Pages

February 18, 2021

Thuật ngữ chính trị (129)

 


309. Linkage – Liên kết. 1. Sự tương thuộc giữ chính sách đối nội và đối ngoại. Trong các công trình nghiên cứu về quan hệ quốc tế, ví dụ, bài báo Ngoại giao và chính sách đối nội: Logic của trò chơi hai cấp (Diplomacy and Domestic Politics: The Logic of Two-level Games), việc nhấn mạnh mối liên kết có xu hướng khẳng định những giới hạn mà các tác nhân chính trị ở trong nước tạo ra cho những nhà đàm phán quốc tế. 2. Trong ngoại giao, đưa những vấn đề tách biệt nhau vào đàm phán (thường là cây gậy và củ cà rốt).     

310. Local Government – Chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương là hệ thống quản lý các đơn vị chính trị nhỏ bé – ví dụ, thị trấn, quận và huyện. Nó hoạt động trong khuôn khổ chính quyền lớn hơn, khác với quan hệ giữa chính quyền bang và chính phủ liên bang trong hệ thống liên bang, quyền hạn của chính quyền địa phương thường xuất phát từ sự ủy quyền của chính phủ trung ương hoặc chính phủ quốc gia. Quyền hạn của các chính quyền địa phương - được bầu cử theo lối dân chủ truyền thống - khác nhau giữa các nước và trong các bang. Quyền lực này thường bao gồm các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và môi trường ở địa phương, thu gom rác thải, công viên và giải trí, điều tiết giao thông , quy hoạch thị đô thị. Tuy nhiên, trong các quốc gia nhất thể, quyền lực thực tế trong các lĩnh vực chính sách nhạy cảm, ví dụ như giáo dục, có thể là hạn chế.

Ở nhiều nước, chính quyền địa phương vừa được coi là nơi huấn luyện các chính trị gia với tham vọng vươn lên vũ đài quốc gia vừa là đấu trường mà công dân có thể tham gia thực sự vào chính trị hơn là trên bình diện quốc gia. Một số lý thuyết gia, ví dụ, John Stuart Mill, tin rằng kinh nghiệm làm việc trong chính quyền địa phương là cực kì cần thiết cho việc phát triển năng lực chính trị thực sự trong quần chúng, và do đó, góp phần quan trọng vào việc củng cố chế độ dân chủ. 

311. Local Politics – Chính trị địa phương. Chính trị là quá trình phân bổ hàng hóa, dịch vụ và đặc quyền do chính phủ thực hiện hoặc các luật lệ để các tổ chức xã hội khác phân bổ. Chính quyền địa phương là bộ phận của chính quyền quốc gia, thực hiện các chức năng mang tính chất “địa phương”, trong hầu hết các trường hợp, chính quyền địa phương nhận được quyền hạn hợp pháp của chính quyền quốc gia, nhưng được quyết định trong một số trường hợp. Do đó, chính trị địa phương không chỉ là các hoạt động ở địa phương liên quan đến các vấn đề chính trị quốc gia, mà còn liên quan tới, ở mức độ nào đó, những lựa chọn trong ranh giới của chính quyền địa phương, như lựa chọn các quan chức, cũng như ban hành và thực hiện chính sách xã hội. Những quyết định này không nhất thiết phải được ban hành một cách đơn phương - thông qua hệ thống chính trị địa phương và các thiết chế của nó. Thường thì, các quyết định này được chia sẻ với các chính quyền địa phương khác, các quy trình và thiết chế chính trị địa phương thường có quan hệ mật thiết với các quy trình và thiết chế của các địa phương lân cận và với các hệ thống chính trị khu vực và quốc gia. 

Các mô hình chính trị ở cấp địa phương rất đa dạng. Chúng có những tính chất cụ thể ở mỗi địa phương cụ thể dựa trên ảnh hưởng của hệ tư tưởng giữ thế thượng phong, cơ cấu xã hội và công nghệ trong xã hội đó. Trong các hệ thống xã hội nguyên thủy có thể có rất ít các thiết chế chính trị được công nhận, nhưng trong số các thiết chế chính trị thực sự tồn tại, các hệ thống chính trị địa phương thường quan trọng hơn hệ thống quốc gia (phép vua thua lệ làng), đấy là nói trong những lĩnh vực liên quan đến người dân bình thường. Trong những xã hội phức tạp hơn, nơi bộ máy quan liêu của chính phủ đã chuyên môn hóa, nơi người dân kì vọng nhiều vào hoạt động của chính phủ và có các phương tiện giao thông và thông tin liên lạc nhanh chóng, thì các hoạt động và mức độ quan trọng tương đối của chính quyền địa phương phần lớn trở thành hoạt động của hệ tư tưởng - hệ thống niềm tin và truyền thống tạo có tác động quan trọng về mặt chính trị đối với tâm trí của phần đông dân chúng. Ở một số nước, ví dụ, Đức Quốc xã, từ năm 1933 đến năm 1945, chính quyền địa phương không có vai trò quan trọng; trong khi ở những nước khác, ví dụ, Hoa Kỳ trong suốt lịch sử của mình, chính quyền địa phương quan trọng về mặt lý thuyết và khá quan trọng trên thực tế. 

Trong các xã hội mà các khái niệm về thay đổi, “tiến bộ”, chuyên môn hóa, hoặc sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế còn chưa phát triển, chính trị đồng thuận thường giữ thế thượng phong trong chính quyền địa phương. Các chức năng truyền thống được chấp nhận và tôn vinh. Hoạt động chính trị có thể châu tuần xung quanh các chính trị gia cụ thể. Một trong những chức năng của chính trị có thể là trò giải trí cho những công dân bình thường, những người không có gì khác để mua vui. Chẳng ai kì vọng rằng nền chính trị địa phương sẽ có đổi mới. Các khái niệm về cải thiện các vấn đề xã hội hoặc nâng cao mức sống có thể là những khái niệm không được thừa nhận hoặc không được chấp nhận. Các xã hội làng xã ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin có xu hướng đi theo mô hình này. Ngay cả trong các xã hội công nghiệp phát triển khá phức tạp, hệ tư tưởng giữ thế thượng phong ở các vùng nông thôn có thể yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện những chức năng này. Làng, trong tất cả các xã hội, thường có nền chính trị dựa trên các mối quan hệ trực diện, hành vi của các chính trị gia được điều chỉnh bằng cách xem xét kỳ vọng của bạn bè và hàng xóm. 

312. Longitudinal Analysis – Phân tích dọc. Nghiên cứu dân cư trải dài theo thời gian, khác với phân tích cắt ngang (cross-sectional analysis) được tiến hành tại một thời điểm. Phân tích dãy số thời gian (Time series analysis) - phương pháp phân tích số liệu thống kê về các quá trình đã diễn ra, được ghi chép theo các khoảng thời gian nối tiếp nhau nhằm dự báo tình hình trong tương lai và nghiên cứu tính chất của cùng một đối tượng hay cùng một nhóm người trong mẫu nghiên cứu trong một thời gian dài (panel study) là những ví dụ của phương pháp phân tích này.

No comments:

Post a Comment