Pages

October 24, 2020

Thuật ngữ chính trị (79)

 


252. Gaulism - Cuộc vận động chính trị, chính sách của Charles de Gaulle. Gaulism là phong trào chính trị gắn bó với Charles de Gaulle (1890-1970) và cuộc Kháng chiến chống phát xít Đức. De Gaulle khẳng định rằng chỉ có thể chế tổng thống mạnh mới có thể bảo vệ được chủ quyền của nước Pháp và nền độc lập của quốc gia, bảo đảm được sự đồng thuận và liên kết xã hội, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa. Đây cũng là nền tảng cho phong trào đối lập với nền Đệ tứ Cộng hòa. Có khá nhiều đảng theo đường lối của De Gaulle. 

 Serge Berstein (1934-) cho rằng, Gaullism “không phải là học thuyết, cũng không phải là hệ tư tưởng chính trị” và không thể được coi là Tả hay Hữu. Ông viết: “xét theo tiến trình lịch sử của nó, đây là thực thi quyền lực theo lối thực dụng, không tránh khỏi mâu thuẫn cũng như nhượng bộ trước đòi hỏi nhất thời”. Gaullism là “hiện tượng đặc biệt của Pháp, không nghi ngờ gì rằng đây là hiện tượng chính trị đặc thù của nước Pháp trong thế kỷ XX”.

 Lawrence D. Kritzman cho rằng Gaullism có thể được coi là tinh thần yêu nước của người Pháp. Ông này viết: “Trên phổ chính trị, Gaullism nằm bên phía cánh Hữu, nhưng phong trào này cam kết với những giá trị cộng hòa của cuộc Cách mạng, và do đó, đứng tách biệt với  những tham vọng đặc thù của cánh Hữu truyền thống và bài ngoại của nó. Gaullism coi như sứ mệnh của mình là củng cố chủ quyền và thống nhất quốc gia, hoàn toàn trái ngược với sự chia rẽ mà cánh Tả, bằng sự cam kết với  cuộc đấu tranh giai cấp, đã tạo ra trong xã hội”.

 253. GDP - Tổng sản phẩm nội địa. Tổng sản phẩm nội địa hay tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product) là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). GDP là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ nào đó. Đối với các đơn vị hành chính khác của Việt Nam, thuật ngữ được sử dụng ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Tổng sản phẩm trên địa bàn RGDP (Regional gross domestic product).

Có thể dùng phương pháp chi tiêu để tính GDP. Theo phương pháp này, tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia là tổng số tiền mà các hộ gia đình trong quốc gia đó chi để mua các hàng hóa cuối cùng. Như vậy trong một nền kinh tế giản đơn ta có thể dễ dàng tính tổng sản phẩm quốc nội như là tổng chi tiêu hàng hóa và dịch vụ cuối cùng hàng năm.

GDP (Y) là tổng của tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ (G) và cán cân thương mại (xuất khẩu ròng, X - M).

Y = C + I + G + (X - M)

Chú giải:

Tiêu dùng - consumption (C) bao gồm những khoản chi cho tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình về hàng hóa và dịch vụ. (xây nhà và mua nhà không được tính vào tiêu cùng mà được tính vào đầu tư tư nhân).

Đầu tư tư nhân - investment (I) là tổng đầu tư ở trong nước của tư nhân, bao gồm các khoản chi tiêu của doanh nghiệp về trang thiết bị và nhà xưởng hay xây dựng, mua nhà mới của hộ gia đình.

Chi tiêu của chính phủ - government purchases (G) bao gồm các khoản chi tiêu của chính phủ cho các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương như chi cho quốc phòng, luật pháp, đường sá, cầu cống, giáo dục, y tế,... Chi tiêu chính phủ không bao gồm các khoản chuyển giao thu nhập, ví dụ, các khoản trợ cấp cho người tàn tật, người nghèo...

Xuất khẩu ròng - net exports (NX) = Giá trị xuất khẩu (X) - Giá trị nhập khẩu (M).

