Pages

January 23, 2021

Thuật ngữ chính trị (118)



277. Kitchen Cabinet – Nhóm cố vấn than cận của thủ tướng hay tổng thống. Nhóm cố vấn than cận của thủ tướng hay tổng thống thường hội họp một cách phi chính thức để quyết định chính sách của chính phủ. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên nhằm mô tả những cuộc họp ở nhà bếp Nhà Trắng giữa Tổng thống Andrew Jackson (Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ từ năm 1829-1837) và bạn bè của ông để thảo luận công việc của chính phủ. Thường xảy ra xung đột giữa những thành viên của Kitchen Cabinet, những người có khả năng gây ảnh hưởng đối với chính sách một cách phi chính thức và các bộ trưởng, những người chịu trách nhiệm tực tiếp và chính thức về các bộ của mình, nhưng lại cho rằng mình bị đứng ngoài quá trình ban hành quyết định.

278. Korean War – Chiến tranh Triều Tiên.  Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến giữa Bắc Triều Tiên (với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Liên Xô) và Nam Triều Tiên (với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, chủ yếu là từ Hoa Kỳ). Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 25 tháng 6 năm 1950 khi Bắc Triều Tiên (KPA) tấn công Nam Triều Tiên sau các cuộc đụng độ dọc biên giới và các cuộc nổi dậy ở miền nam và kết thúc một cách không chính thức vào ngày 27 tháng 7 năm 1953 trong một hiệp định đình chiến.

Từ đầu thế kỷ XX, Triều Tiên là một thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản. Sau khi Nhật Bản đầu hàng vào cuối Thế chiến II, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt ở vĩ tuyến 38 thành hai vùng chiếm đóng theo sự thỏa thuận của khối Đồng Minh. Liên Xô quản lý nửa phía Bắc và Mỹ quản lý nửa phía Nam. Năm 1948, do căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh, các khu vực chiếm đóng hình thành hai chính phủ riêng biệt. Một nhà nước xã hội chủ nghĩa được thành lập ở miền Bắc dưới sự lãnh đạo toàn trị của Kim Nhật Thành và một nhà nước tư bản ở miền Nam được thành lập dưới sự lãnh đạo độc tài của Lý Thừa Vãn. Cả hai chính phủ của hai quốc gia mới của Triều Tiên đều tuyên bố là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn bộ Triều Tiên và không chấp nhận biên giới giữa hai miền là vĩnh viễn.

Lực lượng quân đội nhân dân Triều Tiên đã vượt qua biên giới và tiến vào Nam Triều Tiên vào ngày 25 tháng 6 năm 1950. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án hành động của Bắc Triều Tiên, coi đây là cuộc xâm lược, đồng thời cho phép thành lập Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc và cử lực lượng tới Nam Triều Tiên nhằm chống lại hành động này. Các quyết định này của Liên Hợp Quốc được đưa ra mà không có sự đồng ý của Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cả hai nước này đều ủng hộ Bắc Triều Tiên. 21 quốc gia của Liên Hợp Quốc cuối cùng đã tham gia vào lực lượng của Liên Hợp Quốc, trong đó Hoa Kỳ cung cấp khoảng 90% lực lượng quân sự.

Sau hai tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh, Quân đội Nam Triều Tiên (ROKA) và lực lượng Hoa Kỳ nhanh chóng được điều động đến Nam Triều Tiên đã lâm vào cảnh gần như thất bại. Kết quả là ROKA và quân đội Hoa Kỳ rút lui về một khu vực nhỏ phía sau tuyến phòng thủ được gọi là Vành đai Pusan. Vào tháng 9 năm 1950, một cuộc đổ quân từ biển của Liên Hợp Quốc được phát động tại Incheon. Cuộc phản công này đã bao vây nhiều binh đoàn KPA không rút lui kịp về Bắc Triều Tiên. Những binh đoàn chạy thoát khỏi cuộc bao vây và bắt giữ bị buộc phải rút lui về phía bắc. Các lực lượng Liên Hợp Quốc xâm lược Bắc Triều Tiên vào tháng 10 năm 1950 và tiến nhanh về phía sông Áp Lục - biên giới với Trung Quốc - nhưng vào ngày 19 tháng 10 năm 1950, lực lượng Quân tình nguyện Trung Quốc (PVA) đã vượt qua sông Áp Lục và tham gia cuộc chiến. Sự can thiệp bất ngờ của Trung Quốc đã khiến các lực lượng Liên Hợp Quốc phải rút lui và các lực lượng Trung Quốc đã có mặt ở Nam Triều Tiên vào cuối tháng 12.

Trong các trận chiến đấy trong toàn bộ cuộc chiến tranh, Seoul đã bị đánh chiếm bốn lần, và các lực lượng Bắc Triều Tiên và Trung Quốc cuối cùng bị đẩy lùi về các vị trí xung quanh vĩ tuyến 38, gần nơi cuộc chiến bắt đầu. Sau khi mặt trận giữa hai bên ổn định, hai năm cuối cùng của cuộc chiến trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, không bên nào đạt được chiến thắng quan trọng. Tuy nhiên, cuộc chiến trên không thì chưa bao giờ bị lâm vào bế tắc như trên bộ. Bắc Triều Tiên là đối tượng của một chiến dịch ném bom rộng lớn của Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử, các máy bay chiến đấu phản lực đối đầu nhau trong các trận không chiến và các phi công Liên Xô đã bí mật tham gia các cuộc không chiến để bảo vệ đồng minh Bắc Triều Tiên của mình.

Cuộc chiến kết thúc vào ngày 27 tháng 7 năm 1953 khi Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết. Thỏa thuận này đã tạo ra Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ) để ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời cho phép trao trả tù nhân. Tuy nhiên, không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết và về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang ở tình trạng chiến tranh, hai bên coi như đang có một cuộc xung đột đóng bang. Vào tháng 4 năm 2018, các nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hàn Quốc đã gặp nhau tại DMZ và nhất trí sẽ đàm phán hiệp ước chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Chiến tranh Triều Tiên là một trong những cuộc xung đột có sức tàn phá khủng khiếp nhất ở châu Á trong thời kỳ hiện đại với khoảng 3 triệu người chế, số thường dân thiệt mạng có thể còn lớn hơn Chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến gây ra sự tàn phá ở hầu như tất cả các thành phố lớn của Triều Tiên, hàng nghìn vụ thảm sát của cả hai bên, bao gồm cả việc chính phủ Nam Triều Tiên giết hàng loạt vài chục nghìn người bị tình nghi là cộng sản, và Bắc Triều Tiên tra tấn và bỏ đói các tù binh chiến tranh. Bắc Triều Tiên trở thành một trong những quốc gia bị ném bom nặng nề nhất trong lịch sử.

279. Kulak vốn là từ để chỉ những người nông dân biết làm ăn và giàu có, nhưng dưới thời Stalin nó trở thành thuật ngữ để chỉ những người bóc lột sức lao động của nông dân và cần phải bị tiêu diệt “như một giai cấp” trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp trong những năm 1930. Kulak vốn là những người nông dân chăm chỉ và biết làm ăn, việc tiêu diệt họ đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho sản xuất nông nghiệp ở Liên Xô.    

1 comment: