Pages

July 18, 2020

Thuật ngữ chính trị (38)

Political Dictionary – The Bridge

107. Dependency Theory - Lý thuyết phụ thuộc. Lý thuyết phụ thuộc là quan điểm tương đối thịnh hành trong những năm 1960 và 1970 về quan hệ giữa các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây và Thế giới thứ ba và hiện vẫn còn được một số người ủng hộ. Lý thuyết này có nguồn gốc từ lý thuyết về chủ nghĩa đế quốc về kinh tế và cũng được sử dụng để phê phán các chương trình viện trợ nước ngoài từ các quốc gia phát triển. Tư tưởng cơ bản là các cường quốc tư bản như Hoa Kỳ và các thành viên chủ chốt của Liên minh Châu Âu chưa thực sự từ bỏ chủ nghĩa thực dân, mà, trên thực tế, tiếp tục kiểm soát về chính trị các nước Mĩ Latinh, châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, hiện nay họ kiểm soát bằng áp lực kinh tế và lợi dụng ưu thế trên thương trường nhằm khai thác lợi thế trong thương mại quốc tế. Lý thuyết này cho rằng phần lớn nguồn tài chính phát triển công nghiệp và nông nghiệp trong Thế giới Thứ ba có xuất xứ từ thị trường tiền tệ trong các nước tư bản phát triển, cho nên quá trình phát triển này gắn liền với lợi ích kinh tế của phương Tây.


Một số người còn phát triển lý thuyết này đến mức nghi ngờ các khoản viện trợ nước ngoài, vì cho rằng những khoản tài trợ này được sử dụng để phát triển kinh tế của Thế giới Thứ ba sao cho họ vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường của Thế giới Thứ nhất. Trong khi rõ ràng là sức mạnh kinh tế là cực kì quan trọng, và các nhà đầu tư phương Tây sẽ tìm cách tối đa hóa lợi thế của mình, chưa biết là các nước nghèo và quá đông dân có phương án thay thế nào, ít nhất là trong ngắn hạn, nếu không bán nguyên vật liệu mình cho thị trường phương Tây. Nói cho cùng, các điều khoản thương mại cho việc mua bán nguyên vật liệu không được ấn định một lần và vĩnh viễn. Dù có thể từng là biện pháp bóc lột và kiểm soát chính trị của Thế giới Thứ nhất; hiện nay rõ ràng đây là vũ khí có sức mạnh đáng kể nằm trong tay các quốc gia dầu mỏ trong cuộc đấu tranh chống lại những người đã từng bóc lột họ. Nhưng, lý thuyết này giúp cho người ta thấy những sợi dây xích của của các đế chế được hình thành trong quá trình khai thác thuộc địa trong thế kỉ XIX kéo dài đến mức nào. Cùng với những cánh tay nối dài của các công ty đa quốc gia nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ chính phủ phương Tây nào, các công ty này thường xuyên kiểm soát nguyên vật liệu của các nước nghèo, khái niệm về phụ thuộc kinh tế là không thể bỏ qua được. Tuy nhiên, trong những năm 1980, rõ ràng là các thị trường tiền tệ phương Tây từng tài trợ cho quá trình phát triển của Thế giới Thứ ba đã bị chính sách của những nước này gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Các khoản tiền mà những nước thuộc Thế giới Thứ ba không những không đem lại lợi ích cho New York, London, Paris, v.v. mà việc nhiều nước mất khả năng trả nợ, cùng với mức độ tự tin ngày càng gia tăng của con nợ, dẫn đến các ngân hàng phương Tây bị mất hàng tỷ USD và một số thiết chế có nguy cơ bị xóa sổ.

108. Deputy – Các nghị sĩ/Phó. Nghị sĩ là thành viên dân cử của cơ quan lập pháp. Thuật ngữ này thường không được sử dụng cho các thành viên Nghị viện Anh, mà thường được dùng cho các thành viên của cơ quan lập pháp Pháp, Đức và Ý. Thành viên cơ quan lập pháp được coi là nghị sĩ (deputy) có nghĩa vụ thể hiện quan điểm của những cử tri đã bầu cho mình, nghĩa là người đó là đại biểu (delegator) của cử tri.

Thuật ngữ deputy/phó đôi khi được sử dụng để chỉ một người đại diện cho lãnh đạo hoặc giữ vị trí của người lãnh đạo, khi cần. Do đó, hầu hết các đảng chính trị đều có phó chủ tịch/phó tổng thư kí. Về mặt kỹ thuật, phó là người hành động khi người đứng đấu vắng mặt hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ của mình. Tiền tố “vice”, ví dụ, vicepresident Hoa Kỳ, cũng thường được sử dụng để thay thế cho deputy.


109. Deregulation – Giảm/Bãi bỏ điều tiết. Bãi bỏ điều tiết liên quan chặt chẽ - cả lý thuyết lẫn thực hành – với quá trình tư nhân hóa, đặc điểm chung của những thay đổi trong chính sách kinh tế trong 25 năm cuối cùng của thế kỷ XX. Trước đây, ngay cả trong những nền kinh tế tư bản chủ nghĩa tự do nhất như Hoa Kì, cũng có nhiều ngành công nghiệp bị điều tiết (regulated). Các chính phủ thường có xu hướng điều điều một tiết số công ty trong khu vực kinh tế nào đó, hoặc ít nhất là quy định những điều kiện tham gia thương trường và thậm chí, kiểm soát hoạt động của các công ty trong những lĩnh vực này. Điều tiết là do người ta sợ rằng cạnh tranh không được kiểm soát sẽ đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và được các công ty trong khu vực được điều tiết ưa thích vì áp lực cạnh tranh giảm. Do đó, các công ty vận chuyển, cả hàng không và xe khách đường dài, thường được điều tiết. Phải có giấy phép mới được tham gia vận chuyền, vì vậy, số công ty được phép cạnh tranh trong lĩnh vực này thường có giới hạn. Từ những năm 1970 trở đi, nhiều nước đã quay về với lý thuyết về kinh tế thị trường tự do cho nên nhiều chính phủ đã loại bỏ hoặc giảm các quy định nhằm điều tiết thị trường. Người ta luôn luôn hi vọng rằng cạnh tranh sẽ làm cho việc vận chuyển trở thành an toàn hơn và rẻ hơn mà không làm giảm đáng kể chất lượng dịch vụ.

Vì nhiều khu vực được điều tiết nhiều nhất cũng lại do các công ty độc quyền của nhà nước kiểm soát, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và truyền thông, cho nên bước đầu tiên là tư nhân hóa. Tuy nhiên, chính phủ không thể cho công ty độc quyền tư nhân thay thế độc quyền nhà nước, vì vậy, áp dụng cạnh tranh đã song hành với bãi bỏ điều tiết.

110. Détente – Giảm căng thẳng. Thuật ngữ này dùng để nói về giai đoạn giảm căng thẳng trong qua hệ giữa Hoa Kì và Liên Xô trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Giảm căng thẳng liên qua mật thiết với quá trình kiểm soát vũ khí, kéo dài từ năm 1963 đến những năm 1970. Đức là nước mà chính sách détente có ảnh hưởng quan trọng nhất và có thể là thực tế nhất. Việc bình thường hóa quan hệ giữa Liên Xô và Tây Đức đã diễn ra khoảng 20 năm trước khi Liên Xô sụp đổ và thống nhất nước Đức.

1 comment: