Pages

August 4, 2020

Thuật ngữ chính trị (44)

 Political Dictionary – The Bridge

130. Divine right - Quyền lực thần thánh. Quyền thiêng liêng của các ông vua trong việc cai trị vương quốc của mình là học thuyết thần học và chính trị quan trọng ở châu Âu thời trung cổ, và các lí thuyết gia chính trị sau này như Bodin (1530 - 1596) và Hooker (1554 -1600), không nhiều thì ít, đều gắn bó với học thuyết này. Nó chống lưng cho quan điểm bảo hoàng trong giai đoạn nội chiến ở Anh (1642-1651), và cuối cùng đã bị những lực lượng của Nghị viện trong cuộc chiến tranh này hủy bỏ. Học thuyết này – có ích cho cả Giáo hội lẫn chế độ quân chủ - được người ta phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của giáo hội và các vương triều châu Âu để họ có thể kí kết giao ước về địa của mỗi bên trong quan hệ với nhau. Trong khi ý thức hệ của vương triều được Giáo hội bảo vệ, thì các ông vua cũng phải dùng lực lượng vật chất để bảo vệ và ủng hộ Giáo hội Công giáo La Mã và giáo lý, và để cho Giáo hoàng và các giám mục của Ngài toàn quyền cai quản lĩnh vực tôn giáo và đạo đức.

Học thuyết này có xuất xứ từ nhiều nguồn thần học và lí do chính trị khác nhau, nhưng nó không phải là quá khác thường, vì quyền lực chính trị và vai trò tôn giáo thường song hành với nhau. Thật vậy, trước phiên bản của châu Âu thời trung cổ, đã có tiền lệ, đấy là các hoàng đế La Mã, thời kỳ đầu vừa là Chúa trời vừa là người cai trị, trong khi thủ lĩnh các bộ lạc thời cổ đại vừa là người đứng đầu bộ lạc vừa là chủ tế trong những buổi tế trời đất, là ví dụ điển hình cho việc chính trị cần được hậu thuẫn về mặt tinh thần. Chỉ sau khi bị đánh bại trong Thế chiến II, Hoàng đế Nhật Bản mới từ bỏ địa vị Thiên hoàng. Vấn đề đơn giản là rất khó biện minh cho việc một người nào đó có quyền cai trị người khác, và trong những xã hội có tôn giáo, với một Giáo hội thống nhất và đầy sức mạnh, nắm được những biểu tượng quan trọng về đời sống vĩnh hằng hay đọa địa ngục, thì chỉ có một ý thức hệ duy nhất là gắn mục đích của Chúa Trời với con người.

131. Division of Labour – Phân công lao động. Phân công lao động là hệ thống khác hẳn với nghề thủ công hoặc lãnh đạo chính trị và xã hội một cách chung chung. Đây là hệ thống chia tách công việc thành những phần khác nhau và giao cho một số người hay bộ phận khác nhau thực hiện. Ví dụ, trong xí nghiệp sản xuất hiện đại, không chỉ sản xuất xe ô tô, mà thậm chí đơn giản là sản xuất một cái bút, công việc cũng có thể chia thành hàng trăm nhiệm vụ rất nhỏ, nhiều người làm đi làm lại cùng một nhiệm vụ mà không ai thực sự làm ra cả cái bút. Nhiều lí thuyết gia xã hội, đặc biệt là Durkheim và Marx, nhất là Marx, trong lí thuyết về sự tha hóa của mình, đã gán cho phân công lao động vai trò quan trọng, coi đấy là nguyên nhân của quá trình phát triển xã hội. Mặc dù phân công lao động là thành tố quyết định năng suất lao động trong kinh tế hiện đại, hai lí thuyết gia này cho rằng nó tạo ra ảnh hưởng rất tiêu cực tới sự tự tin của con người và quan hệ giữa người với người. Nhưng, trong các lí thuyết khác, phân công lao động được coi là khía cạnh cần cho phát triển và hiện đại hóa, và khi dùng trong lĩnh vực chính trị, phân công lao động được coi gần như là yếu tố quyết định của những lí thuyết về phát triển chính trị và hiện đại hóa về chính trị. Trên thực tế, phân chia nhiệm vụ sản xuất dường như là thành phần không thể thiếu đối với tất cả các xã hội mà ta từng biết, mặc dù trong các xã hội nguyên thủy, việc phân công nhiệm vụ thường dựa trên cơ sở giới tính. Lí thuyết chính trị đầu tiên phương Tây cho rằng tất cả các nền kinh tế vượt qua giai đoạn kiếm sống qua ngày đều đòi hỏi rằng mỗi công việc đều phải do những con cụ thể làm việc toàn thời gian, và lí thuyết của cả Plato lẫn Aristotle dựa vào hình thức tổ chức này.

132. Doomsday – Ngày tận thế. Ý tưởng về cỗ máy ngày tận thế là một bài tập trí tuệ trong tư duy chiến lược hiện đại, được sử dụng để làm rõ những điểm nhất định trong lí thuyết về chiến tranh hạt nhân. Cỗ máy ngày tận thế là một siêu bom tự kích hoạt nếu đất nước chế tạo ra nó bị một vụ tấn công hạt nhân nghiêm trọng. Tên gọi của quả bom này đã cho thấy, nó có sức hủy diệt mạnh đến nỗi sẽ xóa sổ hoàn toàn quốc gia xâm lược (cũng như tất cả những nước khác). Mục đích là chắc chắn sẽ hủy diệt hoàn toàn cả hai phía, do đó cỗ máy ngày tận thế làm cho không nước nào dám mạo hiểm gây ra chiến tranh hạt nhân.

Mặc dù rõ ràng là vô lý (bất khả thi về công nghệ), khái niệm này là thành tố mang tính giới hạn trong lí thuyết răn đe. Một số đề xuất đã tiền gần tới những giới hạn này. Ví dụ, đề xuất về việc kiểm soát hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Hoa Kỳ. Vấn đề liên lạc với hậm đội tàu ngầm, nhất là sau khi cuộc tấn công có thể xóa sổ các trung tâm chỉ huy và kiểm soát quốc gia, luôn luôn làm cho các nhà lập kế hoạch lo lắng. Có gợi ý nói rằng phải liên tục truyền tín hiệu tới những tàu ngầm này, khi không còn tín hiệu thì thuyền trưởng sẽ tự động khởi động cuộc tấn công kẻ thù (khi ý tưởng này được đưa ra, kẻ thù là Liên Xô). Cuộc tấn công trả đũa là tự động, cho nên tác động của nó sẽ gần giống với ngày tận thế. Thuật ngữ này trở thành phổ biến là do bộ phim Dr Strangelove, tác phẩm châm biếm chua cay về chiến lược hạt nhân.

133. Domestic analogy - Tương tự trong nước. Tương tự trong nước là ý tưởng cho rằng quan hệ giữ các quốc gia trong hệ thống quốc tế vô chính phủ cũng chẳng khác gì quan hệ giữa các cá nhân trong tình trạng tự nhiên. Tương tự trong nước được sử dụng khi người ta giải thích cuộc xâm lược, cho rằng đấy chẳng khác gì vụ cướp bóc có vũ trang hoặc giết người trên trường quốc tế. Người có thể nhìn các vấn đề quốc tế như xã hội loài người mà không có cảnh sát, và mọi cuộc xung đột đều đe dọa làm sụp đổ toàn bộ cấu trúc. Quan niệm này tạo điều kiện cho người ta áp dụng các lí thuyết về khế ước xã hội cho quan hệ giữa các quốc gia và phát triển xã hội quốc tế.

1 comment: