Pages

December 23, 2020

Suy Tưởng (4)


 

Phần I - Toàn Cầu Hóa

3.  Toàn cầu hóa chênh lệch giàu nghèo

I. Toàn cầu hóa. Kinh tế thị trường và sự nghèo đói

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đối với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng. Cần phải khẳng định rằng toàn cầu hóa chỉ làm cho sự nghèo đói xuất hiện và được chú ý hơn, chứ không phải làm cho người ta nghèo đói hơn. Trước đây, khi tất cả mọi người đều nghèo đói, nhất là trong một thế giới ít thông tin, sự nghèo đói bị chìm đi. Thế nhưng, toàn cầu hóa, với luồng thông tin thông thoáng, đã khiến người ta cảm nhận rõ ràng hơn sự nghèo đói của mình trong mối tương phản với sự giàu có của những dân tộc khác. Cũng bởi thế mà một số người vội vã đổ lỗi cho toàn cầu hóa, quên mất rằng chính nó đã, đang và sẽ đem đến cho dân tộc mình rất nhiều cơ hội phát triển.

Toàn cầu hóa đã thổi vào các quốc gia một luồng sinh khí mới, hay ít ra, buộc các quốc gia, thêm một lần nữa, phải nhìn lại chính mình, phải xác định những mặt mạnh, mặt yếu của chính mình để tận dụng các cơ hội và đối mặt với những hiểm họa mà nó mang lại.

Hãy nhìn lại những diễn biến gần đây của thế giới để thấy rằng, sự luân chuyển mạnh mẽ dòng vốn giữa các quốc gia, quá trình chuyển giao công nghệ sôi động cùng với sự phổ biến các tiêu chuẩn về lao động và môi trường đã giúp và buộc các quốc gia, nhất là những nước thuộc thế giới thứ ba, cải thiện bức tranh kinh tế xã hội của mình như thế nào. Toàn cầu hóa có tác động quan trọng nhất là khai thác việc sử dụng một cách hiệu quả lợi thế so sánh của các quốc gia, và hơn thế nữa, nó giúp các quốc gia phát huy những lợi thế ấy. Dường như, lý thuyết về việc khai thác chi phí nhân công rẻ đã không còn tuyệt đối đúng và giữ nguyên màu sắc nguyên thủy của nó nữa. Trước đây, khi toàn cầu hóa còn ở mức thấp, các nước giàu chỉ khai thác lao động về mặt số lượng, hay nói khác đi, họ chỉ tận dụng những lao động cơ học, thay vì tạo điều kiện để tăng cường hàm lượng chất xám của nhưng lao động ấy. Ngày nay, toàn cầu hóa buộc các quốc gia phải tăng cường chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn hóa lao động của mình, phải đặt vấn đề về việc sử dụng lao động tù nhân lao động trẻ em... thay vì khai thác theo kiểu bóc lột như trước đây.

Toàn cầu hóa cũng đã làm thay đổi tư duy của mọi người về hoạt động đầu tư của các nước giàu. Trước đây, người ta nhìn nhận nó đơn thuần như một quá trình khai thác tài nguyên, mà kẻ hưởng lợi duy nhất là những nước đi đầu tư. Ngày nay, hoạt động này được công nhận như một quá trình hợp tác "win-win", đôi bên đều có lợi. Các nước đầu tư đã, đang và sẽ tái phân phối sự giàu có của mình, giúp các nước nghèo đói khai thác và chỉ cho họ cách thức để tạo ra sự giàu có cho riêng mình. Bên cạnh đó, các nước đầu tư cũng có thể mở rộng thị trường của mình qua việc làm cho một bộ phận dân cư ở các nước nhận đầu tư trở nên giàu có hơn, và do đó, có điều kiện tiêu dùng sản phẩm của mình. Cũng nhờ thế, quá trình này phần nào giúp các nước đang phát triển giải quyết vấn đề việc làm và gia tăng những điều kiện thuận lợi để thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ý thức về những ảnh hưởng tiêu cực mà toàn cầu hóa mang đến. Thứ nhất, toàn cầu hóa buộc các quốc gia phải đối mặt với những nguy cơ tụt hậu, nó cũng buộc các quốc gia phải chấp nhận thay đổi, mà đôi khi là những thay đổi đau đớn. Toàn cầu hóa sẽ chỉ ra những hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sẽ khiến các doanh nghiệp phải tham gia vào một cuộc chơi với những luật chơi khắc nghiệt, để hoặc tận hưởng những cơ hội mà nó mang lại, hoặc chấp nhận bị phá sản. Vì thế, nó sẽ kéo theo hệ quả thất nghiệp như là nguyên nhân của sự lan tràn các tệ nạn xã hội.

Thứ hai, toàn cầu hóa chỉ ra một cách rõ ràng sự lạc hậu của năng lực một dân tộc, năng lực doanh nghiệp và năng lực cá nhân. Hơn bất kỳ lúc nào, người ta sẽ phải đánh giá một cách sâu sắc về "tính có thể mua bán được" của những giá trị lao động của mình. 

Thứ ba, toàn cầu hóa cũng sẽ yêu cầu các quốc gia phải giải bài toán đánh đổi tăng trưởng về kinh tế với tính ổn định của chính trị và xã hội. Bởi nó thổi vào các quốc gia những luồng tư duy mới rất có thể gây ra những xáo trộn tạm thời. Ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nan giải của các quốc gia và của cả thế giới trước nhịp điệu phát triển vũ bão của khoa học công nghệ. Nhưng trên hết, dân chủ hóa đóng vai trò then chốt, bởi lẽ chỉ có dân chủ hóa mới cho phép chúng ta huy động tiềm năng sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội, hợp lý hóa đời sống kinh tế chính trị, tăng sức cạnh tranh và cuối cùng là sự phát triển bền vững.

Cũng tương tự như vậy, chúng ta phải nhận thức lại vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Xét về mặt xã hội học, sự chênh lệch giàu nghèo trở thành vấn đề xã hội thực sự và làm nảy sinh những vấn đề mang tính tâm lý tác động không tốt tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Điều này thể hiện qua việc xuất hiện và tồn tại tâm lý hằn học với sự giàu có, đố kỵ với những nhà kinh doanh, ác cảm với những người thành đạt không theo quan niệm truyền thống cũ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta đổ lỗi cho kinh tế thị trường, cho toàn cầu hóa hoặc tự do thương mại, coi đó như là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, buôn lậu, và các hành vi trục lợi hoặc tạo ra ưu thế và lợi ích cho người giàu, hạn chế và làm thiệt hại đến quyền lợi của người nghèo và là nguyên nhân khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng. Tâm lý tiêu cực này nảy sinh trên cơ sở nhận thức không đúng đắn về sự chênh lệch giàu nghèo. Nhận thức lại vấn đề sẽ giúp chúng ta hình thành tâm lý xã hội đúng đắn và chỉ có như vậy mới đưa ra được những biện pháp phù hợp để xoá đói giảm nghèo tiến tới thu hẹp khoảng cách phát triển vốn là hố sâu ngăn cách giữa nhiều quốc gia, nhiều cộng đồng đang cùng sống chung dưới một mái nhà thế giới.

Chúng ta cần nhận thức chênh lệch giàu nghèo là hiện tượng tất yếu của xã hội. Chúng ta không thể xoá bỏ được chênh lệch giàu nghèo bởi nó thể hiện kết quả của chênh lệch năng lực tự nhiên giữa các cá thể. Điều chúng ta có thể làm được là nâng cao mức sông của người nghèo thông qua việc nâng cao năng lực của chính họ. Chỉ có trên cơ sở đổi mới quan điểm như vậy chúng ta mới xây dựng được một tâm lý xã hội tích cực đối với vấn đề chênh lệch giàu nghèo. Đây cũng chính là tiền đề để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Chúng ta cũng cần đặt lại vấn đề về mối liên quan giữa chênh lệch giàu nghèo với toàn cầu hóa và kinh tế thị trường. Toàn cầu hóa, một lần nữa xin được nhấn mạnh, chưa bao giờ làm người ta nghèo đói hơn, mà chỉ làm cho vấn đề nghèo đói và khoảng cách giàu nghèo được ý thức một cách rõ ràng và đầy đủ hơn mà thôi. Cũng như vậy, kinh tế thị trường không phải là nguyên nhân của chênh lệch giàu nghèo, trái lại, những điều kiện mới này giúp người ta ý thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về sự nghèo đói. Còn hơn thế nữa, người giàu, trong chừng mực nào đó, còn là tấm gương, sự giàu có còn là mục tiêu để những người nghèo phải nỗ lực vươn lên. Sẽ hoàn toàn không quá đáng nếu chúng ta nói rằng toàn cầu hóa, kinh tê thị trường là cơ may để các dân tộc đang phát triển thoát khỏi nghèo đối.


II. Tiến tới một chương trình tổng thể và thực tiễn để vượt qua nghèo đói

\Trong một cuộc hội thảo về kinh tế tri thức được phát trên truyền hình, một bạn trẻ đặt câu hỏi, liệu anh ta có thể thoát khỏi nghèo đói không, nếu anh ta bán ruộng vườn, trâu bò, những thứ mà phần nhiều do cha ông để lại, để theo học lớp lập trình viên.

Có người đã trả lời rằng có thể. Câu chuyện này cho thấy tâm lý nóng vội muốn đốt cháy nhiều thứ để phát triển, nhưng cũng cho thấy cả sự phiến diện trong cách tư duy của chúng ta về một sự phát triển thực sự. Giàu có thịnh vượng không phải là một toà lâu đài đẹp được xây dựng chỉ sau một đêm như ước mơ của anh bạn trẻ nêu trên. Chúng ta không thể tư duy hời hợt như vậy bởi vấn đề phải được giải quyết trên quy mô quốc gia và quốc tế, trên cơ sở phối hợp các chính sách đã được phân tích và nghiên cứu thấu đáo

Một số người chủ trương rằng để giải quyết vấn đề nghèo đói tạo lập sự bình đẳng xã hội phải thực hiện nhiều hơn nữa các giải pháp ưu đãi người nghèo thông qua các biện pháp điều tiết thu nhập của nhà nước. Những giải pháp này còn có thể áp dụng trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam chưa bị ràng buộc quá khắt khe bởi những hiệp ước kinh tế song phương hoặc đa phương, tức là, khi nhà nước còn có không gian đủ tự do để sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất thông qua các hình thức ưu đãi cho người nghèo. Nhưng các hình thức ưu đãi như vậy không thể là giải pháp dài hạn. Về thực chất, đó chỉ là sự bố thí trên quy mô xã hội và sẽ không bao giờ cho phép chúng ta giải quyết dược cơ bản vấn đề nghèo đói. Hơn thế nữa, trong tương lai, khi tiến trình hội nhập kinh tế đạt đến quy mô và trình độ cao, nhiều hình thức ưu đãi sẽ không còn có thể áp dụng, bởi sẽ bị coi là trợ cấp thương mại, điều cấm kỵ trong xu thế tự do hóa thương mại.


Rõ ràng, chúng ta phải đi con đường khác để tìm ra những giải pháp cơ bản có thể xoá đói giảm nghèo phù hợp với các chuẩn mực quốc tế cũng như xu hướng phát triển của thời đại.

Theo chúng tôi, trên phương diện vĩ mô, chúng ta có thể tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, nâng cao năng lực cho người lao động đê họ có thể cạnh tranh thắng lợi, hoặc chí ít, giúp người lao động không bị thua thiệt trong quá trình toàn cầu hóa. Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập thương mại, cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn, trong khi năng lực tự nhiên của người lao động tại các nước nghèo lại nhanh chóng trở nên lạc hậu với yêu cầu của thị trường và rất dễ bị gạt ra bên lề của sự phát triển. Ngư lao động tại các nước nghèo như Việt Nam cần được nâng cao năng lực để tham gia vào quá trình hội nhập, đó mới là hạt nhân của chính sách xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển. Để làm được như vậy, đổi mới giáo dục - đào tạo phải là bước đi đầu tiên và tất yếu trong chiến lược xoá đói giảm nghèo. Vấn đề không chỉ ở chỗ nhiều người nghèo không có điều kiện tiếp cận hệ thống giáo dục - đào tạo, mà còn ở chỗ hệ thống giáo dục - đào tạo hiện nay quá xa rời thực tế thị trường lao động, không đảm bảo trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Vì thế, năng lực cạnh tranh cá nhân của họ vẫn rất yếu kém, khiến họ là những người đầu tiên thua thiệt trong cạnh tranh khi quá trình hội nhập ngày càng sâu sắc.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu một cách linh hoạt và thích hợp với đòi hỏi của thực tiễn trong quá trình hội nhập. Cần phải nói rằng chuyển dịch cơ cấu là quá trình tất yếu xảy ra trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chuyển dịch đến đâu, chuyển dịch như thế nào, chuyển dịch chất lượng lao động theo hướng nào là một vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn và nghiêm túc hơn.

Chẳng hạn, chúng ta luôn nói về việc phát triển các làng nghề mà quên mất rằng nghề ấy, hay làng nghề ấy cho ra những sản phẩm không còn những giá trị thị trường như trước nữa, và do đó, thị trường lao động ấy cũng không nên khuyến khích nữa. Chúng ta đã bàn nhiều về chuyển dịch lĩnh vực sản xuất, nhưng do những nghiên cứu nửa vời, chúng ta lại rơi vào tình trạng chuyển từ một lĩnh vực kém hiệu quả này sang một lĩnh vực kém hiệu quả khác. Kết quả là chúng ta đã nghèo lại còn nghèo hơn, vì việc đầu tư sai hướng đã gây lãng phí cả năng lực vật chất cũng như thời gian. Bởi vậy, vấn đề chuyển dịch cơ cấu không thể thực hiện bằng mọi giá mà cần được nghiên cứu một cách khoa học để tạo ra những thay đổi tích cực và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trong mọi trường hợp, chúng ta không được quy quá trình chuyển dịch cơ cấu đơn thuần về các đối tượng sản xuất, mà cần phải chuyển địch cơ cấu công nghệ, chuyển dịch cơ cấu quản lý và cả cơ cấu thị trường lao động. Nếu không, chuyển dịch cơ cấu có thể lại là sự thua thiệt của người nghèo và rốt cục, khoảng cách giàu nghèo không những không bị thu hẹp mà còn có nguy cơ mở rộng hơn.

Thứ ba, phát triển nông thôn như là hạt nhân của chiến lược xoá đói giảm nghèo. Với một quốc gia mà đa số người dân sống ở nông thôn như Việt Nam, khu vực nông thôn là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong chiến lược xoá đói giảm nghèo. Theo những số liệu chính thức, hiện còn quá nhiều người nông dân Việt Nam có mức sống dưới đô la/ ngày. Vì thế, nông thôn là địa bàn chính, phát triển nông thôn là một giải pháp cốt lõi, để xoá đói giảm nghèo. Nếu được đào tạo kỹ năng để chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, người lao động nông thôn sẽ không phải ra thành thị chỉ để làm các nghề nặng nhọc. Họ có thể xây dựng cuộc sống mới và hưởng thụ thành quả ngay trên mảnh đất quê hương bởi cuộc sống ở đây cũng cần phát triển để không bị tụt hậu so với nhịp phát triển chung trong một thế giới đang toàn cầu hóa mạnh mẽ.

Cuối cùng xây dựng đô thị giàu có và thịnh vượng, tạo động lực thúc đẩy cả nền kinh tê. Xoá đói giảm nghèo phải được đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế chung của một quốc gia. Các nước đang phát triển muốn cho nền kinh tế cất cánh, muốn đất nước phồn vinh, muốn xoá đói giảm nghèo phải có động lực đủ mạnh. Trên phương diện thị trường, khu vực đô thị giàu có với sức mua lớn sẽ kích thích sản xuất ở nông thôn, tạo lối ra cho sản phẩm và dịch vụ từ khu vực nông thôn, và do đó, có thể đẩy nhanh quá trình giảm nghèo cho nông dân hiện chiếm đại bộ phận cư dân cả nước. Chính vì thế, nếu chúng ta thành công trong việc giải bài toán tăng cường sức mua đô thị, bộ mặt của nông thôn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để tăng cường sức mua đô thị, chúng ta cũng nên có những thay đổi về chính sách thuế thu nhập. Hiện nay, chính sách thuế thu nhập của chúng ta ít nhiều mang tính chất "cào bằng", bỏ qua sự khác nhau giữa các khu vực địa lý, tức là bỏ qua những yếu tố địa kinh tế, mà quên mất rằng tiền cũng như nước, nó sẽ chảy từ nơi có cột nước cao đến nơi có cột nước thấp. Do đó, nếu chúng ta làm cho mức nước ở các đô thị thấp, thì sức nén đẩy tới những vùng xa xôi khác cũng sẽ thấp. Thành công của một số nước trong việc phát triển đô thị chỉ ra rằng, việc phát triển các đô thị lớn thành các trung tâm kinh tế giàu có và thịnh vượng sẽ đóng vai trò các đầu tầu tạo động lực thúc đẩy cả nền kinh tế cất cánh.

Qua tất cả những gì đã trình bày ở trên, chúng tôi muốn khẳng định rằng xoá đói giảm nghèo không phải là vấn đề của riêng người nghèo mà là của toàn xã hội. Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề không nằm ở chỗ tiếp tục khoét sâu khía cạnh tâm lý của việc phân biệt giàu nghèo, chia rẽ các lực lượng trong xã hội và đổ lỗi cho những lực lượng này hoặc lực lượng khác, mà ở chỗ nhận thức một cách khách quan và khoa học các quy luật và hiện tượng nhằm xây dựng những chiến lược phát triển phù hợp. Một chính sách thực tế và sáng suốt hơn để xoá đói giảm nghèo, trong bối cảnh hiện nay khi toàn cầu hóa đang ngày càng trở thành xu thế áp đảo trong mọi lĩnh vực đời sống phát triển phải là tăng cường hợp tác giữa các lực lượng, giữa các quốc gia, không kể giàu nghèo, đồng thời nâng cao mức sống tối thiểu cho người dân thông qua việc cải thiện năng lực phát triển của chính họ.


Mọi chương trình xoá đói giảm nghèo chỉ có thể thành công khi chính người nghèo trở thành chủ thể trong cuộc chiến chống đói nghèo.

 


1 comment: