Pages

October 8, 2020

Thuật ngữ chính trị (72)

 


230. Franco (ism) – Chủ nghĩa Franco. Francisco Franco Bahamonde (1892–1975) ra đời ở El Ferrol, Tây-Bắc Tây Ban Nha, trong một gia đình trung lưu, chuyên làm nghề hàng hải. Năm 1907, Franco vào Học viện quân sự Toledo và là học sinh trung bình. Năm 33 tuổi Franco trở thành vị tướng trẻ nhất châu Âu, tính từ thời Naloleon. Vì hành động đàn áp tàn bạo những người thợ mỏ ở Astarias năm 1934, cánh tả gọi ông ta là “đao phủ của Astorias”.

 Mặc dù là một người quá thận trọng, năm 1936, Franco không thể cầm đầu cuộc nổi loạn của cánh hữu nhằm chống lại Cộng hòa Tây ban Nha, nhưng ông ta đã nhanh chóng trở thành lãnh tụ của quân phiến loạn và tháng 9 năm 1936 được phong là “genelissimo” [Đại nguyên soái] của quân đội quốc gia và người đứng đầu nhà nước (mặc dù không cai trị Tây Ban Nha cho đến khi chế độ cộng hòa sụp đổ vào năm 1939).

 “Chủ nghĩa Franco” không phải là một ý thức hệ đặc biệt: Franco ủng hộ những giá trị của Công giáo và quân sự truyền thống, và là kẻ thù không đội chung với phái tự do, cánh tả, cũng như các lực lượng li khai. Chủ nghĩa Franco là thuật ngữ được sử dụng chủ yếu để chỉ chế độ Franco. Mặc dù chế độ này có một số đặc điểm của chế độ phát xít và khi mới thành lập đã được Hitler và Mussolini ủng hộ về mặt quân sự, nhưng đây là chế độ độc tài chứ không phải chế độ toàn trị.

 Nhà xã hội học Juan Linz đã chỉ ra những bằng chứng của “chủ nghĩa đa nguyên hạn chế” trong lòng chế độ này. Franco sử dụng chính sách chia để trị, dùng nhóm quyền lực này đối chọi với nhóm quyền lực khác và dung túng nạn tham nhũng tràn lan cho nên không bị giới ăn trên ngồi trốc phản đối. 

 231. Frankfurt school - Trường phái Frankfurt (tiếng Đức: Frankfurter Schule). Trường phái Frankfurt là trường phái lý thuyết xã hội tân Marxist, hình thành tại trường Đại học Frankfurt vào năm 1923, chạy sang Mĩ trong giai đoạn 1935-1953 và được Jürgen Habermas (1929-) đem lại sức sống mới khi ông giảng dạy tại trường đại học này. Trường phái này bao gồm những người theo chủ nghĩa Marx bất đồng chính kiến, cho rằng một vài người theo chủ nghĩa Marx đã bắt chước những ý tưởng của Marx một cách hạn hẹp, thường là để bảo vệ cho những đảng phái cộng sản chính thống.

 Dù đôi khi liên kết một cách lỏng lẻo, các lý thuyết gia của trường phái Frankfurt thường có chung một mô thức suy nghĩ, chia sẻ cùng những giả thuyết và quan tâm tới những vấn đề tương tự nhau. Nhằm lấp đầy khoảng trống của chủ nghĩa Marx truyền thống, họ cố gắng tìm câu trả lời từ những trường phái tư tưởng khác, sử dụng quan điểm của xã hội học phản thực chứng, phân tâm học, triết học hiện sinh và nhiều chuyên ngành khác. Các nhân vật chính của trường phái Frankfurt cố gắng học hỏi và tổng hợp các tác phẩm của rất nhiều nhà tư tưởng như Kant, Hegel, Marx, Freud, Weber và Lukács.

 Có thể định danh được nhiều chủ đề của trường phái này. Một trong số đó là liên kết chủ nghĩa Marx với phân tâp học để viết những tác phẩm phân tích mang tính phê phán. Trong các tác phẩm của phân tâm học của mình, Jürgen Habermas tìm kiếm tự do khỏi những biện pháp kiểm soát của lực lượng đàn áp – một mô hình của giải phóng. Việc ông tập trung vào ngôn ngữ đã làm nhiều người quan tâm tới hiện tượng “trao đổi thông tin bị bóp méo một cách có hệ thống”, đối đầu với “những hoàn cảnh trao đổi lý tưởng”, quan điểm đó giúp mọi người đều có thể tham gia thảo luận. Quan điểm này dẫn tới lý thuyết về “hành động trao đổi”, nhằm giúp những người tham gia thảo luận nhận thức rõ quan điểm của mỗi bên. “Khủng hoảng tính chính danh” là khái niệm quan trọng trong phân tích chủ nghĩa tư bản thời kì sau này. Habemas cho rằng những người cai trị có thể không có khả năng tạo ra sự đồng thuận và cam kết của những người bị trị.

232. Fraternity – Bác ái. Bác ái là một trong ba khẩu hiệu của Cách mạng Pháp và các chế độ kế tiếp nhau sau đó của nước này. Mặc dù hai giá trị kia (liberté - tự do và égalité - bình đẳng) là báu vật trong hệ tư tưởng của hầu hết nước phương Tây, bác ái ít khi được nhắc tới. Tư tưởng về tình huynh đệ, với hàm ý đời sống công cộng và sự ủng hộ và tôn trọng lẫn nhau, lại được thể hiện trong những tác phẩm tuyên truyền và ý thức hệ của xã hội cộng sản, hoặc trong các phong trào cánh tả quốc tế. Có lẽ đây là giá trị không rõ ràng bằng hai giá trị kia và chắc chắn là ít được bình luận và thể hiện trong các lý thuyết chính trị hoặc triết học. Lý do chính làm người ta ít nói tới nó có thể là, trong khi bình đẳng và tự do thực chất là quyền có tính tiêu cực – theo nghĩa là phủ nhận, không cho chính phủ hoặc những người khác quyền làm những việc nào đó, hoặc chí ít là buộc nhà nước, ví dụ, tạo ra bình đẳng, thì tình huynh đệ lại đòi hỏi những người bình thường phải có những hành động tích cực. Điều này không có nghĩa ám chỉ rằng lời kêu gọi đó sẽ không được hưởng ứng, mà chủ yếu là vì cơ cấu của các nước phương Tây, và bản chất của hệ tư tưởng của họ, là không hướng tới những giá trị như thế, mà hướng tới chủ nghĩa cá nhân và tự thỏa mãn theo lối duy lí, không tương thích với những đòi hỏi như thế. Đây là lời kêu gọi cách mạng, rất đẹp, nhưng là giá trị khó trở thành hiện thực trong các chế độ được thành lập sau Cách mạng Pháp. Hiện nay có thể coi đây là lời kêu gọi quay về với “cộng đồng”, và là một hậu quả của sự thất bại học thuyết chính trị tôn vinh tư lợi.

 

1 comment: