Pages

January 19, 2021

Thuật ngữ chính trị (116)

 


269. Junta – Chế độ độc tài quân sự. Nguyên gốc tiếng Tây Ban Nha, hồi thế kỉ XVI, nghĩa là “hội đồng”, để chỉ các hội đồng cố vấn của chính phủ. Hiện nay, từ này có nghĩa là hội đồng quân nhân cai trị đất nước sau cuộc đảo chính quân sự. trước khi chính quyền hiến định được khôi phục. Ở Mĩ Latin, chế độ độc tài quân sự thường được những người cầm đầu lực lượng bộ binh, không quân và hải quân thành lập.

270. Jurisprudence -  Luật học. Luật Học là thuật ngữ để chỉ các ngành khoa học nghiên cứu về pháp luật. Một cách cụ thể hơn, các nhà luật học quan tâm đến việc tạo ra cách hiểu mang tính hệ thống bản chất của luật pháp cũng như quá trình phát triển của nó, trình bày những nguyên lí làm nền tảng hay phải là nền tảng của nó, trong đó có quan hệ với những thiết chế và thực hành khác, ví dụ, đạo đức, giải thích các thực hành bên trong của nó. “Luật” có thể là luật thực định (positive law), luật tự nhiên (natural law) hay thậm chí là tập hợp các quy định không nằm trong hệ thống luật pháp chính thức. Quan hệ giữa luật pháp (law) và luật học (jurisprudence) cũng tương tự như quan hệ giữ chính trị (politics) và lý thuyết chính trị (political theory).

271. Jury – Bồi thẩm đoàn (Lý thuyết). Nhóm người được giao trách nhiệm quyết định một lời tuyên bố nào đó có đúng hay không. Trong chế độ dân chủ Athens cố đại, bồi thẩm đoàn thường bao gồm 501, 1.001, hay 1.501 thành viên (số lẻ). Lúc đó, cũng như hiện nay, bồi thẩm đoàn được chọn một cách ngẫu nhiên (ít nhất là trên nguyên tắc). Condorcet là người đưa ra ý tưởng cho rằng người bị kết án phải được những người đồng bào của mình, được lựa chọn một cách ngẫu nhiên, quyết định là có tội hay không có tội. Lý thuyết về bồi thẩm đoàn của Condorcet nói rằng nếu mỗi thành viên bồi thẩm đoàn, tính trung bình, có xác suất cao là sẽ phán quyết đúng hơn là phán quyết sai, cho nên bản án do đa số ban hành là khả tín. Đa số 10 người so với 2 là đủ để nói rằng đa số là đúng. Lý thuyết bồi thẩm đoàn vẫn còn được nghiên cứu và áp dụng trong chính trị và những ngành khoa học xã hội khác.  

272. Justice – Công lý/Công bằng. Công lý trong lĩnh vực luật pháp là khái niệm về cân bằng đích thực: phiên tòa, trong đó, phải có sự cân bằng đích thực giữa khả năng của bên bị trong việc bảo vệ sự vô tội của mình và bên nguyên trong việc luận tội; một bản án chính xác thể hiện sự cân bằng giữa tội lỗi trước đó và phản ứng hiện thời. Trong lý thuyết chính trị, công bằng liên quan tới điều kiện trở thành thành viên của nhóm xã hội nào đó, cũng như việc phân chia trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên của nhóm.

272. Just War- Chiến tranh chính nghĩa. Khi nào, nếu quả thật có một lúc như thế, quốc gia có chính nghĩa khi tiến hành chiến tranh? Có phải chiến tranh luôn luôn là hành động bất hợp pháp và vô đạo đức, hay có thể chấp nhận được trong những điều kiện nhất định? Lời biện minh thích hợp – là jus ad bellum – để tham gia chiến tranh là gì? Lí thuyết về chiến tranh chính nghĩa do Thánh Augustine, Thánh Thomas Aquinas, Hugo Grotius và gần đây hơn, triết gia chính trị Michael Walzer xây dựng, khẳng định rằng, một số tiêu chí có thể làm cho quyết định tham gia chiến là chính đáng . Phải có lí do chính đáng (tự vệ hoặc bảo vệ người khác, hoặc chống lại vi phạm nhân quyền trên diện rộng) và tuyên bố về mục đích của một cơ quan có thẩm quyền (từ khi thành lập Liên Hợp Quốc, cơ quan có thẩm quyền được hiểu là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc). Các nhà lãnh đạo cần phải có mục đích đúng đắn, trong khi mong muốn chấm dứt những vụ lạm dụng và thiết lập nền hòa bình công bằng. Họ cũng cần phải sử dụng hết tất cả các khả năng khác nhằm chấm dứt các vụ lạm dụng, chỉ sử dụng chiến tranh như là biện pháp cuối cùng. Sau khi đảm bảo được các mục tiêu nhân đạo, các bên phải nhanh chóng rút lực lượng về. Nhưng, vì các quốc gia quyết định khởi chiến vì nhiều lí do khác nhau, đánh giá tính chính nghĩa của một nguyên nhân cụ thể hoặc ý định cụ thể là công việc không dễ dàng.

Truyền thống chiến tranh chính nghĩa nói tới những hành vi hợp pháp trong chiến tranh. Phải phân biệt giữa các chiến binh và những người không chiến đấu, người không chiến đấu phải được bảo vệ hết mức có thể. Bạo lực phải tương xứng với mục tiêu cần phải đạt. Các chiến binh phải tránh gây ra những đau khổ quá đáng cho con người và không được sử dụng vũ khí đặc biệt tàn bạo. Nhiều quy tắc của truyền thống chiến tranh chính nghĩa được mở rộng ra và được quy định trong bốn Công ước Genève 1949 và hai nghị định thư bổ sung được kí vào năm 1977. Những công ước và nghị định thư này được thiết kế nhằm bảo vệ thường dân, tù binh và thương binh, cũng như cấm một số biện pháp cụ thể của chiến tranh và một số vũ khí gây ra những đau khổ không đáng có.

Chiến tranh chính nghĩa là thông lệ vẫn đang phát triển. Các cuộc tranh luận trong giai đoạn hiện nay chủ yếu xoay quanh câu hỏi những công nghệ giết người mới hơn - vũ khí hạt nhân, mìn, bom chùm, vũ khí nhiệt áp và đặc biệt là máy bay không người lái tấn công - ảnh hưởng như thế nào tới đánh giá của chúng ta về hành vi đạo đức và luân lí trong chiến tranh. Quan tâm chính của các lí thuyết gia về chiến tranh chính nghĩa là sự kiện một số tiến bộ công nghệ làm cho khái niệm miễn trừ của người không tham gia chiến đấu, tức là bảo vệ tất cả thường dân, những người không cầm vũ khí và tù binh chiến tranh, và những đối tượng khác, trở thành rất khó khăn. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân được xem là vấn đề đáng quan tâm khi nói tới chiến tranh chính nghĩa vì hai lý do. Thứ nhất, như đã nhận xét bên trên, khác với hầu hết các loại vũ khí thông thường, không thể hạn chế tác động phá hủy của vũ khí hạt nhân trong thời gian và không gian. Mặc dù 110.000 người Nhật đã bị giết chỉ trong vài giờ sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, chính phủ Nhật Bản ước tính tổng số người thiệt mạng trực tiếp do vụ đánh bom, tính đến hôm nay, là hơn 250.000. Thứ hai, tiềm năng hủy diệt của vũ khí nhiệt hạch hiện nay đơn giản là vô tiền khoáng hậu. Không ai có thể nói chắc chắn việc tấn công và đáp trả bằng loại vũ khí này, dù đã được kiềm chế, sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với hệ sinh thái toàn cầu. Một cuộc tấn công và đáp trả tổng lực, trong đó hàng trăm vũ khí như thế được kích hoạt một cách có chủ ý, có thể tiêu diệt hoàn toàn đời sống trên trái đất, có thể phá hủy bầu khí quyển, hoặc đẩy trái đất vào “mùa đông hạt nhân” kéo dài. Như vậy, sự tương xứng giữa phương tiện và mục đích, trụ cột thứ hai của lí thuyết về chiến tranh chính nghĩa, bị vi phạm.

Các loại vũ khí khác cùng “bản chất sát thương không phân biệt” cũng bị lí thuyết về chiến tranh không chính nghĩa phê phán quyết liệt. Hai loại được chú ý đặc biệt, là mìn sát thương và bom chùm. Mặc dù ban đầu mìn bị coi là vũ khí hợp pháp, Chiến dịch quốc tế chống mìn sát thương (International Campaign to Ban Landmines - ICBL) đã thành công trong việc làm thay đổi nhận thức về những loại vũ khí này bằng cách nhấn mạnh – như với các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác - về khả năng gây thương vong, không hề phân biệt đối tượng. Liên minh chống bom chùm (Cluster Munitions Coalition) - liên minh của các tổ chức phi chính phủ hiện diện ở hơn 100 quốc gia - cũng áp dụng cách tiếp cận và phương pháp hoạt động vừa nói. Năm 2008, Công ước về Bom chùm (Convention on Cluster Munitions) đã được kí kết. Công ước này cấm sử dụng các loại vũ khí có khả năng cao trong việc giết và làm bị thương những người không chiến đấu và cung cấp những biện pháp hỗ trợ cho việc giúp đỡ nạn nhân và xử lý vũ khí còn sót lại.

Các chiến dịch chống sử dụng mìn sát thương và bom chùm phản ánh áp lực ngày càng tăng nhằm hạn chế hoặc loại bỏ việc sử dụng các loại vũ khí và biện pháp tiến hành chiến tranh khác nhau cho phù hợp với các quy tắc của chiến tranh chính nghĩa. Một cuộc tranh luận khác, diễn ra trong thời gian gần đây, xung quanh đạo đức và luân lí trong chiến tranh diễn ra xung quanh các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Ban đầu, loại máy bay này được sử dụng để theo dõi hình ảnh và tiếng động trên chiến trường mà không gây rủi ro cho phi công và không sợ bị mất các máy bay đắt tiền. Nhưng từ năm 2001, việc sử dụng máy bay không người lái đã gia tăng nhanh chóng. Nhiều máy bay không người lái trong kho của Mỹ được gắn tên lửa mà những người điều khiển cách xa hàng ngàn dặm vẫn có thể phóng và điều khiển cho bay tới mục tiêu. Từ năm 2004 đến 2015, chỉ riêng ở Pakistan đã có khoảng từ 2.476 đến 3.989 người bị giết và từ 1.158 tới 1.738 người bị thương trong các cuộc không kích bằng máy bay không người lái do CIA tiến hành. Trong số đó, khoảng từ 423 đến 965 người không phải là chiến binh, trong đó có từ 172 đến 207 trẻ em. Ở Yemen và Somalia số người chết do các vụ tấn công bằng máy bay loại này cũng gia tăng.

Có hai câu hỏi chính liên quan đến việc sử dụng máy bay không người lái trong một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Thứ nhất, có những biện pháp nào để đảm bảo chắc chắn rằng những kẻ bị coi là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay loại này thực sự phạm tội khủng bố hoặc gây thiệt hại cho nhân viên đồng minh? Hầu hết những người bị coi là mục tiêu đều không mặc quân phục, họ cũng không phải nhân viên chính thức của nhà nước nào. Qui trình nhận dạng mục tiêu của các cơ quan tình báo Mỹ cũng cần được công bố. Thứ hai, và có liên quan là, có thể biện hộ được cho những tác hsố ại do các cuộc tấn công bằng tên lửa không người lái gây ra hay không? Ví dụ, trong các con thống kê về Pakistan bên trên, từ 17% đến 24% người bị giết trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là những người không phải chiến binh.

1 comment: