêu đã nhận vơ về mình quyền lực mà họ không có; nhưng chính các công dân này và những người được họ ủy quyền đã từ bỏ chủ quyền của mình. Chính sự thiếu hiểu biết của họ về các vấn đề cơ bản của kinh tế học đã làm cho những người chuyên nghiệp trở thành những người có quyền lực cao nhất. Tất cả các chi tiết kỹ thuật và pháp lí đều có thể và phải được để cho các chuyên gia giải quyết. Nhưng dân chủ sẽ trở thành viển vông nếu những công dân xuất chúng, những nhà lãnh đạo có trí thức của cộng đồng, không thể thiết lập được ý kiến của riêng mình về những nguyên tắc chính sách căn bản về xã hội, kinh tế và chính trị. Nếu về mặt  trí tuệ, các công dân phụ thuộc vào những người làm việc trong bộ máy hành chính, thì xã hội sẽ bị chia thành hai giai cấp: các chuyên gia cầm quyền, những Barahmins (Bà-la-môn – đẳng cấp cao nhất trong Ấn giáo, ND), và những người công dân khờ dại. Sau đó sẽ là chế độ chuyên chế, dù hiến pháp và luật pháp có viết thế nào thì cũng vậy mà thôi. 

Dân chủ có nghĩa là quyền tự quyết. Nhưng làm sao người có thể quyết định được công việc của mình nếu họ quá thờ ơ, không muốn suy nghĩ để tự mình tìm ra những đánh giá độc lập về các vấn đề chính trị và kinh tế cơ bản? Dân chủ không phải là cái tốt lành để người có thể tận hưởng mà không gặp rắc rối. Ngược lại, nó là một kho báu, phải luôn luôn canh chừng và chinh phục đi chính phục lại bằng những nỗ lực rất lớn. 

Kết luận 

Phân tích các đặc điểm kỹ thuật của quản lý quan liêu và cái đối lập với nó, quản lý vì lợi nhuận, sẽ cho ta manh mối để đánh giá một cách công bằng và không thiên vị phương pháp làm việc cả hai hệ thống trong hệ thống phân công lao động. 

Cơ quan quản lý của nhà nước, cách xử lý của bộ máy cưỡng chế và ép buộc của chính phủ chắc chắn là có tính hình thức và quan liêu. Không có cuộc cải cách nào có thể loại bỏ được tính quan liêu của các cơ quan chính phủ. Lên án họ chậm chạp và lười biếng cũng vô ích. Than phiền về sự kiện là nhân viên văn phòng trung bình không khéo léo, không cẩn thận và không chăm chỉ bằng người lao động trung bình trong doanh nghiệp tư nhân cũng chẳng giải quyết được gì. (Nói cho cùng, có rất nhiều công chức với lòng nhiệt thành chẳng khác gì đức hy sinh vô vị lợi). Không có tiêu chí đánh giá không thể bác bỏ được về thành công và thất bại thì gần như không thể tìm được động lực làm cho đa số người dân cố gắng hết sức mình, trong khi tính toán dựa trên tiền bạc của doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận dễ dàng cung cấp cho chúng ta tiêu chí như thế. Chỉ trích sự kiện là các quan chức tuân thủ một cách cứng nhắc luật lệ và quy định cũng chẳng ích gì. Đấy là những quy định cần thiết, nếu không muốn bộ máy quản lý của nhà nước tuột khỏi tay những quan chức cao cấp nhất và rơi vào tay những nhân viên cấp dưới. Hơn nữa, luật là biện pháp duy nhất làm cho pháp luật được thượng tôn trong khi thực thi công vụ và bảo vệ người công dân trước những hành động độc đoán, bạo ngược. 

Người quan sát bên ngoài có thể dễ dàng lên án bộ máy quan liêu vì những khoản chi tiêu lãng phí. Nhưng quan chức có trách nhiệm bảo đảm cho dịch vụ mà anh ta phụ trách phải hoàn hảo lại phải xem xét vấn đề từ góc độ khác. Anh ta không muốn gặp quá nhiều rủi ro. Anh ta thích được an toàn và sẵn sàng chi nhiều hơn cho chắc chắn. 

Tất cả những khiếm khuyết này là thuộc về bản chất của các dịch vụ không thể kiểm tra bằng hạch toán lời và lỗ. Thật vậy, chúng ta sẽ không bao giờ biết được rằng đấy thực sự là những thiếu sót nếu chúng ta không có khả năng so sánh hệ thống quan liêu với hoạt động của doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận. Hệ thống bị nhiều người phê phán là “bần tiện”, chỉ chạy theo lợi nhuận lại làm cho mọi người có ý thức về hiệu quả và tìm cách hợp lý hóa ở mức cao nhất. Không làm thế nào khác được. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là không thể áp dụng những biện pháp đáng tin cậy của doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận cho sở cảnh sát hoặc sở thuế vụ. 

Tuy nhiên, toàn bộ vấn đề sẽ có ý nghĩa hoàn toàn khác nếu ta chú ý tới những nỗ lực cuồng tín nhằm biến toàn bộ bộ máy sản xuất và phân phối thành bộ máy quan liêu khổng lồ. Lý tưởng của Lenin, coi dịch vụ bưu chính do chính phủ quản lí là mô hình tỗ chức kinh tế của xã hội và làm cho tất cả mọi người đều trở thành một bánh răng trong bộ máy quan liêu khổng lồ[16] buộc chúng ta phải vạch trần sự thua kém của các phương pháp quan liêu so với các phương pháp của doanh nghiệp tư nhân. Xem xét kỹ lưỡng như vậy chắc chắn không phải là để chê bai công việc của nhân viên thuế vụ, cán bộ hải quan và lính tuần tra hoặc coi thường thành tích của họ. Nhưng, cần phải chỉ ra rằng nhà máy luyện cán thép khác với sứ quán, nhà máy giày khác với văn phòng đăng kí kết hôn ở những khía cạnh cốt yếu nào và vì sao tái tổ chức tiệm bánh theo mô hình trạm bưu điện thì có hại. 

Sự kiện được dùng trong ngôn ngữ đầy thiên vị là thay thế nguyên tắc tìm kiếm lợi nhuận bằng nguyên tắc phục vụ sẽ làm cho người ta từ bỏ phương pháp duy nhất buộc người ta phải duy lí và tính toán khi sản xuất các nhu yếu phẩm. Lợi nhuận mà doanh nhân kiếm được chứng tỏ rằng anh ta đã phục vụ người tiêu dùng, tức là phục vụ tất cả mọi người. Nhưng không có phương pháp tính toán nào có thể quyết định được là hoạt động của văn phòng chính phủ là thành công hay thất bại. 

Trong bất kỳ hệ thống xã hội chủ nghĩa nào, chỉ hội đồng quản trị sản xuất trung ương mới có quyền ra lệnh và tất cả những người khác sẽ phải thực hiện mệnh lệnh mà họ nhận được. Tất cả mọi người, trừ Sa hoàng nắm quyền sản xuất, sẽ phải tuân thủ vô điều kiện các hướng dẫn, luật lệ, quy tắc và quy định do cơ quan cấp trên ban hành. Tất nhiên, trong hệ thống quy định bao trùm này, mọi người có thể có quyền đề nghị thay đổi. Nhưng con đường từ khi có đề nghị như thế cho tới khi cơ quan có thẩm quyền cao nhất chấp nhận, trong trường hợp tốt nhất, cũng xa vời và diệu vợi như con đường đưa đề xuất trong bức thư gửi cho biên tập viên hoặc bài báo trên tờ tạp chí định kỳ về việc sửa đổi một điều luật nào đó đến lúc cơ quan lập pháp thông qua. 

Trong tiến trình lịch sử, đã từng có nhiều phong trào đòi cải cách các thiết chế xã hội với lòng nhiệt huyết và cuồng tín. Người ta đã chiến đấu vì đức tin tôn giáo, vì muốn bảo tồn nền văn minh, vì quyền tự do, vì quyền tự quyết, vì muốn xóa bỏ chế độ nông nô và nô lệ, vì công bằng và công lý trong thủ tục xét xử. Ngày nay, hàng triệu người bị mê hoặc bởi ý tưởng biến cả thế giới thành một văn phòng, biến tất cả mọi người trở thành quan chức, và xóa sổ mọi sáng kiến tư nhân. Trong trí tưởng tượng của người ta, thiên đường của tương lai là bộ máy quan liêu bao trùm lên tất cả. Đây là phong trào cải cách mạnh mẽ nhất mà lịch sử từng biết tới, là trào lưu tư tưởng đầu tiên, với mục tiêu là quan liêu hóa mọi thứ trên đời, được không chỉ một phần nhân loại mà được người dân thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia, mọi tôn giáo và nền văn minh ủng hộ. Bưu điện là hình mẫu cho quá trình xây dựng thiên đường trên cõi thế (nguyên văn New Jerusalem - ND). Nhân viên bưu điện là nguyên mẫu của con người tương lai. Biết bao nhiêu máu đã đổ để thực hiện lý tưởng này. 

Trong cuốn sách này, chúng tôi không thảo luận về con người mà thảo luận hệ thống tổ chức xã hội. Chúng tôi không có ý nói rằng nhân viên bưu điện kém cỏi hơn bất cứ người nào khác. Cần phải nhận thức được rằng chiếc áo khoác gò bó của tổ chức quan liêu làm tê liệt sáng kiến cá nhân, trong khi, trong xã hội tư bản thị trường, người có tinh thần đổi mới có cơ hội thành công. Bộ máy quan liêu tạo ra trì trệ và giữ mãi những biện pháp cổ lỗ sĩ, trong khi xã hội tư bản thị trường tạo ra tiến bộ và cải thiện. Chủ nghĩa tư bản là phát triển không ngừng, còn chủ nghĩa xã hội thì không. Không thể phủ nhận được luận cứ này, những người Bolshevik đã và đang bắt chước những cách tân khác nhau của Mĩ. Tất cả các dân tộc phương Đông cũng đã làm như thế. Nhưng, sự kiện này không có nghĩa là tất cả các nước văn minh phải bắt chước các phương thức tổ chức xã hội của người Nga. 

Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội tự gọi mình là những người tiến bộ, nhưng họ đề nghị người ta áp dụng hệ thống với những đặc điểm là tuyệt đối tuân thủ thủ tục đã có và chống lại bất kì sự cải tiến nào. Họ tự gọi mình là những người theo phái tự do, nhưng họ muốn xóa bỏ tự do. Họ tự gọi mình là những người dân chủ, nhưng họ khao khát chế độ độc tài. Họ tự gọi mình là những người cách mạng, nhưng họ muốn tạo ra chính phủ toàn trí toàn năng. Họ hứa hẹn phước lành của Vườn Địa Đàng, nhưng họ lập kế hoạch để biến cả thế giới thành sở bưu chính khổng lồ. Một người duy nhất đứng trên, còn tất cả những người khác đều là nhân viên cấp dưới trong một văn phòng, không tưởng này mới hấp dẫn làm sao! Sự nghiệp của cuộc chiến đấu mới cao cả làm sao! 

Lý trí là vũ khí duy nhất trong cuộc đấu tranh chống lại cơn mê loạn này. Cần phải dùng lương tri lương năng thì mới ngăn chặn, không để nhân loại trở thành con mồi của những tưởng tượng hão huyền và những khẩu hiệu sáo rỗng.

 



[1] Wilson Thomas Woodrow (1856-1924) - tổng thống Hoa Kỳ giai đoạn 1913-1921. Đi ngược lại trào lưu của chủ nghĩa biệt lập đang dâng lên ở trong nước, Wilson vẫn kiên trì theo đuổi đường lối “sẵn sàng tham chiến”. Ngày 6 tháng 4 năm 1917, Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[2] Có thể chỉ cần trích dẫn hai tác phẩm tuyệt vời nhất thuộc loại này: The New Despotism (Chế độ chuyên chế mới) của Lord Hewart of Bury – người đứng đầu tối cao pháp viện Anh (New York, 1929), Our Wonderland of Bureaucracy (Xứ sở quan liêu của chúng ta) của James M. Beck, Thứ trưởng Bộ tư pháp Hoa Kì (New York, 1932). Cần phải nói rằng tác phẩm của James M. Beck được xuất bản trước khi Chính sách Kinh tế Mới được công bố.

[3] Ý nói tác phẩm Thế giới mới tươi đẹp (The brave New World), xuất bản năm 1932 của Aldous Huxley (1894-1963) – chú thích bản tiếng Nga, ND. 

[4] Mises trình bày không chính xác quan điểm của Marx. Không phủ nhận khả năng đạt được - với sự trợ giúp của công đoàn - tăng lương cao hơn mức tối thiểu, cần để bảo đảm đời sống của người lao động, Marx tin rằng “xu hướng chung của sản xuất tư bản chủ nghĩa không dẫn đến tăng mà dẫn đến giảm mức lương trung bình ... Công đoàn là trung tâm kháng cự trước cuộc tấn công của tư bản ... Nói chung, họ thất bại, vì họ tự giới hạn mình trong cuộc đấu tranh theo lối du kích nhằm chống lại những hậu quả của hệ thống hiện hành, chứ không đồng thời tìm cách thay đổi nó” (К. Маркс, Ф. Энгельс, Toàn tập, T. 16, tr. 155) – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[5] GPU – Cục bảo vệ chính trị trực thuộc Bộ nội vụ (NKVD) Liên xô. Cơ quan này được thành lập năm 1922 trong quá trình tổ chức lại Ủy ban đặc biệt toàn Nga, là cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia; thực hiện chức năng của cơ quan cảnh sát chính trị. Gestapo - Geheime staatspolizei (tiếng Đức), cảnh sát bí mật của nhà nước, được thành lập sau khi Hitler giành được quyền lực. Sau khi quốc xã sụp đổ, cơ quan này bị Tòa án quân sự quốc tế coi là tổ chức tội phạm – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[6] Laski Harold Joseph (1893-1950) - một trong những lý luận gia của “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, từ 1936 đến 1949 thành viên ban chấp hành Đảng Lao động Anh – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[7] Laski, Democracy in Crisis (Chế độ dân chủ trong khủng hoảng) (London, 1933), p. 87. Xin mời đọc phản biện đầy uy lực những tư tưởng phản dân chủ của Laski: Rappard, The Crisis of Democracy (Cuộc khủng hoảng chế độ dân chủ) (Chicago, 193 8), pp. 21 3-2 16.

[8] Cripps Richard Stafford (1889-1952) - chính khách người Anh: từ năm 1931 đến năm 1950, nắm nhiều chức bộ trưởngcác bộ khác nhau. Trong những năm 30 (TK XX) – là lãnh đạo cánh tả của Đảng Lao động. Ông ủng hộ mặt trận thống nhất với những người cộng sản, vì vậy mà năm 1939 bị Đảng Lao động khai trừ (được phục hồi đảng tịch năm 1945) – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[9] Xin mời đọc bài báo tuyệt vời của James Truslow Adams, “Planners See  where Planning Leads” [Những người lập kế hoạch biết kế hoạch dẫn tới đâu] trong Barron's National Business and Financial Weekly of  January 3 I, 1944, tr. 3.

[10] Tác phẩm vừa dẫn.

[11] Keynes John Maynard (1883-1946) - Nhà kinh tế học người Anh, người tạo ra một trong những khái niệm có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX (mang tên ông). Theo Keynes, để ngăn chặn khủng hoảng, duy trì nhu cầu hữu hiệu và toàn dụng lao động, cần có sự tác động tích cực của chính phủ đối với nền kinh tế bằng các đơn đặt hàng, thuế, lạm phát được điều tiết..v.v.. Robinson Joan Violett (1903-1983) - nhà kinh tế học người Anh, theo trường phái Keynes. Đầu những năm 30 (TK XX), bà đưa ra lý thuyết về cạnh tranh không hoàn hảo, theo đó, sự xuất hiện của các công ty độc quyền làm cho những tác nhân tự phát của nền kinh tế không hoạt động được nữa, nhà nước cần can thiệp vào hoạt động kinh tế - chú thích bản tiếng Nga, ND.

[12] Joan Robinson, Private Enterprise or Public Control [Doanh nghiệp tư nhân hay Kiểm soát của nhà nước (Sổ tay cho các nhóm Thảo luận, do English Universities Press Ltd xuất bản, dành cho Hiệp hội Giáo dục Công dân), trang 13-14. Lạ lùng là trong Lời nói đầu tác phẩm này, Hiệp hội tuyên bố “chúng tôi ủng hộ dân chủ” và chỉ ra rằng mục tiêu của họ là huấn luyện công dân “tôn trọng các quyền bình đẳng và tự do của những người khác”.

[13]G. Crowther, Social Relations of Science [Quan hệ xã hội của khoa học] (Macmillan, 1941 ), pp. 33 1,  333.

[14] Vương triều Scotland và nước Anh, là những người Công giáo cuồng tín. James II, vị vua Công giáo cuối cùng, đã tìm cách biến Công giáo thành quốc giáo, không cho tín đồ các tôn giáo khác nắm những chức vụ trong chính quyền – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[15] L. Mises sử dụng thuật ngữ interventionism (tiếng Latinh interventio - can thiệp) trong nhiều tác phẩm của mình để nói về hệ thống điều tiết kinh tế của nhà nước. Theo Mises, chủ nghĩa xã hội là một trong những hình thức của chủ nghĩa can thiệp – chú thích bản tiếng Nga, ND.

[16] Lenin, State and Revolution [Nhà nước và cách mạng], New York ed., 1935, tr. 44.

1 comment: