197. Falangism - (gốc Tây Ban Nha: Falangismo) – Phát xít. Falangism là phong trào phát xít Tây Ban Nha đã giúp đưa tướng Francisco Franco (1892-1975) lên cầm quyền ở Tây Ban Nha trong cuộc Nội chiến ở nước này (1936-1939), nhưng sau đó mất dần ảnh hưởng ngay trong lòng chế độ. Những phong trào sau này, với bản chất phát xít tương tự như thế cũng kèm theo định ngữ “falangist”: phong trào mạnh nhất hiện nay có tên là (Falange Kitô giáo) Christian Falange ở Lebanon.
Tương tự như chủ nghĩa dân túy, các phong trào này giống nhau ở một số khía cạnh nào đó, nhưng khó định nghĩa một cách chặt chẽ. Về cơ bản, thuật ngữ này dùng để ám chỉ phong trào xã hội và chính trị, trong đó truyền thống lịch sử và tư tưởng về đặc điểm hoặc số phận của dân tộc liên kết với những thủ đoạn của cánh hữu và độc tài để quản lí nhà nước. Quan trọng nhất trong những yếu tố truyền thống này là Giáo hội. Không chỉ phong trào Christian Falange ở Lebanon dựa vào Giáo hội, mà sự tán thành và ủng hộ đôi khi khá nhiệt tình của giới tăng lữ của giáo hội Công giáo La Mã ở Tây Ban Nha là yếu tố quan trọng sống còn cho chiến thắng của Franco. Phong trào mang tính dân túy vì mục tiêu của nó là được nhiều giai cấp ủng hộ, bản sắc tôn giáo và quốc gia được cho là quan trọng hơn hẳn những khác biệt về địa vị kinh tế. Tuy nhiên, trong khi chủ nghĩa dân túy có thể được cho là xuất phát từ giai cấp cần lao và chủ yếu dựa vào lực lượng lao động có tổ chức, Falange tập trung nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu, trong khi tìm kiếm sự ủng hộ của giai cấp cần lao, mà còn dựa vào các thiết chế, đặc biệt là Giáo hội, và không nói tới tái phân phối của cải, như chủ nghĩa dân túy và một số hình thức khác của chủ nghĩa phát xít. Do đó, nhiều người cho rằng Falangism, như một lực lượng chính tri, sẽ bị giảm sức mạnh khi được thế thục hóa.
198. Falkland war - Chiến tranh Falkland còn gọi là Xung đột Falkland, Khủng hoảng Falkland, Xung đột Malvinas, là cuộc chiến tranh kéo dài 10 tuần giữa Argentina và Anh Quốc để tranh giành quần đảo Falkland và vùng phụ thuộc của nó là Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich ở Nam Đại Tây Dương. Chiến tranh bắt đầu ngày 2 tháng 4 năm 1982, khi Argentina xâm nhập và chiếm đóng quần đảo Falkland và ngày hôm sau thì xâm nhập Nam Georgia. Ngày 5 tháng 4, chính phủ Anh đưa biệt đội hải quân giao chiến với Hải quân và Không quân Argentina, sau đó tấn công và đổ bộ lên quần đảo. Cuộc xung đột kéo dài trong 74 ngày, và kết thúc khi Argentina đầu hàng vào ngày 14 tháng 6 năm 1982, quần đảo trở lại dưới quyền kiểm soát của nước Anh. Tổng cộng, có 649 nhân viên quân sự Argentina, 255 nhân viên quân sự Anh và ba thường dân Falkland thiệt mạng trong những trận đánh ở đây.
Xung đột là tình tiết quan trọng trong cuộc tranh cãi lâu dài về chủ quyền ở những khu vực này. Argentina khẳng định rằng quần đảo là lãnh thổ của Argentina, và do đó, chính phủ Argentina mô tả hành động quân sự của họ là thu hồi lãnh thổ. Chính phủ Anh lại coi hành động này là một cuộc xâm lăng khu vực đã là thuộc địa của họ từ năm 1841. Phần lớn người dân sống ở Falkland từ đầu thế kỉ XIX là người gốc Anh và ủng hộ chủ quyền của Anh. Không nước nào tuyên bố chiến tranh, mặc dù cả hai chính phủ đều tuyên bố quần đảo này là khu vực chiến sự.
Xung đột ảnh hưởng lớn đển cả hai nước và là đề tài của nhiều cuốn sách, bài báo, phim, và ca khúc. Tình cảm ái quốc dâng cao tại Argentina, nhưng kết quả của cuộc chiến đã thúc đẩy những cuộc biểu tình quần chúng chống chính phủ quân sự, làm cho nó sụp đổ ngay sau đó. Ở Anh, chính phủ của Đảng Bảo thủ tái đắc cử vào năm sau.
Quan hệ ngoại giao giữa Anh và Argentina được khôi phục vào năm 1989 sau một cuộc họp tại Madrid, Tây Ban Nha, khi hai chính phủ cùng ra tuyên bố chung. Hai quốc gia không thay đổi lập trường của mình một cách rõ ràng đối với chủ quyền quần đảo Falkland. Năm 1994, yêu sách của Argentina đối với các lãnh thổ được đưa vào hiến pháp nước này.
199. False Consciousness - Ý thức sai lầm. Ý thức sai lầm là khái niệm có xuất xứ từ lý thuyết về ý thức hệ, và đặc biệt là từ những luận cứ về chủ đề này trong chủ nghĩa Marx. Thuật ngữ này nói tới tình trạng, trong đó, niềm tin, giá trị hoặc sở thích của người ta, bị coi là “sai”, nghĩa là không tự nhiên, mà do nền văn hóa hoặc xã hội của họ tạo ra. Ví dụ, xung đột giữa các công đoàn bên trong lực lượng lao động có thể được coi là ý thức sai lầm trên cơ sở cho rằng người lao động “phải” nhận thức được rằng thống nhất để đối đầu với giai cấp tư sản là “lợi ích thực sự” của tất cả người lao động. Tương tự, những người lao động giàu có cho rằng chính phủ có thể tăng các khoản thuế đánh vào họ để trả các khoản phúc lợi cho những người lao động nghèo hơn ít quan tâm tới quyền lợi của họ bằng chính phủ có thể giảm thuế cũng là những người có ý thức sai lầm, vì họ “phải” nhận thức được rằng tất cả mọi người lao động đều bị chủ nghĩa hội tư bản bóc lột. “Ý thức đúng đắn” sẽ buộc họ phải ủng hộ những người đồng nghiệp nghèo khó hơn. Rõ ràng, đây là khái niệm mang tính đánh giá và là khái niệm đòi hỏi phải có một lý thuyết có sức thuyết phục rất lớn để chống lưng cho nó. Nếu không, tất cả chúng ta có thể nói rằng bất cứ ước muốn nào của người khác cũng đếu là lợi ích “sai lầm” hay “giả dối”. Tuy nhiên, có những ví dụ rõ ràng về những người có ý thức sai lầm, đấy là những người tin rằng một số chính sách sẽ có lợi cho mình, trong khi thực ra là không; hoặc những người tin vào một số giá trị và có những thái độ mà người ta có thể dễ dàng tìm được căn nguyên là bị ý thức hệ hoặc phương tiện truyền thông lèo lái.
Khái niệm ý thức sai lầm có thể gây ra nguy hiểm là nó tạo điều kiện cho một số người áp đặt nhận thức “đúng đắn” cho những người khác. Chỉ có thể tránh được hiện tượng này nếu “đúng đắn” và “sai lầm” là hiển nhiên. Đấy là lý do vì sao chủ nghĩa Marx cần phải nhấn mạnh rằng nó chính là lý thuyết khoa học.
bài viết rất hay
ReplyDelete