Pages

September 17, 2020

Thuật ngữ chính trị (63)

 


200. Falsifiability – Khả năng chứng minh được là sai/tính phản nghiệm.

 Trong triết học về khoa học, khả năng chứng minh được là sai hay khả năng bác bỏ được là chứng cớ thuyết phục rằng tuyên bố, lý thuyết hoặc giả thuyết mâu thuẫn với bằng chứng. Ví dụ, tuyên bố “Tất cả thiên nga đều trắng” là có khả năng bắc bỏ được/phản nghiệm được vì người ta có thể thấy có cả những con thiên nga đen.

 Tính phản nghiệm được triết gia về khoa học Karl Popper (1902-1994) trình bày trong tác phẩm Logik der Forschung (1934), năm 1959 được nhuận sắc và dịch sang tiếng Anh với nhan đề Logic của khám phá khoa học (The Logic of Scientific Discovery). Ông đề nghị coi đây là cơ sở để phân định một lý thuyết là khoa học hay phi khoa học.

 Popper ủng hộ khả năng chứng minh được là sai và dùng nó để chống lại khái niệm tương tự mang tính trực giác là khả năng có thể xác nhận . Trong khi muốn xác nhận tuyên bố “Tất cả thiên nga đều trắng” thì phải xem xét tất thiên nga trên trái đất, một việc làm bất khả thi, nhưng chỉ có một con thiên nga đen là đủ để nói rằng tuyên bố đó là sai.

 Theo cách hiểu này, một lý thuyết không thể kiểm tra và không để ngỏ cho việc bác bỏ hay xác nhận, nhưng lại bắt mọi người phải tuyệt đối tin tưởng thì không phải là lý thuyết khoa học mà giống như một lý thuyết tôn giáo.

 201. Fasism – Chủ nghĩa phát xít. Chủ nghĩa phát xít là hệ tư tưởng hay phong trào dân tộc chủ nghĩa cánh hữu với cơ cấu mang tính thang bậc và toàn trị, trái ngược hoàn toàn với chế độ dân chủ và chủ nghĩa tự do. 

 Thuật ngữ chủ nghĩa phát xít (Facsism) có xuất xứ từ từ “fasces” ở La Mã cổ đại, nghĩa là một bó gậy gỗ với chiếc rìu nhô ra ở giữa ra tượng trưng cho sự thống nhất và uy quyền, được Benito Mussolini sử dụng để gọi phong trào chính trị mới do ông ta lãnh đạo ở Ý trong những năm 1920 và giành được quyền lực vào năm 1923. Các các đảng phát xít quan trọng khác được thành lập trong giai đoạn giữa Thế chiến I và Thế chiến II là đảng phát xít ở Đức do Adolf Hitler lãnh đạo và ở Tây Ban Nha (phong trào Falangist) do Francisco Franco đứng đầu. Trước và trong Thế chiến II chính phủ phát xít cũng được dựng lên ở nhiều nước thuộc trung Âu. Tên đầy đủ của Đảng do Hitler lập ra, Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đức (National Socialist German Workers’ Party) cho thấy lời kêu gọi tình đoàn kết của giai cấp cần lao, mà bản chất chủ yều là dân túy chủ yếu, cũng là quan điểm chung của hầu hết các phong trào phát xít. (Người thành lập Liên minh Phát xít Anh (British Union of Fascists), Oswald Mosley, từng là thứ trưởng trong chính phủ Công đảng). Sau Thế chiến II, thuật ngữ này thường được dùng với tiếp đầu ngữ “neo” (Neo-fascism – tân phát xít) để mô tả những hiện tượng được coi là hậu duệ của phong trào này, cũng như một số phong trào ở các nước hậu cộng sản, ví dụ, phong trào Pamyat ở Nga.

 Hệ tư tưởng phát xít có những đặc điểm chính sau đây: Thứ nhất, nhất nguyên, nghĩa là được xây dựng trên quan niệm cho rằng có những chân lý nền tảng về nhân loại và môi trường không được nghi ngờ; thứ hai, đơn giản, nghĩa là cho rằng hiện tượng phức tạp đến đâu cũng chỉ có một nguyên nhân duy nhất và biện pháp sửa chữa duy nhất; thứ ba, chính thống, nghĩa là chia thế giới thành “tốt” hay “xấu”, không có cái trung gian; thứ tư, âm mưu, khẳng định rằng các nhóm thù địch đang tiến hành những âm mưu rộng khắp, trên toàn thế giới nhằm lèo lái quần chúng để giành hoặc giữ địa vị độc tôn.

 Chủ nghĩa phát xít gần như chắc chắn là phản ứng độc nhất vô nhị trước bối cảnh lịch sử cụ thể và như một nhãn hiệu, từ này hầu như không có chỗ đứng trong phạm trù chính trị đương đại. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ của người cấp tiến hiện nay, phát xít có thể là bất cứ người nào mà họ nghĩ là thuộc cánh hữu. Người ta cũng có thể sử dụng nhãn hiệu này để gán cho những người có quan điểm cực đoan, đặc biệt khi những người đó sử dụng ngôn từ mang tính bảo động hay bạo lực làm vũ khí chính trị. Do đó, đôi khi ta có thể nghe thấy có người nói “phát xít tả khuynh” cũng như “phát xít hữu khuynh”.

 

 

1 comment: