322.
Incomes Policy – Chính sách thu nhập. Chính sách thu nhập
là chính sách kiểm soát tiền công và giá hang hóa, với mục đích chính là kiềm
chế lạm phát. Chính sách này sử dụng nhiều loại công cụ, từ những công cụ cứng
rắn như giá, lương, những chỉ dẫn chung để ấn định tiền công và giá, những quy
tắc pháp lý nhằm ngăn chặm thay đổi giá và tiền công, đến những công cụ mềm dẻo
hơn như hướng dẫn khuyến khích bằng thuế thu nhập. Nhiều chính phủ, trong nhiều
giai đoạn khác nhau đã thi hành những chính sách thu nhập nhằm kiềm chế là
phát, nhưng thành công thì ít mà thất bại thì nhiều và thành công, nếu có, cũng
chỉ trong ngắn hạn. Muốn kiềm chế lạm phát thì cần kiềm chế việc tăng cung tiền
và chi tiêu của chính phủ.
323.
Incrementalism – Thay đổi từng bước một. Thay đổi từng bước một
là mô hình của quá trình ban hành quyết định trong chính phủ, khẳng định rằng
quyết định thường được ban hành trên cơ sở những điều chính tương đối nhỏ. Mô
hình này do Charles Lindblom (1917-2018) đưa ra trong bài báo xuất bản năm 1959.
Mô hình thay đổi từng bước một nói rằng những người làm chính sách bắt đầu quá
trình ban hành chính sách không phải với mục tiêu lí tưởng ở trong đầu, mà bắt
đầu từ những chính sách hiện hành. Chỉ có một số lựa chọn được xem xét và thay
đổi thường diễn ra ở bên lề.
324.
Individualism – Chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân
chính trị - thường có nghĩa, tuy không chỉ có nghĩa – là niềm tin vào việc bảo
vệ các quyền của cá nhân nhằm chống lại sự xâm phạm của nhà nước hay quyền lực
chính trị nào đó.
Chủ nghĩa cá nhân là thuật
ngữ được sử dụng nhằm mô tả một cách nhìn nhận trên phương diện xã hội, chính
trị hoặc đạo đức trong đó nhấn mạnh đến lợi ích của mỗi cá nhân, sự độc lập của
con người và tầm quan trọng của tự do và tự lực của mỗi cá nhân. Những người
theo chủ nghĩa cá nhân chủ trương không hạn chế mục đích và ham muốn cá nhân. Họ
phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào lựa chọn của cá nhân - cho dù sự can thiệp
đó là của xã hội, nhà nước, hoặc bất kỳ một nhóm hay một thể chế nào khác. Chủ
nghĩa cá nhân do vậy đối lập với chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng, và chủ
nghĩa công xã, tức là đối lập với những chủ thuyết nhấn mạnh đến việc công xã,
nhóm, xã hội, chủng tộc, hoặc các mục đích quốc gia cần được đặt ưu tiên cao
hơn các mục đích của cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân cũng đối lập với quan điểm truyền
thống, tôn giáo, tức đối lập với bất cứ quan niệm nào cho rằng cần sử dụng các
chuẩn mực đạo đức hay luân lý ở bên ngoài, khách thể, nhằm hạn chế sự lựa chọn
hành động của cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân có mối
quan hệ phức tạp với chủ nghĩa vị kỷ (hiểu đơn giản là ích kỷ). Mặc dù một số người
xiển dương cá nhân chủ nghĩa cũng là những người vị kỉ. Họ khẳng định rằng các
cá nhân không có trách nhiệm ràng buộc nào đối với các áp đặt của xã hội (đạo đức);
họ quan niệm rằng các cá nhân cần được tự do lựa chọn theo đuổi cách sống ích kỷ
cũng như bất kỳ cách sống nào khác phù hợp với mong muốn của mình.
Trong triết học chính
trị, học thuyết cá nhân về nhà nước quan niệm rằng nhà nước cần giữ vai trò bảo
vệ quyền tự do hành động của mỗi cá nhân theo đúng mong muốn của cá nhân đó chừng
nào mà quyền tự do đó không động chạm đến quyền tự do của các cá nhân khác. Điều
này đối lập với các học thuyết tập thể về chính trị, mà theo các học thuyết này
thay vì để cá nhân theo đuổi mục đích của bản thân họ thì nhà nước đảm bảo cá
nhân phục vụ cho quyền lợi chung của xã hội.
Trên thực tế, những người
theo chủ nghĩa cá nhân chủ yếu quan tâm tới việc bảo vệ sự tự trị của mỗi cá
nhân trước những ràng buộc của các thể chế xã hội (như nhà nước) áp đặt lên.
Nhiều người theo chủ nghĩa cá nhân đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ quyền tự do của
thiểu số trước mong muốn của đa số và xem mỗi cá nhân là thiểu số nhỏ nhất.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa
cá nhân thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực và bị lên án trong một thời gian
dài.
bài viết rất hấp dẫn
ReplyDelete