Pages

November 6, 2017

TRONG KHI CHÚNG TA BỊ ÁM ẢNH VỀ TRUMP, TRUNG QUỐC ĐANG LÀM NÊN LỊCH SỬ

Fareed Zakaria, Washington Post, 26-10-2017

Trần Ngọc Cư dịch

Trong khi các tin tức và phân tích thời sự Mỹ liên tục bị ám ảnh về các hành vi lố bịch và các câu chửi cơm bữa của Trump, thì cách nửa vòng trái đất, một sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Trung Quốc gửi tín hiệu là hiện nay họ tự coi mình là một siêu cường khác của thế giới, tạo cho mình tư thế của một kẻ thay thế, nếu không muốn nói là đối thủ, của Mỹ.

Đây không phải là ý kiến của tôi dựa vào đọc mu rùa về chính sự Trung Quốc. Đây là quan điểm được phát biểu rõ ràng từ lãnh tụ tối cao của Trung Quốc, Tập Cận Bình. Trong diễn văn ông đọc tuần trước tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19, Tập tuyên bố rằng Trung Quốc đang ở vào một “thời cơ lịch sử,” bước vào một “kỷ nguyên mới” sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một “lực vĩ đại” [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế. Ông quyết đoán rằng “chế độ chính trị Trung Quốc … là một sự sáng tạo vĩ đại” cống hiến một lựa chọn mới cho các nước khác. Và ông nhấn mạnh rằng nước ông sẽ ra sức bảo vệ các lợi ích của mình đồng thời cũng trở nên một lãnh đạo toàn cầu trên các vấn đề như thay đổi khí hậu và thương mại.

Kể từ những năm 1970 khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách cô lập của Mao, triết lý chỉ đạo Trung Quốc là của Đặng Tiểu Bình. Vào thời đó, Trung Quốc cần phải học hỏi từ Phương Tây, đặc biệt Hoa Kỳ, và tình nguyện hội nhập vào trật tự quốc tế đang hiện hữu. Theo Đặng, Trung Quốc cần phải khiêm nhượng trong chính sách đối ngoại, “thao quang dưỡng hối” [che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối] và “đợi thời cơ.” Nhưng, theo quan điểm của Tập, hiện nay thời cơ đó đã đến; ông tuyên bố rằng Vương quốc Trung tâm [the Middle Kingdom – tức Trung Quốc] sẵn sàng “chiếm sân khấu trung tâm của thế giới.”

Diễn văn của Tập quan trọng ở chỗ Đại hội Đảng kỳ này đã chứng minh ông không phải là một lãnh đạo tầm thường. Ông bước vào nhiệm kỳ hai Tổng bí thư đảng mà không cần đề cử bất cứ người kế vị rõ rệt nào từ thế hệ đảng viên tiếp theo, do đó ông sẽ duy trì sự kiểm soát quyền lực vững chắc hơn các vị tiền nhiệm gần đây của ông rất nhiều. Quan trọng hơn nữa, Đảng còn đưa tư tưởng Tập vào Hiến pháp, một vinh dự trước đây chỉ trao cho Mao Trạch Đông khi ông còn sống. (Tư tưởng Đặng cũng được thêm vào Hiến pháp, nhưng chỉ sau khi ông đã qua đời.) Điều này có nghĩa là trong phần đời còn lại của mình, Tập và tư tưởng của ông sẽ thống trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong một số gần đây của tạp chí New York Review of Books, Andrew Nathan nhận xét rằng chính sách Phương Tây đối với Bắc Kinh thường giả định rằng, qua thời gian, khi Trung Quốc đã hiện đại hóa kinh tế của mình, quốc gia này sẽ trở nên đa nguyên hơn [more pluralistic] với chính trị trong nước và hợp tác nhiều hơn với nước ngoài. Nhưng, Nathan thêm rằng một số nhà văn và nhà báo, như James Mann chẳng hạn, lại lo ngại rằng Trung Quốc vẫn duy trì chế độ chuyên chế và tiếp tục hậu thuẫn các nước phi dân chủ khác.

Thực tế không hẳn cực đoan như Mann tiên đoán. Trung Quốc vẫn kiên quyết duy trì chế độ chuyên chế – trên thực tế, thậm chí còn cứng rắn hơn trong những năm gần đây. Nhưng trên các vấn đề như thay đổi khí hậu, thương mại và Bắc Triều Tiên, thật ra Trung Quốc trở nên hợp tác hơn. Mặc dù Bắc Kinh đã cố gắng thiết lập một vài định chế quốc tế của chính mình thay thế cho định chế hiện có, Trung Quốc cũng là nước đứng thứ ba trong việc tài trợ Liên Hợp Quốc và là nước đứng thứ hai đóng góp vào ngân sách duy trì hoà bình của tổ chức quốc tế này. Trung Quốc tìm cách xét lại hệ thống quốc tể để đáp ứng với quyền lực đang lên của chính mình, song đó không phải là một cuộc cách mạng hay một nỗ lực thay thế toàn bộ trật tự quốc tế do Phương Tây lập ra.

Một phần, lập trường mới của Trung Quốc đối với thế giới và cách nó được tiếp nhận, là hậu quả của sức mạnh kinh tế kéo dài của Trung Quốc và sự tự tin về mặt chính trị của Đảng dưới sự lãnh đạo của Tập. Nhưng những biến chuyển này cũng đang diễn ra trong bối cảnh có sự sụp đổ toàn bộ của thẩm quyền chính trị và đạo lý của Mỹ trên thế giới. Một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, trong hơn 30 nước được thăm dò, Hoa Kỳ mất đi 14 điểm ở những người vốn nhìn Hoa Kỳ bằng con mắt thiện cảm.

Những nước như Australia, Hà Lan và Canada tất cả đều có một cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc hơn với Hoa Kỳ. Nhiều nước được thăm dò, gồm cả Đức, Chile và Indonesia, đặt tin tưởng vào tài lãnh đạo của Tập nhiều hơn tài lãnh đạo của Trump. Trung Quốc hăng hái tìm cách cải thiện hình ảnh của mình trên thế giới, chi tiêu hàng tỉ Mỹ kim vào ngoại viện, đưa ra nhiều hứa hẹn thương mại và đầu tư, và mở nhiều Viện Khổng Tử để cổ vũ văn hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, ta hãy thử xem hiện nay Hoa Kỳ chắc chắn sẽ xuất hiện như thế nào trước mắt phần còn lại của thế giới. Đấy là một quốc gia bị tê liệt về mặt chính trị, không thực hiện được các quyết định quan trọng. Giữa một núi nợ ngày càng phình ra, các đầu tư của Mỹ vào giáo dục, cơ sở hạ tầng, và khoa học kỹ thuật đang thiếu thốn nghiêm trọng. Chính trị đã trở thành một loại show Truyền hình thực tế [reality TV], với các câu chửi, các lời bốp chát, và các bình luận hàng ngày bên lề show diễn. Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lịch sử đã được thay thế bằng một ý thức hệ hẹp hòi, gò bó [a narrow and cramped ideology]. Chính sách đối ngoại đã trở thành một trò chơi đảng phái, với việc Washington xé bỏ các hiệp ước, thay đổi đường lối và đảo ngược chính sách gần như toàn bộ để lấy điểm với phe đảng chính trị của mình ở trong nước.

Sự thay đổi về uy tín của các đại cường mà chúng ta đang chứng kiến khắp thế giới phần lớn không do sự trỗi dậy của Trung Quốc mà do chính sự suy đồi của Hoa Kỳ.

F. Z.

Fareed Zakaria là một nhà báo và là một tác giả Mỹ gốc Ấn Độ. Ông làm chủ chương trình Fareed Zakaria GPS trên CNN và giữ cột bình luận hàng tuần trên tờ Washington Post. Tốt nghiệp Harvard và Yale. (Wikipedia)

No comments:

Post a Comment