Cũng có thể dùng hai phương pháp khác là: Phương pháp thu nhập hay phương pháp chi phí và Phương pháp giá trị gia tăng để tính GDP. Cả ba phương pháp đều cho kết quả như nhau. Ở Việt Nam GDP được tính toán bởi Tổng cục thống kê dựa trên cơ sở các báo cáo từ các đơn vị, tổ chức kinh tế cũng như báo cáo của các Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Người ta còn phân biệt GDP danh nghĩa và GDP thực tế. GDP danh nghĩa là tổng sản phẩm nội địa theo giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ cuối cùng tính theo giá hiện hành. Sản phẩm sản xuất ra trong thời kỳ nào thì lấy giá của thời kỳ đó. Do vậy, còn gọi là GDP theo giá hiện hành. GDP thực tế là tổng sản phẩm nội địa tính theo sản lượng hàng hoá và dịch vụ cuối cùng của năm nghiên cứu, còn giá cả tính theo năm gốc do đó còn gọi là GDP theo giá so sánh. Theo cách tính toán về tài chính-tiền tệ thì GDP thực tế là hiệu số của GDP tiềm năng trừ đi chỉ số lạm phát CPI trong cùng một khoảng thời gian dùng để tính toán chỉ số GDP.

GDP bình quân đầu người của một quốc gia hay vùng lãnh thổ tại một thời điểm nhất định là giá trị nhận được khi lấy GDP của quốc gia hay lãnh thổ này tại thời điểm đó chia cho dân số của nó cũng tại thời điểm đó.

GDP của các quốc gia khác nhau có thể so sánh bằng cách chuyển đổi giá trị của chúng (tính theo nội tệ) sang bằng một trong hai phương thức sau:

-          Tỷ giá hối đoái hiện tại: GDP được tính theo tỷ giá hối đoái thịnh hành trên các thị trường tiền tệ quốc tế.   

-          Ngang giá sức mua hối đoái: GDP được tính theo sự ngang giá của sức mua (tiếng Anh: purchasing power parity hay viết tắt: PPP) của mỗi loại tiền tệ tương đối theo một chuẩn chọn lựa (thông thường là đồng đôla Mỹ).

Thứ bậc tương đối của các quốc gia có thể lệch nhau nhiều giữa hai xu hướng tiếp cận kể trên.

Mặc dù GDP được sử dụng rộng rãi trong kinh tế, giá trị của nó như là một chỉ số vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi:

- Kết quả tính GDP theo các phương thức khác nhau làm người ta bối rối, nhất là khi so sánh xuyên quốc gia.   

- GDP, như một chỉ số về quy mô của nền kinh tế, nhưng lại không chuẩn xác trong đánh giá mức sống.

- GDP không tính đến kinh tế ngầm, kinh tế phi tiền tệ như kinh tế trao đổi, các công việc tình nguyện, chăm sóc trẻ em do các ông bố bà mẹ (không làm việc) đảm nhiệm hay sản xuất hàng hóa tại gia đình, giá trị của thời gian nghỉ ngơi và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tại các nước mà việc kinh doanh không chính thức chiếm phần đáng kể thì số liệu của GDP sẽ kém chính xác.

- GDP không tính đến tính hài hòa của phát triển. Ví dụ, một nước có thể có tốc độ tăng trưởng GDP cao do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

- GDP tính cả những công việc không đem lại lợi ích ròng và không tính đến những hiệu ứng tiêu cực. Ví dụ, một xí nghiệp làm tăng GDP nhưng gây ô nhiễm sông ngòi và người ta phải đầu tư để cải tạo lại môi trường. Việc này cũng làm tăng GDP.

 - GDP cũng không phản ánh trung thực sự phân chia lợi ích trong phạm vi đất nước. Có thể có những nhóm người không thu được lợi ích gì từ lợi ích kinh tế chung. GDP cao có thể là kết quả của một số người giàu có đem lại cho nền kinh tế trong khi phần lớn dân chúng sống dưới mức nghèo khổ.

Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng việc tìm một chỉ số khác thay thế GDP là rất khó.

 

1 comment: