Pages

July 25, 2020

Thuật ngữ chính trị (40)

Political Dictionary – The Bridge

115. Dialectical Materialism – Chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng do Marx và Engels sáng lập, là một trong ba bộ phận cấu thành của Chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa duy vật biện chứng ra đời vào những năm 40 thế kỉ XIX và do Marx và Engels tiếp thu một cách có phê phán những thành quả của triết học cổ điển Đức, nhất là phép biện chứng trong hệ thống triết học của Hegel và giả định rằng tư tưởng, niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo..v.v. đều bắt nguồn từ những điều kiện vật chất của đời sống, và không phải là những yếu tố độc lập trong xã hội. Phép biện chứng - được các triết gia Hy Lạp như Socrates và Plato sử dụng - cho rằng sự thay đổi trong các hiện tượng, sự vật là do mâu thẫn giữa các mặt đối lập của sự kiện, hiện tượng đó. Đối với Hegel, phép biện chứng được sử dụng trong lĩnh vực tư tưởng và tinh thần, trong khi đối với Marx, người tuyên bố là đứng trên vai Hegel, tiến bộ thực sự diễn ra trên bình diện vật chất. Bình diện vật chất là nền kinh tế, được quyết định bởi phương thức và phương tiện sản xuất.


116. Dictatorship – Chế độ độc tài/chuyên chính. Chế độ độc tài/chuyên chính là hình thức chính phủ, trong đó một người nắm toàn bộ quyền lực chính trị. Trong thời cổ đại, người ta thường bổ nhiệm một nhà độc tài tạm thời nắm quyền, đây được coi biện pháp khẩn cấp mà các nước theo những hình thức cai trị khác nhau áp dụng trong những giai đoạn nào đó. Cộng hòa La Mã bổ nhiệm những nhà cai trị độc tài trong giai đoạn khủng hoảng quân sự (thuật ngữ chế độ độc tài phát sinh từ đó), và các quốc gia thành bang Hy Lạp cố đại cũng từng trao quyền lực tối cao cho các cá nhân, ví dụ Solon vào năm 594 – 593 trước Công nguyên, khi sự đoàn kết trong cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng.

Trong thời hiện đại, nhiều nhà độc tài (dictator) giành được quyền lực trong vai trò người lãnh đạo các phong trào quần chúng, và cai trị nhờ kiểm soát được các phong trào đó hoặc thông qua các đảng chính trị độc chiếm được quyền lực. Nhà độc tài cũng thường xuyên từ quân đội mà ra, đấy là khi lực lượng vũ trang cướp được chính quyền sau một cuộc đảo chính. Cần phân biệt giữa nhà độc tài nắm được quyền lực do được lòng dân hoặc kiểm soát được các lực lượng cưỡng bức, và nhà lãnh đạo dường như là độc tài, nhưng trên thực tế lại chỉ là người đứng đầu hoặc “là cột cờ trong bó đũa” của bè lũ cầm quyền. Thuật ngữ này cũng thường được dùng nhằm phỉ báng những người có ảnh hưởng cá nhân rất lớn, mặc dù họ hành động trong khuôn khổ pháp lý của chế độ dân chủ. Hitler, Mussolini và Stalin là những nhà độc tài thực sự, trong khi những nhà lãnh đạo Liên Xô trong giai đoạn sau này là những người có quyền lực to lớn nhờ địa vị trong hệ thống của Đảng và phải đấu tranh với các thành viên khác của Bộ chính trị, có lẽ không tìm cách trở thành những nhà độc tài thực sự. Trong số các nhà lãnh đạo hiện đại khác, tướng Franco chắc chắn là người cai trị đầy quyền lực cho đến cuối đời, trong khi tướng de Gaulle gần với mô hình nhà độc tài được dân chúng bổ nhiệm khi xảy ra “khủng hoảng” tương tự như thời La Mã cổ đại. Các nhà lãnh đạo dân túy cầm quyền dựa vào các nghị viện mà đảng của họ đã nắm trọn quyền kiểm soát, thường tìm cách gian lận bầu cử. Đây là hiện tượng phổ biến trong một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ; nhiều nhà lãnh đạo ở đây đã gần trở thành những nhà độc tài, chí ít là trong thời gian ngắn.

117. Dictatorship of the Proletariat – Chuyên chính vô sản. Chuyên chính vô sản là một trong những khái niệm quan trọng nhất của chủ nghĩa Marx, được các nhà lãnh đạo cánh Bolshevik trong Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga, (sau này là Đảng Cộng sản Liên Xô), đặc biệt là của Lênin, sử dụng nhằm biện minh cho vai trò chủ đạo của Đảng Cộng sản trong nhà nước mà giai cấp công nhân đã giành được quyền lực. Dựa theo học thuyết Marxist-Leninist, ngay sau khi lật đổ được chủ nghĩa tư bản sẽ có giai đoạn trung gian, trong đó, đảng Cộng sản, với tư cách là đội tiên phong của giai cấp vô sản, sẽ nắm quyền kiểm soát chính trị và kinh tế xã hội. Chính quyền đó gọi là “Chế độ chuyên chính vô sản”. Chuyên chính vô sản là chế độ phi dân chủ và chưa công bằng, đấy là tình trạng không thể tránh được, vì không thể tiến thẳng từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội thực sự khi chưa xây dựng xong những điều kiện cần và đủ. Đây là những điều kiện kinh tế, phụ thuộc vào trình độ phát triển tư bản mà quốc gia đã đạt được, nhưng quan trọng hơn là xây dựng “Con người xã hội chủ nghĩa”. Tức là phải phát triển ý thức xã hội chủ nghĩa chân chính trong quần chúng nhân dân. Khi quần chúng chưa nắm được hệ tư tưởng chân chính thì chưa thể giao cho họ quyền quyết định về chính trị và xã hội, vì đời sống trong xã hội tư bản chủ nghĩa tiếp tục tha hóa họ và xuyên tạc tư tưởng chân chính của chủ nghĩa Marx-Lenin. Cuối cùng, khi quần chúng đã thấm nhuần tinh thần xã hội chủ nghĩa, thì không chỉ quyền lực bao trùm của Đảng mà toàn bộ nhà nước sẽ “tự tiêu vong”, lúc đó sẽ là xã hội phi giai cấp. Cho đến lúc đó, dân chủ có thể cản trở quá trình phát triển; thái độ ích kỷ và xung đột sẽ lan tràn nếu Đảng, với những đảng viên có nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội khoa học, không nắm chắc quyền kiểm soát chặt chẽ toàn bộ xã hội và không đàn áp tàn dư của chủ nghĩa tư bản. Có thể thấy những nỗ lực nghiêm túc trong việc xây dựng con người xã hội chủ nghĩa trong nhiều lĩnh vực của đời sống ở Liên Xô, ví dụ như luật hình sự và trên hết là hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, sự thật là học thuyết này đặc biệt hữu ích khi những người Bolshevik, năm 1917, đã biến cuộc cách mạng của quần chúng vào tháng Hai thành cuộc cách mạng do họ lãnh đạo. Nhiều người cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga không được đa số dân chúng ủng hộ mà là một cuộc đảo chính. Vì vậy, cần phải giải thích con đường đưa tới cuộc cách mạng theo tinh thần của Marx và những biện pháp giúp những người cộng sản giữ được chính quyền. Cùng với sự sụp đổ của chính phủ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô, và chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên, những người Marxist còn lại trong những nước này đã phải từ bỏ khái niệm chuyên chính vô sản để tham gia vào những cuộc bầu cử dân chủ.

1 comment: