Pages

August 21, 2020

CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN CỦA VIỆT NAM: QUYỀN LỰC VÀ NHỮNG GIỚI HẠN CỦA Ý THỨC HỆ (4)

 

Vũ Tường

 

Nguyễn Trung Kiên dịch

 Chương trình của ĐCSVN cam kết ngắn gọn, mà không cần chi tiết hơn, đó là: “thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng ruộng đất để tiến lên chủ nghĩa cộng sản”.[123] Công thức mới này ngắn gọn và thô sơ, nhưng về cơ bản nó không mâu thuẫn với khái niệm “cuộc cách mạng hai giai đoạn” mà ĐCSĐD đã ủng hộ từ trước đó. Theo biên bản cuộc họp, ĐCSĐD bị chỉ trích vì quá hạn chế trong chính sách kết nạp đảng viên, tổ chức “như một nhóm xa cách quần chúng”, và gây ra việc giải tán Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đảng (VNTNCMĐ) và Đảng Tân Việt theo chính sách của Quốc tế Cộng sản (QTCS).[124] Đáng chú ý là, những lời chỉ trích đó dựa trên chính sách của QTCS và chủ yếu nhắm vào hoạt động tổ chức của ĐCSĐD, chứ không phải tầm nhìn ý thức hệ của nó.[125]

 Trong việc sửa chữa những sai sót của ĐCSĐD, ĐCSVN xác định kẻ thù chính của cách mạng hẹp hơn, chỉ gồm đế quốc và địa chủ lớn. Động thái này cho thấy một chiến lược linh hoạt, nhưng không phải là một sự thay đổi trong thế giới quan như bản tuyên bố chiến lược của ĐCSVN tại cuộc họp này nói rõ. [126] Trong văn kiện này, ĐCSVN tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để thiết lập các liên minh với những giai tầng khác, bao gồm cả giai cấp tư sản, nông dân, trí thức và trung nông, để thu hút sự ủng hộ của họ đối với giai cấp vô sản. ĐCSVN cũng sẽ cố gắng “lợi dụng” phú nông, tiểu địa chủ, trung địa chủ, và các nhà tư sản Việt Nam chưa bộc lộ “khuynh hướng phản cách mạng”. Nhưng rõ ràng có những giới hạn cho mọi liên minh giai cấp, mặc dù đã có sự linh hoạt mới:

 “Trong khi liên minh với các giai cấp khác, [chúng ta] phải cẩn thận không làm tổn hại đến bất kỳ quyền lợi nào của công nhân và nông dân; trong khi ủng hộ nền độc lập của An Nam, [chúng ta cần] đồng thời chủ trương và duy trì liên minh với các quốc gia bị áp bức khác và với giai cấp vô sản trên thế giới, đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp”.[127]

 Nói cách khác, ĐCSVN mới vẫn duy trì lòng trung thành giáo điều trong khi linh hoạt và thực dụng hơn trong các chiến lược liên minh giai cấp. Hợp tác với các tầng lớp khác ngoài công nhân và nông dân nghèo hoàn toàn là một mục đích chính trị, chứ không phải là sự đoàn kết dựa trên một bản sắc Việt Nam chung. Chương trình của ĐCSVN không đi ngược lại nghị quyết của Đại hội Thế giới lần VI của QTCS vào năm 1928, và Nguyễn Ái Quốc đang đóng vai trò là người trung thành thực hiện chính sách của ĐCSVN vào thời điểm này, ngay cả khi không có sự ủy quyền cụ thể của QTCS và không biết rằng các nhà lãnh đạo của QTCS đã trở nên tả khuynh hơn trong Hội nghị toàn thể lần thứ X của Ban Chấp hành QTCS vào tháng 7 năm 1929.[128] Với một chương trình rất ngắn gọn và không có lãnh đạo, ĐCSVN dường như đã được tạo ra hệt như một hiệp định đình chiến tạm thời mà các chi tiết vẫn còn để ngỏ cho các bên liên quan đàm phán thêm.

 Tin tức về những tranh chấp giữa ĐCSVN và VNTNCMĐ có thể đã đến Moscow cùng lúc với thời điểm Quốc ở Xiêm La. Cuối năm 1929, khi Quốc đang trên đường từ Xiêm La đến Hồng Kông, một cuộc họp của các quan chức QTCS tại Mátxcơva đã được tiến hành và ra lệnh cho các nhóm cộng sản Đông Dương đối địch thành lập một đảng cộng sản.[127] Quốc không biết gì về cuộc họp này. Trong các ghi chú của cuộc họp còn lưu trữ lại, Moscow ca ngợi VNTNCMĐ đã theo kịp chính sách mới của QTCS nhưng cũng chỉ trích tổ chức này đã mắc nhiều sai lầm trong chiến lược và tổ chức. [128] Những lời khen và chê đều nhắm vào chủ trương của các nhà lãnh đạo VNTNCMĐ vào tháng 5 năm 1929.[129] Không có lời chỉ trích cụ thể nào được đưa ra đối với Nguyễn Ái Quốc, người đã không lãnh đạo VNTNCMĐ từ giữa năm 1928. Đây là bằng chứng quan trọng cho thấy Quốc không bị mất địa vị tại QTCS.

Có hai sinh viên Việt Nam tham dự cuộc họp của Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Đó là Trần Phú và Ngô Đức Trì, hai cựu đảng viên của VNTNCMĐ do Quốc đào tạo và cử đi học ở Mátxcơva năm 1927. Sau cuộc họp, Phú và Trì rời Mátxcơva về Đông Dương với chỉ thị hợp nhất các nhóm cộng sản Việt Nam ở đó. Khi họ đến Hồng Kông, cuộc họp thống nhất mà Quốc triệu tập đã diễn ra.[130] Tuy nhiên, Phú và Trì dường như không được QTCS ủy quyền thay thế Quốc. Khi họ cuối cùng gặp nhau tại Hồng Kông vào tháng 3 năm 1930, Quốc có đủ thẩm quyền để gửi Trần Phú đi hoạt động tại Hà Nội và Ngô Đức Trì đi hoạt động tại Sài Gòn.[131] Sau đó, trong tháng 3 và tháng 4 năm 1930, Quốc đã được ủy quyền bởi Cục Phương Đông của QTCS có trụ sở tại Thượng Hải để chủ trì việc thành lập Đảng Cộng sản Xiêm tại Bangkok và các hội nghị Đảng Cộng sản Mã Lai tại Singapore. Theo quan điểm truyền thống, Phú được miêu tả là đang đặt ra thách thức đối với sự lãnh đạo của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam của Quốc. Điều này sẽ không có ý nghĩa nếu Quốc chỉ xem vai trò của mình như một đại diện của QTCS mà không phải là lãnh đạo của ĐCSVN. Những sự kiện này gợi ý rằng Phú và Trì chấp nhận thẩm quyền Quốc như là một đại diện của QTCS, trong khi Quốc công nhận họ là các lãnh tụ của ĐCSVN do QTCS ủy nhiệm. Nói cách khác, không có sự cạnh tranh quyền lực nào giữa họ, chỉ có sự phân chia vai trò và nhiệm vụ được chấp nhận lẫn nhau.

 Cùng nhau, Quốc, Phú và Trì đã triệu tập cuộc họp mà sau này gọi là Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của ĐCSVN tại Hồng Kông vào tháng 10 năm 1930. Cuộc họp này, cũng có sự tham dự của một số đại diện từ Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh vô cùng biến động của tình hình tại Việt Nam. Tháng 2 năm 1930, ngay sau cuộc họp thống nhất các đảng cộng sản, cuộc khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ ở miền Bắc Việt Nam, do Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) lãnh đạo. Những người nổi dậy đã cố gắng giành quyền kiểm soát một số đồn trú của Pháp ở đồng bằng sông Hồng, và họ đã thành công trong một thời gian ngắn tại thị xã Yên Bái, trước khi bị nghiền nát một cách tàn bạo. Mười ba lãnh đạo của VNQDĐ bị xử chém vào tháng 6 năm 1930 và hàng nghìn đảng viên của họ bị bỏ tù. Sau đó, tình trạng bất ổn đã lan đến Nghệ An và Hà Tĩnh ở miền Trung Việt Nam - lần này do các đảng viên của VNTNCMĐ hoặc ĐCSĐD tại địa phương lãnh đạo. Phong trào ở đó bắt đầu bằng một cuộc bãi công của công nhân thành phố Vinh vào ngày 1 tháng 5 và nhanh chóng tràn ngập các vùng nông thôn và các tỉnh lân cận.[132] Hàng nghìn nông dân tuần hành, tấn công các tòa nhà của chính quyền, và trong một số trường hợp, hành quyết các quan chức địa phương và quan chức Pháp. Ở một số huyện và làng xã, nông dân thậm chí còn thành lập “chính quyền Xô-viết” để giết địa chủ và chiếm đoạt đất đai của họ. Chính quyền thuộc địa đã đáp trả bằng vũ lực, nhưng phải mất gần một năm phong trào mới bị dập tắt.

 Mặc dù ĐCSVN chưa có cơ quan lãnh đạo trung ương và không đóng vai trò trực tiếp nào đối với phong trào Xô-viết Nghệ-Tĩnh, nhưng các sự kiện đã xuất hiện để khẳng định những phân tích mới của Đảng về tình hình thế giới kể từ năm 1928. “Luận cương chính trị” của Trần Phú trình bày tại Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 10 năm 1930 hoàn toàn thông qua phân tích đó. Thế giới được cho là đã bước sang một thời kỳ mới vào năm 1928 với cuộc khủng hoảng kinh tế trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, mối đe dọa của chiến tranh đế quốc và triển vọng tươi sáng của phong trào công nhân trên toàn thế giới.[133] Theo Phú, tình trạng bất ổn lớn ở Đông Dương trong tám tháng trước đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc cách mạng ở đó đã “tiến lên cùng một nhịp điệu rầm rộ” với cách mạng thế giới.[134] Phú vui mừng thấy rằng phong trào công nhân và nông dân Việt Nam giờ đã tự vươn lên và không còn bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân tộc như trước.

 Phú trình bày khái niệm “cuộc cách mạng hai giai đoạn” một cách cập nhật và công phu nhất cho đến thời điểm đó. Sự lạc hậu của Đông Dương sẽ không cho phép xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay lập tức, vì vậy cuộc cách mạng ở đó phải bắt đầu bằng giai đoạn dân chủ tư sản. Thành công của giai đoạn này sẽ thúc đẩy sự lớn mạnh và sức mạnh của giai cấp vô sản, chuẩn bị cho Đông Dương tiến tới giai đoạn tiếp theo của “cuộc cách mạng vô sản”. Như Phú tưởng tượng, lúc đó cách mạng vô sản sẽ có thể thực hiện được vì “[đó] là thời đại cách mạng vô sản toàn thế giới và thời đại xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Đông Dương sẽ nhận được sự trợ giúp của các chính phủ vô sản ở các nước khác để phát triển chủ nghĩa xã hội mà không cần phải trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa trước”.[135]

 Theo Phú, giai đoạn dân chủ tư sản có hai nhiệm vụ phụ thuộc lẫn nhau là ‘phản phong’ và ‘phản đế’. Nhiệm vụ này không thể hoàn thành được nếu không thực hiện nhiệm vụ kia. Về chính sách ruộng đất, chương trình của Phú có lập trường giai cấp sắc nét hơn chương trình trước đó của Nguyễn Ái Quốc. Quốc hứa sẽ phân phối lại đất đai từ các chủ sở hữu người Pháp cho “nông dân nghèo”.[136] Luận điểm của Phú đề xuất lấy đất không chỉ của địa chủ nước ngoài mà còn của địa chủ bản xứ và từ nhà thờ, để phân phối lại cho “nông dân trung lưu và nghèo, với quyền sở hữu do chính phủ nắm”.[137] Sự khác biệt ở đây là về chiến lược vận động: Quốc muốn vận động địa chủ nhỏ bản xứ và giới tư sản bản xứ, trong khi Phú coi họ là kẻ thù của cách mạng ngay cả trong giai đoạn dân chủ tư sản.[138] Phú cũng nói rõ lần đầu tiên rằng đất phải được sở hữu toàn dân.

 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này tuyên bố bãi bỏ Chương trình, Tuyên bố Chiến lược và Điều lệ của ĐCSVN do Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc triệu tập tám tháng trước đó.[139] Hội nghị toàn thể cũng đổi tên Đảng từ Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, và bầu Phú làm tổng bí thư. Đáng chú ý là, mặc dù luận cương của Phú đề xuất một chương trình mới phù hợp hơn với chính sách mới nhất của QTCS, nó không trực tiếp chỉ trích chương trình của ĐCSVN. Những chỉ trích như vậy chỉ được nêu ra trong nghị quyết được ban hành sau cuộc họp. Nghị quyết này đã nghiên cứu sâu về những sai lầm về chiến lược và về tổ chức đã mắc phải trong chương trình đó [của Quốc]. Theo nghị quyết, những sai lầm chỉ ra rằng ĐCSVN đã “quá bận tâm với nhiệm vụ ‘phản đế’ mà bỏ quên các lợi ích giai cấp”.[140] Một lá thư của Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng gửi cho các đảng viên vào tháng 12 năm 1930 giải thích rằng những sai lầm trong chương trình của ĐCSVN đã xảy ra do đồng chí triệu tập đại hội hợp nhất đã được cử đi [sang Hồng Kông] với sự phân công rộng rãi nhưng không nhận được bất kỳ kế hoạch cụ thể nào từ QTCS [để thống nhất]. Khi đồng chí ấy đến và biết về những tranh chấp..., đồng chí đã tự mình hành động. Nhiều sai lầm đã hình thành, và chính sách đã không tuân theo kế hoạch của QTCS. Kể từ đó, đồng chí đã thừa nhận những sai lầm đó và đồng ý với Ban Chấp hành Trung ương [của Đảng] để sửa chữa chúng”. [141]

 Phần trích dẫn này ít tính mang tính phê bình mà chủ yếu là để giải thích cho các đảng viên không có mặt tại Hội nghị toàn thể đang bị bối rối. Quốc không bị nêu tên, và dường như ông không bị buộc phải sửa chữa những “sai lầm” của mình. Việc Trần Phú lên làm tổng bí thư cũng không có nghĩa là Quốc mất đi quyền lực đối với chủ nghĩa cộng sản Việt Nam hay “thẩm quyền giải thích chính sách của QTC đối với Việt Nam” như Huỳnh Kim Khánh và Quinn-Judge lập luận.[142] Có một thực tế là Quốc đã không cố gắng tự cho mình là người đứng đầu ĐCSVN tại cuộc họp thống nhất; không có sự cạnh tranh quyền lực nào xảy ra, và Quốc cũng không mất vị thế của mình tại QTCS. Chúng tôi không biết ông thực sự nghĩ gì về chính sách mới của QTCS, nhưng Quốc luôn luôn, kể cả tại cuộc họp thống nhất, sẵn sàng tuân theo hướng dẫn của QTCS, và không có lý do gì để mong đợi ông không làm như vậy trong hoàn cảnh này. Như phần trích dẫn này ngụ ý, các đồng chí của ông hiểu rõ tình huống mà “sai lầm” đã phạm phải. Cụ thể, chúng bị mắc phải bởi Quốc đã không còn liên lạc với Moscow, chứ không phải vì ông không tuân theo chính sách mới của QTCS mà ông vẫn chưa kịp tiếp thu.

 “Luận Cương Chính Trị” của Trần Phú sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến tư duy của các nhà cộng sản Việt Nam, mặc dù ông sẽ sớm qua đời trong khi bị bắt. Trong Luận cương, khái niệm cách mạng của Lenin đã được phát triển đầy đủ và được diễn giải lần đầu tiên ‘bằng tiếng Việt’, với giai đoạn “dân chủ tư sản” gắn kết với giai đoạn “vô sản” trên bình diện cấu trúc, và cả hai giai đoạn này đan xen hữu cơ với phong trào vô sản trên toàn thế giới trong một “thời đại của các cuộc cách mạng vô sản ”. Bản lĩnh cách mạng của thời đại và sự lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản sẽ cho phép các nhà cộng sản Việt Nam vượt qua chủ nghĩa tư bản và xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa từ đầu với nền kinh tế vẫn còn lạc hậu.

 Tuy nhiên, không chỉ đơn giản là tiến trình tư tưởng đã mang lại cho Phú và các đồng chí của ông một cảm nhận sâu sắc về thời đại mà họ đang sống. Đối với một số người trong số họ, trải nghiệm cá nhân của họ khi ở Liên Xô và tham gia cuộc cách mạng Stalin-nít đã góp phần quan trọng vào tiến trình tư tưởng đó. Từ những ghi chép họ để lại, người ta có thể hiểu về những gì của Liên Xô đã khiến họ say mê. Những trải nghiệm cá nhân như vậy là rất quan trọng không chỉ đối với tác động trực tiếp của chúng đối với các cá nhân cụ thể mà còn đối với các giá trị thông tin và biểu tượng của chúng đối với phong trào cộng sản nói chung.[143] Đối với những người cộng sản thuộc thế hệ của Phú, Liên Xô được coi là biểu tượng và hình mẫu của tương lai. Hầu hết các nhà cộng sản Việt Nam, kể cả những người sau này lãnh đạo chế độ cộng sản như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt và Lê Đức Thọ, đều chưa từng đặt chân đến Liên Xô trước khi bước lên các vị trí lãnh đạo. Những gì họ biết về quê hương của Lenin là qua lời kể của những người đã từng ở đó như Trần Đình Long, mà sẽ mô tả ở phần tiếp theo.

 HƯƠNG VỊ CỦA THIÊN ĐƯỜNG

 Cuối thập niên 1920, nhiều thanh niên Việt Nam đã theo Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô học tập. Một trong số đó là Trần Đình Long, có thời gian cùng học đại học trong năm những 1928-1931 với Trần Phú và Ngô Đức Trì. Long cũng từng chiến đấu trong lực lượng Hồng quân Liên Xô suốt bốn tháng. Sau khi trở về Đông Dương, ông trở thành một nhà báo. Nhưng, trong nhưng năm 1936 -1939, khi Đông Dương được hưởng tự do báo chí lớn hơn nhờ chính phủ của Mặt trận Bình dân ở Pháp, Long công bố một hồi ký dài được đăng làm nhiềm kỳ trên hai tờ báo, kể lại trải nghiệm của mình ở Liên Xô.[144] Rõ ràng nửa đầu của cuốn hồi ký này đã bị thất lạc, nhưng nửa còn lại gần 200 trang không đủ để đưa ra một ví dụ về những cách mà Liên Xô có thể đã lôi cuốn thanh niên Việt Nam vào thời điểm đó. [145] Mặc dù có thể Trần Đình Long đã phóng đại tình cảm của mình với Liên Xô trong hồi ký của mình, nhưng trên thực tế, rất nhiều công dân Xô-viết lúc đó đã chia sẻ nhiệt huyết của ông. [146]

 Khác với Nguyễn Ái Quốc, Trần Đình Long ở Liên Xô vào thời kỳ cao trào của cách mạng: 1928 – 1933, là những năm đầu tiên định hình kỷ nguyên Stalin. Những năm này gần trùng hợp với Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (năm 1929-1933), trong đó liên quan đến sự tập trung toàn diện cho tiến trình công nghiệp hóa và tập thể hóa nông thôn.[147] Trong lĩnh vực văn hóa, một cuộc cách mạng văn hóa do Stalin tiến hành đã trở thành một phong trào quần chúng chống lại giới trí thức cũ như là những kẻ thù giai cấp. Như Sheila Fitzpatrick đã mô tả, cuộc cách mạng này có nhiều khía cạnh. ”Đó là một phong trào kích động người lao động liên kết với một chiến dịch chính trị làm mất uy tín phe đối ‘hữu khuynh’ trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX). Đó là một phong trào mang tính biểu tượng của thanh niên nhằm chống lại giới cầm quyền ‘quan liêu’. Đó là một quá trình mà các nhóm cộng sản chủ chiến trong các lĩnh vực thiết lập các chế độ độc tài địa phương và cố gắng cách mạng hóa các kỷ luật của họ”. [148] Mặc dù Long không đề cập đến những sự kiện này trong phần còn lại của cuốn hồi ký của mình, nhưng người ta có thể cảm nhận được một môi trường chính trị cấp tiến hơn nhiều so với những sự kiện trước đó.

 Các chủ đề của Long trải dài từ cuộc sống trong Hồng quân Liên Xô; giới tính và các mối quan hệ tình dục; các tổ chức chính trị và xã hội bao gồm tòa án, nhà tù, đoàn thanh niên, chăm sóc trẻ em và “cảnh sát vệ sinh”; các hoạt động văn hóa như nghệ thuật, thể thao, khiêu vũ, điện ảnh; và các “tệ nạn” xã hội và văn hóa như mại dâm, ma túy, uống rượu và tôn giáo. Giọng điệu phòng thủ thường xuyên của Long cho thấy nỗ lực của ông nhằm chống lại những quan điểm tiêu cực về Liên Xô xuất hiện từ các báo cáo về các phiên tòa xét xử công khai của Stalin được công bố trên báo chí thuộc địa cùng thời điểm đó.[149] Tuy nhiên, những hình ảnh sống động và những cuộc thảo luận thẳng thắn về cảm xúc cá nhân của ông đã thể hiện một cảm giác phấn khích thực sự và niềm tin tha thiết vào cuộc cách mạng Xô-viết.

 Có hai chủ đề chính xuyên suốt cuốn hồi ký của ông. Chủ đề đầu tiên là sự tương phản giữa các xã hội “vô sản” ở Liên Xô với các xã hội “tư bản chủ nghĩa”, “đế quốc” và “phong kiến”. Trần Đình Long kể lại với chúng ta từ trải nghiệm của chính ông rằng “Hồng quân Liên Xô” rất khác biệt với “quân đội tư bản”. Mặc dù Hồng quân có kỷ luật sắt khiến nó trở thành một “đội quân hùng mạnh”, những người lính Hồng quân tuân theo kỷ luật không phải vì họ bị ép buộc, như trong “quân đội tư bản”, mà vì họ ý thức được thực tế rằng “kỷ luật là cần thiết để bảo vệ lợi ích cũng như lợi ích giai cấp của họ trên các chiến trường quốc gia và quốc tế”.[150] Long tin rằng ý thức giai cấp này giúp duy trì sự bình đẳng thực sự giữa sĩ quan và binh lính. Mặc dù những người lính phải tuân thủ các sĩ quan trong giờ làm việc, nhưng trong các cuộc họp “hội đồng” thường xuyên của toàn đơn vị, binh sĩ được tự do chỉ trích sĩ quan - người ra lệnh sai hoặc thể hiện thái độ không phù hợp với họ. Nếu cả đơn vị tỏ thái độ không đồng tình với một sĩ quan, anh ta có thể bị khiển trách và thuyên chuyển công tác. Long thừa nhận rằng hầu hết binh lính xuất thân từ nông dân và vẫn được coi là “rụt rè e sợ” sĩ quan, và một số sĩ quan vẫn thể hiện tâm lý “trưởng giả” trong hành vi của họ và đối xử với binh lính một cách “vênh váo”. Tuy nhiên, ông tin rằng Hồng quân là đội quân “dân chủ nhất” và “bình đẳng nhất” trên thế giới.

 Một sự tương phản rõ nét khác mà Trần Đình Long nhận thấy giữa Hồng quân và các đội quân tư bản là đặc điểm ủng hộ công lý Hồng quân. Ông nhớ lại: “Mọi người lính Hồng quân mà tôi đã hỏi đã nói thẳng với tôi rằng họ nhập ngũ để bảo vệ Liên Xô và phục vụ giai cấp vô sản thế giới khi cần thiết”.[147] Không giống như các quân đội tư bản được tạo ra để trấn áp các cuộc bãi công và các cuộc biểu tình của nhân dân và để chinh phục các thuộc địa, Hồng quân đã tham gia vào việc xây dựng một xã hội không có giai cấp ở Liên Xô và hỗ trợ giai cấp vô sản trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư bản. Nhắc lại tuyên bố của nhà lãnh đạo Liên Xô Voroshilov, Long chỉ rõ rằng Hồng quân sẵn sàng giúp giai cấp vô sản trên thế giới lật đổ chủ nghĩa tư bản, nhưng điều này không có nghĩa là Hồng quân sẽ tìm cách xâm lược các nước khác. Hồng quân chỉ phục vụ giai cấp vô sản thế giới khi họ cần. Nó đã tham gia chiến đấu tại Ngoại Mông, Tây Ban Nha và Trung Quốc để giúp các quốc gia yếu đó chống lại những kẻ xâm lược nước ngoài”. Hồng quân [là] đội quân duy nhất trên thế giới [chiến đấu] chân thành vì công lý” [152]

 Sự tương phản giữa hệ thống xã hội chủ nghĩa và các hệ thống tiền thân của nó được mô tả sống động nhất trong các mối quan hệ về giới ở Liên Xô. Trần Đình Long đã báo trước cuộc thảo luận của mình bằng một lời chỉ trích bằng các bức tranh biếm họa về những người cộng sản ở Việt Nam lúc bấy giờ. Trong phiên bản tiêu cực của những bức tranh biếm họa này, những người cộng sản đã chia sẻ mọi thứ, kể cả vợ của họ. Trong phiên bản tích cực, những người cộng sản được miêu tả là những nhà sư sùng bái hệ tư tưởng của họ đến nỗi họ không bao giờ biết đến “tình ái” [tinh ai].[153] Những người cộng sản từ lâu đã được cho rằng họ chỉ là những con người với những tình cảm bình thường. Mặc dù tình cảm của họ đối với công lý mạnh hơn người thường, nhưng họ có khả năng bị rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên và “tình cảm lãng mạn chân thật và tự do”. Trong các xã hội tư bản: “tình yêu” là kết quả của sự áp bức trong gia đình và ham muốn quyền lực, địa vị xã hội và tiền bạc. Ở Liên Xô, tình yêu là chân chính mà không có ý định lợi dụng nhau. Điều này là có thể bởi phụ nữ Liên Xô là độc lập về tài chính, trong khi phụ nữ trong các xã hội tư bản chủ nghĩa đã không có sự độc lập đó. Phụ nữ Liên Xô được giải thoát thực sự và được hưởng tình yêu đích thực, ngược lại phụ nữ trong xã hội tư bản chỉ là nô lệ của chồng mình và phải bám riết lấy anh ta.

 Trải qua các kỳ nghỉ ở Crimea và “Ughennana” (Ukraine?), Trần Đình Long mô tả những tiếp xúc thể xác giữa nam và nữ ở Liên Xô là cởi mở và “tự nhiên” - thậm chí là “suồng sã”, nhưng đồng thời vẫn duy trì ranh giới rõ ràng giữa tình yêu và tình bạn.[154] Hai nữ giáo viên mỹ thuật của ông là sinh viên đại học trẻ tuổi đã không ngại va chạm và ôm ông khi chơi với ông ấy. Trong khu nhà nghỉ dành cho công nhân ở Crimea, ông kết bạn với hàng trăm cô gái Nga. Một cô gái từng yêu cầu ông ngồi vào lòng cô; một cô gái khác đặt tay ông lên trên tay cô để chứng tỏ sức mạnh của cô; còn một gái nữa đi dạo với ông lúc ba giờ sáng trên bãi biển vắng. Long thú nhận ban đầu ông bị cám dỗ bởi những cô gái này nhưng sau đó nhanh chóng phát hiện ra rằng sự gần gũi thể xác như vậy không có nghĩa là tình yêu hay dục vọng. Nhắc lại quan hệ giới tính ở Việt Nam, ông lên án Khổng Tử vì đã dạy rằng phụ nữ phải giữ khoảng cách xa với nam giới. Các mối quan hệ về giới của Liên Xô chỉ ra rằng những hạn chế đối với sự gần gũi thể xác chỉ làm tăng sự tò mò của mọi người về tình dục và ham muốn của họ đối với nó. Sự tò mò và ham muốn bị kìm hãm sẽ dẫn đến các mối quan hệ bất chính. Từ lâu đã ghi nhận cuộc cách mạng Nga vì “đã khai sáng phụ nữ Nga và đặt họ bình đẳng với nam giới về mọi mặt”. Ông hùng hồn tuyên bố: “Phụ nữ Nga đã phá bỏ bức tường ngăn cách giữa đàn ông và đàn bà - bức tường được xây dựng bởi nền đạo đức ích kỷ chỉ phục vụ cho những ông chủ trong các xã hội phong kiến và tư bản, chia cắt xã hội thành hai nửa và ngăn cản con đường tiến hóa của loài người”.[155]


Khi Trần Đình Long kể hết chủ đề này đến chủ đề khác, sự tương phản rõ rệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội xuất hiện nhiều lần. Luật gia đình của Liên Xô cho phép dễ dàng kết hôn và ly hôn dựa trên ý muốn của các cặp vợ chồng, khác với “luật tư bản” vốn thường ngăn cản các cặp đôi yêu nhau kết hôn và ngăn cản những người phụ nữ bị lạm dụng được quyền ly hôn.[156] Các tòa án Liên Xô tổ chức các phiên tòa (đặc biệt là đối với những kẻ phản cách mạng) tại các tòa án không thường xuyên so với các tòa án ở các nước tư bản. Thay vào đó, những sự kiện này được tổ chức ở những địa điểm công cộng lớn hơn nhiều như rạp hát để người dân bình thường có thể tham dự và quát mắng bị cáo để bày tỏ sự tức giận của họ. Các tòa án Liên Xô thường xuống các nhà máy, công sở, trường học và các trang trại tập thể để xét xử tại chỗ, không giống như các “tòa án tư bản” đã “kín đáo” với người dân. [157] Nền thể thao Xô-viết không đào tạo được các cầu thủ chuyên nghiệp - những người vốn thực sự là hàng hóa để mua bán ở các nước tư bản.[158] Nền thể thao Xô-viết nhằm nâng cao sức khỏe của người dân để họ có thể đấu tranh chấm dứt tình trạng người bóc lột người. Tương tự như vậy, nền nghệ thuật Xô-viết được định hướng phục vụ toàn xã hội, đặc biệt là người dân lao động, trong khi nghệ thuật tư bản chủ yếu được tạo ra vì tiền và chỉ phục vụ một thiểu số giàu có. Trong điều kiện kinh tế suy thoái và hệ thống chính trị suy đồi, nghệ thuật tư bản nhất thiết phải mang những hình thức “khiêu dâm, phóng đãng”, những vũ điệu “uốn éo, thô tục”, và những bộ phim về phụ nữ khỏa thân, dâm dục và tội ác”.[159]

 Như một ví dụ về cách hệ thống Xô-viết thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật phục vụ quần chúng, Trần Đình Long đã thảo luận về chính sách của Liên Xô để bảo vệ và thúc đẩy văn hóa của các dân tộc thiểu số.[160] Trước cuộc Cách mạng, ông lưu ý rằng 90% người thiểu số ở miền Đông Bắc nước Nga mù chữ. Những dân tộc này từng có nền văn học riêng nhưng nền văn hóa của họ đã bị hủy hoại dần sau khi bị Nga hoàng đô hộ suốt hai trăm năm. Kể từ khi “chế độ chuyên chính vô sản” nổi lên, chính phủ Xô-viết đã rất cố gắng sưu tầm và bảo tồn các bài hát và điệu múa dân gian của tất cả các dân tộc để bảo vệ truyền thống tốt đẹp nhất của họ.[161] Chính phủ này cũng đã cố gắng hết sức để cải thiện giáo dục và phát triển các nền văn học dân tộc dựa trên ngôn ngữ của từng nhóm thiểu số: “mang ánh sáng văn học tươi sáng chiếu đến những vùng xa xôi nhất” nơi người Mông Cổ, người Thổ và người Eskimo sinh sống. [162] “Cách tiếp cận theo khuynh hướng của chủ nghĩa vô sản để phát triển văn học” cụ thể là để nhằm mục đích nuôi dưỡng “khái niệm và các tinh thần văn học” cho mỗi nhóm dân tộc, dựa trên tiếng mẹ đẻ của họ và được hỗ trợ bởi tiếng Nga nếu cần thiết. Việc quảng bá tiếng mẹ đẻ làm nền tảng cho các nền văn học và nghệ thuật dân tộc đã cho phép chúng “phát triển tự do theo đặc điểm tự nhiên của chúng”.[163] Nhờ những nỗ lực của chính phủ Liên Xô: “tất cả các nhóm dân tộc ở Liên Xô ngày nay đều sở hữu các phương tiện in ấn của riêng họ để phát triển tài năng của riêng họ và thu thập kiến ‘tri thức cao siêu’ của tất cả các khối quần chúng vốn từ lâu đã bị chà đạp và lãng phí dưới ách tư bản chủ nghĩa”.

 Ghi chép của Long về các chính sách “quyết liệt” của Liên Xô để bảo vệ nền văn hóa dân tộc ngụ ý rõ ràng nơi ông đặt lòng trung thành của mình. Mặc dù những chính sách như vậy chưa từng có trong lịch sử thế giới,[164] Long không mô tả chúng trong một phần riêng biệt mà gộp chúng vào các chính sách về văn học của Liên Xô.

 Đối với Long, nguyên lý trung tâm của các chính sách này là phục vụ quần chúng thay vì giới tinh hoa. Chủ đề chính xuyên suốt mô tả của ông vẫn là sự tương phản giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, chứ không phải sự phân biệt giữa người Nga và các dân tộc thiểu số - mặc dù chủ đề về cơ bản là về các chính sách dân tộc. Người dân tộc thiểu số được coi là một phần của “quần chúng” hơn là những người có bản sắc đặc biệt. Không phần nào trong hồi ký của ông (ít nhất là phần có sẵn) mà ông đề cập đến các vấn đề như độc lập hay tự chủ của quốc gia, dân tộc. Điều khiến ông phấn khởi là sự giải phóng ‘quần chúng’ khỏi sự bóc lột của ‘tư bản’ và ‘phong kiến’ hơn là sự giải phóng các ‘dân tộc’ bị áp bức khỏi đế quốc Nga.

 Trọng tâm thứ hai trong mô tả của Trần Đình Long về Liên Xô là các phương pháp cải tạo xã hội mang tính thâm nhập nhưng vẫn có tính “nhân đạo”, vốn đang làm biến đổi xã hội Xô-viết. Tương tự như Nguyễn Ái Quốc, Long không phủ nhận những vấn đề xã hội mà ông nhận thấy ở Liên Xô. Ông thẳng thắn thừa nhận rằng ở Liên Xô vẫn còn những tên trộm, cướp, giết người và tất nhiên, cả bọn phản cách mạng.[165] Trong số phần lớn người dân Liên Xô đều “giác ngộ ý thức hệ”, vẫn còn nhiều người nghiện rượu, những tên cướp từng là lính da trắng, và những tên ‘kulak’ tống tiền. Những người xấu đại diện cho di sản của hệ thống phong kiến và tư bản chủ nghĩa trong suốt “hai đến ba nghìn năm”. Chẳng hạn, về mại dâm, ông tin rằng tệ nạn xã hội này bắt đầu khi tình trạng người bóc lột người nổi lên trong xã hội loài người. Các vị vua chúa và những tên quý tộc đã có thời gian để thiêu chết và bắt phụ nữ phải phục vụ họ. ”Dưới xã hội tư bản chủ nghĩa là giống hệt như một xác chết thối rữa, chảy máu, và dơ dáy, nạn mại dâm phát triển giống như áp-xe trên da”.[166]

 Đổ lỗi cho các tệ nạn xã hội (bao gồm cả tôn giáo) trong các xã hội có giai cấp, Long say mê với các phương pháp “nhân đạo” mà chính phủ Liên Xô sử dụng để cải cách xã hội. Về tệ nghiện rượu, ông lưu ý rằng chính quyền không bắt buộc mọi người phải bỏ rượu mà chỉ giáo dục họ để chính họ quyết định làm như vậy. “Phương pháp này [duy trì] sự tôn trọng, bảo vệ tự do cá nhân, và tránh sự phản kháng của những người [vẫn đang] nghiện rượu... Phương pháp của chính phủ vô sản [là] vẫn tiếp tục sản xuất rượu nhưng không để ai say”.[167] Điều này được thực hiện bằng cách giảm dần nồng độ cồn trong đồ uống được sản xuất và bằng cách phát động các chiến dịch giáo dục chống rượu bia sử dụng cả khoa học và sự hài hước. Nội tạng được thu thập từ những người say rượu (đã chết?) và được trưng bày cùng với các vụ án giết người liên quan đến rượu. Những vở kịch hài hước được dàn dựng và xuất bản những cuốn sách nhỏ hài hước để mô tả những cơn say rượu. [168]

 Một cách tiếp cận tương tự đã được sử dụng để làm suy yếu ảnh hưởng của các tôn giáo. Trích dẫn Karl Marx, Long cho rằng các tôn giáo thậm chí còn tệ hơn thuốc phiện. Mặc dù sau này tiêu diệt các cá nhân, các tôn giáo đã phá hủy toàn bộ cộng đồng. Tôn giáo bóc lột người; đánh cắp [‘rút tỉa’] đất đai, tiền bạc và nhà cửa của họ; gây ra tâm trí của họ để trở thành yếu ớt, chậm chạp, lộn xộn [‘ngẩn ngơ’, ‘ngây dại’], và u sầu [‘u ám’].[169] Các tôn giáo khiến con người mất đi cảm giác tự chủ và sẵn sàng đấu tranh trong cuộc sống này. Chính phủ Xô-viết lẽ ra đã đóng cửa tất cả các nhà thờ, bỏ tù tất cả các linh mục và cấm mọi người theo các tôn giáo bằng một sắc lệnh, nhưng nó đã không hành động như vậy. Vấn đề chỉ là các linh mục là một loại ký sinh trùng. Những người theo họ (trừ các nhà tư bản), xét cho cùng, là “những người anh em của giai cấp vô sản, những người bị bóc lột cả về vật chất lẫn tinh thần và bị các linh mục lừa đảo”. Phương pháp nhân đạo không phải là để cấm đoán, mà là để giáo dục mọi người bằng chứng cứ khoa học về nguồn gốc loài người và bằng chứng lịch sử về mối quan hệ chặt chẽ giữa các linh mục và Sa hoàng và về những tội ác trong quá khứ của các giáo sĩ. Bên cạnh các vở kịch và sách nhỏ, hai công cụ đặc biệt là các viện bảo tàng và các hiệp hội chống tôn giáo được thành lập ở tất cả các thành phố lớn ở Liên Xô.

 Trần Đình Long tin rằng phương pháp này có hiệu quả, bằng chứng là trong những nhà thờ trống rỗng và vắng lặng, phải dùng nến vì hết tiền trả tiền điện. Một bằng chứng khác là những linh mục mà ông gặp trên đường phố Moscow đang ăn xin hoặc bán báo để kiếm sống. Long vui mừng vì hầu hết các nhà thờ ở thành phố đã đóng cửa. Các nhà thờ nông thôn vẫn tồn tại với số lượng lớn hơn vì các linh mục ở đó được hỗ trợ bởi các địa chủ. Ông dự đoán rằng, sau khi tập thể hóa tiêu diệt hết các địa chủ, vùng nông thôn sẽ bắt kịp các thành phố. Ngày tàn của tôn giáo ở Liên Xô đã điểm.[170]

Các chiến dịch cải cách xã hội đôi khi có những hình thức cưỡng chế, như trong trường hợp “đội vệ sinh ”. Những đội đặc biệt mặc quần áo trắng toát như y tá và tất cả đều mỉm cười trong khi đi xuống các khu phố đã được chọn trước.[171] Không giống như những cảnh sát thu thuế ở thành phố quê hương của ông ở Việt Nam, những người tạo ra sự sợ hãi và thù hận, Long lưu ý rằng những cảnh sát vệ sinh không mang theo vũ khí hoặc đánh đập người dân. Họ là những đội tình nguyện được tổ chức bởi các đoàn bác sĩ và y tá, họ đến từng nhà ở một số khu phố vào những ngày nghỉ và cuối tuần để kiểm tra vệ sinh gia đình. Những gia đình ngăn nắp và sạch sẽ được ca ngợi công khai, trong khi những gia đình bừa bộn và bẩn thỉu sẽ buộc phải dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, quần áo và con cái với sự trợ giúp của họ. Những người đàn ông để tóc dài và để râu bị đem ra làm trò cười và buộc phải ngồi xuống để cắt tóc. Long đã cho rằng in một nghìn cuốn sách không bằng một cuộc trình diễn về lối sống hợp vệ sinh được cung cấp bởi các đội cảnh sát vệ sinh này. Phương pháp này rất dễ hiểu, ngay cả đối với những người tối dạ. [172] Các đội cảnh sát vệ sinh không chỉ loại bỏ sự tối tăm [173] và ô uế mà cũng dạy mọi người cách sống sạch sẽ và hợp vệ sinh. Chúng là sợi dây liên kết giữa công nhân và nông dân, mang lại ánh sáng và sự sạch sẽ cho cuộc sống sau này.

 Các cảnh sát vệ sinh phản ánh cuộc Cách mạng Văn hóa đang bùng nổ ở Liên Xô trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.[174] Trần Đình Long bị hấp dẫn mãnh liệt trước cuộc cách mạng này. Ông ngạc nhiên không chỉ ở sự tương phản tưởng tượng hay thực sự giữa các hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa mà còn ở phương pháp cưỡng chế và mục tiêu cải cách xã hội và văn hóa dài hạn ở Liên Xô. Cũng như Nguyễn Ái Quốc trước đây, Long nhiệt tình với Liên Xô không phải vì ông thấy đây là một đất nước hay một hệ thống hoàn hảo. Thay vào đó, chính tầm nhìn mang tính thay đổi triệt để, các phương pháp cấp tiến và những lời hứa sâu sắc thể hiện trong cuộc cách mạng Stalin-nít đã khiến ông say mê.

 KẾT LUẬN

 Chủ nghĩa cộng sản hoàn mang tính “ngoại nhập” đối với Việt Nam. Khi các nhà cách mạng Việt Nam tiếp thu những lời dạy của Marx và Lenin, họ phải mất một thời gian, nếu họ quan tâm, để dung hòa những tư tưởng cộng sản cấp tiến với thế giới quan hiện có của họ. Trong giai đoạn chuyển tiếp đầu tiên từ Phan Bội Châu sang Nguyễn Ái Quốc, sự quan tâm đến cách mạng Nga đã từ từ phát triển thành một khối lượng kiến thức nghèo nào về ý thức hệ Marx-Lenin. Các nhà cách mạng Việt Nam phải mất nhiều thời gian và công sức mới hiểu được khái niệm cách mạng thế giới trong mối liên hệ của nó với cách mạng Việt Nam. Quá trình cấp tiến hóa tràn đầy sự nhầm lẫn đối với một số người và tạo ra sự phấn khích cho những người khác. Nó tạo ra sự căng thẳng trong phong trào vì một số nhà hoạt động tiếp thu những ý tưởng và khái niệm mới nhanh hơn những người khác. Tỷ lệ hấp thụ tự nhiên phụ thuộc vào năng khiếu cá nhân, khả năng ngôn ngữ, trình độ giáo dục chính quy và tiếp xúc quốc tế. Nó khác nhau giữa những người tham gia vào các nhóm xã hội chủ nghĩa ở Paris, những người học ở Mátxcơva, những người chưa từng ra nước ngoài nhưng được giáo dục đầy đủ để đọc và hiểu các văn bản của chủ nghĩa Mác và Lênin bằng tiếng Pháp, và những người có ít học chính thức và những người được đào tạo tư tưởng lại từ các nhà cộng sản Việt Nam khác. Những xung đột giữa họ trở nên sâu sắc hơn bởi sự thay đổi chính sách của QTC và các vấn đề về truyền thông.

 Qua các tài liệu do VNTNCMĐ biên soạn, có thể thấy quá trình trong đó thế giới quan của các nhà cách mạng Việt Nam đã được quốc tế hóa dần dần nhưng hầu như vẫn bị ngăn cách. Suy nghhĩ của Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng ông đơn giản là một người theo chủ nghĩa quốc tế đang trong quá trình tiến hóa. Từ “Đường Kách Mệnh” đến chương trình ông đề ra cho ĐCSVN, ông đã tìm cách dịch các khái niệm của chủ nghĩa cộng sản quốc tế sang tiếng Việt và theo sát lối tư duy gần nhất của QTCS khi nó được truyền đạt cho ông.

 Trong quá trình chuyển đổi thứ hai, từ TNCMĐ sang Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn thành ĐCSĐD với sự tham gia của nhiều đồng chí trẻ hơn và có trình độ học vấn tốt hơn Quốc, thế giới quan của chủ nghĩa Marx-Lenin đã có được một phẩm chất hữu cơ và năng động nhờ sự tổng hợp các khía cạnh cụ thể của nền chính trị Việt Nam với nền chính trị toàn cầu. Kết quả cuối cùng là sự rõ ràng và vững chắc của tầm nhìn và chiến lược, với tầm nhìn tách ra hoàn toàn từ và chiến lược gây ảnh hưởng được làm mạnh thêm. Chắc chắn rằng cả tầm nhìn và chiến lược sẽ được điều chỉnh liên tục để phản ánh thực tế đang thay đổi, nhưng chúng ta sẽ xem trong các chương tiếp theo làm thế nào để các khía cạnh cốt lõi vẫn nhất quán trong nửa thế kỷ tới khi những các nhà cộng sản Việt Nam thuộc thế hệ Trần Phú lãnh đạo cuộc cách mạng.

 Các nghiên cứu hiện tại chỉ ra sự thay đổi trong chính sách liên minh giai cấp từ Nguyễn Ái Quốc đến Trần Phú là bằng chứng về việc một phe “quốc tế chủ nghĩa” và “giáo điều” do Matxcơva đào tạo đã đánh bại phe “dân tộc chủ nghĩa” và “thực dụng” vốn chủ yếu quan tâm đến độc lập dân tộc. Tuy nhiên, các hồ sơ có sẵn cho thấy tất cả họ đều trung thành với sự lãnh đạo và chính sách của QTCS. Các cuộc xung đột giữa các nhóm khác nhau và cá tính trong phong trào trong năm 1928- 1930 chủ yếu về lãnh đạo, tổ chức và chiến lược, chứ không phải về niềm tin cách mạng. Niềm tin đó đã không chia rẽ các phe phái này; nó đã giúp đoàn kết họ. Đối với họ, chủ nghĩa Marx-Lenin không phải là một giáo điều trừu tượng mà là một lý thuyết khoa học sinh động và thành công. Bằng chứng nằm ngay ở Liên Xô, nơi họ tìm thấy một tầm nhìn thuyết phục về sự thay đổi căn bản bất chấp những khiếm khuyết của xã hội Xô-viết. Các phương pháp cưỡng chế của chủ nghĩa Stalin đã giành được sự ngưỡng mộ của họ, và họ tỏ ra không mấy thiện cảm và khoan dung đối với nền văn hóa và xã hội truyền thống nơi họ đến.

 Trong thời kỳ này, ý thức hệ đã giúp các nhà cách mạng Việt Nam trên ba phương diện. Thứ nhất, nó xác định lại sứ mệnh của họ, đó không chỉ là giải phóng Việt Nam khỏi ách thống trị của Pháp mà còn là tạo ra một xã hội cách mạng mới và đóng góp cho cách mạng thế giới. Ý thức hệ đã tạo cho họ một tầm nhìn và kế hoạch chi tiết cho sự thay đổi, trong trường hợp này là mô hình của Liên Xô, sẽ hướng dẫn cuộc cách mạng của họ thông qua những biến cố đầy thăng trầm. Thứ hai, ý thức hệ cung cấp chất keo kết dính cho các nam nữ thanh niên trẻ như Phú và Long để để tạo ra một đảng chính trị mang với sứ mệnh - Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối cùng, ý thức hệ đã liên kết các nhà cách mạng Việt Nam với một mạng lưới xuyên quốc gia gồm các nhà nước (Liên Xô) và các phong trào (chủ nghĩa cộng sản Pháp và Trung Quốc) cung cấp kinh phí, đào tạo và những sự bảo vệ trước sự đàn áp của Pháp.

 Ý thức hệ sẽ tiếp tục phục vụ cách mạng Việt Nam trong thập kỷ tới. Tiếp theo, Chương 2 sẽ thảo luận về tầm nhìn của Trần Phú về cách mạng Việt Nam tồn tại suốt thập niên 1930 dù đã qua hai lần thay đổi lãnh đạo hoàn toàn. Cuộc đàn áp tại thuộc địa, với mức độ hiệu quả của nó, chỉ tiêu diệt được những người truyền tin chứ không tiêu diệt được thông điệp.

 *

VỀ TÁC GIẢ

 Vũ Tường là giảng viên tại Khoa Khoa học chính trị của Đại học Oregon (Hoa Kỳ) từ năm 2008. Ông cũng thỉnh giảng tại Đại học Princeton và Đại học Quốc gia Singapore. Nghiên cứu của ông tập trung vào các đề tài: chính trị học so sánh về sự hình thành nhà nước, các vấn đề về phát triển, chủ nghĩa dân tộc, và các cuộc cách mạng, đặc biệt là tại vùng Đông Á. Ông cũng là tác giả của cuốn ‘Paths to Development in Asia: South Korea, Vietnam, China, and Indonesia’ [Các con đường phát triển ở châu Á: Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia] (Cambridge University Press, 2010),

*

Nguồn: Tuong, Vu (2017). "Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology". Cambridge: Cambridge University Press.

 

1 comment: